Chủ Nhật, 3 tháng 1, 2021

BÍ ẨN NHIỆM MẦU

BÍ ẨN NHIỆM MẦU

Trên dãy núi Sierra Nevada ở Colombia, quanh năm mây mù bao phủ, vùng đất được coi là nơi ngự trị của thần linh, có một bộ tộc ít người sinh sống đã 8.000 năm qua, đó là tộc người Kogi.Theo nghiên cứu có được từ các tài liệu lịch sử, khảo cổ, Kogi là hậu duệ của một nền văn minh Tairona rực rỡ cổ xưa có niên đại lên tới 8000 năm, tồn tại trước cả thời đại văn minh cổ nổi tiếng của người Incas và Maya ở Nam Mỹ. Người Kogi khẳng định tổ tiên họ xuất hiện trên trái đất này rất xa xưa, xưa hơn tổ tiên của loài người của thế giới ngoài kia rất nhiều. Họ nói rằng, bản thân mình biết quá khứ và dự đoán được tương lai của thế giới. Hàng nghìn năm sống trong rừng sâu, gần như không giao du với bên ngoài, họ vẫn giữ cho riêng mình những nét văn hóa riêng, lối sống khác biệt. Những quan niệm về cuộc sống, tự nhiên của họ giống như lời phán của những nhà hiền triết. Mỗi người Kogi chỉ được xem là trưởng thành khi họ đã trải qua 9 năm tu tập. Họ ngồi quay mặt vào vách đá để khám phá bản thân và suy ngẫm mối giao thoa, hợp nhất giữa trời đất, con người và thiên nhiên.

 Một điều cực kỳ đặc biệt và ấn tượng với những người từng tiếp xúc với bộ lạc Kogi là tất cả thành viên trong bộ tộc đều không ăn thịt, cá hay bất cứ loài động vật, côn trùng nào. Họ ăn chay hoàn toàn cả đời, thức ăn của họ không có gì khác ngoài cây, lá, hoa, quả, củ. Người Kogi thường nói rằng: “Quả đất là nơi sinh sống của muôn loài, vậy tại sao loài người lại bắn, giết, ăn thịt các loài khác? Mọi loài vật đều biết đau đớn, tại sao lại ăn “cái đang đau khổ?”. Họ ăn chay bắt nguồn từ chính sự thiện tâm, hoàn toàn tự nguyện từ ngàn đời nay. Có thể nói rằng Kogi là bộ tộc có lối sống “thánh thiện” nhất thế giới. Họ không hề săn bắn hay có vũ khí. Truyền thống của họ không cho phép được giết hại bất cứ một sinh vật nào, dù lớn hay nhỏ. Đây là một chi tiết đang làm nhức đầu nhiều nhà nhân chủng học và xã hội học. Từ trước đến nay, các lý thuyết đều cho rằng, những bộ lạc dã man đều sinh sống bằng săn bắn và ăn cây trái trong rừng. Việc một bộ lạc không hề có tập tục ăn thịt cá là một sự kiện độc đáo, lạ lùng hiếm có và khó giải thích. Người Kogi cho rằng giết hại sinh vật là trái với luật thiên nhiên, có lẽ vì lý do đó trong thời gian quay phim, phái đoàn đài BBC đã thấy rất nhiều hươu nai, thỏ rừng, chồn cáo đi qua đi lại trong làng như những gia súc mà không hề sợ hãi. Vì chỉ sống bằng rau cỏ thiên nhiên nên việc học hỏi, nghiên cứu các lá cây có dược tính là một môn học được giảng dạy rất kỹ lưỡng tại đây. Người Kogi cho biết họ có thể sống từ ngày này qua ngày khác bằng cách ngậm một vài lá cây mà thôi, có thể vì chỉ ăn rau mà họ sống lâu như vậy.

Người Kogi quan niệm rằng việc tích trữ lương thực, lo để dành, vô hình tạo ra sự tham lam, muốn chiếm đoạt, đó là khởi nguồn của chiến tranh, tội ác, tàn sát lẫn nhau. Sự dư thừa thường làm rối loạn trật tự thiên nhiên. Khi mình chiếm hữu được nhiều thì có nghĩa là người khác, sinh vật khác sẽ bị thiếu hụt. Như vậy sẽ mất cân bằng, khiến thiên nhiên bất ổn. Do đó, họ gieo trồng và để cây quả phát triển tự nhiên, họ cũng không tích trữ lương thực như các bộ tộc khác. Phương pháp trồng trọt của họ cũng rất giản dị. Họ dùng một cây nhọn để xắn đất, thảy vào đó vài hạt đậu rồi lấp lại. Việc trồng trọt hay gieo hạt được dành cho phái nữ, vì người nữ "mát tay" hơn người nam.

Một trưởng lão cho biết: Chúng tôi vẫn biết có những phương pháp trồng trọt, canh tác khác có thể làm hoa mầu nảy sinh rất nhiều nhưng có nhiều để làm gì? Gia đình nào cũng chỉ ăn ngày ba bữa. Có nhiều sẽ tạo nên tình trạng tham lam, tạo ra phiền toái vô ích. Thiên nhiên đã lo liệu chu toàn thì cứ theo đó mà sống. Các ông hãy nhìn kia, chim chóc không gieo hạt mà thiên nhiên có để chúng chết đói đâu? Các thú rừng khác cũng thế, chả loại nào thiếu ăn cả, vậy tại sao con người lại phải lo tàng trữ, gia tăng thu hoạch thực phẩm? Có dư làm rối loạn trật tự thiên nhiên, có nhiều hơn cái mình cần là lấy đi mất phần của người khác hay sinh vật khác và như thế là vi phạm một định luật căn bản của thiên nhiên và truyền thống sẵn có của dân Kogi. Các ông nên biết người Kogi chỉ sống vừa đủ, hoàn toàn không có gì dư thừa và do đó tại đây không hề có trộm cướp hay các tệ nạn như các bộ lạc khác.

Một điều đáng kinh ngạc là tuổi thọ trung bình của người Kogi rất cao, lên tới hơn 100 tuổi. Người Kogi rất thông hiểu về các loài thảo dược, giữ lối sống lành mạnh, chan hòa với thiên nhiên, tĩnh tâm trước biến cố, có lẽ là những bí quyết giúp họ sống khỏe mạnh, gần như không bệnh tật gì trong suốt cuộc đời.  

Đối với người Kogi, việc chết cũng rất giản dị, khi cảm thấy đã đến lúc phải ra đi, một người già thường tìm vào một hang đá sâu và ngồi yên trong đó chờ chết. Họ không làm đám tang, gia đình không than khóc như những bộ lạc khác mà họ cho rằng đó là một việc bình thường, không có gì đáng quan tâm. Một điểm đặc biệt nữa của bộ tộc Kogi là họ không thờ cúng bất cứ một vị thần nào, cũng không có các sinh hoạt liên quan đến tâm linh như những bộ tộc khác. Tâm linh và tôn giáo không có trong khái niệm của người Kogi bởi họ cho rằng sự xuất hiện, tồn tại của các tôn giáo chứng minh rằng con người đã quá dã man, độc ác và sự hiếu thắng, sân si đang hiện hữu. Vị trưởng lão đó nói: “Đời sống là một sự mầu nhiệm, nếu con người biết mài giũa thân và tâm để ý thức đời sống một cách trọn vẹn thì người ta sẽ ý thức được những việc khác phi thường hơn"  

Đa số các trưởng lão thường bỏ ra nhiều giờ mỗi ngày để ngồi yên lặng, giao cảm với thiên nhiên vì đối với họ việc tĩnh tâm là mục đích chính của đời sống. Các nhu cầu như ăn uống chỉ là phụ thuộc. Người ta chỉ bỏ ra vài giờ vào rừng hái trái cây, uống nước suối là đủ rồi nhưng người ta không thể sống thiếu ý thức về mình được. Truyền thống nơi đây chú trọng trên căn bản tĩnh tâm suy gẫm nên họ đã có những quan niệm hết sức đặc biệt, khác hẳn với những nền văn minh khác tại Nam Mỹ. Theo quan niệm của người Kogi truyền từ đời này qua đời khác, từ thuở ban sơ vũ trụ hoàn toàn trống rỗng, không có mặt trời, mặt trăng, tinh tú hay bất cứ một cái gì và chính cái trống rỗng uyên nguyên đó được gọi là "Mẹ vũ trụ" hay Kaluna. Danh từ "Mẹ vũ trụ" chẳng phải một đấng hóa công (Creator) mà chỉ là một tâm thức (mind). Một trạng thái tuyệt đối hoàn hảo của tâm thức.

Một trưởng lão đã nói: "Các quan niệm như tinh tú, mặt trời mặt trăng, đất nước gió lửa từ đâu đến? Phải chăng từ tâm thức này sanh ra? Chính tâm thức đó phát sinh ra tư tưởng và khi tư tưởng vận hành, giống như cuộn chỉ xoay từ sợi, mà tất cả mọi vật đều phát sinh". Tóm lại, tất cả đều do tâm tạo.

Có tất cả chín thế giới phát sinh từ tâm thức vũ trụ cũng như một người mẹ sinh ra chín đứa con. Mỗi đứa con có một đặc tính hay sắc thái tiêu biểu bằng các màu sắc khác nhau. Thế giới thứ chín chính là cái thế giới mà chúng ta đang sống. Tất cả mọi thế giới đều tuân theo những qui luật nhất định liên quan đến việc sinh ra, lớn lên, phát triển rồi chết đi. 

Đó là định luật thiên nhiên không thể thay đổi ý thức rõ rệt, các định luật này rất quan trọng vì nó là cây cầu tâm thức nối liền với chúng ta và các cảnh giới khác và sau cùng với Mẹ vũ trụ (Kaluna). Chính vì ý thức mà người ta biết rằng trái đất này không phải tạo ra riêng cho loài người mà cho tất cả mọi sinh vật khác nữa".

...

 

- st -

 

https://giaoducthoidai.vn/khoa-hoc/bi-an-bo-toc-8-000-nam-o-giua-rung-sau-co-loi-song-thanh-thien-nhat-the-gioi-20200427075915840.html

http://www.chuabuuminh.vn/PrintView.aspx?Language=vi&ID=53F05A





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét