Thứ Hai, 21 tháng 9, 2020

Cho đi ...

Tôi không thấy do để trì hoãn việc cho đi ...”
- Chuck Feeney - 


CHO ĐI ...
Tỷ phú người Mỹ gốc Ai-len, ông Charles Chuck Feeney, 89 tuổi, vừa cho đi hết số tài sản 8 tỷ USD của mình, chỉ giữ lại 2 triệu USD cho cuộc sống về già của vợ chồng ông sau khi cả hai nghỉ hưu "Sinh ra trắng tay thì ra đi cũng tay trắng " - Chuck Feeney giữ quan điểm như thế và đã làm đúng như vậy. Theo Forbes, vào ngày 14.9.2020 khối tài sản kếch xù của tỷ phú Charles Chuck Feeney thông qua quỹ từ thiện Atlantic Philanthropies đã chính thức về con số 0 sau khi ông phân phát hết toàn bộ 8 tỷ USD cho mục đích từ thiện. Chuck Feeney là đồng sáng lập tập đoàn bán hàng miễn thuế toàn cầu Duty Free Shoppers vào năm 1960. Dù kiếm được hàng tỷ USD, nhưng ông lại sống cuộc đời rất khiêm nhường, giản dị. Ông đưa ra ý tưởng "cho đi khi còn sống" vì quan niệm nếu không thể mang theo tiền khi chết thì con người nên đóng góp cho cộng đồng lúc còn có thể nắm quyền kiểm soát và chứng kiến thành quả. Từ năm 1984 đến nay, thông qua quỹ từ thiện của mình mang tên Atlantic Philanthropies ( Đại Tây Dương), ông Chuck Feeney đã đóng góp hơn 8 tỷ USD cho các tổ chức, trường đại học và quỹ nhân đạo khắp thế giới. Ông chỉ để dành 2 triệu USD làm tiền nghỉ hưu cho hai vợ chồng dưỡng già. Điều đó có nghĩa số tiền vị tỷ phú cho đi gấp 4.000 lần phần ông giữ lại cho riêng mình.
 Nổi tiếng với tấm lòng nhân hậu, vị tỷ phú hiếm khi công khai hoạt động từ thiện của mình mà chủ yếu quyên góp dưới dạng giấu tên. Trong khi nhiều nhà từ thiện có một đội ngũ quảng bá các khoản quyên góp của họ mỗi lần làm từ thiện, Feeney đã cố gắng giữ bí mật những món quà của mình. Cuối thập niên 1990, những hoạt động vì cộng đồng của ông mới được hé lộ sau thương vụ bán cổ phần Duty Free Shoppers cho tập đoàn LVMH của Pháp. Tạp chí Forbes gọi Feeney là "James Bond từ thiện". Trái ngược với những biệt thự đắt tiền thường thấy của giới siêu giàu, vợ chồng tỷ phú Chuck Feeney sống trong một căn nhà bình dân ở thành phố San Francisco (Mỹ). Nơi ở của ông có nội thất đơn giản, phòng khách chỉ có chiếc bàn gỗ đơn sơ để tiếp khách, cùng vài bức ảnh gia đình treo trên tường. Trên bàn là một kỷ niệm chương nhỏ ghi dòng chữ: "Xin chúc mừng Chuck Feeney đã quyên góp 8 tỷ USD". Những người từng ghé thăm "cơ ngơi" của tỷ phú Chuck Feeney miêu tả không gian sống của vợ chồng ông giống như phòng ốc của sinh viên đại học sống ở trong ký túc xá.
 “ Tôi không thấy có lý do gì để trì hoãn việc cho đi. Tôi sẵn sàng đầu tư khi giá trị, tiềm năng của dự án đem lại cho mọi người lớn hơn rủi ro. Bên cạnh đó, việc cho đi khi bạn đang sống ý nghĩa hơn là khi bạn không còn nữa", ông Chuck Feeney tâm sự. Chuck Feeney hỗ trợ rất nhiều cho các hoạt động nhân quyền và thay đổi xã hội tại Mỹ cùng nhiều chương trình y tế, giáo dục ở nhiều quốc gia khác. 
Vị tỷ phú này cũng "bén duyên" với Việt Nam từ rất lâu với số tiền tài trợ lên tới hàng trăm triệu USD. Từ năm 1998-2013, Chuck Feeney đã tài trợ 381,6 triệu USD cho các dự án tại Việt Nam thông qua các tổ chức phi chính phủ, trường đại học, cơ sở nghiên cứu. Giáo dục và chăm sóc sức khỏe là hai ưu tiên hàng đầu. Các dự án tài trợ tại Việt Nam khi đó hầu như không dựa trên một chiến lược cụ thể nào. Quyết định dựa trên một thứ tình cảm gì đó đặc biệt của Feeney và giá trị cụ thể của từng việc riêng lẻ ấy đem lại.
 Mark Conroy ( giám đốc EWMF )* chia sẻ về chuyến thăm văn phòng EMWF ở Đà Nẵng của Feeney:” Feeney thấy ở đối diện có công trình thư viện của một trường đại học đang xây dang dở. Sau cuộc trò chuyện với ban giám hiệu, ông quyết định hỗ trợ hoàn tất thư viện ấy. Chứng kiến cảnh các bệnh nhân chen chúc trong những bệnh viện cũ kỹ ở Huế và Đà Nẵng, Feeney cũng dang tay hỗ trợ nhưng cương quyết giữ nguyên tắc ẩn danh “. Mark Conroy, đã phải than vãn rằng ông không thể làm việc được với chính quyền địa phương nếu Feeney cứ tiếp tục bí hiểm mà không nói lý do. Nhưng Feeney giữ nguyên tắc đó ở tất cả những nơi ông làm thiện nguyện, từ Ireland đến Cuba, Bermuda, Úc… khiến có nơi người ta tưởng ông đang... rửa tiền. Một quan chức Đại học RMIT Việt Nam, nơi Feeney hỗ trợ hơn 42 triệu USD, sau này cũng hé lộ thủ tục xin cấp phép lúc đầu rất nhiêu khê và bị kéo dài chỉ vì vị tỉ phú này muốn che giấu thân phận. 
 Ngày 14/9/2020, Feeney chính thức làm lễ đóng cửa quỹ Atlantic Philanthropies vì toàn bộ số tiền đã được phân phát hết. Vị tỉ phú Mỹ 89 tuổi vừa hoàn thành mục tiêu lớn của cuộc đời mình: cho đi tất cả khối tài sản 8 tỉ USD, chỉ chừa lại 2 triệu USD cho quãng đời còn lại. 
 Feeney chính là nguồn cảm hứng thúc đẩy hai tỷ phú nổi tiếng là Bill Gates và Warren Buffett thành lập Giving Pledge, chiến dịch kêu gọi tầng lớp giàu nhất nước Mỹ cho đi ít nhất 50% khối tài sản trước khi qua đời. “Chuck là hình mẫu cho tất cả doanh nhân như chúng tôi học theo”, Warren Buffett dành lời tán dương. Còn nhà sáng lập Microsoft gọi Feeney là người “truyền cảm hứng tuyệt vời”. ...
 
 - st -
  * EMWF : Quỹ Đông Tây Hội Ngộ (East Meets West Foundation - EMWF), một tổ chức nhân đạo có trụ sở tại San Francisco (Mỹ). 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét