THỨ ĐẦU TIÊN CHẾT ĐI LÀ SỰ THẬT
Ở một số nơi trên thế giới, chiến tranh ở Ukraina có vẻ hợp lý !
Đối với một nhà làm phim độc lập ở Hà Nội, Việt Nam, Tổng thống Nga Putin là một “nhà lãnh đạo sáng suốt”. Tại Rio de Janeiro, một cựu chủ nhà hàng nói ông tin rằng Ukraina đã thuê diễn viên đóng giả các nạn nhân chiến tranh. Và một bác sĩ 27 tuổi sống gần Nairobi ở Kenya đã đặt câu hỏi làm thế nào mà người Mỹ có thể bị xúc phạm trước cuộc xâm lược của Nga khi “trong một thời gian dài, họ đã nổi tiếng là chế độ vô chính phủ”.
Hầu hết thế giới đều lớn tiếng lên án ông Putin vì đã châm ngòi cho cuộc chiến với Ukraina. Nhưng ở những quốc gia mà các chính phủ vẫn giữ thái độ trung lập, ngầm ủng hộ Nga hoặc khuyến khích phổ biến những tường thuật sai sự thật hoặc giả mạo về cuộc chiến, người dân đang kể lại một câu chuyện phức tạp và dễ tha thứ hơn nhiều về cuộc xâm lược của ông Putin.
Các cuộc phỏng vấn với hàng chục người ở các quốc gia đó - từ Việt Nam đến Afghanistan đến Nam Phi đến Trung Quốc - cho thấy rằng trong khi nhiều người cảm thấy bất nhẫn vì cuộc chiến này và những người dân vô tội bị chết, một số đồng tình với những lời biện minh của Nga cho cuộc xâm lược Ukraina, và không chấp nhận kịch bản thiện và ác do Mỹ và Châu Âu đưa ra.
Quan điểm của họ được hình thành bởi các yếu tố như mối quan hệ lịch sử và sâu sắc của quốc gia họ với Nga và lịch sử của các cuộc can thiệp và hành động tàn bạo do một số nước phương Tây gây ra - cũng như thông tin sai lệch và kiểm duyệt mà nhà nước tuyên truyền ở một số nơi.
Nhiều người nhận thấy sự cộng hưởng trong lập luận rằng nỗ lực của Ukraina gia nhập NATO đã làm tổn hại đến an ninh của Nga. Một số còn giữ hoài niệm về Liên Xô cũ. Vẫn còn những người khác không thể đứng về phía phương Tây mà họ coi là đạo đức giả. Những thái độ này đã giúp thúc đẩy sự nở rộ của các thuyết âm mưu về cuộc chiến này.
Eni Aquino, 52 tuổi, một nhà bình luận thể thao đến từ Goiânia ở miền trung tây Brazil, cho biết: “Mỹ đã xâm lược Iraq và không ai gây ồn ào như những người đang chống lại Putin”.
Tổng thống Brazil, Jair Bolsonaro, có quan hệ chặt chẽ với ông Putin và đã bay đến Matxcơva ngay trước cuộc xâm lược, nhưng đã giữ quan điểm trung lập về cuộc chiến. Các cuộc thăm dò cho thấy mọi người tán thành rộng rãi đối với lập trường này.
Arthur Maia Caetano, 68 tuổi, cho biết kể từ khi đóng cửa nhà hàng của mình ở Rio de Janeiro vì đại dịch, ông đã sử dụng thời gian của mình để đọc các trang web tin tức và bản tin của Nga từ khoảng 70 nhóm mà ông theo dõi trên ứng dụng nhắn tin xã hội Telegram.
“Khi tôi bắt đầu xem xét kỹ lưỡng về cuộc chiến, tôi thấy rằng thứ đầu tiên chết đi là sự thật,”
ông Caetano nói, trích dẫn những tuyên bố vô căn cứ lan truyền trên mạng, chẳng hạn như Ukraina đã thuê các diễn viên đóng giả người bị thương và quốc gia này có các phòng thí nghiệm vũ khí sinh học do Mỹ tài trợ.
Ở Trung Quốc, truyền thông nhà nước đã làm rất nhiều để củng cố những câu chuyện sai sự thật về những gì đang diễn ra ở Ukraina. Các cơ quan truyền thông đã đăng lại các tuyên truyền chính thức của Nga mà không cần xác minh, bao gồm các báo cáo sai lệch rằng Ukraina đã sử dụng dân thường làm lá chắn và Tổng thống Volodymyr Zelensky đã rời Kyiv. Trong khi các quan chức Trung Quốc không xác nhận rõ ràng các hành động của Điện Kremlin, họ cho rằng cuộc xâm lược này là một quyết định hợp lý của Nga để chống lại sự xâm lược từ phương Tây, đặc biệt là từ Mỹ.
Zhang Han, 37 tuổi, là một người rất thích lập luận đó. Ông là một lập trình viên tại một công ty công nghệ ở thành phố Thâm Quyến, miền nam Trung Quốc, và cho biết ban đầu ông rất sốc trước hành động của ông Putin. Nhưng ông cho biết ông cũng đồng cảm với mong muốn lấy trọn Ukraina của nhà lãnh đạo Nga và chỉ ra tham vọng của Trung Quốc trong việc thống nhất với Đài Loan, hòn đảo tự quản mà Bắc Kinh từ lâu đã tuyên bố là của mình.
“Tất nhiên, tôi rất tiếc cho hoàn cảnh của người Ukraina và hy vọng rằng chiến tranh có thể sớm kết thúc,” ông nói. "Nhưng đó là tư duy của một quốc gia lớn."
Tại Việt Nam, các nhà chức trách nhà nước cũng đã cố gắng kiểm soát việc tường thuật về cuộc chiến này. Hai biên tập viên của một tạp chí điện tử Việt Nam và một đài truyền hình nhà nước cho biết họ đã được ban hành chỉ thị về việc đưa tin về cuộc chiến, bao gồm việc giảm mức độ và tần suất đưa tin, đồng thời cấm sử dụng từ “xâm lược”. Cả hai đều yêu cầu được giấu tên vì sợ chính phủ làm phiền.
Anh Vương Quốc Hùng, 36 tuổi, một nhân viên môi giới chứng khoán ở Hà Nội, cho biết anh lớn lên với các phim tài liệu và phim trên truyền hình quốc gia về các anh hùng Hồng quân Liên Xô chiến đấu chống Đức Quốc xã trong Thế chiến thứ hai. Anh nói rằng điều đó khiến anh yêu nước Nga.
“Vì vậy, khi Nga tấn công Ukraina, những người như tôi sẽ thông cảm cho Nga, cho rằng đó hoàn toàn là hành động tự vệ của Nga,” anh nói.
Tuy nhiên, một số người cảm thấy rất khó chịu khi thấy những người Ukraina vô tội đang bị thiệt mạng. Một số người nói rằng con số tử vong đó là không thể biện minh, ngay cả khi họ nghĩ rằng Nga có quyền tấn công để tự vệ.
Dù Trần Trung Hiếu, một nhà làm phim độc lập 28 tuổi ở Hà Nội, kiên quyết phản đối sự tàn khốc của cuộc chiến, nhưng anh cho biết niềm tin của mình đối với ông Putin là không gì lay chuyển được. Hiếu, người sinh ra ở Nga, nói: “Tôi khá chắc rằng một nhà lãnh đạo khôn ngoan như Tổng thống Putin đã phải suy nghĩ rất nhiều trước khi đưa quân vào Ukraina. Anh nói thêm rằng anh là “một người hâm mộ lớn của ‘Bác Putin’, vì ông ấy luôn có những hành động quyết liệt.”
Ở Ấn Độ, tình cảm với Nga còn hơn cả tình bạn. Ấn Độ nhờ Nga cung cấp khoảng một nửa số vũ khí Ấn Độ có và chưa lên tiếng chống lại Nga. Một số người ở Ấn Độ chỉ trích Mỹ vì đã gây chiến ở nước ngoài.
Naresh Chand, một trung tướng đã nghỉ hưu trong Quân đội Ấn Độ từng đi huấn luyện ở Nga và Ukraina, cho biết: “Bất cứ nơi nào người Mỹ tới, họ để lại một mớ hỗn độn."
Sự tàn phá của việc can thiệp quân sự của Mỹ vẫn còn nguyên vẹn và đau đớn ở Afghanistan, khiến nhiều người Afghanistan giận dữ với Mỹ, NATO vì những thất bại của họ, và những thảm họa kinh tế và nhân đạo thất bại sau sự sụp đổ của chính phủ được phương Tây hậu thuẫn vào năm ngoái.
Nazir Hussani, 34 tuổi, nói anh cho rằng phương Tây sẽ chỉ mở rộng phạm vi cuộc chiến ở Ukraina bằng cách gửi vũ khí tới đó. Và Hussani không tin tưởng người Mỹ vì lịch sử của họ ở Afghanistan, nơi mà Mỹ đã xâm lược vào năm 2001.
“Tôi biết Mỹ không muốn chia sẻ sự thật với giới truyền thông và mọi người,” anh nói.
Đối với một số người, quan điểm của phương Tây đối với cuộc chiến ở Ukraina toàn là thói đạo đức giả.
Tiến sĩ Lucky Muange, sống ở quận Kiambu, cách Nairobi vài dặm về phía bắc, cho biết NATO và các quốc gia phương Tây không có quyền phỉ báng ông Putin khi trước đây họ đã từng xâm lược và chiếm đóng các nước nghèo, hoặc can thiệp để lật đổ chính phủ của các nước này.
"Vì vậy, bây giờ họ bị sốc khi Nga là quốc gia cũng làm điều đó ư?" ông nói.
Kể từ khi bắt đầu chiến tranh, chính phủ Nam Phi đã kiên quyết giữ thái độ trung lập và liên tục kêu gọi hòa bình. Nhưng các quan chức cũng đã cố gắng làm nổi bật tình hữu nghị lâu đời của Nam Phi với Nga.
Liên Xô là cường quốc lớn đầu tiên trên thế giới hỗ trợ trực tiếp cho cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc ở Nam Phi. Các quốc gia như Mỹ đã ủng hộ chế độ phân biệt chủng tộc, người da trắng của Nam Phi cho đến những năm 1980.
Đại hội Dân tộc Phi, tổ chức đi đầu trong phong trào chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, là đảng cầm quyền của Nam Phi. Ấn bản mới nhất của bản tin hàng tuần bao gồm một bài báo với tiêu đề, "Tình hình ở Ukraina là về việc Nga phi hạt nhân hóa đất nước này." Bài báo tiếp tục một khẳng định sai lầm được chính phủ Nga quảng bá, rằng vào năm 2014, chính phủ Ukraina “đã bị thay thế bằng những người cực đoan và tân Quốc xã, những người được Mỹ và EU hậu thuẫn”.
Siyabonga Ntuli, một nhà phát triển phần mềm 28 tuổi ở Johannesburg, nói rằng những tuyên bố của ông Putin về phát xít ở Ukraina là tuyên truyền sai lầm nhằm biện minh cho cuộc xâm lược. Tuy nhiên, ông Ntuli cho biết, ông tin rằng ông Putin có lý do chính đáng để tiến hành chiến tranh với Ukraina, vì sự mở rộng về phía đông của NATO đã đe dọa Nga. Ông nói: “Thật tiếc khi Ukraina sẽ phải nhận hậu quả vì việc này. Nhưng tôi nghĩ rằng NATO đã biết điều đó. Tôi nghĩ họ muốn thử thách ý chí của Putin."
Ông Ntuli đang trò chuyện với ba người bạn vào một buổi chiều đầy nắng ở Quảng trường Gandhi ở trung tâm thành phố Johannesburg, nơi họ thường xuyên gặp gỡ để thảo luận về cuộc sống và các sự kiện hiện tại.
Zamani Msimango, 28 tuổi và là một nhà phát triển phần mềm, đã ví tình hình hiện nay với cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962, khi Mỹ đe dọa xâm lược Cuba sau khi Liên Xô đặt tên lửa vũ trang hạt nhân ở đó. Ông Msimango nói: “Nhưng bằng cách nào đó, bây giờ họ hành động như thể họ không hiểu, khi chính họ đang ngày càng tiến gần hơn đến Nga thì điều đó sẽ dẫn đến điều gì,” ông Msimango nói.
Thandiswa Bonani, một nhà thiết kế thời trang 40 tuổi ở Johannesburg, nói rằng cô tin rằng ông Zelensky, tổng thống Ukraina, đang “thao túng các quốc gia khác để họ cảm thấy thương cảm cho ông ấy”. Bà nói: “Putin, ông ấy không chỉ xâm lược Ukraina. “Có cái gì đó ở đó. Tôi có thể không thể diễn tả điều đó thành lời, nhưng chắc chắn có một cái gì đó ở đó.”
Cù Tuấn dịch từ New York Times
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét