Chủ Nhật, 2 tháng 7, 2023

Sự thật muôn đời vẫn vậy

SỰ THẬT MUÔN ĐỜI VẪN VẬY

Pháp (chân lý) mà Đức Phật dạy là toàn diện & đầy đủ. Đức Phật dạy chỉ có một bài kinh Tứ Diệu Đế thôi mà một số vị đã đắc quả A-la-hán rồi, còn một số người còn chưa đắc đạo quả thì Ngài dạy thêm một bài kinh Vô Ngã Tướng nữa liền ngay đó đắc quả A-la-hán và cũng thấy ra toàn bộ sự thật. Sau đó Đức Phật nói “Con hãy đi và truyền dạy chân lý này, Pháp mà Như Lai đã thuyết giảng đầy đủ này cho mọi người”. Thật ra Ngài truyền dạy đâu có nhiều, mới có một hai bài kinh chứ mấy, sao Ngài lại nói là “đầy đủ”

Bởi vì bất kỳ một bài kinh nào mà Đức Phật dạy đều chỉ thẳng vào một sự thật nào đó nơi người nghe đối diện, giúp người ấy ngay đó phá vỡ được cái quan niệm hay ảo tưởng đang trói buộc mình mà thấy ra sự thật, rồi từ đó “vào được pháp” tức tự mình thấy ra chân lý một cách toàn diện. “Đầy đủ” ở đây nghĩa là như vậy.

Thời kỳ “Mạt pháp” không có nghĩa là thời kỳ Pháp hay sự thật bị suy bại đi, mà chỉ là nhận thức của con người về Pháp, về sự thật bị sai lệch đi & manh mún đi. 

Ví dụ tu học phải là toàn diện Bát Chánh Đạo, nhưng ngày nay có người chỉ tu tinh tấn thôi, hay chỉ tu niệm thôi, rồi có người chỉ tu thiền định, hoặc chỉ tu thiền tuệ thôi, tu học một cách manh mún như vậy là manh mún. Dù thiền tuệ có là “cao nhất” đi nữa nếu tách riêng ra để tu cũng không đúng. 

Thiền hay tu học là phải đầy đủ Bát Chánh Đạo mới đúng, vì Chánh Pháp vốn là toàn diện. Mỗi hành động, cử chi, oai nghi đều đầy đủ Bát Chánh Đạo trong đó mới là tu học đúng cách.

Dù tu học có manh mún, nhưng nếu đi đúng hướng tức trở về gốc là thực tại thân-tâm như nó đang là thì vẫn có thể “vào được pháp” mà thấy ra sự thật toàn diện. 

Nhưng trong thời kỳ mạt pháp này, việc tu học không những manh mún mà còn đi sai hướng. Thay vì “trở về gốc” thành “đi ra nhánh ngọn”. Thời kỳ “mạt pháp” tức là thời kỳ nhánh ngọn, sự tu học không còn là toàn diện mà chỉ là manh mún, không còn đúng hướng nữa mà hoàn toàn lệch hướng. Vì vậy mà Đức Phật đã nói bài kinh Đặt Sai Hướng, thay vì “trở về gốc” là bản tâm thanh tịnh thì lại “hướng ra ngoài” mà tìm kiếm một cảnh giới, hay sở đắc nào đó. 

Nhưng dù là thời kỳ mạt pháp, dù tất cả chúng ta người nào cũng sống trong vô minh, sống trong nhận thức sai lầm về chính mình và đời sống thì chân lý hay sự thật (Pháp) mà Đức Phật chỉ bày cũng không vì vậy mà mất đi. Sự thật về cuộc sống thì muôn đời vẫn vậy, ngay đó bất kỳ ai có cơ hội trở về sự sống nơi chính mình liền thấy ra. 

Đức Phật từng nói “dù Như Lai có ra đời hay không thì Pháp muôn đời vẫn vậy”

 

Thầy Viên Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét