"Trên thế gian này có ba kiểu bạn tốt có thể trợ giúp cho mình là
Người thẳng thắn, người bao dung, người hiểu biết”
- Khổng Tử -
BẠN ... BÈ
Người ta thường nói: Vẽ hổ vẽ da khó vẽ xương, biết người biết mặt nhưng không biết lòng. Thử ngọc phải đốt 3 ngày, phân biệt gỗ tốt phải chờ 7 năm.
Xưa nay, hiểu rõ một người là chuyện không hề dễ dàng. Nhưng nếu chú ý những điểm sau, thì về cơ bản ta đã có thể hiểu rõ được bản chất thực sự của một người.
Thứ nhất: Lựa chọn khi phải đối mặt với lợi ích
Khi đối mặt với lợi ích thiết thân, nhiều người sẽ phá bỏ lớp ngụy trang của mình, lúc này có thể nhìn thấy rõ nhất bản chất của một con người.
Nếu một người vì lợi ích riêng của mình mà sẵn sàng vứt bỏ lương tâm, không cần tình thân, coi thường đạo đức nghề nghiệp thì bạn có dám tin tưởng họ?
Ngược lại, nếu một người đối mặt với lợi ích mà không từ bỏ nguyên tắc của bản thân, vẫn tuân thủ đạo đức và coi trọng tình người thì đó tuyệt đối sẽ không phải là kẻ tiểu nhân chỉ biết lợi cho bản thân mình.
Thứ hai: Cách đối xử với những người có địa vị thấp hơn
Với người giỏi hơn mình không tự ti, với người kém hơn mình không kiêu ngạo, đây mới là nhân cách của những người lương thiện. Một người mà với người trên thì tâng bốc, với người dưới thì tỏ ra khinh thường thì ắt là kém tu dưỡng.
Một người có đạo đức, có giáo dục thì đối với bất kỳ ai cũng đều tôn trọng. Cho dù là giao tiếp, qua lại với người có địa vị xã hội thấp cũng không hề tỏ ra là kẻ bề trên. Càng đáng quý hơn nữa là những người vẫn có thể duy trì sự chính trực khi đối mặt với quyền lực.
Nhìn chung, người ta thường dễ nảy sinh tâm lý kẻ bề trên khi đối diện với những người kém hơn mình. Nhưng chỉ cần mở rộng tấm lòng, đồng cảm với kẻ dưới, thấu hiểu người ở trên bằng sự tôn trọng, khoan dung thì điều bạn nhận lại cũng chính là khoan dung và tôn trọng.
Thứ ba: Thái độ đối với bố mẹ
Chúng ta thường rất nhẹ nhàng, ôn nhu, lịch sự với người dưng nhưng lại dễ dàng nổi nóng với người nhà. Về mặt tâm lý học mà nói, đây cũng là điều hết sức bình thường. Nhưng người không thể bao dung ngay cả những người thân bên cạnh thì liệu đó có phải là người mà bạn đáng ngưỡng mộ?
Trong “Luận Ngữ” có ghi lại rằng khi Tử Hạ hỏi về hiếu thuận. Khổng Tử đã trả lời : “Con cái có thể giữ được nét mặt an hoà, vui vẻ là điều khó nhất. Khi có việc phải làm, người trẻ làm thay, khi có đồ ăn thức uống, người lớn tuổi ăn trước, lẽ nào như vậy chưa thể được coi là Hiếu ư?”.
Cư xử với người già, khó nhất chính là thái độ, quan trọng nhất chính là hiếu đức, tiền bạc tuyệt nhiên không phải là ưu tiên hàng đầu. Đừng tức giận với cha mẹ một cách vô cớ, hãy để những ngày tháng tuổi già của họ trôi đi trong niềm hạnh phúc.
Đối với những người thân xung quanh, nói chuyện đừng giận dữ, không kiêu ngạo, không thờ ơ, có lịch sự và lễ phép. Làm được điều này ấy đều là những người có gia giáo, có trách nhiệm và luôn biết nghĩ cho người khác.
Thứ tư: Khi đối mặt với lời hứa
Khi đối mặt với lời hứa là lúc người ta để lộ nhân phẩm và đức tính của mình. Một người không bao giờ vi phạm lời hứa của mình là một người thực sự đáng tin cậy.
Một người luôn thất hứa, nói xong để đó, đánh trống bỏ dùi chính là người không có chính kiến, lập trường và tất nhiên rất dễ thay lòng đổi dạ. Người không trung thực, không giữ lời hứa chẳng khác nào như chiếc xe không có bánh, mãi chẳng thể tiến xa. Chữ tín là phẩm chất đạo đức cơ bản của con người.
Kết giao với những người xung quanh, điều đáng ngại nhất là kết giao nhầm người, bởi bạn bè thế nào có thể sẽ ảnh hưởng đến cả đời chúng ta thế đó. Nhiều khi nếu không gặp phải việc hệ trọng ở đời, chúng ta quả thực rất khó nhận ra nhân phẩm của người khác cao thấp thế nào. Để đánh giá khái quát nhân phẩm của một người, nhất định cần phải xem cách người đó đối xử với bố mẹ, người nhà và bạn bè ra sao. Có thể nói 3 chữ dưới đây cũng là một cơ sở đáng tin cậy giúp chúng ta lựa chọn đúng người để giao thiệp.
Thứ nhất: Chữ hiếu
Nếu như một người đến cả bố mẹ sinh ra mình mà không hiếu thuận thì nhân phẩm của anh ta tuyệt đối có vấn đề. Vì thế, trước khi kết giao, đầu tiên hãy quan sát xem người mình muốn làm bạn có hiếu kinh cha mẹ hay không.
Nếu anh ta chỉ dành cho bố mẹ những lời nói cộc cằn thô thiển và ác ý, vô trách nhiệm thì cho dù anh ta có tử tế với bạn bao nhiêu thì hành động đó cũng khó có thể là thật.
Người như vậy muốn kết giao, lấy lòng bạn có thể là bởi vì vị thế quyền lực trong tay bạn, vì tiền trong túi của bạn hoặc vì một ý đồ nào đó. Một khi trên người bạn không còn bất cứ giá trị nào mà anh ta cần, bạn sẽ bị ruồng bỏ không thương tiếc.
Thứ hai: Chữ yêu
Có lẽ người bình thường chúng ta sẽ khó để có thể làm được một việc cao thượng đó là yêu thương vạn vật nhưng ít nhất chúng ta nên yêu thương những người trong gia đình mình.
Thế nhưng có rất nhiều người ích kỷ chỉ biết yêu thương bản thân, ngay cả những người thân thiết nhất cũng chẳng màng tới.
Người như thế chắc chắn sẽ khó có thể dành tình yêu vô tư cho bạn. Một người ngày nào cũng đánh đập chửi rủa vợ sẽ không phải là một người có trách nhiệm, càng không phải là một người bạn có thể dốc lòng dốc sức vì bạn.
Thứ ba: Chữ nghĩa
Giữa bạn bè với nhau, yếu tố chúng ta cần nhắc đến đầu tiên chính là nghĩa khí. Có một câu nói rất hay như thế này: " Muốn nhận biết một người có đáng kết giao hay không, cứ nhìn bạn bè xung quanh anh ta là biết "
Câu nói này rất có lý. Con vật quy tụ với nhau theo loài, con người chơi với nhau theo nhóm. Với mỗi người, ngày ngày kết giao với kiểu người như thế nào thì bản chất của anh ta rồi cũng sẽ là như vậy.
Yếu tố thứ hai, làm người chúng ta phải có tinh thần chính nghĩa.
Hằng ngày, chúng ta đều gặp phải rất nhiều việc, nghe được rât nhiều tin tức, hãy xem thái độ của anh ta với những sự vật hiện tượng gặp phải mỗi ngày sẽ biết giới hạn đạo đức của anh ta đến đâu.
Nếu như ngay cả thị phi đúng sai mà người bạn định kết giao cũng không phân biệt được, hãy thận trọng.
Cổ nhân nói: " Tương giao vì chữ lợi, hết lợi tắc tán; tương giao vì chữ thế, thế mất tắc khuynh, tương giao vì chữ quyền, quyền mất tắc khí (từ bỏ, vứt bỏ); tương giao vì chữ tình, tình mất người tổn thương "
Một người không hiếu thuận với cha mẹ nhưng lại hiếu kính với bạn vốn là lãnh đạo của anh ta, cho đến khi bạn không còn quyền hành trong tay, dám chắc anh ta sẽ giẫm đạp lên bạn mạnh hơn bất cứ ai;
Anh ta có thể vứt bỏ vợ con để nói những lời mật ngọt với bạn, nhưng một khi bạn già nua kém sắc, dám chắc anh ta sẽ đối xử với bạn chẳng khác nào đối xử với vợ con anh ta trước kia.
Phán đoán nhân phẩm của một người, nhất định phải xem anh ta đối xử với bố mẹ, vợ con, người thân và bạn bè ra sao.
Trước mặt bố mẹ là con ngoan, trước mặt người nhà là anh em tốt, vợ chồng tốt, trước mặt bạn bè là anh chị em tốt, phẩm chất của một người như vậy nhìn thoáng qua đã có thể biết là không xấu.
Còn một khi ai đó không làm được 1 trong 3 chữ trên, bạn hãy thận trọng khi kết giao. Cho dù họ có tốt với bạn đến đâu cũng rất có thể họ đang có dụng ý gì đó.
Người như thế, tốt nhất vẫn nên giữ khoảng cách.
Thầy Khổng Tử cũng từng nói, có 3 kiểu bằng hữu có ích: hữu trực (người bạn thẳng thắn, chính trực), hữu lượng (người bạn thành tín, bao dung) và hữu đa văn (người bạn hiểu biết sâu rộng). Trên đời, may mắn lớn nhất chính là kết giao được với những người bạn ngay thẳng chính trực, giữ được lòng thành tín và có hiểu biết sâu rộng.
Vật hợp theo loài, nếu cứ mãi giao du cùng những người chán nản, tiêu trầm, không chí tiến thủ thì có lẽ bạn cũng không có đủ nghị lực vươn lên. Tiếp xúc với người khoe khoang, khoác lác, bạn sẽ trở thành kiểu người không thực tế. Còn khi bạn thân đều là những người khí lực tràn trề, hăng hái, tự tin, bạn cũng sẽ có thể trở thành một con người mạnh mẽ. Chẳng phải người xưa hay nói: “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng” đó sao?
Thứ nhất: Người ngay thẳng
Người bạn ngay thẳng giống như một tấm gương, Vua Đường Thái Tông từng nói: “Lấy người làm gương, có thể hiểu rõ được mất”. Người ngoài cuộc bao giờ cũng sáng suốt, họ nhìn được toàn diện và có thể thấy được chỗ thiếu sót của bạn. Nhưng thường chỉ có những người bạn ngay thẳng, trung tín mới không ngại chê trách mà chỉ rõ sai lầm của bạn. Bởi đơn giản họ thà gánh lấy rắc rối còn hơn là nhìn bạn vướng vào rắc rối ấy. Có câu “Thuốc đắng giã tật, lời thật mất lòng”. Lời nói ngay thẳng có lẽ sẽ khiến bạn không vui, khiến tai bạn không bùi nhưng có thể cứu thoát bạn khỏi sai lầm, vận hạn. Một đấng minh quân ắt phải có trung thần phò tá. Làm người cần phải kết giao được với bạn bè ngay thẳng. Chính những lời nói thật không ngại ngùng của họ sẽ đánh bóng bạn, khiến bạn trở nên hoàn mĩ hơn.
Thứ hai: Người thành tín
Quan niệm kết bạn của nhiều người rất kỳ lạ, chỉ quan tâm làm sao ý hợp tâm đầu mà không đoái hoài gì đến sự thành tín, bao dung. Khi bè bạn của họ có hành vi không thành thật với người khác, họ lại tự ru mình bằng những ý nghĩ như: “Dù sao bạn ấy cũng chưa từng dối nạt mình”, “Bạn ấy nhất định sẽ không dối gạt mình đâu”. Họ quên rằng nếu hôm nay bạn bè họ thất tín với người khác thì ngày mai nạn nhân rất có thể là chính họ. Sách “Luận ngữ” viết: “Nhân nhi vô tín, bất tri kì khả dã. Đại xa vô khẩu, tiểu xa vô khẩu, kì hà dĩ hành chi tai?”, ý là người mà không có lòng thành tín thì cũng giống như cỗ xe lớn không có chốt nối giữa càng xe và bánh xe, làm sao có thể chạy được.
Người xưa vốn rất coi trọng việc kết giao với những người bạn thành tín, bao dung. Tìm được một người bạn biết giữ chữ tín, có lòng bao dung phải chăng chính là điều tuyệt vời
Thứ ba: Người hiểu biết sâu rộng
Có câu danh ngôn rằng: “Tự học mà không có bạn, thì ngu dốt mà lại hiểu biết nông cạn”. Một người bạn hiểu biết sâu rộng, uyên bác thực sự có thể mang đến cho chúng ta những chân trời mới. Họ có cách tư duy khác biệt, biết truyền cảm hứng, có khả năng phán đoán và sự tinh tế. Đó thực là “quân sư” thông thái của chúng ta, chỉ nói vài câu là đã điểm trúng nhiều yếu huyệt, có thể giúp ta giải quyết đầy rẫy khó khăn, bế tắc. Họ không chỉ là một người bạn tốt, mà đúng hơn là một người thầy uyên bác và trí tuệ. Nhưng uyên bác không phải là điều kiện quan trọng nhất. Người đó còn phải thật thà và ngay thẳng. Một người học rộng, có thể hiểu thấu bạn nhưng lại không ngay thẳng thì trái lại chỉ có thể gây hại cho bạn mà thôi.
Trong Kinh Trường Bộ (Digha Nikaya), Đức Phật cũng khuyên chúng ta nên biết phân biệt đâu là một người bạn tốt thực sự, và đâu là những kẻ giả nhân giả nghĩa núp dưới danh nghĩa bạn bè để không rơi vào những rắc rối hoặc tự làm hại mình.
Theo Đức Phật, có 4 kiểu bạn mà chúng ta nên kết giao, đó là:
Thứ nhất, người luôn sẵn lòng giúp đỡ bạn không vụ lợi.
Thứ 2, người không bị hoàn cảnh thay đổi, trước sau như một, dù nghèo khổ hay giàu có thì vẫn không thay lòng đổi dạ, không khinh thường bạn bè.
Thứ 3, người luôn đưa ra những lời khuyên tốt cho bạn, không ngại nói thẳng, nói thật dù có thể sẽ làm mất lòng bạn.
Thứ 4, người biết cảm thông với những khó khăn của bạn, biết giữ bí mật của bạn, không đi nói xấu bạn, vui mừng trước những thành tựu của bạn, không so đo, ghen tị hay đố kị với bạn, đem bí mật của bạn đi nói cho những người khác.
Trong khi đó, cũng có 4 kiểu người nguy hiểm, thường giả danh tình bạn để lợi dụng người khác mà chúng ta cần tránh kết giao, hoặc nếu buộc phải giao thiệp thì cần phải hết sức thận trọng, cảnh giác.
Thứ nhất, đó là những kẻ tham lam, chỉ muốn phần lợi thuộc về mình, phần thiệt cho kẻ khác.
Thứ 2, những kẻ luôn nói những lời đãi bôi, ngon ngọt dễ nghe để lấy lòng bạn, chẳng bao giờ bày tỏ suy nghĩ thực sự của mình.
Thứ 3, những kẻ trước mặt thì tâng bốc bạn, nhưng sau lưng thì lại ghen tị, nói xấu, gièm pha bạn.
Thứ 4, những kẻ khiến bạn tiêu tán gia sản, chỉ thích rủ rê, lôi kéo và dẫn dụ bạn sa đà vào những tệ nạn xã hội như cờ bạc, rượu chè, bỏ bê gia đình, con cái.
Kết giao với những kẻ như vậy thì rồi sớm hay muộn ta cũng sẽ phải gánh nhận những hậu quả tồi tệ.
Tổng hợp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét