Thứ Sáu, 22 tháng 12, 2023

Ðoàn Vệ quốc quân một lần ra đi ...

  Đoàn Vệ Quốc Quân một lần ra đi

   ...

 

 

TRUNG ĐOÀN THỦ ĐÔ

Trung đoàn Thủ đô với tên gọi ban đầu là Trung đoàn Liên khu 1 được thành lập ngày 25.12.1946 trên cơ sở hợp nhất các đơn vị Vệ quốc đoàn và Tự vệ chiến đấu Liên khu I (thuộc 36 phố phường Hà Nội), gồm khoảng 2.000 người. Lực lượng nòng cốt để thành lập Trung đoàn thực ra chỉ có 2 Đại đội vệ quốc đoàn của Tiểu đoàn 101 cũ. Lực lượng bổ sung phần lớn là tự vệ, công an xung phong và rất nhiều dân thường tình nguyện với các chỉ huy là: Trung đoàn trưởng Hoàng Siêu Hải, Chính uỷ Lê Trung Toản, Tham mưu trưởng Hoàng Phương. Hoàng Siêu Hải là người dân tộc Tày, ông được gửi sang học quân sự tại phân hiệu Trường võ bị Hoàng Phố ( Liễu Châu, Trung Quốc) cùng các ông Hoàng Văn Thái, Đàm Quang Trung, Hoàng Minh Thảo, Vũ Lập, Vũ Nam Long, Hoàng Nam Hải… từ năm 1941 đến cuối năm 1944 thì trở về nước, tham gia chiến đấu tiễu phỉ ở biên giới và huấn luyện quân sự cho dân quân du kích ở Cao Bằng. Sau ngày Toàn Quốc Kháng Chiến, Ông trở thành Chỉ huy đầu tiên của Trung đoàn Thủ đô. Phải chiến đấu trong vòng vây của đội quân viễn chinh hùng mạnh và tinh nhuệ là một nhiệm vụ hết sức khó khăn. Quân ta sẽ đánh như thế nào? - Nhiều phương án, nhiều cách đánh đã được đem ra bàn thảo. Có cả phương án của cố vấn người Nhật trong hàng ngũ Việt Minh lúc đó. Có Tiểu đoàn trưởng đề nghị được chỉ huy một đơn vị nhỏ nhưng đặc biệt tinh nhuệ, gan dạ, bí mật tập kích tiêu diệt và tóm gọn chỉ huy Pháp tại đại bản doanh nhưng Hoàng Siêu Hải không đồng ý. Ông đánh giá đó là kế hoạch mang tính phiêu lưu, nặng về chủ nghĩa anh hùng cá nhân. Bằng những kiến thức quân sự học được tại Trường quân sự Liễu Châu cùng kinh nghiệm chiến đấu du kích trên chiến khu, những trận công đồn và việc thị sát địa hình chung quanh khu Hoàn Kiếm đã mách bảo để ông đưa ra chiến thuật đánh phù hợp - Đánh Liên Hoàn.

Quân và dân Hà Nội đã dựng chiến lũy trên các đường phố, tạo nhiều chướng ngại vật ngăn cản xe tăng, xe cơ giới và bộ binh địch đột nhập. Để giúp bộ đội di chuyển và yểm trợ được lẫn nhau, tường các ngôi nhà liền kề được đục thông. Còn trên nóc các tòa nhà đặt hỏa lực mạnh án ngữ. Với cách đánh này, lực lượng vũ trang Thủ đô đã nhiều lần chặn đứng các cuộc tiến công bằng xe tăng có đại bác yểm trợ của quân viễn chinh Pháp, giảm thương vong và phá tan kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh của địch.

 

  Vệ Quốc đoàn lập chốt chiến đấu tại chợ Đồng Xuân (Ảnh TTXVN )

 

Tuy là một lực lượng ô hợp và trang bị vũ khí thiếu thốn hơn nhiều so với quân Pháp, Bộ đội Trung Đoàn Thủ Đô đã liên tiếp lập chiến công, đánh thắng nhiều trận tại khu vực Bộ Quốc phòng và trại Vệ Quốc đoàn Trung ương (Hàng Bài); giữ vững Bắc Bộ phủ ngày 20 tháng 12; tập kích quân Pháp trên Yên Phụ; tập kích vào nhà Tiền đêm 23 tháng 12 giành thắng lợi ...

Sau 2 tháng chiến đấu cầm chân quân Pháp tại Hà Nội, bảo vệ 38 nghìn người tản cư, bảo đảm cho các cơ quan Trung ương rút lui an toàn lên chiến khu Việt Bắc, Trung đoàn đã thực hiện thành công cuộc rút lui chiến lược ra khỏi vòng vây của quân Pháp cùng với một bộ phận nhân dân Liên khu 1. Bắt đầu 17 giờ ngày 17.2.1947, từ đình Phất Lộc, ra bãi cát ven sông Hồng, Trung đoàn đi dưới gầm cầu Long Biên (có lính Pháp gác trên cầu), lội sang bãi giữa rồi vượt sông bằng thuyền nan trở về tập kết an toàn bên bờ hữu ngạn sông Hồng.

 

Nguồn Tổng hợp



https://danviet.vn/chuyen-it-nguoi-biet-ve-cha-de-cua-chien-thuat-lien-hoan-7777731227.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét