CUỘC ĐỐI ĐẦU ĐIỆN BIÊN PHỦ - SAI LẦM LỚN
NHẤT CỦA PHÁP
1. Châu chấu đá voi
Đó là năm 1999. Tôi đang ngồi ở vườn hoa
trước ngôi nhà ở quê cùng với Đại tá Phan Duong và vài người bạn đang có kỳ
nghỉ Hè ở Pháp. Điều trớ trêu là khu ngoại ô thành phố Fontainebleau này là nơi
Tướng Henri Navarre, Tư lệnh Lực lượng Pháp ở Đông Dương, đã từng sống nhiều
năm tuổi thơ. Duong nói về chiến tranh, đặc biệt là cuộc chiến Điện Biên Phủ
năm 1954. Mỗi lần kể đến một đoạn cao trào, Duong lại cất giọng hát một bài mà
anh đã hát cùng những chiến sĩ Việt Minh trong trận đánh này. Hồi đó, Duong là
một sĩ quan quân đội cấp thấp, xung phong tham gia trực tiếp chiến đấu.
Trong cuộc chiến 7 năm với quân đội Việt
Minh (bắt đầu năm 1946), quân đội Pháp đã để mất danh tiếng khi chuốc lấy con
số thương vong khổng lồ trên chiến trường. Năm 1952, đã có 90.000 lính Pháp
chết, bị thương hoặc mất tích. Một sĩ quan cấp cao của Bộ Quốc phòng Mỹ là John
Ohley, người theo dõi sát sao tình hình cuộc chiến, nhận xét: “Pháp đã mất số
sĩ quan nhiều hơn cả số tốt nghiệp các trường sĩ quan của nước này”.
Bị đẩy lùi về thế phòng thủ, Pháp lo nhất
là làm thế nào để giành ưu thế trước lối đánh du kích. Rõ ràng là Pháp đang rất
cần một giải pháp quyết định. Vào thời điểm đó, quan điểm quốc tế nghiêng về
giải pháp thương lượng, nhưng Pháp không muốn. Điều này càng tăng thêm tính cấp
bách cho chương trình nghị sự của quân đội Pháp.
Để chứng tỏ ưu thế của nước mình, tai hại
thay, Pháp đã chọn một cuộc đối đầu tại Điện Biên Phủ – vốn lâu nay đã là một
trong những căn cứ của Pháp, vì Pháp kiểm soát con đường vào Lào. Nằm ở khu vực
hẻo lánh, cách bờ biển 450km và cách Hà Nội hơn 400km, trên thực tế, chỉ có thể
dễ tiếp cận Điện Biên Phủ bằng đường không. Đây là một thung lũng thanh bình,
dài 20km và rộng 5km, bao quanh là một chuỗi các ngọn núi. Dân số chỉ hơn
10.000 người, sống rải rác trong những ngôi làng nhỏ ở vùng đất trồng trọt bằng
phẳng. Khu vực này có lượng mưa lớn nhất Vùng Cao và giữa những quả đồi vây
xung quanh ngập tràn màu xanh ngút mắt.
Trong gần 1 thế kỷ, chế độ thực dân đã tận
dụng thung lũng Điện Biên Phủ để làm trung tâm cung cấp chính cho các hoạt động
phân phối độc quyền thuốc phiện ở Đông Dương. Luôn có một sĩ quan Pháp cùng đồn
trú ở đây. Ngôi nhà gỗ một tầng của viên sĩ quan này và những căn nhà bằng gạch
bao quanh chẳng bao lâu sau đã được lịch sử ghi vào là cụm cứ điểm Eliane (đồi
A1). Để đấu với Việt Minh, quân đội Pháp rõ ràng có ý
định về một trận đánh dàn quân trên một khu đất phẳng, cùng với những chiếc xe
tăng có hỏa lực mạnh nhất.
Phía Việt Nam sẽ phải đưa quân đội và quân
nhu vào Điện Biên Phủ với cùng khoảng cách, nhưng bằng đường bộ. Tướng Võ
Nguyên Giáp có kế hoạch triển khai 50.000 nam và nữ quân nhân tham gia chiến
đấu và 20.000 dân công hỏa tuyến ở mọi lứa tuổi tham gia tiếp tế. Để đến được
Điện Biên Phủ, Việt Minh sẽ phải xây dựng những con đường mới và cầu phao, và
chuyến hành quân đặc biệt này sẽ phải mất ít nhất 2 tuần bằng cả đi bộ, đi xe
đạp hoặc bằng thuyền nhỏ. Tướng Giáp sẽ đi bằng ngựa, nhưng quân của ông có thể
đã thu được một chiếc xe jeep chiến lợi phẩm của quân địch trên đường đi, giúp
ông giảm thời gian đi lại.
Tháng 11/1953, với sức mạnh không quân,
Pháp đã tiến hành “Chiến dịch Hải Ly”, thả 9.000 quân xuống khu vực này chỉ
trong 3 ngày và bắt đầu lập các cứ điểm giống các pháo đài. Pháp có kế
hoạch triển khai 10.000 lính, nhưng với những động thái tăng quân sau đó, con
số này đã lên đến 16.000. Lính Pháp bao gồm các trung đoàn không vận, đội lính
lê dương, đội xạ thủ châu Phi, binh đoàn thuộc địa người Việt, và số lính đánh thuê người Thái, Lào, và Mường.
Tướng Henri Navarre đã quyết định ăn mừng
ngày Giáng sinh với các binh lính của ông ta ở Điện Biên Phủ để tăng nhuệ khí.
Đại tá Christian de Castries được chỉ thị tổ chức bữa tiệc trong một căn lều
lớn dựng bên ngoài trụ sở đầu não, với sự hỗ trợ của nữ thư ký riêng Paule
Bourgeade. Lớn tiếng trước các binh lính trong những bộ quân phục rằn ri,
Navarre đảm bảo với họ về chiến thắng. Navarre có nói về Võ Nguyên Giáp. Ông ta
không tin vào khả năng lãnh đạo quân đội của Tướng Giáp, nói rằng ông Giáp thực
ra là một thày giáo dạy sử, có bằng luật và chưa bao giờ kinh qua một trường
đào tạo quân sự nào.
Chính cụ Hồ Chí Minh là người đã tiến cử
ông Giáp tham gia huấn luyện quân đội trong rừng năm 1940, sau khi diễn ra cuộc
nổi dậy Nam Kỳ Khởi Nghĩa do bà Nguyễn Thị Bảy (Pháp gọi là “nữ hoàng Đỏ”) đứng
đầu. Ở thời điểm đó, cả hai đang ẩn náu gần khu vực biên giới Việt-Trung. Ông Giáp sau đó đã nói với cụ Hồ rằng bàn tay
ông là để cầm bút chứ không phải cầm gươm. Hai người đã sẻ chia những kinh
nghiệm trong một thập kỷ nữa ở rừng. Trong trận đánh Điện Biên Phủ, cụ Hồ đã
chọn ông Giáp làm tư lệnh lực lượng Việt Minh.
Mùa Đông năm 1953, Richard Nixon, khi đó
là Phó Tổng thống Mỹ, đã bí mật thăm Hà Nội. Ông ta có đến sông Hồng, quan sát
một trận đánh ở Ninh Binh và lắng nghe kế hoạch chi tiết do Navarre trình bày.
Kế hoạch này đã được “thiết kế” cẩn thận với sự tham vấn của Thủ tướng Pháp
Joseph Laniel và Ngoại trưởng Mỹ John Foster Dulles. Kế hoạch này cũng đã nhận
được sự ủng hộ hoàn toàn của gần 20 sĩ quan quân đội cấp cao Mỹ và Pháp. Đại tá
Christian de Castries, một sĩ quan kỵ binh bảnh bao với lý lịch tham chiến ấn
tượng trong Chiến tranh Thế giới Thứ II, được chỉ định là Tư lệnh tại Điện Biên
Phủ.
Khi cụ Hồ Chí Minh biết tin về quyết định
của Pháp chọn Điện Biên Phủ để tiến hành trận chiến quyết định, ông lột ngay
chiếc mũ trên đầu và ném lên bàn. Chỉ thẳng vào chiếc mũ đang lật ngửa – ví như
một thung lũng sâu và rộng, cụ nói với ông Giáp: “Quân Pháp sẽ bị chôn sống ở
đây”.
2. Những đường hầm và giao thông hào
Khi Pháp bắt đầu đổ quân xuống Điện Biên
Phủ, Võ Nguyên Giáp biết rằng chỉ cần ông cung cấp đủ pháo cho quân mình, lính
Pháp có thể bị kết liễu ở đây. Do Pháp phụ thuộc nặng nề vào hoạt động hỗ trợ
đường không, lính Pháp đang ở thế bất lợi nghiêm trọng.
Ngược lại với một thung lũng không gì che
chắn, nơi mà Pháp hy vọng thực hiện một cuộc chiến thông thường, những vùng núi
và rừng xung quanh rất lý tưởng cho Việt Minh che giấu vũ khí. Thách thức lớn
nhất với Việt Minh là làm thế nào để tay không chuyển những khẩu pháo nặng lên
đỉnh đồi, qua những vạt rừng mênh mông, qua những dãy núi và đến được những địa
điểm đã được ngụy trang trên những quả đồi bao vây quanh quân Pháp. Quân Việt
Minh đã hành động bí mật và gần như cả đêm. Nhưng băng giá sẽ đổ xuống thung
lũng khi hoàng hôn xuống, đặt ra một thách thức nữa.
Vì những đường mòn rất hẹp, chỉ cần bánh
xe trệch hướng một chút, pháo sẽ rơi xuống khe núi sâu. Họ đã mở một đường mòn
mới, ở những vũng lầy sâu đến mắt cá chân. Với nỗ lực phi thường, kiên nhẫn và
thầm lặng, họ đã xây dựng lại những đường mòn và sau nhiều tuần, đã kéo pháo
vào vị trí chiến đấu. Để lên dốc, hàng trăm phụ nữ và nam giới đã gồng mình,
kéo những khẩu pháo nặng bằng dây thừng dài, từng chút từng chút một. Cả đêm,
họ có thể kéo được pháo đi từ 500 đến 1.000m. Mỗi lần Pháp nghi ngờ có động
tĩnh, họ lại cho máy bay dội bom. Những đường giao thông lại bị phá hủy. Nhiều
người đã chết dưới làn bom đạn này.
Lúc này, dưới sự kinh ngạc của kẻ thù và
cả một sự hy sinh lớn về người, Việt Minh đã đưa được tất cả pháo vào những vị
trí trên đỉnh đồi bên phải, bao vây quân Pháp cùng những bãi đáp máy bay mà
Pháp hoàn toàn phụ thuộc.
Tướng Giáp đã liên lạc với chỉ huy các
tiểu đoàn từ một sở chỉ huy rất đơn sơ ở khu rừng gần đó. Ông làm việc và sống
bên trong căn lều nhỏ ở dưới chân một quả đồi. Căn lều chỉ được trang bị một
cái bàn gỗ, 2 chiếc ghế mây và một chiếc giường đệm cỏ khô. Hầu như tất cả thời
gian ông có mặt trên lều và chỉ xuống hầm khi có không kích.
Trong khi đó, lực lượng Pháp dưới thung
lũng có một phân khu trung tâm, xung quanh là 8 cụm cứ điểm chính được lấy theo
tên các tình nhân của Đại tá Castrie (gồm Gabrielle, Beatrice, Anne-Marie,
Huguette, Claudine, Eliane, Dominique và Isabelle) cùng 49 cứ điểm phòng thủ.
Phân khu trung tâm Điện Biên Phủ gồm 5 quả đồi có rừng bao phủ và phía dưới là
cánh đồng Mường Thanh hình trái tim.
Cái khó cho phía Việt Minh là làm thế nào
để tấn công phân khu trung tâm và cứ điểm phía Nam qua một đồng bằng trống
không trong tầm đạn pháo hạng nặng và được bảo vệ bằng xe tăng. Họ chỉ có thể
thành công bằng cách sử dụng đường hầm và giao thông hào. Việc đào hầm và hào
đã được bắt đầu trong những tháng mùa Đông, chủ yếu là vào ban đêm. Có một nữ
dân công tham gia công việc này đã kể lại sự hy sinh của họ bằng những vần thơ
miêu tả công việc đào hầm trong đêm tối. Giữa cái lạnh cắt da thịt, họ làm việc
miệt mài, không mệt mỏi, chỉ có tiếng cuốc bổ và đất rơi, nhưng đầy quyết tâm
mà không mất đi một tâm hồn lãng mạn.
Trận chiến vĩ đại khai mào vào ngày 13/3/1954.
Vài ngày trước đó, Đại tá de Castries đề nghị tăng thêm 3 tiểu đoàn. Nhưng ông
ta không biết rằng Việt Minh đã hoàn thành đáng kể hệ thống đường hầm, và pháo
hỏa lực mạnh của họ giờ đã bao vây thung lũng cùng bãi đáp máy bay của Pháp.
Phía Việt Nam bắt đầu cuộc tấn công quyết định vào chiều cùng ngày, thời điểm
đủ muộn để khiến Pháp không thể cầu viện hàng không trước khi trời tối.
Trung tướng Rene Cogny, một chỉ huy ba hoa
của Navarre ở Hà Nội, đã để lộ một số bí mật quân sự cho báo giới ở Paris,
trong đó có cả việc Pháp đã biết những nhất cử nhất động của quân Việt Minh.
Ngay sau khi biết tin này, Tướng Giáp đã đổi mật mã tín hiệu và một số chiến
lược quân sự.
Sáng 12/3, Cogny đến thăm Điện Biên Phủ
lần cuối để đánh giá công tác chuẩn bị. Ông ta nhìn thấy rất nhiều đường giao
thông hào trước vị trí của Pháp. Đứng trên một ngọn đồi, Cogny chứng kiến cuộc
đột kích của Pháp vào những đường hào của Việt Minh và thu giữ một số vũ khí.
Nhưng cuộc chiến này không phải là về những con hào. Nó là cuộc chiến của những
đường hầm, pháo hạng nặng, và sự cô lập của quân ngoại bang ở đất nước của
người Việt Nam.
Tiếp nối “truyền thống” của quân đội Pháp,
một nhà chứa cơ động Pháp đã được triển khai đến Điện Biên Phủ 2 tháng trước
đó. Gái điếm được đưa về các trại và đặt dưới sự chăm sóc của các sĩ quan quân
y trong quân đoàn lê dương Pháp. Những lính Pháp phấn kích đã tình nguyện đứng
ra xây dựng một khu nhà cho số gái điếm này ở. Nhưng giao tranh đã nổ ra và rất
ít binh sĩ Pháp trong các đơn vị chiến đấu có cơ hội thư giãn ở đây.
3. Chiến dịch Điện Biên Phủ
Đó là một buổi sáng Thứ Bảy,
ngày13/3. Trời nhiều mây, không khí lạnh và ẩm ướt. Toàn bộ khu rừng phủ một
sắc xanh yên bình. Có thể nhìn thấy cả những con khỉ đang vắt vẻo trên những
nhánh cây lẩn khuất trong sương mù. Trên những tán cây phủ kín các con dốc chạy
vòng vèo quanh sườn đồi, chim núi líu lo hót.
Một tiếng nổ đột ngột xé toang sự yên tĩnh
của thung lũng, khiến lũ thú rừng chạy tan tác.
Bằng trọng pháo được bố trí từ trên những
đỉnh đồi cao, Việt Minh bắt đầu nã xuống sân bay Mường Thanh. Đến giữa trưa, 3
chiếc máy bay đã bốc cháy còn những chiếc khác cùng chung số phận bị hư hỏng
nặng. Đối với quân Pháp, điều thậm chí còn nghiêm trọng hơn là đường băng –
đường sinh mệnh của lực lượng này – đã bị tàn phá. Một đại đội và 2 xe tăng
Pháp đã bắn trả, trong khi Việt Minh tiếp tục các cuộc tấn công nhằm vào những
bãi đáp của máy bay và cụm cứ điểm Beatrice gần bản Him Lam ở phía Bắc.
Lúc 1 giờ rưỡi chiều, bây giờ là dưới
cái nắng chói chang của bầu trời xanh với những gợn mây trắng, các đợt bắn phá
nhằm vào cụm cứ điểm Him Lam ngày càng tăng về khối lượng và tiếp diễn
trong 2 giờ đồng hồ không nghỉ. Viên đại tá Pháp chỉ huy cứ điểm này
và người phó đã bị giết vì pháo dội đúng boongke của họ. Nhân viên liên lạc
Pháp cố cầu viện sự hỗ trợ của trọng pháo, nhưng đường dây liên lạc đã tê liệt.
Khốn khổ với những rắc rối của hệ thống cung cấp nhiên liệu từ đêm trước đó,
các lính Pháp giờ đây không thể phản ứng lại cuộc tấn công quy mô cực kỳ lớn
này.
Lúc 5 giờ 30 phút, mọi quả đồi dường
như nổi hẳn lên giữa chân trời phủ một màu vàng cam. Cũng bất ngờ như lúc
trước, cả sườn đồi Him Lam ngập tràn lính Việt Minh trong bộ quân phục màu xanh
lá cây và những chiếc mũ kết bằng lá dừa. Lặng lẽ, họ nhô lên từ những giao
thông hào lượn quanh chân đồi. Choáng váng trước cảnh tượng này, lính Pháp cố
gắng tấn công lại bằng trọng pháo, nhưng đã quá muộn. Quân Việt Minh đông hơn
và cứ điểm đã bị chiếm – một cảnh tượng khiến phía Pháp sửng sốt đến mức quân
Pháp mất hết tinh thần.
Lúc 7 giờ rưỡi tối, khi bóng đêm đổ
xuống, Việt Minh đã bắn pháo trúng các kho nhiên liệu và bom napan của Pháp.
Những cột lửa vàng nhanh chóng bốc cao và thắp sáng rực cả bầu trời. Đám cháy
lớn kéo dài suốt đêm đó.
Đến 10 rưỡi đêm, nhiệt độ đã giảm mang
theo sương giá. Trong đêm tối, trọng pháo nhằm hướng các cụm cứ điểm của Pháp,
cày xới mặt đất, đánh sập các hầm trú ẩn, san bằng hào giao thông, phá hỏng các
loại vũ khí, tiêu diệt và làm bị thương nhiều lính Pháp. Những âm thanh inh tai
nhức óc hòa cùng bụi đỏ và khói thuốc gây cay. Bên trong các hầm chỉ huy, mặt
đất dường như đang chao đảo dữ dội. Những boongke rung lắc và di chuyển tới
lui, đồ đạc va vào nhau, rơi xuống đất, và người dẫm đạp lên nhau.
Trong trại trung tâm, một viên trung tá
đang tắm thì đạn pháo rơi xuống ngay bên cạnh. Anh ta trần truồng chạy vào hầm
của mình để điện thoại cho các chỉ huy tiểu đoàn nhưng đường dây đã bị cắt.
Toàn bộ lính Pháp khiếp đảm cực độ trước sức mạnh kinh hoàng từ pháo của Việt
Minh và các vị trí bắn pháo của họ. Mà đây mới chỉ là ngày đầu tiên của cuộc
chiến.
Nửa đêm, pháo ngừng bắn. Đại tá Mac Ninh,
giờ là chỉ huy ở cụm cứ điểm Him Lam, gửi thông điệp cho đại tá de Castries:
“Theo lệnh từ chỉ huy của chúng tôi, tôi
thông báo với ông rằng lúc 8 giờ sáng mai, ông và những người của ông
được phép đưa một trung đội không vũ trang và các máy bay cứu thương đến thu
nhặt những người bị thương. Phải có người cầm cờ trắng trước khi tiến vào Him
Lam (Beatrice)”.
Đại tá de Castries đối mặt với cơn khủng
hoảng với rất ít sự trợ giúp từ các chỉ huy. Trung tá Keller, Tham mưu trưởng,
bị suy nhược thần kinh và ẩn náu dưới căn hầm trú ẩn sâu nhất, đầu đội mũ sắt.
Đại tá Piroth suy sụp nặng, trao toàn quyền chỉ huy lực lượng pháo binh cho
người phó của ông ta. Trung tá Langlais, Chỉ huy chiến dịch, luống cuống và gần
như hóa điên. Thậm chí cô thư ký riêng là Bourgeade cũng đã bị thương nặng.
Sáng 14/3, khi mặt trời lên.
Trại trung tâm tĩnh lặng và bao trùm cảm
giác lạnh lẽo. Những binh sĩ Pháp nhìn chằm chằm vào đống hoang tàn do bom mìn
cày phá. Toàn bộ mặt đất lỗ chỗ những hố sâu. Phương tiện đi lại bị phá hỏng,
những bao cát vỡ văng tung tóe, những hộp đạn pháo, những bàn ghế, đèn, hộp,
can, vỏ đồ hộp… lăn lóc khắp nơi. Không khí đặc quánh mùi của xăng và than
cháy. Một nhóm lính lê dương đang thu nhặt những xác chết trước khi chuyển vào
nhà xác ngay đằng sau bệnh viện dã chiến. Nhà xác là một hầm trú ẩn sơ sài,
chất đầy những chiếc ván quan tài. Giờ nó chất đầy xác chết đặt la liệt dưới
nền đất trơ trụi. Nhiều người bị thương nằm trên cáng, chờ đợi.
Cha tuyên úy Trinquant của Đội quân lê
dương cùng một sĩ quan quân y và 3 xe vận chuyển treo cờ Chữ thập Đỏ đi nhặt
những xác của lính lê dương nằm quanh các căn cứ. Việt Minh đã chuyển người của
họ đi trong buổi tối.
Thiếu tá bác sĩ Paul Grauwin đã yêu cầu
một máy bay đặc biệt chở một số người bị thương nặng và cô Bourgeade ra khỏi
Điện Biên Phủ để điều trị. Chính đại tá de Castries đã gửi vội cô thư ký của
ông lên máy bay cho dù cô này không đồng ý.
Sáng sớm 15/3, Việt Minh đã hoàn toàn kiểm
soát một cứ điểm khác – Gabrielle (đồi Độc lập) ở phía Bắc. Một số chỉ huy Pháp
có dấu hiệu rối loạn và suy sụp. Giữa đêm, đại tá Piroth đã tự tử bằng lựu đạn.
Không thể chuyển những người chết đến
nghĩa trang đã được chuẩn bị sẵn, ngày 18/3, đại tá de Castries đã lệnh rằng
những người bị chết khi làm nhiệm vụ sẽ được chôn ngay tại chiến trường, trong
một hố chôn tập thể, bằng máy ủi.
Trong cuộc điện đàm qua radio với Trung
tướng Cogny ngày 19/3, đại tá de Castries thông báo với ông này rằng cứ điểm
Isabelle (Hồng Cúm) ở phía Nam lòng chảo sẽ bị Việt Minh chiếm giữ bất kỳ lúc
nào. 5 ngày sau đó, Trung tá Keller đã được lặng lẽ đưa khỏi Điện Biên Phủ,
trên một chuyến bay cứu thương.
Khi cơn khủng hoảng của Pháp nghiêm trọng
hơn, Chính phủ Mỹ mới khẩn cấp trợ giúp. Ngày 24/3, trong “Chiến dịch Chim kền
kền”, lính Mỹ đã được triển khai cùng 60 máy bay B-29 từ căn cứ Không quân Viễn
Đông ở Philippines. Chúng bắt đầu dội bom vào các tuyến đường tiếp tế của Việt
Minh dẫn đến Điện Biên Phủ.
Trong 3 ngày đêm liên tục, lực lượng phối
hợp của Pháp và Mỹ đã tiến hành 750 cuộc không kích dữ dội vào khu vực của Việt
Minh, giết hại hàng nghìn người – gồm cả phụ nữ, trẻ em và người lớn tuổi tham
gia công tác hậu cần bằng xe thồ.
4. Con voi giẫy chết
Bất chấp những tổn thất nặng nề sau các
cuộc không kích, sáng sớm 30/3, Việt Minh bắt đầu đợt tổng công kích thứ hai
với một loạt cuộc tấn công nhằm vào phân khu trung tâm Điện Biên Phủ – cuộc
chiến trên 5 quả đồi. Cứ điểm Dominique bên bờ trái dòng Nậm Rốn nhanh chóng
thất thủ. Một số đồn bốt trên những quả đồi bên phía Đông của lòng chảo Điện
Biên cũng rơi vào tay Việt Minh. Hai đại đội Pháp bảo vệ Dominique đã kiệt sức
đến mức lính phải cố trốn sang bên kia con dốc để tìm nơi ẩn náu ở các vị trí
còn có vẻ trụ được hơn ở phía dưới. Họ bị coi là những những kẻ đào tẩu, chỉ
huy của căn cứ phía dưới không chứa chấp, và sau đó những binh sĩ này đã bị hỏa
lực của Việt Minh tiêu diệt.
Tại bệnh viện dã chiến, mỗi ngày, bác sĩ
Grauwin tiếp nhận 750 binh sĩ bị thương nặng và trong 3 ngày đêm liên tục, ông
cùng các bác sĩ khác không ngơi tay phẫu thuật.
Máy bay được ưu tiên để chuyển một lượng
lớn máu và huyết tương cũng như các thiết bị thay thế cho các máy chụp X quang.
Tuy nhiên, do những vấn đề như bảo quản lạnh và do hàng bị hỏng khi thả dù,
những nhu cầu khẩn cấp này không thể được đáp ứng.
Ngày 30/3, Tướng Navarre đặt chân đến Hà
Nội để đánh giá tình hình. Gió mùa bắt đầu về và thung lũng biến thành một vùng
sình lầy. Các phương tiện cấp cứu giờ đây gặp phải những khó khăn rất lớn trong
việc tiếp cận với bệnh viện của bác sĩ Grauwin để cấp cứu các trường hợp khẩn
cấp.
Tuần đầu tiên của tháng 4, quân đội Pháp
biết các đường dây liên lạc trên chiến trường đã dần bị cắt hết. Nhiều nơi
không thể nhận được lệnh, cảnh báo hay thông tin từ cấp trên. Họ rơi vào hoảng
loạn. Việt Minh đã kiểm soát thêm nhiều cứ điểm và căn cứ. Họ tiếp tục các cuộc
tấn công vào những bãi đáp của máy bay, và từ ngày 27/3, những bãi đáp này trở
nên vô dụng. Nỗ lực cuối cùng của Pháp vận chuyển những người bị thương khỏi
Điện Biên Phủ là vào sáng 28/3. Sáng đó, sau khi bốc 25 trường hợp bị thương
nặng, nhân viên kỹ thuật phát hiện máy bay bị hỏng. Một sĩ quan chỉ huy ở Hà
Nội gửi điện qua radio rằng ông ta sẽ bay đến để đón phi hành đoàn vào tối
hôm sau. Nhưng lời hứa này đã không thể thực hiện.
Việt Minh đã tiêu diệt tổng cộng 62 máy
bay của Pháp và Mỹ tại Điện Biên Phủ. Trung tuần tháng 4, Việt Minh giành chiến
thắng hoàn toàn và gọi những gì còn lại của cuộc đối đầu là “con voi đang chảy
máu và chết dần”. Giữa các đợt pháo yểm hộ, loa của Việt Minh bắt đầu phát
thông điệp cho quân Pháp dọc thung lũng, thuyết phục quân của tướng de Castries
đầu hàng.
Nhìn thấy rõ thất bại của Pháp, ngày 14/4,
John Foster Dulles đã trình các lãnh đạo trong Quốc hội đề xuất của ông dùng vũ
khí nguyên tử tiêu diệt Việt Minh tại Điện Biên Phủ. Đề xuất này đã được thảo
luận nghiêm túc, nhưng Lyndon Johnson, thủ lĩnh phe đa số trong Thượng viện Mỹ,
lập luận rằng vũ khí này sẽ quét sạch quân đội của cả hai phe. Vì không thể
tính được bao nhiêu đơn vị lính Pháp có thể sống sót trong một cuộc tấn công
bằng bom nguyên tử, kế hoạch này đã bị hủy bỏ.
Đại tá Christian de Castries đã được thăng
lên cấp Chuẩn tướng ngày 16/4. Một số chỉ huy khác trên chiến trường này, trong
đó có Trung tá Langlais, cũng được thăng chức. Có lẽ đó là một quyết định chính
trị. Trong nhiều tuần, báo chí Paris đã ca ngợi binh sĩ Pháp vì hàng rào phòng
thủ anh hùng ở thuộc địa Viễn Đông của Pháp, trong khi dư luận Pháp dõi theo
mọi động thái ở Điện Biên Phủ với nỗi kinh sợ.
Sân bay ở Mường Thanh bị vô hiệu hóa, Pháp
phải dùng dù thả quân vào ban đêm còn thực phẩm và đạn dược vào ban ngày. Tuy
nhiên, Pháp không thể duy trì được các hoạt động tiếp tế. Gió mạnh khiến nhiều
dù thả đồ tiếp tế bay sang trận địa bao vây do phía Việt Minh kiểm soát. Quân
Việt Minh cũng dùng súng phòng không bắn hạ những dù này.
Vấn đề chính là việc cung cấp dù. Pháp
không lường trước được rằng họ cần tới 1.000 dù mỗi ngày – và mỗi chiếc chỉ
dùng được một lần. Phía Pháp hết dù cho quân tiếp viện vào ngày 27/3. Nhóm Cố
vấn Hỗ trợ Quân sự Mỹ (MAAG) ở Sài Gòn do Trung tướng O’ Daniel cầm đầu đã phải
khẩn trương tổ chức không vận 60.000 chiếc dù đến Điện Biên Phủ từ các căn cứ ở
Nhật Bản và Philippines, để đáp ứng yêu cầu của Pháp.
Ngày 1/5,Việt Minh phát động cuộc tổng tấn
công thứ ba với một loạt cuộc tấn công dữ dội, và một cuộc tấn công ồ ạt bằng
pháo nhằm vào các căn cứ ở phía Nam và phía Đông. Họ đã chiếm giữ được cụm cứ
điểm phía Đông, Eliane, trước đó là dưới sự chỉ huy trực tiếp của tướng de
Castries. Qua đường radio, Đại tá Langlais yêu cầu Đại tá Sauvagnac khẩn trương
tăng viện một đại đội lính dù. Ông ta hy vọng chiếm lại được quả đồi phía Đông
và bảo vệ được phân khu trung tâm. Nhưng Sauvagnac đáp lại là không thể đáp ứng
được yêu cầu này. Đại tá Langlais hét lên tức giận và tuyệt vọng: “Chúng tôi
vẫn sẽ thắng trận này mà không cần ông và bất cần ông. Đây là thông điệp cuối
cùng của tôi và tôi sẽ không bao giờ nói với ông nữa”.
Ngày sau đó, tướng de Castries nhận được
tin xác nhận là có 450 lính dù được tiếp viện. Số lính này sẽ đến vào ngày 7/5,
trực tiếp từ hai trường huấn luyện lính dù ở Pháp.
Chiều cùng ngày, dưới trời mưa nặng hạt,
Việt Minh đánh phá cụm cứ điểm Isabelle (ở Hồng Cúm). Quân Pháp đóng tại
Isabelle chỉ còn lại 6 trên tổng số 11 khẩu pháo là có thể bắn trả lại. Mưa
tiếp tục như trút và nguồn cung cấp từ máy bay bị chặn. Khẩu phần đồ hộp chỉ
còn đủ trong 3 ngày. Lính Pháp đối mặt với nguy cơ đói khát.
5. Những đầm lầy dưới chân đồi đặc khói
thuốc
Ngày 3/5, Cogny đề nghị với De Castries
một cuộc hành binh phá vây mang bí danh Albatros (Hải âu lớn), khi đa số các
chỉ huy Pháp đã không còn nhuệ khí chiến đấu. Tuy nhiên, De Castries đã từ
chối. Ông ta quyết định ở lại đến cùng với những binh sĩ bị thương vì cho rằng,
danh dự quân đội chính là việc cứu sống được bao nhiêu mạng lính và giảm thiểu
thương vong cho họ.
Ngoài vật lộn với con số thương vong lớn,
De Castries còn phải đối phó với tâm lý thất vọng cực độ khi thiếu đạn dược,
lương thực và thuốc men cần thiết. Đau đầu khi những hoạt động tiếp tế của lực
lượng lính dù không ổn định, viên chỉ huy này cũng gặp những vấn đề nghiêm
trọng với chính quyền Pháp. Chiều mưa ngày 4/5, khi cứ điểm Huguette đang hứng
chịu những đợt dội pháo hạng nặng của lực lượng Việt Minh, De Castries đã gửi
bức thư tuyệt vọng cho sở chỉ huy của Pháp ở Hà Nội:
Chúng tôi không có đủ đạn dược để chặn các
cuộc tấn công hay các đợt bắn phá liên miên của Việt Minh. Dường như không có
nỗ lực nào giúp chúng tôi khắc phục tình thế. Tôi đã báo cáo về nguy cơ đối với
đội bay, nhưng binh lính của chúng tôi ở đây còn phải chịu vô vàn những hiểm
nguy khủng khiếp hơn nhiều – không thể có kiểu đối xử khắt khe với người này
nhưng rộng rãi với người kia được. Việc thả dù đồ tiếp viện vào ban đêm
phải bắt đầu lúc 8 giờ tối thay vì lúc 11 giờ. Thời gian buổi
sáng đã không thể làm được gì vì sương mù và do kế hoạch thả đồ tiếp viện trong
khoảng thời gian cách nhau dài giữa các máy bay. Tôi rất cần các hoạt động tiếp
viện với số lượng lớn.
…Tôi không thể hy vọng lấy lại được thậm
chí là chỉ một nửa số đồ được thả xuống, mặc dù số lượng đồ được gửi đến cho
tôi chỉ là một phần rất nhỏ những gì tôi yêu cầu. Tôi không có gì để duy trì
tinh thần những binh sĩ của mình – những người được yêu cầu phải có nỗ lực phi
thường. Tôi không dám đi gặp họ với hai bàn tay không.
Giông tố lại càng khiến cảnh khốn khổ
trong tuần cuối cùng thêm thê lương. Hiệu ứng tích lũy của những đợt bắn phá và
lũ lụt đã khiến chiến trường như một đầm lầy, đầy rác rưởi và xác chết. Kẻ thù
mới của quân Pháp – bùn lầy – giờ đã ngập đến đầu gối.
Nhiều vợ của binh lính Pháp có mặt tại
Điện Biên Phủ. Một phụ nữ hạ sinh con gái vào ngày 4/5, trong một boongke ở cụm
cứ điểm Isabelle (Hồng Cúm) mà Pháp vừa tạm thời chiếm lại. Người chồng của sản
phụ, Đại úy Desire, nằm bên cạnh với la liệt những binh sĩ bị thương. Đứa trẻ
này sau đó được đặt tên giống một trong những cứ điểm và được Cha Tissot rửa
tội. Bên ngoài boongke, mưa tiếp tục như trút. Trời chuyển giông lớn ngày sau
đó. Tối đó, 32 lính Pháp tuần tra bên ngoài cứ điểm Hồng Cúm, về phía tây. Tất
cả đã bị Việt Minh tiêu diệt.
Hai tổ lái C-119 của Mỹ, do James McGovern
chỉ huy, đã tình nguyện bay tầm thấp để thả đạn dược xuống Hồng Cúm. Sáng 6/5,
bầu trời trong xanh ấm áp, hai chiếc C-119 đến Điện Biên Phủ. Bộ đội Việt Minh
sẵn sàng bắn hạ bằng súng phòng không. Máy bay đầu tiên do phi công Art Wilson
lái bị bắn trúng đuôi. Wilson mất kiểm soát nhưng vẫn trốn thoát và hạ cánh
được xuống sân bay Cát Bi. Máy bay của McGovern bị bắn trúng động cơ và đuôi.
Cả McGovern và lái phụ thiệt mạng vì chính lượng đạn dược chở trên máy bay.
Trận quan trọng với Tướng Giáp trong những
ngày cuối cùng này là cuộc tấn công vào cứ điểm gần bờ trái Sông Nậm Rốn có
nhiệm vụ bảo vệ cứ điểm chỉ huy trung tâm. Trong số 49 cứ điểm phòng thủ, đây
là một cứ điểm mà Pháp gọi là “cổ họng Điện Biên Phủ” – cũng là nơi Pháp gánh
tổn thất lớn. Tướng Giáp phát hiện rằng quân Pháp vào quả đồi này qua một pháo
đài được xây dựng nhiều năm trước đây. Trong 16 ngày, lực lượng công binh của
Việt Minh đã đào một hầm ngầm tới quả đồi. Đến được cứ điểm này lúc 8
giờ 30 phút ngày 6/5, họ đã cho nổ 1 tấn thuốc hất tung hệ thống hầm ngầm
cuối cùng. Vụ nổ này lớn hơn và mạnh hơn bất kỳ vụ nào trước đó. Trước nửa đêm,
Việt Minh đã chiếm hoàn toàn quyền kiểm soát cứ điểm này. Quân tiếp viện Việt
Minh từ các chiến hào bắt đầu ào lên dọc các sườn dốc, tràn lên quả đồi cuối
cùng.
Sáng Thứ Sáu, ngày 7/5, quân đội Việt Minh
vẫy cờ đỏ sao vàng trên hầm chỉ huy của Tướng De Castries. Đến chiều, đại tá
Langlais xuống hầm trú ẩn và đốt chiếc mũ của lính dù mà ông ta đang đội. Ông
ta đã đổi chiếc mũ này của một lính bộ binh. Trong khi đó, Tướng De Castries
điện thoại cho vợ ở Paris chỉ với một thông điệp ngắn: “Đừng lo. Anh đã bị bắt
làm tù binh. Chúng ta sẽ gặp lại nhau”. Tuy nhiên, Cogny nói với De Castries
qua đường truyền radio từ Hà Nội và chỉ thị ông ta không được đầu hàng.
“Ông bạn già, giờ đây phải kết thúc thôi,
nhưng không phải bằng cách đầu hàng. Chúng ta không được phép làm như vậy.
Không được kéo cờ trắng, không được đầu hàng. Đừng làm những hành động đáng xấu
hổ”.
“Được, Tướng quân. Ước muốn của tôi là bảo
vệ những binh sĩ bị thương”, De Castries trả lời, trong nước mắt.
Cogny tiếp tục: “Tôi không có quyền cho phép ông đầu hàng. Hãy làm những gì tốt
nhất. Nhưng cuộc chiến không được kết thúc với một chiếc cờ trắng. Ông hiểu
không, ông bạn già”.
“Được, thưa Tướng quân”.
Từ chiều đến tối ngày 7/5, hơn 10.000 binh
sĩ đói lả, trong những bộ quần áo tả tơi và giày mục nát, chầm chậm nhô lên từ
thung lũng sâu. Việt Minh yêu cầu chuyển họ đến các trại tù binh cách đó vài
trăm km. Nhiều người không thể. Họ quá yếu. Hầu hết những người sống sót đều bị
mất phương hướng do sống trong bom đạn quá lâu.
Trận Điện Biên Phủ không chỉ là biểu tượng
báo hiệu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân Pháp ở Đông Dương, mà còn chấm dứt
nhiều thế kỷ chủ nghĩa thực dân châu Âu thống trị cả thế giới.
Laura Lam
* Nữ Việt kiều Pháp
* Trích thơ Tố Hữu
* Ảnh : Điện Biên Phủ, Đại tướng tặng cờ quyết thắng
sau chiến thắng Điện Biên Phủ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét