Thứ Ba, 17 tháng 9, 2024

Trăng .. Trung Thu

TRĂNG  .. TRUNG THU

Đức Phật đã từng chỉ dạy cho người tu, nhất là người tu thiền. Muốn tu đến nơi đến chốn thì phải tập tâm mình không dính, không kẹt với sáu trần, giống như những đứa anh nhi. 

Anh nhi tức là trẻ nhi đồng. 

Đối với sáu trần nó không tham, không sân, không si.

 Thấy thì thấy, nghe thì nghe, biết thì biết, nó không đắm mê hay dính kẹt như người lớn. Người tu đến giai đoạn buông xả hết tâm điên đảo vọng tưởng rồi, luôn luôn hằng tỉnh hằng giác, không bị sáu trần làm mê hoặc, lôi kéo. Khi chúng ta tu thiền, mọi công hạnh nằm ở chỗ phải luôn luôn tỉnh, luôn luôn giác, không chạy theo, không dính mắc với sáu trần. Đó là hạnh của anh nhi, tất cả người tu thiền cuối cùng cũng phải đến đó.

Người tu thiền khi tâm đã trong sáng, thanh tịnh rồi, lúc nào cũng vui vẻ, tươi cười, không ưu phiền, bực bội, tức tối. Nếu là một Thiền sư mà cứ bực bội việc này, tức tối việc kia, phiền não dồn dập thì chưa phải Thiền sư. 

Thiền sư tâm ý luôn luôn vui hòa, có những cử chỉ thái độ hồn nhiên cũng như trẻ con. 

Tại sao được như vậy? 

Không phải vì các ngài hạn chế, bắt buộc hay là dằn ép, mà vì nơi các ngài tâm hồn đã trong lặng, không dính mắc cái gì bên ngoài, nên mới an ổn, vui tươi, hồn nhiên như bé thơ.

Tâm hồn ấy nhà Phật gọi là hạnh anh nhi. Thiền sư như trẻ con ngây thơ, khờ dại, không buồn, không khổ, không lo. Chính những điểm ấy gần với người tu chúng ta, vì vậy ta muốn hòa vui với cái vui của trẻ nhi đồng. 

Đó là tinh thần tổ chức lễ Trung Thu của chư Tăng ở đây. Không phải vì ham vui mà vì muốn nhắc nhở nhau sống với tâm hạnh hồn nhiên, tươi đẹp của trẻ thơ. Đừng ai thắc mắc, đừng ai than phiền, đừng ai bực dọc, mới là hạnh chân thật của Thiền tăng.

 

Và nữa, đêm Trung Thu trăng tròn sáng rực. Chúng ta tu hành cũng muốn làm sao đi đến chỗ giác ngộ sáng suốt như trăng rằm đêm Trung Thu. Nói là nói theo văn chương vậy thôi, chớ thực tế trăng hôm nay sáng không?

Trăng hôm nay tối, vì bị mây che. 

Chúng ta tu không phải tìm Tánh giác từ phương trời nào, mà cốt làm sao dẹp bỏ những vọng tưởng điên đảo nơi mình. Tánh giác nơi chúng ta, ai cũng có sẵn, nên Phật mới tuyên bố:

 “ Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành ” 

Nếu chúng ta không có tánh Phật thì Phật không bao giờ tuyên bố câu ấy. Nơi chúng ta có sẵn Tánh giác, tại sao mình không thấy? Tại vì vọng tưởng cứ liên miên, hết cái này tới cái kia, nó che lấp mãi nên cả ngày chúng ta không thấy được Tánh giác.

Giống như đêm nay, mặt trăng không phải không hiện hữu, nó sẵn sàng trên hư không, nhưng vì mấy đám mây đen cứ liên tục kéo tới che lấp, thành thử chúng ta nhìn thấy như bầu trời tối. Bầu trời tối không có nghĩa là không trăng. Trăng vẫn rất sáng, nhưng chúng ta không thấy là vì mây che. Nơi nào không có mây che, thì mới thấy trăng sáng.

Đức Phật và các vị Bồ-tát thấy rõ nơi mình có Tánh giác hiện tiền, còn chúng ta không thấy là tại sao? 

Tại chúng ta bị những đám mây đen phiền não che phủ. 

Tuy không thấy nhưng nghe Phật, Bồ-tát nói chúng ta có Tánh giác, mình tin chắc và cố gắng dẹp tan vô minh, phiền não, chừng đó chúng ta sẽ thấy như đức Phật. 

Đó là lẽ thật mà tất cả chư Tăng Ni cũng như Phật tử đang ứng dụng tu hành. 

Chúng ta dẹp phiền não, dẹp vọng tưởng vì muốn cho ánh trăng giác ngộ hiện ra, chớ không phải tìm sự giác ngộ từ đâu đến. 

Sự giác ngộ đã sẵn nơi mình, giống như mặt trăng đã sẵn trong bầu hư không, chỉ bao giờ mây tan thì trăng hiện, khỏi cần tìm kiếm ở đâu xa. 

 

Chúng ta đừng mong thành Phật, đừng mong giác ngộ, mà chỉ làm sao dẹp bỏ tất cả vọng tưởng, tất cả điên đảo đang phủ che tánh Phật của mình, tự nhiên không cầu cũng sẽ thành Phật.

Đó là điều tối thiết yếu của sự tu hành.

 

Thầy Thích Thanh Từ

Trích: " Phật Pháp Tại Thế Gian "

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét