Thứ Sáu, 28 tháng 4, 2023

Con cháu Vua Hùng

CON CHÁU VUA HÙNG

Thời tiết thật chẳng chiều lòng người, cái ngày mà khắp nơi nơi đang bừng bừng không khí lễ hội để ăn mừng Quốc giỗ ... thì Ông Trời lại cho đổ mưa tầm, mưa tã. Phú Thọ ... mưa, Đền Hùng ... mưa, Hà nội ... cũng mưa, miền Bắc ... mưa , mưa .. . nhiều nơi.

Có người nói Trời mưa là để rửa Đền, cho sạch hết các uế tạp và ô nhiễm, có người lại cho rằng...  chẳng qua là các Cụ ... buồn vì thực trạng xuống cấp, xuống dốc Đạo Đức, luân thường của cái đám con , đám cháu nòi Lạc giống Hồng. 

Vậy ta hãy thử dòm xem cái đám con cháu các Cụ giờ sống ra làm sao, có thật là cần phải tẩy rửa sạch tạp uế không ? .. có thật là các Cụ phải rầu lòng vì chúng hay không ?

Không !  

Không phải đâu các bạn ạ ! 

Hoàn toàn không phải nhé ! 

Chúng ta đã làm được rất nhiều, rất rất nhiều ... cho Quê hương yêu dấu của chúng ta, cái xứ sở mà từ ngày xửa, ngày xưa, nơi các Vua Hùng đã có công dựng Nước. Còn ngày nảy, ngày nay,  lũ con cháu chúng ta cũng phải biết lo mà giữ lấy Nước cho nó chắc chắn. Đó cũng chính là những lời răn dậy của chủ tịch Hồ Chí Minh cách đây ngót nghét hơn sáu chục năm. Muốn giữ được nước thì phải làm gì ? Tất nhiên là phải làm cho kinh tài được phát triển, Dân được giầu, Nước được mạnh , xã hội được văn minh, tiến bộ... vua thì sáng, tôi thì hiền,.. con dân thì ngoan đạo và biết vâng lời. Muốn phát triển được thì phải làm gì ? Tất nhiên là phải biết tích lũy, biết tiết kiệm các nguồn lực, nguyên, nhiên vật liệu... biết tiếp thu và học hỏi từ kinh nghiệm của các cường quốc phát triển. Non sông có được vẻ vang hay không ? Có thể sánh vai cùng các cường quốc năm châu hay không ?.. Chính là ở chỗ này vậy đấy. 

Có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng, hiện nay chúng ta đang đi đầu trong phong trào bảo vệ môi trường thiên nhiên, bảo vệ Mẹ trái đất. Ở xứ ta, không có cái gì gọi là phế thải để mà vất đi cả, chúng ta tận dụng hết, tái sử dụng hết, vừa tiết kiệm, tránh lãng phí lại bảo vệ được môi trường sống xung quanh. 

Pin sử dụng xong  ... ta đem trộn với cafe  ... rất bổ dưỡng

Tre già thì đem đốt thành than ...ta dùng bột than làm thuốc trị ung thư ... rất hiệu quả

Thuốc hạ sốt hết hạn ... ta dùng cho trẻ em từ 1 -  3 tuổi ... chả phí tí nào.

Sữa sắp hết date ... ta lại đưa lên trên mạn ngược, trên đấy khí hậu trong lành bảo quản được lâu hơn.

Nước thải công nghiệp ... xử lý qua ... là ta mang vỗ béo tụi tôm, cua, cá ... lớn rất nhanh.

Dầu nhớt thải ... ta dùng để tưới cho rau muống ... năng suất cao mà lại đuổi tiệt lũ sâu bọ.

Rau, củ, quả ... ta đem ngâm hoá chất tẩy ...  sẽ để được rất lâu, khỏi phải vứt đi ... hoài của lắm.

Lợn chết, gà thiu, nội tạng bốc mùi ... ta sơ chế với tí hoá chất là ăn được tất ... cái này là để cho ngũ tạng được luyện rèn.

Nước giặt giẻ lau bảng , dép cũ ... ta đưa vào dùng làm giáo cụ ... rất hiệu quả.

...

Rất tiết kiệm, rất sáng tạo, tận dụng tất ... không có cái gì để lãng phí cả, không có cái gì mà phải vứt đi cả.

Song hành cùng công cuộc tiết kiệm cho nguồn dự trữ có hạn của Mẹ Trái đất , chúng ta cũng không hề sao nhãng việc ra sức tận tâm tích trữ cho ngân khố của quê Cha . Muốn phát triển được thì phải có tích lũy, đây là quy luật tất yếu của cuộc sống. Không có tiền thì phát vào đâu ? ... chỉ có lên rừng mà phát vài cái rẫy, hay lại phải cạp lấy đất mà ăn thôi. Muốn tích luỹ nhanh theo chiến lược đi tắt, đón đầu thì ... chúng ta phải rất tận tình mà tận ... thu. Không có con đường nào khác cả, muốn vẻ vang, muốn sánh vai với họ thì phải làm vậy, phải tích nhanh cho thật nhiều tiền ... vì tài nguyên thì chả thể tích được vào đâu. Có tiền rồi thì mới có thể đầu tư, mua sắm mà phát triển lên được. Muốn tích tiền nhanh thì phải làm gì ? Đương nhiên là ta không thể cứ đem in ra mà tích được. Vậy thì phải moi cho ra cái gì bán được thì đem bán, cái gì có thể thu được là phải thu thôi.

Những cánh đồng cỏ dại mà xưa nay chúng ta phải thuê người nhổ bỏ, hay tốn tiền phun thuốc tiêu diệt ... giờ .. ta tận dụng chúng làm suất ăn để bán cho bò ... vừa thu được tiền lại vừa không gây ô nhiễm.

Nhà ở xã hội dành cho những người có thu nhập thấp thì ... ta sẽ đánh thuế dành cho ... nhà giầu. Bởi vì đã có nhà là giầu rồi ! ... bên Tây ý mà ... họ toàn đi ở thuê thôi, mà họ là tư bản đấy nhé. Ta cũng phải oánh thuế luôn và ngay từ căn nhà đầu tiên, thừa kế cũng vậy mà vay nợ để mua cũng thế ... oánh tuốt tuồn tuột. Như vậy sẽ hạn chế được việc đầu cơ nhà đất, chặn ngay từ đầu, từ khi còn trứng nước. Bà con còn tiền đâu mà để đầu cơ mua thêm cái nữa. Việc oánh thuế này sẽ bảo đảm được công bằng xã hội, tuân thủ theo hiến pháp, mọi người dân đều có thể sở hữu được nhà, không phải lo nhà hàng xóm nó mua hết mất. Và ngân khố lại có thêm được nguồn thu không hề nhỏ.

" Cửa Phật rộng mở, đưa chúng sanh đi vào nẻo thiện "

Phật Môn xưa nay là chốn từ bi, luôn rộng mở cho chúng sinh ba đào đến với Phật. Người đi lễ Chùa thì tuỳ tâm, tuỳ khả năng mà giọt dầu, công đức cho Nhà Chùa, có mấy ai mà không làm như vậy. Trong bao năm qua, việc trùng tu tôn tạo đều có sự đóng góp rất lớn từ các nguồn kinh phí xã hội hóa, từ sự công đức của nhân dân. Hàng nghìn ngôi chùa đã được xây dựng, tu bổ bằng cách đó mà không cần phải bán vé.

Nhưng giờ đây ta lại bán vé vào cửa là vì sao?  ... vì cái này rất đúng với quy trình. Vé này không phải vé vào Chùa mà là phí vãng cảnh. Ta không hề thu tiền vào cổng Chùa, mà chỉ thu tiền cái phần tham quan di tích và thắng cảnh mà thôi. Lễ Phật không bao giờ là phải nộp tiền cả. Chúng ta có thể leo bộ vài cây số mà không nhòm ngó xung quanh hay không? chúng ta có thể đổ bộ từ trên Trời hay nhắm mắt đi thẳng vào Lễ Chùa rồi quay về luôn được không ? ... không thể !  .. đúng không ?  Đó chính là vừa được lễ Chùa, lại vừa được tham quan các danh lam thắng cảnh ... vậy phần sau phải thu phí Là quá chuẩn không cần chỉnh rồi. 

Phí này sẽ để làm gì ? Đương nhiên là một phần sẽ để làm quỹ duy trì, tôn tạo, bảo tồn khu di tích .. thứ mà dân gian hay gọi là giọt dầu vậy. Một phần bé tí tí xíu là để duy trì bộ máy vận hành, làm cho nó chạy ngon lành và trơn chu. Phần lớn nhất, miếng to nhất sẽ đóng góp vào ngân sách ... đó lại chính là tích lũy đấy ạ. Việc thu phí này cũng góp phần không nhỏ vào công cuộc gìn giữ và phát triển ở quê Cha, đất Tổ. Cứ đà này, nếu số tiền dần tăng lên thì người nghèo chỉ có thể đứng từ xa xa mà bái Phật, chỉ người có tiền mới bước vào được chốn Phật môn. Vậy là nếu muốn đến Chùa bái phật thì phải giầu lên, phải tích lũy và tiết kiệm ...  Dân mà giầu thì Nước khắc mạnh ... Nước hùng mạnh thì mới có thể thoải mái mà bá vai bá cổ với các cường quốc ở khắp năm Châu. 

Mà muốn làm giầu thì không hề khó tí nào cả, chỉ cần chăm chỉ, chịu thương, chịu khó là được, đừng có mà lười. Nuôi lợn, buôn chổi đót... chạy xe ôm ngoài giờ là có thể xây được biệt phủ, xắm nhà lầu, siêu xe ... có khó khăn gì đâu. Bác Hồ cũng đã dậy cho chúng ta rồi kia mà : " không có việc gì là khó hết cả ".

Vậy là đã rõ như ban ngày rồi nhé ! 

Dù vẫn còn một số tồn tại và hạn chế ... nhưng đám con cháu các Vua Hùng chúng ta đã đạt được những thành quả và thành tựu đáng kể. Năm sau đều tăng cao và phát triển hơn năm trước. Chúng ta đã vươn lên hàng đầu trong công cuộc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường sống. Chúng ta cũng đã tiếp thu và học hỏi không ngừng từ các nước tiền tiến, đã biết đón đầu đi tắt để tạo tiền đề, điều kiện cho sự bùng nổ và phát triển mai sau. Cứ cái đà này... cứ con đường này ... thì sẽ có cái ngày mà quê chúng ta được vẻ vang, được sánh vai cùng các cường quốc ở khắp năm châu bốn bể như Bác Hồ đã từng mong mỏi.

Và thế là chúng ta đã tìm được câu trả lời hợp lý và rất khoa học ... Trời mưa vì chẳng qua là mây nhiều quá thì nó sẽ phải mưa. Không có tí ti liên quan gì đến cái việc tẩy rửa hay khóc than gì hết cả. 

Mà nếu có khóc thì đó chắc hẳn phải là những giọt nước mắt .. sung sướng.

 

Mậu Tuất Niên

Tháng 3, ngày 10 ÂL

*Nhân giỗ Tổ năm nay lại mưa nên pót lại tút khảo cứu cũ về Thiên Tượng  “ Mưa Rửa Đền ”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét