Thứ Hai, 11 tháng 12, 2023

Thị Đệ Tử

Đời người bóng chớp vút qua 
Cỏ cây xuân tốt, thu ra héo tàn
Sợ chi suy thịnh lẽ thường
Khác đâu ngọn cỏ giọt sương đọng hờ 

 

Vạn Hạnh Thiền Sư

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Thân như điện ảnh hữu hoàn vô

Vạn mộc xuân vinh, thu hựu khô

Nhậm vận thịnh suy vô bố uý

Thịnh suy như lộ thảo đầu phô

 

Dịch nghĩa

Người đời như bóng chớp, có rồi lại không. 

Như cây cối, mùa xuân tốt tươi, mùa thu khô héo. 

Mặc cho vận đời dù thịnh hay suy, đừng sợ hãi

Vì sự thịnh suy cũng mong manh như giọt sương đầu ngọn cỏ

 

Dịch thơ

Thân như chớp có lại không

Cỏ cây xuân thắm rồi đông úa tàn

Sợ gì suy thịnh thế gian

Thịnh suy như cỏ bên đàng treo sương.

 

Nguyễn Duy

 

Trên đời không có cái gì là vĩnh viễn cả. Thân của người đời, cũng như cái bóng chớp, có đó rồi lại biến thành không. Cỏ cây, mùa xuân thì tốt tươi nhưng sang thu lại khô héo. Vận trên đời dù có lúc thịnh, lúc suy, nhưng cũng đừng sợ. Sự thịnh suy đó chỉ là những việc tạm thời, cũng như giọt sương ( móc ) đọng trên ngọn cỏ vậy.

...

“ Thịnh suy như lộ thảo đầu phô ’’

Thú vị nhất trong câu cuối là chữ “lộ” mà ai cũng nghĩ là sương, là hạt sương, giọt sương ... Nhưng thực ra “lộ” là hạt “móc”. Móc khác với sương. Móc thì đọng lại còn sương thì lay bay. Thịnh suy giống như hạt móc phô trên đầu ngọn cỏ. Đây là cái nhìn trạm nhiên, thanh tịnh, đúng như hiện thực đang là - chúng sao thì nói vậy. Chúng ta hãy nhìn hạt móc trên đầu ngọn cỏ (thảo đầu) thử xem. Nó có đấy chứ. Nó có đấy nhưng mong manh làm sao. Nó có đấy nhưng không biết sẽ rơi lúc nào, sự sống của nó ngắn ngủi lắm. Chỉ cần một vệt nắng, một làn gió, một chiếc lá rơi khẽ, một con chim lơ đễnh đụng nhằm (ngoại duyên) thì nó tan ngay! Có đó là không đó ngay. Thịnh, có đó chứ! Suy, có đó chứ! Nhưng thoáng chốc thôi - khi vận, lực, số, khí, thời... chuyển đổi, duyên khởi liên tục, vận hóa liên tục, cái này sang cái kia... như Lão Tử nói: Cùng tắc biến, biến tắc thông, thông tắc cửu! Hoặc dịch nói, cực âm, quá độ thái âm là thiếu dương, thiếu dương rồi thái dương, thái dương rồi thiếu âm! Chúng luôn luôn đi tìm sự quân bình - nhưng nếu quân bình thì vũ trụ sẽ ngưng dứt, tuyệt đối tĩnh chỉ, diệt vong! Đông Tây người ta đều hiểu điều này, ví như thuyết bảo toàn năng lượng! Định luật tâm, định luật pháp đều như thế. Cũng vậy, không những thịnh suy, mà tất thảy pháp hữu vi khác trên thế gian đều phải chịu chung định luật sinh diệt, có không tất yếu ấy!

 ...

 

Theo Thầy Minh Đức Triều Tâm Ảnh

* Bản dịch thơ khuyết danh

* Các bài kệ vốn thường không có đầu đề. Nhan đề của bài là do Học giả Lê Quý Đôn dựa vào nội dung mà đặt đầu đề khi soạn bộ “ Toàn Việt thi lục ’’

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét