Thứ Bảy, 5 tháng 3, 2022

Đỉnh Gió ... Hú

ĐỈNH GIÓ ... HÚ

Từ trung tá KGB đến Thủ Tướng rồi Tổng Thống thứ 2 của nước Nga, với bốn nhiệm kỳ Tổng Thống, hai nhiệm kỳ Thủ Tướng - có thể nói Putin ( người đàn ông quyền lực nhất nước Nga hơn hai chục năm qua ) là một nhà lãnh đạo kiệt suất có tầm ảnh hưởng hàng đầu hiện nay trên thế giới. 

Từ một nước Nga hỗn loạn, ốm yếu sau 10 năm Liên Xô tan rã và đang sa lầy trong cuộc khủng hoảng Chechnya - dưới sự lãnh đạo của Putin đã khôi phục lại được vị thế cường quốc, quyền lực nhất nhì thế giới. Ngay sau khi nhậm chức Tổng thống vào tháng 5.2000, Putin ưu tiên giải quyết vấn đề Chechnya - đưa vùng đất này quay về với Moscow. Sau đó 4 tháng, quân đội Nga kiểm soát Grozny – thủ phủ của Chechnya, Cộng hòa Chechen tự xưng sụp đổ. 9 năm sau, vấn đề ly khai ở Chechnya đã được giải quyết triệt để.

Nền kinh tế Nga từ chỗ suy thoái nhiều năm đã bắt đầu hồi sinh và tăng trưởng bùng nổ trong hai nhiệm kỳ tổng thống liên tiếp từ 2000 đến 2008 nhờ giá dầu và giá các mặt hàng xuất khẩu tăng cao trong giai đoạn này. Nga cũng vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2014 do các biện pháp trừng phạt của Phương Tây và việc sụt giảm nghiêm trọng giá dầu thô( mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Nga ) nhờ các quyết sách của chính quyền Putin cùng với những lợi thế sẵn có về diện tích và tư liệu sản xuất.

“ Trị Quốc, Bình Thiên Hạ ” là hai tiêu chí mà Putin đã đạt được khi đưa nước Nga trở lại vị thế cường quốc hàng đầu thế giới. Quân đội của Putin đã can dự vào nhiều khu vực xung đột bằng các cuộc điều binh thần tốc và bất ngờ. Quân Nga lần đầu tiên tái xuất trên trường Quốc tế trong một nhiệm vụ gìn giữ hoà bình là sự hiện diện bất thình lình tại Liên bang Nam Tư. Năm 2008, Putin đưa quân can thiệp vào cuộc nội chiến tại Gruzia với một chiến dịch chỉ diễn ra trong 5 ngày ở Nam Ossetia. Quân đội Nga đã thể hiện sự ưu việt trước đối thủ bị đánh giá yếu hơn khi triển khai tác chiến chớp nhoáng, bất ngờ -  đánh bật lực lượng Gruzia khỏi Nam Ossetia và Abkhazia. Sau đó, Moskva công nhận cả hai là quốc gia độc lập. Khả năng hành quân thần tốc của quân Nga ở Nam Ossetia cũng khiến Mỹ, NATO bất ngờ khi họ gần như “tàng hình” trước hệ thống radar. Sau cuộc chiến này, Putin bắt đầu chương trình hiện đại hóa quân đội và truyền tải thông điệp quan trọng rằng Moscow sẵn sàng sử dụng vũ lực nếu cần thiết để bảo vệ lợi ích của mình.

Chiến dịch thu hồi bán đảo Crimea bằng việc sử dụng các lực lượng đặc biệt của Moscow được đánh giá là nhanh lẹ và độc đáo nhất lịch sử thế giới hiện đại. Toàn bộ chiến dịch diễn ra chỉ trong vòng 1 tháng và gần như không gây đổ máu.

Tháng 9 năm 2015, Tổng thống Putin đã cho phép quân đội Nga can thiệp quân sự vào cuộc Nội chiến Syria, sau khi có lời yêu cầu chính thức của chính phủ Syria. Việc Nga can dự vào cuộc xung đột Syria đã làm thay đổi cục diện chính trị ở nước này, tạo điều kiện cho đội quân sắp bị đánh bại của ông Asad quay lại kiểm soát phần lớn lãnh thổ Syria. 

Gây dựng lại nước Nga với vị thế  hàng đầu trên chính trường quốc tế và gặt hái được nhiều thành quả trong hầu hết các chiến dịch quân sự đã đưa tổng thống Putin lên đỉnh cao của Vinh Quang và Quyền Lực. Nhiều người Nga gọi Putin là Sa Hoàng khi ông cho sửa đổi hiến pháp để có thể tiếp tục cầm quyền thêm hai nhiệm kỳ nữa sau năm 2024. Trên đỉnh đồi gió hú này, dường như Putin đã bắt đầu đi theo vết xe đổ của Napoleon, Hitler ... khi quyết định đưa quân xâm lược một quốc gia có chủ quyền, khi cho rằng mình bất khả chiến bại, mình mạnh thì mình có quyền và nếu cần thì mình chấp cả thế giới. 

Không có một lý do nào đủ để có thể biện minh cho cái gọi là “ chiến dịch quân sự đặc biệt ” này. 

Cho đến thời điểm hiện tại, quân đội Nga sẽ vẫn còn một chút Chính Danh nếu các hoạt động quân sự chỉ dừng lại ở khu vực biên giới hai nước cộng hoà tự xưng Donetsk và Lugansk, hoặc có thể tiến hành các cuộc Phản Kích vào sâu trong lãnh thổ Ukraine nhằm để ... Tự Vệ. Nhưng Putin đã không lựa chọn như vậy, điều ông ta muốn là một nước Ukraine cựu anh em vẫn phải nằm trong vòng ảnh hưởng của Đế chế Nga chứ không phải Phương Tây. Putin đã hy vọng vào một chiến dịch thần tốc, nhanh chóng kiểm soát phần lớn các vị trí trọng yếu,  đặc biệt là thủ đô kyev, lật đổ chính phủ của tổng thống Zelensky chỉ bằng các lực lượng mặt đất mà không phải dùng đến các biện pháp oanh tạc đường không như thông lệ. Nhưng thực tế trên chiến trường đã không diễn ra như vậy. Quân đội Ukraine đã kháng cự một cách mạnh mẽ trái với nhiều dự đoán và đang hướng tới một cuộc chiến du kích tổng lực kéo dài. Làm chủ được  kyev chắc sẽ là ưu tiên hàng đầu trong thời gian sắp tới của Putin. 

Nhìn lại lịch sử, cả Napoleon và Hitler đều đã từng mong muốn một chiến thắng nhanh chóng khi đưa quân xâm lược nước Nga. Cả hai nhân vật kiệt suất này cũng đều đã từng chấp cả thế giới ... và cái kết của họ thì … như vậy đấy.

Tuổi tác đã bắt đầu ảnh hưởng đến các quyết định của Putin. Muốn xưng Bá ở cái thời 4.0 này không thể chỉ dựa vào bạo lực và sức mạnh quân sự. Cần phải có sức mạnh cả về kinh tế và văn hoá tư tưởng - quyền lực mềm cũng là một vũ khí hiện đại và rất lợi hại. Một nước Nga văn minh và giầu có thì không cần dùng súng đạn cũng sẽ làm cho các nước khác tự muốn mà .. đi theo.

Cũng cần phải phân định cho rõ rằng cuộc chiến ở Ukraine là do chính quyền Putin và quân đội của ông ta phát động - chứ không phải là Nước Nga hay là .. dân tộc Nga.

Trên đỉnh cao chói loà của Danh Vọng và Quyền Lực - con người ta phần lớn đều sẽ phạm phải các lỗi lầm nghiêm trọng do ... tuổi tác và mắt bị ... Mờ.

 

Ngày Vệ Quốc thứ 10

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét