Chủ Nhật, 1 tháng 8, 2021

Hiện đại cũng đến từ cổ truyền

HIỆN ĐẠI CŨNG ĐẾN TỪ ... CỔ TRUYỀN

Gần đây trên các diễn đàn võ thuật thường xuất hiện rất nhiều bài viết, quan điểm ... có í so sánh, chê bai các môn võ cổ truyền là kém hơn về tính thực chiến, đối kháng .. so với võ tự do hiện đại ( cụ thể là MMA ). 

Mình thì lại nghĩ rằng, việc so sánh kiểu như vậy là rất khập khiễng, thiếu công bằng và không thực tế. Nó chả khác gì việc đi khen một anh nông phu giỏi bổ củi chỉ vì anh này thường xuyên làm mỗi cái việc ... bổ củi. Và rồi quay lại chê một ông nông phu khác là bổ củi hơi kém ... chỉ vì ông này lại còn kiêm thêm cả việc thổi cơm, gánh nước ... dọn nhà.

Võ hiện đại từ đâu mà ra?, nó không bỗng nhiên sẵn có hay từ trên Trời rơi xuống. Bởi vì võ hiện đại chính là sự kế thừa, tổng hợp, đúc kết, rút gọn, lựa chọn và tiến hoá từ các hệ thống võ cổ truyền của nhiều dân tộc. Thời kỳ đầu, các giải đấu có tính Quốc Tế chỉ được biết đến nhiều với món tay đấm Boxing ... sau này, một võ sư người Nhật ghép thêm đòn chân thành ra  Kickboxing ... rồi đến anh chàng MMA có đủ cả mọi thứ như lẩu thập cẩm ( tay đấm, chân đá, vật lộn quăng quật ... đủ cả .. trừ bịt mắt, nắn cà ..). 

Mục đích của nhiều môn Võ hiện đại như Kickboxing, MMA .. là tập trung rèn luyện để có thể đánh đối kháng hay đánh đài, đấu lồng ... nên chỉ chuyên tâm vào các đòn thế, phương thức tập luyện nhằm phục vụ cho mục tiêu đó. Cũng giống như anh nông phu chỉ chuyên tâm vào mỗi việc bổ củi vậy. Rõ ràng là sẽ bổ được nhiều hơn, tốt hơn cái ông vừa bổ củi lại vừa muốn nấu được nồi cơm, quét được cái nhà. Cái gì Chuyên thì sẽ Sâu hơn - đó là hệ quả tất nhiên và rõ ràng là tính đối kháng, thực chiến cũng sẽ tốt hơn.

Võ cổ truyền thì lại không như vậy vì hầu hết các hệ thống đào tạo của nhiều võ phái đều nhắm đến mục tiêu rèn luyện tổng thể ( không phải mục tiêu kép trong phòng chống covid đâu ạ) bao gồm cả dưỡng sinh, thực chiến ( tay không, binh khí, ám khí...), đối kháng, biểu diễn ... võ đạo, võ đức. Thường thì người theo học võ cổ truyền không chỉ luyện tập mỗi cái món đánh đấm. Họ còn tập múa các bài quyền, tập khí công dưỡng sinh, binh khí .... nhiều môn phái còn thêm cả tập ngồi thiền. Mục đích tập luyện cũng đa dạng như vậy. Người thì tập để dưỡng sinh, người khác thì vừa dưỡng sinh vừa tự vệ. Có người lại do nhân duyên đưa đẩy ... Nhưng hầu hết những người đã theo học võ thuật, dù là cổ truyền hay hiện đại thì Ít - Nhiều cũng đều có lòng ham mê với Võ. 

Mình có quen ông anh cũng theo tập võ cổ truyền được mấy chục năm. Gần 60 tuổi rồi mà vẫn chưa một lần đeo găng, mặc giáp hay thực chiến ngoài đường. Gay go nhất có lẽ là trận đối kháng mà .. may nhờ có luyện tập nên anh í đã kịp hoá giải được đòn quai cán chổi rất lợi hại của bà vợ... nhưng rồi sau đó cũng đành thúc thủ vì sợ phải ... ăn cơm hàng. Được cái là ông anh có thể lực rất tốt, không mấy khi phải uống thuốc hay đi khám. Cũng chưa thấy chị vợ ngồi lườm đểu rồi ... thở dài hay tỉa tót gì cả.

Nếu một người học võ cổ truyền mà lại muốn lên đánh đài hoặc thiên về đối kháng thì sẽ phải tập luyện theo lối giản hoá và chuyên sâu hơn - kiểu như Tán Thủ hay Muay Thái vậy. Những tên tuổi lẫy lừng một thời trên các võ đài tự do như võ sư Minh Sang, võ sư Huỳnh Tiền, võ sư Lâm Hữu Hội, võ sư Lý Huỳnh, võ Sư Phi Long,  "thần cước" Sáu Cường ... Rồng Thiếu Lâm Yi Long đều có nền tảng cơ bản từ võ cổ truyền và .. .  mấy ai dám chê là họ chỉ biết đánh cái lối...dưỡng sinh, hay múa may đẹp mắt.

Lan man như vậy cũng chỉ là muốn nhấn mạnh rằng cái việc cứ đi so sánh võ cổ truyền với võ hiện đại vốn được tiến hoá từ chính ... các môn võ cổ truyền là không hề tương xứng và cũng chẳng công bằng.

Vấn đề cơ bản là nằm ở chỗ Mục Đích của người học võ. Người ta tập võ thuật với mục đích gì thì sẽ lựa chọn loại hình nào cho phù hợp với khả năng và nhu cầu của bản thân họ. Nếu thích đối kháng, thích mạnh mẽ hay muốn gia nhập K10 hoặc hành nghề an ninh, vệ sĩ ... thì tốt nhất là nên theo tập các môn võ hiện đại như MMA hoặc là Tán Thủ. Còn nếu đến với võ là vì yêu thích, vì quen biết, vì muốn tăng cường sức khỏe và khả năng tự vệ ... hay chỉ đơn giản là muốn được an toàn hơn khi ra đường lỡ vướng phải chân hay gậy của các đồng chí CSGT thì có thể tìm đến các môn võ cổ truyền.

Võ hiện đại vốn có nguồn gốc tiến hoá từ võ cổ truyền, nó ra đời là có cái lý của nó. Võ cổ truyền cũng vậy, nó vẫn tồn tại và phát triển chứ chưa hề bị thui chột hay đào thải cũng là có cái lý của nó. Hiện đại có cái hay của hiện đại mà cổ truyền cũng có cái đẹp của cổ truyền. Chúng ta nên có cái nhìn khách quan và chân trọng cả võ cổ truyền cũng như võ hiện đại.

 

Hà thành, kỳ giãn cách thứ 2

*Ảnh “ Công phu Thiếu Lâm “ của Luo Pin Xi

 

1 nhận xét:

  1. Xin trình bầy thêm cho rõ mục đích của bài viết
    - Trình bầy về sự kế thừa tiến hoá mang tính quy luật của võ hiện đại - cụ thể ở đây là MMA. ( Quan điểm võ thuật tổng hợp xuất hiện trong triết lý của hệ thống Triệt Quyền Đạo vào cuối thập niên 60. Và chính thức hoá tên gọi cũng như thể thức thi đấu vào những năm 95, 96 ) từ các hệ thống võ cổ truyền trên thế giới.
    Cũng có những môn võ mang tính tổng hợp khác như Sambo chẳng hạn. Nhưng nó không phổ cập và nổi tiếng ở mức toàn cầu như MMA
    Mình chọn MMA vì nó là môn võ tổng hợp hiện đại nhất, phổ cập nhất vào thời điểm hiện tại.
    Mình cũng chỉ nhắc đến : Boxing - Kickboxing - MMA cũng vì 2 lý do:
    + thể hiện sự kế thừa và tiến hoá ( lấy đó làm ví dụ mục tiêu chính là quá trình tiến hoá )
    + đều là những môn võ thuật thể thao mang tính toàn cầu hoá.
    Ở phương Tây không chỉ có Boxing - nhưng Boxing mới liên quan đến Kickboxing và là bộ môn phổ biến và được gần như cả thế giới biết đến.
    - Không nên so sánh tính đối kháng thực chiến giữa MMA và võ cổ truyền vì nó khập khiễng và không công bằng cho lắm. Mục đích người tập là gì thì họ sẽ lựa chọn hệ thống nào cho phù hợp.
    - Nên nhìn nhận khách quan và chân trọng cả hai hệ thống: Cổ truyền cũng như Hiện đại.

    Bài viết chỉ thể hiện quan điểm cá nhân nên không thể tránh được những sai sót hay nhầm lẫn vì khả năng còn hạn hẹp. Rất mong nhận được được sự cảm thông

    Trả lờiXóa