LỄ VU LAN & LỄ CÚNG CÔ HỒN
Lễ cúng cô hồn là một lễ hội không thuộc về Phật giáo mà thuộc về tín ngưỡng dân gian. Lễ cúng này thường nhập nhằng với lễ hội Vu Lan Bồn của Phật giáo cũng tổ chức vào ngày Rằm tháng bảy. Hai lễ hội hòa lẫn với nhau vì cùng xảy ra vào tháng bảy âm lịch và cùng có đối tượng tưởng nhớ là những người thân đã quá vãng. Tuy nhiên có sự khác nhau về phương diện giáo lý và nghi thức thể hiện.
Trong tín ngưỡng dân gian, người ta sắm sửa lễ vật gồm phẩm thực và nhang đèn, xếp đặt lên bàn thờ tổ tiên, thân nhân quá vãng rồi cúng vái song song với việc đốt giấy tiền, vàng mã, cầu nguyện cho họ sẽ cảm ứng chứng chiếu và hưởng dụng phẩm vật cúng dâng. Người ta cho rằng vào tháng bảy các vong hồn sống trong địa ngục được thả tự do trở về lang thang trên trần gian kiếm sống. Người ta cúng phẩm vật cho những hồn ma này, cung ứng những thứ cần thiết cho họ để cho những vong hồn vất vưởng đó chẳng những không làm hại mà còn phù hộ cho gia đình được bình an, làm ăn được phát đạt, thành tựu...
Tuy nhiên, theo Phật giáo không phải ai chết rồi cũng trở thành những hồn ma và đốt hàng mã không thể làm cho đồ đạc chuyển tới tay những hồn ma đó được. Những người tạm thời sinh vào đọa xứ như địa ngục, quỷ đói... thì không có ngày nào gọi là ngày nghỉ lễ trong tháng bảy để họ được trở về lang thang, vất vưởng ở cõi trần gian cả. Phật giáo quan niệm, khi mệnh chung, người ta không đi xuống âm phủ hay âm cảnh. Họ sẽ đi vào trạng thái trung ấm trước khi tái sinh để có một sắc thân khác. Trạng thái trung ấm này có thể chỉ chớp nhoáng hay kéo dài trong một vài ngày ( 49 ngày theo Bắc truyền - Nam truyền không có quan niệm về thân trung ấm mà là tái sinh ngay ), sau đó sẽ đi tái sinh. Kết thúc trạng thái trung ấm, người ta liền tái sinh vào một trong 6 cảnh giới là chư thiên, bán thiên ( Atula ), loài người, súc sinh, ngạ quỷ và tội nhân của địa ngục. Chỉ có một số sinh linh tái sinh làm ma quỷ, tức là sống trong cảnh giới ngạ quỷ hay quỷ đói, chớ không phải ai chết cũng phải sinh làm hồn ma trong cảnh ngạ quỷ cả. Nên nhớ rằng dù sinh vào trong cảnh giới nào đi nữa thì việc ấy sẽ không vĩnh viễn. Hạnh nghiệp trước đây của một người sẽ có tác động chính đối với cảnh giới mà người ấy sẽ tái sinh.
Chúng ta cần nhớ rằng lời đầu tiên mà Ðức Phật dạy là sự chóng vánh của kiếp sống con người và nếu chúng ta chấp nhận việc ra đi của người thân yêu thì tâm thức chúng ta sẽ có nhiều tịnh lạc hơn.
Trợ giúp cho thân nhân quá vãng là điều tốt đẹp và Phật giáo có chỉ dạy những công việc để trợ giúp cho họ. Chúng ta có thể đem của cải tài sản của họ để làm việc từ thiện, giúp người khốn khó hay cúng dường cho Phật Pháp và những hành giả chân chánh. Chúng ta cũng có thể tổ chức những buổi lễ cầu nguyện rồi hồi hướng công đức của những việc làm thiện lành trên hướng tới họ. Chúng ta không thể chuyển tải các thiện nghiệp của chúng ta cho một người nào giống như chuyển tiền từ tài khoản trong ngân hàng của ta sang một tài khoản khác vì người hành động chính là người thể nghiệm kết quả tốt hay xấu của hành động đó. Tuy nhiên bằng cách hồi hướng công đức mà chúng ta đã tạo được cho người đã khuất, hoặc những thiện nghiệp mà ta đã làm .. chúng ta tạo ra một định hướng lực nhờ đó mà những nghiệp thiện mà người quá cố đã tạo được từ trước dễ dàng trổ quả lành. Những dấu ấn thiện nghiệp trong dòng tâm thức của họ giống như những hạt giống đã gieo trên cánh đồng. Những lời cầu nguyện và việc hồi hướng công đức của chúng ta giống như tưới nước và bón phân giúp cho hạt giống lành được phát triển nhanh chóng để hỗ trợ cho họ.
Cách tốt nhất để giúp cho thân nhân, cha mẹ đã quá vãng của chúng ta được tái sinh vào cảnh giới an lành là ngay khi họ còn sống hãy khuyến khích họ làm các điều lành và không làm những điều ác nữa. Chúng ta nên khích lệ gia đình phát tâm bố thí và tu tập tâm kiên nhẫn đối với mọi người. Ðược như vậy, khi mệnh chung những thân nhân của chúng ta sẽ có nhiều nghiệp tốt và còn rất ít nghiệp xấu phải mang theo qua kiếp sống mới trong tương lai.
Lễ hội Vu Lan vào ngày Rằm tháng bảy có nguồn gốc từ bài kinh Vu Lan Bồn. Bài kinh này chỉ có trong tạng kinh Trung Quốc (không có trong tạng kinh Tây Tạng, cũng không có trong tạng kinh Pali). Bài kinh kể lại câu chuyện của Tôn giả Mục kiền liên, một trong những vị đại đệ tử của Ðức Phật, với thiên nhãn thấy được rằng người mẹ của mình đã bị tái sinh vào cảnh giới ngạ quỷ. Ngài bạch với Ðức Phật và được chỉ dạy phải làm lễ cúng dường thực phẩm và vật dụng đến tăng chúng nhằm ngày Tự Tứ, cầu thỉnh tăng chúng ra sức thiền định rồi đem công đức hồi hướng cho người mẹ. Ngài Mục kiền liên thực hiện việc này vào ngày Rằm tháng bảy và phước lành đã khiến cho những thiện nghiệp mà người mẹ đã làm từ đời trước chín muồi. Không những bà thoát kiếp quỷ đói mà còn được sinh vào cảnh giới an lạc.
Vì vậy mà đông đảo tín đồ Phật giáo Trung Quốc, Việt Nam .. thực hành lễ Vu Lan Bồn với việc cúng dường lên Tam Bảo, thỉnh cầu tăng chúng làm lễ tụng kinh cầu nguyện và thực hành thiền định rồi hồi hướng phước lành cho thân nhân đã quá vãng. Ðó là sự khác biệt chủ yếu về nội dung và ý nghĩa giữa lễ Vu Lan Bồn và lễ cúng cô hồn trong ngày Rằm tháng bảy.
...
Theo TT Minh Thành chuyển ngữ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét