NGAY ĐÓ LÀ BỜ
Đức Phật từng nói:“Toàn bộ giáo lý của Như Lai là chỉ nói hai điều, một là nói về khổ và hai là sự chấm dứt khổ hay là diệt khổ”. Đây là một câu nói rất hay, nhưng cũng chính ở chỗ này đã sinh ra một sự hiểu lầm to lớn trong Phật giáo. Nếu như không hiểu lời dạy của Đức Phật một cách đúng đắn thì sẽ biến Đạo Phật thành một phương pháp để diệt khổ. Vì Đức Phật chỉ nói tới khổ và diệt khổ, nên rất nhiều người cho rằng Đạo Phật là một phương pháp hay một biện pháp để diệt khổ. Hiểu như vậy thì coi chừng sẽ đi ngược lại hoàn toàn với giáo lý đức Phật. Chỉ trật một chút xíu thôi mà hệ quả là hoàn toàn khác “sai một li đi một dặm” là vậy.
Cho nên mỗi Phật Tử cần phải hiểu cho thật đúng khổ và diệt khổ là như thế nào. Trong từng sát-na, trong từng giây phút chỉ có một trong hai điều xảy ra, một là mình đang đau khổ, hai là không có đau khổ, chỉ có vậy thôi. Qua Tứ Diệu Đế có thể thấy rất rõ, một mặt là Tập đế và Khổ đế, đó là luân hồi sinh tử, còn mặt kia là Đạo đế và Diệt đế, tức là Niết-bàn. Như vậy thì sinh tử hay Niết-bàn đều ở ngay tại đây và bây giờ. Toàn bộ giáo lý của đức Phật chỉ nói chừng đó. Khổ và diệt khổ trong giáo lý của Đức Phật chỉ có nghĩa là ngay tại đây và bây giờ hoặc là đang khổ, hoặc là chấm dứt khổ, hay nói theo cách khác hoặc là đang luân hồi sinh tử, hoặc là Niết-bàn.
Cho nên sự thật không phải ở đâu xa. Toàn bộ chân lý hoàn toàn ở ngay tại đây và bây giờ. Ngay tại đây và bây giờ là đã trọn vẹn bao hàm hết tất cả mọi thứ, không còn thiếu bất cứ điều gì hết. Một mặt là bản ngã khởi lên mới tìm kiếm muốn đạt được cái này, muốn đạt được cái kia, tức là vô minh nên mới sinh ra ái dục mà muốn trở thành, rồi tạo tác để trở thành cho nên tạo ra luân hồi sinh tử. Còn mặt kia là chấm dứt ảo tưởng về bản ngã thì ngay đây là Niết-bàn.
Như vậy Niết-bàn không phải là một quá trình, một con đường thật dài, xa xăm nào đó mà mình phải tìm cách vượt qua mới có thể đạt tới. Niết-bàn hay sinh tử là ở ngay tại đây, trong giây phút này.
Vì người ta hay nói tu là để đi tới bờ bên kia làm cho mình tưởng là mình phải vượt qua bao nhiêu sóng gió của biển luân hồi sinh tử thì mới qua tới bờ bên kia.
Hoàn toàn không phải, bờ bên kia đó chính là đang ở ngay đây, còn biển luân hồi sinh tử chỉ là một cơn mộng mà thôi. Khi tỉnh ra khỏi cơn mộng đó thì ngay đây đã là Niết Bàn.
Thầy Viên Minh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét