Thứ Tư, 29 tháng 11, 2023

Mong ước kỉ niệm xưa

 

Thời gian trôi qua mau chỉ còn lại những kỷ niêm

...




MONG ƯỚC KỶ NIỆM XƯA

Thời gian trôi qua mau chỉ còn lại những kỷ niệm Kỷ niệm thân yêu ơi sẽ còn nhớ mãi tiếng thầy cô Bạn bè mến thương ơi sẽ còn nhớ những lúc giận hờn Để rồi mai chia xa lòng chợt dâng niềm thiết tha Nhớ bạn bè, nhớ mái trường xưa

 

Đặt bàn tay lên môi, giữ chặt tiếng nấc nghẹn ngào Thời gian sao đi mau xin hãy ngừng trôi Dù vẫn mãi luyến tiếc khi đã xa rồi Bạn bè ơi, vang đâu đây, còn giọng nói tiếng cười Những nỗi nhớ niềm thương gửi cho ai ...!

 

Nếu có ước muốn trong cuộc đời này Hãy nhớ ước muốn cho thời gian trở lại Cho bao khát vọng, đam mê cháy bỏng Sẽ còn mãi trong tim mọi người Để tình yêu... ước mơ mãi không phai...

 

Nếu có ước muốn trong cuộc đời này Hãy nhớ ước muốn cho thời gian trở lại Bên nhau tháng ngày, cho nhau những hoài niệm Để nụ cười còn mãi lắng trên hàng mi, trên bờ môi Và trong những... kỷ niệm xưa ...!

Xuân Phương

NHẠC SĨ XUÂN PHƯƠNG CHIA SẺ

Tôi chỉ nghĩ đơn giản mình cần tạo nên điều gì đó chung với cảm xúc của nhiều người, và cố gắng không viết riêng ca khúc chỉ cho bộ phim đấy. Nếu chỉ viết riêng cho phim thì việc đồng điệu hóa cùng cảm xúc của người nghe sẽ bị giảm đi. Bởi vậy, tôi chỉ lấy chủ đề, còn không “dính” quá nhiều vào bộ phim, để sau này ca khúc có cuộc sống thực sự tách riêng ra sau khi “rời” khỏi bộ phim. Khi sáng tác tôi đều ngồi một mình trước đàn, tự đàn, tự hát và ghi lại những ca từ, giai điệu bột phát ra trong lúc đó. Cứ ghi lại như vậy, sau đó mới trau chuốt và sửa cho hay hơn, nghệ thuật hơn. Với tôi, nhạc phẩm tâm đắc nhất chính là bài “Mong ước kỷ niệm xưa”. Khi sáng tác bài hát này tôi còn rất trẻ, mới khoảng 23-24 tuổi. Hồi ấy, tôi mới tốt nghiệp ra trường nên có rất nhiều cảm xúc và kỷ niệm. Tất cả những ca từ và giai điệu trong bài hát dường như có sẵn trong đầu, tôi chỉ làm nhiệm vụ duy nhất là ghi chúng ra thành bài hoàn chỉnh.

...

Nhạc sĩ Xuân Phương

 

 

https://vietnamnet.vn/nhung-ca-khuc-phim-kinh-dien-tren-song-vtv-do-nhac-si-xuan-phuong-sang-tac-2220635.html

 

Thứ Hai, 27 tháng 11, 2023

Diệt trừ .. tự ngã

DIỆT TRỪ .. TỰ NGÃ

Tôi là ai? Ta là cái gì? Ta tồn tại hay không tồn tại? Câu hỏi ấy đã là sự thách thức các hệ thống tư duy triết học và tôn giáo Ấn Độ...

Trong các kinh điển nguyên thủy, Đức Phật không đưa ra một câu trả lời xác định. Thế nhưng, điều được tin tưởng là tất cả giáo pháp của Phật đều hướng đến diệt trừ tự ngã. 

Tôi đang tồn tại, đó là một hiện thực, đồng thời cũng là một ảo ảnh. Đau khổ là sự thực. Cái tôi đang đau khổ ấy lại là ảo ảnh. Cái ta ảo ảnh được bọc trong vỏ trứng vô minh, nó được định hình bằng vọng tưởng thành thân thể ta, linh hồn ta, sở hữu của ta, tài sản của ta, cho đến núi sông này là của ta, tài sản này là của ta, ta là tài sản này; sông núi này là của ta, ta là sông núi này. Cho nên, khi tán gia bại sản, khi sông núi sụp đổ, cái ta vọng tưởng cũng sụp đổ, cho nên có kẻ trầm mình xuống sông, hoặc treo cổ trên cành.

 

Hoà thượng Thích Tuệ Sỹ

Trích: “ Ý nghĩa đề Kinh Kim Cang ”

Lời Phật cần ghi nhớ


 Lời Phật cần ghi nhớ

" Chúng sanh là kẻ thừa tự những hành vi mà nó đã làm "

Và còn có lời Phật khác nữa

" Hãy là kẻ thừa tự Chánh Pháp của Như Lai, chớ đừng là kẻ thừa tự tài vật "

- Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ -












ÔN TUỆ SỸ

Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, thế danh Phạm Văn Thương, sinh ngày 5.4.1945 ( 23.02 năm Ất dậu), tại tỉnh Paksé, Lào. Ngài quê tại Quảng Bình, Việt Nam, là một học giả uyên bác về Phật giáo, nguyên giáo sư thực thụ của Đại học Vạn Hạnh, Sài Gòn.

HT Tuệ Sỹ tinh thông chữ Hán, biết nhiều ngoại ngữ như Anh, Pháp, Lào, Thái, Nhật, Tây Tạng, thông thạo hai cổ ngữ Pali và Sanskrit. Ngài đã chuyển dịch ( tập 2, 3 )tác phẩm “ Thiền Luận “ nổi tiếng của D.T. Suzuki. HT Tuệ Sỹ cũng đọc hiểu được tiếng Ðức và nghiên cứu kỹ về Heidegger, Hoelderlin.

Không chỉ uyên bác về Phật Giáo Nguyên Thủy và Ðại Thừa, Ngài còn tinh thông triết học Tây phương, chơi đàn guitar, violon, piano, thổi sáo, làm thơ, viết một số truyện ngắn và các tiểu luận triết học, phê bình văn học đặc sắc. Ngài cùng với HT Thích Trí Siêu được giới học giả Việt Nam coi là 2 nhà sư uyên bác hàng đầu của Phật giáo Việt Nam khi bị bắt năm 1984.

HT Tuệ Sỹ qui y Phật năm 9 tuổi tại chùa Trang Nghiêm, làng Tân An, tỉnh Paksé rồi trở về Việt Nam năm 1960. Ngài thọ giới Sa di năm 16 tuổi, với HT Thích Hành Trụ tại Sài Gòn và được được HT Thích Trí Thủ nhận về thiền viện Quảng Hương Già Lam ở Gò Vấp. Với các bài viết về Thế Thân (Vasubandhu), về A Tỳ Đạt Ma Câu Xá Luận .. khi theo học tại Viện Ðại Học Vạn Hạnh, Ngài được HT Thích Mãn Giác phó Viện trưởng đề nghị trao bằng Cử nhân nhưng đã xin phép được từ chối. Năm 1970, HT Tuệ Sỹ được đặc cách bổ nhiệm Giáo sư thực thụ Viện Ðại Học Vạn Hạnh nhờ những công trình nghiên cứu Phật học và những khảo luận Triết học có giá trị cao như: Ðại Cương Về Thiền Quán, Liên Hoa Ấn Quán, Triết Học Về Tánh Không. Ngài cũng là chủ bút Tạp chí Tư Tưởng của Ðại học Vạn Hạnh. Với kiến thức Phật Học uyên thâm, Ngài đã viết giảng luận “Huyền Thoại Duy Ma Cật” và đi theo hình mẫu lý tưởng này. Có thể nói, tư tưởng Bồ Tát Đạo trong kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết ( là bộ kinh nêu cao tinh thần sống đạo mà chẳng cần y áo hay sự suy tôn kiểu cách ) và bộ kinh Pháp Hoa đã ảnh hưởng suốt cuộc đời tu học và hành Đạo của Ngài. Ngài đã không ngại dấn thân phụng sự và trở thành biểu tượng của sự đấu tranh ôn hòa cho các giá trị nhân quyền và tự do tôn giáo tại Việt Nam.

Sau năm 1975, HT Thích Tuệ Sỹ về ẩn cư ở ven rừng Vạn Giã, Nha Trang rồi vào lánh nạn ở chùa Tập Thành, Bình Thạnh, Sài Gòn. Đầu năm 1978, Ngài bị đưa đi học tập cải tạo 3 năm rồi được phóng thích cuối năm 1980. Sau đó, Ngài làm Giáo thọ sư cho khóa đào tạo đặc biệt tại Tu Viện Quảng Hương Già Lam nơi HT Thích Trí Thủ làm Giám Viện cho đến 1.4.1984 thì bị bắt cùng với HT Thích Trí Siêu và 17 tăng ni, cư sĩ Phật tử khác. Tháng 9.1988, cả hai Hoà thượng đều bị tuyên án Tử Hình vì tội danh “âm mưu lật đổ chính quyền”.

Tháng 11.1988, nhờ sự tranh đấu tích cực của các nhân sĩ trong và ngoài nước, cùng sự can thiệp của các cơ quan nhân quyền quốc tế, bản án được giảm xuống còn tù chung thân.

Ngày 1.9.1998, Hòa thượng Tuệ Sỹ được trả tự do cùng với một số người khác. Trước đó, Ngài đã tuyệt thực 14 ngày để phản đối khi bị ép ký vào lá đơn “xin khoan hồng”.

Tháng 4.1999, HT Tuệ Sỹ  được HT Thích Quảng Ðộ đề cử làm Tổng Thư Ký Viện Hóa Ðạo GHPGVNTN.

Ngày 21.8.2022, tại chùa Phật Ân, Long Thành, Đồng Nai, Hội đồng Giáo phẩm Trung ương GHPGVNTN đã suy cử HT Thích Tuệ Sỹ đảm nhiệm trách vụ Chánh thư ký kiêm Xử lý thường vụ Viện Tăng Thống. Lễ truyền trao ấn tín và khai ấn Viện Tăng Thống cho Ngài diễn ra sau đó 1 ngày tại chùa Từ Hiếu, quận 8, Sài Gòn.

Từ đó, Hòa thượng đã dành hết thời gian và sức khỏe còn lại để chuyên tâm phiên dịch kinh tạng, hiệu đính, chứng nghĩa cho các dịch phẩm của hàng hậu bối. Trước sau, Hòa thượng đã lãnh một án tử hình, 17 năm tù đày và ba lần bị quản thúc, trải qua các nhà tù khắc nghiệt khắp nam trung bắc. Tuy nhiên điều đó vẫn không thể thay đổi được một người đã quyết tâm sống trọn vẹn với những giá trị mình đã lựa chọn, và vẫn giữ được lòng thanh thản bao dung không chút oán hận.

Những ngày cuối đời, từ giường bệnh, Hòa thượng đã cẩn thận sắp xếp, dặn dò những việc cần làm của GHPGVNTN cũng như công trình phiên dịch Đại Tạng Kinh Việt Nam cho các Hội đồng, sau đó đã thuận thế vô thường thâu thần thị tịch tại chùa Phật Ân, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, Việt Nam, vào ngày 24.11.2023 ( 12.10 năm Quý Mão )trụ thế 79 năm, giới lạp 46.


“Năm tháng vẫn như nụ cười trong mộng

Người mãi đi như nước chảy xa nguồn

Bờ bến lạ chút tự tình với bóng

Mây lạc loài ôi bến cũ ngàn năm”


HT Thích Tuệ Sỹ


Nguồn tổng hợp 






Thứ Bảy, 25 tháng 11, 2023

Đi qua mùa thu

ĐI QUA MÙA THU

Cơ quan có chế độ ưu đãi với những cán bộ sắp hưu trí là tặng họ một chuyến Du lịch tùy chọn trong nước. Ông nhận tờ quyết định và bâng khuâng một lúc. Thế là mình đã già thật rồi, dù có cố gắng chứng tỏ thế nào đi nữa cũng đến lúc phải nghỉ ngơi và nhìn lại. Ông điểm nhanh quãng thời gian công chức miệt mài trong công ty mấy chục năm, từ khi còn là anh kỹ thuật viên non choẹt cho đến khi trở thành một bác Trưởng phòng khả kính hôm nay.

Ông tự thấy mình chưa hề dối trên lừa dưới, chưa làm gì có lỗi với gia đình, bạn bè đồng nghiệp. Thời trẻ còn hăng, có vài lần nóng nẩy xô xát thì cũng bởi đấu tranh với những chướng tai gai mắt, những bất công chung quanh. Cơ quan trải qua mấy đời lãnh đạo, người ưa ông, người không ưa ông, nhưng ông cũng đã khéo léo đối phó để không quá khúm núm cũng không quá căng thẳng khi cộng tác với những vị ấy. Tóm lại, ông là một công chức mẫn cán có một lý lịch trong lành trước khi “hạ cánh”.

Ông muốn đi bộ về nhà, lần đầu tiên ông ngắm từng gốc cây góc phố, từng hàng quán, từng ngôi nhà, thậm chí từng viên đá của cái vỉa hè sứt mẻ trên suốt quãng đường thân thuộc mấy chục năm hối hả đi làm, nó chầm chậm qua như một chương trình tivi muốn hay không muốn thì ngày nào cũng phải xem, và khi nhà đài không phát lại nữa thì lại thấy hụt hẫng.

Vài chiếc lá vàng rụng xuống vai ông, ông chợt thấy có chút gì xao xuyến…À, có lẽ mùa thu năm ấy, một mùa thu đẹp dịu dàng vẫn ẩn nấp trong ký ức ông lại bừng dậy. Phải rồi, cũng lá, cũng thu và người đàn bà ấy, người đồng nghiệp với ông một thời gian, giờ đã chuyển đến sống ở một thành phố khác. Nhưng điều ông không thể quên là việc nàng và ông đã có với nhau một đêm tuyệt vời trong một chuyến công tác.

Ông đã từng lên án gắt gao, thậm chí khinh bỉ những người chồng, người cha có giáo dục vướng vào chuyện ngoại tình và ông không cho phép họ cơ hội giải thích cho hành vi lừa dối những người thân của mình nhưng ông không bao giờ xếp cái đêm bí mật của riêng ông vào cùng một giuộc.

Ông nâng niu cái đêm ấy, ông luôn nhớ về nó khi buồn, khi cô độc và khi bà vợ lắm lời giở chứng. Nhưng chưa bao giờ ông dám nghĩ đến một đêm khác với nàng, ông cũng không giải thích rõ được điều này, có thể bởi ông không muốn cảm giác ăn năn lởn vởn lần nữa, có thể vì ông ngại một điều gì đó rất mơ hồ, có thể ông quá tỉnh táo mà biết rằng chẳng bao giờ có hai đêm giống nhau…? Thật khó hình dung rõ ràng, lý giải rành rọt nhưng không thể phủ nhận được đó là một trong những đêm hạnh phúc nhất cuộc đời ông và chắc rằng ông giữ mãi trong ký ức suốt quãng đời còn lại.

Sau này cũng có vài lần ông vui vẻ bên ngoài sau những cuộc nhậu của cánh đàn ông nhưng tuyệt nhiên dòng xúc cảm ngọt ngào tương tự chưa lần nào được lặp lại. Miên man nghĩ, rồi ông tự hỏi: Tại sao mình không chọn chuyến du lịch cuối cùng này đến thành phố nàng sống nhỉ? Rồi ông lại ngần ngại tưởng tượng ra buổi chạm mặt người xưa… Không biết bây giờ nàng thế nào? Ông sẽ ra sao trong mắt nàng? Có nên gặp lại không, có nên không? Nghĩ đi rồi nghĩ lại, ông thấy mình có phần bạc nhược và thực dụng. Đời khắc nghiệt thật nhưng đâu phải điều gì cũng quá so đo, tính toán? Đến cả điều dịu dàng thăm thẳm ấy mà cũng trăn trở nữa thì liệu ta còn là một nam nhi chân chính hay không?

Tối hôm ấy, ông bảo vợ: “Cơ quan bố trí cho tôi đi nghỉ ở thành phố N mấy hôm, là chuyến du lịch cuối cùng của đời công chức!” Vợ ông che miệng ngáp, nhắc: “Nhớ mang thuốc theo ông nhé” rồi buông màn, đi ngủ.

***

Thành phố N và hiện đại và náo nhiệt nhiều so với những năm trước. Hàng quán mọc nhộn nhịp che khuất cả mặt biển, từng đôi trẻ dập dìu bên nhau khiến ông bùi ngùi… Nhìn nơi nào ông cũng tưởng tượng nàng đã từng đi qua, từng ngắm nhìn… Ông run run bấm vào tên nàng trong điện thoại:

– Alo? – Giọng nàng nghiêm nghị.

– Là anh đây, em có khỏe không?

– Xin lỗi tôi chưa nghe rõ, ai đấy ạ? – Nàng cẩn thận.

– Anh đây, V đây mà.

– Ôi, anh… – Nàng bắt đầu lúng túng. Ông cười:

– Anh đang ở N, có thể gặp nhau không em?

Bên đầu dây im lặng, có lẽ nàng quá bất ngờ hoặc có thể lúc này không tiện lắm. Ông nói nhỏ:

– Anh hiểu. Khi nào tiện, em gọi lại cho anh nhé!

Sau bữa trưa, nàng gọi lại. Ông thấy hồi hộp chẳng khác gì thuở còn đôi mươi, tình cảm lạ lùng thật.

– Anh à… – Giọng nàng dịu dàng – Vợ chồng em mời anh đến nhà dùng cơm tối nay, anh đến nhé!

Ông hơi cụt hứng, nhưng không để lộ qua giọng nói:

– Thế thì hay quá, tối anh sẽ đến.

Tối. Ông ngắm mình trước gương: một người đàn ông đứng tuổi lịch thiệp, gây được cảm giác tin cậy. Ghé vào một cửa hiệu ông chọn hộp bánh quy sang trọng, món quà chung cho cả nhà. Cổng nhà nàng nằm khuất sau cây hoa tím có những chùm hoa rủ xuống kín đáo và lãng mạn, đúng như ông tưởng tượng về nơi nàng ở. Bấm chuông. Đèn sân bật sáng. Một người đàn ông chạc tuổi ông, trán hói, dáng người thấp đậm đi ra. Ông V thấy có chút hồi hộp: là người “đầu gối tay ấp với nàng” đây. Người đàn ông mở cửa, ông nói rành rọt:

– Tôi là V, trước công tác cùng với chị nhà, nhân tiện có chuyến du lịch qua đây nên…

– Vâng, vâng, nhà tôi có nói, mời anh vào – Họ bắt tay nhau.

Căn phòng khách giản dị và ngăn nắp, trên kệ sách sát cửa sổ có đặt một bình thủy tinh cắm những bông cúc vàng làm bằng vải trông y như thật, loại cúc mà ông nhớ là nàng rất thích. Nàng từ trong phòng đi ra, ông thấy tim mình đập nhanh khác thường… Nàng gầy hơn trước một chút, mái tóc uốn những lọn quăn thả trên vai, đôi mắt vẫn đẹp dịu dàng. Nàng cười rất tự nhiên, như hàng ngày họ vẫn gặp nhau, như ông vẫn đến nhà nàng thường xuyên:

– Anh V đến rồi à, em cứ lo không biết anh tìm nhà có khó không, anh uống cốc trà rồi vào dùng cơm tối với nhà em nhé.

Ông thầm cám ơn nàng thông minh, giúp ông bước qua cảm giác bối rối ban đầu. Nhìn chồng nàng xăng xái giúp vợ bưng thức ăn lên, cô gái lớn bày biện ra đĩa, cô gái nhỏ hí hoáy sắp xếp bát đũa trên bàn, ông thấy lòng ấm áp. Nàng có cuộc sống bình yên, hạnh phúc, thật mừng.

Bữa cơm diễn ra ngon miệng, vui vẻ, chủ nhà và khách chuyện trò thoải mái, thỉnh thoảng pha chút dí dỏm. Rượu được rót ra và họ cụng ly. Nàng cũng nhấp môi và thoáng chôc, đôi má ửng hồng của nàng làm ông xao xuyến. Nhìn đôi tay nhỏ nhắn của nàng, ông liên tưởng đôi tay ấy đã ghì chặt ông nồng nhiệt, nhìn đôi môi đang cười của nàng, ông lại nhớ đến nụ hôn nghẹt thở cuống quít, nhìn đôi mắt nàng mơ màng, ông lại nhớ đến hàng mi khép hờ đắm đuối đêm nao… Có lẽ rượu đã dần đưa ông về giấc mơ bí mật ngọt ngào… Ông nhìn qua người đàn ông hói trán, thấp đậm đang vô cùng mãn nguyện với buổi gặp gỡ mà chợt buồn lạ kì… buồn muốn khóc… Hạnh phúc là gì thế? Nó có thật không? Thật đến mấy phần trăm? Người ta phải mất bao nhiêu thứ để nhận lấy một sự bình yên, sự bình yên đơn điệu của kiếp người?

May mắn là cũng đã khá muộn, bữa cơm rồi cũng đến hồi kết thúc, mọi thủ tục cần làm cũng đã làm xong: hỏi thăm, khen ngợi, cám ơn, hẹn gặp lại… Ông bắt tay ông bà chủ nhà tốt bụng và xin phép ra về. Ông chồng lịch sự để vợ tiễn đồng nghiệp cũ ra cửa. Đi bên nàng một đoạn đường ngắn ngủi, ông chỉ có thể nói:

– Anh cám ơn vợ chồng em. Anh sẽ không bao giờ quên em được.

Không dám nhìn nàng, nhưng ông cảm giác rằng nàng đang cố nén những giọt lệ giấu kín từ nơi sâu thẳm, xa xôi mà gụi gần… Nàng vẫn im lặng, chỉ khi nàng từ từ mở cánh cổng sắt sơn màu xanh sẫm ẩn dưới những chùm hoa tím, cánh cổng tạo nên một âm thanh rên rỉ, buồn bã, nàng mới ngước đôi mắt đẹp và trầm buồn lên nhìn ông, rồi nàng nói:

– Em đã quên tất cả. Mỗi ngày qua em đều thấy ăn năn với gia đình. Mong anh tha lỗi cho em.

Ông không nhớ mình đi bộ thế nào suốt quãng đường về khách sạn, rồi như một cái máy, ông gom vội tất cả đồ đạc vào chiếc vali, khóa lại cẩn thận và mong đêm qua thật mau để sáng mai rời N sớm. Ông ngủ một giấc không mộng mị. Ngoài cửa sổ, mùa thu đang dần dần đi qua.

 

Vũ Thanh Hoa