Thứ Ba, 7 tháng 4, 2015

7 sự hiểu lầm phổ biến về đạo Phật ở Việt Nam


Là một quốc gia có truyền thống Phật giáo, nhưng nhiều người Việt Nam không có hiểu biết về đạo Phật hoặc biết một cách rất mơ hồ, và dưới đây là vài điều hiểu lầm rất phổ biến hiện nay. 
1. Đức Phật là đấng thần linh không có thật
Với một tín đồ Phật giáo, điều này nghe có vẻ rất buồn cười, nhưng rất nhiều người Việt hiện nay vẫn không biết Đức Phật là một người có thật. Ngài sinh vào khoảng năm 624 trước công nguyên, tên thật là Tất-Đạt-Đa, thuộc dòng họ Thích Ca, là thái tử của vương quốc Thích Ca do cha Ngài làm quốc vương. Lãnh thổ của quốc gia Thích Ca hiện nay thuộc về khu vực giáp ranh Nepal và Ấn Độ.
Đức Phật Thích Ca sống thọ đến 80 tuổi, nơi sinh, nơi mất và nơi ở của Phật Thích Ca hiện nay đều được các nhà khoa học tìm ra với các chứng tích lịch sử. Đức Phật sinh ra không phải là thần thánh, Ngài là một con người, rời khỏi gia đình đi tìm con đường thoát khỏi đau khổ thế gian, sau đó Ngài lại hướng dẫn lại cho mọi người con đường đó mà thôi. Việc thờ phượng Đức Phật là do người đời sau bày vẽ ra, thậm chí mọi người còn mải thờ Phật mà quên mất việc chính là thực hành con đường hạnh phúc mà Phật đã chỉ dạy.
Phật là một quả vị, hay có thể nói là một danh hiệu dành cho các vị giác ngộ tuyệt đối, vì vậy nên có nhiều vị được gọi là Phật. Có vị tồn tại trong lịch sử như Phật Thích Ca, có vị được biết đến chỉ trong kinh điển như Phật A Di Đà, Phật Di Lặc... và chưa ai gặp ngoài đời cả.
2. Mục tiêu của đạo Phật là vãng sanh Cực Lạc
Mục tiêu của đạo Phật không phải là cõi thiên đường hay Cực Lạc, mà là thoát hết đau khổ, phiền muộn. Tất nhiên đó là một công trình vĩ đại trải qua thời gian vô cùng lâu dài, chứ không thể trong một kiếp người vài chục năm đã đạt được ngay. Ngay cả Đức Phật cũng phải trải qua nhiều kiếp sống thực hành liên tiếp chứ chưa nói đến người bình thường.
Chính vì vậy, trong đạo Phật có một số vị chủ trương hướng dẫn cho Phật tử thực hiện từng bước một. Bước đầu một người có thể tu tập để được tái sinh vào kiếp sau tại một nơi hạnh phúc hơn (như cõi Cực Lạc chẳng hạn), sau đó tại nơi ấy họ sẽ tiếp tục tiến bộ để được thoát khổ hoàn toàn.
Tuy nhiên cũng có những vị không cần thông qua con đường ấy mà tập trung thực hành ngay tại đời sống con người cũng đạt được kết quả giác ngộ. Trong lịch sử đã ghi nhận rất nhiều đệ tử của Đức Phật (đều là người có thật) và các vị xuất gia sau thời Phật đạt được giác ngộ ngay khi đang sống ở cõi người.
Vì vậy, có thể nói vãng sanh Cực Lạc là một mục tiêu cao quý trong đạo Phật nhưng chưa phải là kết quả cuối cùng mà Phật muốn con người đạt được.
3. Các đức Phật sẽ ban phát tài lộc
Ngày nay hầu hết các ngôi chùa ở Việt Nam đều có sự thờ cúng hương khói. Có những chùa người tu hành ít nhưng hoạt động cúng bái, lễ hội cho lữ khách thập phương diễn ra vô cùng sôi động. Rất nhiều người đến Lễ Phật với mong ước Đức Phật sẽ mang lại nhiều may mắn, tiền tài, nhà cửa hoặc con cái, thực ra đây là một quan niệm không đúng với lời dạy của Phật.
Đức Phật chỉ hướng dẫn con người tự thoát khổ chứ không hề ban phát sự sung sướng. Muốn được hạnh phúc, các tốt nhất là nghiên cứu con đường Phật để lại rành rành qua Tứ Diệu Đế, không nên mang xôi gà, hoa quả đến cầu Phật ban phước làm chi.
4. Niệm Phật là đọc danh hiệu Phật
Tụng kinh, niệm Phật là phương pháp tu hành phổ biến ở các chùa, nhất là ở miền quê. Trong đó mọi người cố gắng để tụng các bài kinh cho thuộc nằm lòng, đọc lên cho hay mà có khi chẳng tìm hiểu nghĩa. Bên cạnh đó, việc liên tục đọc “Nam mô Ai Di Đà Phật” cũng được coi là một công đức, điều này khiến giới trẻ cảm thấy hồ nghi và không hứng thú với đạo Phật.
Thực ra, chữ “niệm” ở đây có nghĩa là nhớ, giống như trong chữ tưởng niệm, hoài niệm. Niệm Phật hay thường xuyên nhớ đến Phật là phương pháp hiệu quả giúp tâm trí chúng ta bình an và sáng suốt. Do vậy, niệm Phật thực ra chú trọng ở nội tâm chứ không phải ở hình thức như nhiều người vẫn nghĩ.
5. Người xuất gia theo Đạo Phật đều phải ăn chay
Ăn chay chỉ là một việc làm được khuyến khích chứ không phải là một loại quy định cấm kỵ trong đạo Phật, khi còn sống, Đức Phật cũng ăn mặn chứ không ăn chay.
Trong đạo Phật chỉ cấm người tu hành sát sinh hại vật, còn việc ăn chay nếu có điều kiện thuận lợi thì mới thực hiện. Thời xa xưa, người dân chưa quen ăn chay nên có khi cúng cho các vị tăng cả thịt cá, các thầy ăn đồ ấy không coi là phạm giới. Ngày nay điều kiện kinh tế khá hơn, Phật tử chuẩn bị được đồ chay cho chùa chiền nên các nhà sư mới có thể ăn chay liên tục được.
Ngoài ra, trong những trường hợp đặc biệt, chẳng hạn như khi ốm bệnh, các nhà sư cũng cần ăn mặn để có sức khỏe chứ không thể miễn cưỡng ăn chay.
Cho rằng các nhà sư ăn thịt cá là phạm giới nghiêm trọng là hậu quả của việc phim ảnh Trung Quốc nói về đời sống trong các chùa rất hay khai thác vấn đề này khiến nhiều người hiểu lầm.
6. Giáo lý quan trọng nhất là các bộ kinh
Nhiều người nói đến đạo Phật là khoe ngay mình đã đọc thuộc bao nhiêu bộ kinh, đã tu qua những phẩm nào, nhưng đó không phải điều cốt yếu mà Phật chỉ dạy.
Giáo lý quan trọng nhất trong đạo Phật cũng chính là những giáo lý cơ bản nhất mà Đức Phật luôn nhắc đến trong mọi trường hợp, đó là Luật Nhân-Quả và Tứ Diệu Đế.Tìm hiểu đạo Phật mà chỉ thích những giáo lý cao siêu, chúng ta càng dễ xa rời chân lý. Ai cho rằng các bài kinh có hiệu quả cao siêu hơn cả các giáo lý căn bản, đó là một suy nghĩ sai lầm vì vấn đề trong kinh điển đều để làm rõ hơn cho Luật Nhân-Quả và Tứ Diệu Đế mà thôi, chưa có có nhiều kinh điển đã bị ngụy tạo hoặc chỉnh sửa không còn đúng với ý Phật nữa. Do vậy, người Phật tử chúng ta cứ nắm chắc giáo lý căn bản trước rồi tìm hiểu thêm các kinh điển cũng chưa hề muộn, lại yên tâm vì luôn theo đúng lời Phật nói.
7. Đạo Phật chỉ dành cho người già
Đạo Phật dành cho bất cứ ai muốn cải thiện đời sống theo hướng tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn, và đặc biệt là rất phù hợp với lứa tuổi thanh thiếu niên. Tuy nhiên ở Việt Nam lâu nay lại tồn tại quan niệm “Trẻ vui nhà, già vui chùa”, coi việc đến chùa, học Phật chỉ dành cho những người cao tuổi, không còn việc gì khác để làm.Nếu bạn là người trẻ, hãy đến với đạo Phật thông qua các video, sách vở hoặc mạnh dạn đến một ngôi chùa nào đó bày tỏ mong muốn của mình, chắc chắn bạn sẽ nhận được sự hoan nghênh và giúp đỡ nhiệt tình của các sư thầy, sư cô. Đạo Phật cung cấp nhiều tri thức khoa học, tâm lý, đạo đức bổ ích cho cuộc sống và công việc của chúng ta và nhất định sẽ giúp ích được càng nhiều nếu bạn tìm hiểu càng sớm.
Đừng chờ đợi đến khi không còn sức lực và mọi chuyện đều đã trôi qua rồi mới khám phá cách sống đúng, như vậy thì quả là điều đáng tiếc cho tuổi trẻ.
Chu Ngọc Cường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét