Thứ Ba, 18 tháng 6, 2019

Thỉnh nguyện của dân tộc An Nam


THỈNH NGUYỆN CỦA DÂN TỘC AN NAM
Cách đây đúng 100 năm, tại Hội nghị Quốc tế vì hoà bình họp ở  Versailles vào ngày 18/6/1919, bản " Yêu Sách của nhân dân An Nam " đã được Nguyễn Tất Thành gửi đến hội nghị dưới cái tên
Nguyễn Ái Quốc. Đây là tên chung của nhóm Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Thế Truyền, Phan Văn Trường và Phan Châu Trinh. Họ thay mặt cho " Hội những người yêu nước Việt Nam tại Pháp " do Phan Châu Trinh và Phan Văn Trường thành lập. Đây là lần đầu tiên xuất hiện tên gọi Nguyễn Ái Quốc trên chính trường thế giới, và sau đó Nguyễn Tất Thành đã sử dụng thành tên riêng của mình khi hoạt động cách mạng. Cùng ngày, bản yêu sách tám điểm bằng tiếng Pháp này đã được đăng toàn văn trên báo L' Humanité và được phân phát trên đường phố Paris. Sạu đó, Nguyễn Tất Thành đã dịch ra tiếng Hán với nhan đề " An Nam nhân dân thỉnh nguyện thư " và tiếng Việt theo thể thơ lục bát chuyển về phổ biến rộng rãi với đồng bào trong nước dưới nhan đề “Việt Nam yêu cầu ca”.
Bản Yêu sách gồm tám điểm tóm tắt như sau:
1. Tổng ân xá cho tất cả những người bản xứ bị án tù chính trị;
2. Cải cách nền pháp lý ở Đông Dương bằng cách cho người bản xứ cũng được quyền hưởng những đảm bảo về mặt pháp luật như người Âu châu; xoá bỏ hoàn toàn các toà án đặc biệt dùng làm công cụ để khủng bố và áp bức bộ phận trung thực nhất trong nhân dân An Nam;
3. Tự do báo chí và tự do ngôn luận;
4. Tự do lập hội và hội họp;
5. Tự do cư trú ở nước ngoài và tự do xuất dương;
6. Tự do học tập, thành lập các trường kỹ thuật và chuyên nghiệp ở tất cả các tỉnh cho người bản xứ;
7. Thay chế độ ra các sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật;
8. Đoàn đại biểu thường trực của người bản xứ, do người bản xứ bầu ra, tại Nghị viện Pháp để giúp cho Nghị viện biết được những nguyện vọng của người bản xứ.

Toàn văn Bản yêu sách:

Thỉnh nguyện của dân tộc An Nam
( Revendications du Peuple Annamite )
Thụy Khuê dịch

Từ khi Đồng Minh thắng trận, các cường quốc long trọng cam kết rõ ràng trước thế giới quyết tâm tranh đấu, lấy Văn Minh chống lại Hung Tàn; tất cả những dân tộc bị áp bức đều nôn nao hy vọng, trước viễn ảnh, sẽ được sống trong công bằng và luật pháp.
Trong khi chờ đợi nguyên tắc dân tộc tự quyết, từ lý tưởng sang thực hành, bằng sự nhìn nhận thực sự quyền thiêng của mỗi dân tộc, tự định đoạt lấy số phận mình; Chúng tôi, Thần dân của Đế quốc An Nam ngày trước, nay là Đông Dương Pháp, trình bày với Cao Quyền Đồng Minh nói chung và Kính Quyền Pháp nói riêng, những thỉnh nguyện khiêm tốn sau đây:
1- Đại xá tất cả tù binh chính trị bản xứ.
2- Cải tổ luật pháp Đông dương, bằng cách bảo đảm cho người dân bản xứ, những điều kiện về luật pháp như người Âu châu. Bỏ hẳn các toà án đặc biệt là công cụ khủng bố và đàn áp thành phần lương thiện nhất của dân tộc An Nam.
3- Tự do báo chí và tư tưởng.
4- Tự do lập hội và hội họp.
5-Tự do di dân và du lịch ra nước ngoài.
6- Tự do giáo dục và xây dựng những trường kỹ thuật và thực nghiệp tại các tỉnh cho người bản xứ.
7- Thay thế Chế độ pháp lý.
8- Có phái đoàn đại diện thường trực dân biểu bản xứ tại Nghị viện Pháp để thông báo những nguyện vọng của người dân bản xứ.
Dân tộc An Nam, qua những thỉnh nguyện trên đây, tin tưởng ở công pháp quốc tế của các cường quốc và đặc biệt trông cậy vào lòng thành của dân tộc Pháp cao quý, đang cầm vận mệnh của chúng tôi trong tay; nước Pháp là một nước Cộng hoà, cầm bằng như đã bảo hộ chúng tôi. Khi thỉnh cầu sự bảo trợ của Dân tộc Pháp, Dân tộc An Nam, không hề tự hạ mình, mà ngược lại còn lấy làm vinh hạnh, vì họ biết Dân tộc Pháp biểu hiện tự do và công bằng, không bao giờ từ khước lý tưởng cao cả: Tứ hải giai huynh đệ. Vì vậy, khi đáp ứng tiếng kêu của người bị áp bức, Dân tộc Pháp không những làm tròn bổn phận đối với nước Pháp mà còn đối với cả Nhân loại.

Thay mặt nhóm An Nam Yêu Nước - Nguyễn Ái Quốc.





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét