Thứ Sáu, 29 tháng 5, 2015

Tu


Trong Phật Tử chúng ta ngày nay đa số không hiểu rõ chữ TU, nên ứng dụng sai lầm một cách đáng thương. Khi đến chùa qui y, họ thầm nghĩ từ đây về sau được Phật hộ độ cho mình khoẻ mạnh, gia đình mình an ổn, mọi mong cầu được như ý, khi chết được Phật rước về cõi Phật... Chớ họ không hiểu rằng, kể từ ngày qui y Tam Bảo là tự mình quyết tâm chừa bỏ những thói hư tật xấu, mình quyết thắng mọi tâm niệm, hành động đê hèn ác độc của mình, tạo dựng đầy đủ phước lành để chết được sanh về cõi Phật. Họ đinh ninh trong lòng TU là nương tựa Tam Bảo, là van xin với Phật, là thỏa mãn mọi mong cầu, là an lành suốt cuộc đời..., nên trở thành yếu hèn ỷ lại, mất hết ý nghĩa chữ TU.
Bởi bản chất của con người là yếu hèn, sợ hãi, tham lam, nên bước vào đường tu, họ thích ỷ lại, van xin và mong cầu. Do đó làm biến thái tinh thần tu hành của người Phật Tử.
Yếu Hèn - Phát xuất từ tư tưởng yếu hèn, nên khi qui y Tam Bảo Phật tử này chỉ một bề trông cậy gởi gấm đời sống của mình và gia đình mình cho Phật, mọi việc đều Phật độ hộ cho, khi sống được bình an, lúc chết được Phật rước về cõi Phật. Với tâm niệm này, Phật tử cứ tưởng tu là thường đi chùa lễ Phật, thường cúng dường, thường cầu nguyện là tròn bổn phận người tu. Những người này cung kính Phật như một vị thần hộ mạng, tưởng như Phật đủ quyền năng bảo hộ cho bản thân và gia đình họ suốt đời. Vì thế, khi bản thân hay gia đình xảy ra tai ách gì, họ tha thiết chí thành cầu Phật gia hộ cho tai qua nạn khỏi. Nếu cầu nguyện Phật không được kết quả, nghe ở đâu có cậu đồng bà bóng giỏi, hoặc ông thần nào linh thiêng cầu gì cũng được như nguyện, họ liền mang hương đèn đến đó cầu xin. Bởi đến Phật bằng tâm ỷ lại, nên khi trông cậy không được toại nguyện thì họ bước sang nơi khác một cách dễ dàng.
Sợ Hãi - Khi gặp tai nạn, người ta không biết nơi nào ẩn náu cho được an ổn, nghe ai giới thiệu qui y với Phật sẽ được bình an, họ liền đến xin qui y Tam Bảo. Họ cứ nghĩ qui y Phật sẽ được Phật che chở, cứu độ cho qua hết tai nạn. Vì thế, họ chỉ biết tu là van xin, cầu khẩn, chí thành khấn vái là tu. Mỗi đêm họ thắp hương lễ Phật, cầu nguyện Phật gia hộ cho họ được mọi thứ an bình. Trong gia đình khi có người bệnh hoặc xảy ra tai nạn, họ thắp hương quỳ trước bàn Phật tha thiết van xin Phật cứu bệnh giải ách. Nếu van xin được kết quả tốt, họ tăng trưởng lòng tin Tam Bảo. Bằng trái lại, họ mất lòng tin Phật, vì Phật không linh ứng như sở cầu. Ðược nghe nơi nào linh thiêng xin gì được mấy, họ liền từ giã đạo Phật để sang nơi đấy cầu xin. Do họ đến với Phật bằng tâm niệm sợ hãi, nên đời tu của họ chỉ cầu được bình an. Nếu không được bình an, họ sẽ chạy tìm nơi khác để ẩn nấp.
Tham Lam - Do lòng tham sâu đậm, nên khi quy y Phật họ vẫn một bề mong cầu cho thỏa mãn lòng tham. Ðến chùa không phải để học đạo tu hành, mà để cầu xin. Chỉ cần cúng Phật một bó nhang, một đĩa quả, họ lại xin Phật đến trăm ngàn thứ. Nào là xin Phật cho gia đình bình an, xin cho con cái thi đậu, xin cho làm ăn phát tài, xin cho tai qua nạn khỏi, xin cho thân nhân qúa cố được siêu sinh Tịnh độ v.v... và v.v... Họ chi ra cúng Phật quá ít, mà họ lại xin quá nhiều. Nếu xin được như ý thì họ tinh tấn đi chùa, còn xin không được thì họ tìm chỗ nào linh thiêng hơn để đến cầu xin cho thỏa mãn.
Bởi những người Phật tử như thế đến với chùa, nên trong chùa mới có xin xâm bói quẻ, coi sao cúng hạn, coi ngày lành ngày dữ để thỏa mãn đòi hỏi của họ. Mặc dù gần đây Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam kêu gọi dẹp bỏ mê tín dị đoan, song thói quen của các Phật tử này vẫn chưa bỏ được. Nguyên nhân Phật Giáo suy đồi phần lớn do những vị này mà ra. Là Phật tử mà họ không tin Nhân Quả, không hiểu Phật là gì, không biết TU thế nào, làm sao không tạo thành những điều kiện u tối cho Phật Giáo? Ðây là những tệ nạn do các Phật tử quan niệm tu Phật để "Cầu được bình an."
Nếu người hiểu rõ "Tu là sửa đổi xấu xa thành hay tốt" thì không có quan niệm như trên. Mục đích của họ đến qui y Tam Bảo cốt nương chánh pháp để tu hành trừ sạch bệnh tham sân si phiền não của mình. Phật thường dạy, Ngài "theo bệnh cho thuốc để trừ bệnh khổ cho chúng sanh". Nơi nột tâm chúng ta có bệnh gì thì Phật có thứ thuốc ấy để trị lành bệnh. Cho nên nói: "Chúng sanh có vô lượng phiền não, Phật có vô lượng pháp môn". Vì thế, TU là dùng Phật pháp chuyển hóa tâm niệm sai lầm, xấu xa, tội ác của chúng ta. Biết vậy thì TU là phải học hỏi giáo pháp và ứng dụng giáo pháp để trị lành những tâm bệnh của mình. Học hỏi giáo pháp là mở sáng con mắt trí tuệ, là đi dần trên con đường giác ngộ, tức là TU theo đạo Phật. Vì Phật là con người giác ngộ, đạo Phật là con đường tiến đến giác ngộ. Mọi khổ đau của chúng sinh do si mê tạo nên, muốn giải thoát khổ đau là phải giác ngộ. Tuy nhiên giác ngộ mức độ cao thấp khác nhau, tùy đó mà con người được bớt khổ hay hết khổ. Học hỏi giáo pháp là học Phật, ứng dụng giáo pháp để tu hành là tu Phật. Với tinh thần tu học này, chúng ta không tìm đâu thấy có ỷ lại, van xin, cầu cúng; mà thấy mỗi người trang bị sẵn ngọn đuốc trí tuệ cuả mình để mồi với ngọn đuốc chánh pháp của Phật. Những người này không có yếu hèn, sợ hãi, tham lam; mà lòng cương quyết, can đảm, kiên trì tự nỗ lực tu hành cho đến ngày giải thoát. Tham sân si là mục tiêu họ phải chiến đấu đến bao giờ tiêu diệt hết mới thôi. Bởi vậy một bước tiến tu là một niềm an lạc, càng tu khổ đau càng tan rã, như tuyết giá tan rã khi ánh mặt trời lên, có duyên cớ nào phải lùi bước đi theo đường tà.
Ðược nhiều người tin Phật, chưa hẳn Phật Giáo đã thịnh. Nếu tin theo lối ỷ lại, van xin, cầu cúng, dầu có bao nhiêu triệu người, Phật Giáo vẫn bị chìm trong u tối. Vì mê tín thì không giác, không giác thì có dính dáng gì với đạo Phật? Chúng ta thực tâm tu theo Phật thì cố mở con mắt trí tuệ,  nhận chân những sự thật qua lời dạy của đức Phật. Như Phật dạy "Các pháp là vô thường", chúng ta phải chiêm nghiệm lý này cho tường tận, thấu suốt tường tận chúng ta mới nếm được pháp vị vô thường của Phật ban cho. Ðạo lý "nhân quả" là nền tảng của Phật Giáo, nếu chúng ta không suy tư cho đến thấu đáo thì lòng chánh tín khó phát sanh. Phật dạy "tin nhân quả là chánh tín", nếu chúng ta không chịu khó rà đi xoát lại kỹ càng thì làm sao đủ lòng tin nhân quả. Bởi không tin nhân quả, chúng ta dễ sanh yếu hèn, sợ hãi, van xin rơi vào đường mê tín. Lý "nhân duyên" là chân lý của muôn pháp, nếu không nghiền ngẫm thật chín chắn, thật nhuần nhuyễn, chúng ta không thể hiểu nổi chỗ thâm áo của nó. Ðã không hiểu lý nhân duyên, chúng ta làm sao thấy được chỗ cao siêu của Phật Giáo mà sinh lòng tin kính.
Muốn hưởng được pháp vị một cách thấm thía nồng nàn, người Phật tử phải tận lực suy tư nghiền ngẫm chánh pháp thật tường tận tinh vi. Như muốn thưởng thức hương vị của thúc ăn thật đầy đủ, người ta phải nhai thật nhuyễn những thức ăn ấy. Ðồng thời Phật tử phải ứng dụng triệt để chánh pháp trong cuộc sống hàng ngày. Mọi người ai cũng thừa nhận nơi nột tâm của mình đã sẵn có tính lương thiện và tính tội ác. Tội ác là nhân khổ đau cho mình và cho người, đời này và đời sau, nó làm cho con người trở thành hèn hạ xấu xa. Lương thiện là nhân an vui cho mình cho người, đời này và nhiều đời khác, nó gây dựng cho con người trở thành bậc Hiền, Thánh. Nếu muốn hết khổ được vui, chúng ta phải dẹp bỏ tính tội ác, nuôi dưỡng tính lương thiện, chính đây là TU. Tu là điều kiện thiết yếu của mọi người, không riêng ai và giới nào, nếu là người muốn hết khổ được vui và cố vươn lên bậc Hiền, Thánh.
Ước mong các Phật tử tự kiểm điểm lại xem, mình thuộc hạng nào trong hai hạng trên. Nếu là hạng đến với Phật "để cầu bình an" thì nên chuyển hướng can đảm vươn lên để thành Phật tử chân chánh không thối chuyển trên đường đạo. Nếu là hạng đến với Phật để "sửa đổi xấu thành tốt" thì cố gắng hơn nữa để mọi xấu xa đều dứt sạch, mọi khổ đau đều tan biến, tự tại tiến thẳng trên đường giác ngộ. Toàn thể Phật tử đều là người chánh tín, biết ưng dụng chánh pháp chuyển hóa ba nghiệp của mình trở thành con người thuần thiện, thì Phật Giáo mới thật sự là ngọn đuốc sáng soi đường cho chúng sinh ra khỏi đêm tối vô minh
HT. Thích Thanh Từ

Thứ Bảy, 23 tháng 5, 2015

Như Phật

Em hãy nhìn như Phật
Ánh mắt từ mênh mông
Nhìn người và nhìn vật
Với chan hòa, cảm thông.


Em hãy nghe như Phật
Nghe với tình bao la
Khi lòng không biên giới
Hiểu, thương đời sâu xa..

Em hãy cười như Phật
Nét bao dung, hiền hòa.
Nụ cười Chân, Thiện, Mỹ
Làm đau thương.. xóa nhòa..

Ta hãy ngồi như Phật
Trầm hùng tựa núi cao.
An nhiên và bất động
Giữa cuộc trần lao xao..

Rồi ta đi như Phật
Bước an lành, thảnh thơi.
Muôn lối bừng hoa nở
Làm đẹp thêm cuộc đời.

Và ta...thở như Phật
Thở chậm và thở sâu.
Để nghe từng mạch sống
Có bình an, nhiệm mầu.

Mình là con của Phật
Nhiều, ít nên giống Người?
Nơi nào ta có mặt
Niết Bàn, an vui.
 

Thích Tánh Tuệ 

Chủ Nhật, 17 tháng 5, 2015

Thị phi

THỊ PHI
Trong một buổi nhàn hạ, vua Đường Thái Tông hỏi chuyện cận thần là Hứa Kính Tôn rằng: 
- Trẫm thấy khanh phẩm cách cũng không phải là phường sơ bạc. Sao lại có nhiều tiếng thị phi chê ghét như thế? 
Hứa Kính Tôn trả lời: 
- Tâu bệ hạ, như mưa mùa xuân tầm tã, người nông phu mừng cho ruộng đất được thấm nhuần, kẻ bộ hành lại ghét vì đường đi trơn trợt. Trăng mùa thu sáng vằng vặc, hàng thi nhân vui mừng gặp dịp thưởng du ngâm vịnh, nhưng bọn đạo chích lại ghét vì ánh trăng quá sáng tỏ. Trời đất kia vốn vô tư không thiên vị mà
vẫn bị thế gian trách hận ghét thương. Còn hạ thần đâu phải một người vẹn toàn thì làm sao tránh khỏi tiếng chê bai chỉ trích
Cho nên ngu thần trộm nghĩ, đối với tiếng thị phi trong thế gian nên bình tâm suy xét, đừng nên vội tin nghe. Vua tin nghe lời thị phi thì quan thần bị hại. Cha  mẹ tin nghe lời thị phi thì con cái bị ruồng bỏ. Vợ chồng tin nghe lời thị phi thì gia đình ly tán. Tiếng thị phi của thế gian nọc độc còn hơn rắn rết, bén hơn gươm đao, giết người không thấy máu.

Cổ học tinh hoa

Thứ Sáu, 15 tháng 5, 2015

Sự khác biệt

SỰ KHÁC BIỆT
Sự khác biệt ở những cô gái tuổi 8, 18, 28, 38, 48 và 58 là gì?
8 tuổi - Bạn đưa nàng lên giường và kể cho nàng một câu chuyện.
18 tuổi - Bạn kể cho nàng một câu chuyện và đưa nàng lên giường.
28 tuổi - Bạn không cần kể câu chuyện nào và đưa nàng lên giường.
38 tuổi - Nàng kể cho bạn một câu chuyện và đưa bạn lên giường.
48 tuổi - Bạn kể cho nàng một câu chuyện để tránh phải lên giường.
58 tuổi - Bạn ở lỳ trên giường cả ngày để tránh phải nghe câu chuyện của nàng.

st -

Thứ Tư, 13 tháng 5, 2015

Chút tình đầu


Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng
Em chở mùa hè của tôi đi đâu ?
Chùm phượng vĩ em cầm là tuổi tôi mười tám
Thưở chẳng ai hay thầm lặng mối tình đầu...

Mối tình đầu của tôi có gì đâu
Chỉ một cơn mưa bay ngoài cửa lớp
Là áo người trắng cả giấc ngủ mê
Là bài thơ cứ còn hoài trong cặp
Giữa giờ chơi mang đến lại... mang về.

Mối tình đầu của tôi là anh chàng tội nghiệp
Mùa hạ leo cổng trường khắc nỗi nhớ vào cây
Người con gái mùa sau biết có còn găp lại
Ngày khai trường áo lụa gió thu bay.

Mối tình đầu của tôi có gì?
Chỉ một cây đàn nhỏ
Rất vu vơ nhờ bài hát nói giùm
Ai cũng hiểu chỉ một người không hiểu
Nên có một gã khờ ngọng nghịu đứng thành câm...

Những chiếc xe trưa nay chở đầy hoa phượng
Em hái mùa hè trên cây
Chở kỷ niệm về nhà
Em chở mùa hè đi qua còn tôi đứng lại
Nhớ ngẩn người tà áo lụa nào xa...

Đỗ Trung Quân 

Thứ Bảy, 9 tháng 5, 2015

Ngày chiến thắng

Журавли - Đàn sếu

  

Tôi cứ ngỡ biết bao người lính trẻ
Từ chiến trường xưa đẫm máu không về
Không phải họ nằm yên trong đất mẹ
Mà hóa thành sếu trắng giữa trời kia

Lịch sử một bức ảnh 

Bức ảnh trên được chụp ngày 12 tháng 7 năm 1942 ở phía Tây của Voroshilovgrad. Tác giả của bức ảnh là M.V. Alpert một phóng viên chiến trường. Đây là một trong những bức ảnh nổi tiếng nhất của cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại: Người chỉ huy với khẩu súng trong cánh tay giơ cao và lao lên tấn công!
Trong bức ảnh là chính trị viên Alexey Gordeyevich Eremenko (trước chiến tranh là chủ tịch nông trang) đã hy sinh vài phút sau khi bức ảnh được chụp…

Lời kể của các nhân chứng:

"... Lúc đó là sáng ngày 12 tháng 7. Chúng tôi bị trúng hòa lực dồn dập. Chúng tôi đã đẩy lùi cuộc tấn công đầu tiên. Nhưng trong cuộc tấn công thứ thứ hai sườn bên phải của sư đoàn đã bị chọc thủng. Các chiến sỹ bắt đầu rút lui. Chúng tôi đã bị điếc, mù, nhiều người bị chảy máu tai-màng nhĩ bị thủng! Tôi nhận được lệnh của chỉ huy sư đoàn phải khôi phục lại thế trận, ngăn chặn các chiến sỹ rút lui, nếu không tình thế sẽ trở lên nguy kịch. Tôi lao về phía các chiến sỹ đang rút lui. Và thấy Eremenko. Anh ấy cũng chạy băng qua giữa các chiến sỹ và hét: Dừng lại! Dừng lại! Chúng tôi nằm xuống. Tập hợp mọi người xung quanh mình. Chúng tôi chỉ còn rất ít, chỉ một nhóm. Nhưng Eremenko quyết định phản công để lấy lại thế trận. Hình ảnh đó không thể nào quên được. Anh đứng bật dậy, hô to, lao lên tấn công. Chúng tôi đã lao vào chiến hào, đánh giáp lá cà. Đánh nhau bằng súng, lưỡi lê. Bọn lính Phát xít run sợ và tháo chạy. Lát sau tôi thấy Eremenko trong một giao thông hào. Anh ấy từ từ ngã xuống. Tôi liền chạy tới chỗ anh và rồi nhận ra rằng anh ấy ...không cần đến cấp cứu nữa …"

Và đây là lời kể của phóng viên nhiếp ảnh:

"...Bức ảnh này tôi chụp vào khoảng giữa mùa hè năm bốn mươi hai ở ngoại ô Voroshilovgrad. Để chụp các bức ảnh tôi đã chọn một đoạn giao thông hào hơi mở ra phía trước của tuyến phòng thủ. Bọn Phát-xít Đức đang chuẩn bị tấn công. Tôi nhớ rằng, đầu tiên thì máy bay oanh tạc. Tiếp theo đến pháo binh và cuối cùng là bộ binh. Trận chiến diễn ra dữ dội. Bỗng tôi nhìn thấy không xa có một sỹ quan đứng bật thẳng dậy. Tôi vừa kịp bấm máy thì một mảnh đạn văng vào làm vỡ ống kính. Tôi nghĩ phim chắc bị hỏng….. Người sĩ quan này là ai? Khi tôi quay về với chiếc máy ảnh bị hỏng, ai đó nói: "Tiểu đoàn trưởng hy sinh rồi", tôi đã tin chắc rằng đang nói về người sỹ quan này. Vì anh là người đầu tiên xông lên dưới làn lửa đạn của kẻ thù. Chính vì vậy tôi đã đặt tên cho bức ảnh này là “Tiểu đoàn trưởng” …

-st-