“ Ai ở phía bên kia cầm súng khác
Cùng tôi trong tiếng Việt quay về ”
- Lưu Quang Vũ -
THỐNG NHẤT
“ Ai ở phía bên kia cầm súng khác
Cùng tôi trong tiếng Việt quay về ”
- Lưu Quang Vũ -
Đất
nước đã thống nhất được 40 năm, non sông dù chưa tròn vẹn nhưng cũng
coi như đã thu về một mối. Vậy mà dân tộc ta vẫn còn phải đợi thêm gần
15 năm nữa mới thực sự được tận hưởng cái ân huệ của một nền hoà bình
đúng nghĩa. Chiến tranh đã qua đi, và hậu quả của nó thì chưa biết đến
tận bao giờ mới thôi nhức nhối. Những đau thương, mất mát, những hờn
oán, chia rẽ vẫn còn đeo đẳng đến tận hôm nay. Vào cái thời khắc lịch sử
ngày 30 - 4 - 1975, khi lá cờ giải phóng tung bay trên nóc dinh độc
lập, cũng là lúc đặt dấu chấm hết cho sự ngăn cách hơn 20 mươi năm giữa
hai bờ con sông Bến Hải. Cái ranh giới về địa lý thì đã được xoá bỏ kể
từ lúc đó, nhưng sự chia rẽ trong tâm hồn của những người con, vốn từng
mặc khác mầu áo lính thì chưa hẳn đã thực sự chấm dứt .
Nhìn
nhận về dấu ấn lịch sử năm 1975 luôn luôn là một chủ đề gây nhiều
tranh luận, nhiều quan điểm trái chiều. Nhưng có một sự thật chắc chắn
là với hầu hết những con người có lương tri - dù đứng ở bên nào trên cái
dải đất hình chữ S này, đều không hề mong muốn có chiến tranh. Chiến
tranh dù là với danh nghĩa gì, thì nó cũng sẽ mang theo bao nhiêu điều
tồi tệ.
Người
ta thường ủng hộ một cuộc chiến tranh hay một đội quân vì nó được mang
danh chính nghĩa. Chính nghĩa hay không chính nghĩa là bởi do cái động
cơ, cái mục đích của nó ra sao, hay nó mang ý nghĩa như thế nào. Thường
thì các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ Quốc, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ,
giải phóng dân tộc hay giải phóng các dân tộc bị áp bức, nô dịch... đều
được coi là chính nghĩa. Nhưng cũng có những đội quân, những cuộc chiến
mang danh chính nghĩa, mục đích chính nghĩa ... nhưng cách thức tiến
hành thì lại xa rời chính nghĩa, và các chuẩn mực nhân đạo. Sự khác biệt
này thường có nguyên nhân từ các tư tưởng cực đoan về sắc tộc, tôn giáo
hay chính trị... hoặc bắt nguồn từ những Quốc gia lạc hậu, và kém phát
triển.
Có
một thực tế không thể phủ nhận – đó là mục tiêu giải phóng Miền Nam -
thống nhất Tổ Quốc của Miền Bắc là một mục tiêu chính nghĩa. Không một
Quốc gia nào trên thế giới này, lại chấp nhận để mặc lãnh thổ của mình
bị Người Ta xâm lược, rồi bị đem chia năm, xẻ bẩy ra cả. Nước Nga cũng
vậy và nước Mỹ cũng thế thôi ... đó là một sự thật hiển nhiên.
Thử
nhìn lại lịch sử Việt Nam từ trước Cách mạng tháng tám năm 1945 cho đến
khi có sự can thiệp chính thức của người Mỹ - được coi là bắt đầu vào
năm 1964, khi những nhóm quân viễn chinh Mỹ đầu tiên đổ bộ lên đất cảng
Đà Nẵng … chúng ta sẽ thấy điều gì?
Chúng ta sẽ thấy Tổ Quốc ta, dân tộc ta bị xâm lăng, bị đô hộ bởi thực dân Pháp từ tận những năm cuối thế kỷ 18.
Chúng
ta sẽ thấy nhiều phong trào, nhiều cuộc khởi nghĩa xẩy ra … rồi Cách
mạng tháng tám bùng nổ với cùng một mục đích là đánh đuổi giặc ngoại xâm
và giải phóng dân tộc … cũng giống như mọi dân tộc bị xâm chiếm và đô
hộ khác mà thôi.
Chúng ta sẽ thấy một nhà Nước Việt Nam dân chủ vừa mới kịp khai sinh đã lại tiếp tục bị cuốn ngay vào vòng binh lửa khốc liệt.
Chúng
ta sẽ thấy sự tráo trở của Người Pháp, ( sự tráo trở vốn dĩ rất quen
thuộc của kẻ mạnh )được sự ủng hộ từ các đồng minh thân cận đã quay ngay
trở lại xâm lược Đất Nước ta.
Chúng
ta sẽ thấy 9 năm kháng chiến cực kỳ gian khổ của một cuộc chiến tranh
nhân dân thực sự chính nghĩa mà kết quả của nó mới chỉ đem lại độc lập
cho một nửa Đất Nước.
Chúng
ta cũng sẽ thấy rất rõ ràng rằng: chính quyền Miền Nam khi đó - dù theo
thể chế gì đi chăng nữa cũng chỉ là hệ quả từ một quá khứ đô hộ của
người Pháp … của cái hiệp định Genève … của sự phân chia từ những Quốc
gia hùng mạnh đang nắm quyền chi phối. Và lẽ tất nhiên, chính quyền đó
phải lệ thuộc và chịu sự thao túng của Người Pháp ( kẻ xâm lăng, kẻ mạnh
tráo trở, kẻ đã tạo ra nó …) và sau đó tiếp đến Người Mỹ - một đồng
minh thân cận của Pháp, vừa cùng một phe lại vừa cực kỳ hùng mạnh.
Điểm
lại một vài sự kiện quan trọng của lịch sử, chúng ta sẽ thấy việc tiếp
tục phát động chiến tranh giải phóng miền nam, thống nhất Tổ quốc là một
hệ quả tất yếu của một quá trình đấu tranh gian khổ nhằm đánh đuổi giặc
ngoại xâm, giành lại độc lập cho dân tộc. Đây là phần tiếp theo của một
quá trình đang còn dang dở … một cuộc chiến tranh giải phóng mang chính
nghĩa rõ ràng. Đây không thể coi là một cuộc chiến tranh huynh đệ tương
tàn.
Sẽ
có nhiều ý kiến cho rằng: việc miền Bắc tiếp tục phát động chiến tranh
giải phóng là không còn chính nghĩa nữa ... vì nếu hiệp định Genève được
tuân thủ, sớm hay muộn thì hai miền sẽ được thống nhất bằng một cuộc
tổng tuyển cử. Nhưng đó chỉ là những ý kiến phiến diện, thiếu khách
quan, và phi lịch sử, vì rõ ràng trên thực tế - tổng tuyển cử đã không
xẩy ra ... và chẳng biết đến bao giờ nó sẽ xẩy ra. Cũng thật dễ hiểu khi
chính quyền miền Nam khi đó không hề mong muốn tổ chức tổng tuyển cử,
vì họ đang đại diện cho dã tâm và các lợi ích của người Pháp. Mà với
diễn biến tình hình vào thời điểm đó – họ không nắm được đa số … họ sẽ
thất bại. Và cùng với nó là việc người Pháp phải cuốn gói, phải sớm từ
bỏ mọi quyền lợi trên mảnh đất cựu thuộc địa này. Cũng không quá khó để
mà lý giải cho quyết định này của lãnh đạo miền Bắc, vì trên cương vị
những người đứng đầu - Họ sẽ phải nghĩ đến quyền lợi của cả một dân tộc,
một Quốc gia, hay một thể chế chính trị.
Điều
này có thể sẽ khác với quan điểm trên bình diện chung của nhiều người
dân. Thường nhân chúng ta có thể sẽ cho rằng: cần gì phải dùng đến súng
đạn, bạo lực cách mạng … cứ để như Triều Tiên có phải tốt hơn không
?... rồi ... rất có thể Họ sẽ được Thống Nhất bởi một diễn biến hòa
bình giống như nước Đức vào một lúc nào đó ... thì sao?
Nhưng
đó cũng chỉ là những ý kiến vuốt đuôi mà thôi ! ... vì khi sự việc nó
đã xẩy ra rồi thì không khó khăn lắm để tìm ra được những quyết sách cho
đúng đắn và hợp lý. Chúng ta thống nhất từ năm 1975 còn nước Đức phải
đợi đến tận năm 1990 mới tái thống nhất. Và nước Đức thì khác quá xa so
với Việt Nam.
Hãy
nhìn sang Triều Tiên mà xem !... biết đến tận ngày nào ? ... bao giờ ?
... dân tộc của Họ mới thoát ra khỏi tình trạng đối đầu căng thẳng ...
mới có thể loại bỏ được hoàn toàn mối nguy cơ về một cuộc nội chiến
huynh đệ tương tàn. Chiến tranh có thể xẩy ra bất cứ lúc nào ... liệu nó
có xẩy ra không ? ... hay một cuộc tổng tuyển cử trong hoà bình đang
đợi Họ ở phía trước ? ... ai mà dám chắc !
Lịch sử là vậy, và nó đã diễn ra như vậy dù chủ quan ... có thể ta không hề mong muốn nó xẩy ra như vậy.
...
“ Nghĩ cho cùng
Mọi cuộc chiến tranh
Phe nào thắng thì nhân dân đều bại ”
- Nguyễn Duy -
Nghỉ lễ Tháng 5 năm 2015
Ảnh: Thomas Billhardt, phóng viên chiến trường nổi tiếng của CHDC Đức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét