Chủ Nhật, 22 tháng 10, 2017

Quyền Sư

 " Phải nhớ rằng trên đầu ta chỉ có chính nghĩa mà thôi "
- Quyền Sư Ngô Sĩ Quý -



ĐẠI VÕ SƯ VĨNH XUÂN QUYỀN NGÔ SĨ QUÝ (1922 - 1997)
Võ sư Ngô Sĩ Quý sinh ngày 22/10/1922 tại Hà nội trong một gia đình công chức thời Pháp thuộc. Thân phụ là Cụ ông Ngô Dưỡng Chính (1889 - 1943) và Thân mẫu là cụ NguyễnThị Tâm (1900 - 1987). Ông là con thứ 3 trong gia đình 8 anh chị em. Thủa nhỏ, ông sống với gia đình tại số nhà 97 Mã Mây, một trong những con phố sầm uất nhất thuộc khu “36 phố phường Hà Nội” xưa.
Thông minh, hiếu động, mạnh mẽ, dũng cảm, thẳng thắn, cương trực, hào hiệp, đa tài, vị tha là những phẩm chất cao đẹp của người tuổi Tuất mà bẩm sinh đã vận vào ông. Do vậy luôn sẵn sàng che chở, động viên, nghĩ cho người khác hơn là nghĩ cho bản thân luôn là nguyên tắc sống trong suốt cuộc đời 76 mùa xuân của ông.
Vào những năm 30 của thế kỷ XX, ông theo học tiểu học ở Hà Nội, lâu nhất là trường Thăng Long. Ông học đến hết thành chung thì bỏ không học tiếp. Do sớm có năng khiếu âm nhạc nên từ nhỏ ông đã rất say mê và thường xuyên đi nghe các ban nhạc nhà thờ biểu diễn nhạc cổ điển phương tây. Tình cờ được một cha cố ở Nhà thờ Lớn Hà Nội chỉ dẫn, ông theo học và không lâu trở thành một tay violin có tiếng trong ban nhạc Nhà thờ ở Hà Nội thời đó với những bản serenade (dạ khúc) đi vào huyền thoại nền âm nhạc cổ điển như: Khúc nhạc buồn, Ave Maria, Trăng chiều, Nightingale (Chim họa mi) của các nhạc sỹ thiên tài Chopin, Schuber, Bach, .v.v
Khoảng 1938, với biệt tài chơi violin, nhân duyên đã đưa ông đến với ông Cam Túc Cường, một cây ghitar có tiếng đang rất say mê âm nhạc phương tây, lại đang thụ giáo Vĩnh Xuân Quyền của một người gia sư trong nhà. Gia sư đó chính là cụ Nguyễn Tế Công, mà ngày nay các môn phái Vĩnh Xuân Quyền ở Việt nam suy tôn là sư tổ của Vĩnh Xuân Quyền Việt Nam. Lúc đó cụ Tế Công đang là gia sư của gia đình ông Cam Túc Cường, một gia đình thương gia giàu có người Hoa, sống ở phố Hàng Buồm, Hà nộị. Nhân duyên này đã ngẫu nhiên kết tụ nên tình huynh đệ, rồi tình thầy trò giữa 3 con người đó lại với nhau qua việc truyền thụ và luyện tập cùng nhau trong quãng thời gian dài từ cuối những năm 30 đến những tháng ngày Cách mạng tháng 8/1945. Trong quãng thời gian đó, các phẩm chất đặc biệt bẩm sinh đã giúp ông Quý tiếp thu nhanh chóng và khá đầy đủ triết lý cũng như kỹ thuật vận động được cụ Tế Công trực tiếp truyền thụ. Không có chủ đích, song đây chính là quãng thời gian định hình, đặt nền móng cho sự nghiệp võ thuật của ông để 20 năm sau (quãng từ 1968), ông trở thành người có công lớn trong việc gây dựng, phát triển, truyền bá tinh hoa Vĩnh Xuân Quyền, môn võ bí truyền, đứng hàng đầu trong thế giới võ thuật Trung Hoa, để lại cho đời một kho tàng triết lý và vận động, tinh thần và kỹ thuật của Vĩnh Xuân Quyền, được các lớp thế hệ học trò Việt nam và nước ngoài ngưỡng mộ, tôn vinh và theo đuổi.
Sau ngày Cách mạng tháng 8, thầy trò Tế Công ít có dịp bên nhau. Một lần cụ Tế Công cho người đánh tiếng mời ông Quý theo cụ vào Nam, nhưng ông đã từ chối để chọn con đường mà bất kỳ thanh niên Hà Nội chân chính nào khi đó cũng đi đó là: theo tiếng gọi của non sông đất nước. Ngày toàn quốc kháng chiến 19/12/1946, ông gia nhập tự vệ chiến đấu khu Đông Kinh Nghĩa Thục, Hà Nội, với chức trách làm liên lạc - cần vụ cho Tiểu đoàn trưởng Vũ Lăng (sau này là Thượng tướng của Quân đội Nhân dân Việt Nam). Ông tham dự các trận chiến đấu ác liệt bảo vệ từng góc phố của thủ đô Hà nội trong suốt 60 ngày đêm khói lửa, rồi cùng đồng đội trong Trung đoàn Thủ đô rút lui vào đợt cuối cùng ra vùng An Toàn Khu để đi vào cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp của dân tộc ta.
Từ 1947 đến 1952, ông là chiến sĩ của Trung đoàn Thủ đô rồi chuyển sang phụ trách Thiếu sinh quân của Đại đoàn 308.
Từ đầu 1953 đến 4/1956, ông được cử sang làm giáo viên âm nhạc của Trường Thiếu sinh quân Viêt Nam đầu tiên tại Khu học xá Nam Ninh, Trung Quốc. Chủ tịch Mao trạch Đông đã tặng ông chiếc đàn violin trong một dịp tới thăm Khu học xá. Chiếc đàn đã theo ông đi hết cuộc đời ông, hiện đang được các cháu ông giữ gìn bảo quản sử dụng như một kỷ vật của gia tộc.
Thời gian công tác tại khu học xá Nam Ninh, Trung Quốc, có điều kiện tiếp xúc với giới võ thuật Trung Quốc, ông phát hiện ra môn võ được cụ Tế Công truyền thụ bấy lâu chính là Vĩnh Xuân Quyền, một môn võ có lịch sử lâu đời được đánh giá rất cao ở Trung Quôc .Cũng từ đó, trong ông nung nấu ý tưởng tìm hiểu, nghiên cứu làm sáng tỏ, sâu sắc thêm những tinh hoa cả về triết lý lẫn kỹ thuật vận động của môn phái này để có thể truyền lại một cách khoa học cho các thế hệ trẻ Việt Nam sau này.
Đầu năm 1956, sau khi về nước, ông tiếp tục công tác giảng dạy âm nhạc tại trường Trung cấp nhạc họa Trung ương và Đại học sư phạm Hà Nội đến 1960, rồi chuyển sang làm cán bộ nghiên cứu, chỉ đạo lĩnh vực Văn-Thể-Mỹ của Vụ Sư phạm thuộc Bộ Giáo dục. Cùng với công vệc này, từ 1968, ông bắt tay vào thực hiện mong ước cháy bỏng của đời mình là gây dựng lại hệ thống triết lý và kỹ thật vận động, xây dựng phát triển và truyền thụ tinh hoa của Vĩnh Xuân Quyền cho các thế hệ trẻ Viêt Nam. Những học trò đầu tiên đến với Vĩnh Xuân Quyền chi phái Ngô Sĩ Quý cuối những năm 1960 đầu 1970 có thể kể đến như Bác sĩ Hoàng Quốc Toàn, Bác sĩ Dương Quốc Tuấn, sau đó là nhà giáo Vũ Huyến, Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, ông lang Lương, cô Loan; các thế hệ tiếp theo vào thập kỷ 80 thành danh có thể kể đến như Đinh Diệp Hoà, Bùi Chương, Phạm Hồng Dương, Trần Hậu Tuấn, chị Minh, anh Tết, Trần Việt Trung, Nguyễn Tiến Long, Võ Hồng Nam, Võ ĐIện Biên, Nguyễn Đức Hiếu, Nguyễn Đức Dũng, Nguyễn Nam Vinh, Trần Nghị, cuối thập kỷ 80, đầu 90 là các anh Lê Hoài Nam, Phạm Hải Bằng, Vũ Khắc Trí, Nguyễn Minh …
Hiện có khoảng trên 20 võ đường/CLB Vĩnh Xuân chi phái Ngô Sĩ Quý đang hoạt động trong nước tại Hà Nội như Học phái Dưỡng sinh Nhu quyền, CLB Vĩnh Xuân Ngô gia, CLB Vĩnh Xuân Tăng Bạt Hổ, CLB Vĩnh Xuân LiveCare, CLB Vĩnh Xuân Ngô Gia Hoàng Pháp – thầy Tạ Đình Khiêm, Vĩnh Xuân Đường Nguyễn Khắc Hiếu, Võ đường Lê Minh, CLB Dưỡng sinh Vĩnh Xuân LiveCare, CLB Vĩnh Xuân Quần Ngựa, CLB Vĩnh Xuân Amsterdam, CLB Vĩnh Xuân Dưỡng sinh, CLB Vĩnh Xuân Nguyễn gia, CLB Vĩnh Xuân 18 Nguyễn Du, tại HCM có các võ đường của anh Trần Hậu Tuấn, Lê Hoài Nam và nước ngoài CLB Vĩnh Xuân tại Israel, tại Pháp CLB Vĩnh Xuân Ngô thị Pháp, CLB Vĩnh Xuân Ngô Gia Hoàng Pháp Bỉ-Pháp-Ý, tại Nga CLB Vĩnh Xuân Như Ý …
Không chỉ mong muốn truyền bá hệ thống kỹ năng vận động của Vĩnh Xuân Quyền, mà trong sâu thẳm tâm tư của mình, ông luôn muốn làm rõ và truyền đạt triết lý nhân văn cao đẹp trong môn phái Vĩnh Xuân cho các thế hệ trẻ Việt nam. Ông luôn, trước tiên, lấy Nhân sinh quan “Chân Thiện Mỹ”, chứ không phải kỹ năng võ thuật để dậy cho những ai muốn thụ giáo ông về Vĩnh Xuân Quyền. Đầu những năm 70, ông đã có rất nhiều buổi đàm đạo với Bác sĩ Nguyễn khắc Viện và nhà nghiên cứu Hà Nội học Nguyễn Phúc Giác Hải về Chân thiện mỹ của võ thuật nói chung và Vĩnh Xuân Quyền nói riêng. Ông cũng đã cùng một số đồng môn và môn sinh sớm tổ chức giới thiệu với Bộ Nội Vụ (nay là Bộ Công An), Bộ Quốc Phòng nhằm đưa những ưu việt của Vĩnh Xuân Quyền đến với thanh niên trong các lực lượng vũ trang đặng góp phần nâng cao bản lĩnh và kĩ năng chiến đấu cho họ.Nhìn lại cuộc đời của ông, có thể thấy trước tiên Ngô Sĩ Quý là một nhà văn hóa, một người thầy giáo hết lòng tận tụy với thế hệ trẻ Việt Nam. Ông tâm niệm và luôn dặn con, cháu, môn sinh triết lý đối nhân xử thế là “trong cuộc sống hãy trân trọng các chi phái, môn phái khác, không được tự đề cao mình, ở đời nhiễu xạ tự nhiên hương mà”. Khảng khái và cương trực nên chịu thiệt thòi trong đường công danh (từ khi vào làm ở Bộ Giáo dục đến khi nghỉ hưu ông chỉ có duy nhất một bậc lương), sống một đời kham khổ đạm bạc mà vẫn lạc quan không ham hố quyền chức danh vọng. Ông có câu nói nổi tiếng với môn sinh: “Phải nhớ rằng trên đầu ta chỉ có chính nghĩa mà thôi” đã trở thành triết lý sống cao đẹp của Vĩnh Xuân Quyền chi phái Ngô Sĩ Quý. Ông nghỉ hưu vào năm 1974. Trong hơn 20 năm sau đó, ông dồn cả sức lực và trí tuệ của mình vào việc truyền thụ Vĩnh Xuân Quyền cho nhiều lớp thanh niên Việt Nam và cả nước ngoài đến với ông. Ông mất ngày 5 tháng 2 năm 1997, tức ngày 28 tháng Chạp năm Bính Tý tại Hà Nội, để lại niềm thương tiếc vô hạn cho anh chị em con cháu họ hàng ruột thịt, bạn bè đồng nghiệp và các môn sinh Vĩnh Xuân Quyền Việt Nam. Mộ của ông được đăt tại Nghĩa trang Yên Kỳ - Sơn Tây - Hà Nội.Cũng gần 20 năm, sau ngày ông mất, đúng như quan niệm sống của ông “nhiễu xạ tự nhiên hương”, vào tháng 2/2016 vừa qua, Hội võ thuật cổ truyền Hà Nội đã tổ chức lễ Vinh danh Đại võ sư cao cấp môn phái Vĩnh Xuân Việt Nam cho ông để ghi nhận công lao và di sản của ông để lại cho nền võ thuât cổ truyền Việt Nam.

Cổ Đông, Sơn Tây, Hà Nội
Hoàng Quốc Lập



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét