HÙNG VƯƠNG QUA .. CỔ SỬ
Lịch sử của người Việt về thời kỳ Hùng Vương ban đầu vốn chỉ được lưu truyền trong văn hóa dân gian thông qua phương thức truyền miệng từ đời này qua đời khác cho đến thời nhà Trần mới được biên chép thành văn bản. Cổ sử Trung Hoa cũng có ghi lại về địa danh Giao Chỉ và những người đứng đầu ở đó được gọi là Hùng Vương, Hùng Hầu, Lạc Vương, Lạc Hầu .. cho thấy thời kỳ này thực sự tồn tại.
Đại Việt Sử Lược đời Trần có ghi: " Đến đời Trang Vương nhà Chu (696-682 trước Công Nguyên) ở bộ Gia Ninh có người lạ, dùng ảo thuật qui phục được các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương đóng đô ở Văn Lang, đặt quốc hiệu là Văn Lang, phong tục thuần lương chơn chất, chính sự dùng lối thắt gút. Truyền được 18 đời đều xưng là Hùng Vương (có bản dịch là Đối Vương, 碓王)."
Sách Thái Bình Quảng Ký, thời Tống, dẫn Nam Việt Chí (Lưu Tống, 420 – 479) khoảng thế kỷ V chép: “Đất Giao Chỉ vốn màu mỡ, di dân tới sống ở đó, (dân) mới bắt đầu biết gieo trồng, đất vùng ấy đen xốp, khí đất hùng mạnh, cho nên gọi ruộng ấy là Hùng Điền, dân vùng ấy gọi là Hùng Dân. Quân trưởng gọi là Hùng Vương. Có phụ tá là Hùng Hầu, chia đất cho các Hùng Tướng..”
Cựu Đường Thư, (Hậu Tấn – Lưu Hú soạn, 945 SCN) dẫn Nam Việt Chí (Lưu Tống 420 – 479) cũng chép: “Đất quận Giao Chỉ rất là màu mỡ, ngày xưa có quân trưởng gọi là Hùng Vương, phụ tá là Hùng Hầu. Sau có vua Thục đem ba vạn lính đánh diệt Hùng Vương đi. Vua Thục nhân đó cho con mình làm An Dương Vương, trị đất Giao Chỉ..” (Tích Dã dịch )
Thủy Kinh Chú, Diệp Du Hà (Bắc Ngụy – Lịch Đạo Nguyên soạn) dẫn Giao Châu Ngoại Vực Kí chép: “Đất Giao Chỉ ngày xưa khi chưa đặt thành quận huyện, đất đai có ruộng Lạc, dân làm ăn ở ruộng ấy theo nước thủy triều lên xuống, nhân đó có tên là dân Lạc, đặt ra Lạc Vương – Lạc Hầu để làm chủ các quận huyện, huyện phần nhiều có chức Lạc tướng, Lạc tướng đeo ấn đồng thao xanh..” (Tích Dã dịch )
Sử Kí, Nam Việt Liệt Truyện, Sách Ẩn (Đường – Tư Mã Trinh soạn) dẫn Quảng Châu Kí chép: “Quận Giao Chỉ có ruộng Lạc, dân trông nước thủy triều lên xuống mà làm ăn ở ruộng ấy nên đặt tên là người Lạc. Có các chức Lạc Vương – Lạc hầu, các huyện tự đặt chức Lạc tướng đeo ấn đồng dải xanh, tức là chức Lệnh-Trưởng ngày nay vậy. Sau đó con vua Thục đem quân đánh Lạc Hầu, tự xưng là An Dương Vương, trị ở huyện Phong Khê. Sau nữa vua Nam Việt là Úy Tha đánh phá An Dương Vương..”
...
Nguồn tổng hợp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét