" Chính từ sách mà những người khôn ngoan tìm được sự an ủi khỏi những rắc rối của cuộc đời "
- Victor Hugo -
Đọc sách văn học sẽ giúp chúng ta trở nên thông minh và tốt tính hơn.Việc đọc một " nội dung sâu sắc " giống như luyện tập cho bộ não khỏe mạnh, giúp chúng ta dễ dàng thấu hiểu, cảm thông đối với những người xung quanh.
Những tranh cãi xoay quanh việc sách văn học có thực sự giúp cải thiện con người hay không từ lâu đã trở thành đề tài tranh cãi của những nhà tâm lý học phương Tây - những người luôn đòi hỏi phải có bằng chứng xác thực cho mọi kết luận.
Mới
đây, các giáo sư tâm lý học ở trường Đại học York và Toronto (Canada) đã tìm ra
những bằng chứng để chứng minh rằng: Đọc sách văn học thực sự giúp con người
trở nên thông minh và tốt tính hơn.
Những
nghiên cứu của các giáo sư đã cho thấy những người thường xuyên đọc sách văn
học thường có khả năng thấu hiểu, cảm thông và nhìn nhận sự việc từ nhiều góc
độ. Ngược lại, những cá nhân có khả năng thấu cảm tốt cũng thường lựa chọn sách
văn học để đọc.
Sau
khi đã tìm thấy mối liên hệ hai chiều ở đối tượng độc giả là người lớn, các nhà
nghiên cứu tiếp tục tiến hành với trẻ nhỏ và nhận thấy những điều thú vị, rằng
những trẻ được đọc nhiều sách truyện thường có cách ứng xử ôn hòa, thân thiện
hơn, thậm chí trở thành đứa trẻ được yêu mến nhất trong nhóm bạn.
Đọc
một “nội dung sâu sắc” khác với cách đọc “mì ăn liền” của chúng ta khi lướt qua
các trang mạng. Hiện tại, việc thực sự đọc, chìm lắng vào một nội dung văn học
là việc ngày càng hiếm thấy trong đời sống đương đại.
Theo
các nhà tâm lý học, việc chú tâm đọc một nội dung sâu sắc có tầm quan trọng đối
với mỗi cá nhân giống như việc người ta cần bảo tồn những công trình lịch sử
hay những tác phẩm nghệ thuật quý giá. Việc thiếu đi thói quen đọc nghiêm túc
sẽ gây ảnh hưởng tới sự phát triển trí tuệ và cảm xúc của những thế hệ “sống
trên mạng”.
Việc
chúng ta “lười đọc” cũng khiến văn - thơ bớt thịnh hành, khi đó, văn -
thơ sẽ chỉ còn được thưởng thức và sáng tạo bởi một nhóm thiểu số.
Nghiên
cứu trong lĩnh vực nhận thức, tâm lý và thần kinh, các nhà nghiên cứu nhận thấy
việc “đọc sâu sắc” - đọc chậm, chìm đắm, rung cảm trước những gì đang đọc - là
một trải nghiệm đặc biệt, rất khác so với việc đọc “mì ăn liền” để thu nhận
thông tin.
Việc
đọc sách theo kiểu truyền thống - đọc sách in - cho thấy có nhiều lợi ích hơn
cách đọc online bởi người đọc không bị phân tâm bởi những link đính kèm, những
liên kết, hình ảnh động… Vì vậy, họ thực sự chuyên tâm vào việc đọc, bớt bị
phân tâm.
Việc
chìm đắm vào một nội dung văn học chứa đựng nhiều yếu tố cảm xúc, đạo đức, thẩm
mỹ… giúp não xử lý nhiều ngôn từ đa dạng, những hình dung, ẩn dụ… Bằng cách
này, não như được “tập dượt” trước những tình huống và một khi sự việc tương tự
diễn ra trong cuộc sống, vùng nhận thức ở não sẽ ngay lập tức được kích hoạt
dựa trên những gì đã “tập dượt”.
Trước
tình huống mà nhân vật văn học gặp phải, người đọc sẽ bước vào nội tâm nhân vật
để phán đoán, nhận định, đưa ra lý giải, cách xử lý… Những điều này giúp gia
tăng khả năng thấu hiểu, cảm thông, xử lý vấn đề trong cuộc sống thực.
Những
“bài tập dượt cho não” sẽ không thể có được khi đọc lướt nhanh qua những mẩu
tin trên mạng. Tuy cùng là đọc, nhưng việc đọc một nội dung sâu sắc và đọc để
thu nhận thông tin đơn thuần rất khác nhau.
Hai
cách đọc này đưa lại những trải nghiệm và tác động khác nhau đối với người đọc.
Việc đọc những nội dung thông tin đơn thuần không thể đưa lại sự lôi cuốn và
cảm giác thỏa mãn.
Nghiên
cứu của Hiệp hội Văn học Quốc gia Anh đối với 34.910 trẻ em từ 8-16 tuổi cho
thấy có 39% trẻ em đọc mỗi ngày trên thiết bị điện tử, 28% trẻ em đọc mỗi ngày
trên sách in truyền thống.
28%
trẻ em này có thể dễ dàng kể ra những cuốn sách mà các em yêu thích nhất và
không ngần ngại khẳng định rằng các em rất thích đọc, trong khi đó, phần đông
những trẻ em thường xuyên đọc trên thiết bị điện tử khá do dự trước những câu
hỏi kiểu này. Ngoài ra, những năng lực mà trẻ đọc sách in có được lại không thể
hiện rõ nét ở những trẻ đọc bằng thiết bị điện tử.
Như
vậy, việc đọc như thế nào quan trọng không kém việc có đọc gì hay không, bởi nó
còn liên quan tới những kỹ năng phát triển trong quá trình đọc.
“Con
người sinh ra không phải để đọc” - đó là tuyên bố có phần gây sốc của giám đốc
Trung tâm Nghiên cứu Ngôn ngữ thuộc trường Đại học Tufts (Mỹ). Bởi không như
khả năng nghe - nói, khả năng đọc và cao hơn nữa là say mê đọc, không phải bỗng
dưng mà hình thành được và cũng không được quy định sẵn trong bộ gen loài
người.
Những
người yêu thích việc đọc có khả năng tập trung cao độ, nhạy cảm với ngôn từ, và
có thể bước vào một trạng thái hưng phấn đặc biệt - say mê, mê mải đọc.
Khi
rơi vào trạng thái hưng phấn này, người ta sẽ đọc chậm lại để não bộ có thời
gian làm giàu cho những con chữ bằng hình ảnh, phân tích, lưu giữ ký ức, đưa ra
nhận định…
Lúc
này, não bộ sẽ hình thành nên mối quan hệ thân thiết giữa người đọc và tác giả,
tác phẩm, nhân vật… Những rung cảm lúc này diễn ra đa dạng, phong phú, thậm chí
nếu lên tới cao trào, có thể khiến người đọc cảm thấy như đã yêu tác giả hoặc
phải lòng nhân vật.
Đọc
đến đây, có thể nhiều người sẽ cho rằng việc giới trẻ gắn bó với thiết bị điện
tử thông minh là một xu thế của thời đại, không thể đi ngược. Tuy vậy, đây là
một quan điểm sai lầm.
Bởi
nếu đọc sách văn học theo cách truyền thống là việc làm xa lạ đối với người
trẻ, thì nhiệm vụ của người đi trước chính là dẫn dắt người trẻ bước vào một
lãnh địa mà họ chưa từng biết tới, để họ tìm thấy ở đó những điều kỳ diệu mà
chỉ có việc say mê đọc một cách nghiêm túc mới có thể đưa lại.
Bích Ngọc
* Nguồn ảnh : Vivo Vfe
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét