Thứ Sáu, 15 tháng 4, 2022

Cầu nguyện

CẦU NGUYỆN

Trong bài Hồi Hướng Tiêu Trừ Nghiệp Chướng có câu:

“ Nguyện tiêu tam chướng trừ phiền não,

Nguyện đắc trí tuệ chân minh liễu ”

 

Nguyện tiêu tam chướng trừ phiền não, đó là một ước mơ, và mình đưa ước mơ ấy hướng về Bụt, để Bụt có thể giúp cho mình tiêu trừ được tam chướng, thoát ra khỏi những phiền não, và đạt tới cái trí tuệ có thể thấy được chân tướng của sự vật.

Khi đọc những câu kinh này chúng ta biết rằng đây không phải là chuyện khoán trắng cho một người ở ngoài ta. Chúng ta biết sở dĩ chúng ta mở miệng ra và đọc:

“ Nguyện tiêu tam chướng, trừ phiền não,

Nguyện đắc trí tuệ chân minh liễu,

Phổ nguyện tội chướng tất tiêu trừ,

Thế thế thường hành Bồ tát đạo ”

 

Là vì chúng ta đang thực tập theo những lời dạy của đức Thế Tôn, của các vị Bồ tát, cho nên chúng ta mới có được cái thế đứng để có thể cầu nguyện như vậy. Như vậy là chúng ta đang phối hợp thế đứng của tự lực với thế đứng của tha lực.

Rõ ràng hơn nữa, chúng ta hãy nhắc lại một vài câu trong bài Đệ tử kính lạy, một bài tụng rất phổ biến ở Việt-nam, mà Phật tử người lớn cũng như các em trong Gia đình Phật tử đều thuộc lòng:

“ Đệ tử lâu đời lâu kiếp,

Nghiệp chướng nặng nề,

Tham, giận, kiêu căng,

Si, mê, lầm, lạc,

Ngày nay nhờ Phật,

Biết sự lỗi lầm,

Thành tâm sám hối ”

 

Đó là một lời cầu nguyện hay không phải là một lời cầu nguyện? Không, đây mới chỉ là một sự soi chiếu, một sự soi gương để có được tuệ giác về sự thật đã xảy ra cho mình. 

“ Đệ tử lâu đời lâu kiếp, Nghiệp chướng nặng nề, Tham, giận, kiêu căng, si, mê, lầm, lạc. Ngày nay nhờ Phật, biết sự lỗi lầm. Thành tâm sám hối ”. 

Đó mới chỉ là sự hành trì, chưa phải là lời cầu nguyện. Đó mới là đem ánh sáng chánh niệm soi chiếu vào tình trạng của mình, để mình thấy rằng trong quá khứ mình đã có những vụng dại và lỗi lầm, và nay nhờ ánh sáng từ bi của Bụt mà mình thấy được những vụng dại và lỗi lầm đó, rồi mình quyết tâm sẽ không tiếp tục làm như thế nữa. Đó mới chỉ là một sự thực tập.

 

“ Thề tránh điều dữ, Nguyện làm việc lành ” (bản chữ Hán là Chư ác mạc tác, Chúng thiện phụng hành). 

 

Những câu này là để ghi nhận rằng nhờ thấy được giáo lý của Bụt người hành giả nguyện áp dụng giáo lý ấy vào cuộc sống. Kế đến mới là lời cầu nguyện:

“ Ngưỡng trông ơn Phật,

Từ bi gia hộ,

Thân không tật bệnh,

Tâm không phiền não ”

 

Tu tập cũng như cầu nguyện, là để cho hai mặt của sự sống của mình là thân và tâm đều được an lành. Nhưng muốn Thân không tật bệnh, Tâm không phiền não là để làm gì? Không phải để chạy theo dục vọng, mà để:

“ Ngày ngày an vui,

Tu tập phép Phật nhiệm mầu,

Để mau ra khỏi luân hồi ”

 

Ta cầu nguyện như vậy đó. Cầu cho thân không tật bệnh, tâm không phiền não, là để hàng ngày có thể an vui tu tập phép Bụt nhiệm mầu mà thoát khỏi luân hồi; tu tập để đạt tới sự minh tâm kiến tánh mà độ thoát cho mọi loài chúng sanh. Đó là một lời đại nguyện.

 

Thầy Thích Nhất Hạnh

Trích  "Hiệu Lực Cầu Nguyện "

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét