Thứ Bảy, 9 tháng 4, 2022

Chiến xa sắp .. lỗi thời

CHIẾN XA SẮP ... LỖI THỜI

Mặc dù quân đội chỉ lớn thứ tư thế giới nhưng Nga lại là siêu cường về xe tăng, với 12.950 chiếc vào năm 2020 - nhiều hơn gấp đôi so với Mỹ, nước đứng thứ hai với 6.333 xe tăng.

Khi chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine bước sang tuần thứ bảy, nhiều tổn thất về xe tăng đã được ghi nhận. Hình ảnh về những chiếc xe tăng Nga bị phá hủy đã được đăng tải và chia sẻ trên khắp các phương tiện truyền thông xã hội kể từ đầu cuộc chiến. Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ukraine, tính đến ngày 24/3, Quân đội Nga đã mất hàng trăm xe tăng kể từ khi chiến sự mở màn cách đó một tháng.

Một trong số các lý do khiến các phương tiện chiến đấu bọc thép của Nga bị tổn thất nặng nề là vì Quân đội Ukraine được trang bị các hệ thống tên lửa chống tăng do phương Tây cung cấp như NLAW của Anh và Javelin của Mỹ.

Trong cuộc chiến tại Gruzia năm 2008, yếu tố thành công lớn nhất của Nga không phải ở nghệ thuật hành quân, tấn công mà là họ tập trung một lượng lớn xe tăng mặt đất kết hợp với sự yểm trợ của máy bay Su-25. Dường như ở thời điểm này hệ thống chống tăng, phòng không của Gruzia không đủ mạnh để đáp trả chiến thuật trên.

14 năm sau cuộc chiến Gruzia, chắc chắn các chuyên gia quân sự phương Tây đã nhận thấy sức mạnh mũi tấn công Nga phụ thuộc nhiều vào thiết giáp và máy bay hỗ trợ mặt đất tầm gần (Su-25, Mi-24, K-52). Hủy diệt được thiết giáp và các loại máy bay trên sẽ vô hiệu hóa hoàn toàn mũi tấn công của Nga. Hệ quả là ngay trước chiến dịch của Nga vào Ukraina, Nato đã viện trợ rất nhiều các loại tên lửa chống tăng hiện đại (Javelin, NLAW) cho Ukraina, ngoài ra tên lửa phòng không vác vai Stinger cũng được cung cấp, đây là điều mà Gruzia trước đây không có. Cho đến thời điểm này các loại vũ khí trên đã hoàn thành quá tốt nhiệm vụ của mình, gây tổn thất nghiêm trọng cho thiết giáp, máy bay Nga. Ukraine cũng sở hữu một vũ khí lợi hại khác là các loại máy bay không người lái. Khi chiến tranh bắt đầu, ngoài các UAV tự sản xuất thì Ukraine chỉ có khoảng 20 chiếc UAV Bayraktar của Thổ nhĩ kỳ, được trang bị 4 tên lửa dẫn đường bằng laser. Bayraktar đã phá hủy hàng chục xe tăng, thiết giáp, bệ phóng hỏa tiễn và những đoàn tàu chở nhiên liệu của Nga. Mỗi chiếc TB2 có giá khoảng 10 triệu euro, bao gồm cả vũ khí trang bị và thiết bị ngoại vi. Rẻ hơn 10 lần so với Reaper của Mỹ. Nó nhanh gấp đôi và có thể mang nhiều vũ khí hơn. Hiện Ukraine đã nhận được thêm nhiều lô máy bay không người lái nữa từ Thổ và cả từ Mỹ.

Rõ ràng bài học năm 2008 đã được Nato mổ sẻ, phân tích đầy đủ. Còn người Nga ngoài việc bổ sung hoạt động của lính dù, chiến thuật tấn công mặt đất của họ có vẻ không có nhiều thay đổi, và dường như đã bị bắt bài. Mỹ và Nato cũng tăng cường trợ giúp Ukraine về huấn luyện và cung cấp các trang thiết bị vũ khí hiện đại kể từ sau sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea (năm 2014) - nơi có quân cảng chiến lược Sevastopol. 

Cựu sĩ quan tình báo Mỹ Ryan Hillsberg chia sẻ trên FOX News rằng CIA đang bí mật huấn luyện quân đội Ukraine. Các sĩ quan Bộ phận Hoạt động Đặc biệt của CIA đã huấn luyện cho người Ukraine kỹ năng bắn tỉa, chiến tranh chống tăng và tránh giám sát. Ít nhất một số cuộc kháng cự quyết liệt của các lực lượng Ukraine có nguồn gốc từ một chương trình đào tạo bí mật của CIA, các cựu quan chức tình báo nói với Yahoo News.

Nga còn gặp một bất lợi rất lớn là quân đội Ukrane nhận được nhiều hỗ trợ từ các lực lượng tác chiến điện tử của Mỹ và phương Tây cùng với hệ thống Starlink của Elon Musk. Nhiều hoạt động của quân đội Nga bị phát hiện bởi vệ tinh và công nghệ nghe lén, định vị ... đó có thể là lý do tại sao mà Quân Nga có nhiều tướng lĩnh bị hạ như vậy.

Thực tế trên chiến trường Ukrane khiến một số chuyên gia cho rằng chiến tranh hiện đại đã thay đổi, trong đó xe tăng và xe bọc thép chở quân giờ đây đã lỗi thời. Anders Aslund, một chuyên gia về Nga, Ukraine và Đông Âu, viết trên Twitter: “Chúng quá đắt và dễ bị tiêu diệt bằng vũ khí chống tăng hạng nhẹ hoặc máy bay không người lái”. Theo tổ chức tình báo nguồn mở Oryx, Nga đã mất tổng cộng 450 xe tăng: 221 chiếc bị phá hủy, 6 xe bị hư hại, 41 chiếc bị bỏ lại và 182 chiếc bị thu giữ. Nga có thể sẽ còn thiệt hại nhiều hơn thế khi Mỹ đưa máy bay không người lái tấn công tự sát Switchblade vào tham chiến ở Ukraine. Đây là loại UAV được Mỹ thiết kế để tấn công binh lính và phương tiện bọc thép hạng nhẹ. Hôm thứ Ba, các quan chức Lầu Năm Góc thông báo họ đang huấn luyện cho binh sĩ Ukraine tại Mỹ về cách sử dụng loại vũ khí này để tấn công xe tăng và xe bọc thép của đối phương. 100 máy bay không người lái Switchblade nằm trong gói viện trợ quân sự trị giá 800 triệu USD Mỹ cung cấp cho Ukraine.

Liệu Nga để mất hàng trăm xe tăng ở Ukraine có đồng nghĩa với việc những phương tiện bọc thép này đang trở nên lỗi thời trong chiến tranh hiện đại?

Theo Scott Boston, nhà phân tích quốc phòng cấp cao tại RAND Corporation - một tổ chức tư vấn chính sách toàn cầu thì “chưa hẳn là như vậy”. Chuyên gia Boston chia sẻ: “Bằng chứng đầu tiên và rõ ràng nhất mà tôi có được là Quân đội Ukraine vẫn đang yêu cầu cung cấp nhiều xe bọc thép hơn. Họ rất muốn nhận được sự hỗ trợ từ Mỹ và phương Tây với nhiều xe bọc thép và nhiều xe tăng hơn”. Theo Boston, một lý do khiến xe tăng Nga bị phá hủy với số lượng lớn là do Nga đang đóng vai trò là bên tấn công, nghĩa là Ukraine đang ở thế phòng thủ vì vậy họ phải tiêu diệt nhiều phương tiện của đối phương hơn. Tuy nhiên, điều này có thể sẽ thay đổi và nhiều xe tăng của Ukraine sẽ bị phá hủy khi nước này chuyển sang giai đoạn tấn công.

Một lý do khác nữa giải thích cho “nghĩa địa” xe tăng Nga là Ukraine đang tấn công một cách thông minh vào nguồn hậu cần của Nga, nên khả năng cung cấp nhiên liệu ra tiền tuyến gặp nhiều khó khăn. Cũng theo Boston, một sư đoàn xe tăng nào đó của Nga bị thiệt hại nhiều phương tiện, phần lớn là do bị bỏ rơi chứ không phải do đối phương trực tiếp tấn công.

Nicholas Drummond, một cựu sĩ quan Quân đội Anh và hiện là nhà phân tích quân sự quốc phòng cho biết: “Mọi người nên cẩn thận để tránh đưa ra kết luận sai lầm về xe tăng”.

Nhà phân tích Nicholas Drummond viết trên Twitter: “Chiến thuật tai hại của Nga là màn quảng cáo tệ hại dành cho xe tăng. Họ không có pháo binh yểm trợ, không có bộ binh yểm trợ và cũng không có cả sự yểm trợ từ trên không”. “Đây không phải là cách thức hoạt động của binh chủng hợp thành trong thời đại tác chiến đa miền”, chuyên gia Drummond nhấn mạnh.

Thế nhưng vì sao mà Nga lại không có hoạt động hỗ trợ nào cho những chiếc xe tăng này?

Theo chuyên gia Boston, “dường như Nga phát động cuộc chiến này với nhận định rằng rất ít người Ukraine sẽ thực sự muốn đứng lên chiến đấu với họ. Người Nga có thể cũng tin rằng họ sẽ không gặp phải sự kháng cự quyết liệt từ phía Ukraine. Dường như họ đã xây dựng kế hoạch chiến tranh của mình dựa trên những giả định cực kỳ sai lầm đó”.

Chiến dịch ở Ukraine đã cho thấy những tổn hại đáng kể đối với Nga cả về vật chất lẫn nhân lực, khi đối mặt với sự kháng cự vốn được cho là quyết liệt hơn nhiều so với dự đoán ban đầu. Các nhà phân tích cũng nói rằng một cuộc chiến tranh tiêu hao kéo dài cũng sẽ nguy hiểm cho Nga, do chiến thuật du kích của quân Ukraine tỏ ra thành công trong những tuần qua.

Thực tế cho thấy, nếu phải giao tranh trên các chiến trường không phải đồng bằng, bình địa ... mà đối đầu với những chiến binh vai mang tên lửa Anh, Mỹ ..  được vận hành bằng bánh mì bơ sữa, và các UAV chạy bằng Pin ... thì dường như các Chiến Xa to lớn, đắt đỏ, chạy bằng dầu đã lâm vào thế hạ phong và sắp ... lỗi thời.

 

Nguồn Tổng Hợp



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét