Thứ Năm, 7 tháng 11, 2019

Cuộc duyệt binh lịch sử Mùa Đông năm 1941

" Nước Nga rộng lớn, nhưng chúng ta quyết không lùi. Vì sau lưng là Moskva "
 - Kolotshcov -


CUỘC DUYỆT BINH LỊCH SỬ MÙA ĐÔNG NĂM 1941
Cuộc duyệt binh lịch sử của Hồng Quân Liên Xô đúng vào ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga - 7/11/1941 là cuộc duyệt binh có một không hai trong lịch sử nhân loại. Nó diễn ra trong bối cảnh đặc biệt của mùa đông lạnh giá năm 1941 khi quân thù đã tiến đến cửa ngõ thủ đô Moskva và vận mệnh của Liên Bang Xô Viết đang ở vào tình thế vô cùng nguy khốn. Trong thời khắc khó khăn như vậy, Xô Viết tối cao đã có một quyết định không ai ngờ tới khi vẫn tổ chức lễ duyệt binh kỷ niệm 
như thông lệ hàng năm. Ngay sau lễ duyệt binh, từ Quảng trường Đỏ, các đơn vị Hồng quân đã tiến thẳng ra mặt trận.

I. Bối cảnh lịch sử 
Ngược dòng thời gian, vào ngày 22/6/1941, sau khi chiếm hầu hết châu Âu, phát xít Đức đã xé bỏ mọi điều ước ký kết trước đó giữa hai nước, tung một lực lượng hùng mạnh bao gồm bộ binh, thiết giáp, không quân bất ngờ tấn công Liên Xô. Kể từ đây, quân đội và nhân dân Liên Xô bắt đầu cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại kéo dài suốt 1.418 ngày đêm với hàng nghìn trận đánh lớn, nhỏ diễn ra vô cùng khốc liệt. Cuộc Chiến đã lôi cuốn hàng triệu người con của Liên bang Xô Viết cùng nhân dân các quốc gia châu Âu tham gia. Đặc biệt trong số đó có cả những người Việt Nam.
Quân đội phát xít Đức đã huy động 190 sư đoàn với tổng quân số trên 5 triệu người, cùng một số lượng khổng lồ phương tiện chiến tranh gồm khoảng 5.000 xe tăng và pháo tự hành, 3.400 xe thiết giáp, 600.000 xe cơ giới các loại, 47.000 pháo và súng cối, 4.940 máy bay các loại và khoảng 300 tàu 
chiến vào chiến dịch được mang mật danh " Barbarossa " này.
Trong khi đó, Hồng quân Liên Xô có 141 sư đoàn với 3,2 triệu quân đóng ở các khu vực phía Tây 
chống lại quân Đức. So với Hồng quân, quân Đức chiếm ưu thế cả về quân số lẫn kinh nghiệm tác chiến.
Chiến dịch Barbarossa được dự định sẽ đánh bại triệt để Liên Xô chỉ trong 2-3 tháng.Trong giai đoạn đầu, các lực lượng Đức tiến lên nhanh chóng do lợi thế từ yếu tố bất ngờ, ưu thế về quân số và trang bị, kinh nghiệm dày dạn của binh sĩ Đức, cộng với những yếu kém và sai lầm trong tác chiến của các chỉ huy Hồng Quân.
Tháng 10/1941, sau 4 tháng chiến đấu với những điều kiện bất lợi, Hồng quân liên tục rút lui và cũng phải gánh chịu nhiều tổn thất. Trong khi đó, quân Đức đã tiến đến rất gần cửa ngõ thù đô Moskva. Bộ chỉ huy Đức quyết định tập trung mọi sức lực để mở cuộc tấn công mang tên “Bão biển” (Typhoon) vào Moskva với dự định chiếm thủ đô nước Nga trước ngày 7-11, ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười. Hitler đã huy động 80 sư đoàn, trong đó có 23 sư đoàn xe tăng với 1.700 xe tăng, 14.000 pháo 
,súng cối và xe cơ giới ( khoảng hơn 1,8 triệu quân) cùng với 1.390 máy bay vào trận đánh này. 
Trong nhật lệnh ngày 2/10/1941 - ngày mở đầu cuộc tấn công vào Moskva, Hitler quyết định ngày 
7/11/1941 sẽ chiếm xong Moskva và duyệt binh chiến thắng tại Hồng trường, xử tử ban lãnh đạo Liên Xô, phá đổ tường thành Kremli...
Được chỉ huy bởi tướng Heinz Guderain, ngay trong tuần đầu tiên chiến dịch “Bão biển” đã nhanh chóng chiếm ưu thế và dễ dàng chiếm giữ được một vài thị trấn gần Moskva. Đợt tấn công ác liệt và đẫm máu này kéo dài suốt trong tháng 10/1941, quân Đức tiến được 230 km, nhưng lực lượng cũng bị tổn thất nghiêm trọng. Những ngày đầu tháng 11/1941, một bộ phận quân Đức đã chọc thủng được tuyến phòng thủ của Hồng quân, chiếm giữ các thị trấn trọng yếu của các thành phố Kaluga và Mozhaisk phía tây nam Moskva, ở một số vị trí quân Đức chỉ cách thủ đô Liên Xô khoảng 25-30km. Vào những ngày bầu trời hửng nắng, nhiều lính Đức đã có thể nhìn thấy đỉnh chóp dát vàng của tháp chuông hàng trăm năm tuổi “Ivan vĩ đại” trong khuôn viên điện Kremli.
Tuy nhiên, có những yếu tố đã tác động làm chậm bước tiến của quân đội Đức.
Trước hết, quân đội Đức đã tiến nhanh hơn các binh đoàn tiếp tế. Thứ hai, Stalin và bộ chỉ huy tối 
cao Xô Viết quyết định bổ nhiệm tướng Georgy Zhukov làm tổng chỉ huy mặt trận phía tây. Tướng 
Zhukov đã kịp thời ổn định và củng cố vành đai phòng thủ quanh thành phố Leningrad và bắt đầu xúc tiến tạo dựng một vành đai tương tự để bảo vệ thủ đô Moskva. 
Thứ ba, tuyến tiếp viện của Đức bị cản phá dữ dội trên đường vận chuyển quân lương từ Viễn Đông đến Moskva. Ban chỉ huy phòng vệ Moskva đã yêu cầu người dân tổ chức thành những đội du kích hoặc vệ quốc quân để sẵn sàng chiến đấu. Những đội quân này được nhanh chóng đào tạo cơ bản để 
đến ngày 20-10, thủ đô Moskva đã sẵn sàng cho các trận đánh ngay trên đường phố với lực lượng phòng thủ gồm quân đội và khoảng 450.000 người dân Moskva. Khi ấy, Hồng quân bắt được một sĩ quan Đức mặc hai lớp áo; lễ phục mặc bên ngoài quân phục. Hắn khai: Mục tiêu của kế hoạch “Bão biển” là phải giành thắng lợi chớp nhoáng nên quân Đức không mang theo áo ấm và đang khốn đốn 
vì giá rét. Chúng phải điều gấp quân trang chống rét cho các sĩ quan bằng lễ phục đội hậu cần mang 
theo để chuẩn bị cho cuộc “duyệt binh thắng lợi chiếm Moskva” dự định diễn ra vào ngày 7-11 tại Quảng trường Đỏ của Liên Xô với kịch bản có các “tiết mục hấp dẫn” như dẫn giải các lãnh đạo Liên 
Xô bị bắt ra quảng trường và treo cổ họ, nổ mìn phá tường thành Điện Kremli, phá lăng Lênin...
Mùa đông năm 1941-1942 được cho là một trong những mùa đông lạnh khủng khiếp nhất trong lịch sử Nga. General Raus, người nổi danh trong giới quân sự Đức với tư cách là một nhà chiến thuật Tăng - Thiết giáp lỗi lạc đã ghi lại nhiệt độ trung bình hàng ngày gần Moskva trong suốt những ngày đầu của tháng 12 / 1941 như sau: ngày 1-12: -7ºC, 2-12: -6ºC, 3-12: -9ºC, 5-12: -37ºC, 6-12: -37ºC… Những ngày sau đó trong tháng, nhiệt độ giảm đến mức -45oC. Sư đoàn Thiết giáp số 6 của tướng 
Raus báo cáo mỗi ngày có khoảng 800 ca chết cóng vì giá lạnh. Các thiết bị khí tài của Đức bắt đầu hỏng hóc khi nhiệt độ xuống -20oC. Các loại vũ khí không thể khởi động được, đặc biệt là các vũ khí chống tăng, chất lỏng tạo độ giật lùi cho pháo đều đông cứng, dầu bôi trơn cho các vũ khí thông minh và súng máy cũng vậy, chỉ có lựu đạn ném tay là còn sử dụng được. Tháp pháo của xe tăng thì không 
thể xoay và xe tăng thì phải hoạt động liên tục để tránh bị đông cứng. Trong khi đó, vũ khí của Hồng 
quân đều được thiết kế để vẫn đảm bảo độ tin cậy trong điều kiện lạnh khắc nghiệt như vậy. Xe tăng T-34 của Nga với số lượng rất lớn, lại có bộ khởi động khí nén, có thể hoạt động được kể cả trong
thời tiết lạnh nhất. Thêm nữa, bánh xích của loại T-34 này rất rộng nên tản đều trọng lượng của cỗ xe giúp T-34 có thể lăn xích trên các mương rãnh cũng như các hố tuyết sâu 1,5m.
Bình luận về điều kiện sình lầy (mùa thu) và tuyết lạnh (mùa đông), Nguyên soái Zhukov nói ngắn gọn rằng: quân Đức đáng ra phải hiểu rõ về thời tiết. Trong trường hợp này, thời tiết đóng một vai trò quan trọng (nhưng không phải là hàng đầu) giải thích tại sao Hồng quân Liên Xô – với hơn 1 triệu binh sĩ hy sinh trong 2 tháng đầu bị quân phát xít tấn công đã không chỉ có thể giữ vững Moskva, mà 
còn tiến hành được các đợt phản công mạnh mẽ.
II. Quyết định không ai ngờ
Trước hung tin tuyến phòng thủ liên tục bị phá vỡ, người dân thủ đô hết sức hoang mang, tình hình trị an Moskva trở nên hỗn loạn và căng thẳng như đứng bên bờ vực thẳm. Trong khi đó, máy bay Đức liên tục ném bom oanh kích nhiều vị trí trong thành phố. Một bộ phận các cơ quan chính phủ và đoàn ngoại giao tại Moscow đã sơ tán về Kuibyshev từ giữa tháng 10.
Vào thời điểm đó, có tin đồn rằng Stalin và Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô đã rời khỏi thủ đô 
Moscow khiến tinh thần binh sĩ và nhân dân càng thêm hoang mang. Để xua tan những tin đồn và củng cố tinh thần của Quân - Dân trong cả nước, bộ chỉ huy tối cao Xô Viết đã có những quyết sách kịp thời nhằm bảo vệ Thủ đô trước tình thế vô cùng hung hiểm này. Ngày 28/10/1941, Stalin ra mật lệnh bắt đầu chuẩn bị cho cuộc duyệt binh kỷ niệm Cách mạng tháng Mười như thông lệ trong điều kiện giữ bí mật tuyệt đối. Đây là một quyết định ít ai ngờ tới của Tổng Tư lệnh Tối cao. Stalin đã quyết định việc này vào cuối tháng 10 – đầu tháng 11 sau khi tham khảo ý kiến của các tướng lĩnh và phân tích tình hình tiền phương cũng như hậu phương. Ngày 28-10, Stalin triệu tập tới điện Kremli tướng Artemiev – Tư lệnh Quân khu thủ đô, tướng Zhigarev – tư lệnh Binh chủng Không quân, tướng Gromadin – chỉ huy đơn vị Phòng không khu vực Moskva và tướng Sbytoc – Tư lệnh Binh chủng Phòng không. Ông hỏi các vị tướng: “Sắp đến ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười, chúng ta sẽ tổ chức duyệt binh ở Quảng trường Đỏ chứ ?”.
Câu hỏi của Tổng tư lệnh quân đội làm tất cả bất ngờ khiến không ai có thể đáp lời ngay. Tuy duyệt 
binh vào ngày 7/11 là truyền thống của Liên Xô hàng năm, nhưng mùa đông buốt giá của năm 1941 
này lại quá đặc biệt. Quân thù đã ở ngay của ngõ Thủ đô Moskva , máy bay Đức liên tục oanh kích, chướng ngại vật đã dựng lên khắp các đường phố, những cây cầu bắc qua kênh đào Moskva – Volga và các nhà máy như “Tháng Mười Đỏ”, TMZ… đã được đặt mìn. Trong tình thế như vậy, không có ai lúc đó còn nghĩ đến việc tổ chức một lễ kỷ niệm đầy màu sắc trên Quảng trường Đỏ.
Stalin phải nhắc lại câu hỏi đó tới lần thứ ba thì mọi người mới bừng tỉnh và đồng thanh đáp: "Vâng, tất nhiên là có. Điều đó sẽ khích lệ tinh thần quân sĩ và hậu phương!". Tuy nhiên, buổi lễ có nguy cơ sẽ bị máy bay Đức oanh tạc, và hàng ngũ lãnh đạo Chính phủ Liên Xô đứng trên lễ đài rất có thể sẽ trở thành những tấm bia sống cho quân địch ngắm bắn. Thực ra, trước đó Stalin đã tham khảo ý kiến của Tướng Zhukov. Theo Zhukov, trong những ngày tới quân địch sẽ không có khả năng tổ chức những đợt tấn công lớn do bị tiêu hao lực lượng trong các trận đánh gần Moskva và đang chờ bổ sung 
cũng như biên chế lại các cánh quân. Còn để đối phó với hoạt động oanh kích diễn ra hàng ngày của 
không quân Đức thì cần tăng cường các lực lượng phòng không và bổ sung cho Moskva đội máy bay 
tiêm kích từ các mặt trận lân cận. Đó là những cơ sở để Tổng Tư lệnh Stalin đi đến quyết định tiếp 
tục tổ chức duyệt binh kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười như thông lệ hàng năm. Chính cái quyết định không ai ngờ tới đó đã mang lại một bước ngoặt quan trọng trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô. 
III. Lễ duyệt binh lịch sử
Để đảm bảo bí mật, quyết định tổ chức duyệt binh chỉ được thông báo cho các quan chức chính phủ trước "giờ G" chưa đầy 1 ngày. Còn bản thân các đơn vị tham gia duyệt binh được tập luyện trước đó vài ngày, nhưng chỉ với nội dung là biểu dương về sức mạnh phòng thủ của thủ đô Moskva, chứ không phải để tham gia duyệt binh. Cơ quan khí tượng dự báo ngày 7/11 thời tiết Moskva nhiều tuyết, gió mạnh, vì vậy nên không quân Đức cũng khó có thể oanh tạc nhiều như khi thời tiết đẹp.
Ngày 6/11/1941, buổi lễ trọng thể kỷ niệm 24 năm Cách mạng tháng 10 của chính quyền thành phố Moskva được tổ chức ngay tại nhà ga tàu điện ngầm Mayakovskaya. Bàn tiệc đặt trong các toa tàu điện ngầm, ghế ngồi bố trí ngay trên hành lang chờ tàu trong nhà ga, khán đài dựng trong nhà ga, khách khứa xuống ga theo thang máy, còn thành viên chính phủ thì tới nơi tổ chức bằng một chuyến tàu khác ở đường ray bên cạnh.
Tại lễ kỷ niệm Stalin có bài phát biểu nêu những nguyên nhân khiến quân địch tạm thời chiếm ưu thế trong thời kỳ đầu chiến tranh và nhấn mạnh kẻ thù nhất định sẽ bị đánh bại. Tuy nhiên trong bài phát biểu này của Stalin không có bất cứ lời nào về cuộc duyệt binh sẽ được tổ chức vào ngày hôm sau.Bài phát biểu được phát sóng trực tiếp trên dài phát thanh và in thành truyền đơn rải ở những vùng bị quân Đức chiếm đóng. Chỉ sau khi lễ kỷ niệm kết thúc Stalin mới thông báo cho Bộ Chính trị và chính quyền Moskva về lễ duyệt binh tại Quảng trường Đỏ vào sáng hôm sau nhưng được tổ chức sớm lên 2 tiếng - vào lúc 8 giờ sáng chứ không phải 10 giờ như các năm trước.
Chỉ huy các đơn vị tham gia duyệt binh chỉ được biết lịch này vào lúc 11 giờ đêm ngày 6/11, còn khách mời và khối nhân dân lao động được thông báo về giờ tổ chức lúc 5 giờ sáng ngày mùng 7.
Trong đêm mùng 6 rạng ngày mùng 7/11 các ngôi sao điện Kremli mới được gỡ chụp bảo vệ và được thắp sáng, lăng Lê-nin được dỡ bỏ ngụy trang. Quảng trường Đỏ đón chào ngày kỷ niệm 24 năm Cách mạng tháng 10 với đầy vẻ trang trọng và hùng tráng.
Trước đó, từ ngày 5/11 các lực lượng không quân - Hải quân Xô Viết đã có nhiều đợt tấn công ngăn chặn vào các sân bay Đức. Không quân cũng điều 550 máy bay chiến đấu từ mặt trận về chi viện bảo vệ thủ đô trong ngày lễ.
Đúng 8 giờ sáng ngày 7/11/1941, Lễ duyệt binh kỷ niệm 24 năm Cách mạng Tháng Mười bắt đầu trong giá lạnh và gió tuyết. Sau lễ chào cờ trang nghiêm là bài phát biểu của Tổng Tư lệnh Stalin. Phát biểu tại Lễ duyệt binh lịch sử này, Stalin đã nói : 
" Toàn thế giới đang coi các đồng chí là lực lượng có thể tiêu diệt bè lũ xâm lược phát xít Đức. Nhân 
dân các nước bị nô dịch ở châu Âu hiện đang sống dưới ách của bọn xâm lược Đức, đang coi các đồng chí là những người giải phóng cho họ. Các đồng chí được giao phó một sứ mệnh vĩ đại, sứ mệnh giải phóng. Các đồng chí hãy tỏ ra xứng đáng với sứ mệnh ấy! .."
Sau bài phát biểu, cuộc duyệt binh lịch sử bắt đầu. Trong tiếng quân nhạc hùng tráng, khối quân kỳ hùng dũng tiến qua lễ đài. Tiếp đó là khối các đơn vị bộ binh mang theo đầy đủ trang bị và súng đạn. Sau các khối bộ binh là các đơn vị kỵ binh, pháo binh...Đi cuối cùng khóa đuôi cho cuộc duyệt binh là những chiếc xe tăng T34, T-38 và T-60. Trong đó có nhiều chiếc vừa được chuyển tới từ nhà máy còn chưa kịp sơn xe và số hiệu. Cuộc duyệt binh chỉ kéo dài 25 phút. Điều đặc biệt là sau khi rời Quảng trường Đỏ, tất cả các đơn vị tham gia duyệt binh đều đi thẳng tới chiến tuyến ở ngoại ô Moskva với một khí thế mới. Và chính tinh thần ấy đã giúp họ chặn đứng bước tiến của phát xít Đức, tạo ra một bước ngoặt quan trọng trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc.
Cuộc chiến phòng thủ và bảo vệ Moskva mang nhiều ý nghĩa quan trọng, nó đánh dấu thất bại đầu tiên của quân đội phát xít Đức. Đây là trận chiến then chốt mở đầu cho giai đoạn phản công đẩy lùi 
bước tiến của những tập đoàn quân phát xít Đức đang thống lĩnh gần hết châu Âu. Barbarossa, kế hoạch quân sự – chính trị chứa đựng những tham vọng lớn nhất của Hitler và đệ tam đế chế đã bị phá sản hoàn toàn kể từ sau lễ duyệt binh lịch sử của mùa đông năm 1941. Cuộc chiến bảo vệ thủ đô Moskva cũng đã sản sinh ra rất nhiều các nhà lãnh đạo quân sự xuất chúng như Zhukov, Konstantin Rokossovsky, Ivan Boldin, Dmitry Lelyshenko… những người đã trở thành trụ cột chính của Hồng quân Liên Xô trong suốt cuộc chiến tranh Vệ Quốc đầy máu lửa và vinh quang này.

7.11.2019
Van Ngan tổng hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét