Thứ Ba, 1 tháng 8, 2023

Thực thấy Tam Pháp Ấn

THỰC THẤY TAM PHÁP ẤN

Khi xúc chạm việc đời

Tâm không động không sầu

Tự tại và vô nhiễm

Là phúc lành cao thượng

 

- Kinh Hạnh Phúc -

 

 

Khi mình học Đạo Phật, nghe giảng pháp hay đọc kinh sách thấy nói tất cả đều vô thường, khổ, vô ngã, nên nhìn thấy gì mình cũng cho rằng nó là vô thường, là khổ & vô ngã, như vậy chưa phải thực thấy vô thường, thấy khổ, thấy vô ngã. Chính khi mình trọn vẹn tỉnh thức thì mới có thể thực sự thấy vô thường, thấy khổ, thấy vô ngã.

Ngay khi mình nói về vô thường, mình cũng chỉ đang ảo tưởng. Mình phân tích rằng bông hoa này có nở có tàn, mặt trăng ngoài kia thì khi tròn khi khuyết, và mình cho đó là vô thường, rồi mình nói “vô thường tức là mọi thứ luôn biến đổi”. Tất cả những điều đó chỉ là kết luận qua lý trí mà thôi. Rồi đến khi đối diện với 8 ngọn gió đời được-mất hơn-thua thành-bại vui-khổ thì mình vẫn động tâm dính mắc mà ngụp lặn trong đó. Hiểu qua lý trí vốn chỉ là lý luận "suông", còn trong nội tâm vẫn cho mọi sự là "thường" thì mới động tâm như vậy có phải không?

Nhưng khi tâm có thể trọn vẹn tỉnh thức, dù pháp đến đi như thế nào cũng chỉ thấy thôi, chứ không can thiệp vào thì chính lúc đó đang thấy vô thường, thấy khổ, thấy vô ngã. Cái "thấy mà không động" ấy chỉ xuất hiện khi tâm trọn vẹn tỉnh thức. 

Không phải mọi sự luôn biến đổi vô thường ngay tại đây cho mình thấy. Ngay bây giờ đang nhìn đây, có thấy cái gì biến đổi liên tục vô thường đâu, hoàn toàn do mình lý luận về vô thường mà thôi. 

Thấy mọi sự như nó đang là mới chính là thấy vô thường. Khi tâm đủ rỗng lặng trong sáng, để soi chiếu mọi sự mọi vật như nó đang là, chính cái đang là ấy đã bao hàm vô thường & vô ngã trong đó, nên tâm không còn động nữa. 

Người ta thường hiểu lầm quán vô thường, khổ, vô ngã, tức là ngồi suy ngẫm về những khái niệm ấy. Suy nghĩ như vậy chỉ đưa đến kết luận, và khi đã kết luận rồi thì không còn thấy cái thực nữa. Cái thực thì không thể kết luận, mà chỉ có thể thấy nó như nó đang là. Kết luận cái này là vô thường, cái kia là khổ, cái nọ là vô ngã là đang nhận thức qua “tưởng”, qua những khái niệm mà thôi.

 

Nhưng nếu tâm cứ bình thường trong sáng như vậy, thì tự nhiên thấy mọi sự mọi vật như nó đang là, và dù chúng có biến đổi hay không biến đổi thì tâm vẫn không động, vẫn rỗng lặng trong sáng. Đó mới chính là thấy được bản chất của mọi sự là vô thường, khổ, vô ngã. Bởi vì nếu thật sự thấy ra được bản chất mọi sự là vô thường, là khổ, là vô ngã thì đâu còn “động tâm” nữa…

 

Thầy Viên Minh 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét