Thứ Ba, 18 tháng 10, 2022

Sống thay đổi ...

SỐNG THAY ĐỔI PHÒNG UNG THƯ

Ung thư không tự nhiên sinh ra, cũng không phát triển thình lình mà là kết quả của một sự tương tranh lâu dài giữa hai thế lực chánh và tà. Chánh là hệ thống phòng vệ của cơ thể. Tà là chỉ những tác nhân gây ra ung thư. Trong quan hệ giữa chính khí và tà khí, Đông y cho rằng khi chính khí thắng tà khí tất sẽ rút lui và con người sẽ không còn bệnh tật. Do đó, nếu ta có thể thông qua luyện tập dưỡng sinh, thông qua chế độ ăn uống để vừa tăng cường được chính khí lại vừa giảm bớt hoặc chấm dứt hắn việc bị phơi nhiễm tà khí thì việc bảo đảm thắng lợi trong cuộc chiến chống ung thư chỉ là một quy luật tự nhiên.

- Việc tăng cường sức phòng vệ cơ thể thông qua những loại thực phẩm có nhiều chất chống oxy hoá chỉ có ý nghĩa thiết thực khi được thực hiện song song với những biện pháp nhằm giảm việc tiếp xúc với các yếu tố gây ung thư hoặc làm gia tăng các gốc tự do trong cơ thể.

+ Không hút thuốc. Thuốc lá là nguồn cung cấp những gốc tự do lớn nhất. Có hàng ngàn chất độc hại trong những điếu thuốc lá. Một so sánh còn nói rằng hút một hơi thuốc còn độc hại hơn gấp 600 lần so với hít phải một hơi khói thải từ xe cộ. Hút thuốc không những gây hại cho bản thân mà còn làm khói thuốc lan toả có hại cho những người chung quanh.

+ Không ăn các loại thực phẩm để qua đêm. Các loại thức ăn, thức uống thiu, ôi có nhiều nấm mốc có thể tiết ra độc tố aflatoxin dễ dẫn đến ung thư.

+ Tránh ăn các loại thực phẩm đã qua chế biến với các phụ gia, hoá chất, các loại đồ hộp, nước uống đóng chai. Các hoá chất nitrits, nitrats hoặc bất cứ loại nào khác được xử dụng để làm cho thực phẩm lâu hư, thêm độ dai, dòn, chất tẩy trắng hoặc chất tạo màu đều là những tác nhân dễ dẫn đến các loại ung thư miệng, ung thư thực quản, dạ dầy. Những loại dưa muối thường có hàm lượng cao chất nitrosamin cũng được cho là có liên quan dến ung thư vòm họng, dạ dầy.

+ Giảm thiểu các loại thức ăn nướng, quay, hun khói. Các loại thức ăn trực tiếp với lửa và những thực phẩm chiên, xào lâu hoặc với độ nóng cao trên 250 độ dù với mỡ động vật hay với dầu thực vật đều có thể sinh ra những chất độc hại dễ dẫn đến ung thư. Khi chiên các loại thực phẩm, nên loại bỏ phần dầu thừa bằng cách dùng giấy thấm chuyên dụng của nhà bếp để thấm qua một lần trên những thức ăn vừa chiên xong.

+ Giảm bớt việc ăn các loại thịt đỏ như thịt bò, thịt ngựa, thịt cừu. Thống kê của tổ chức y tế thế giới cho biết bệnh tim mạch và ung thư thường tỷ lệ thuận với việc ăn nhiều các loại thịt đỏ. Chẳng hạn ung thư ruột dễ xuất hiện ở các cộng đồng ăn thịt nhiều ở Bắc Mỷ và Tây Âu hơn là những vùng ăn chay ở Ấn độ. Dân Scotland ăn thịt bò nhiều hơn 20% so với người Anh cũng có tỷ lệ ung thư ruột cao nhất thế giới. Các chuyên viên tại viên ung thư Dana Farber ở Mỷ đã tiến hành khảo sát 1009 bệnh nhân ung thư ruột già giai đoạn 3 đã trải qua điều trị phẩu thuật và hoá trị. Kết quả cho thấy những người ăn nhiều chất béo và thịt đỏ có nguy cơ tái phát bệnh và tử vong cao gấp 3,3 lần so với những người ăn cá và rau quả.

* Đối với người đang được điều trị ung thư tốt nhất là nên chấm dứt hẳn việc ăn thịt đỏ. Nếu cần ăn chất đạm động vật, chỉ nên ăn cá và một ít thịt trắng như gà, bồ câu đã bỏ da và nội tạng. Cá là một nguồn chất đạm dễ tiêu hoá lại chứa nhiều acid béo omega 3. Người ta khuyên nên ăn cá ít nhất 3 lần một tuần. Cá có tác dụng giảm trầm uất và điều hoà được lượng cholesterol trong máu.

- Riêng với trứng, người ta khuyên không nên ăn nhiều. Đối với người đang được điều trị ung thư càng không nên ăn. Trứng là một nguồn đạm động vật có hàm lượng cholesterol rất cao. Ăn trứng nhiều cũng có liên quan đến các bệnh ung thư ruột, ung thư vú và ung thư tiền liệt tuyến.

+ Ngòai ra, chế độ ăn uống phòng chống ung thư cũng bao gồm những khuyến cáo thông thường của một chế độ ăn uống lành mạnh như không ăn mặn, ăn ít đường, ít mỡ, hạn chế bia, rượu, năng vận động thân thể và duy trì một tinh thần lạc quan và tâm lý thoải mái. Yếu tố tâm lý luôn được xem trọng trong mọi giai đoạn của bệnh tật. Stress làm suy giảm hệ miển dịch và làm gia tăng nhu cầu chất chống oxy hoá. Ngược lại, sự thư giãn và lạc quan giúp điều hoà nội tiết, nội tạng, gia tăng sức đề kháng và làm giảm nhu cầu chuyển hoá. Tuy nhiên, một cơn giận có thể chưa đủ để gây ra bệnh tật. Thỉnh thoảng ăn một bửa ăn thịnh soạn với thịt nướng hoặc vài món ăn có hoá chất phụ gia cũng khó đưa đến ung thư. Điều quan trọng là sự hiểu biết và cảnh giác cần thiết trong chế độ ăn uống sinh hoạt thường nhật để xây dựng được một chính khí đủ mạnh để vượt thắng những tà khí bất chợt thỉnh thoảng vẫn gặp phải trong cuộc sống.

 

Lương y Võ Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét