Thứ Bảy, 5 tháng 2, 2022

Hải Tặc trong quân Tây Sơn

HẢI TẶC TRONG QUÂN ĐỘI TÂY SƠN 

Một góc cạnh xưa nay ít được các sử gia Việt Nam đề cập đến đó là vai trò của cướp biển trong quân đội Tây Sơn. Ngay từ những ngày đầu dựng nghiệp, nhà Tây Sơn đã có được sự ủng hộ từ một số sắc dân thiểu số và lực lượng hải tặc người Hoa như hai đạo quân của Lý Tài và Tập Đình - những người được cho là góp đến một nửa thủy quân Tây Sơn. Lý Tài vốn là một thương gia và là hải tặc người Hoa đã cùng với Tập Đình tập hợp Hoa kiều lập ra 2 đạo quân là Hòa Nghĩa Quân và Trung Nghĩa Quân thường xuyên đánh phá vùng ven biển.

Vua Quang Trung cũng sử dụng cướp biển như một lực lượng Thuỷ Binh chủ yếu khi nắm binh quyền trong tay. Ông đã ban chỉ dụ kêu gọi họ qui phục triều đình Tây Sơn. Đó có thể là lý do trong quân Tây Sơn có rất nhiều Đô Đốc, một chức vụ vốn dĩ là một cấp chỉ huy Thủy Binh, và những nhân vật nhiều công trạng này thường không có một tiểu sử rõ rệt, lắm khi chỉ có tên mà không có họ, xuất hiện một cách bất ngờ rồi không còn thấy trong những biến cố khác.

Năm 1783, nhà Tây Sơn bắt giữ một người Hoa tên Trần Thiên Bảo, thuyết phục được ông ta theo về và phong cho chức Tổng binh, tước Đức Hầu, cho được quyền tuyển mộ hải tặc. Bạn của Trần Thiên Bảo là Lương Khuê Hiệp cũng được phong tước Hiệp Đức Hầu. Cả hai đã tham gia tích cực vào chiến dịch Bắc tiến của quân Tây Sơn nhằm chiếm lấy kinh đô Phú Xuân và đất Thăng Long vào năm 1786.

Trong số những tên cướp biển kiệt hiệt phải kể đến Mạc Quan Phù, Trịnh Thất , Vương Quí Lợi và Ô Thạch Nhị. Bốn người này được lệnh của triều đình Tây Sơn qui tụ những nhóm lẻ tẻ lại lập thành những toán quân lớn. Mạc Quan Phù và Trịnh Thất đã từng tham dự nhiều trận đánh chống lại Nguyễn Ánh. Năm 1796, Mạc Quan Phù được vua Cảnh Thịnh phong chức Đông Hải Vương, Ô Thạch Nhị cũng được phong Bình Ba Vương vào năm 1797. Trịnh Thất thì có dưới tay hơn 200 chiến thuyền, là lực lượng ngoài biển lớn nhất thời ấy và được thăng tới chức Đại Tư Mã (tương đương Thượng Thư bộ Binh). Vương Quí Lợi, có vợ Việt Nam, bỏ y phục người Hoa ăn mặc theo lối Việt và còn lưu lạc mãi tới năm 1810 (8 năm sau khi nhà Tây Sơn bị diệt vong) được phong chức Định Hải đại tướng quân.

Gần đây, sau khi chính quyền Đài Loan cho phép nghiên cứu một số tài liệu còn lưu trữ trong văn khố trước nay dấu kín thì một số học giả ngoại quốc mới tìm ra những tài liệu xác thực về việc Nhà Tây Sơn thu dụng những tên “vong mạng” này không phải chỉ để quấy phá miền nam nước Tàu nhằm tạo khó khăn cho nhà Thanh mà thực sự biến họ thành một đội thủy binh, có tổ chức và hệ thống dọc cũng như ngang, được phân bố lãnh hải hoạt động một cách minh bạch. Các sử gia George Dutton, Dian Murray và Robert Antony đã trình bày nhiều nghiên cứu công phu về vai trò của ‘hải tặc Trung Quốc’ trong quân Tây Sơn. Robert J. Antony đã viết rằng ở cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19, cướp biển ở biển đông đã tập họp thành một vài nhóm, có đến hàng ngàn chiến thuyền, tổng cộng đến hơn 7 vạn người. Dian Murray cũng nhận xét là sự bộc phát một cách hết sức đáng kể của những đám giặc bể vào cuối thế kỷ thứ 18 không phải do vấn đề dân số hay thương mại mà chính là vì những yếu tố chính trị mới của Trung Hoa cũng như Việt Nam khiến cho hải khấu đã chuyển biến từ những đám giặc cướp “cắn trộm” thành những đám hải phỉ “qui mô và chuyên nghiệp”.

Theo George Dutton:

“ Hải tặc cũng có ích về mặt tài chánh cho nhà Tây Sơn. Đổi lại với việc cung cấp cho hải tặc nơi trú ẩn an toàn trong Vịnh Bắc phần, nhà Tây Sơn nhận được một tỷ lệ phần trăm những của cải mà tàu thuyền của chúng cướp được. Với những nhà giàu có đi qua vùng biển này, hoạt động tuần tra có lợi rất nhiều cho cả hai phía. Cứ mỗi mùa xuân và mùa hè, các tàu hải tặc bắt đầu mùa cướp bóc, rồi khi mùa thu đến thì chúng quay về nơi trú ẩn an toàn. 

Dian Murray viết rằng các hải tặc sẽ nộp của cải cướp được cho nhà Tây Sơn. Tây Sơn lại mang bán chúng ở Đại Việt rồi hoàn từ 20 đến 40% tiền thu được cho hải tặc. Gặp dịp hải tặc tịch thu được toàn bộ tàu, có ít nhất một trường hợp tàu được mang đến Phú Xuân, sử dụng trong thủy quân Tây Sơn. Đôi khi các lãnh đạo Tây Sơn ban ra những hướng dẫn đặc biệt cho đồng minh hải tặc của họ, chẳng hạn như yêu cầu chúng mở những chiến dịch cướp bóc trên đất Quảng Đông hay những tỉnh duyên hải khác của Trung Quốc. Trong những trường hợp khác, nhà Tây Sơn cung cấp tàu cho hải tặc và khuyến khích chúng dùng những tàu này để tuyển mộ thêm người vào hàng ngũ của chúng.

“… Đối với đám hải khấu lẻ tẻ vùng Quảng Đông, Phúc Kiến, Chiết Giang và Giang Tô, Nguyễn Văn Huệ được gọi là Đại Ca Việt Nam, là người bán những đồ họ cướp được và chia cho họ từ 20 đến 40% số tiền. Những bọn cướp lớn cũng được Hoàng đế che chở vì họ không những được phép neo thuyền tại vùng biên giới để tuyển quân và trộm lương thực mà còn có thể dùng Việt Nam như một “sào huyệt” để rút về. Bọn hải khấu đó coi nhà vua như chủ nhân của họ vì dưới thẩm quyền của ông họ có thể thu hoạch nhiều nguồn lợi từ biển cả.

Việc Vua Quang Trung sử dụng cướp biển để sang quấy phá miền nam Trung Hoa đã được đề cập đến trong sử triều Thanh cũng như triều Nguyễn. Theo Ngụy Nguyên trong Thánh Vũ Ký (phần Càn Long Chinh Vũ An Nam Ký), viết vào năm Đạo Quang thứ 22 (1842) có đề cập đến như sau:

“Nước nhà từ đời Khang Hi thứ 22 (1683), đánh Đài Loan, dẹp họ Trịnh, rồi năm thứ 24 (1685) mở rộng tuần phòng trên bể thì vùng Mân, Việt, Chiết, Ngô, trên vạn dặm bể trời, kình nghê không bóng sóng. Đến đầu đời Gia Khánh (1796), mới có cướp thuyền (Đĩnh đạo) quấy rối. Cướp thuyền này bắt đầu từ khi cha con Nguyễn Quang Bình ở An Nam cướp nước, rồi quân mỏi của hết, bèn mời tụi vong mạng dọc bể, cấp cho binh thuyền, nhử bằng quan tước, sau cướp các thuyền buôn ở bể gần để biện lương thực. Mùa hè tới, mùa thu về, tung tích không lường, làm họa lớn cho đất Quảng Đông “

Bản dụ của vua Gia Khánh nhà Thanh ngày 5/2/1797 gợi ý về quy mô của các nhóm này: “Nay theo lời khai của bọn phỉ là di là La Á Tam: Tàu Ô An Nam có 12 tổng binh, hơn 100 hiệu thuyền, và căn cứ vào giấy tờ bắt được có ấn triện, thì bọn cướp Tàu Ô đều nhận hiệu phong của quốc vương.” (Minh Thực lục, Hồ Bạch Thảo dịch, 2019). 

Hải Phỉ cũng đóng một vai trò quan trọng trong chiến thắng mùa Xuân năm Kỷ Dậu. Vua Quang Trung cho hải phỉ dùng thuyền nhỏ từ vịnh Bái Tử Long theo đường sông tiến vào trong đêm tối dùng hỏa công đốt doanh trại và đánh tập hậu quân Thanh. “ Cánh quân của hải phỉ tập trung sẵn ở các vùng biên giới và vịnh Bắc Việt, là sào huyệt lâu nay của họ, lại thêm tàn quân từ Đài Loan mới bị quân Thanh đánh bại kéo về, nay được dịp tối trời theo các đường sông tiến vào đánh tập hậu quân Thanh trả thù.”

Cuối thế kỷ 18, ba nhóm dương đạo hùng cứ biển đông của Trịnh Nhất (鄭一), Ô Thạch Nhị (烏石二) và Trương Bảo (張保) đã trở thành một lực lượng thuỷ quân xung kích và cũng đồng thời là lá chắn khiến cho thương nhân ngoại quốc phải gờm không dám đóng vai đòn sóc hai đầu, vừa buôn bán với nhà Tây Sơn, vừa giao thương với lực lượng đối nghịch của họ.

Robert J. Antony đã nhận xét:

“Ngay cả sau khi vua Càn Long đã phong vương cho một trong những lãnh tụ Tây Sơn, ông này vẫn theo đuổi một chính sách chơi dao hai lưỡi, một mặt vẫn gửi đồ tiến cống sang Thanh triều ở Bắc Kinh, mặt khác vẫn đồng thời yểm trợ cho những vụ cướp phá của hải tặc dọc theo bờ biển Trung Quốc.”

Những tên cướp đó không những có nơi trú ẩn an toàn khi bị săn đuổi mà còn được cung cấp vũ khí, tiền bạc để nuôi sống gia đình, lại còn được phong tước. Cho tới khi nhà Tây Sơn bị lật đổ, những toán cướp biển đó được dành riêng một khu vực gần biên giới Việt – Hoa gọi là Giang Bình (Jiangping)coi như sào huyệt của họ. 

Chính vì cái ân tri ngộ đó mà 10 năm sau khi nhà Tây Sơn mất, những đám hải khấu vẫn còn mưu toan đánh vào Phú Xuân để khôi phục lại vương quyền cho chủ cũ.

Theo Dian Muray thì: Trịnh Nhất, một trong những thủ lãnh cướp biển trông coi đội thuyền Hồng Kỳ đã đem quân tấn công quân nhà Nguyễn với mưu toan khôi phục nhà Tây Sơn và tử trận ngày 16 tháng 11 năm 1807. 

Theo nhiều tài liệu, lực lượng thủy quân của nhà Tây Sơn cho tới những năm cuối cùng trước khi bị Nguyễn Ánh đánh bại vẫn còn rất đáng kể. Sau khi bị lật đổ, một phần của thủy binh Tây Sơn hoặc chạy trốn tới các quốc gia chung quanh, hoặc quay sang làm cướp biển và vẫn còn làm cho triều đình Mãn Thanh cũng như triều đình Việt Nam điêu đứng một thời gian dài. 

Nhiều người trong số họ đầu hàng nhà Thanh. Một trong số đó là Trần Thiêm Bảo. Lời dụ ngày 19/12/1801 của Gia Khánh: “Theo lời tâu của bọn Cát Khánh, tên cướp biển Trần Thiêm Bảo mang cả gia quyến nội phục, và trình nạp sắc ấn của An Nam cấp cho. Tờ tâu nói: “Trần Thiêm Bảo đánh cá gặp bão vào năm Càn Long 48 [1783] bị Nguyễn Quang Bình [Nguyễn Huệ] bắt được, phong chức tổng binh’’. Có thể thấy trong nhiều năm hải tặc quấy phá đều do An Nam chứa chấp gây ra. Lúc Nguyễn Quang Bình còn sống, bắt người của nội địa [Trung Quốc], gia phong ngụy tước hiệu, rồi tung ra biển cướp phá.” (Thanh thực lục). 

Xem lại biểu đồ mà nhà Tây Sơn tổ chức lực lượng hải phỉ ta còn nhận ra nhiều nhóm theo tên gọi chẳng hạn như Phượng Vĩ, Tiểu Miêu… hoặc có khi chia thành nhiều màu cờ như Thanh Kỳ, Hồng Kỳ, Hoàng Kỳ, Hắc Kỳ, Lục Kỳ mỗi nhóm có một vùng hoạt động, những thủ lãnh được phân bố chặt chẽ.

Xin mượn một nhận định khá tinh tế của George Dutton để làm lời kết:

“ Kết luận rằng trộm cướp và hải tặc giữ vai trò quan trọng trong cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn không nhằm làm mất uy tín các lãnh tụ phong trào, như ý đồ của các sử gia triều Nguyễn. Cần trung thực hơn khi miêu tả thành phần phức tạp của cuộc nổi dậy, phản ánh tính không đồng nhất của xã hội Đại Việt cuối thế kỷ XVIII. Cũng như đối thủ của họ là chúa Nguyễn, nhà Tây Sơn trước tiên là những kẻ thực dụng, trong việc tuyển mộ quân đội, họ không nghĩ đến nền tảng xã hội, và kinh nghiệm, mà chỉ nghĩ đến những con số tuyệt đối. Đối với người tuyển mộ của nhà Tây Sơn, một kẻ cắp hay cướp biển không phải là một tên tội phạm cần tiêu diệt, mà là một người có kinh nghiệm chiến đấu, có thể tự trang bị vũ khí, sẵn sàng thách thức nhà cầm quyền…


Nguồn Tổng Hợp

Mùng 5 Tết Nhâm Dần

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét