Thứ Hai, 27 tháng 11, 2023

Lời Phật cần ghi nhớ


 Lời Phật cần ghi nhớ

" Chúng sanh là kẻ thừa tự những hành vi mà nó đã làm "

Và còn có lời Phật khác nữa

" Hãy là kẻ thừa tự Chánh Pháp của Như Lai, chớ đừng là kẻ thừa tự tài vật "

- Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ -












ÔN TUỆ SỸ

Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, thế danh Phạm Văn Thương, sinh ngày 5.4.1945 ( 23.02 năm Ất dậu), tại tỉnh Paksé, Lào. Ngài quê tại Quảng Bình, Việt Nam, là một học giả uyên bác về Phật giáo, nguyên giáo sư thực thụ của Đại học Vạn Hạnh, Sài Gòn.

HT Tuệ Sỹ tinh thông chữ Hán, biết nhiều ngoại ngữ như Anh, Pháp, Lào, Thái, Nhật, Tây Tạng, thông thạo hai cổ ngữ Pali và Sanskrit. Ngài đã chuyển dịch ( tập 2, 3 )tác phẩm “ Thiền Luận “ nổi tiếng của D.T. Suzuki. HT Tuệ Sỹ cũng đọc hiểu được tiếng Ðức và nghiên cứu kỹ về Heidegger, Hoelderlin.

Không chỉ uyên bác về Phật Giáo Nguyên Thủy và Ðại Thừa, Ngài còn tinh thông triết học Tây phương, chơi đàn guitar, violon, piano, thổi sáo, làm thơ, viết một số truyện ngắn và các tiểu luận triết học, phê bình văn học đặc sắc. Ngài cùng với HT Thích Trí Siêu được giới học giả Việt Nam coi là 2 nhà sư uyên bác hàng đầu của Phật giáo Việt Nam khi bị bắt năm 1984.

HT Tuệ Sỹ qui y Phật năm 9 tuổi tại chùa Trang Nghiêm, làng Tân An, tỉnh Paksé rồi trở về Việt Nam năm 1960. Ngài thọ giới Sa di năm 16 tuổi, với HT Thích Hành Trụ tại Sài Gòn và được được HT Thích Trí Thủ nhận về thiền viện Quảng Hương Già Lam ở Gò Vấp. Với các bài viết về Thế Thân (Vasubandhu), về A Tỳ Đạt Ma Câu Xá Luận .. khi theo học tại Viện Ðại Học Vạn Hạnh, Ngài được HT Thích Mãn Giác phó Viện trưởng đề nghị trao bằng Cử nhân nhưng đã xin phép được từ chối. Năm 1970, HT Tuệ Sỹ được đặc cách bổ nhiệm Giáo sư thực thụ Viện Ðại Học Vạn Hạnh nhờ những công trình nghiên cứu Phật học và những khảo luận Triết học có giá trị cao như: Ðại Cương Về Thiền Quán, Liên Hoa Ấn Quán, Triết Học Về Tánh Không. Ngài cũng là chủ bút Tạp chí Tư Tưởng của Ðại học Vạn Hạnh. Với kiến thức Phật Học uyên thâm, Ngài đã viết giảng luận “Huyền Thoại Duy Ma Cật” và đi theo hình mẫu lý tưởng này. Có thể nói, tư tưởng Bồ Tát Đạo trong kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết ( là bộ kinh nêu cao tinh thần sống đạo mà chẳng cần y áo hay sự suy tôn kiểu cách ) và bộ kinh Pháp Hoa đã ảnh hưởng suốt cuộc đời tu học và hành Đạo của Ngài. Ngài đã không ngại dấn thân phụng sự và trở thành biểu tượng của sự đấu tranh ôn hòa cho các giá trị nhân quyền và tự do tôn giáo tại Việt Nam.

Sau năm 1975, HT Thích Tuệ Sỹ về ẩn cư ở ven rừng Vạn Giã, Nha Trang rồi vào lánh nạn ở chùa Tập Thành, Bình Thạnh, Sài Gòn. Đầu năm 1978, Ngài bị đưa đi học tập cải tạo 3 năm rồi được phóng thích cuối năm 1980. Sau đó, Ngài làm Giáo thọ sư cho khóa đào tạo đặc biệt tại Tu Viện Quảng Hương Già Lam nơi HT Thích Trí Thủ làm Giám Viện cho đến 1.4.1984 thì bị bắt cùng với HT Thích Trí Siêu và 17 tăng ni, cư sĩ Phật tử khác. Tháng 9.1988, cả hai Hoà thượng đều bị tuyên án Tử Hình vì tội danh “âm mưu lật đổ chính quyền”.

Tháng 11.1988, nhờ sự tranh đấu tích cực của các nhân sĩ trong và ngoài nước, cùng sự can thiệp của các cơ quan nhân quyền quốc tế, bản án được giảm xuống còn tù chung thân.

Ngày 1.9.1998, Hòa thượng Tuệ Sỹ được trả tự do cùng với một số người khác. Trước đó, Ngài đã tuyệt thực 14 ngày để phản đối khi bị ép ký vào lá đơn “xin khoan hồng”.

Tháng 4.1999, HT Tuệ Sỹ  được HT Thích Quảng Ðộ đề cử làm Tổng Thư Ký Viện Hóa Ðạo GHPGVNTN.

Ngày 21.8.2022, tại chùa Phật Ân, Long Thành, Đồng Nai, Hội đồng Giáo phẩm Trung ương GHPGVNTN đã suy cử HT Thích Tuệ Sỹ đảm nhiệm trách vụ Chánh thư ký kiêm Xử lý thường vụ Viện Tăng Thống. Lễ truyền trao ấn tín và khai ấn Viện Tăng Thống cho Ngài diễn ra sau đó 1 ngày tại chùa Từ Hiếu, quận 8, Sài Gòn.

Từ đó, Hòa thượng đã dành hết thời gian và sức khỏe còn lại để chuyên tâm phiên dịch kinh tạng, hiệu đính, chứng nghĩa cho các dịch phẩm của hàng hậu bối. Trước sau, Hòa thượng đã lãnh một án tử hình, 17 năm tù đày và ba lần bị quản thúc, trải qua các nhà tù khắc nghiệt khắp nam trung bắc. Tuy nhiên điều đó vẫn không thể thay đổi được một người đã quyết tâm sống trọn vẹn với những giá trị mình đã lựa chọn, và vẫn giữ được lòng thanh thản bao dung không chút oán hận.

Những ngày cuối đời, từ giường bệnh, Hòa thượng đã cẩn thận sắp xếp, dặn dò những việc cần làm của GHPGVNTN cũng như công trình phiên dịch Đại Tạng Kinh Việt Nam cho các Hội đồng, sau đó đã thuận thế vô thường thâu thần thị tịch tại chùa Phật Ân, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, Việt Nam, vào ngày 24.11.2023 ( 12.10 năm Quý Mão )trụ thế 79 năm, giới lạp 46.


“Năm tháng vẫn như nụ cười trong mộng

Người mãi đi như nước chảy xa nguồn

Bờ bến lạ chút tự tình với bóng

Mây lạc loài ôi bến cũ ngàn năm”


HT Thích Tuệ Sỹ


Nguồn tổng hợp 






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét