Chủ Nhật, 30 tháng 4, 2023

Bạn là .. Bạn

BẠN LÀ .. BẠN

Nhân ngày thống nhất đất nước 30/4, xin được nhắc lại một câu truyện về tình bạn không giới tuyến của anh hùng quân đội Phạm Xuân Ẩn ... một người cộng sản, một sĩ quan tình báo huyền thoại ... và còn là một người bạn thủy chung.

Phạm Xuân Ẩn là một con người đầy nhân cách, đầy tính nhân văn. Ông kết thân bằng hữu được với tất cả mọi người, không nhất thiết là cùng quan điểm chính trị, hay cùng chiến hào, không có ranh giới người cấp cao – thấp. Ông cho rằng, tình bạn là phải chung thủy, phải chân thành, không có sự phân biệt ranh giới và đẳng cấp, không có phân biệt hệ tư tưởng. Với Phạm Xuân Ẩn, trong tình bạn không có sự phân biệt sang hèn. Bạn là .. Bạn.

Câu chuyện Phạm Xuân Ẩn cứu bác sĩ Trần Kim Tuyến là một minh họa thuyết phục về nhân cách của ông. Trần Kim Tuyến, một trùm mật vụ khét tiếng chống cộng của chính quyền Sài Gòn, nhưng lại là bạn của Phạm Xuân Ẩn theo nhiều nghĩa. Ông Tuyến từng giúp Phạm Xuân Ẩn sau khi ông Ẩn học xong nghề báo từ Mỹ trở về. Trần Kim Tuyến đã bố trí công ăn việc làm và giúp đỡ nhiều cho ông Ẩn trong công việc. Trần Kim Tuyến là người được Pháp đào tạo cho nên giỏi tiếng Pháp chứ không giỏi tiếng Anh. Khi Mỹ triển khai các chiến lược quân sự ở miền Nam Việt Nam, lúc đó Trần Kim Tuyến là trùm mật vụ và có rất nhiều tài liệu bằng tiếng Anh, nên ông ta và các quan chức, sĩ quan cao cấp khác của chính quyền Sài Gòn thường hay nhờ Phạm Xuân Ẩn đọc hộ, và tóm tắt lại. Nhờ đó Phạm Xuân Ẩn lấy được rất nhiêu tài liệu vô cùng quý giá mà không cần phải mở trộm két sắt của đối phương. Một trong những tài liệu đó là tài liệu về chiến lược chiến tranh đặc biệt của Mỹ ở Việt Nam. 

 

Đầu những năm 1960, khi Mỹ đưa chiến tranh đặc biệt vào Nam Việt Nam, các nhà lãnh đạo ở Hà Nội bối rối tìm cách đối phó mà không hiểu gì về chiến tranh đặc biệt. Trung ương đã cử hai đoàn đại biểu quân sự sang Moskva và Bắc Kinh để tìm hiểu thông tin về chiến tranh đặc biệt - nhưng cả hai đoàn đều trở về với hai bàn tay trắng. Phạm Xuân Ẩn đã lấy được tài liệu về chiến tranh đặc biệt của Mỹ theo cách ấy và nhờ đó quân giải phóng tổ chức đánh thắng trận Ấp Bắc, làm phá sản chiến tranh đặc biệt của Mỹ ở Miền Nam.

Vào những ngày cuối của chế độ Sài Gòn, Trần Kim Tuyến bị kẹt lại vì nhiều lí do, trong đó có lí do ông ở lại để dàn xếp cho những người bạn của ông, những người mà ông chịu ơn, đi di tản. Vào phút chót chỉ còn một chuyến bay cuối cùng ở trụ sở CIA tại Sài Gòn. Lúc đó, Phạm Xuân Ẩn cũng không biết kế hoạch di tản của Mỹ nên giúp Trần Kim Tuyến bằng cách lái xe hơi chở ông Tuyến đến tòa nhà Sứ quán Mỹ. Khi đến nơi thì không còn chuyến bay nào nữa. Do Phạm Xuân Ẩn được một số nhà báo nước ngoài chỉ cho biết, còn một máy bay cuối cùng để rời miền Nam Việt Nam ở trụ sở của CIA nên Ông lại lái xe chở Trần Kim Tuyến đến đó. Đến nơi thì cánh cửa của tòa nhà cũng bắt đầu sập xuống. Phạm Xuân Ẩn đã cố gồng vai lên giữ cánh cửa và bằng mọi cách đẩy Trần Kim Tuyến kịp trườn mình qua cánh cửa chui vào. Hai người chỉ còn kịp chào nhau, nhắn nhau nhớ giữ liên lạc và Trần Kim Tuyến đã nói: “Phạm Xuân Ẩn, tôi không bao giờ quên ơn của anh”.

Vì hành động cứu Trần Kim Tuyến, mà sau này Phạm Xuân Ẩn chịu rất nhiều rắc rối và chỉ trích từ các đồng chí của ông ở Hà Nội.

Khi trả lời phỏng vấn của Giáo sư Larry Berman, Phạm Xuân Ẩn đã giải thích vì sao ông cứu Trần Kim Tuyến:

“Sở dĩ tôi cứu Trần Kim Tuyến bởi vì tôi với ông ấy là bạn. Trần Kim Tuyến có thời bị thất sủng, theo đề nghị của tôi, Trần Kim Tuyến đã quyết định phóng thích khá nhiều tù chính trị, những đồng chí, đồng đội của tôi đã bị chế độ Sài Gòn cầm tù. Còn một điều nữa, khi Trần Kim Tuyến ra đi, vợ con ông ấy đã chạy trước sang Singapore. Vợ ông Tuyến là người Pháp, lúc đó đang mang bầu. Tôi đã từng là người cha, người chồng, nên hiểu tình cảnh của một đứa trẻ ra đời mà không biết mặt cha thì đau đớn biết chừng nào. Nếu Trần Kim Tuyến ở lại không thực hiện được cuộc di tản đó thì chắc chắn bị cầm tù và thậm chí chịu mức hình phạt cao nhất. Tôi không muốn cảnh đó xảy ra đối với một người bạn của mình”.

 Giáo sư Larry Berman đã tìm gặp và hỏi tất cả những người bạn của Phạm Xuân Ẩn, rằng “ Phạm Xuân Ẩn là điệp viên ở phía bên kia đấy, bạn có biết điều đó không và nghĩ như thế nào?” 

Tất cả các câu trả lời, kể cả của Trần Kim Tuyến, nói chung đều là không biết nhưng không ghét bởi vì Phạm Xuân Ẩn là một người bạn tốt.

 

Theo Nguyễn Đại Phượng 

* Nguyễn Đại Phượng là dịch giả cuốn: “ Điệp viên hoàn hảo “  của nhà sử học Mỹ Larry Berman

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét