Thứ Ba, 31 tháng 1, 2017

Thiện duyên

Hãy trân quý những mối thiện duyên trong cuộc sống này



HÒN ĐÁ SANG SÔNG
Thời Đức Phật Thích Ca còn tại thế. Một hôm Ngài cùng các đệ tử đi đến một con sông. Nước sông mênh mông, chảy xiết. Đức Phật cúi xuống nhặt một hòn đá khá to lên rồi quay lại hỏi các đệ tử:
“Các con hãy trả lời ta, hòn đá này ném xuống sông thì nổi hay chìm?”
Vừa nói dứt lời thì Đức Phật ném hòn đá xuống sông. Đương nhiên hòn đá đã bị chìm mất. Chúng đệ tử không hiểu ý thầy hỏi là thế nào, thầm nghĩ : “Đá ném xuống nước tất nhiên phải chìm rồi”
Họ đồng thanh thưa: “Thưa Thế Tôn, đá chìm ạ”
Đức Phật thở dài nói: “Ài! Hòn đá này thật là vô duyên”
Nghe thầy than thở, đệ tử càng ngơ ngác suy nghĩ: “Đá ném xuống nước phải chìm, đấy là lẽ tự nhiên. Sao lại có hòn đá vô duyên hay hòn đá có duyên chứ?”
Đức Phật chậm rãi nói: “Có hòn đá vuông mỗi chiều 3 thước, đặt xuống nước không những không chìm mà nó còn qua được bên kia khô ráo. Các con có thể nói cho ta biết vì sao không?”
Các đệ tử suy nghĩ một hồi lâu vẫn không tìm ra lời giải đáp, xin thầy giảng giải.
Đức Phật trả lời:
“Đơn giản quá, chẳng qua hòn đá ấy có thiện duyên. Đó là nhờ cái thuyền, đá đặt trong thuyền chở qua sông, rõ ràng không chìm mà cũng không ướt. 
Con người ta cũng như vậy thôi, nếu ai gặp thiện duyên thì mọi việc tốt đẹp, sẽ trở thành người tốt. Nếu không sẽ chẳng làm nên trò trống gì, trở thành kẻ ác. Vậy nên con người ta sinh ra trên đời phải chọn thầy tốt mà học, chọn bạn tốt mà chơi, chọn điều tốt mà theo. Đấy chính là thiện duyên của con người vậy”. 
Chúng đệ tử nghe Đức Phật giảng nói mới hiểu rõ đạo lý làm người nên ai nấy vui mừng khôn tả.  

- Điển tích Phật giáo -

* Khi rơi xuống dòng sông, hòn đá chỉ có thể chìm, cho dù nó chỉ nhỏ bằng một hạt sỏi. Tuy nhiên, dẫu là một tảng đá to lớn, thì nó vẫn có thể sang sông khô ráo nếu được ai đó đặt lên một chiếc thuyền.Và điều đó là nhờ mối thiện duyên giữa hòn đá và chiếc thuyền cũng như với con người đặt nó lên chiếc thuyền kia. Có thể thấy, mối thiện duyên ấy đã làm nên những điều tưởng chừng không thể.  Trong lịch sử nhân loại, không thiếu các bậc vĩ nhân anh hùng khi chưa gặp thời, họ chỉ biết lui về ở ẩn, ngao du sơn thủy… cho đến ngày gặp được minh chủ, chính là gặp được thiện duyên của mình. Lúc đó họ như rồng gặp mây, thỏa chí mang tài mang đức ra giúp ích cho muôn dân trăm họ. Bởi vậy, có thể nói sự tỏa sáng tài năng của một người chính là kết quả của một cuộc giao duyên đã được an bài.Vì thế nếu chúng ta có được một cuộc sống tốt đẹp, có một sự thành công nào đó hãy hiểu rằng đó là nhờ những “thiện duyên”, những " quả ngọt " mà ta đã gieo mầm - giờ đến lúc gặp thời thì trổ hoa, kết trái. Tư duy này không hề làm giảm bớt giá trị tự thân hay không thừa nhận những nỗ lực, cố gắng của con người, nó chỉ giúp chúng ta càng nhận thức đúng đắn, viên mãn hơn về nhân sinh. Những “thiện duyên”, đó là chân lý, công bằng, là đạo đức nhân văn của con người. Vậy nên, nếu có thể tìm gặp được những điều đó trong bạn bè tốt, trong những người hướng dẫn nhiệt tâm, hay một cuốn sách hay… cũng chính là chúng ta đã gặp được “thiện duyên” vậy!
Và hơn hết, trong cuộc sống này, mỗi chúng ta hãy kết càng nhiều thiện duyên, và thực sự trân quý những mối thiện duyên này.

-st-

Thứ Bảy, 28 tháng 1, 2017

Mừng xuân Đinh Dậu 2017


Tống cựu nghênh tân ,Vạn sự cát tường , Toàn gia hạnh phúc !


Thứ Năm, 19 tháng 1, 2017

Được và Mất


Khổng Miệt là cháu đức Khổng Tử. Bật Tử Tiện là học trò đức Khổng Tử, hai người cùng làm quan một thời.
Đức Khổng Tử qua chơi Khổng Miệt, hỏi rằng: “Từ khi ngươi ra làm quan được những điều gì, mất những điều gì?”
Khổng Miệt thưa:
“Từ khi cháu ra làm quan chưa được điều gì, mà đã mất ba điều: việc quan bận, không còn thời giờ học tập, vì thế mà học vấn không tấn tới; bổng lộc ít, không đủ chu cấp cho họ hàng, vì thế mà họ hàng không thân thiết; công việc nhiều không thể đi thăm người đau, viếng người chết, vì thế mà ăn ở với bầu bạn không được trọn vẹn”.
Đức Khổng Tử nghe nói không bằng lòng.
Sau ngài đến chơi Bật Tử Tiện, lại hỏi như hỏi Khổng Miệt.
Bật Tử Tiện thưa: “Từ khi học trò ra làm quan, chưa mất điều gì, mà đã được ba điều: Những điều trước học nay đem ra thực hành vì thế mà học càng rõ; bổng lộc dù bạc, cũng có thể chu cấp ít nhiều cho họ hàng, vì thế mà họ hàng càng gần; việc quan tuy bận, song cũng bớt được ít thời giờ đi thăm người đau, viếng người chết, vì thế mà bầu bạn càng thân”.
Đức Khổng Tử nghe nói khen rằng: “ Tử Tiện thực là người quân tử ”.

Gia Ngữ

Thứ Hai, 16 tháng 1, 2017

Đức


Ai cũng biết “Đức” là cái vô hình, thế mà có dày, có mỏng. Lại có hậu, có bạc. Thì ra “Đức” không chỉ đơn giản là sự tử tế, ăn hiền ở lành hay xử việc đúng đắn,v.v… Thậm chí không chỉ được tạo nên ở đời này, mà còn được tạo nên từ những đời trước đó. “Đức” là một thứ “của cải” thuộc về “mệnh” vậy.

Phạm Lãi sau khi giúp Câu Tiễn diệt được nước Ngô, trở về nói với người nhà: “Đức ta tuy hậu, song không thể vì thế mà tiêu xài hoang phí trong một vài đời được.” Nói rồi bèn không nhận quan tước, đem vợ con trốn vào ngũ hồ. Trước khi đi còn đến bảo Văn Chủng: “Tôi tự biết mình đức hậu, song cũng không dám lạm dụng điều đó mà làm quan, sợ thiệt mất đức của con cháu. Vì thế mới phải trốn đi. Một khi tôi đã đi rồi, thì triều đình còn ai tài hơn ông nữa. Đã thế đức của ông lại bạc. Trộm nghĩ điều đó nguy cho ông lắm. Hay là ông trốn đi còn hơn”. Văn Chủng không nghe, rốt cuộc ở lại bị Câu Tiễn giết.

Trương Lương sau khi giúp Hán Cao Tổ lấy được thiên hạ, bảo với Trần Bình: “Trộm nghĩ đức của tôi dày gấp mười lần ông, công của tôi cũng không kém ông. Vậy mà tôi vẫn không dám nhận quan tước của nhà Hán, sợ đức bị hao tổn, con cháu ngày sau phải làm lại từ đầu. Còn ông, tài thì vượt lên trên kẻ khác, song tiếc rằng đức lại mỏng. Thiết tưởng đó là điều vô cùng bất trắc, cho dù có trọn vẹn được đời mình, thì đến đời sau, con cháu cũng chẳng ra gì. Sao ông không bỏ quan mà đi?” Trần Bình không nghe, rốt cuộc đến ngay đời con đã trở về hạng khố rách áo ôm.

Trọng sinh con nhà khá giả, bố làm quan to. Thế mà sống rất giản dị, chan hòa với mọi người, thường giao du rộng rãi, đàn hát rất hay. Mạnh Tử yêu lắm, muốn kết làm bạn. Mạnh mẫu (mẹ Mạnh Tử) thấy vậy can: “Ta xem thằng bé ấy bề ngoài tuy giản dị song ánh mắt tham lam. Tiếng đàn tuy réo rắt mà những âm phụ vào thường hay bị nghẹn tiếng. Người như thế là đức bạc, không đáng kết bạn.” Trọng sinh về sau quả nhiên càng ngày càng trở nên một kẻ tham lam bất tín, kết giao toàn những hạng bèo bọt. Rốt cuộc phá tán hết cơ nghiệp của bố để lại.   

Xem thế thì biết, “Đức” không phải là thứ có thể đem ra để khen, chê. Càng không phải là thứ đem ra để ca ngợi, hay mắng nhau (là đồ thất đức) như xưa nay vẫn nghĩ được. “Đức” tuy vô hình. Song đó là thứ không những có thể cân đong, đo đếm, mà quan trọng là chỉ có thể “tích”, chứ không nên “tiêu”…

Trích " Luận ngữ Tân thư "