Người đàn ông đi đến chiếc ghế bành, một tay cầm cốc rượu. Anh đưa tay kia lấy tờ báo thì trông thấy phía dưới tờ báo có chiếc phong bì. Rất ngạc nhiên, anh đọc thấy: “gửi chồng em”. Một người vợ mà lại gửi thư cho chồng, kể cũng là chuyện mới mẻ. Nếu cô ấy muốn nói điều gì với chồng tại sao không nói trong bữa ăn? Anh mở phong bì, lấy ra một tờ giấy hồng nhạt gấp làm ba. Anh cầm cốc rượu, uống một ngụm, giở tờ giấy ra và bắt đầu đọc.
“ Anh yêu, em biết anh sẽ ngạc nhiên và có thể anh còn bực mình vì hành động này của em. Em biết anh rất thích ngồi trong chiếc ghế bành êm ái đọc báo sau bữa ăn. Nhưng dù sao em vẫn muốn nói với anh đôi điều. Cuộc hôn nhân đã khá lâu của chúng ta – sắp chẵn hai mươi lăm năm – đó là toàn bộ cuộc đời em, vì em lấy anh năm em mới mười tám tuổi: ít ra cả quãng đời người lớn của em, em là vợ anh. Cùng với anh, em đã được hưởng những phút giây hạnh phúc. Những phút giây ngắn ngủi nhưng hạnh phúc. Cùng với nhau ngần ấy thời gian – trong cuộc sống như thế có những lúc đi lên và những lúc đi xuống, mặc dù em không còn nhớ lần đi lên cuối cùng của chúng mình cụ thể nó như thế nào.Em đã đếm số lượng từ chúng mình nói với nhau trong một ngày: nếu tính cả “chào buổi sáng” khi thức dậy và “chúc ngủ ngon” khi đi ngủ, thì mỗi ngày chúng mình nói với nhau khoảng gần năm chục từ. Kể ra cũng hơi ít, phải không anh, nếu lưu ý rằng hàng ngày chúng mình ở bên cạnh nhau bốn, năm tiếng đồng hồ ngoài giấc ngủ. Dù sao em vẫn nghĩ nói chung như thế là bình thường. Hàng triệu cặp vợ chồng cũng sống y hệt thế thôi mà. Sự thật là suốt cuộc đời em bận rộn con cái, vì anh đi làm, em lo việc nội trợ, em chăm sóc mẹ của anh, lập kế hoạch chi tiêu, vì anh không chịu nổi những công việc ấy, nên rốt cuộc, em có thể chờ đợi một điều gì đó lớn hơn. Nhưng thói quen đúng là bản tính thứ hai, cái gì rồi chúng ta cũng quen dần đi. Như thế là bình thường, em tự nhủ. Một sự thật là đã mấy năm nay anh không rủ em đi ăn ở nhà hàng, đi xem phim hoặc xem kịch, vì buổi chiều anh đi làm về đã mệt mỏi nên anh thích ngồi ghế bành xem ti vi hơn,.. là đã hai mươi năm nay, kỳ nghỉ nào chúng mình cũng về San- Bartotomeo để anh có thể gặp chị gái của anh: anh không còn thời gian nào khác để mà đến thăm chị,… là trong bữa ăn trưa và ăn tối, chúng mình không nói chuyện với nhau vì trên ti vi có chương trình thời sự,… là vào các ngày chủ nhật anh cũng không rời khỏi ti vi vì ở đó có chương trình thể thao…”
Người đàn ông buông một tiếng thở dài. Những lời lẽ lê thê này còn bao nhiêu nữa đây? Anh lật trang sau: không còn nhiều lắm. Bây giờ anh đã hiểu, tại sao vợ anh không nói chuyện này trong bữa ăn. Cô ấy biết là nếu thế, anh sẽ để cô ấy ngồi khóc một mình. Anh uống nốt cốc rượu rồi lại đọc tiếp những dòng chữ nhỏ li ti của vợ.
“Nhưng, em tự nhủ, hầu như tất cả các cặp vợ chồng đều như vậy. Về nguyên tắc, cuộc sống gia đình buồn tẻ thật đấy, nhưng còn có sự gắn bó, sự tôn trọng… Tuy nhiên, cách đây một tuần lễ đã xảy ra một chuyện làm thay đổi hẳn ý kiến của em về hai chúng ta. Em trải lại giường đệm và ở dưới sàn, bên cạnh chiếc bàn đêm của anh, em thấy một bức thư… em cầm lên đọc. Vì tò mò thôi, anh biết đấy điều đó cũng bình thường…“
Không anh không biết điều đó! Không bao giờ anh tự cho phép mình đọc thư gửi người khác. Sao vợ anh có thể xử sự thấp kém như thế? Anh tức sôi lên. Anh đã chực ra mắng cô ấy, nhưng một điều gì đó giữ anh lại. Phải xem cô ấy rút ra những kết luận gì đã. Vả lại, để hình dung được phản ứng của cô ấy cũng không cần tưởng tượng nhiều.
“Thoạt tiên em nghĩ đây là thư một trong những bạn gái của thằng Serdjo nhà mình. Trong thư nói về những đêm không thể nào quên, những ngày trên bờ biển, những cuộc dạo chơi bằng xe đạp. Ở đó có cả những lời như “người tình cuồng nhiệt”, “những nụ hôn đằm thắm” và “chiếc giường bốc lửa”. Sau đó em đọc thấy tên anh và hiểu rằng mặc dù thật khó tin, nhưng người tình cuồng nhiệt ấy chính là anh. Em nhớ lại những đêm đã rất xa xôi của chúng ta và… người đàn ông tẻ nhạt thiếp ngay đi chỉ hai mươi giây sau chuyện chăn gối. Thời gian không đủ để hút hết lấy một điếu thuốc lá. Em cũng không biết anh lại yêu nghệ thuật và quan tâm tới các cuộc triển lãm đến thế. Em chợt nhớ ra rằng lần cuối cùng chúng ta tới viện bảo tàng là lần đưa thằng Serdfo đi xem bảo tàng tự nhiên học. Năm ấy nó lên bảy, Bây giờ nó đã làm xong nghĩa vụ quân sự…”
Người đàn ông ngày càng cảm thấy bức bối. Anh gần như ngột thở. Con giận dữ và bối rối tạo nên một hỗn hợp khủng khiếp. Anh đưa tay ra nhưng thấy cốc đã hết rượu. Anh đứng dậy và cảm thấy chóng mặt. Anh đến tủ rượu để rót thêm rượu. Sau đó anh quay lại ghế bành và tiếp tục đọc.
“Em tự nhủ; chả lẽ đó lại đúng là chồng mình. Một con người tẻ ngắt, cẩn thận đến mức tỉ mẩn, một con người đo các cây bút chì cắm trong hộp đựng bút sao cho không cây nào cao hơn cây nào quá một milimét và ngồi hàng giờ trước bể cá chăm chú nhìn như bị thôi miên. Một con người luôn luôn vẫn làm một việc ấy, vào vẫn một giờ ấy, tính không một chút phóng túng, không một chút mạo hiểm. Nhưng dù sao, người được nói đến trong thư chính là anh. Đột nhiên em hiểu ra cả những ngày thứ bảy anh nói đến chỗ mẹ anh vì mẹ anh không khoẻ, cả sự yêu thích bỗng dưng trỗi dậy ở anh đối với các cuộc dạo chơi bằng xe đạp và do đó anh đi vắng tất cả các chủ nhật. Em sẽ không tả lại cho anh những gì em đã cảm thấy. anh sẽ không hiểu được đâu, dù một nghìn năm nữa. Không phải nỗi đau, mà là sự sỉ nhục uất ức và ghen tị. Đúng vậy, em ghen tị với người đàn bà đã có được anh như là em chẳng những chưa từng biết anh như thế, mà còn không thể hình dung ra anh như thế, với người đàn bà đã nếm trải được cùng anh những phút giây hoàn toàn hạnh phúc. Trước mắt em lướt qua những năm tháng bên anh, và em nghĩ đến sự hiu quạnh của cuộc đời mình, đến những hy sinh, những ngày đơn điệu giống hệt nhau. Em biết trong sự việc này một phần cũng là lỗi ở em. Em đã toàn tâm toàn ý đóng vai trò người vợ mẫu mực, đôi khi vai trò này em còn thấy thích. Em quán xuyến nhà cửa, lập kế hoạch chi tiêu, sinh con đẻ cái. Đó chính là những điều em không nào tha thứ cho em: em đã làm cho mình một cái lồng, vứt các chìa khoá đi và tự nhủ rằng mình là bà chủ. Đọc hết bức thư kia, em là một bà già không có cơ may nữa. Là một con bạc đặt cược tất cả vào một con lừa trong khi lẽ ra phải đặt vào con tuấn mã thuần chủng. Lỗi tại bản thân em cả.
Nhưng xót xa biết mấy khi hiểu rằng trong mấy chục năm vừa rồi anh chỉ dành cho em cái phần tồi tệ nhất của anh. Anh đã buộc em phải ngẫm nghĩ. Thoạt tiên em định nói với anh, rồi em định phản bội anh, rồi em định bỏ đi. Nhưng trong các giải pháp ấy, không có giải pháp nào làm em thoả mãn. Rồi em nhớ lại anh như thế nào lúc ở nhà, nhớ lại các thói quen của anh – bao giờ cũng vẫn những thói quen ấy, vẫn những thói quen ấy. Em biết tới lúc này anh đã uống hết suất rượu bao giờ anh cũng uống sau bữa ăn, ngồi dễ dãi trong chiếc ghế bành với tờ báo trên tay. Còn bây giờ chắc hẳn anh đã rót thêm, rót nhiều hơn một chút, – như mọi khi, lúc anh bồn chồn căng thẳng. Trong trường hợp như thế, tốt nhất anh nên biết rằng cảm giác ngột ngạt ở anh không phải chỉ do sự tức giận gây nên. Em hy vọng anh đã hiểu. Vợ anh”.
Barbara Barlaschelli (Ý).
Vũ Đình Bình dịch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét