Thứ Năm, 27 tháng 9, 2018

Hai mươi điều khó

 " Phải Trái rụng theo Hoa buổi sớm
Danh Lợi lạnh với trận mưa đêm
Hoa tàn mưa tạnh non im vắng 
Xuân cỗi còn nguyên một tiếng Chim "
- Trần Thái Tông -



HAI MƯƠI ĐIỀU KHÓ

1- Nghèo khổ bố thí là khó

2- Giàu sang học đạo là khó

3- Bỏ thân mạng vì lẽ phải là khó

4- Hiểu được và thông suốt kinh Phật là khó

5- Sinh cùng thời với Phật và gặp Phật là khó

6- Nhẫn chịu được sắc dục là khó

7- Thấy tốt đẹp không ham cầu là khó

8- Bị nhục mà không oán hờn là khó

9- Có thế lực không cậy uy quyền là khó

10- Đối cảnh tâm không lay động là khó

11- Học rộng, nghiên cứu nhiều là khó

12- Trừ diệt cống cao ngã mạn là khó

13- Không khinh khi người chưa học là khó

14- Thực hành tâm bình đẳng là khó

15- Chẳng nói phải trái là khó

16- Gặp được thiện tri thức là khó

17- Học đạo, kiến tánh là khó

18- Tùy duyên hóa độ là khó

19- Thấy cảnh vô tâm là khó

20- Khéo biết phương tiện độ sinh là khó

- Lời Phật dậy -

Phật dạy 20 điều khó, không mang một sắc thái bi quan hay chán chường mà nhằm chỉ dạy cho chúng ta phải ý thức rằng sự sống này là phải nương nhờ lẫn nhau mới bảo tồn mạng sống, trên nền tảng của nhân quả. Và chúng ta phải cố gắng, rèn luyện nhân cách, đạo đức tâm linh, để vượt lên trên những gì tầm thường của thế gian.

Hễ được làm người là một điều vô cùng cao quý và hơn hẳn các loài khác nhờ biết suy nghĩ, nhận định phải quấy, tốt xấu, đúng sai. Cuộc sống của chúng ta là một chuỗi dài nhân duyên chằng chịt đan xen lẫn nhau, cho nên ta phải có trách nhiệm thương yêu, bao bọc che chở cho nhau bằng trái tim hiểu biết. Ai sống mà có hiểu biết chân chính và nhận thức đúng đắn, nhờ tin sâu lời Phật dạy thì họ sẽ dễ dàng vươn lên những chướng duyên, nghịch cảnh mà vượt qua cạm bẫy cuộc đời bằng tình người trong cuộc sống.

Hai mươi điều “Khó” ở đây không có nghĩa là không làm được mà Phật muốn nhắc nhở chúng ta ý thức rằng, ai muốn trở thành những bậc Thánh nhân, những vị Bồ tát và thành Phật trong tương lai, trước tiên cần phải vượt qua 20 điều khó này. Khó, được xem như là yếu tố quan trọng để nung đúc tinh thần chúng ta thêm sức chịu đựng bền bỉ và vững vàng trên con đường Phật đạo, là hành trang quý báu, không thể thiếu trong đời sống tu hành của chúng ta.
Như chúng ta đã biết, dùng tâm đại từ bi rộng lớn để giúp cho mọi người sống trong chính niệm tỉnh giác thật là việc khó. Tin sâu Tam bảo là một việc khó. Tin sâu nhân quả thiện ác cũng là một việc khó và tin chính mình có khả năng thành Phật lại càng khó hơn. Và chúng ta tin rằng mọi người đều có thể chuyển hoá được phiền não tham, sân, si, mạn nghi, ác kiến là một việc khó, tuy những điều này là rất khó đối với những người quá tham lam ích kỷ.


CHÚ GIẢI 20 ĐIỀU KHÓ

1. Nghèo khó bố thí là khó
Cái khó đầu tiên, được nêu lên trong bản kinh Tứ thập nhị chương trong chuỗi dài 20 cái khó lại là sự bố thí của người nghèo khổ.
Người nghèo khổ được định nghĩa là người thiếu thốn, khó khăn về phương diện sở hữu tài sản, vật chất như tiền bạc của cải. Về vật chất, họ cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, nợ nần chồng chất. Về tinh thần họ khó mở rộng tấm lòng nhân ái.
Còn bố thí là sự cho cùng khắp rộng rãi với tinh thần cho, tặng, biếu, giúp đỡ, chia sẻ, ban, hiến, tặng và cuối cùng là cúng dường một cách tự nguyện với lòng tôn kính, nó đòi hỏi người cho phải giàu có dư dã nhiều tiền của. Với người bình thường thì ta dùng từ cho, giúp đỡ, hiến, tặng. Với người có địa vị cao trong xã hội thì ta dùng từ kính tặng hay kính biếu. Với cha mẹ ông bà hoặc thầy tổ, thầy cô giáo thì ta dùng từ cúng dường. Cũng là từ bố thí nhưng tùy theo vị trí và chức năng địa vị trong gia đình và xã hội mà ta dùng từ ngữ có khác nhau để tỏ lòng cung kính và tôn trọng.
Đằng này, người nghèo dù thiếu thốn, khó khăn nhưng vẫn biết làm việc bố thí, cúng dường thì còn gì cao quý hơn, chúng ta hãy nên khích lệ và tán thán những người như thế. Họ là những vị Bồ tát đích thực trong hiện tại và mai sau.
Nghèo khổ mà biết bố thí, cúng dường là nói lên ý nghĩa cao cả của lòng từ bi rộng lớn bằng tình người trong cuộc sống, nó nói lên thái độ không oán trách, không than vãn, không đổ thừa hoàn cảnh, thể hiện lòng vị tha với sự bao dung và độ lượng, bằng trái tim yêu thương và hiểu biết.
Ngoài ra, ta còn thấu hiểu được rằng người nghèo khổ mà biết bố thí, cúng dường là người đã có lòng tin sâu sắc đối với nhân quả nghiệp báo. Họ nhận ra rằng sự nghèo khó, là bởi ảnh hưởng của nghiệp nhân quá khứ do tham lam, ích kỷ, bỏn sẻn, keo kiệt, và trộm cướp lừa gạt của người khác.
Trong các hạng người ở xã hội với đủ các thành phần từ bậc vua chúa quan quyền cho đến thứ dân bần cùng. Người nghèo khổ mà biết bố thí là điều khó nhất. Vì sao? Vì nghèo thì thiếu trước hụt sau, cơm không đủ ăn áo không đủ mặc, nợ nần chồng chất thì thử hỏi làm sao có thể bố thí, giúp đỡ cho người khác được?
Thời đức Phật, có hai vợ chồng là phật tử thuần thành rất kính tin Tam bảo, nhưng hoàn cảnh gia đình lại nghèo khó, bữa đói, bữa no, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Một hôm, người chồng đến chùa làm công quả thấy các phật tử xa gần đem nhiều vật thực đến cúng dường Tam bảo, anh phát tâm vui vẻ tùy hỷ và vô cùng phấn khởi khi thấy những việc làm có ích và cao cả như thế.
Về nhà, trong lòng anh chợt dấy khởi lên tâm mong muốn cúng dường Tam bảo, nhưng ngặt nỗi nhà anh quá nghèo, không có cái gì để mang đến chùa cúng dường, anh ta tủi thân, buồn rầu, lo lắng cho đến mất ăn, mất ngủ. Người vợ biết được tâm niệm tốt của chồng, bèn nói với anh rằng hay là anh đem bán em đi, để lấy tiền cúng dường. Người chồng nghe bà xã nói vậy càng buồn thêm, vì ai nỡ nhẫn tâm làm như thế, cuối cùng cả hai vợ chồng bàn nhau đi mượn nợ cúng dường và sau đó chấp nhận ở đợ, làm mướn suốt đời.
Sau khi suy tính, đắn đo, chọn lựa, kỹ càng hai vợ chồng liền đến nhà ông phú hộ trong làng để trình bày ý muốn như thế và sau khi cúng dường xong hai vợ chồng phải đến đây làm việc ở đợ suốt đời cho phú ông. Phú ông nghe nói thế liền cho mượn và trong lòng cũng vui theo.
Nhận được tiền, hai vợ chồng vui mừng mang đến cúng dường trai tăng với tất cả tấm lòng thành kính và sự biết ơn. Buổi lễ cúng dường đã được sáu ngày và chỉ còn một ngày nữa thôi là hai vợ chồng phải đến nhà ông phú hộ ở đợ trả nợ suốt đời. Cũng cùng ngày đó nhà vua muốn làm một việc phước đức nên đã đến chùa cúng dường. Nhưng sau khi biết được câu chuyện, có hai vợ chồng nhà nghèo mượn nợ cúng dường trai tăng, làm cho nhà vua cảm động và thương xót vô cùng.
Về triều, nhà vua đem chuyện này thuật lại cho các quan quân, quần thần cùng nghe, ai cũng đem lòng mến mộ và cảm phục hai vợ chồng nghèo kia. Và sau đó, nhà vua truyền lệnh cấp phát tiền bạc, nhà cửa, ruộng vườn cho hai vợ chồng nghèo đó có tiền trả nợ và còn dư chút đỉnh để làm ăn sinh sống. Từ đó hai vợ chồng trở nên giàu có và càng tin sâu Tam bảo hơn, cho nên thường xuyên phát tâm bố thí, cúng dường và giúp đỡ người nghèo khó nhiều hơn.
Người nghèo khổ mà dám phát tâm thực hành bố thí, cúng dường là một điều rất khó, như hai vợ chồng trong câu chuyện trên thật là hiếm thấy trong thời của chúng ta.
Một vị minh quân hay một ông vua sáng suốt, hiểu được đạo lý làm người biết phát huy những việc làm phước đức như ông vua kể trên thật là hạnh phúc cho tất cả mọi người chúng ta. Lịch sử nhân loại đã từng có rất nhiều vị lãnh đạo quốc gia làm được những việc như thế. Ở Việt Nam có Trần Nhân Tông, một vị vua lãnh đạo đất nước bằng tinh thần Bi, Trí, Dũng của đạo Phật, hướng dẫn dân chúng tu hành theo tinh thần Phật dạy, xây dựng nên một nước Việt Nam hùng cường về mọi mặt, bên ngoài chiến thắng giặc ngoại xâm, bên trong dân chúng sống cơm no, áo ấm và bình yên hạnh phúc.
Đạo lý nhà Phật dạy con người sống có ích cho đời và đạo, không vì lợi ích riêng tư mà làm khổ mình, khổ người. Người phật tử khi thực hành bố thí cho người, dù họ là người ăn xin hay kẻ tật nguyền cũng đều phải cung kính tôn trọng, không cho mình là người cao quý, mà có thái độ xem thường hay khinh rẻ.
Tóm lại, người nghèo khổ mà biết thực hành bố thí, cúng dường với lòng thành kính quả là một điều rất khó, ngoại trừ người này đã kính tin Tam bảo, tin sâu nhân quả và tin chính mình là chủ nhân ông của bao điều hoạ phúc.

2. Giàu sang học đạo là khó
Ở thế gian này nhiều người giàu có sung mãn đầy đủ vật chất ít bao giờ nghĩ đến việc tu học, tín tâm Tam bảo và tin sâu nhân quả. Họ đam mê, dính mắc vào những tài sản vật chất như đất đai, ruộng vườn, nhà cao cửa rộng, xe hơi và tiền bạc. Chính sự giàu có về sở hữu vật chất quá đáng nên đã làm cho họ bị trói buộc trong tham ái và lo sợ mất mát. Họ cho rằng vật chất là mục đích tối hậu của cuộc sống, nên suốt ngày họ đua đòi, bon chen chạy theo tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ăn ngon, mặc đẹp ngủ nhiều.
Tại sao, giàu có học đạo khó? Người giàu có, luôn bận rộn trong việc kiếm tiền cho nên niềm đam mê của họ giống như chất keo dán sắt dính vào khó gỡ ra. Họ mải mê lo làm giàu, bận rộn trong đời sống đua chen, giành giật và sợ bị mất mát hao hụt nên họ càng bám víu vào đó để giữ gìn.
Trong kinh Phật dạy, quả báo của những kẻ giàu sang, nhờ biết bố thí nhưng không chịu tu học hạnh giác ngộ giải thoát, nên không có trí huệ sau khi thân hoại mạng chung, sẽ có thể tái sinh làm voi, ngựa quý cho nhà vua. Hai loài đó, tuy được trang sức lộng lẫy, để chở nhà vua và hoàng hậu đi đây đó ngắm cảnh xem hoa, vui thú cảnh sông hồ thiên nhiên đẹp đẽ. Chính vì thế, giàu sang mà biết buông xả để học đạo giải thoát quả là một điều rất khó. Cho nên giàu sang mà biết học đạo được liệt vào hàng thứ hai, đối lập với nghèo khổ mà biết bố thí.
Quá giàu và quá nghèo mà làm được việc ân nghĩa là điều hy hữu, hiếm có xưa nay nhưng không phải là không có. Những tấm lòng vàng, những nhà hảo tâm, triệu phú, tỷ phú họ đã từng đóng góp đáng kể vào các dịch vụ từ thiện, xây dựng mở mang cầu đường, chùa to Phật lớn đều là do những người giàu có nhất phát tâm ủng hộ. Và quan trọng hơn hết, ngoài việc bố thí cúng dường giúp đỡ sẻ chia, họ còn biết buông xả những tâm tư chấp trước dính mắc mê muội, nên cuộc sống của họ lúc nào cũng bình yên hạnh phúc.
Giàu như vua Tần Bà Sa La, trưởng giả Cấp Cô Độc ngày xưa khi Phật còn tại thế, họ vừa phát tâm bố thí cúng dường và vừa phát tâm học đạo giải thoát, nên ngày hôm nay chúng ta biết được những tấm gương sáng ngời có cả hai mặt phước báo và trí tuệ. Có phước báo nên giúp được nhiều người, có trí tuệ nên không tham đắm dính mắc vào bất cứ một thứ tài sản sở hữu nào, do đó tâm an nhiên tự tại mà không bị phiền não tham-sân-si chi phối.
Và để nói lên giá trị của người giàu có nhưng mà vẫn thiết tha học đạo, chúng tôi sẽ kể cho quý vị nghe một câu chuyện thời đức Phật còn tại thế, có một trưởng giả tên là Tu Đạt, nhà giàu nhất nước Kiều Tát La do vua Ba Tư Nặc trị vì. Một hôm, sau chuyến buôn hàng sang nước Ma Kiệt Đà của vua Tần Bà Sa La, mua bán xong ông trở về nhà người anh rể của mình để nghỉ ngơi.
Thường lệ, khi ông về tới, mọi người trong nhà đều ra trước ngõ đón tiếp ân cần, niềm nở nhưng hôm nay ông thấy không ai quan tâm để ý đến ông cả, thật lạ lùng. Ông lấy làm ngạc nhiên mới hỏi người anh rể, mới biết cả nhà đang bận rộn việc chuẩn bị đồ ăn, thức uống để cúng dường 1250 vị Tỳ kheo trong tăng đoàn của đức Phật. Lần đầu tiên nghe đến đức Phật, Tu Đạt thắc mắc với người anh rể: “Phật là gì mà mọi người phải cung kính, tôn trọng?”
Người anh rể bảo rằng: “Đức Phật trước đây là Thái tử Tất Đạt Đa, con vua Tịnh Phạn và Hoàng hậu Ma Da, ông là người được kế thừa ngôi vua, mà dám từ bỏ ngôi vị, cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con xinh, thần dân thiên hạ để xuất gia tu hành, nay đã thành Phật”.
Tu Đạt nghe qua, bỗng cảm thấy trong lòng an ổn lạ thường nên muốn gặp đức Phật liền tức khắc, nhưng lúc này trời tối đành chờ lại sáng mai. Vì khao khát và mong muốn được gặp đức Phật nên suốt cả đêm, ông không sao ngủ được.
Tờ mờ sáng hôm sau, ông đã có mặt tại Tịnh xá Trúc Lâm, nơi đức Phật đang tịnh dưỡng. Vừa mới tới, ông nghe một giọng nói trầm hùng: “Này Tu Đà Cấp Cô Độc, ta là người mà ông cần gặp đây”. Tu Đạt rất đỗi ngạc nhiên, tại sao cái tên Tu Đà của ta chỉ có người trong gia tộc mới biết và không ai được gọi, thế mà ở đây lại có người biết và gọi mình như vậy? Tu Đạt nghĩ rằng, hay là ở đây có người bậc trên của gia tộc mình? Trong lúc còn đang ngớ ngẩn, ông thấy một người tướng mạo trang nghiêm, điềm đạm đi tới.
Bất giác Tu Đạt liền quỳ xuống đảnh lễ đức Phật, trong lòng cảm thấy thoải mái và an lạc vô cùng. Và ngay lúc đó, ông được đức Phật khai thị pháp môn căn bản cho người tại gia.
Nghe xong bài pháp, Tu Đạt Cấp Cô Độc chứng quả Tu Đà Hoàn, nghĩa là được vào dòng Thánh, không còn bị đọa lạc trong ba đường dữ: địa ngục, súc sinh và ngạ quỷ. Sau đó ông phát nguyện quy y Tam bảo, gìn giữ năm điều đạo đức và phát tâm cúng dường hộ trì Tam bảo, suốt đời giúp đỡ người bất hạnh nghèo khó. Nhờ tín tâm thuần thục, ông xin Phật cho xây dựng một tịnh xá lớn để chư tăng có chỗ giáo hóa và tu hành. Đức Phật chấp nhận lời thỉnh cầu của ông. 
Cấp Cô Độc có nghĩa là cung cấp sự cần thiết cho người cô độc, côi cút, không nhà cửa, không người nuôi dưỡng, nghèo khổ. Trong đời, ông vốn cũng đã có lòng nhân từ, thường giúp đỡ mọi người không phân biệt thân, sơ. Đến khi gặp Phật, ông càng mở rộng tấm lòng bao la rộng lớn hơn.
Từ đó, ông trở về nước để tìm mua một khu đất rộng rãi, địa điểm thuận lợi, nhằm xây dựng một tịnh xá lớn cho chư tăng tu học, giáo hoá và hành trì. Ông tìm mãi mà không thấy nơi nào có miếng đất vừa ý, ngoài khu vườn của Thái tử Kỳ Đà - con vua Ba Tư Nặc. Thái tử Kỳ Đà giàu có, đâu cần bán đất để làm gì? Nhưng vì quá ưa thích, ông bạo gan đến hỏi mua, Thái tử Kỳ Đà bảo rằng:
“Tôi sẵn sàng bán khu vườn cho ông với một điều kiện duy nhất, ông phải trải vàng lót đầy đất”.
Nghe Thái tử nói thế Cấp Cô Độc mừng quá nên đồng ý liền, và cho người nhà chở vàng đến lót gần kín khu vườn, chỉ còn một khoảnh nữa là xong. Cấp Cô Độc đang suy nghĩ nên lấy số vàng trong kho nào để lót cho đủ, Thái tử Kỳ Đà đến hỏi:
“Bộ ông tiếc của hay sao mà đứng ngẩn người ra như thế?”
Cấp Cô Độc trả lời:
“Thưa thái tử, không phải thế đâu. Tôi đang tính xem phải xây dựng tịnh xá như thế nào để chứa đủ chư tăng và phật tử các nơi về đây nghe pháp và tu tập”. 
Nghe vậy, Thái tử Kỳ Đà cảm phục tấm lòng cao cả của ông đối với đức Phật và tăng đoàn, thái tử tuyên bố:
“Kể từ giờ phút này, ông khỏi cần lót vàng nữa đất khu vườn này thuộc về ông, còn rừng cây trong vườn tôi xin hoan hỷ cúng dường cho đức Phật”.

Ngày nay, đọc các bản kinh, chúng ta thường thấy: “Tôi nghe như vầy, một thời đức Phật ở rừng cây Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Độc…” Đây chính là tịnh xá trong khu vườn do Cấp Cô Độc và Thái tử Kỳ Đà cùng dâng cúng. Đặc biệt, trong 49 năm thuyết pháp độ sinh, đức Phật đã ở tại tịnh xá này suốt 25 mùa an cư kiết hạ.
Nói về Trưởng giả Cấp Cô Độc sau khi gặp đức Phật, ông luôn hết lòng tôn kính cúng dường Tam bảo và giúp đỡ người cô độc bần cùng với lòng thành kính của mình. Suốt mấy chục năm thực hành bố thí cúng dường, cuối cùng tài sản nhà ông cũng cạn kiệt, do bị lũ lụt cuốn trôi. Gia tài sự nghiệp đã tan tành theo mây khói, cho đến khi cả nhà ông phải dùng cháo thay cơm mỗi bữa, nhưng ông vẫn một lòng tín tâm, chia bớt phần ăn của mình để cúng dường chư tăng.
Nhờ phước đức bố thí, cúng dường quá lớn lao cùng với lòng thành kính của ông trong quá khứ và hiện tại, nên chẳng bao lâu sau, gia đình ông làm ăn được khấm khá trở lại. Và ông vẫn tiếp tục thực hành bố thí, cúng dường như trước đây mà không biệt thân sơ.
Đạo lý nhân quả nhà Phật giúp ta sáng ngời tình nhân loại trong hạt giống từ bi của hạnh bố thí, sẻ chia. Qua đó, chúng ta thấy hành động bố thí quan trọng ở tâm chân thành và lòng tôn kính như trường hợp của Cấp Cô Độc, một lòng gieo duyên với ruộng phước lớn. Và ông đã chứng quả “bất thoái chuyển” ngay trong hạnh này. Chúng ta nên nhớ rằng, phát tâm bố thí, cúng dường như gửi tiền vào ngân hàng, tuy không thấy có tiền nhưng khi cần xài liền rút ra.
Cấp Cô Độc phát tâm cúng dường Tam bảo không biết mệt mỏi, nhàm chán, ông còn giúp đỡ những người cô độc nghèo khó không nơi nương tựa. Vì vậy, ông được quần chúng nhân dân tặng cho danh hiệu là Cấp Cô Độc.
Trong lịch sử Phật giáo, Cấp Cô Độc là tấm gương sáng về hạnh bố thí, cúng dường để chúng ta học hỏi noi theo. Con người muốn hoàn thiện nhân cách, lối sống, đạo đức… phải có sự học hiểu và tu tập hành trì. Người có đủ niềm tin Tam bảo, được chứng quả bất thối chuyển, người đó dù có gặp nghịch cảnh, khó khăn như thế nào, họ cũng giữ vững tấm lòng tốt của mình.
Bố thí, cúng dường là con đường dẫn đến tình yêu thương nhân loại bằng tình người trong cuộc sống, là cách thức xóa bỏ ân oán hận thù để ta cùng ngồi lại bên nhau, bằng trái tim yêu thương và hiểu biết.

Bố thí, cúng dường là nấc thang đầu tiên của hàng Bồ tát để từng bước tiến lên con đường Phật đạo. Nhờ bố thí, cúng dường mà tâm ta được an lạc, thảnh thơi, thấy ai cũng là người thân thương của mình, không còn thấy ai là kẻ thù, nên mọi người dễ dàng thương yêu và đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau hơn.
Phật dạy, người biết gieo trồng phước đức thì trong hiện tại và tương lai được đầy đủ, giàu sang như ta có tiền gửi ngân hàng rút dần ra xài, còn người không biết gieo trồng phước đức thì như người có đồng nào xài đồng nấy, luôn phải chịu nghèo khó, vất vả cả đời mà chẳng có của dư.
Cấp Cô Độc là người giàu có, ngoài việc biết bố thí, cúng dường, giúp đỡ sẻ chia, ngài còn là tấm gương sáng trong việc tu học và còn hướng dẫn toàn thể gia tộc tin sâu nhân quả và tín tâm Tam bảo. Nhờ vậy, trước khi mạng chung ngài được Tôn giả Xá Lợi Phật và Tôn giả A Nan đến khai thị và sau đó an nhiên tự tại ra đi mà được sinh về cõi trời.
Còn chúng ta bây giờ là người xuất gia lúc nào cũng khuyên nhủ mọi người buông xả, nhưng ngược lại ta lại tham đắm chất chứa, nên một số người sống tèn tèn chẳng làm gì lợi ích cho ai mà vẫn thọ dụng của đàn na tín thí.
Nhiều người giàu có sẵn sàng bỏ ra hàng trăm tỉ để cúng dường Tam bảo, xây chùa to Phật lớn nhằm tạo thêm lòng tin cho mọi người biết, sự cao quý và giá trị thiết thực của đạo Phật, được xây dựng trên nền tảng nhân quả. Cho nên giàu có mà biết bố thí, cúng dường và khiêm tốn thấp mình học đạo, đó là gương sáng của các vị đại Bồ tát mới có thể làm được. Chúng ta phải biết trân trọng và tôn kính. Do đó Phật dạy giàu có mà biết bố thí, cúng dường là điều khó.

3. Bỏ thân mạng vì lẽ phải là khó
Mạng sống con người quý giá vô cùng cho nên xã hội đều có luật pháp hẳn hoi, để trừng trị những ai đánh mắng làm gây thương tích hoặc giết người. Bởi thế cho nên, đã là con người tất nhiên ai cũng tham sống, sợ chết. Tâm lý ấy phổ biến, đến nỗi nó trở thành bản năng số một của con người. Bản năng thứ hai là sống để hưởng thụ. Bỏ thân mạng vì lẽ phải rất là khó. Vì sao? Vì ai cũng quý trọng thân này, ai cũng tham sống sợ chết không ai muốn chết một cách vô lý hoặc chết vì một lý tưởng nào đó nếu không có lợi ích.
Lẽ phải, đứng trên quan điểm Phật giáo mà phân tích thì nó là chân lý của cuộc đời. Và làm cách nào để con người biết thương yêu đùm bọc, giúp đỡ, lẫn nhau bằng trái tim hiểu biết nhờ vậy mà giải thoát mọi phiền muộn khổ đau. Chết vì lẽ phải là thực hiện và bảo vệ chân lý lời Phật dạy trên bước đường hoằng hóa, trên cầu thành Phật dưới cứu độ chúng sinh. Đó là cách thức bảo vệ lẽ phải tối cao nhất trong cuộc đời của người phật tử chân chính.
Đứng về cuộc đời, nó có thể là sự hy sinh cao cả và bảo vệ sự tồn vong của một đất nước, vì quyền lợi của một dân tộc và nói chung là của cả toàn thể nhân loại. Nếu thế giới này không có những đất nước vì quyền lợi chung, bảo vệ hòa bình cho nhân loại thì trái đất này sẽ là bãi chiến trường đẫm máu, bởi vì lòng tham lam và sự ích kỷ của một số người quá cuồng tín.
Có nhiều người cho rằng lẽ phải thuộc về kẻ chiến thắng và người thua là kẻ nghèo, nghèo không có quyền nói hay đóng góp một cái gì đó cho kẻ chiến thắng. Đây là quan niệm sai lầm của một số người thiếu hiểu biết, họ chỉ vì quyền lợi riêng tư mà dùng thế lực để đè bẹp thiên hạ.
Muốn hiểu hết được ý nghĩa sâu xa lời Phật dạy, trước hết ta cần phải nêu ra những tấm gương sáng dám hy sinh thân mạng của mình để bảo vệ đạo và đời được trường tồn. Đời người, cuối cùng rồi ai cũng phải chết chỉ đến sớm hay muộn mà thôi, nhưng nếu được kết thúc vì mục đích lợi tha hướng thượng sẽ đem lại giá trị thiết thực cho nhân loại và mang ý nghĩa cao cả vô cùng xứng đáng được tán dương và khen ngợi.
Trong lịch sử Phật giáo, chúng ta hết sức khâm phục tấm gương sáng, của Tôn giả Phú Lâu Na về tinh thần học đạo chí thiết và tấm lòng vô ngã vị tha muốn đem ánh đạo vàng tới một nước dân chúng sống không biết lẽ phải, tàn nhẫn ác độc.
Đức Phật biết dân ở xứ này khó giáo hóa độ sinh, phải là những người có tấm lòng từ bi rộng lớn và cao cả thì hoạ may mới cảm hoá được họ. Sau một loạt chất vấn thử thách đệ tử của mình, Tôn giả Phú Lâu Na chứng tỏ được khả năng và bản lĩnh của mình qua sự chịu đựng, an nhẫn vô điều kiện.
Phật hỏi: “Giả sử người dân nước đó chửi, đánh mắng, ném đá hoặc dùng dao gậy giết ông, thì ông phải đối xử với họ ra sao?” “Nếu họ có chửi hoặc đánh mắng hay ném đá và sau đó có thể dùng dao gậy để giết con thì con sẽ cám ơn họ, vì nhờ họ mà con tăng thêm khả năng chịu đựng, trong hoàn cảnh không được hài lòng vừa ý. Và nếu họ có giết con thì con càng cám ơn họ hơn, vì họ đã giúp cho con thoát khỏi cái thân nhơ nhớp này”. Với tấm lòng bao dung và độ lượng đó, tôn giả đã độ được 500 người xuất gia và vô số người quy y Tam bảo phát nguyện gìn giữ năm điều đạo đức.

Tóm lại, Phật dạy: “Dám chết vì lẽ phải” là một điều khó làm vì bản tính con người vốn tham sống, sợ chết. Điều này cũng không đáng chê trách, vì mặt khác đức Phật cũng dạy rằng: “Mạng sống con người vô cùng quý giá”. Cho nên, chúng ta phải biết trân trọng nó, gìn giữ nó, bảo vệ nó, nhưng gặp đúng trường hợp đòi hỏi sự hy sinh mạng sống quý báu này để phục vụ lợi ích cho nhiều người, một chân lý tuyệt mỹ hoàn hảo hơn thì chúng ta cần phải hy sinh cái ta của mình đi.
Như có một kiếp khi Bồ tát chưa thành Phật, trên một chiếc thuyền có 500 thương buôn sắp sửa bị một bọn cướp khống chế, hành hung để lấy tài sản, của cải. Bồ tát phải hy sinh thân mạng của mình, nên đã ra tay giết chết bọn cướp kia và cứu được 500 người thương buôn. Về mặt nhân quả giết người Bồ tát sẽ chịu tội oán thù với bọn cướp đó, về mặt nhân sinh Bồ tát đã giúp cho những người thương nhân, đem hàng hóa của cải để nuôi sống nhiều người dân.
Tinh thần này rất được tán thán và ca ngợi, vì đó là bảo vệ chân lý là bênh vực cho lẽ phải. Nếu không có Bồ tát ra tay nghĩa hiệp thì số người thương buôn sẽ bị khống chế, bị đánh đập, bị giết chết và những tài sản của cải đó rơi vào bọn cướp.
Ngày nay tinh thần này được tiếp tục phát huy qua các chàng hiệp sĩ đường phố, sẵn sàng hy sinh tính mạng của mình để lấy lại tiền bạc của người bị giật bởi những tên cướp khát máu không có tình người trong cuộc sống.

Cho nên, chúng ta phải hiểu rằng khi đức Phật liệt sự hy sinh vì lẽ phải là một điều khó làm, để chúng ta tùy nhân duyên mà làm những việc lợi ích cho số đông. Điều mà chúng ta đang thực hiện, nó thuộc về sự bất đắc dĩ mà không có sự tính toán, chỉ thấy khổ thì giúp, thấy nguy thì cứu để đem lại lợi ích cho cả cộng đồng.
Từ đó, chúng ta rút ra kinh nghiệm làm được việc nghĩa để giúp người cứu vật quả thật là một điều rất khó làm, ai mà làm được điều đó, chính là những vị Bồ tát đích thực trong hiện tại và mai sau.

4. Hiểu được và thông suốt kinh Phật là khó
Kinh Phật ở đây chỉ chung cho Tam tạng thánh điển, nó thuộc về những lời dạy vàng ngọc của Phật, bao gồm Kinh, Luật, Luận và ngay cả những lời thuyết pháp của các pháp sư và các vị cư sĩ. Hiểu hết kinh Phật là một điều rất khó, vì Phật tùy theo căn cơ của mọi người mà chỉ dạy nên có rất nhiều loại kinh chẳng tương đồng với nhau.
Người nào muốn giác ngộ, giải thoát thì Phật chỉ dạy pháp Tứ đế, mười hai nhân duyên. Muốn thành Phật thì hành Bồ tát đạo tu lục độ vạn hạnh bố thí, trì giới, tinh tấn, thiền định, nhẫn nhục và trí huệ. Muốn đời sau làm người trở lại sống có nhân cách đạo đức, Phật khuyên quy y Tam bảo và gìn giữ năm điều đạo đức là không giết hại, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối hại người và không uống rượu say sưa hay dùng các chất kích thích có hại như xì ke, ma túy. Ai muốn được sinh các cõi trời hưởng phước muốn gì được nấy, Phật dạy tu mười điều thiện lành tốt đẹp và các bậc thiền định.
Giáo lý của Phật chỉ dạy có ba mục đích: Một là dành cho người xuất gia giải thoát sinh tử. Hai là tu Bồ tát hạnh cho đến khi thành Phật mới thôi. Ba là tu còn trong luân hồi sinh tử hưởng phước báu cõi trời người.

Tóm lại, hiểu được kinh Phật hẳn là một điều khó, ta chỉ cần nắm vững ba cương yếu trên, khi đọc kinh Phật dễ dàng nhận ra nghĩa lý sâu xa của nó. Và ta sẽ không bàng hoàng sửng sốt khi có quá nhiều loại kinh, tất cả cũng chỉ vì tuỳ bệnh cho thuốc của mọi người. Chúng sinh có nhiều bệnh thì Phật pháp có nhiều thuốc để trị liệu, ai hợp với thuốc nào thì mau lành bệnh. Cho nên hiểu được kinh Phật là điều khó.

5. Sinh cùng thời với Phật và gặp Phật là khó
Được sinh ra trong thời Phật là rất khó và gặp Phật để học hỏi những lời dạy của Ngài lại càng khó hơn. Phật ra đời đã trên 2600 năm. Đức Phật là con người giác ngộ, tỉnh thức hoàn toàn không còn bị phiền não tham-sân-si làm tổn hại. Ngài tùy duyên giáo chúng sinh không biết mệt mỏi, nhàm chán. Ngài là một con người bằng xương bằng thịt như tất cả mọi người chúng ta. Ngài là bậc vĩ nhân trên các vĩ nhân. Ngài không phải là một đấng thần linh thượng đế ban phước, giáng hoạ.

Ngài chỉ là vị thầy dẫn đường trong đám người lạc hướng giúp cho chúng ta biết được chân lý cuộc đời, mình làm lành được hưởng phước, mình làm ác chịu khổ đau. Cho nên, sinh cùng thời với Phật và được gặp Phật là một phước duyên to lớn mà ít ai có được nhân duyên tốt đẹp. Chính vì vậy mà ta cứ mãi chịu luân hồi sinh tử hoài.
Sự ra đời và thị hiện của các đức Phật đã hiếm, mà có duyên được gặp Phật lại càng hiếm hơn, vì nếu không đủ phước đức nhân duyên như bà lão giữ kho cho trưởng giả Cấp Cô Độc thì tuy sinh ra cùng thời với Phật mà không được gặp Phật. Trong khi đó cả gia đình và họ tộc của trưởng giả ai cũng được gặp Phật và nhờ vậy mà tất cả đều sống nhân từ đạo đức hết vì biết tin sâu nhân quả và tin chính mình.

6. Nhẫn chịu được sắc dục là khó
Nhẫn không chỉ giới hạn ở sự chịu đựng những lời nhục mạ, dèm pha hay bị chỉ trích hoặc bị vu khống. Nhẫn ở đây còn có ý nghĩa sâu rộng hơn là không đam mê, không dính mắc nhiễm đắm ngũ dục tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ăn ngon, ngủ nhiều.
Người đời gặp chuyện bất bình chịu nhẫn, không nổi nóng, gặp điều trái ý nghịch lòng chịu đựng an nhẫn không bực tức hay tỏ thái độ gì buồn phiền. Nhẫn được như vậy được coi là có trình độ cao về nhẫn rồi, nhưng chưa phải là nhẫn cao thượng. Được gọi là nhẫn xuất thế là kham nhẫn đối với sắc dục. Mắt thấy sắc không bị sắc lôi cuốn làm cho dao động và nô lệ cho sắc.
Lòng ham muốn sắc dục rất mãnh liệt, vì đó là bản năng mạnh thứ hai của con người. Bản năng thứ nhất là tham sống sợ chết. Bản năng thứ hai là hưởng thụ luôn thúc bách con người tìm kiếm lạc thú; lạc thú cao nhất là ân ái nam nữ. Phật dạy:
 "Nếu có thêm một cái thứ hai nào hấp dẫn như sắc dục, thì chúng ta khó có thể tu đến giác ngộ, giải thoát".
Và điều quan trọng trong cuộc sống của chúng ta là sắc dục trở thành nhu cầu cao trong nhiều người, rất khó nhịn chịu mà vượt qua được. Sự trói buộc của sắc dục rất đa dạng như vòi của bạch tuột. Trong kinh đề cập đến sự trói buộc giữa người nam  người nữ là sự trói buộc qua nhan sắc, qua tiếng cười, qua lời nói, qua lời ca tiếng hát, qua nước mắt, qua áo quần, qua vật tặng, qua sự xúc chạm.
Phật rất từ bi đáo để nên đã không ngại nói ra những cái lầm mê của chúng ta. Chúng ta cứ bị ái ân cột trói mãi mãi không có ngày thoát khỏi! Cho nên thấy sắc đẹp thì ta muốn ngắm nhìn và chiếm đoạt, tiếp theo là lời nói, tiếng cười, giọng nói, nước mắt, quần áo, vật tặng và sự xúc chạm nhau êm ái, làm ta cứ mải mê thẫn thờ trong luyến ái đó.
"Ngay cả khi mới chết, người nữ vẫn còn là lực hấp dẫn cho người nam". Vì vậy mà gọi là nhẫn được sắc dục là khó. Nhẫn được sắc dục thì con đường hiền Thánh mở ra, nên chúng ta phải khép lại cánh cửa ái ân để vươn lên vượt qua cạm bẫy cuộc đời.
Như chúng ta đã biết, tai hại của sắc dục có thể làm băng hoại nhân cách đạo đức của con người khi chúng ta bị đam mê dính mắc vào nó. Ở đây, nhẫn được sắc dục là chế ngự, thu thúc được lục căn, không cho chúng bị đắm nhiễm như mắt thấy sắc đẹp thích thú muốn ngắm nhìn và chiếm đoạt, tai nghe tiếng nói của người nữ sinh tâm thèm khát và luyến ái, mũi ngửi mùi thơm của nước hoa cảm thấy lòng rạo rực xao xuyến, lưỡi nếm vị ngọt của tình ái, thân xúc chạm êm ấm nhẹ nhàng và ý biết thọ nhận luyến tiếc
Một vị thiền sư đã ngộ đạo nên nói: “Thấy sắc nghe tiếng như là hoa trồng trên đá”. Thấy sắc đẹp nghe tiếng nói của người nữ mà trong lòng cảm thấy như trồng hoa trên đá, như vậy thì đâu có bị dính mắc vào sắc dục. Hoa làm sao mà trồng trên đá được, nếu không trồng được thì thấy sắc dục cũng vậy thôi, có gì mà phải bận tâm.
Do đó, nhẫn được sắc dục là một việc làm hy hữu mà ít ai trên đời này có thể làm được trọn vẹn. Ngoại trừ những vị quyết chí tu hành để thoát khỏi kiếp luân hồi này hay là các đại Bồ tát hoặc chư Phật mới vượt qua nỗi. Tuy nhiên, Phật Bồ tát làm được thì chúng ta cũng sẽ làm được, ta có quyết chí, can đảm buông bỏ những thói quen xấu hay không mà thôi và cố gắng làm những điều thiện lành tốt đẹp.

7. Thấy tốt đẹp không tham cầu là khó
Đẹp là một trong các yếu tố của thẩm mỹ học. Đẹp theo quan niệm thông thường là những cái thấy hợp nhãn, gây nhiều ấn tượng tốt cho người xem, người đọc. Căn cứ theo quan điểm triết học Phật giáo, đẹp là những giá trị mặc ước, tùy thuộc vào quan điểm của con người, của phong tục tập quán. Có những cái ở đây cho là đẹp nhưng ở một nơi khác thì lại cho là xấu.
Thấy tốt tức là thấy người đẹp, vật tốt, công việc tốt đẹp, nói chung tất cả những cái thấy vừa lòng thích ý, phù hợp với sở cầu của mình. Ai thấy đẹp cũng mong ước cái đẹp ấy sẽ là của mình, và ai cũng mong chiếm hữu nó. Chính vì ai cũng ham thứ tốt đẹp, nên thứ tốt là đối tượng để tranh chấp, giành giật chém giết lẫn nhau. Do mong cầu thứ tốt, nên khi gặp thứ cái gì xấu chúng ta sinh ra bất mãn, bực tức, và tìm cách đấu tranh để loại bỏ nó, cho nên cuộc sống trở nên rối rắm, và phiền não bất an.   
Nhưng nhìn chung, cái đẹp, nó có giá trị nhất định theo cái thấy của mọi người, cũng là một bông hoa hồng mà có người cho là đẹp nhưng người khác lại cho là xấu. Và căn cứ vào giá trị của nó thì cái đẹp vẫn là cái quyến rũ, hấp dẫn thôi thúc con người muốn chiếm hữu nó. Nhìn vào một bông hoa đẹp, mặc dù hoa vô tình, nhưng nó vẫn gây ấn tượng đam mê ở người ngắm. Bản thân của cái đẹp hiện hữu không tội lỗi gì cả, là do con người nhận định quyết đoán. Nhưng nếu chúng ta nhìn nó với cái nhìn đam mê yêu thích bởi lòng tham lam thì cái đẹp đó, trở thành sợi dây ràng buộc sự giải thoát của chúng ta.

Người thấy đẹp mà không ham cầu là người thấy rõ sự nguy hiểm của cái đẹp, và cái đẹp đó cũng vô thường tạm bợ, nên họ không mong cầu cái tốt đẹp đó chỉ tùy duyên mà thôi. Nhờ có trí tuệ quán chiếu nên chúng ta thấy sâu sắc về sự vật, bản chất nó không trường tồn, nên ta mới có thể làm chủ được tâm lý mong cầu của mình. Nhưng mấy ai có được trí tuệ để vượt thắng những cám dỗ thông thường. Thế nên gọi là thấy đẹp, thấy tốt không ham cầu là khó.
Chúng ta nhìn vạn sự vạn vật với một cái nhìn tuệ giác, biết nó là không thực thể, sự có mặt của nó chỉ là nhân duyên tụ tán, chính vì bản chất của nó là vô thường, vô ngã. Cái đẹp của nó chỉ tạm thời, không dài lâu nó không có một giá trị cố định.
Để chuyển hóa tâm thấy đẹp mà không tham cầu, chúng ta phải nhìn mọi hiện tượng sự vật và con người đúng với bản chất của nó nên từ đó, người đối duyên xúc cảnh thấy đẹp nhưng vẫn giữ được thái độ thản nhiên, không khởi ý tham cầu nó, chiếm hữu nó, không biến nó thành vật sở hữu của ta. Ta biết nó có mặt mà không hiện hữu, đẹp như không đẹp, nên ta không luyến ái chấp giữ do đó, không gây ra sự đau khổ cho mình và người.

8. Bị sỉ nhục không oán hờn là khó
Nhục là những hành vi lăng mạ của người khác làm cho ta cảm thấy bức rứt khó chịu. Nó phát xuất từ tâm lý ganh ghét hay tật đố bằng sự nóng giận do không kìm chế được bản thân. Nhục, nếu thể hiện bằng lời nói, là những lời bôi nhọ xuyên tạc, bằng cách nguyền rủa, chửi thề mắng nhiếc một cách căm thù tột độ làm cho người bị lăng mạ đau khổ, xót xa như cắt đứt từng khúc ruột mình. Nếu thể hiện bằng hành động của thân, có thể dùng tay chân đấm đá để gây thương tích cho đối tượng. Nếu thể hiện bằng ý thức, là sự ngấm ngầm hãm hại người đó một cách trắng trợn và công khai bất chấp mọi hậu quả của nó. Cả ba đều đem lại cho người khác tâm lý lo âu, sợ sệt và khổ đau bởi trạng thái tức tối, giận hờn và thù địch.
Đứng trước hoàn cảnh bị người khác nhục mạ như vậy, người ta thường hay oán giận thù hằn, đôi lúc phản kháng trở lại bằng cách trả đũa quyết liệt với những ngôn từ không văn hóa tí nào hay nặng hơn là đánh đập hoặc giết hại.
Chỉ có những ai đã thật sự tu tập chuyển hóa mới thấu hiểu được tác hại của nó, nên không chống trả đối đầu lại mà dùng tâm từ để làm lắng dịu sự xung đột đó. Nếu lấy hận thù diệt hận thù, thì hận thù càng thêm chồng chất. Chỉ lấy tình thương mới chuyển hóa được hận thù. Bị vu oan huỷ nhục về một việc làm xấu nào đó, ta cảm thấy bị chạm tự ái vì sĩ diện với mọi người, ta tức tối, ta hờn giận và cảm thấy đau khổ vô cùng.
Ngày xưa có một vị cao Tăng đức độ nuôi dạy gần 500 đồ chúng, đến khi tuổi già sức yếu, bệnh hoạn mà chưa chọn được người kế thừa. Để tìm kiếm bậc pháp khí trong nhà thiền, vị cao Tăng này mới bày ra kế điệu hổ ly sơn mà tung tin bị mất trộm tiền của Tam bảo, làm cho trong chúng ai cũng hoang mang nghi ngờ lẫn nhau. Một hôm chúng đang ngủ trong giờ trưa, vị cao Tăng la lớn: “Ăn trộm, ăn trộm.”
Mọi người hoảng hốt chạy theo tiếng la, một vị đệ tử lớn chạy vào, vị cao Tăng liền thộp cổ áo mà nói rằng, bắt được tên trộm rồi. Chú đệ tử nói: “Dạ thưa thầy không ạ, con không phải là tên ăn trộm, con nghe la ăn trộm, con chạy vô để phụ thầy bắt ăn trộm.” Bằng chứng sờ sờ trước mắt không ai có thể chối cãi được, chư huynh đệ pháp lữ trong chúng, ai cũng thấy rõ ràng thầy mình tay thộp cổ áo sư huynh mà la ăn trộm, ăn trộm.
Cho nên vị đệ tử lớn bị khai trừ ra khỏi chùa ngay liền tức khắc, không được giải bày minh oan gì cả. Đuổi xong, thầy còn viết giấy truyền cho các chùa khác không được chứa chấp thầy, vì cái tội ăn trộm đồ của Tam bảo. Vị đệ tử này xưa nay được Tăng chúng tín nhiệm chức thượng thủ trong chùa, còn là người mô phạm dạy dỗ chúng Tăng. Đột nhiên bữa nay bị mang danh nghĩa là tên trộm, đích thân bị thầy mình viết giấy khai trừ và tuyên bố trước mặt đại chúng. Chỉ trong thoáng chốc bao nhiêu tiếng xấu đổ dồn vào vị sư huynh và bị mọi người khinh chê coi thường vì tội ăn trộm.
Ai nằm trong hoàn cảnh đó mới thật tội nghiệp cho vị sư huynh, đường đường cũng là một vị tăng tướng dung mạo trang nghiêm, có chức sắc trong chùa mà giờ đây đành chịu nuốt lệ đau thương ngậm ngùi cay đắng, trước một sự thật không thể ngờ.
Bị ông thầy hủy nhục như vậy trước mặt đại chúng, bao nhiêu uy tín từ xưa đến nay bỗng phút chốc tan tành theo mây khói. Nhưng chú đệ tử lớn này không hề có một chút buồn giận nào thể hiện ra nét mặt hoặc là tỏ thái độ oán ghét ông thầy. Chú ta vẫn một lòng cung kính và tôn trọng, xin thầy mình hãy từ bi cho ngủ đỡ ngoài cổng tam quan cũng được, để mỗi ngày còn được học hỏi và phụ giúp chúng Tăng làm việc, nhưng ông thầy cũng không chịu mà nói rằng nếu ở đó thì phải chịu, trả tiền ngủ nhờ.
Dù bị thầy hủy nhục hành hạ làm khó dễ đủ điều nhưng chú ta vẫn một lòng tôn kính thầy mà siêng năng tinh tấn tu hành. Thời gian như vậy kéo dài gần ba tháng chú đệ tử vẫn một lòng tín tâm, không một lời than vãn hay trách móc một điều gì.
Cuối cùng vị cao Tăng cũng tìm ra được bậc chân truyền, hôm đó thầy chính thức tuyên bố trước đại chúng: “Ta bây giờ đã tìm được người kế thừa, mong đại chúng sau này khi ta viên tịch rồi, hãy nghe theo lời chỉ dạy của sư huynh các ngươi”. Nói xong ông thầy từ giã đại chúng, rồi an nhiên ra đi.
Trong lịch sử nhân loại từ xưa nay biết bao nhiêu bậc vĩ nhân, hiền Thánh vẫn thường bị vu oan giá họa nhưng các ngài vẫn bình tĩnh an nhiên chứng minh cho đời sự trong sạch của mình, bằng chất liệu của từ bi và vô ngã vị tha. Vị đệ tử đó nếu không gặp hoàn cảnh khắc nghiệt như thế, thì ông thầy làm sao biết đệ tử của mình đã vượt qua tám gió thật sự và để tất cả đại chúng có đủ niềm tin mà nương tựa học hỏi tu hành. Nếu gặp thầy nào còn quá yếu, khi bị vu oan giá họa như vậy, chắc có lẽ sẽ oán hận ông thầy của mình suốt cả đời.
Nhờ đó, ông thầy biết rõ người đệ tử của mình qua được tám gió, được mất, khen chê, danh thơm tiếng xấu và khổ vui. Nghịch cảnh hay chướng duyên đối với người trí chỉ là thử thách, cho nên họ vẫn bình thản an nhiên khi bị hủy nhục sai sự thật trước mặt mọi người. Giả sử như lúc đó, chúng tôi đang ở trong hoàn cảnh này, có lẽ tôi sẽ đùng đùng nỗi giận mà oán ghét ông thầy của mình, rồi bỏ ra đi không một lời từ giã. 

Đức Phật dạy: “Bị sĩ nhục không sân là khó”. Ai chịu đựng được những hoàn cảnh trái ngang như vậy mà không sân giận hay tỏ ra oán ghét thì coi như đã thành tựu đạo pháp.    

9. Có thế lực không cậy quyền là khó
Cái khó được nêu ra ở đây thật là một vấn đề nan giải, đáng cho những nhà cầm cân nẩy mực, những nhà lãnh đạo, cần phải nên suy nghĩ, nghiền ngẫm nhiều hơn. Thông thường, những người có quyền cao chức trọng hay cậy thế ỷ quyền, ức hiếp kẻ dưới bắt phải cống nạp hoặc chèn ép bằng nhiều hình thức.
Trong đời sống xã hội, dòng văn học hiện thực phê phán ở nước ta đã viết nên những trang lịch sử rõ nét thái độ lẫn hành động áp bức, bất công của những tên quan lại cường hào bức hiếp dân lành từ xa xưa. Đó là hậu quả của chế độ phong kiến với những quan niệm hết sức độc đoán, ta là trung tâm của vũ trụ, ta có quyền sinh sát trong tay bằng sức mạnh của đấng bề trên. Nhưng góc độ nguy hại nhất của sự cậy quyền, ỷ thế lại có mặt nhiều nhất ở những chế độ độc tài, phát xít.
Họ là những con người cuồng tín, độc đoán không biết lắng nghe tiếng nói từ trái tim của những người bị đàn áp, một cách bất công và vô tội vạ. Họ sống an nhiên dẫm đạp trên sự đau khổ của nhiều người khác. Từ đó, họ càng kết thêm oán giận thù hằn trong lòng những người vô tội. Những luật vua, phép nước hết sức phi lý, bất công, nhưng đã một thời khiến những người dân trong nước, hay người con trong gia đình, nghĩa là những kẻ thấp cổ bé miệng phải cắn răng chịu đựng những chính sách khắc nghiệt, buộc mọi người phải cam chịu mà không dám ho he gì cả.
Cho nên, có thế lực mà không ỷ quyền cậy thế, không thị uy, tức bản thân ta đã kiến tạo cho mình một nếp sống chính mạng, chính nghiệp, không gieo rắc ác nghiệp cho ai hết. Và người như vậy là người hữu ích cho nhân quần xã hội, là người biết hướng thiện, luôn làm lợi ích cho nhiều người. Được vậy, quả thật là đáng quý.

10. Đối cảnh tâm không lay động là khó
Đối cảnh tâm lay động là bước đầu để đến vô tâm, có nghĩa là không còn dính mắc, đắm nhiễm tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ăn ngon, ngủ nhiều hoặc hình sắc, sự vật cho đến tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, ý tác duyên. Người thấy tiền bạc không tham đắm, dính mắc quả thật là điều khó vì tiền bạc là phương tiện để nuôi sống bản thân và gia đình. Người đối với mọi hình sắc, vừa thấy liền khởi niệm say mê, rồi tác ý ưa thích nghĩ tưởng hình sắc, thế là lòng tham chìm đắm trong cảm thọ thấy đẹp xấu và dính mắc vào đó. Nếu tâm dính mắc càng lớn mạnh thì tâm bồ đề bị lu mờ, do đó dấy khởi phiền não làm tâm không an định.
Không những đối với sắc, đắm mê sắc có những cái hại như thế, mà đuổi theo tiếng hay êm ái dính mắc vào đó, đuổi theo hương vị thơm tho tham đắm vào đó, bám theo vị ngon ngọt thích thú khen ngợi, thân xúc chạm thích êm ái nhẹ nhàng và ý tác động vào đó, cũng có những cái hại tương tự như thế.            
Người thấy sắc không nhiễm sắc, tuy mắt thấy sắc mà tâm vẫn an trú trong chính niệm nên không chạy theo cảm thọ lạc hay cảm thọ khổ. Đã không chạy theo cảm thọ thì tâm không dính mắc nơi sắc. Thấy sắc như thế nào thì thọ nhận như thế ấy. Không khởi tâm phân biệt thủ xả chấp trước, hằng ở trong chính niệm, tỉnh giác thì phiền não trần lao khổ không dấy khởi. Một hôm Tôn giả Phú Lâu Na đến đảnh lễ đức Phật, thưa: “Bạch Thế Tôn, con muốn  đến  một  chỗ  vắng vẻ để  tu. Xin  Thế  Tôn  dạy cho  con phương pháp tu đơn giản dễ nhớ, để con đến đó tu hành chóng đạt được đạo”.

Phật dạy: “Mắt thấy sắc không nhiễm trước, không dính mắc thì thành tựu đạo pháp, tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm không nhiễm trước, không dính mắc thì thành tựu đạo pháp. Ngược lại, nếu nhiễm trước, nếu dính mắc thì quên mình theo vật”. 

Phật dạy tu rất là đơn giản. Tại sao mắt thấy sắc nhiễm trước dính mắc thì đồng với người thế gian? Mắt của chúng ta hiện thấy hình sắc, cái thấy đó có giống nhau không? Nếu có sự quán chiếu vào bên trong thì thấy chỉ là thấy, sự vật như thế nào thì thấy rõ như thế nấy, còn nếu có phân biệt đẹp xấu thì tâm dính mắc dấy khởi.
Ví dụ như có bốn người vào tiệm mua vải, có nhiều xấp vải cùng loại mà khác màu: nào trắng,  xanh,  vàng,  đỏ, đen, tím, lam, hồng... Khi chọn hàng mua, kẻ  thì  chọn  màu trắng, người thì chọn màu xanh, kẻ thì chọn màu vàng, người thì chọn màu hồng mỗi người tùy theo sở thích của mình mà chọn mỗi màu khác nhau. Người chọn màu trắng cho màu trắng đẹp, người chọn màu xanh cho màu xanh đẹp, người chọn màu vàng cho màu vàng đẹp, người chọn màu hồng cho màu hồng đẹp. Mỗi người có mỗi nhận định, sở thích khác nhau. Vậy màu nào đẹp thật? Nếu ai cũng cho rằng màu mình thích là đẹp nhất, thì chắc chắn sẽ có cãi lộn.
Như vậy nếu thấy sắc bám víu vào đó thì sinh nhiễm trước, rồi bảo vệ cái thấy của mình. Do bảo vệ cái thấy của mình, ai nói khác đi thì mình chống đối lại. Từ đó sinh phiền não giận hờn, mà gây ra nhiều đau khổ cho nhau. Cho nên đối cảnh tâm không lay động là khó, vì chúng ta còn cái thấy của phàm phu.
Cái nghe cũng vậy, nhiều người cùng nghe một bản nhạc, người thì khen hay, kẻ thì chê dở. Nếu hai người khen chê cùng tranh chấp thì sẽ cãi lộn nhau! Đến cái ngửi, thông thường hương thơm thì mũi ai cũng ghi nhận thơm, mùi hôi thì mũi ai cũng biết hôi. Tuy nhiên có cái người này khen thơm, người khác lại chê hôi. Chẳng hạn như người chưa từng ăn sầu riêng thì chê sầu riêng hôi; còn người quen ăn sầu riêng thì khen sầu riêng thơm. Thơm hay hôi tùy theo sở thích của mỗi người, nó không cố định.
Kế đến là lưỡi nếm vị, vị nếm có giống nhau không? Cùng ăn một món mà người khen ngon kẻ chê dở. Chẳng hạn cô  đầu bếp quen ăn mặn, nấu thức ăn cô nấu vừa với khẩu vị của cô. Khi dọn cơm lên người khách xa ăn thấy mặn. Người nói mặn, người nói vừa ăn, vậy ai đúng?
Bây giờ tới thân xúc chạm. Thân xúc chạm cũng không giống nhau nữa. Ví dụ vào mùa đông người có thân hình mập mạp và người có thân hình gầy yếu cùng ở chung một phòng. Người có thân mập mạp cảm thấy vừa mát, còn người gầy cảm thấy lạnh lẽo. Trong phòng có bao nhiêu cửa sổ người ốm đều đóng lại để giữ hơi ấm. Khi đóng cửa thì người mập cảm thấy nóng nực khó chịu. Để chúng ta thấy rằng xúc chạm cũng không giống nhau, cho nên tùy theo cơ địa của mỗi người mà sự xúc chạm cảm nhận khác nhau.

Tóm lại, đối duyên xúc cảnh tâm không lay động là khó đối với người chưa biết tu, người có chút công phu dễ dàng làm chủ cảnh duyên, nhưng vẫn có những lúc bất giác bị vọng tưởng làm cho tâm Bồ đề mờ tối.

11. Học rộng, nghiên cứu nhiều là khó
Học rộng, nghiên cứu nhiều là tìm hiểu, lãnh hội, mổ xẻ vấn đề cho đến nơi đến chốn. Nó thuộc về văn huệ trong văn-tư-tu của nhà Phật. Một học sinh, sinh viên muốn đỗ đạt cao phải siêng năng chăm chỉ, kiên trì bền bỉ học rồi ôn tới ôn lui rồi dùng ý thức để xem xét việc học của mình nhờ vậy mới thành đạt trong tương lai. Cũng vậy, người học đạo giác ngộ, giải thoát trên cầu thành Phật dưới cứu độ chúng sinh, không thể lơ là trong việc học rộng nghiên cứu nhiều. Nó phải được song hành với văn-tư-tu mới giúp cho chúng ta thành tựu viên mãn.
Học là hoạt động tiếp thu những tri thức của nhân loại đã được đúc kết qua mấy ngàn năm lịch sử. Chúng ta có thể học ở trường qua sự truyền thụ của thầy cô, học ở bạn bè; tự học ở sách vở và thực tế cuộc sống.
Học rộng nghiên cứu nhiều để nâng cao trình độ hiểu biết của bản thân. Ví dụ như một bác sĩ đem những kiến thức tiếp thu được trong suốt quá trình đào tạo sáu, bảy năm ở trường đại học để vận dụng vào việc chữa bệnh cho mọi người. Những kiến trúc sư, kĩ sư xây dựng đem kiến thức đã học để thiết kế và thi công nhiều công trình như nhà máy, bệnh viện, trường học, công viên, để phục vụ đời sống con người.     
Mục đích cuối cùng của sự học rộng nghiên cứu nhiều là nhằm phục vụ cho mọi công việc đạt hiệu quả cao hơn. Nếu học được lí thuyết dù cao siêu đến đâu chăng nữa mà không đem ra vận dụng vào thực tế thì việc học ấy chỉ tốn thời gian, công sức, tiền bạc vô ích mà thôi vì chẳng giúp gì cho ai.
Bởi trong công việc cái người ta cần, người ta quan tâm hàng đầu là sản phẩm thành quả lao động chứ không phải là hiểu biết trên lí thuyết, một khi không đạt chỉ tiêu đó thì dẫu cho có học rộng nghiên cứu nhiều đến đâu thì cũng sẽ bằng thừa vô ích. Như một học sinh học tập rất tốt, điểm môn công dân luôn cao, vậy mà khi thấy một bà lão ăn xin té ngã bên đường, không những không giúp đỡ mà ngược lại còn tỏ thái độ khinh thường ghê tởm bà ấy. Qua ví dụ trên đã phần nào cho ta thấy những tác hại của việc học rộng nghiên cứu nhiều mà chẳng giúp một ai. Ngược lại, nếu chúng ta đem sự hiểu biết của mình ra để giúp người cứu vật thì lợi ích biết bao.            
Là học sinh trong thời gian học ở nhà trường, chúng ta cần phải chăm chỉ học tập tốt nghiên cứu sâu rộng là một điều khó. Học bao gồm cả văn hóa, chữ nghĩa và kinh nghiệm cuộc sống để nâng cao trình độ kiến thức về mọi mặt, và để có cơ hội phục vụ gia đình và đóng góp thiết thực cho xã hội. Như vậy cũng đủ thấy sự học rộng nghiên cứu nhiều quý giá và lợi ích đến chừng nào! Chính nhờ sự học rộng nghiên cứu nhiều, người phật tử chân chính biết được những điều hay lẽ phải và hiểu rõ chân lý cuộc đời. Biết được đâu là chính, đâu là tà, đâu là phải, đâu là quấy, đâu là tốt, đâu là xấu và đâu là đúng, đâu là sai. Đâu là con đường hướng thượng giúp ta đi suốt cuộc hành trình để thành tựu Phật pháp.
Học rộng nghiên cứu nhiều nghiễm nhiên trở thành kim chỉ nam để làm hành trang trên bước đường tu học của ta, nó còn là tấm bản đồ, là hành trang cần thiết cho mọi lĩnh vực trong cuộc sống của chúng ta. Do đó, chúng ta cần phải trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ của mình bằng cách học rộng nghe nhiều, hầu đem lại những thành công tốt đẹp trong hiện tại và mai sau.

12. Trừ diệt tâm cống cao ngã mạn là khó
Người cống cao ngã mạn là người coi trọng bản ngã của mình lên trên hết. Nó là biểu hiện của tâm hiếu thắng, kiêu ngạo, cống cao, thiếu nhã nhặn, thiếu khiêm tốn và không chịu nhún nhường bất cứ một ai. Người ngã mạn thường song hành với các tâm lý cố chấp, bảo thủ và độc đoán.  
Cống cao ngã mạn khinh người là con đẻ của sự chấp ngã thân này là thật ta và của ta. Nghiệp dụng của nó là luôn coi trọng mình mà hay khinh khi miệt thị người khác. Dù người đó thật sự hơn mình đủ về mọi mặt. Nhưng vì chấp ngã tự ái nặng nề, nên họ lúc nào nào cũng thấy mình hay giỏi hơn thiên hạ nên dễ dàng coi thường người khác.
Người cống cao ngã mạn khi làm được một công việc nào đó thành công, thì họ lên mặt hống hách có vẻ như ta đây là người tài ba lỗi lạc bậc nhất. Họ tự thấy mình là người có công lao lớn, rồi khinh thường mạt sát kẻ khác cho nên dẫn đến nhiều người không ưa thích. Đó là họ đang mắc phải chứng bệnh “công thần” khá nặng nề mà không hay biết. Và từ đó, mọi người sẽ tìm cách xa lánh và thù hằn ghét bỏ họ. Đó là hậu quả của lòng cống cao ngã mạn gây ra.
Như chúng ta đã biết ngã mạn là một trong sáu món căn bản phiền não, đó là tham-sân-si, mạn nghi và ác kiến. Nó có gốc rễ  sâu dầy từ si mê chấp ngã mà ra, không phải ai cũng có thể dễ dàng diệt trừ nó được. Muốn đoạn trừ nó, chỉ có cách là chúng ta phải cố gắng ra sức nỗ lực tu hành trì buông xả ngay nơi từng ý niệm khi vừa phát sinh mới có thể lần hồi chuyển hóa chúng được. Điều chủ yếu là chúng ta phải hằng tỉnh giác trong từng phút giây, quán chiếu sâu vào bản chất của nó, để thấy rằng tự tính của nó vốn là không có thực thể.
Nếu chúng ta không đề cao cảnh giác, làm nô lệ cho nó sai khiến, thì hậu quả xảy ra cũng rất là tai hại. Có chính niệm tỉnh giác, thì chúng ta mới nhận diện nó một cách rõ ràng. Và như thế, thì nó không thể nào gây tác hại cho chúng ta được. Đó là do ý chí phấn đấu nỗ lực, dụng công phu tu hành của mỗi người mà sự diệt trừ nó nhanh hay chậm mà thôi.
Trong kinh Phật đưa ra ba dạng tâm lý ngã mạn: “Ngã mạn tuổi trẻ, ngã mạn không bệnh và ngã mạn sự sống”. Ngã mạn tuổi trẻ là thái độ chủ quan, lấn lướt bảo thủ sai lầm. Ngã mạn không bệnh là không bệnh dễ sinh  là ỷ cậy thân thể. Ngã mạn sự sống là cậy sống lâu mà làm việc bất thiện về ba nghiệp thân, miệng, ý. Cả ba loại ngã mạn này đều làm cho con người đắm nhiễm, sa đọa vào các ác nghiệp. Vì ngã mạn là chấp thủ, là cống cao, là chấp nhất, nên người lìa ngã mạn sẽ thoát ly mọi ràng buộc, hệ lụy. 
Phật dạy: “Này các Tỳ kheo, ai đoạn trừ tâm ngã mạn, cắt đứt tận gốc rễ, làm cho không còn hiện hữu lại, người ấy là bậc thánh đã hạ cây cờ xuống, đã đặt gánh nặng xuống, không còn bất cứ một hệ lụy nào. Do đó, dứt trừ tâm ngã mạn là việc khó làm”.

13. Không khinh khi người chưa học là khó
Điều 11, Phật dạy học rộng nghiên cứu nhiều là khó. Điều 12, Phật dạy, cần phải đoạn trừ tâm cống cao ngã mạn là khó. Phối hợp hai điều này chúng ta thấy nếu học rộng nghiên cứu nhiều mà có tâm cống cao ngã mạn thì sự học rộng nghiên cứu nhiều ấy không được lợi ích bao nhiêu cho mọi người. Vì người ấy chỉ là một học giả cao ngạo, chỉ thích phê phán, chỉ trích, bình phẩm người khác mà không xây dựng đóng góp gì nhiều cho việc giáo dục cho mình và người.
Nếu học rộng nghiên cứu nhiều mà không có tâm ngã mạn thì kiến thức đó sẽ được truyền bá rộng rãi, làm lợi lạc cho nhiều người, xã hội thật sự tiến bộ. Qua điều thứ 13 này, đức Phật dạy không khinh người sơ học quả là một điều khó. Lời dạy này còn hàm ý nói rằng kẻ tài cao thường có nhược điểm “mục hạ vô nhân” nghĩa là dưới con mắt của mình không có ai hơn và khinh khi người ít học. Một điểm nữa là gián tiếp khuyên chúng ta càng học cao, càng khiêm cung thấp mình đối với mọi người thì phẩm chất và giá trị của ta càng lớn.
Người ta thường nói tri thức mà không có nhân cách phẩm chất đạo đức là nguy hiểm và tác hại vô cùng, nhiều hơn những kẻ ác độc mà không có trình độ. Học lời Phật dạy “không khinh người chưa học”, ta thấy lòng từ bi thật rộng lớn bằng tình người trong cuộc sống của Phật được thể hiện rõ nét trong mọi trường hợp.
Và lời dạy này cũng có ý nghĩa với hạnh vô ngã vị tha, đề cao Phật tính bình đẳng của Bồ tát Thường Bất Khinh trong kinh Pháp Hoa: Dù có bị chửi mắng, đánh đập nhưng Ngài cũng không tỏ ra thái độ giận hờn, oán trách một ai. Mà còn nói: “Tôi không dám khinh quý ngài, vì quý ngài đều sẽ thành Phật”. 

14. Thực hành tâm bình đẳng là khó
Bình đẳng, giải thích theo ngôn ngữ, thì "đẳng" là chỗ đứng và "bình" là ngang nhau. Nói gộp lại bình đẳng là ngang nhau về vị trí, vai trò, quyền lực, nghĩa vụ và thụ hưởng các quyền lợi khác trong xã hội. Bình đẳng nam nữ là nền tảng văn hóa thể hiện nét đẹp của con người trong gia đình và xã hội. Nam nữ bình đẳng giúp cho gia đình an vui hạnh phúc và góp phần làm cho xã hội giàu mạnh, văn minh.

Vai trò của phụ nữ được phát huy bình đẳng trong gia đình và xã hội, mang một ý nghĩa lớn đối với truyền thống tốt đẹp của con người Việt Nam. Nhờ bình đẳng nên trong gia đình, vợ chồng thương yêu, tôn trọng lẫn nhau thì con cái mới được chăm sóc đầy đủ và cảm nhận được sự ấm êm, hạnh phúc, luôn luôn là điểm tựa cho con người vượt qua mọi chướng ngại, khó khăn trong cuộc sống. Dù tư tưởng gia trưởng, trọng nam khinh nữ đã dần mất đi, nhưng một nghịch lý vẫn đang tồn tại là việc nội trợ, nuôi dưỡng con cái, chăm sóc các thành viên trong gia đình vẫn được coi là công việc của phụ nữ.
Tuy nhiên trên thực tế, thời gian làm việc của phụ nữ trong gia đình thường nhiều hơn nam giới, dù pháp luật quy định trong gia đình, vợ chồng đều bình đẳng với nhau về mọi mặt, cùng nhau bàn bạc, quyết định mọi vấn đề chung, cùng chia sẻ mọi công việc cũng như chăm lo con cái, cha mẹ, nhưng trên thực tế nam giới vẫn được coi là trụ cột gia đình, có quyền quyết định các vấn đề lớn và là người đại diện ngoài cộng đồng. Còn các công việc nội trợ, chăm sóc các thành viên trong nhà thường được coi là “thiên chức” của phụ nữ.         
Để chấm dứt tình trạng bất bình đẳng giới trong gia đình, điều quan trọng là chúng ta phải biết nâng cao chất lượng giáo dục, tuyên truyền rộng rãi không chỉ với phụ nữ mà còn với nam giới. Công tác giáo dục về bình đẳng nam nữ đối với các đối tượng thanh thiếu niên được thực hiện ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, giúp các em có sự hiểu biết, ý thức và trách nhiệm, trong việc xây dựng cuộc sống gia đình sau này.
Bên cạnh đó, việc thực hiện bình đẳng nam nữ trong gia đình cũng nên được xây dựng thành một trong những tiêu chí quan trọng hàng đầu, để mọi người cùng được học hỏi lẫn nhau và được công nhận là gia đình văn hóa. Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về bình đẳng nam nữ nhằm loại bỏ tư tưởng “trọng nam, khinh nữ”, từng bước thực hiện bình đẳng giữa nam và nữ trong lao động, sản xuất và các hoạt động khác trong xã hội.
Bình đẳng là biểu hiện văn hóa trong đời sống con người, có bình đẳng trong gia đình mới thực sự có bình đẳng trong xã hội. Hạnh phúc bao giờ cũng là tài sản quý giá nhất trong gia đình, mà mỗi thành viên luôn ước mơ và mong muốn để sống đời an vui hạnh phúc. Bình đẳng trong Phật giáo vừa gắn liền với lịch sử thế giới là xóa bỏ giai cấp, phủ nhận mọi kỳ thị, phân chia, phân biệt giữa con người với con người và giữa con người với con vật.
Theo Phật giáo, mọi con người phải có giá trị ngang nhau khi người ta hoàn thiện đạo đức. Chỉ có đạo đức mới phân định chính xác giá trị nhân phẩm con người. Giai cấp, địa vị, sự sang trọng, quyền uy, thế lực… tất cả những thứ này đức Phật đều phủ nhận để đề cao bình đẳng. Bình đẳng trong Phật giáo là nam nữ bình đẳng theo tinh thần trách nhiệm của một con người. Trong kinh Pháp Hoa Long Nữ 8 tuổi cũng thành Phật. Và cụ thể nhất là mọi người nữ đều được gia nhập tăng đoàn trở thành các tỳ kheo ni với những quyền lợi ngang nhau như các tỳ kheo tăng trong lịch sử Phật giáo xưa và nay.
Tính bình đẳng của Phật giáo ra đời nhằm chuyển hóa mọi định kiến, kỳ thị lâu đời của những quan niệm cổ hủ từ xa xưa. Giá trị bình đẳng cao nhất trong Phật giáo là Phật tính, là tính biết sáng suốt của mọi người, ai cũng có khả năng quay lại chính mình để trở thành con người có trí tuệ và từ bi viên mãn. Phật tính không phải chỉ có trong loài người mà có cả trong các loài có tình thức và tất cả chúng sinh đều tiềm tàng một năng lực sáng suốt là tính biết của mình, đi ngược lại các tập tục truyền thống từ xa xưa. Mọi người đều bình đẳng với nhau trong mọi phương diện, không có kẻ ban phước giáng họa hay quan niệm chồng chúa - vợ tôi.
Nhờ sự ra đời của Phật giáo đã giúp cho mọi người biết tôn trọng bình đẳng với nhau về mọi phương diện. Chỉ với những quan điểm bình đẳng trên, cũng đủ chứng minh sự siêu việt của Phật giáo trong việc đề cao nhân bản và đem lại cho con người sự bình đẳng tuyệt đối. Do đó, thực hành bình đẳng là một điều vô cùng khó, nhất là đối với những người có quyền lực địa vị cao trong xã hội, những gia đình nặng về gia giáo, phong kiến và nặng nhất là sự chấp ngã của con người.

15. Chẳng nói phải trái là khó
Trong xã hội bất kỳ một cơ quan đoàn thể nào kể cả những người tu trong chùa như chúng tôi vẫn nói chuyện phải trái. Bởi vì hoàn cảnh cuộc sống suy nghĩ và làm việc không ai giống ai dù là anh em sinh đôi. Sống trên đời, chúng ta khó có thể làm vừa lòng hết tất cả mọi người được. Bởi có thân này nên chúng ta phải làm việc để nuôi sống bản thân và gia đình. Chính vì vậy mà có sự vận động và va chạm, tất nhiên sẽ không tránh khỏi những lời phải quấy tốt xấu trong cuộc sống.
Bị người ta nói xấu, nói không đúng sự thật về mình, mình sẽ xử trí ra sao đây? Trước tiên, mình phải xem xét lời người ta nói có đúng về mình không, nếu đúng thì mình nên cám ơn họ, nếu sai thì ta sẽ dùng lời nói nhẹ nhàng để giải thích cho người hiểu. Sự việc sẽ càng phức tạp khi ta lời qua tiếng lại, để tranh chấp việc đúng sai phải trái. Dù ta đúng hay sai, nếu cố biện minh, cố làm sáng tỏ vấn đề bằng tranh luận hơn thua chỉ càng làm mọi chuyện trở nên rắc rối và trầm trọng hơn.
Ta có thể giải thích và nói lại chuyện này sau, nếu thấy cần thiết khi mọi thứ đã dịu lại. Nếu thấy không đáng để quan tâm nữa thì ta cứ bỏ qua một bên. Nếu ta chỉ mang trong lòng sự ấm ức và bực bội, chỉ vì người khác không hiểu đúng, nói đúng về mình. Ngày xưa, trong lúc rảnh rỗi một ông vua mới hỏi chuyện với vị quan cận thần của mình: “Trẫm thấy khanh nhân cách và phẩm chất luôn thể hiện sự hài hòa đối với mọi người, tại sao lại có nhiều tiếng thị phi chê ghét khanh như thế?” 
Vị quan trả lời: “Tâu bệ hạ. Mùa mưa thì người bán dù luôn vui mừng, nhưng người phơi bánh tráng lại buồn khổ. Trời đất kia vốn vô tư không thiên vị, mà cơn nắng mưa thời tiết vẫn bị thế gian trách hận trong ghét thương. Còn hạ thần đâu phải một người vẹn toàn thì làm sao tránh khỏi tiếng chê bai, chỉ trích. Cho nên ngu thần trộm nghĩ, đối với tiếng thị phi trong thế gian chúng ta hãy nên bình tâm suy xét, đừng nên vội tin nghe một điều gì. Vua tin nghe lời thị phi phải quấy không đúng sự thật thì quan thần bị hại. Cha mẹ tin nghe lời thị phi phải trái thì con cái bị ruồng bỏ. Vợ chồng tin nghe lời thị phi phải quấy thì gia đình ly tán. Tiếng thị phi phải trái của thế gian là việc bình thường trong thế gian này, mọi người hãy nên suy nghĩ, nghiệm xét”.
Qua câu chuyện trên, chúng ta hãy nghe ông vua Thiền sư Trần Thái Tông nói về thị phi phải trái như sau:

"Phải trái rụng theo hoa buổi sớm.
Danh lợi lạnh với trận mưa đêm.
Hoa tàn mưa tạnh non im vắng.
Xuân cỗi còn nguyên một tiếng chim".

Trong năm giới của người tại gia, giới không nói dối hại người là giới có nội dung cấm người phật tử nói lời thị phi phải quấy. Thị phi, đôi lúc ở một vài trường hợp cũng chính là lời nói đòn xóc hai đầu, đến người này ta nói xấu người kia, đến ngươi kia ta nói xấu người nọ. Tác hại của nó là làm cho hai bên hiểu lầm nhau mà gây ra ân oán hận thù và làm yếu đi sức mạnh của một cá nhân hay một tập thể nào đó. Và khi đứng trước những hiện tượng thị phi hay chính mình phải quấy với người khác làm cho tình nghĩa của bạn bè người thân bị rạn nứt sứt mẻ do hiểu lầm nhau. Đối với Phật giáo, thị phi được cấm chỉ ở giới không nói dối dóc láo hư vọng và giới ly gián.
Người phật tử chân chính không bao giờ sử dụng ngôn ngữ mang tính cách hại người, không gieo rắc đau khổ đến với bất cứ một ai, mà chỉ nên nói những lời có ích, chân thật mang lại an vui hạnh phúc cho mọi người. Như vậy, trong cuộc sống, không thị phi là hoàn thiện nhân cách sống của người phật tử. Vì thế, không nói lời thị phi phải quấy là một điều khó mà chúng ta ai cũng phải hoàn thiện chính mình bằng thân, miệng, ý.
Gặp được thiện tri thức là khó
Sinh ta ra là cha mẹ, làm thành cho ta là bạn bè. Con người nên hay hư, phần lớn đều ảnh hưởng bạn bè. Thiện tri thức là bạn lành, bạn tốt, những người bạn thường xuyên giúp đỡ cho ta hay làm các điều lành mà tránh xa điều xấu ác, chỉ cho ta biết cách thăng hoa đạo đức, tâm linh để sống đời hạnh phúc. Khi có những người bạn như vậy, cuộc sống của chúng ta sẽ ổn định, tương lai sẽ tốt đẹp theo thời gian. Người bạn thiện tri thức thì lúc nào họ cũng mong cho ta được bình yên hạnh phúc và giúp ta thành công trên đường đời.
Nếu ta không may gặp phải bạn bè xấu thì gọi là ác tri thức. Loại bạn bè này thường đến với ta, khi ta ước muốn ham thích những thú vui thấp kém; họ hay xúi giục, khích lệ đồng tình với ta vào con đường thấp kém đó. Nếu ta là người giàu có, đủ khả năng vui chơi hoan lạc thì bạn bè càng đông hơn, chính vì vậy cuộc đời ta sẽ lún sâu vào tội lỗi mà không hay.
Thiện tri thức là những người bạn lành, bạn tốt giúp ta nâng cao trình độ hiểu biết, biết cách tiếp cận những lời dạy chân lý của đức Phật. Ngoài ra, thiện tri thức còn được hiểu là những pháp môn, giáo lý, kinh điển của đức Phật giúp ta thăng hoa nhân cách phẩm chất và nếp sống đạo đức. Người thiện tri thức còn có nghĩa là vị thầy dẫn dắt ta trên con đường giác ngộ, giải thoát. Gặp được minh sư chân chính thì mục đích của ta mới dễ thành tựu. Nếu người dẫn dắt ta là tà đạo thì chắc chắn ta sẽ đi theo con đường tối tăm nguy hiểm. Ở đời, thầy lành bạn tốt dễ gì gặp, và khi gặp làm sao phân biệt được.
Làm sao chúng ta có thể biết người đó là thiện hữu tri thức, phương cách duy nhất là thân cận tiếp xúc lâu ngày với người đó, sống với người đó trong những hoàn cảnh khó khăn, nghe người đó nói năng luận bàn, ta mới có thể thấy được đức hạnh, trí tuệ và sự chứng đắc của người ấy. Vì vậy, chúng ta phải sáng suốt chọn thầy lành bạn tốt thì quá trình tu tập của ta mới có thể thành tựu viên mãn trong tương lai.

17. Học đạo, kiến tánh là khó
Quan niệm về cái khó ở điều 17 này bao gồm hai phạm trù: học đạo, kiến tánh là khó. Học đạo là khó vì phải đi ngược lại dòng đời, người đời tham thì ta không tham, người đời dính mắc luyến ái vào gia đình vợ con còn ta thì phải vượt lên trên đời sống gia đình ràng buộc đó.
Dòng Thiền Bắc tông được truyền từ Tổ Ca Diếp và sơ tổ Ấn Độ là Bồ Đề Đạt Ma đến Tổ Huệ Năng cũng là tổ cuối cùng của dòng thiền Ấn Hoa với chủ trương “bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền, trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật”.

Yếu chỉ của lập trường Thiền tông vốn đi thẳng vào tâm để tu hành, chuyển hóa các vọng niệm đã ăn sâu vào tàng thức của chúng ta. Cho nên trước khi tu pháp này nó đòi hỏi mỗi hành giả phải học rộng hiểu nhiều, để biết rõ lời Phật dạy mà đạt tới đỉnh cao giác ngộ, giải thoát và thành Phật. 

Do đó, bất lập văn tự là không dính mắc vào văn tự chữ nghĩa chấp vào từng chữ trong kinh, cho nên có câu: “Y kinh giải nghĩa là oan cho chư Phật ba đời, lìa kinh một chữ tức đồng ma nói”. Mặc dù, trên chủ trương giáo ngoại biệt truyền, bất lập văn tự, nhưng để kiến tánh, mỗi thiền sinh vẫn dùng phương tiện thiện xảo để thể nhập. Một trong các cửa ngõ phương tiện trước tiên đó là học đạo. Học đạo có nghĩa là xem nghe lời Phật tổ dạy, và dùng trí tuệ Bát Nhã để thể nhập tự tính bằng cách tu tâm.
Thiền sư Sùng Tín, con nhà bán bánh bao gần chùa, vì tín tâm Tam bảo nên mỗi ngày ông đem mười cái vào chùa cúng dường, mỗi lần cúng dường như vậy, Thiền sư Đạo Ngộ cho lại ông một cái để đem về, mà không nói lý do. Ông ta tức quá mới hỏi thiền sư sao lại như thế, nhưng thiền sư chỉ mỉm cười và nói rằng: “Ta cho lại ông có lỗi gì!”
Một hôm ông quyết tâm hỏi cho ra lẽ thật. Thiền sư bảo: “Ông xuất gia đi ta sẽ chỉ tâm yếu cho”. Sùng Tín nghe lời xin xuất gia, trải qua ba năm như thế mà ông thầy chẳng thèm chỉ dạy điều gì! Làm cho Sùng Tín tức tối, bực bội quá trong lòng cảm thấy bất an nghĩ rằng ông thầy lừa dối mình.
Thiền sư để cho tâm nghi vấn của ông lên đến tột độ, một hôm chịu hết nổi ông bèn hỏi sư phụ hứa chỉ tâm yếu cho con mà mấy năm nay không thèm nói một lời.
Đạo Ngộ bảo: “Từ ngày ngươi vào đây, ta đã từng chỉ dạy tâm yếu cho ngươi rồi”.
“Hòa thượng chỉ dạy hồi nào?”
“Ngươi dâng trà lên ta vì ngươi mà tiếp, ngươi đem cơm đến ta vì ngươi mà nhận, ngươi xá lui ta vì ngươi gật đầu. Ta đã chỉ cho ngươi tâm yếu mỗi ngày tại ngươi chẳng chịu tiếp nhận mà thôi”.
Ngay khi đó, sư cúi đầu lặng thinh giây lâu.
Đạo Ngộ bảo: “Thấy thì thẳng đó liền thấy, suy nghĩ liền sai”.
Ngay câu nói này sư nhận ra tâm yếu.
Tâm yếu trong nhà thiền chỉ dạy rất đơn giản, ngay nơi mặc áo, ăn cơm, đi tiểu, đi đại là tâm yếu rồi đó! Chẳng phải tìm cầu đâu xa. Bây giờ chúng tôi hỏi quý vị nè, ai biết mặc áo, ai biết ăn cơm, ai biết đi tiểu, ai biết đi đại. Cái này có ai làm thế cho ta được hay không? Ngoài trừ ta bị liệt và mất tự chủ.
Chiêu thuật của thiền sư là dồn người đệ tử vào một nghi vấn và thắc mắc suốt mấy năm liền, từ khi còn làm cư sĩ cho đến khi xuất gia. Nếu người không có ý chí thì bỏ mặc nhưng vì thiết tha học đạo, cho nên cuối cùng nhận ra đạo lý chân thật không ngoài nơi thân này. Chính vì vậy học đạo, kiến tánh là khó.

18. Tùy duyên hóa độ là khó
Một trong những công tác hàng đầu của tu sĩ Phật giáo là: Đem lời dạy của Phật và sự tu học của mình để truyền đạt cho mọi người cùng tham khảo học hiểu và tu học theo. Nhưng để đạt được mục tiêu giáo dục này, đòi hỏi người truyền bá phải biết vận dụng nhuần nhuyễn hợp lý, hợp tình, biết được căn cơ của mọi người. Thiếu đi yếu tố quyết định này, sự hoằng pháp có thể dẫn đến thất bại.

Tùy theo điều kiện nhân duyên, căn cơ trình độ của mỗi người mà chúng ta có thể giúp đỡ để họ chuyển hóa phiền não tham sân si, thành an vui hạnh phúc. Ðiều này không phải dễ, thường thì chúng ta hay áp đặt lên quan điểm và trình độ của kẻ khác, bằng sự hiểu biết của mình, mà quên đi mục đích chính là giúp người qua biển khổ sông mê, chứ không phải phổ biến quan niệm hay truyền đạt lối tu của mình.
Có đủ trí tuệ và khả năng để tùy duyên hóa độ chúng sinh là rất khó. Bồ tát Quán Thế Âm có 32 tướng ứng hóa thân để độ chúng sinh bằng tứ nhiếp pháp: Bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự làm phương tiện hướng chúng sinh quay về đường thiện bằng trái tim yêu thương và hiểu biết. Tùy duyên mà vẫn giữ được mục đích và bản chất của nó ta thường gọi là tùy duyên mà không bị biến đổi. Có người nội lực còn yếu kém, nên tùy duyên quá đành phải chịu cho duyên trần kéo lôi làm đánh mất bản thân mình, mà dính mắc vào đời sống thế tục.
Ngay cả đến đức Phật, khi thuyết pháp, Ngài cũng vận dụng phương tiện thiện xảo để tùy duyên tùy căn cơ mọi người mà tìm cách độ họ. Các vị thiền sư, đạo sư, cao tăng sau này cũng nhờ tùy duyên hóa độ mà làm rạng rỡ truyền thống tốt đẹp của Phật giáo. Do đó, tùy duyên hóa độ là cần thiết, là khó thực hiện, là nền tảng của sự hoằng pháp, giáo dục. Cho nên tùy duyên hóa độ là khó.

19. Thấy cảnh vô tâm là khó
Nội dung của điều khó này cũng tương tự với nội dung ở điều khó thứ 10. Nhưng vô tâm ở đây được đề cập với mức độ cao hơn, sâu hơn, khó thực hiện hơn, có nghĩa là hoàn toàn không dính mắc vào mọi sự vật, dù kiếm bén kề sát cổ ta vẫn không sợ hãi. Vô tâm là hoàn toàn an nhiên tự tại, giải thoát. Không động tâm là bước đầu để đạt đến vô tâm. Khi ta còn động tâm thì không thể nào thành tựu được vô tâm hoàn toàn trước cảnh trần.
Người tu đạo giác ngộ, giải thoát phải từng bước huấn luyện cho tâm mình không dao động trước mỗi hoàn cảnh. Mọi sự tiếp xúc ta phải tập làm chủ trực tiếp từ sáu căn là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý.
Vua Trần Nhân Tông lên ngôi năm hai 20 tuổi, xuất gia năm 41 tuổi, thị tịch năm 51 tuổi. Ngài là vua lãnh đạo đất nước thừa hưởng cung vàng điện ngọc, thụ hưởng dục lạc thoải mái. Hai phen cầm quân đánh đuổi giặc xâm lăng, giữ yên nước nhà qua cơn loạn lạc. Khi đi xuất gia Ngài tu khổ hạnh hiệu là Trúc Lâm Đầu Đà, tích cực truyền bá chính pháp, phá bỏ tập tục mê tín khuyến khích mọi người giữ gìn năm giới, tu mười điều lành, Ngài hoằng hóa độ sinh không biết mệt mỏi, nhàm chán.
Điểm đặc biệt của Ngài là khi làm vua thì hy sinh quên mình giữ nước, chống giặc ngoại xâm hết mực thương yêu lo lắng cho dân chúng an cư lạc nghiệp. Khi xuất gia thì quyết chí tu hành cho sáng đạo. Đến khi hoằng pháp lợi sinh thì hướng dẫn cho mọi người bỏ ác làm lành và cùng nhau sống yêu thương bằng trái tim hiểu biết. Ngài là tấm gương sáng cho nhân loại để nhắc nhở cho chúng ta là không có gì không thể làm được, chỉ có ta có quyết chí vươn lên vượt qua lầm lỗi hay không mà thôi! Chính vì thái độ dứt khoát rõ ràng trong từng giai đoạn, nhờ vậy mà Ngài tự tại làm chủ bản thân sống đời an nhiên, giải thoát. Chúng ta hãy lắng nghe bài kệ của Ngài:

"Ở đời vui đạo hãy tùy duyên
Đói đến thì ăn mệt ngủ liền
Trong nhà báu sẵn thôi kiếm tìm
Đối cảnh không tâm, chớ hỏi thiền".

Sống giữa cuộc đời trần tục với muôn vàn cám dỗ nào lợi danh, sắc đẹp, tiền tài, ăn ngon, mặc đẹp, ngủ nhiều nhưng khi sáng đạo thì mọi thứ chỉ là ảo ảnh, không thật có. Duyên cảnh biến thiên tình đời đổi trắng thay đen, nhưng ta vẫn thấy an vui hạnh phúc, như khi đói đến thì ăn, khi mệt đến thì nghỉ ngơi không toan tính nghĩ suy mà tự làm khổ mình.
Người đời không biết cứ dong duổi tìm cầu bên ngoài mà không biết ngay nơi thân này có tính biết sáng suốt, nương nơi mắt thì thấy biết rõ ràng không lầm lẫn tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng lại như thế. Cái khéo của chúng ta là khi đối duyên xúc cảnh tâm ta vẫn an nhiên bất động, vậy thì còn tìm hỏi thiền ở đâu nữa. Thật đơn giản nhẹ nhàng chớ tìm cầu đâu xa.
Ngài chỉ tu trong một thời gian ngắn chỉ khoảng mười năm thôi, nhưng mọi người đều tôn xưng Ngài là ông vua Thiền sư Phật hoàng Trần Nhân Tông. Vua Trần Nhân Tông là người kế thừa con đường của Phật đã vạch sẵn, nên không phải mất công tìm kiếm đâu xa, do đó mà công phu đơn giản nhẹ nhàng, chỉ nhìn thấy từng tâm niệm sinh diệt mà không cần phải đối trị quán chiếu. Cho nên đối cảnh vô tâm là một việc khó làm vì nó là điểm đích sau cùng khi thành tựu đạo pháp.
Như thế, chúng ta cũng biết rằng từ không dính mắc, động tâm sẽ dẫn đến vô tâm. Vô tâm là không còn dính mắc ta người và hoàn cảnh, là thể nhập như như bất động, là tự tại, giải thoát và thường biết rõ ràng.

20. Khéo biết phương tiện là khó
Quan niệm về cái khó cuối cùng này cũng ít nhiều liên quan đến nội dung điều thứ 18 tùy duyên giáo hóa chúng sinh. Điểm giống nhau giữa hai điều là cả hai cùng đề cập đến tính phương tiện thiện xảo, trong vấn đề giáo hóa độ sinh hướng dẫn cho mọi người là quan trọng cấp thiết hàng đầu. Điểm khác nhau ở hai điều là điều 20 này là điều kiện, là môi giới, là chất xúc tác để thành tựu điều 18. Có phương tiện thiện xảo thì chúng ta mới có thể tùy duyên hóa độ.
Vận dụng nhuần nhuyễn phương tiện khế lý khế cơ thì tùy duyên hóa độ sẽ hoàn bị chu tất. Phương tiện và tùy duyên hóa độ là hai phần được liên kết với nhau rất chặt chẽ, không thể thiếu trong công tác giáo dục, tùy duyên hóa độ là tùy bệnh cho thuốc ai cần thuốc nào thì ta cho thuốc đó. Còn phương tiện thì người hoằng pháp phải biết vận dụng từ thấp đến cao, thay gì giáo lý của đức Phật mục đích là giác ngộ, giải thoát nhưng vì mọi người chưa đủ sức, cho nên Phật phải dẫn dụ từ từ nhằm giúp cho chúng ta từng bước tỉnh thức. Phật dạy có ba hạng người không khéo biết phương tiện thù thắng:
Hạng thứ nhất, đã không thực chứng trong tu hành lại còn hướng dẫn truyền đạt giáo lý một cách tối nghĩa, khó hiểu, làm cho người nghe hiểu sai ý nghĩa nội dung, cho nên họ thực hành sai.
Hạng thứ hai, tuy không thực chứng, nhưng lại hướng dẫn truyền đạt rõ ràng chính xác cho người nghe dễ tiếp thu. Do sự nói làm không tương ưng làm cho người nghe cũng dễ bất mãn mà sinh ra thái độ sống không tốt.
Hạng thứ ba, tuy có quá trình thực tu thực chứng, nhưng truyền đạt hướng dẫn kém, không linh động uyển chuyển, làm cho người nghe khó nắm bắt, cho nên thực hành không có kết quả lợi ích thiết thực.

Khi xưa, Ngài A Nan chỉ dạy hai người đệ tử tu hành, một người giữ nghĩa địa A Nan dạy quán sổ tức, một người làm lò rèn Ngài chỉ dạy quán thân bất tịnh. Hai người tu hoài mà không thấy tiến, Ngài A Nan thỉnh Phật chỉ dạy lại. Ông dạy người như vậy là sai rồi, người giữ nghĩa địa thì chỉ họ quán thân bất tịnh vì quanh năm suốt tháng họ luôn tiếp xúc với xác chết. Còn người làm lò rèn tối ngày thổi lửa bì bịch, ông dạy quán hơi thở để họ được định tâm trở lại.
Do đó, công tác hoằng pháp hay giáo dục vô cùng hệ trọng trong hiện tại và mai sau. Nó có thể dẫn đến ảnh hưởng tốt hoặc xấu cho rất nhiều thế hệ. Truyền đạt một quan điểm lệch lạc, mê tín, cuồng tín, tà kiến, làm ảnh hưởng xấu đến nếp sống văn hóa giáo dục, đạo đức tâm linh, sẽ đem lại bất hạnh cho nhiều người.
Và khi ta truyền đạt đúng với chính pháp, đúng với chân lý cuộc đời thì lợi ích của nó thật lớn lao, nghĩa là đem lại an lạc hạnh phúc cho nhiều người. Chính vì vậy, những người làm công tác tuyên truyền văn hóa, giáo dục, phải ý thức rằng việc làm của ta phải có lợi ích cho nhiều người. Cho nên khéo biết phương tiện là khó.

Thích Đạt Ma Phổ Giác