Thứ Hai, 30 tháng 6, 2025

cánh buồm đỏ thắm ..xa vời

 
Cánh buồm đỏ thắm .. xa vời





THÁNG SÁU
Thuyền ai trôi xuôi dòng sông tháng sáu nhấp nhô cánh buồm
Cánh buồm gió xuôi
Mái chèo lướt vui

Một bờ sông xanh, một vùng mây trắng lửng lơ cuối trời
Bến sông nắng ngời
Bóng cây, bóng người
Gió rung khóm lau nghe như bài hát yêu đời

Nhẹ nhàng trời thu dòng sông êm ái về nơi chốn nào
Thuyền ơi bến đợi (thuyền ơi bến đợi)
Người thương nhớ người (người thương nhớ người)

Tình yêu của tôi trào dâng như nước nguồn đang cuốn về
Thuyền trôi xuôi nhé
Hát lên lời hát
Hát lên lời hát những ngày tháng sáu đáng yêu là thế

Dòng sông êm trôi, thuyền ai nhẹ lướt gió căng cánh buồm
Bến đang nhớ thuyền
Bến đang ngóng đợi
Đến đây với tôi cánh buồm đỏ thắm xa vời

Nhẹ nhàng trời thu dòng sông êm ái về nơi chốn nào
Thuyền ơi bến đợi (thuyền ơi bến đợi)
Người thương nhớ người (người thương nhớ người)

Tình yêu của tôi trào dâng như nước nguồn đang cuốn về
Thuyền trôi xuôi nhé
Hát lên lời hát
Hát lên lời hát những ngày tháng sáu đáng yêu là thế

Dòng sông êm trôi, thuyền ai nhẹ lướt gió căng cánh buồm
Bến đang nhớ thuyền
Bến đang ngóng đợi
Đến đây với tôi cánh buồm đỏ thắm xa vời

Đến đây với tôi cánh buồm đỏ thắm xa vời

Lời Việt Dương Thụ
Nhạc: Tchaikovsky



KHÚC HÁT NGƯỜI CHÈO THUYỀN
Nào ta hãy lên bờ thôi nhé
Nơi con sóng hôn nhẹ bàn chân.
Những nỗi buồn sâu thẳm khôn nguôi
Ngập trong ngàn vì sao chiếu rọi.(*)

“June – Barcarolle” (Tháng Sáu – Khúc hát người chèo thuyền) là một trong số 12 tiểu phẩm, tương ứng với 12 tháng của năm, viết cho đàn piano độc tấu thuộc tổ khúc The Seasons (Bốn mùa) của nhà soạn nhạc vĩ đại người Nga Peter Ilyich Tchaikovsky. 
“Tháng Sáu” có lẽ là tiểu phẩm được ưa thích nhất trong tổ khúc Bốn mùa. Ngoài phiên bản gốc mà Tchaikovsky viết cho piano độc tấu ở giọng Son thứ, tiểu phẩm này còn được chuyển soạn cho nhiều loại nhạc cụ khác như violin, cello, clarinet, harmonium, guitar, mandolin... thậm chí cả dàn nhạc giao hưởng trình tấu.
Từ tiếng Pháp Barcarolle hay từ tiếng Ý Barcarola vốn chỉ thể loại dân ca mà những người chèo thuyền mũi cong (gondola) trên những con kênh ở thành Venice vẫn hát. Thể loại Barcarollle trong âm nhạc cổ điển có đặc trưng cơ bản là nhịp điệu gợi nhắc tới nhịp chèo thuyền, hầu hết thường ở tốc độ vừa phải và tiết nhịp 6/8.
Mở đầu “Khúc hát người chèo thuyền” là những giai điệu chậm rãi vang lên nhẹ nhàng, êm ái. Cảm giác ấy giúp ta hình dung ra cảnh tượng chiếc thuyền lúc bắt đầu hòa mình với sông nước bao la. Phần giai điệu với những chuỗi âm thanh đầy thơ mộng, trong sáng, khi thì chậm rãi suy tư, khi thì lại trôi đi, biến mất trong sự lung linh, mờ ảo, để lại một nỗi nhớ khó tả, một dư vị của sự tiếc nuối. Con thuyền trôi theo dòng nước mỗi lúc một xa. Cảm xúc thoáng buồn, giai điệu êm đềm như tiễn đưa người ra đi, chỉ còn lại một bầu trời xanh thẳm và những người ở lại. Những cơn gió vô tình hay cố ý cũng thổi nhẹ nhàng hơn làm mặt hồ thêm phẳng lặng. Cảm giác như những người ngồi trên thuyền đang mơ màng choáng ngợp giữa mặt hồ lung linh, ngóng về nơi bến bờ có hình bóng những người thương. 
Phần tiếp theo tâm trạng thể hiện trong âm nhạc trở nên trong sáng và tươi vui hơn, người nghe dường như thấy cả những nhịp chèo khua nước nhanh và vang. Bỏ qua những nhớ thương, trông ngóng dường như những người trên con thuyền đang vững tay chèo để đến với cái đích mà họ mong muốn. Rồi sau đó tất cả lại trở về bình ổn, với giai điệu rất đẹp khiến người ta cảm thấy yên lòng. Sẽ sớm thôi, họ sẽ trở về sớm thôi…
Tác phẩm kết thúc bằng những nốt nhạc tắt dần – con thuyền đã đi xa, và cùng với nó những giọng ca cùng với tiếng sóng vỗ cùng dần tắt… Chỉ còn lại nơi đây những nỗi mong chờ, chờ ngày con thuyền trở về với nơi nó đã ra đi, chở theo những con người sau cuộc mưu sinh vất vả đoàn tụ với gia đình ở nơi đây… 

Nguyễn Tuấn Anh
(*) khúc thơ nhỏ của A.N. Plescheev, được chọn làm đề từ cho tiểu phẩm “Tháng Sáu: Khúc hát người chèo thuyền”.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét