Thứ Hai, 10 tháng 9, 2018

Những hiểu lầm về đạo Phật

 " Như nước biển chỉ có một vị là mặn
Giáo pháp của Như Lai chỉ có một vị, đó là vị giải thoát "
- Lời Đức Phật -


NHỮNG HIỂU LẦM VỀ ĐẠO PHẬT
Phật Giáo chúng ta trải qua 2600 năm nay, đi qua nhiều phương sở, tất cả chư Tăng thời Phật đều dùng trí nhớ để đi giảng nói, gần 500 năm sau mới được chép trên lá buông; vậy nên lời Phật dạy thuở xưa chỉ còn là khái niệm, chữ nghĩa, chưa chắc đã trung thực; chưa chắc đã đúng như nguyên ngôn nguyên thuỷ của ngài. Không những thế, khi Phật Giáo truyền qua Trung Quốc đi qua miền Tây Bắc Ấn Độ như Pakistan, Afganistan, Uzbekistan…ven theo dưới chân Hymalaya qua 36 nước Tây Vực sau đó mới đến Đôn Hoàng. Từ đây, nó tản mác qua Mãn Châu, Tây Tạng, Mông Cổ, Nhật Bổn, Triều Tiên, Trung Quốc…vậy thì có chắc rằng ngôn ngữ từ Thiên Trúc qua những phương sở xa xôi như vậy còn giữ được nguyên trạng hay không? Một vị sư từ Thiên Trúc khi qua Trung Quốc truyền giáo thì tương đối có ngôn ngữ khá chân xác, nhựng nếu một vị sư ở trong 36 nước Tây Vực thì sai khác nhiều lắm, từ âm vận đọc cho đến ngữ nghĩa đều lệch lạc, chưa kể đến những đặc thù văn hóa, địa lý, thổ nhưỡng riêng của từng vùng miền… lấy âm vận, ngữ nghĩa sai lệch đó rồi dịch qua tiếng Trung Quốc thì càng thêm sai lệch. Trong một bài nghiên cứu, thầy Tuệ Sĩ có dẫn ra hàng trăm cái sai đó. Do vậy, thầy có nói rằng: “Người học Phật, học Đại Tạng Kinh mà không có truy nguyên để so sánh với Sanskrit thì coi chừng lọt vào Phật Giáo Trung Quốc ngon ơ!”
Nói dài như vậy để thấy gì, tại sao lại có những hiểu lầm về đạo Phật đáng tiếc như vậy. Vì trải qua thời gian quá lâu xa, qua quá nhiều quốc độ, quá nhiều tư kiến, quá nhiều tông phái, vô tình (hoặc cố ý) phủ lên bao nhiêu lớp khói sương ngôn ngữ, khói sương nhận thức đã che mất đi cái thực. Tâm nguyện của tôi là muốn vén vẹt những lớp khói mù ấy để cùng nhau tìm về với cái chân, cái thực của đạo Phật. Tôi không hề muốn chỉ trích ai, có chăng là chỉ trích một số những hiểu lầm, những sai lầm lác đác đó đây ngay chính trong những người học Phật và tu Phật.
" Sư tử trùng thực sư tử nhục – Chỉ có vi trùng của sư tử mới ăn thịt được sư tử "
Cũng vậy, đạo Phật bị tàn hoại, bị tha hoá, có thể đi đến diệt vong cũng bởi những người tu Phật. Không ai dám nhìn thẳng vào mặt mình, không ai dám nói, không ai dám đối diện với những lỗi lầm của mình, mà luôn tìm cách biện minh, bảo vệ cách này hay cách khác. Sự thực, tất cả những hiểu lầm trầm trọng đó biến đạo Phật thành một tôn giáo có thần linh, có thượng đế, người ta hiểu lầm tại sao lại có “vía”, “hồn”, “linh”… và rất nhiều điều khác nữa.
Ngay chính trong Phật Giáo, giới tu sĩ và cư sĩ cũng do không nắm rõ giáo pháp của đức Phật để phân biệt đâu là phương tiện, đâu là cứu cánh. Đôi khi lấy phương tiện che mờ cứu cánh, không còn biết cứu cánh ở đâu nữa mà toàn thấy phương tiện, phương tiện không thôi. Sư Ông Làng Mai - Thích Nhất Hạnh có câu nói thế này: “There is no way to happiness, happiness is the way” tạm dịch là “không có con đường đi đến hạnh phúc, mà hạnh phúc chính là con đường”. Chúng ta thường nói phương tiện và cứu cánh, bày ra đủ loại phương tiện để đạt cứu cánh, cho đến lúc phương tiện che lấp cứu cánh; nếu có phương tiện là con đường đi đến cứu cánh, thì người ta đi mãi đi hoài một con đường, mong chờ hạnh phúc nơi cứu cánh, nhưng không biết rằng hạnh phúc chính là con đường tại đây và bây giờ.
Tất cả những điểm mà tôi gọi là hiểu lầm đó, đến lúc này, hơn ai hết, là người tu Phật, chúng ta phải trung thực, phải dũng cảm để gỡ bỏ từng lớp tường rào khái niệm ngăn cách, phải gạn lọc hết những mờ ảo khói sương bên ngoài Phật Giáo đã phủ bụi theo năm tháng, trả lại cho đạo Phật – con đường giải thoát – cái gì như chân, như thực để chúng ta cùng nhau tu tập. Nhưng mà làm thế nào? Tôi sẽ từ từ mở ra từng nút thắt một, chúng ta cùng phân tích, suy ngẫm xem thử đây có phải là những hiểu lầm mà khi nhìn vào Phật giáo, người ta đánh giá, chỉ trích hay không? Chúng ta là Phật tử, đôi khi có rất nhiều người chưa hiểu rõ “đạo Phật” và “Phật giáo” khác nhau thế nào. Đạo Phật là con đường giác ngộ. Phật giáo là những ngôn giáo của đức Phật. Vậy thì nó khác nhau hoàn toàn. Ngôn giáo của đức Phật là phương tiện, còn con đường giác ngộ mới là cứu cánh. Đạo Phật là đạo giác ngộ. Vậy nên, những điều tôi trình bày sau đây không ngoài mục đích trả lại sự trong sáng cho đạo Phật, con đường giải thoát như chơn, như thực, để không còn những hiểu lầm đáng tiếc như vậy nữa trong tương lai.
1- Tôn giáo
Tôn giáo (réligion) là sản phẩm của Tây phương để chỉ những tôn giáo hữu thần như Ki-tô giáo, Hồi giáo, Bà-la-môn giáo. Tôn giáo, theo định nghĩa của Tây phương thì nó phải hội đủ 3 yếu tố: 01 vị thượng đế, thần linh; 01 hệ thống tư tưởng và 01 hình thức tổ chức với cơ cấu nhân sự, lễ nghi, cúng bái, cầu nguyện tha lực.
Các tổ chức tín ngưỡng trên toàn cầu đều gồm đủ 3 yếu tố ấy nên được gọi là Tôn Giáo. Riêng đạo Phật thì không có yếu tố thứ nhất, không có một thượng đế, thần linh nào cả. Có yếu tố thứ hai, tức là một hệ thống tư tưởng, giáo pháp (Tam Tạng Kinh) thì rất phong phú. Riêng yếu tố thứ ba, thì có nhưng được xem nhẹ. Tịnh Độ tông thì đậm đặc yếu tố thứ ba. Thiền tông thì hoàn toàn ngược lại với Tịnh Độ là không có tha lực, cầu nguyện, chỉ chú trọng tự lực, tự giác.
Yếu tố thứ hai tức là “một hệ thống tư tưởng” cũng phải nên bàn lại. Có nhiều học giả sính cái mác Tây học, sợ rằng đạo Phật không có triết lý – nên “hệ thống tư tưởng Phật học” họ gọi là triết lý của đạo Phật. Xin thưa ngay rằng, tất cả cái gọi là triết lý, triết luận, triết học đều là sản phẩm của Tây phương duy lý, là sự chia chẻ, phân tích các ý niệm trừu tượng thiên về luận suy, luận tri, luận thức, phán đoán “thực tại” chứ chưa bao giờ là “thực tại”. Đông phương, nhất là Phật giáo với trọn bộ Tam Tạng thánh điển, đức Phật do tuệ giác thâm sâu, cao viễn nhưng thiết thực, ngài chứng nghiệm như thế nào thì ngài nói ra như thế ấy; nói ra, “như thị thuyết”, “như thực thuyết”. Nếu sử dụng từ triết lý thì chỉ đúng ở lãnh vực triết luận của chư tổ trong các luận thuyết của các ngài thời hậu tác mà thôi.
Từ xưa đến nay, hầu như trên thế giới này toàn là Tôn Giáo vì đều tôn thờ thần linh, thượng đế hoặc một vị sáng tạo chủ nào đó. Còn đạo Phật, đức Phật đâu phải là vị thần linh, thượng đế nào? Hơn ai hết, mình là tu sĩ, là cư sĩ thì đừng gọi mình là tôn giáo, người khác nhìn vào cứ tưởng đạo Phật của chúng ta có một đấng thượng đế siêu hình, siêu huyền, siêu nhiên nào đó để mà cầu xin, van vái…thì “nguy to”!
2- Tín ngưỡng
Đạo Phật có tín ngưỡng, có sinh hoạt tín ngưỡng nhưng mà không coi tín ngưỡng là mục đích để mọi người cúng kiếng, thờ phượng, van vái, cầu xin bởi những ước mơ dung tục, dung phàm của đời thường. Những người tu sĩ hay cư sĩ cũng đảnh lễ, chiêm bái, tôn kính đức Phật, đức Pháp, đức Tăng với tâm thành kính vô biên để tri ân Tam Bảo, và noi theo Tam Bảo để tu tập. Như vậy, đạo Phật có hình thức tín ngưỡng nhưng hoàn toàn khác với những tín ngưỡng của những tôn giáo nhất thần, đa thần hoặc cầu lạy van xin gốc đa, ông táo như của thế gian.
Đức Phật nói thế này: “Như biển chỉ có một vị mặn, giáo pháp của Như Lai chỉ có một vị, đó là vị giải thoát”. Hãy để ý rằng, tất cả mọi lăng xăng phương tiện hoằng pháp của chúng ta, nhìn thì có vẻ rất phong phú, đa dạng, hầu như đáp ứng đầy đủ mọi nhu cầu tâm linh cho đông đảo cư sĩ phật tử; nhưng nếu không chú trọng đến sự khổ và sự diệt khổ thì có lợi ích thật sự không, hay chỉ giống như tất cả mọi sinh hoạt thế tục? Vậy thì nơi nào trọng, nơi nào khinh, nơi nào cốt lõi, nơi nào tùy nghi phương tiện, nơi nào cứu cánh giác ngộ giải thoát, chắc quý vị đều đã hiểu cả rồi.
3- Triết lý, triết học
Đến chỗ này thì vẻ cao siêu rồi, đó là vấn đề triết học. Mấy ông sư, ông thầy đi học tiến sĩ về, ông nào cũng lăng xăng mình là tiến sĩ triết học, tưởng là ghê gớm lắm, viết quyển sách nói về triết học của đạo Phật, tôi nghe mà đau đầu lắm, hoá ra họ chẳng hiểu Phật là gì cả. Theo Hán ngữ, chữ “triết” bao gồm bộ thủ (cái tay), bộ cân (cái rìu) và bộ khẩu (cái miệng). Triết là tay cầm cái búa để mà “chia” rồi “chẻ”, “phán” rồi “đoán” thực tại cho manh cho mún, cho chi ly, vụn vặt ra… Cái đó là dùng cho triết học Tây Phương thôi, nó khác với đạo Phật là như thực thuyết, như thị thuyết. Cho nên, tất cả mọi triết gia Tây Phương đều đi vào ngõ cụt khi va đụng đến giáo pháp giác ngộ của đức Phật. Tư tưởng của họ chỉ nằm trên bình diện những cái “duy” như: Duy lý, duy thực, duy tâm, duy vật, duy sự, duy nghiệm… Những cái “duy” này đối với đạo Phật như năm người mù sờ voi. Anh “duy” nào cũng đúng cả, nhưng là cái đúng phiến diện, chủ quan, cho con voi là cái chân, cái bụng, cái lưng, cái ngà, cái đuôi, cái vòi, cái tai, con mắt… Mỗi người đều đúng nhưng sai là do chấp vào cái nhìn cục bộ của mình, thực ra con voi là tất cả những phần ấy không thể thiếu phần nào. Nên những cái “duy” ấy rõ ràng nó chia cắt thực tại, chia chẻ thực tại thành 5 thành 7… Bây giờ nghĩ rằng mình là thời thượng, đọc lên triết lý của đạo Phật nghe oai lắm nhưng mà sai trật cả. Đạo Phật là đạo như chơn như thực, đức Phật không có triết, không có triết lý, triết học, không có dùng tư duy lý tính để suy nghĩ, phê phán, phân tích, biện giải.
Tư duy lý tính là gì? Có phải tuệ giác không? Không phải. Do nhờ tuệ giác, đức Phật mới thấy cái gì cũng như chơn như thực, rồi ngài trình bày điều đó theo sự thấy biết, ngài có chia chẻ, phán đoán thực tại đâu mà gọi là “triết”. Thiền sư Viên Minh có ví von một câu rất hay “triết học là một hệ thống ngôn ngữ với những khái niệm rối rắm, phức tạp chỉ để nói về những điều dị giản, dung thường”.
4- Triết luận
Triết học là các học phái, học thuyết Tây phương như trên đã dẫn lược, còn đây là triết và luận, nó có khác nhau đấy.
Đạo Phật có tuệ giác để thấy rõ Cái Thực chứ không sử dụng lý trí phân tích, lý luận. Còn triết, còn luận là vì chưa thấy rõ Cái Thực. Đạo Phật là đạo như chơn, như thực. Kinh giáo của đức Phật luôn đi từ cái thực cụ thể để hướng dẫn mọi người tu tập, nó không có triết, không có luận đâu. Ngay “thiền” mà còn “luận” (thiền luận) là đã đánh mất thiền rồi.
Cho nên, chính người học Phật mà hiểu lầm về đạo Phật là do không có trình độ nhận thức, kể cả trình độ học thuật và trình độ tu chứng. Nếu có tu chứng thì sẽ biết rõ, thấy rõ đạo Phật không phải triết, không phải luận mà nó đơn giản lắm kìa! Tôi có viết một cuốn sách về ngài Acharn Mun (thầy của Ngài Ajahn Chah) đệ tử của ngài Acharn Sao. Khi ngài Acharn Mun hỏi thầy mình “xin thầy hướng dẫn cho con tu tập”. Ngài Acharn Sao mới trả lời rằng “làm sao ta hướng dẫn cho ông tu tập được, tâm ông khi thì nhảy lên trời, khi thì chui xuống đất, khi thì bơi ra biển, ta biết tâm ông ở đâu mà hướng dẫn”. Vì ngài Acharm Mun không biết chữ để tìm đọc kinh sách mà chỉ mày mò tự tu tập thôi, sau này, ngài Acharn Sao nói thêm “cái tâm ông nhảy bậy nhảy bạ thì cứ coi cái tâm đó mà tu, nó ở đâu, làm gì ông phải biết rõ như thế”. Rứa là ngài quay về tâm mình để tu tập, nghe nói ngài ấy là vị A-la-hán cuối cùng trên trái đất này. Ngài không biết chữ, không biết triết, biết luận gì cả, ngài từ Cái Thực của tâm mình mà tu tập thôi.
Nói cô đọng cho dễ hiểu thế này, tâm ta có khi tham, khi sân, khi bực bội, khó chịu, lao xao…thì hãy cứ nghe chính những trạng thái đó mà hiện quán. Nghĩa là tu theo Cái Thực, nghe theo Cái Thực, cái đang xảy ra hiện tiền ngay thời khắc đó. Dưới cội Bồ-đề, đức Phật cũng trở về nội tâm, nội quán tâm, lắng nghe cái tâm thực như vậy để thấy rõ duyên khởi như vậy, ngũ uẩn như vậy rồi ngài mới chứng ngộ được.
Hiện nay, trong kinh điển, sách vở đâu đó vẫn hiện tồn một công thức nói về sự tu tập thế này: Giáo>Lý>Hành>Quả. “Giáo” là chư kinh, chư giáo. “Lý” là tìm lý nghĩa trong kinh giáo. “Hành” là thực hành, là sự tu tập. “Quả” là thành tựu Đạo, Quả. Xin thưa! Điều này là bất khả! Kinh nào, giáo nào (biết kinh nào đúng, biết giáo nào đúng?) đưa ra công thức tu tập để đắc Đạo, đắc Quả như vậy thì có lẽ rằng thế gian này có triệu triệu bậc Thánh A-la-hán rồi. Tôi muốn chúng ta đi ngược lại lộ trình để tu tập, đi từ Cái Thực đi ra, khi“tham thấy tham, sân thấy sân; khi“tâm bất an tuệ tri tâm bất an”; tất cả phải được minh sát và lắng nghe trọn vẹn như thực hết, từ đó mới nói ra cái “lý” để mọi người cùng tu tập. Đừng đi theo công thức Giáo>Lý>Hành>Quả định sẵn ấy; công thức này hoàn toàn do các nhà triết học, các nhà nghiên cứu ở trên bàn giấy “phịa ra” chứ không phải của các hành giả. Trình tự đó rất hợp lý qua đầu óc tư duy chứ không phải qua sự tu chứng của hành giả.
Tóm lại, đạo Phật, con đường giác ngộ, là đạo như chơn như thực, trở về với cái thực chứ không phải triết học, càng không phải triết luận. Khi còn tranh luận, tranh cãi, khi còn luận thức, luận tri nghĩa là chưa thấy Cái Thực, họ đang mơ hồ về Cái Thực. Chỗ này tôi có đụng chạm đến học giả D.T Suzuki trong tác phẩm Thiền luận rất nổi tiếng của ông. Tác phẩm ấy rất uyên áo, thậm mật, rất bổ ích cho nhận thức luận, có thể“ Nắm bắt thực tại bằng bàn tay trần trụi mà không mang găng tay!” Có nghĩa là muốn nắm bắt thực tại thì phải trống không tất cả mọi khái niệm, rỗng không tất cả mọi tư duy; càng khái niệm bao nhiêu thì càng chất chồng lên cái thực bấy nhiêu. Hãy dè chừng một điều, những ý tưởng thâm trầm, hay ho, những luận giải uyên thâm, bác học ấy thì chỉ như ngôn ngữ của người ngọng: “Ú ớ…u ơ” ở bên này mép rìa của thực tại mà thôi. Nhà học giả Suzuki đã có tâm huyết và tấm lòng ban tặng cho lý trí Tây phương những món ăn ngon béo bổ, nhưng đã giết chết mầm giống tâm linh trực giác của thiền! Vì rằng đã “thiền” thì không có “luận”, đã “luận” thì mất “thiền”. D.T Suzuki chưa thấy Cái Thực, chưa thấy thiền, ông ta chỉ “luận” về thiền thôi! Còn nếu khi thấy Cái Thực rồi thì ông không dám luận nữa đâu, mặc dù ông nói rất hay, rất ấn tượng.
Phật Giáo chúng ta, từ thời Phật đến bây giờ, không biết là đã chồng chất bao lớp khái niệm, sương khói mờ ảo trùm phủ lên Cái Thực? Nó cao dày như núi rồi, không bao giờ đẩy đi ngọn núi chập chùng khái niệm ấy nên không trở về Cái Thực được. Ví dụ: Trước mắt chúng ta là cái nắp ấm trà, đó là Cái Thực ai cũng thấy, ai cũng biết. Khi quý vị đều thấy “cái nắp ấm trà” rồi thì không ai tranh luận, triết luận với nhau về cái nắp nữa, đúng không. Cũng tương tự thế, cách đây 2600 năm, đức Phật nói về Niết-bàn là nói về Cái Thực. 500 năm sau kể từ khi ngài nhập diệt, từ “Niết-bàn” được ghi vào kinh điển, rồi thì một triệu người, một tỷ người đọc kinh điển đều giải mã từ “Niết-bàn” đó theo hiểu biết của mình, theo tư kiến của mình, sở tri của mình mà không đụng gì đến Cái Thực như đức Phật xưa kia đã nói. Và như vậy, ai cũng bình luận, triết luận về “Niết-bàn”; và có vẻ ai cũng bảo là mình đúng cả! Xin thưa, đó là vực thẳm của khái niệm chồng chất khái niệm! Một ngàn người thì giải mã một ngàn kiểu khác nhau! Bi kịch “hoành tráng” của các tông hệ phái hiện nay trên thế giới là như vậy! Ai cũng cho mình là đúng, nhưng mà cái đúng của năm người mù sờ voi! Nó phiến diện, chủ quan, không đúng thực tại của toàn bộ con voi. Rồi thì các tông phái còn tranh cãi, tranh luận, triết luận hơn thua với nhau nữa chứ!
Tôi muốn Phật giáo phải vượt qua tất cả những cái đó, trở về với một đạo Phật nói chung, “toàn diện, toàn triệt như thực” để cùng nhau tu tập. Còn rơi vào các cục bộ là còn tranh cãi triền miên từ ngàn năm này sang ngàn năm khác.
Hôm nay tôi muốn nói một lần, sau này sẽ không nói nữa. Ở đây, tôi muốn quý vị trở về với cái như thực chứ không dám nói trở về với Phật giáo Nguyên thủy. Vì sự thực, không có cái gì có thể gọi là “nguyên thủy” được cả. Kinh điển thì được chép lại gần 500 năm sau Phật Niết-bàn thì “nguyên thủy” chỗ nào. Bao nhiêu thế hệ Tăng chúng ngồi nhớ kinh trong óc rồi truyền từ người này sang người khác, biết có trung thực không? Thời đức Phật vừa nhập diệt thì đã sai trật rồi huống hồ 500 năm sau. Có câu chuyện thế này: Sau khi đức Phật diệt độ không bao lâu, có lần ngài Ānanda đang yên tịnh ở trong rừng[1], bên ngoài có vị tỳ-khưu trẻ đọc một câu kệ rất lạ: “Ai sống một trăm năm, không thấy con hạc biển, thua kẻ sống một ngày, trông thấy con hạc biển”. Ngài bèn kêu vô bảo rằng: Ông đọc câu kệ đó sai rồi, nó như vậy này: “Ai sống một trăm năm, không thấy pháp sinh diệt, thua kẻ sống một ngày, thấy được pháp sinh diệt”. Thấy chưa, “thấy pháp sinh diệt” đã biến thành “thấy con hạc biển”. Đó là thời kỳ gần Phật đấy, huống chi 500 năm sau các vị Thánh tăng mới kết tập kinh điển mà mình dám tự hào là “nguyên thủy”.
Khi khoác lên đạo Phật những triết học, triết luận, tranh luận là đã che mất sự thật, tạo ra những hiểu lầm đáng tiếc. Mình tự tranh luận với mình, tự hiểu lầm mình rồi để cho người khác hiểu lầm mình nữa, đây là tình hình chung của Phật giáo trong và ngoài nước chứ không phải cục bộ của hệ phái nào.
5- Từ thiện xã hội
Đạo Phật có những sinh hoạt từ thiện xã hội – nó nằm nơi chỗ bố-thí và phục vụ chúng sanh. Sinh hoạt này rất cần thiết trong tương quan với xã hội, chúng sanh. Nó cũng thể hiện được hai tâm thù diệu là từ vô lượng và bi vô lượng.
Cụ thể:
– Là một trong 3 pháp hành của cư sĩ: Bố thí, trì giới, tham thiền (định, tuệ). Cũng là 02 trong 10 chỗ năng sanh phước báu: Bố thí, trì giới, tham thiền, cung kính, phục vụ, làm phước với tâm hoan hỷ, tuỳ hỷ phước người khác làm, nghe pháp, thuyết pháp, chuyển tà kiến thành chánh kiến.
– Nó là một trong 5 pháp cần có để tạo phước báu nhân thiên: Tín, giới, văn, thí, tuệ.
– Là 2 trong 10 ba-la-mật: Bố thí, trì giới, xuất gia, trí tuệ, tinh tấn, nhẫn nại, chân thật, quyết định, tâm từ, tâm xả.
Tất cả đấy đều là pháp hành của cư sĩ tại gia.
Người xuất gia thường có pháp hành khác, phận sự khác, trách nhiệm khác, ví như sống đời phạm hạnh, học pháp, học thiền vừa lợi ích cho mình vừa hướng dẫn hai hàng tại gia tu học. Vậy nên, phải phân định rạch ròi, để giới cư sĩ và giới xuất gia đừng dẫm chân nhau. Có một số tu sĩ coi từ thiện xã hội là tất cả, để hy sinh cuộc đời đầu tròn, áo vuông một cách uổng phí thì không nên. Thậm chí có một số chùa, rõ ràng là Tăng và Ni, suốt đời lo cho trẻ em mồ côi, người khuyết tật, lập trại dưỡng lão, trại tế bần… và suốt đời họ tu như thế. Mà cũng lạ, chùa nào làm như vậy đều giàu cả, chùa to Phật lớn cả! Việc làm ấy thế gian rất trọng vọng, gọi là có tâm bồ tát nhưng đấy có phải là phận sự của bậc xuất gia không? Nếu họ cố vấn, tham mưu, nâng đỡ cho giới cư sĩ làm thì đẹp biết bao nhiêu!
Lãnh vực từ thiện xã hội thì ai cũng làm được, thậm chí người ta còn làm tốt hơn cả Phật giáo, ví dụ như Bill Gates. Các tôn giáo như Công giáo, Tin lành họ cũng làm được và làm rất bài bản, có tổ chức quy mô hơn cả chúng ta.
Phật Giáo còn có những giá trị lớn hơn, cao cả hơn, nhất là trong xã hội ngày nay. Ngoài sống đời phạm hạnh, học pháp, học thiền, người xuất gia có thể nghiên cứu giáo dục, văn hoá và các loại hình nghệ thuật như thơ, văn, hội hoạ, nhiếp ảnh… mang tinh thần và tư tưởng Phật giáo để giáo dục mỹ học, các giá trị nhân văn và nhân bản phục vụ tha nhân. Và đây mới là sự phụng hiến cao đẹp thật sự.
Thủa nhỏ, tôi đọc truyện Ánh Đạo Vàng của Võ Đình Cường, tôi khóc như mưa, tâm thức tuổi thơ hồn nhiên trong sáng ấy yêu đạo Phật đến da diết. Lớn lên tí nữa, tôi đọc Câu Chuyện Dòng Sông của Hermann Hesse, trời đất ơi, tự dưng xúc động một cách lạ kỳ! Sau bao năm bươn ba xuôi ngược với dòng đời, cuối cùng Tất Đạt trở về lắng nghe dòng sông, dòng sông cảm giác, dòng sông tri giác, dòng sông tâm hành, dòng sông cảm xúc…tất cả đều là một dòng sông đang trôi chảy miên tục – minh sát tuệ đấy. Đó là giá trị của những tác phẩm văn học, cao hơn từ thiện xã hội nhiều. Có những tác phẩm làm mình xúc động thực sự, và có khi nó dẫn đạo tư tưởng sống của cả cuộc đời…Vậy tại sao những tu sĩ Phật Giáo không học hỏi, nghiên cứu, biên soạn, sáng tác những tác phẩm văn học, thi ca, thi pháp, văn chương, nghệ thuật để nâng tinh thần xã hội lên mà cứ cúi xuống cho vừa với cái tâm bình phàm dung tục của cuộc đời. Tại sao phải dùng phương tiện để đưa đạo Phật đi ngang, đi xuống cho bằng những quan niệm, tư tưởng, tín ngưỡng của nhân gian. 
Còn nữa, nếu bậc xuất gia mà không có tu tập thiền định và thiền tuệ – nói chung là Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo – thì mọi hình thái sinh hoạt của Phật Giáo, xem ra không phải là của đạo Phật nữa rồi! Phật tử chúng ta tu tập tốt rồi nhưng do Tăng, do Ni hướng dẫn chưa thấu đáo, thay vì nâng họ lên thì lại đưa tư tưởng của đạo Phật xuống cho bằng với tầm nhận thức của họ, cho vừa lòng họ. Đó là một hồi chuông báo động cho sự tồn vong của Phật giáo và cũng là ưu tư tha thiết của tôi đối với đạo Phật. Tôi có kỳ thị tông phái nào đâu, đó là sự thật. Vừa rồi tôi có bài thơ mừng sinh nhật ngài Đạt-lai Lạt-ma, anh Tâm Diệu nói bài thơ rất hay, rất xúc động, đúng ra nếu tôi có tư kiến, có thiên vị “nguyên thủy” của mình thì tôi sẽ không ưa ông Lạt-ma, sao tôi phải ca tụng ông như vậy. Vì ngài là con người trí tuệ, từ bi, ngài phụng sự đạo pháp vô điều kiện, cái đó mới tồn tại Phật giáo, mặc dù đất nước Tây Tạng bất hạnh, nhưng từ cái bất hạnh đó mới xuất sinh ra những nhân cách phi phàm, mang phúc duyên lớn cho loài người.
Vấn đề bố thí, đến Tam Bảo thì gọi là cúng dường, cho chúng sanh thì gọi là tế độ, cứu giúp. Vậy nếu mình có khấm khá, dư giả thì với tâm từ ái, bi mẫn ta sẽ san sẻ, chia sớt cho những hoàn cảnh xung quanh đang đói nghèo, cơ cực. Nhưng nên lưu ý là, có bao nhiêu làm bấy nhiêu thôi, không bắt buộc phải đầu tư suốt cuộc đời, quên ăn mất ngủ vì từ thiện xã hội. Chúng ta còn cần có thì giờ đọc kinh sách, gặp các vị trưởng bối trí thức, đạo hạnh để học hỏi mà tu tập. Đạo Phật quan trọng nhất là hướng dẫn đời sống tu tập, là cái chính, còn nếu để cái phụ chen vào cái chánh hay lấy cái phụ làm cái chánh xem chừng trật lất hết. Tuy nhiên vì tâm bố thí, vì từ và bi vô lượng – chúng ta sẵn sàng dang rộng vòng tay, mở rộng tấm lòng để chia sẻ với chúng sanh món quà vật chất trên tinh thần lá lành đùm lá rách. Đó cũng là một nghĩa cử cao đẹp, một đóa hoa thơm giữa cuộc đời.
Tuy nhiên, cái gì xẩy ra trên cuộc đời đều có nhân, duyên và quả của nó. Tôi có một câu chuyện:
“Có thằng bé phạm tội ăn cắp, ăn trộm. Hôm nọ ra đường nó giật túi xách của một bà đi đường, rồi công an bắt bớ, rồi mọi người bàn tán, nhỏ to, bình luận về đạo đức, phải trái: Thằng bé con nhà ai mà hư hỏng, học hành không lo mà lo đi ăn cướp, không được! Mà cái bà kia cũng quá đáng, đã lấy được túi xách thì bỏ qua đi, còn chửi bới, đánh đập, rồi kêu công an bắt bớ nó nữa, tội!”
Vậy thì ai đúng, ai sai? Thằng bé sinh ra trong hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ mất sớm, không được ăn học, nó còn nuôi đứa em 5 tuổi nữa, và nó cũng không có nghề nghiệp gì. Hôm nay ra đường mong kiếm được chút gì cho đứa em ăn lót bụng thôi, thế là nó giật túi xách… Chuyện đó có đúng không? Đúng chớ! Đúng với trình độ tâm của nó, đúng với trình độ nhận thức cũng như hoàn cảnh đang đói của nó mà! Rồi thì bà kia mất của, trong cái ví là cả gia tài, là cơm áo gạo tiền, mất thì lấy gì mà sống? Vậy thì cách xử sự của bà ta cũng đúng luôn!
Chân lý lạ lùng vậy đó, đúng theo vận hành nhân duyên quả, đúng căn cơ trình độ, đúng tâm, đúng cảnh. Vậy thì coi chừng, mình xen vô là trật liền, mình phá vỡ cái nhân, duyên và quả liền! Rồi chúng ta còn bàn về đạo đức? Ồ, đạo đức trong trường hợp trên nó như thế nào? Chúng ta không thấy rõ định luật tự nhiên lạnh lùng của nhân quả nghiệp nó diễn tiến trong ba đời – mà cứ muốn thò tay vào để thay đổi chúng. Thằng bé này, trước đây đốt kho lương thực, nó phải trả quả cả trăm ngàn kiếp đói rách mới trả hết nợ; cái đói rách hiện tại chỉ là nghiệp dư sót đó thôi. Giúp đỡ họ cơm ăn áo mặc chỉ vì tâm thí, tâm từ, tâm bi thôi; còn bất cứ ai sinh ra trên đời cũng phải trải nghiệm, học hỏi bài học từ chính họ. Ấy mới là thái độ minh triết, cái thấy của bậc giác ngộ.
Những điều đó, chỉ có đức Phật mới thấu triệt. Khi hướng tâm đến chúng sanh, đức Phật thấy rõ sự thấp hèn, cao thượng, xấu đẹp, khổ vui của tất cả chúng sanh từ quá khứ, hiện tại và vị lai. Nếu thân hành ác, khẩu hành ác, ý hành ác thì rơi vào bốn cảnh khổ. Ngược lại, thân hành thiện, khẩu hành thiện, ý hành thiện thì được sanh cõi người, cõi trời nào đó. Ngài ngồi chiêm nghiệm, thấy cái gì xảy ra cũng đúng hết. Thấy cướp của giết người cũng đúng; thấy lửa cháy nước dâng cũng đúng; thấy nơi đói nghèo, nơi giàu sang cũng đúng; thấy giòng tộc Sakyā của ngài bị tiêu diệt cũng đúng… Mọi sự việc xẩy ra đều tương thích với hành nghiệp của nó. Rồi ngài đi chuyển pháp – không phải để cứu người đói khổ mà để dạy cho chúng sanh thấy rõ nhân quả nghiệp báo; biết chịu trách nhiệm với nghiệp của mình. Ngoài ra, làm ăn sinh sống phải lương thiện, chơn chánh, chánh mạng… Với chúng sanh chung chung thì dùng tứ vô lượng tâm để chia sẻ với cuộc đời. Hướng dẫn họ bố thí thế nào để sung túc, thịnh mãn; trì giới thế nào thì được người người thương yêu, kính trọng; tham thiền thế nào để làm lắng dịu tham ưu phiền não… Đó mới đúng tinh thần của đạo Phật, là trí tuệ siêu việt của đức Tôn Sư.
Tôi chỉ muốn nói cho rõ ràng, từ thiện xã hội là việc làm của giới cư sĩ. Còn bậc xuất gia không nên hy sinh cả một đời đầu tròn, áo vuông, lấy từ thiện xã hội làm mục đích, làm cứu cánh. Giới xuất gia phải đi theo con đường Bát Chánh, Giới, Định và Tuệ.
6- Cực lạc, cực hạnh phúc
Đầu tiên, tôi đi vào từ gốc Pāḷi một chút. Chữ dukkha mà người ta dịch khổ là chưa tới, chưa sát, không nói hết nội hàm của nó. Tóm tắt, nó có 3 nghĩa chính. Một, tất cả những biến đổi về sinh vật lý cơ thể, đưa đến mệt mỏi, đau nhức, suy nhược, bệnh hoạn, già yếu, tử vong… là dukkha. Hai, những biến đổi, thay đổi các tâm trạng, tâm lý, như: Khổ lạc, thương ghét, buồn vui, uất ức, sầu muộn, chán nản, ước vọng, hy vọng, tuyệt vọng, hận thù… gì đó là dukkha. Ba, là cái gì khó chịu đựng, khó kham nhẫn, đáng khinh miệt, hư vô, trống rỗng, ảo ảnh, khó nắm bắt…là dukkha. Thế gian pháp này là cái gì rỗng không mình không nắm bắt được, không có cái gì mong muốn mà thành tựu được, cầu bất đắc, ái biệt ly, đủ thứ khổ…tất cả đó mới là dukkha.
Tuy nhiên có một số phật tử hoặc tu sĩ muốn tu hành để đạt cực lạc? Lạc đã là dukkha rồi, bây giờ lại còn muốn “cực lạc” lại càng “cực dukkha” hay sao? Nên phải hiểu cho đúng, khổ lạc là căn bản của phiền não, mà chúng ta đi tìm cực lạc thì có khác chi đi tìm phiền não. Chữ “Tây phương cực lạc” trong kinh A-Di-Đà bây giờ chúng ta cũng nên giải minh, giải nghĩa cho “thiết thực hiện tại” để đưa ta về với thế giới nội tâm, đó là “tùy kỳ tâm tịnh tức Phật độ tịnh”; trở về cái tâm mình thanh tịnh ở đây và bây giờ, chứ không phải tìm cực lạc ở nơi xa xăm, huyền bí, nơi hư cấu của tôn giáo tín ngưỡng.
Quý vị ở đây, có nhiều người bảy tám mươi tuổi rồi, có ai nghĩ rằng mình có hạnh phúc không, có ai không? Không có! Tôi hay ví von cái hạnh phúc tại thế này giống như việc chụp bắt một con bướm, thấy nó chập chờn trước mắt đẹp lắm nhưng ta bước tới thì nó bay mất. Hoặc là ta mong muốn có một ngôi nhà mới, sau thời gian làm ăn vất vả ta mua được căn nhà ưng ý. Ở được thời gian, nhìn đi nhìn lại thấy hình như vẫn thiếu thứ này, thứ kia… rồi lại khởi lên một mong muốn khác….tất cả có như ý được đâu! Hạnh phúc thế gian nó như vậy đó, lúc nào cũng chập chờn trước mắt, ta cứ đuổi theo chúng đến tận cùng mà vẫn chưa thấy thỏa mãn.
Vậy thì, nên dừng lại, nên tỉnh thức và xem lại chính mình, bấy lâu nay ta có chơi cái trò đuổi bắt với bóng ma hạnh phúc đó không! Phải chăng, hạnh phúc là cái gì khác hơn, cao thượng hơn? Đúng thế, hạnh phúc là không phải đuổi theo mục đích và ước mơ. Hạnh phúc là chấm dứt tất cả mọi ước mơ và trở về với thực tại, trở về với hơi thở đang hiện tồn trong từng giây khắc này, là sống như chơn như thực, đó mới là vấn đề cần giải quyết của chúng ta.
7- Tám vạn bốn ngàn pháp môn: 
Đạo Phật có nói đến tám vạn bốn ngàn pháp uẩn (dhamma khandha) chứ không nói đến tám vạn bốn ngàn pháp môn (dhamma dvāra). Uẩn (khandha) ngoài nghĩa che lấp, che mờ, chồng lên, chồng chất, còn có nghĩa là nhóm, liên kết, tập hợp ví như Giới uẩn (nhóm giới), Định uẩn (nhóm định), Tuệ uẩn (nhóm tuệ).
Do từ uẩn (khandha) lại dịch lệch ra môn – cửa (dvāra), pháp môn nên ai cũng tưởng là có 8 vạn 4 ngàn pháp môn, tu theo pháp môn nào cũng được! Ai là người có thể đếm đủ 8 vạn, 4 ngàn cửa pháp này? Đếm đủ 8 vạn, 4 ngàn cách tu? Nếu nói thế là nói theo kiểu “huề vốn”, ai tu sao cũng được hay sao?!
Còn nữa, xin lưu ý, 8 vạn 4 ngàn chỉ là con số tượng trưng, có nghĩa là nhiều lắm, đếm không kể xiết theo truyền thống tôn giáo và tín ngưỡng Ấn Độ cổ thời. Ví dụ 84 ngàn lỗ chân lông, 84 ngàn vi trùng trong một bát nước, 84 ngàn phiền não, 84 ngàn đại kiếp, 84 ngàn cỗ xe… Chỗ nào cũng nói đến tám vạn bốn ngàn, cái ý là số lượng nó lớn quá, đếm không hết!
Trong kinh có thuật lại là trưởng lão Ānanda trả lời cho người chăn bò khi ông ta hỏi là ngài học từ đức Thế Tôn được bao nhiêu Pháp? Và tôn giả đã đáp: “Trong 84 ngàn Pháp, ta đã nghe được từ đức Phật 82 ngàn, còn 2 ngàn kia là do các vị tỳ-khưu khác thuật lại” (Ở trong Trưởng lão Tăng kệ, 1025, Tiểu bộ). Lưu ý chữ Pháp ở đây, theo chú giải, là pháp uẩn (dhammakhandha), nghĩa là một nhóm pháp, một cụm từ, một câu giải thích hay một đoạn văn nói về một pháp nào đó. Nói rõ hơn tí nữa, bài kinh nào có nhiều chủ đề thì tính là có nhiều Pháp uẩn. Nếu đếm tính chủ đề tức là tính đếm Pháp uẩn. Nếu trong một câu kệ có một câu hỏi thì được xem là một Pháp uẩn, và câu trả lời cũng tính là một pháp uẩn.
Và nếu tính đếm như vậy thì tạng Kinh có 21 ngàn Pháp uẩn, tạng Luật có 21 ngàn Pháp uẩn, tạng Abhidhamma có 42 ngàn Pháp uẩn.
8- Xin xăm, bói quẻ, cầu sao, giải hạn, xem ngày giờ tốt xấu.
Trong Phật Giáo có tình trạng này hay không? Tôi biết khi đặt câu hỏi như vậy thì chư thiện hữu trí thức ở đây đã có câu trả lời rồi.  Xin thưa! Có giải hạn được không, nếu được – thì định luật nhân quả nằm ở đâu, gây nhân xấu ác mà không bị trả quả hay sao. Vị thần linh nào, vị Phật nào có thể giải hạn một cách bất minh như vậy. Đó là những điều mà chúng ta nên suy nghĩ.
Ở Huế, tôi sống ở trên núi mà hàng năm cứ tết đến là rất đông bà con Phật tử tìm lên xin xăm, xin quẻ. 10 năm rồi đều như vậy, năm nào cũng như năm nào, không có cách nào khác, tôi bèn vận dụng làm một số bài thơ khuyến tu, một số trích trong kinh pháp cú, cả 1000 bài như vậy, viết bằng thư pháp rồi bỏ trong phong bì nhỏ khá đẹp. Và tôi có đề rõ là “bói thơ xuân” vậy mà người ta họ nói lên chùa “bốc xăm, bốc quẻ” thôi. Đến đêm giao thừa thầy trò chúng tôi sau khi tụng kinh giao thừa, câu chuyện đầu năm xong là chúng tôi bóc những lá thơ xuân ấy. Rồi suốt từ mồng một đến ngày rằm là để cho chư thập phương đến chùa lễ Phật, bốc lá thơ xuân… Vậy mà năm nào cũng hết từ 15 ngàn đến 20 ngàn lá. Cũng hay, vì cái “mẹo nhỏ” ấy nên có đôi khi người ta đọc được những câu kinh pháp cú, những câu thơ khuyên sống có đạo đức, ăn ở hiền lành, vợ chồng con cái hiếu thuận. Đó là cách tôi vận dụng để thích ứng với tâm tư, nguyện vọng, mơ ước đời thường của đa số đại chúng. Và cũng để phá tan vấn nạn xin xăm bói quẻ, cầu an, cầu siêu, cúng sao giải hạn như này như kia… Bây giờ, cũng phải nên làm gì cho đại chúng thấy rõ “xin xăm, bói quẻ, cúng sao, giải hạn” là sản phẩm mê tín của Phật giáo Tàu mang sang Việt Nam có lẽ đã trên ngàn năm! Nó là một đại hoạ, là một tệ trạng nhức đau, một lớp khói mù, rác bẩn phủ lên giáo lý trí tuệ của đức Tôn Sư! Đau lòng lắm chứ!
Đối với việc chọn ngày giờ tốt xấu, tôi trích ra đây nguyên văn đoạn kinh Pāḷi: “Sunakkhataṃ sumaṅgalaṃ supabhātaṃ suhuṭṭhitaṃ, sukhno ca suyiṭṭaṃ brahmacārisu. Padakkhinaṃ kāyakammaṃ vācākammaṃ padakkhinaṃ padakkhinaṃ manokammaṃ paṇidhī te padakkhinā…” nghĩa là: “Giờ nào (chúng ta) thực hành thân, khẩu, ý trong sạch; giờ đó được gọi là vận mệnh tốt, là giờ tốt, là khắc tốt, là canh tốt… Ngày đó gọi là có nghiệp thân phát đạt, nghiệp khẩu phát đạt, nghiệp ý phát đạt. Và nguyện vọng theo đó được gọi là nguyện vọng phát đạt. Người tạo nghiệp thân, nghiệp khẩu, nghiệp ý phát đạt như thế rồi sẽ được những lợi ích phát đạt (chữ phát đạt có thể có thêm nghĩa nhiêu ích)”.
Thấy chưa, nguyên đoạn kinh trên là đã phá bỏ tất cả mọi xin xăm, bói quẻ, cầu an, cầu siêu, ngày tốt, ngày xấu kia rồi.
Nhưng mà cái tốt, cái xấu “có hay không có”? Dạ thưa nó có đấy! Chúng ta phải hiểu cho toàn diện vấn đề. Đó là các lực, các từ, các khí âm dương của vũ trụ, các thuật phong thuỷ, thuật địa khí… còn tồn tại trên nhân gian. Tuy nhiên, lãnh vực phong thủy, địa khí khá lớn rộng, có cái đúng, có cái sai của nó, các trường phái Đông Tây có nhiều kiến giải khác nhau. Nó chưa hắn là thước đo trung chính, như thật. Thứ nữa nó cũng không quan trọng lắm trong đời sống tu tập làm lành lánh ác, yên lặng tham sân si, phiền não của chúng ta.
Đức Phật cũng biết tất cả về chúng, nhưng ngài không giảng nói vì chúng chẳng có ích gì cho sự thấy khổ và diệt khổ. Chúng ta dường như ai biết rằng, từ trường của quả đất đi từ Bắc xuống Nam. Khi đức Phật nhập diệt, ngài nằm thuận với từ trường của quả đất: Đầu hướng Bắc, nằm nghiêng mặt về hướng Tây – tim không bị ép – lưng hướng Đông, chân co chân duỗi xuôi Nam! Quả là kỳ diệu thay trí tuệ của một bậc Toàn Giác – vì thuở ấy khoa thiên văn, địa lý đang còn quá sơ khai!
Chúng ta khi làm nhà cửa hay xây cất gì đó cũng cần phải biết chút chút để không nghịch với các lực, các khí, các từ ấy – có hại cho sức khỏe – mà phải biết vận dụng chúng để trợ lực thêm cho mình, thêm duyên lành cho mình không tốt hơn sao? Ví dụ, nhà ở nên quay mặt về các hướng Đông Nam, Tây Nam để hưởng ánh nắng mặt trời buổi sớm, có dương khí, thanh khí, chắc hẳn là tốt hơn khi chúng ta quay lưng lại với nó? Và gió cũng vậy, có gió lành, có gió độc. Nước cũng vậy, thuận thế nước tốt hơn là nghịch thế nước.
Nói tóm lại, với phong thủy, chúng ta nên nắm bắt cái nguyên lý vận hành của chúng để sống, để ở, để thiền tập vì ngoại duyên thuận hợp bao giờ cũng tốt hơn là nghịch duyên! Nhưng mà điều quan trọng nhất đối với người tu Phật là phải hiểu rõ định luật về nhân quả nghiệp báo vì nó quyết định khổ lạc của mỗi người. Nghiệp mới quyết định vận mạng của chúng ta, còn những thiên văn địa lý đó để ta nương nhờ hỗ trợ thôi vậy. Những quy luật của vũ trụ được đức Phật giới thiệu phổ quát như sau: Định luật của thế giới vật lý vô cơ (utuniyāma); định luật của thế giới sinh vật lý hữu cơ (bijaniyāma); định luật về pháp (dhammaniyāma); định luật về tâm (cittaniyāma); định luật về nghiệp (kammaniyāma). Trong đó, 4 định luật đầu, có nhân quả mà không có nghiệp báo, định luật cuối cùng mới có nghiệp báo; vậy thì chúng ta sống trên đời này bị rất nhiều định luật chi phối. Định luật quan trọng nhất của Phật Giáo là định luật nhân quả nghiệp báo, đây là nói về hành động, phản ứng của hành động đưa đến quả lành tốt hoặc xấu ác.
Xin xăm, bói quẻ, cúng sao, giải hạn không phải là của Phật giáo, mọi người tu Phật nên lên án chúng, tẩy chay chúng.
9- Định mệnh
Đạo Phật có nói đến nghiệp, đến nhân quả nghiệp báo chứ không hề nói đến định mệnh. Theo đó, gây nhân xấu ác thì gặt quả khổ đau, gây nhân lành tốt thì gặt quả an vui – chứ không phải “cái tơ cái tóc cũng do trời định” như định mệnh thuyết của Khổng Nho hoặc định mệnh 4 giai cấp của Bà-la-môn giáo. Thuyết định mệnh này rất nguy hiểm, nó cản trở sự tiến bộ của nhân loại, làm u mê tâm trí của con người.
Hồi trước, có một lần tôi đi du lịch Ấn Độ, khi nghỉ chân dưới một lùm cây rồi nhìn ra phía xa đám ruộng lúa đang chín vàng, cả đồng lúa mênh mông như vậy mà chẳng thấy ai gặt hái chi cả. Nhìn một hồi, thấy một phụ nữ mang một cái gùi sau lưng và một cái liềm, bà ấy ra giữa đám ruộng rồi gặt một khoảnh cỡ chừng hai sải tay bỏ đầy gùi rồi mang về. Sau này tìm hiểu mới biết rằng xóm dân đó theo đạo Hin-đu, họ tin vào thuyết bốn giai cấp. Người nào sanh vào giai cấp Bà-la-môn thì được ăn trên mặc trước, giàu sang phú quý, được mọi người cung phụng; kiếp này Bà-la-môn thì kiếp sau cũng vậy; kiếp này quý tộc chiến sĩ thì kiếp sau cũng chiến sĩ quý tộc; kiếp này thương gia thì kiếp sau cũng thương gia; kiếp này Thủ-đà-la thì kiếp sau y chang như thế, không thay đổi được định mệnh của mình. Cho nên họ chấp nhận thân phận như vậy và không muốn làm việc thêm, có làm thêm thì kiếp sau cũng là Thủ-đà-la! Họ gặt chừng đó đủ ăn rồi, không cần làm thêm chi nữa, làm thêm cũng đói nghèo thôi – khi định mệnh bắt họ sống đời cơ cực. Và quả là họ sống đời cơ cực lắm: Bên ni mấy con dê, bên kia mấy con bò, phía trước đống rác, phía sau đống phân; rồi thanh niên, ông già ngồi chồm hổm mà nói chuyện, không biết chuyện chi mà nói hăng say lắm! Họ chấp nhận cái nghèo một cách thê thảm. Tất cả những điều trên đều do thuyết định mệnh đấy, định mệnh làm cho con người mất đi ý chí phấn đấu, hoạch đắc sự nghiệp, tài sản để nuôi sống bản thân, gia đình…
Đạo Phật có phải vậy không? Có dạy vậy không? Chắc chắn là không rồi. Thuyết Thiên Mệnh của Khổng Nho nói “cái tơ cái tóc cũng do trời định” là cái nhìn chủ quan, phiến diện, chưa thấy rõ những định luật của vạn hữu. Sợi tóc rụng xuống ly nước, có người ăn cái gì đó bị đau bụng, họ nói do định mệnh đấy! Đâu phải! Sợi tóc rơi là do nhiều nguyên nhân, có thể bị bệnh rụng tóc, có thể sợi tóc ấy đã già, tiêu hoại, hư mục. Nó chỉ là định luật sinh lý, vật lý. Chuyện ăn nhầm cái gì đó bị đau bụng là do uống ly nước, có thể là vật thực quá âm, có thể bao tử có vấn đề…; chẳng có định mệnh nào xen vào ở đấy cả. 
Vũ trụ vận động chuyển hóa theo 5 định luật mà đôi khi ta lầm tưởng chúng là nghiệp, là định mệnh. Định luật của thế giới vật lý vô cơ như thời tiết, nắng mưa, ngày đêm, sáng tối… nó xảy ra theo một luật tắc nhất định. Định luật của thế giới vật lý hữu cơ là những quy luật tác động trong thế giới tế bào của những động vật và thực vật; nó vận động chuyển hoá tự trong bản thân nó, tuân theo quy luật của chính nó. Mình trồng cây cam, sau thời gian nắng mưa sương gió thì cây cam đó cho quả, nó vận động chuyển hóa nhưng vẫn giữ được vị ngọt của giống cam trước đây. Thân thể chúng ta, nó là những vật chất dưới dạng năng lượng chuyển động sinh diệt… Rồi định luật về tâm, định luật về pháp đều như vậy. Không có cái định mệnh nào ở đây cả.
Chúng ta ở đời, sinh sống làm ăn, xử lý giao tiếp, gặp chuyện vui chuyện buồn, lúc mạnh khỏe lúc ốm đau, khi hưng thịnh khi khốn khó… một phần do nghiệp cũ trước đây, một phần do tư tác, do chủ ý, tạo tác trong hiện tại mà nên. Nói vậy để chúng ta có cái nhìn khách quan, khoa học, khỏi bị ràng buộc bởi thuyết Thiên Mệnh của Nho giáo, thuyết định mệnh bốn giai cấp của Ấn Độ giáo. Trong tâm những ai chấp vào tà thuyết này thì không thể khởi lên ước muốn làm và tinh tấn để làm, họ sống cuộc đời tiêu cực, buông xuôi, thụ động thật vô ích, uổng phí.
10- Siêu độ, siêu thoát
Không có bài kinh nào, không có uy lực của bất kỳ ông sư, ông thầy nào có thể tụng kinh siêu độ, siêu thoát cho hương linh, vong linh, chân linh cả. Thời Phật tại thế, nếu có người chết, chư Tăng chỉ đọc những bài kệ vô thường, khổ và vô ngã để thức tỉnh người sống; và hiện nay các nước Phật Giáo Theravāda còn duy trì, bảo nguyên như cũ. Có thể có hai trường hợp:
– Nếu vừa chết lâm sàng thì thần thức người chết vẫn còn. Vậy có thể đọc kinh, mở băng kinh, chuông mõ, hương trầm… để “thần thức người chết” hướng về điều lành… để thần thức tự tạo “cận tử nghiệp” tốt cho mình.
– Nếu thần thức đã lìa khỏi thân thì họ đã tái sanh vào cõi khác rồi, ngay tức khắc. Khi ấy thì gia đình làm phước để chư Tăng tụng kinh hồi hướng phước ấy cho người đã mất.
Cả hai trường hợp trên đều không hề mang ý nghĩa siêu độ, siêu thoát mà chỉ có ý nghĩa gia hộ, gia niệm, gia lực. Chúng ta tạm gọi “dựa vào tha lực” gia hộ, gia niệm, gia lực là như vậy, nhưng cuối cùng cũng phải tự lực: “Tự mình thắp đuốc mà đi, tự mình là hòn đảo của chính mình”.
Chư thiên chỉ có khả năng hoan hỷ phước và báo truyền thông tin ấy cho người quá vãng mà thôi. Họ không có uy lực ban phước lành cho ai cả.
Lạ lùng là có rất người quan niệm rằng tụng bài kinh này, câu chú kia là được siêu độ, siêu thoát, có thể tiêu trừ hết nghiệp xấu, có thể tai qua nạn khỏi… như kiểu “tiêu tai, cát tường thần chú”! Tào lao đó! Mê tín đó! Nguỵ tạo đó! Không bao giờ có chuyện đó đâu. Dầu ở trên nước thì dầu nổi, đá quăng xuống nước thì đá chìm. Khi làm việc lành tốt thì tâm mình nhẹ nhàng thanh thản như tâm chư thiên; khi làm việc xấu ác thì ngày đêm lo lắng, bứt rứt, hối hận như tâm địa ngục. Tâm sao cảnh vậy thôi, rất công bằng, phân minh. Ai làm điều gì thì phải chịu trách nhiệm lấy, làm thiện được quả ngọt, làm ác gặt quả đắng. Đấng Toàn Giác thấy rõ dòng tộc Sakyā bị tiêu diệt mà ngài có cứu được đâu? Vậy thì có bài kinh bài chú nào có đủ năng lực mà siêu độ, siêu thoát nào? Tuyệt đối là không có. Chỉ có trợ duyên, trợ lực, gia niệm, gia trì thì được. Ví dụ thế này, người sắp lâm chung (hoặc chết lâm sàng), khi nghe được câu kinh, tiếng kệ, mùi hương, mùi trầm thì tâm họ tự động hướng tới những điều lành tốt, nghĩ tưởng đến những phước thiện đã làm trong đời nên trạng thái tâm lúc này rất nhẹ nhàng, mát mẻ, hoan hỷ, nhờ đó sinh về được cõi lành. Chư Tăng chỉ có khả năng gia niệm, trợ lực như vậy thôi, ngoài ra nếu quý vị nghe nói siêu độ, siêu thoát thì đừng có tin. Họ nói vậy là tà pháp đấy! Họ không những là hiểu lầm mà còn phỉ báng đạo Phật nữa đó! 
Thời kỳ đức Phật, nếu gặp trường hợp vong linh nhiều đời của chúng ta sinh vào cõi ngạ quỷ chẳng hạn, ngài có hướng dẫn cách tụng kinh để gia niệm trợ lực cho họ. Trường hợp đức vua Pasenadi và Bimbisāra đêm nằm mộng thấy những hình ma xác quỷ, những bộ xương khô trồi lên trong bóng tối, nó kêu gào, đòi ăn, đòi uống. Đức vua nào cũng kinh hãi, không biết chuyện gì, đức Phật bảo rằng đó là bà con quyến thuộc đã quá vãng nhiều đời của ông, bây giờ thấy ông làm vua, sang cả, quyền quý, có khả năng làm phước cúng dường cho nên tới đòi một chút cơm ăn, áo mặc đó thôi. Trường hợp này, ông nên sắm vật thực cúng dường đến chư Tăng, do nhờ phước báu cúng dường đó và năng lực chú nguyện của chư Tăng thì số ngạ quỷ kia có thể thọ hưởng được và thoát khỏi cảnh khổ. Đức Phật và chư Tăng giống như người đưa thư, nhận phước báu cúng dường này đưa đến cho thân nhân quá vãng để họ hưởng phước lành, có thể sanh trở lại cõi thiện. Nhưng lưu ý rằng, muốn thành tựu được như vậy phải hội tụ đủ ba điều kiện: 
- Thứ nhất, năng lực của đức Phật và chư Tăng chú nguyện (tối thiểu là 4 vị tỳ-khưu thanh tịnh mới đủ đại diện cho Tam Bảo ba đời); 
- Thứ hai: Vật thực cúng dường được làm ra một cách chơn chánh, bằng mồ hôi công sức chánh mạng của mình; 
- Thứ ba: Tâm ngạ quỷ này đủ điều kiện để hướng tâm nhận phần phước (trong 36 loại ngạ quỷ chỉ có một loại quỷ đói là nhận được phần phước này rồi được sinh lại cõi lành).
Đó là những gì còn lại trong kinh điển, chúng ta là Phật tử phải hiểu cho rõ ràng, đừng mơ mơ hồ hồ tin bậy tin bạ nữa. Không có ông Sư, ông Thầy, ông giáo chủ, kinh kệ, bùa chú nào có khả năng ban phước lành, siêu độ, siêu thoát cho ai đâu.
11- Huyền bí, bí mật
Giáo pháp của đức Phật không có cái gì được gọi là huyền bí, bí mật cả. Đức Phật luôn tuyên bố là “Như Lai thuyết pháp với bàn tay mở ra”; có nghĩa là ngài không có pháp nào bí mật để giấu kín chúng ta cả!
Vậy bây giờ tại sao có những điều “bí bí, mật mật” xuất hiện trên đời? Tôi xin kể một câu chuyện.
Năm 1986, tôi vô thăm vị đại sư huynh, ngài Viên Minh, đang trụ trì chùa Kỳ Viên. Ngài có kể lại câu chuyện rất vui: Hôm qua có một tay bùa chú, tình cờ đến chơi chùa Kỳ Viên, ông nghe chư Tăng tụng kinh, một hồi tự dưng ông đến quỳ đảnh lễ rồi nói rằng: Con cũng có luyện chú, nhưng không ngờ rằng nơi đây luyện đại thần chú. Khi hỏi ra mới biết ông này đọc ngày đọc đêm một câu Pāḷi mà phát sanh nhiều khả năng đặc biệt. Bây giờ nghe cả chùa đọc ngôn ngữ như “mật chú” của ông nên ông nghĩ đây là đại thần chú rồi! Ngài Viên Minh cười, nói rằng, đây không phải đại thần chú, đây là kinh Pāḷi, thế câu chú đó thế nào, ông đưa tôi coi thử. Ông mới đưa đoạn chú ra, ngài Viện Minh giải nghĩa từng câu từng chữ cho ông nghe. Ba tháng sau, ông lên lại chùa, mặt mũi buồn xo rồi tâm sự rằng: Từ khi con hiểu nghĩa câu đó thì bùa chú không linh nữa! Hoá ra, khi đọc chú, không hiểu nghĩa, người ta có cảm giác câu chú ấy uy linh, huyền bí… thì nó linh nghiệm, nhưng khi hiểu nghĩa rõ ràng thì nó không còn linh nghiệm nữa. Đấy là nỗi buồn, là tâm sự của người khách lạ. Và đó là câu chuyện thật. Tôi xin nói thẳng luôn, câu chú là “Án Ma Ni Bát Mê Hồng – Om Mani Padme Hum”- là câu của Bà-la-môn giáo, bây giờ đã đi vào kinh điển của Bắc Tông, của Mật tông. Khi đọc lên thấy có gì u u, huyền huyền, bí bí đằng sau? Nó đơn giản thế này thôi: “Án” đọc là “Um” hoặc “Om”, âm đó đọc ra đối với người Bà-la-môn giáo rất thiêng liêng; khi xướng “Om” lên một cái thì âm thanh nó vang vọng khắp mọi chiều không gian, nghe rất trầm hùng, huyền bí; “Ma Ni” là một loại ngọc quý (ngọc maṇi); “Bát Mê Hồng” là trong hoa sen. Vậy, đầy đủ nghĩa là “Ngọc báu trong hoa sen”. Ai đã từng quen với “Án ma mi bát mê hồng” bây giờ thử niệm “ngọc báu trong hoa sen” xem có linh nghiệm không nhé. Chắc chắn là không còn linh nghiệm nữa.
Sở dĩ các câu chú có nhiều uy lực, tạo ra được nhiều năng lực do ba yếu tố: Tưởng + Định + Đức tin. Mình “tưởng” đọc câu chú này phát sinh năng lực, rồi mình đặt “tâm định, nhất như” vào câu chú đó, và có “niềm tin kiên định” rằng là sẽ có hiệu quả, lâu ngày nó phát sanh uy lực.
Ngày xưa, đức Phật cũng đạt đến tầng thiền định cao nhất là phi tưởng phi phi tưởng xứ nhưng ngài cũng từ bỏ vì nó không đưa đến giác ngộ, giải thoát. Dưới cội Bồ-đề, ngài nhẹ nhàng đi vào các định, rồi dùng tuệ giác quán chiếu ngũ uẩn, quán thập nhị duyên khởi mà đắc quả Chánh Đẳng Giác. Trên thế gian này chỉ có đức Phật nói đến tuệ giác, bất cứ tôn giáo nào, cao nhất cũng ngang định thôi. Chúng ta tu tập thiền định, trì chú đưa đến định là tạm thời làm lắng dịu tham ưu, phiền não cũng là điều tốt, nhưng mà đừng dừng lại ở đó, phải bước qua tuệ minh sát thì mới tới cái rốt ráo cuối cùng. Đó mới là đạo Phật – con đường giác ngộ – đúng nghĩa. Bà-la-môn giáo có tứ thiền bát định nhưng không phải đạo Phật. Devadatta cũng tu luyện đắc định, đắc được ngũ thông vẫn lạc vào tâm tà , độc ác… Nếu có ông sư, ông thầy có tha tâm thông thấy biết chuyện này chuyện kia như phép lạ thì cũng chưa chắc là bậc Thánh. Một vị Thánh đơn giản hơn nhiều mà cũng khó khăn hơn nhiều. Đơn giản là vị ấy trông rất bình thường, chẳng có thần thông phép lạ gì hết, chỉ có giảm thiểu lần hồi tham sân, phiền não mà thôi. Khó khăn hơn nhiều là vì dùng tuệ minh sát để cắt lìa tuỳ miên kiết sử để đạt tứ thánh đạo quả, thành tựu chánh trí, giải thoát, Niết-bàn.
Người có khả năng này, khả năng kia mà dùng cái đó mà câu kéo tín đồ, dùng cái đó để đoạt danh, tranh lợi, để phụng sự cho bản ngã thì nguy hiểm vô cùng vì đó là ngoại đạo. Cho nên, lấy trí tuệ mà nhìn người cho chính xác, coi đời sống thân giáo của họ ra sao? Đôi khi ở đời nhiều vị có tầm ảnh hưởng rộng lớn, có chút năng lực này nọ, ngồi trên ngai vàng điện ngọc, có khi là tà Tăng, quỷ ma hoá Phật cũng không chừng. Và còn có những vị sống đời bình đạm thanh lương, hiền lành đức độ, sống có đạo nghĩa, chẳng có danh vọng, địa vị gì hết …là chân tu thứ thiệt đấy.
12- Tâm linh
Ngày nay, người ta tổ chức tràn lan lễ hội, có nhiều hình thức mang hơi hướng mê tín, dị đoan, … mà ở đâu cũng rêu rao các giá trị tâm linh. Đạo Phật không hề có các kiểu tâm linh như vậy. Thuật ngữ tâm linh này được du nhập từ Trung Quốc. Và rất tiếc, tôi không hề tìm ra nguồn Phật học Pāli hay Sanskrit có từ nào tương thích với chữ “linh” này cả!”.
Tôi nhấn mạnh chữ “linh” vì khi tâm mà “linh” thì sinh ra đủ mọi phiền toái, rối rắm. Lễ hội chém lợn, đâm trâu cũng tâm linh, lễ hội cướp phết, cướp lộc, cướp ấn cũng tâm linh, điện thờ “tào lao xịt bộp” cũng tâm linh… Vậy thì làm sao tôi không phản đối chữ “tâm linh” cho được. Mà thật sự chữ “linh” không có, mặc dù chữ “tâm linh” rất hay nhưng bây giờ bị hiểu lầm nhiều quá. Tôi muốn loại trừ chữ “linh” ra khỏi Phật Giáo, quăng chữ “linh” ra khỏi chữ “tâm”. Oan uổng cho đạo Phật quá. Tôi nói vậy để trả lại sự chân thực cho Phật Giáo mà, có đụng chạm đến ai đâu, cho nên xin quý vị mở rộng tầm nhìn ra một tí, xin quý vị lắng nghe không thành kiến mới có thể thấy biết được cái sự thực, cái như thực.
13- Niết-bàn
Nhiều người tưởng lầm Niết-bàn là ở một cõi nào đó, một nơi chốn nào đó; thậm chí là ở một thế giới ngoài thế gian này. Người nào tìm kiếm Niết-bàn kiểu ấy, thuật ngữ Thiền tông có cụm từ “lông rùa, sừng thỏ” như ngài Huệ Năng đã nói rõ: “Phật pháp tại thế gian. Bất lý thế gian giác. Ly thế mịch bồ-đề. Cáp như tầm thố giác”. Thố giác là sừng thỏ. Sừng thỏ vốn không có. Đi tìm Niết-bàn ngoài thế gian là như đi tìm sừng thỏ. Và giác ngộ cũng tương tợ vậy, chính ở trong khổ đau, phiền não mới giác ngộ bài học được.
Đôi khi, Niết-bàn được đức Phật nói dễ dàng quá đi, không phải ở mô xa đâu, ví dụ thế này:
Bên này sông, bên kia sông

Cả hai không có, cũng không bờ nào

Thoát ly phiền não buộc rào

Là sa-môn gọi đúng sao tên người
(Kinh lời vàng 385)

Thời cổ Ấn Độ, từ Niết-bàn là thuật ngữ rất bình dân. Niết-bàn là làm cho nguội lại, lạnh lại, dịu lại những cái gì đang nóng cháy, thiêu đốt. Ví dụ, khi cầm một ly nước sôi, họ nói với nhau là để cho ly nước “niết-bàn” đã. Khi thấy cục than nóng, họ nói để cho cục than“niết-bàn”đã. Tâm chúng ta cũng vậy, luôn bị tham, sân, phiền não nung nóng, thiêu đốt – thì phải làm cho chúng nguội đi, lạnh đi để nó không còn tác động vào mình nữa gọi là Niết-bàn.
Bây giờ chúng ta định nghĩa cao siêu quá, mà càng cao siêu chừng nào thì càng khó hiểu và sai lạc chừng đó. Nếu tra tìm trong các cuốn từ, tự điển, đại từ điển, các kinh sách, các chú giải, phụ chú giải thì tối thiểu cũng khoảng hơn 200 định nghĩa khác nhau, nhưng nó chẳng dính líu gì đến cái Niết-bàn của đức Phật cả. Chúng ta vén vẹt nó đi, lột trần nó ra, tướt bỏ nó xuống để trả lại cái chân thực ban đầu. Hãy trở lại với nghĩa cổ xưa như người Ấn nói chuyện với nhau là: Hãy làm cho cái nóng nảy của tham, sân của mình lạnh đi, nguội đi, dịu đi thì khi đó là Niết-bàn, ở đây và bây giờ chứ chạy tìm đâu xa nữa. Đừng nghĩ phải tu luyện vô lượng kiếp để đạt Niết-bàn, chi mà khổ vậy. Yên lặng tham, yên lặng sân, yên lặng mọi phiền não là gần Niết-bàn rồi. Như quý vị ngồi đây đang chú tâm nghe pháp, không có tham, không có sân, không có phiền não thì quý vị đang mở hé cánh cửa vào Niết-bàn rồi đấy. Nên chăng, lấy trí tuệ mà tu tập, đừng theo truyền thống quy định, đừng nhất nhất nghe theo một vị thầy, một quyển kinh nào hết, đừng theo một giải minh, giải nghĩa nào hết. Phải tự mình suy xét thấu đáo và tự mình chiêm nghiệm.
Khi có ai hỏi Niết-bàn là gì thì nhớ câu chuyện đó, hãy để cho ly nước sôi Niết-bàn, hãy để cho cục than Niết-bàn, hãy để cho tham, sân Niết-bàn. Như ngài Huệ Năng nói ở trên:“Phật pháp ở tại thế gian, không thể rời thế gian mà giác ngộ, rời khỏi cuộc đời này mà tìm kiếm bồ đề thì giống như tìm kiếm lông rùa, sừng thỏ”.
Có nhiều điều rất đơn giản nhưng vì kinh sách, vì chữ nghĩa nó đẩy ta đi ngày càng xa, càng phủ thêm khói sương lên mảnh trăng nguyên sơ của mình. Xưa kia, cũng vì kinh, vì chữ, vì luận nhiều quá nên ngài Đạt-ma mới tuyên bố “bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền”. Ở đây, chưa nói chuyện đúng sai của Đạt-ma, nhưng hành trạng của ông khi qua Trung Quốc truyền pháp thời kỳ vua Lương Vũ Đế (464-549). Lúc này Phật Giáo đã có trên 500 bộ luận. Quý vị tưởng tượng đi, 500 bộ luận, mỗi người một tư kiến, mỗi người một quan điểm riêng về Phật học. Vậy thì 500 người tranh luận với nhau thì nó ồn ào đến chừng nào? Ông quá chán với Phật Giáo bộ phái và kinh luận đó. Ông phủ bác, vén vẹt qua một bên hết và nói rằng: “Đạo của tôi không dùng văn tự, chữ nghĩa, nó ở ngoài kinh giáo, hãy đi thẳng vào các trạng thái tâm mà quán chiếu soi xét để mà giác ngộ”. Vậy là, chín năm bích quán (định) không nói gì hết, đến khi ông dạy cho Huệ Khả “tâm bất an tuệ tri tâm bất an” (tuệ) thì Huệ Khả giác ngộ, đơn giản vậy thôi.
Đại chúng ở đây chắc có nhiều vị bên Đại thừa, tôi tiết lộ một điều “thú vị” là Đại thừa rất “ôm đồm”, họ gộp Thiền tông vào Đại thừa và họ nói rằng, Thiền tông là một nhánh của Đại thừa. Không phải thế đâu. Nghiên cứu sử mà xem. Nghiên cứu lập ngôn của Thiền tông mà xem. Thiền tông có mặt là để phủ bác Đại thừa (vì Đại thừa không biết bao nhiêu kinh giáo, ví như 500 bộ luận và cũng rất nhiều kinh giáo thời hậu tác), ngài Đạt-ma muốn dẹp kinh giáo, kinh luận. Một bên với tinh thần “bất lập văn tự”, một bên thì kinh luận quá nhiều thì làm sao lại cùng một phái được.
Tóm lại, trở về tâm mình mà tu để thấy bản ngã, vô minh, ái dục, khổ vui… đều toàn là mộng mị. Cho nên, với những người đang nằm mơ, đức Phật không đưa ra thêm một “Niết-bàn trong mộng” nào, ngài chỉ giúp họ, nếu tỉnh thức thì tất cả mộng mơ đều tự tiêu tan. Đó là lý do vì sao Ngài Sāriputta trả lời du sĩ ngoại đạo Jambukhàdaka: “Này hiền giả! Đoạn tận tham, đoạn tận sân, đoạn tận si là Niết Bàn”. Và khi nói Niết-bàn là tịch tịnh, thanh lương, rỗng không thì cũng đồng một nghĩa. Mộng mị tiêu tan thì ta thở phào nhẹ nhõm vậy.
14- Bỏ khổ, tìm lạc
Tu Phật không phải là bỏ khổ, tìm lạc. Xin lưu ý cho: Khổ và Lạc chính là căn bản của phiền não! Bỏ khổ tìm lạc là cách hiểu phổ thông về đạo Phật. Nó sai trật, sai lầm ghê gớm!
Sai trật, sai lầm không biết từ thời nào, khi người ta dịch chữ dukkha là khổ. Chữ dukkha rất rộng nghĩa, khi viết về tam pháp ấn tôi không dùng chữ “khổ”, mà dùng “vô thường – dukkha – vô ngã” vì thế này: Tất cả những biến đổi về thể chất ở nơi thân như sanh, già, bệnh chết, đau nhức tê ngứa, tóc bạc, da nhăn, răng rụng… là dukkha. Tất cả những sự diễn tiến các trạng thái tâm lý nó biến đổi không chừng mực, sáng nắng chiều mưa, từ thương ra ghét, từ ghét ra hận, các trạng thái vui, khổ, sầu buồn…là dukkha. Rồi thì toàn bộ ước mơ của đời người không toại nguyện, xã hội khi thịnh khi suy, khi còn khi mất, của cải tài sản thì bấp bênh, vợ chồng con cái có lúc hội tụ, sum họp rồi phân ly, tan rã…Toàn bộ đó là dukkha, trong đó có chữ khổ nào đâu, cho nên người ta hiểu lầm là tu để rời khổ tìm lạc, tìm thường lạc ngã tịnh, như thế là còn nằm trong hai vế, còn đối đãi nhị nguyên, bỏ bên này nắm bên kia thì vẫn còn trôi lăn sinh tử.
Có cái “lạc” nào tồn tại mãi đâu, tồn tại quá lâu như “thường lạc” thì làm sao mà chịu nổi? Uống vài ly bia với người bạn thì vui, uống vài két bia thử coi có còn vui nữa không? Lâu ngày gặp người quen thì mừng, nếu họ cứ ở bên mình cả tuần, cả tháng… thì chắc chết. Thuở thanh niên yêu say đắm một cô gái, nhớ ngày nhớ đêm, sau này cưới nhau về rồi lục đục, nặng nhẹ, bất hòa thì còn hạnh phúc nữa không? Tân hôn là “lạc”, nhưng mà cứ mãi “thường lạc tân hôn” thì e chắc chết! Những niềm vui, đam mê, mơ ước trong đời cũng phải biến hoại, đổi thay, sinh diệt theo lý vô thường; đó là quy luật, là định luật tất yếu của vạn pháp.
Từ biến đổi vật chất thân thể, biến đổi tâm lý, cầu bất đắc, ái biệt ly, oán tăng hội…tất cả là dukkha. Người ta bỏ “khổ” tìm “lạc”, rồi thì cái “lạc” này lại trở nên “khổ”, tiếp tục đi tìm “lạc” khác… một vòng tròn luẩn quẩn đưa ta đến nấm mồ luôn mà không bao giờ tìm ra được cái “lạc” thực sự.
Có một cụm từ tồn tại trong những thời khoá kinh tụng, ở đây chắc một số chư vị thuộc lòng, đó là: “Chuyển mê khai ngộ, ly khổ đắc lạc”. Xin thưa, cụm từ ấy có thể tạm đúng theo “thường ngữ” nhưng theo “pháp ngữ” thì nó trật đường rây tu tập. Theo nghĩa đệ nhất đế, không có chuyện “chuyển cái mê ra cái ngộ” được, ví như “không thể chuyển bóng tối ra ánh sáng” được. Ngộ đến thì mê tự lui, ánh sáng đến thì bóng tối tự lui. Nên đức Phật có nói, minh hiện thì vô minh diệt, cùng một nghĩa. Còn “ly khổ đắc lạc”, rời khổ được lạc – thì hoàn toàn hỏng rồi như đã dẫn lược.
15- Tu để được cái gì!
Tu để được cái gì? Có nhiều người nghĩ rằng, tu là để được cái gì đó. Xin thưa, được cái gì là sở đắc. Ai sở đắc? Chính là bản ngã sở đắc. Đạo Phật là vô ngã. Hãy xin đọc lại Bát-nhã tâm kinh.
Người nào đã liễu thông Bát-nhã tâm kinh thì hiểu cái này rồi, không nói làm gì. Đạo Phật, để ý cho một điều: Sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền, ngũ thiền, bát thiền đều là sở đắc hết, đều được một cái gì đó, cho đến Tứ Thánh Đạo Quả cũng sở, cũng đắc. Thuật ngữ “sở đắc” làm cho ta có cảm giác mình tu để có một cái gì đó, nắm bắt một cái gì đó, mà như vậy là có một cái “ngã”, “ngã sở đắc”, mà đạo Phật là “vô ngã”, “vô ngã sở”, do đó dùng chữ “đắc” rất kẹt, trong Bát Nhã Tâm Kinh nói rất đúng “vô sở đắc, dĩ vô sở đắc cố” nghĩa là không có sở đắc, mà vô sở đắc cố cũng không.
Thật ra, tuệ giác để mà thấy ra sự thật chứ không phải đắc cái gì cả, thấy rõ vô ngã chứ không phải đắc vô ngã; vô ngã là chân lý, có người thấy, có người không thấy. Ví dụ: Mình gọi đây là “cái bàn” nhưng không thật có “cái bàn” vì chúng là tổ hợp của đinh, keo, ván, gỗ, ý tưởng thợ mộc….có cái bàn nào đâu? Rứa mà chúng ta sống trong thế giới ảo đó, cái gì cũng tưởng thiệt hết, không biết là chúng vốn vô ngã. Vì vô ngã nên không có thực tánh, nhờ vô thường, vô ngã nên mới có xuân, hạ, thu, đông; nhờ già lão, bệnh chết nên chúng ta mới có cơ hội sinh lại trong một cơ thể trẻ trung, tươi mới hơn. Vậy thì, vô ngã là phải thấy, chớ làm sao mà “đắc” hắn được, hắn không có thì làm sao đắc, có gì nắm bắt được đâu. Thế giới xung quanh ta đều là thế giới của năng lượng tương giao, tương tác mà vận hành, không có ta, không có ngã, không có tâm, không có vật, đó là tánh không toàn triệt.
Cho nên, người học Phật phải thấy được toàn diện vấn đề. Nếu tu để được cái gì là sở đắc, ngã sở đắc, bỏ bên này nắm bên, đó là phước báu nhân thiên, cũng được, cũng tốt nhưng vẫn còn trong sanh tử. Quý vị ở đây, nếu ai muốn tu được cái này cái kia tôi đưa chìa khóa cho. Tu thế nào để được cõi người. Tu thế nào để sanh cõi Tứ Thiên Vương, cõi Đao Lợi, cõi Đẩu Suất… Cấp độ rốt ráo hơn, đạo Phật cuối cùng thì phải đưa đến giác ngộ giải thoát, tức là phải THẤY chứ không phải ĐẮC. Đó là xả bỏ, buông bỏ, không nắm bắt cái gì hết, buông bỏ được chừng nào tâm càng trong sáng từng nấy.[7] cho đến khi đoạn lìa hết mọi tham ưu phiền não, đó là con đường của các bậc Thánh.
16- Tu là sửa
Nếu tu là sửa thì mình đã từ “cái ta này” biến thành “cái ta khác”. Nếu tu là không sửa thì cứ để nguyên trạng tham sân si như vậy hay sao? Xin thưa, sửa hay không sửa đều trật. Đạo Phật quan trọng ở Cái Thấy! Có Cái Thấy mới nói đến giác ngộ và giải thoát. Không có Cái Thấy này thì tu kiểu gì cũng trệch hướng hoặc rơi vào phước báu nhân thiên.
Khi nói đến vấn đề này, đa phần ai cũng nghi cả, đúng chớ có sai đâu. Bây giờ mình xấu, mình bỏ cái xấu đi thành tốt hơn. Bây giờ mình có cái bản ngã xấu, tu tập thành bản ngã tốt – thì vẫn là bản ngã, chạy trời không khỏi nắng! Cái đó cũng gọi là sửa, nó hoàn toàn đúng ở giới hạn phước báu nhân thiên. Nhưng mà giác ngộ giải thoát thì sai, không có cái gì để sửa cả.
Thật ra, người nào tu tập minh sát mới thấy rõ, mình không cần thay đổi cái xấu, không cần xua đuổi, không cần diệt trừ cái xấu. Khi minh sát thì cái xấu nó tự rã hoại, tự diệt mất, đó là kỳ diệu của trí tuệ quán chiếu. Tuệ minh sát cũng vậy, luôn luôn canh giữ sáu cửa, thường trực quan sát sáu giác quan thì có cái gì đi qua mình đều biết, anh nào xấu xa, chị nào xinh đẹp đều biết hết. Chánh niệm là người canh cửa, chánh kiến là thấy biết như thực. Quý vị cứ tập thử đi, chẳng hạn khi có tham, sân khởi lên trong tâm, quý vị đừng làm gì cả, chỉ quan sát, nhìn ngắm trọn vẹn. Đừng mời hắn ngồi, đừng có rót nước trà mời hắn, một hồi hắn tự “hổ thẹn” bỏ đi thôi. Mọi trạng thái tâm lý đi qua tâm đều được tu tập như vậy, đó là chỗ rốt ráo của tuệ minh sát, có sửa gì đâu, còn quý vị cố sửa thì nó thành ra cái khác. Một nổi buồn khởi lên, ta băn khoăn không biết làm sao cho hết buồn đây, hay là tìm đứa bạn đánh ván cờ? Hay là tìm chỗ vui chơi giải trí?… Những sự tìm kiếm, tư tác đó nằm trong bình diện buồn-vui, xấu-tốt, hơn-thua, được mất…Chỉ có cách nhìn ngắm như thực chính là cái nhìn thấy của giác ngộ giải thoát, nó cao siêu mà giản dị hơn cái nhìn nhị nguyên một bậc đấy. Tất nhiên đầu tiên cũng rất khó, mình nhìn hắn thì hắn nhìn lại, mà nếu mình lơ là không phòng thủ là nó tấn công liền – thua trắng tay, ngã chổng vó đấy. Do đó cần cả một quá trình tu tập miên mật, kiên định, TUỆ ĐỊNH cùng có, cùng song hành, cùng phát triển tính năng đặc thù của nó để chấm dứt “khổ đau tham sân phiền não” ngay tại đây và bây giờ – chứ không phải “sửa” mà cũng không phải “không sửa!”
17- Vía, hồn, phách
Đạo Phật không có vía nào cả. Vía, hồn, phách là quan niệm của nhân gian. Ví dụ, ba hồn bảy vía, nam thất, nữ cửu – nam bảy vía, nữ chín vía. Nếu là nam thất, nữ cửu thì nó trùng với nam 7 khiếu, nữ 9 khiếu. Vía là phần hồn. Không có cái hồn, cái linh hồn tự tồn tại nếu không có chỗ nương gá. Vía không độc lập được. Như danh – phần tâm, sắc – phần thân – luôn nương tựa vào nhau. Chỉ có năng lực thiền định mới tạm thời tách lìa danh ra khỏi sắc, như cõi trời Vô Tưởng của tứ thiền. Tuy nhiên, cõi trời Vô Tưởng hữu tình này không phải là không có danh tâm mà chúng ở dạng tiềm miên. Còn các cõi trời Vô Sắc thì sắc không phải là không có, chúng cũng ở dạng tiềm miên. Thật đáng phàn nàn, Phật và Bồ-tát đều có “vía” cả! Và cũng thật là “đau khổ” khi trong lễ an vị Phật, người ta còn hô “Thần nhập tượng” nữa chứ!
Đó là tôn giáo, tín ngưỡng của dân gian chứ không phải của đạo Phật! Có một cái “vía” thì như có một “linh hồn” trường cửu. Đạo Phật đâu nói đến “linh hồn”, vì sao vậy? Đức Phật với trí tuệ siêu việt của bậc Chánh Đẳng Giác, khi nhìn thân tâm này, thân tâm chúng sanh, ngài thấy rằng có những sát-na tư tưởng nhỏ nhiệm trôi chảy liên tục mang ảo giác có một cái thân, tâm. Sự sinh, sự diệt trùng trùng, hóa thân trùng trùng, sầu bi khổ ưu não cũng trùng trùng… Tất cả chúng đều như từ sương khói mà hiện ra, từ sương khói mà diệt mất, dường như vô căn, vô cội nhưng chỉ có một dòng chảy, dòng chảy của sinh mệnh, nghiệp lực là liên lỉ từ vô thỉ đến vô chung… Tuy liên lỉ, mới mẻ liên tục nhưng không phải hằng hữu. Chúng chuyển biến, dịch hóa, thay đổi liên tục, nhưng không phải diệt mất… Chẳng có gì mất đi mà cũng chẳng có gì thường tại…
Dòng sông, thực sự là những giọt nước kế tục nhau trôi chảy. Mà giọt nước thực ra cũng chỉ là phân tử, những hạt, những sóng, những dạng năng lượng nhỏ nhiệm không có thực thể. Dòng tâm là những sát-na tư tưởng dính liền chảy trôi, sinh diệt liên tục (một sát-na tâm nhanh hơn 1/17 triệu giây đồng hồ)…Vì ta luôn bị cái “ảo giác” nó chi phối nên mới hình thành nên “cái ta”, “cái tôi”, hoặc là một “linh hồn”, một “thực thể” vĩnh hằng, vĩnh cửu. Và nếu như vậy thì khi tái sanh từ kiếp này sang kiếp khác thì cũng linh hồn đó hay sao? “Ta” ở kiếp này cũng là “ta” ở kiếp khác, không thay đổi hay sao? Như vậy là rơi vào tà kiến.
Vậy, vía, hồn, phách là quan niệm của dân gian, là cách nói khác của “linh hồn”, nó không có trong Phật Giáo. Nơi nào tin có hồn, vía, phách thì dẹp bỏ đi, không phải là có một “cục linh hồn” như thế nào đó đi tái sanh chỗ khác đâu. Đạo Phật chỉ nói đến những sát-na tư tưởng trôi chảy, trở thành, biến hoại liên tục, rất nhanh. Ví dụ, khi mình lâm chung, thấy chậu máu, thấy con dao thì sanh địa ngục liền, hoặc là thấy đóa hoa, thấy Phật (do tưởng) thì sanh thiên liền; sanh thiên mà không có cái gì từ đây đi lên đó cả, một ý nghĩ nó vụt từ đây lên đó tức khắc.
Có câu chuyện ni, có lẽ hư cấu của người Tây Tạng: “Có một vị thiền sư đi kinh hành trên núi, tự nhiên ông dừng lại và làm một động tác không ai hiểu cả. Bên kia đường có con trâu cái. Trong một sát-na tư tưởng thoáng qua, ông thấy người bạn của ông đầu thai vào con trâu cái đó! Cùng lúc, ông thoáng thấy một cô gái bước đi phía trước. Hành động của ông người ta đặt rất nhiều câu hỏi, ông lao tới như muốn hiếp dâm cô gái để cứu ông bạn khỏi tái sanh vào con trâu. Nghe nói ông cứu không kịp, cuối cùng ông bạn kia tái sinh làm con trâu”. Như vậy thì đâu có cái gì từ một nơi nào đó tái sanh vào con trâu, đó chỉ là một ý nghĩ thôi, một niệm thôi. Một vị tu theo Mật Tông nếu đắc định tứ thiền thì có thể hướng đến thần thông, mặc dù chưa đắc Đạo, Quả – nhưng có khả năng thấy biết được điều này điều khác. Mà chuyện ông sư vừa rồi chắc bị thiên hạ chửi dữ lắm, những điều huyền huyền mật mật đó ai biết được, phải không? Nói vậy để thấy rằng thần thức đi tái sanh rất nhanh, có đại thần thông cũng không cứu nổi. Đừng nghĩ rằng có một “linh hồn” đầu thai kiếp này kiếp khác, đừng lầm tưởng có một “linh hồn” vất vưởng đâu đó. Tâm tìm cảnh, danh tìm sắc tức khắc, danh sắc bất ly, có danh sắc mới tồn tại cái gọi là chúng sanh.
Như trên đã nói, hiện nay, lác đác một vài nơi nào đó, có nhiều hiện tượng rất nguy hiểm, không hiểu gì về đạo Phật cả. Sau khi an vị Phật, họ làm lễ “hô thần nhập tượng”, không biết “thần” gì, ở đâu mà tụng kinh để “thần” nhập vào trong tượng Phật? -  Huỷ báng Phật đó! Người ta tưởng có một ông thần, một cái vía ở chỗ này nhập vào chỗ kia, hoàn toàn ma mị, tà giáo. Trong kinh điển nói thế này, trong một nháy mắt, có hàng triệu sát sát-na, mà tâm chúng ta là sự kết nối của hàng triệu sát-na đang trôi chảy, sinh diệt liên tục. Vậy thì, linh hồn, vía, phách là những điều ảo tưởng, không thật, tà kiến, chúng ta dùng trí tuệ mà tin chắc sự thật như vậy.
18- Bồ-tát
Bồ-tát là âm của chữ Bodhisatta: Chúng sanh có trí tuệ. Vậy, chúng ta tạm thời bỏ quên “khái niệm Bồ-tát”quen thuộc trong dân gian mà trở về với nghĩa gốc là “chúng sanh có trí tuệ” trong kinh điển. Và như vậy, sẽ có hạng chúng sanh có trí tuệ với nguyện lực Thanh Văn; chúng sanh có trí tuệ với nguyện lực Độc Giác; chúng sanh có trí tuệ với nguyện lực Chánh Đẳng Giác. Ngoài 3 loại chúng sanh có trí tuệ trên không có loại chúng sanh có trí tuệ nào khác.
Hội chúng ở đây cũng có mấy trăm vị Bồ-tát nè, chỉ khởi tâm bi cảm là Bồ-tát rồi, có trí tuệ thấy rõ điều này điều kia nên cứu độ là Bồ-tát rồi. Nhân gian này cũng vậy, người có trí tuệ, có tu tập biết nhân quả thiện ác, thấy hoàn cảnh bi thương của chúng sanh là khởi tâm từ, tâm bi muốn cứu độ, đó đích thị là Bồ-tát.
Tôi muốn trở về nguyên ngữ từ Bồ-tát là chúng sanh có trí tuệ, không thôi nó nguy hiểm chỗ này: Bodhisatta người ta thường dịch là “giác hữu tình” tức là chúng sanh có trí tuệ, nhưng nếu dịch ngược lại “hữu tình giác” là đi giác ngộ chúng sanh. Vậy một bên là có trí tuệ để giác ngộ, một bên là đi cứu độ thiên hạ. Vì dịch thành hai nghĩa khác nhau hoàn toàn, rồi có người nói Bồ-tát bên Nguyên thủy thì tự giác ngộ mình; Bồ-tát bên Đại thừa thì đi cứu độ chúng sanh. Cũng một từ mà hình thành hai quan điểm khác nhau, hai lối sống trái ngược nhau.
Thời kỳ đức Phật có ba loại Bồ-tát, bậc có trí tuệ như đã khái lược ở trên. Cho nên phải trở về nguyên ngữ để thông tỏ mọi con đường, khỏi sinh ra chấp trước. Tôi chỉ muốn chính danh từ Bồ-tát để quý vị đừng hiểu lầm mà thôi. 
19- Phật
Phật là âm của chữ Buddha, nghĩa là người Giác ngộ, đấng Giác Ngộ, bậc Giác Ngộ. Vậy chúng ta nên tạm thời bỏ quên “khái niệm Phật” từ lâu đã mọc rễ trong tâm thức hoặc cái hiểu của phần đông mà trở về nghĩa gốc là bậc Giác ngộ. Vậy, có người Giác Ngộ do nghe pháp từ bậc Chánh Đẳng Giác, được gọi là Thanh Văn Giác. Có người Giác Ngộ do tự mình tu tập vào thời không có đức Chánh Đẳng Giác, được gọi là Độc Giác. Có vị Giác Ngộ do trọn vẹn 30 ba-la-mật, trọn vẹn minh và hạnh nên gọi là Chánh Đẳng Giác. Không có vị Giác Ngộ (Phật) nào ngoài 3 loại Giác Ngộ trên.
Từ 2000 năm nay, Tiếng Hán dịch chữ Buddha – nghĩa là bậc giác ngộ; nhưng họ dịch âm nó là “Phật”. Một bên chữ nhân, một bên chữ phất, không có nghĩa gì cả – vì dù sao cũng chỉ là âm thôi. Sư Ông Làng Mai không dùng âm chữ Phật của Trung Quốc mà âm chữ “Bụt” theo ngôn ngữ Việt cũng có lý do của ngài. Sư Ông đưa hình ảnh của “Bụt” rất đẹp, nó đưa chúng ta trở về với tình tự của quê hương, của dân tộc, hợp với ca dao tục ngữ, hợp với ước mơ của trẻ thơ. Dầu chữ “Bụt” rất hay, rất Việt nhưng mà tôi chưa ưng ý lắm, vẫn ngại. Bởi vì “Bụt” là hình ảnh của ông Tiên trong ca dao tục ngữ Việt Nam chứ không phải hiện thân của bậc Chánh Đẳng Giác. Tôi lại muốn để nguyên chữ Buddha hoặc dùng nghĩa chữ là bậc Giác Ngộ[9] hay hơn, đúng hơn, chính xác hơn. Nó vừa ly thoát bóng dáng của Trung Quốc, vừa vượt ra ngoài khuôn mẫu bình dân của ca dao tục ngữ Việt Nam.
20- Thể nhập
Tu là không thể nhập vào cái gì cả. Thể nhập là bỏ cái ngã này để nhập vào cái ngã khác. “Cái ngã” khác ấy có thể là dòng sông, có thể là ngọn núi, có thể là một cội cây, có thể là một thần linh, thượng đế. Cụm từ “thể nhập pháp giới” rất dễ bị hiểu lầm. Khi đi, chánh niệm, tỉnh giác trọn vẹn với cái đi; khi nói, chánh niệm, tỉnh giác trọn vẹn với cái nói; khi ăn, chánh niệm, tỉnh giác trọn vẹn với cái ăn – đấy mới đúng nghĩa “thể nhập pháp giới”, ngay giây khắc ấy, mọi tham sân, phiền não không có chỗ để phân duyên, sanh khởi.
Vậy mình tu để nhập vào cái gì đây? Tôi đã từng thấy có lác đác một vài cuốn sách viết về thiền nói đại khái thế này: Khi nhìn dòng sông, tôi vong ngã vong pháp, tôi nhập vào dòng sông; khi nhìn chiếc lá rơi, tôi thể nhập vào chiếc lá; khi nhìn đám mây trắng tôi thể nhập vào đám mây trắng… Vị nào viết thiền kiểu đó thì nguy, thể nhập là đánh mất mình, là có cái ngã này nhập vào ngã khác, hoàn toàn sai lầm. Tôi nhớ J. Krishnamurti có nói một câu tương tự như vậy nhưng ý tứ lại khác hoàn toàn “khi tôi ngồi bên gốc cây, tôi với gốc cây là một”. Tôi đọc câu đó từ thuở thanh niên mà nghĩ mãi không ra, mần răng mà một được hè, mình thì ngồi đây, gốc cây thì bên nớ, đến khi tu tập khá lâu rồi mới hiểu: Khi mà vong ngã, vong pháp thì làm gì còn cái ngã nữa mà phân biệt tôi với gốc cây, cái gì cũng một hết, bên kinh Hoa Nghiêm cũng nói“một là tất cả, tất cả là một”. Một đây là không còn phân biệt nhĩ ngã, không còn phân biệt tâm vật, không còn phân biệt trong ngoài. Khi nào tuệ giác trở về với thế giới vi mô mới thấy rõ điều đó – vì chúng chỉ là các định luật tâm lý, định luật sinh lý, định luật cơ học, quang học, định luật nhiệt động học…. Ai không hiểu điều này thì nên hỏi thêm các nhà Vật Lý, họ có thẩm quyền hơn, còn tôi chỉ hiểu ngang đây thôi.
Bên Nguyên thủy, “thể nhập pháp giới” phải được hiểu là trọn vẹn từng bước chân, trọn vẹn từng hơi thở, trọn vẹn từng cử chỉ, hành động… Đó là trở về với Tứ Niệm Xứ mà đức Phật dạy: Đây là con đường độc lộ, độc đạo, duy nhất đi đến chánh trí giải thoát, không có con đường nào khác. Đây là gợi nhắc, gợi ý, trao gởi cuối cùng, ai có duyên thì tu tập tuệ minh sát.
Minh Đức Triều Tâm Ảnh
 Pháp thoại trên được hoà thượng Giới Đức ( Minh Đức Triều Tâm Ảnh ) giảng tại Hội Phật học Đuốc Tuệ -Trung tâm Sangha Center – Nam California
[1] Ngài A-Nan sống thọ đến 120 tuổi, thọ hơn Đức Phật 40 tuổi.
[2] Có nơi ghi dịch giả là của Huyền Quang tam tổ Trúc Lâm (?).
[3] Có rất nhiều nơi trích lại bản dịch của HT. Thanh Từ.
[4] Cư trần lạc đạo thả tùy duyên. Cơ tắc xan hề khốn tắc miên. Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch. Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.
[5] Lưu thủy hạ sơn phi hữu ý. Bạch vân xuất tụ bản vô tâm. Mạc vị vô tâm vân thị đạo. Vô tâm do cách nhất trùng quan
[6] Là Suñnatā: Không tính; là không có thực thể, ngã tính; vì duyên khởi nên các pháp là không, là vô ngã. Nó ly thoát tất cả mọi ý niệm không, phạm trù không do thế gian, con người dính mắc, hiểu lầm. Đại lược như: không của tư, không của ý niệm, không của thức, không của tưởng, không bên trong, không bên ngoài, không cả trong ngoài, không không, pháp giới không… Tất cả chúng đều sai lầm. Thật ra, không tính mới là thực tính của các pháp, không tính đồng nghĩa với pháp tánh như thị, như chân (Yathābhūtādhammatā) – cũng đồng nghĩa với thập như thị của kinh Pháp hoa. 
[7] Có 10 kiết sử hay 10 sợi dây trói buộc. Bậc thánh Nhập Lưu tháo bỏ được ba sợi dây đầu tiên (thân kiến, hoài nghi, giới cấm thủ); Bậc thánh Thất Lai làm lỏng thêm được hai sợi dây kế tiếp (tình dục, bất bình); Bậc thánh Nhất Lai (cắt đứt cả năm sợi); Bậc thánh A-La-Hán (tháo bỏ thêm 5 sợi dây cuối cùng: sắc ái, vô sắc ái,ngã mạn, phóng tâm, vô minh).
[8] Lấy cảm xúc từ một bức tượng Phật ngồi uy nghi giữa đống đổ nát của một ngôi chùa bị sụp đổ vào ngày 29 tháng 4 năm 2015 tại cơn động đất ở Bhaktapur, Nepal. Credit: David Ramos / Getty.
[9] Có ba trình độ giác ngộ khác nhau: Giác ngộ của Bậc Thanh Văn; Giác ngộ của bậc Độc Giác; Giác ngộ của bậc Chánh Đẳng Giác

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét