Thứ Ba, 28 tháng 4, 2015
Thứ Hai, 27 tháng 4, 2015
Trường Sơn đông, Trường Sơn tây
Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn
Hai đứa ở hai đầu xa thẳm
Ðường ra trận mùa này đẹp lắm
Trường Sơn Ðông nhớ Trường Sơn Tây.
Một dãy núi mà hai màu mây
Nơi nắng nơi mưa, khí trời cũng khác
Như anh với em, như Nam với Bắc
Như Ðông với Tây một dải rừng liền.
Trường Sơn tây anh đi, thương em
Bên ấy mưa nhiều, con đường gánh gạo
Muỗi bay rừng già cho dài tay áo
Rau hết rồi, em có lấy măng không.
Em thương anh bên tây mùa đông
Nước khe cạn bướm bay lèn đá
Biết lòng anh say miền đất lạ
Chắc em lo đường chắn bom thù
Anh lên xe, trời đổ cơn mưa
Cái gạt nước xua tan nỗi nhớ
Em xuống núi nắng về rực rỡ
Cái nhành cây gạt nỗi riêng tư.
Ðông sang tây không phải đường thư
Ðường chuyển đạn và đường chuyển gạo
Ðông Trường Sơn, cô gái "ba sẵn sàng" xanh áo
Tây Trường Sơn bộ đội áo màu xanh.
Từ nơi em gửi đến nơi anh
Những đoàn quân, trùng trùng ra trận
Như tình yêu nối lời vô tận
Ðông Trường Sơn, nối tây Trường Sơn.
Phạm Tiến Duật
Thứ Ba, 21 tháng 4, 2015
Thứ Ba, 14 tháng 4, 2015
Tự do là ung dung trong ràng buộc
" Tự do là ung dung trong ràng buộc
Hạnh Phúc là tự tại giữa khổ
đau "
...Khi
đã giác ngộ thì tự giải thoát ra khỏi sự ràng buộc của cái khổ cái vui tương
đối ở đời, nên dù sống trong vui khổ của cuộc đời, người giác ngộ vẫn ung dung
tự tại, có thế mới giúp chúng sanh tự biết chuyển mê khai ngộ cho mình và có
thể thấy rằng “Tự do là ung dung trong ràng buộc, hạnh phúc là tự tại giữa khổ
đau”.
* Có
hai loại ràng buộc:
1- Một
là loại ràng buộc của pháp tự nhiên : "là nhân quả, nghiệp duyên, ...là
định mệnh (từ quả của nghiệp). Và tất cả các pháp sinh ra đều có tính tương
tác, ràng buộc lẫn nhau trong một qui định chặt chẽ mà chúng ta không thể cố
gắng thoát ra bằng bản ngã. Chỉ có (thấy) như thị, chấp nhận không điều kiện,
không động cơ, thì khi đó mới được tự do hoàn toàn".
2- Hai
là ràng buộc mà đức Phật gọi là kiết sử, triền cái, tức là các phiền não bên
trong do bản ngã vô minh ái dục tạo ra. Giải thoát chính là thoát khỏi sự ràng
buộc này. Như vậy, khi thoát khỏi sự ràng buộc của bản ngã tham, sân, si, ngã
mạn, tà kiến, hôn trầm, trạo cử, nghi hoặc, thất niệm, bất giác, vô tàm, vô quí
v.v... thì đồng thời có thể ung dung tự tại trong những ràng buộc tự nhiên giữa
cuộc đời ( loại ràng buộc thứ nhất ).
Vì vậy chư Phật, chư Thánh nhân , Bồ-tát mới ung dung tự tại như vậy. Các ngài
không những có khả năng tự giác mà còn có thể vào đời, sống thuận pháp tùy
duyên, thong dong vô ngại, với tâm nguyện vô ngã vị tha.
Tuy
nhiên, cần lưu ý một điều: dù là ràng buộc của kiết sử hoặc triền cái, cũng
không phải giải thoát bằng cách đem bản ngã tham sân si ra mà lăng xăng giải
quyết hay tìm cách loại bỏ, diệt trừ theo quan niệm chủ quan, mà vẫn phải ung
dung tự tại mới thấy ra được nó. Loại ràng buộc thứ hai này, thực chất chỉ là
hư ảo do vọng tưởng của bản ngã tạo ra, nên không cần phải diệt mà chỉ cần thấy
ra bằng trí tuệ ( tuệ tri ) trong
chánh niệm tỉnh giác thì nó liền tự diệt. Hành thiền theo Vipassanà chỉ có
nghĩa là thấy ra minh bạch chứ không cố gắng để giải quyết gì cả. Còn lấy nỗ
lực của bản ngã mà giải quyết, diệt trừ thì chính là tạo tác trong quỹ đạo tham
sân si, nên chỉ làm tăng thêm sức mạnh của ràng buộc mà thôi.
Ví dụ :
khi ảo tưởng của bản ngã thấy sợi dây là con rắn liền phát sinh sợ hãi, rồi lại
lăng xăng tìm cách giải quyết, hoặc diệt con rắn hoặc diệt sợ hãi. Hành động đó
cũng là biểu hiện của bản ngã tham sân si nên chẳng giải quyết được việc gì.
Nhưng chỉ cần trầm tĩnh sáng suốt (thái độ ung dung tự tại) nhìn kỹ thấy rõ sợi
dây là sợi dây thì không cần lăng xăng giải quyểt gì cả mà con rắn và sợ hãi
đều tự biến mất...
...Ung
dung trong ràng buộc đó là nghệ thuật sống hạnh phúc,ung dung trong ràng buộc
chính là biết mình đang bị ràng buộc .Vì nếu ung dung trong ràng buộc mà không
biết mình bị ràng buộc thì tai hại biết bao. Ví như một đứa con nít ung dung
chơi trong ngôi nhà mục nát, có biết đâu nó sắp bị đè bẹp một khi ngôi nhà sụp
đổ!
Biết
mình bị ràng buộc và chấp nhận ràng buộc một cách can đảm để giác ngộ cho mình
và người nên gọi là ung dung trong ràng buộc. Vì nếu muốn thoát ra ràng buộc để
được tự do đó là một ràng buộc lớn hơn.
Chấp
nhận ràng buộc vì biết rằng tất cả đều ràng buộc, thoát ràng buộc này rơi vào
ràng buộc khác, rốt cuộc không lẽ cứ chạy trốn hoài sao. Vậy tốt hơn ta cứ
thích ứng với ràng buộc, thấy rõ nó và ung dung trong nó.
Chúng
ta có thể ung dung được là vì thực ra tự tánh của chúng ta vốn là chơn, vốn là
ung dung giải thoát. Tự tánh của ta và vạn pháp vốn rất trong sáng, vắng lặng,
hồn nhiên và dung thông tất cả. Nếu ai biết trở về với nguồn sống ấy nơi mình
thì có thể hóa giải tất cả ràng buộc, tất cả khổ đau, tất cả nghịch cảnh và trả
ta về với tự do tận mạch nguồn.
Rồi ta
sẽ thấy ràng buộc hay không ràng buộc đều do nơi một ảo tưởng nào đó của tâm
mình. Tâm mình rỗng lặng thì tất cả ràng buộc cũng đều không.
...Lúc
chưa hiểu đạo ta có thể xem đau khổ như thù nghịch và ta có thể oán trách người
khác đem lại đau khổ cho ta. Nhưng nay đã hiểu đạo, ta hãy sáng suốt, định tĩnh
để nhận chân được sự thật của đời sống, sự thật trong chính bản thân ta và giữa
cuộc đời. Mọi người đều đau khổ, mỗi người đều có mỗi hoàn cảnh riêng và đau
khổ riêng. Nhưng khác nhau ở chỗ có nhận chân được chân lý của sự khổ hay
không...
... Ta
hãy tập nhìn ngắm và lắng nghe tất cả với tâm trầm lặng, hồn nhiên, cảm thông
và trong sáng rồi cuộc đời sẽ mang lại cho ta biết bao là tự do và hạnh phúc,
chính những ràng buộc cũng là tự do và hạnh phúc...
HT Viên Minh
Thứ Sáu, 10 tháng 4, 2015
Thay đổi chính mình
Nasrudin bây giờ đã già, nhớ lại dĩ vãng của đời mình. Ông ta ngồi với bạn bè trong một quán trà và kể lại chuyện xưa:
“ Khi còn trẻ, tôi thật là hăng - Tôi muốn giác ngộ hết mọi người. Tôi cầu Thượng đế cho tôi sức mạnh để thay đổi thế gian này.
Một ngày nọ, trong tuổi trung niên, tôi bỗng thức tỉnh và nhận thấy đời mình đã đi qua quá nửa rồi mà vẫn chưa thay đổi được ai! Vì vậy tôi bèn cầu xin Thượng đế cho tôi sức mạnh để thay đổi những người thân quanh tôi mà cần sự giúp đỡ.
Cho đến ngày hôm nay, Thượng đế ơi, bây giờ tôi đã già rồi và lời cầu nguyện của tôi cũng đơn giản hơn. “ Cầu xin cho con sức mạnh để ít nhất thay đổi chính mình”.
Nguồn Osho
Thứ Tư, 8 tháng 4, 2015
Buổi học đạo đức
Trong lớp đang là giờ học về đạo đức.
- Đạo đức, các em ạ, đó là một thứ rất tuyệt diệu. Nếu có ai đó trở thành thiếu đạo đức thì người ấy sẽ rất khổ sở.
- Thưa thầy ạ !
- Cái gì thế ?
- Thầy coi bạn Chêlin…bạn ấy làm gì thế này ! Bạn ấy không biết xấu hổ sao !
- Im nào!…Người ta cần phải có đạo đức. Đạo đức mang lại cho con người biết bao lợi ích, không sao kể xiết được ! Còn nếu con người trở nên thiếu đạo đức thì sẽ rất khổ sở.
- Thưa thầy, khổ sở thế nào ạ ?
- Đủ mọi chuyện có thể xảy ra. Mọi người sẽ gọi kẻ ấy là đồ thiếu đạo đức. Mà đã thiếu đạo đức là một thứ rất tệ hại. Bởi vậy, các em ạ, cần phải có đạo đức. Chao ôi, đạo đức thật tuyệt diệu biết bao ! Chính vì vậy mà người ta giảng dạy nó ở các trường học. Phải vậy không nào ? Lẽ nào chúng tôi lại đi dạy cho các em điều gì đó xấu xa sao ? Ta học tiếp nào . Vậy là, đạo đức…Tôi nói tới đâu rồi nhỉ ?
- Thầy bảo:”Chao ôi, thật tuyệt diệu biết bao !”
- Chính thế : chao ôi, thật tuyệt diệu biết bao ! Các em sẽ hỏi : tại sao ? Tất cả các vĩ nhân đều nói về điều này.
- Thưa thầy ạ !
- Lại cái gì ở đó thế ? Chuyện gì vậy ?
- Thầy bảo anh Altan đừng có xô vào lưng em nữa.
- Im nào, các em ! Hãy nghe tôi đọc cho các em về thực chất của đạo đức:”Đạo đức quy định con người sống sao cho không vi phạm các quy tắc xã hội, các truyền thống, lề lối và luật pháp”. Các em có hiểu không ? Các em phải cư xử giống đa số những người xung quanh các em, những người lớn tuổi. Nào, am Xuhai, hãy đứng dậy ! Ta phải coi chợ đen như thế nào ?
- Thưa thầy, chợ đen là rất tốt ạ.
- Rất tốt ư ?
- Tất nhiên rồi ạ ! Bởi vì nó..theo các quy tắc đạo đức, thưa thầy. Đấy ! Cứ thử chống lại đa số xem – như thế là thiếu đạo đức. Phải thế không ạ ? Mà tất cả những người rất có đạo đức đều có dính dáng đến chợ đen !
- Em nói cái gì vậy ?
- Thưa thầy, thật quả đúng như vậy ạ. Thầy coi mà xem : người bán thịt, bán gạo, bán than, bán hoa quả – tất cả đều buôn bán ở chợ đen. Nhà em có một người quen, một người rất giàu có, ông ấy cũng làm ăn ở chợ đen. Cha em bảo thế. Mới đây nhà em lại chơi chỗ ông ấy, chính cái ông ấy đã bảo em: “Hãy tuân theo đạo đức – cháu sẽ được tất cả “. Khi lớn lên, em sẽ là người rất có đạo đức. Em sẽ có nhiều nhà cửa và tiền bạc. Còn một người thiếu đạo đức như là cha em thì thật hiếm thấy !
- Im ngay ! Sao em lại dám nói về cha mình như thế ?…
- Đúng thế ạ! Cha em thiếu đạo đức đến nỗi không trả nổi tiền thuê nhà.
- Ngồi xuống !…Các em đừng bao giờ vượt ra ngoài khuôn khổ của đạo đức cả !
- Thưa thầy ạ !
- Hãy nói xem , em Ergun !
- Em có một ông cậu. Cậu ấy lúc nào cũng phàn nàn :”Chỉ vì đạo đức mà tôi cứ phải giật gấu vá vai mãi “.Em cũng sẽ là người thiếu đạo đức.
- Câm ngay ! Khi một người không có đạo đức thì người ta gọi kẻ ấy là gì nhỉ ? Hả ? Nào, các em hãy đồng thanh trả lời, gọi là gì hả ?
- Kẻ thiếu đạo đức !
- Đúng rồi ! Dù cho một người có bạc triệu nhưng nếu người ấy thiếu đạo đức thì còn ra gì nữa ? Người ấy sẽ khổ sở !
- Thưa thầy, không phải thế đâu ạ. Người ấy sẽ sống yên ổn.
- Các em ạ, các em phải hiểu rằng lương tâm con người cần phải được yên ổn. Tất cả những người lớn lao đều có đạo đức.
- Thưa thầy, đó là thời trước ạ. Đấy, ở khu phố nhà em có một ông lớn quê ở Ađana. Ông ấy có ba xe “Cađilăc”, ông ấy là vua bông. Ông ấy có đủ thứ quý giá nhưng đạo đức thì…ông ấy không có !
- Tôi nói với các em về các vĩ nhân kia :các nhà bác học vĩ đại, các nhà tư tưởng vĩ đại, các họa sĩ vĩ đại. Như Xôcrat chẳng hạn…
- Thưa thầy, em biết ông Xôcrat ạ.
- Tất nhiên rồi, các em phải biết ông ấy.
- Ông ấy có xưởng thợ ở gần nhà em, ông ấy tẩy hấp quần áo. Chỉ có điều ông ấy không giàu mấy. Còn một người đạo đức như ông ta thì thật khó kiếm được.
- Tôi nói về nhà triết học cổ Hi Lạp Xôcrat kia. Hãy trở thành những người có đạo đức như Xôcrat, Arixtôt, Galilê !
- Thưa thầy, nhà em có một người quen buôn bán sắt tên là ngài Ahmed. Vậy thì cái ông Xôcrat ấy có đạo đức nhiều hơn ông này sao ?
- Các em ạ, đạo đức hoàn toàn không giống như tiền bạc. Trong lịch sử có những người đạo đức rất cao, thà bị chết đói chứ không làm hoen ố lương tâm của mình.
- Thưa thầy, vậy cái đạo đức ấy cũng là một thứ tốt phải không ạ ?
- Một thứ tuyệt hảo. Con người có đạo đức thì sẽ nói thẳng ra sự thật, không sợ hãi.
- Vậy mà em có một người cậu bị khai trừ ra khỏi đảng vì cậu ấy đã nói thẳng ra sự thật.
- Đó là chuyện khác. Tôi không nói với các em về chính trị, tôi nói về đạo đức. Nào, Ôguz, em sẽ nói được gì về sự dối trá ? Chúng ta phải đánh giá sự dối trá như thế nào ?
- Thưa thầy, dối trá là một thứ rất tuyệt. Nếu khéo nói dối thì rất tốt. Em mà không nói dối ở nhà thì ngày nào em cũng đã bị đòn rồi.
- Đừng nghe bạn ấy, các em ạ. Các em hãy nhớ rằng các em phải noi gương những người lớn.
- Thưa thầy ạ ! Nhưng chị em cũng nói dối mẹ em, còn mẹ em lại nói dối cha em. Còn cha em, khi người ta đến đòi nợ, lại sai người bảo rằng cha không có nhà.
- Xéo ngay khỏi lớp ! Bước ra ngay ! Một đứa trẻ hư hỏng !
- Thưa thầy, chẳng phải là thầy đã nói:”Người có đạo đức phải nói sự thật” đó sao? Vậy là em..
- Ngồi xuống !…Các em ạ, đạo đức – đó là một thứ rất tuyệt diệu. Tất cả các em phải là những người có đạo đức. Chẳng hạn nếu các em đã hứa với ai điều gì thì các em phải giữ lời, dù có chuyện gì xảy ra đi nữa.
- Thưa thầy, nhưng cha em kể rằng có một người, em quên mất tên ông ta, đã nói :”Tôi sẽ làm sao cho cuộc sống không bị tốn kém…”
- Im ngay ! Đừng có dây vào chuyện người khác!…Các em ạ ! Không có gì tuyệt diệu hơn đạo đức cả. Khi nào các em đọc các sách về đạo đức, các em sẽ phải kinh ngạc. Ngay cả những nhà tiên tri cũng đề cao đạo đức. Đạo đức là một thứ rất tốt, thậm chí tốt nhất nữa. Tốt đến nỗi là…Đạo đức thật tuyệt. Tuyệt lắm kia ! Xin thề với các em là nó rất tuyệt.
- Reng…reng! – Chuông báo giờ ra chơi. Thầy giáo lau mồ hôi trán và thổ hắt ra. Ơn trời, buổi học đạo đức đã xong.
Azit Nexin
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)