Thứ Năm, 9 tháng 10, 2014

Tiến về Hà Nội

       
Cùng nghe Nhạc sĩ Văn Cao chia sẻ về sự ra đời của bài hát "Tiến về Hà Nội" trong những ngày sục sôi không khí kỷ niệm ngày Giải phóng Thủ Đô.
... Tôi còn nhớ trong một buổi họp chi bộ ở Liên khu 3, tôi đã hứa với các anh Khuất Duy Tiến và anh Lê Quang Đạo là tôi sẽ viết một ca khúc về Hà Nội.
Tối hôm ấy, tôi đã cùng ăn cơm với anh Lê Quang Đạo. Anh Đạo đã nắm chặt tay tôi và nói: "Những ca khúc của cậu đã làm tôi rất xúc động. Nhất là bài Làng tôi và bài Trường ca Sông Lô. Nét nhạc và lời ca thơ mộng lắm! Làm mình rất nhớ Việt Bắc. Dù sao thì chất lãng mạn của cậu vẫn không thay đổi. Riêng bài sông Lô có đoạn như " Đoàn quân thời chinh chiến ca rằng: Đây Vôn-ga, đây Dương Tử, đây sông Lô, đây sóng căm hờn vút cao...". Không những lời ca hay mà nét nhạc lại rất du dương và hùng tráng nữa chứ! Vậy nếu cậu yêu Hà Nội nhớ Hà Nội thì hãy sáng tác cho Hà Nội một bài hát vừa hùng tráng vừa trữ tình nhé!".Khi anh Đạo tiễn tôi ra về, anh đã khoác tay tôi đi trên đường làng một quãng dài, anh thủ thỉ nói với tôi "Khẩu hiệu của Trung ương là tất cả cho tổng phản công nhưng nếu có một bài hát cho Hà Nội đầy tình cảm cũng là mơ ước của những người dân thủ đô đấy". Đêm hôm ấy tôi ra về, đi dọc đường làng trăng sáng lung linh bên những bụi tre xanh và những nét nhạc đầu tiên của bài "Tiến về Hà Nội" đã đến với tôi, "Trùng trùng quân đi như sóng. Lớp lớp đoàn quân tiến về..." Chỉ hai tuần lễ sau đó, tôi đã viết xong ca khúc "Tiến về Hà Nội", khi ấy là mùa xuân 1949.
...“Trùng trùng quân đi như sóng Lớp lớp đoàn quân tiến về... Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về Như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào Chảy dòng sương sớm long lanh Chúng ta ươm lại hoa sắc hương say ngày xa Ôi phố phường Hà Nội xưa yêu dấu Những bông hoa ngày mai đón tương lai vào tay Những xuân đời mỉm cười vui hát lên…”. Bài hát ngay lập tức được cho in trên Báo Thủ đô, được lưu truyền trong cán bộ, chiến sĩ, nhân dân Liên khu 3 và rất được yêu thích. Tuy vậy, chỉ ít lâu sau, Văn Cao đã bị đưa ra kiểm điểm, phê phán vì bài hát “Tiến về Hà Nội”. Kể từ cú sốc ấy, suốt 26 năm, trong im lặng và cô đơn, Văn Cao vẫn làm thơ, vẽ, nhưng sáng tác âm nhạc thì không.
Nếu như “Người Hà Nội” là lời thề son sắt buổi lên đường thì “Tiến về Hà Nội” được nhạc sỹ Văn Cao sáng tác năm 1949 đã miêu tả sinh động bằng âm nhạc cảnh tượng đoàn quân giải phóng tiến về thủ đô ngày chiến thắng. Điều đáng nói là, thời điểm bài hát ra đời cách xa ngày giải phóng thủ đô sau này đến 5 năm mà người nhạc sỹ tài hoa vẫn “vẽ” được hình ảnh: “Chúng ta đi nghe vui, lúc quân thù đầu hàng, cờ ngày nào tung bay trên phố”, trong niềm sung sướng, tự hào: “Chúng ta đem vinh quang, sức dân tộc trở về” khi mà “cả cuộc đời vui tươi từ đây”. Từ khi ra đời đến nay, “Tiến về Hà Nội” vẫn được nhiều người yêu mến. Âm thanh của ca khúc vẫn thường xuyên vang lên, đặc biệt là trong dịp kỷ niệm ngày giải phóng thủ đô 10/10. "Tiến về Hà Nội" đã và mãi mãi là khúc ca khải hoàn của người Hà Nội, của dân tộc trong ngày vui, ngày kỷ niệm chiến thắng “Khi đoàn quân tiến về là đêm tan dần/ Như mùa xuân xuống cành đường nghe gió về, Hà Nội bừng ’Tiến quân ca". Bài hát khép lại và như mở ra trong lòng mỗi người âm hưởng của "Tiến quân ca”  hùng tráng.Bao giông bão, thăng trầm đi qua ông với câu thơ rút từ gan ruột “Một mùa xuân/ Không có hai lần".

-st-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét