Thứ Tư, 1 tháng 3, 2023

Một cành Mơ

Xuân qua trăm hoa rụng 

Xuân lại nở trăm hoa

Trước mắt sự đời thoảng

Trên đầu hiện tuổi già

Chớ bảo Xuân tàn hoa rụng hết

Ngoài sân, đêm trước một cành Mơ


Mãn Giác Thiền Sư

Hoàng Xuân Hãn dịch thơ

 

MỘT CÀNH MƠ

Thiền sư Mãn Giác là đệ tử chân truyền của Thiền sư Quảng Trí và là lãnh tụ pháp môn của dòng Thiền Vô Ngôn Thông, đời thứ 8. Vua Lý Nhân Tông và Thái hậu Ỷ Lan rất mộ đạo Phật, thường mời các cao tăng nổi tiếng thuộc Thiền Tông như Thông Biện, Mãn Giác, Chân Không, Giác Hải, Không Lộ vào nội cung để giảng kinh và đàm đạo. Sư Mãn Giác được nhà vua và Thái Hậu thỉnh về trụ trì tại chùa Giác Nguyên bên cạnh cung Cảnh Hưng.

Bài kệ này ngài đọc lúc sắp lâm chung và được chúng tăng ghi lại vốn không có đầu đề. Mãi đến 7 thế kỉ sau, Lê Quý Ðôn mới chép lại và đặt tên: “Cáo tật thị chúng” nghĩa là “ có bệnh bảo mọi người “


春去百花落

春到百花開 

事逐眼前過

老從頭上來 

莫謂春殘花落盡

庭前昨夜一枝梅


Xuân khứ bách hoa lạc

Xuân đáo bách hoa khai

Sự trục nhãn tiền quá

Lão lòng đầu thượng lai

Mạc vị xuân tàn hoa tận lạc

Đình tiền tạc dạ nhất chi mai


Dịch nghĩa:

Xuân đi trăm hoa rụng

Xuân đến trăm hoa nở

Mọi sự mau đi qua trước mắt

Cái già đã đến trên đầu

Chớ bảo mùa xuân tàn thì hoa rụng hết

Trước sân, đêm qua vẫn còn một cành mai


Đọc bản dịch của học giả Hoàng Xuân Hãn, có người lấy làm lạ bởi sao câu cuối lại dịch : “một cành mơ”. Đáng ra chữ “nhất chi mai” phải dịch là “một cành mai ”.

Từ trước đến nay nhiều người vốn đã rất quen với bản dịch của cụ Ngô Tất Tố :

“ Xuân ruổi trăm hoa rụng

Xuân tới, trăm hoa cười

Trước mắt việc đi mãi

Trên đầu già đến rồi

Đừng bảo xuân tàn hoa rụng hết

Đêm qua, sân trước một nhành mai “


Cũng như nhiều bản dịch khác, Ngô Tất tố giữ nguyên chữ “ mai “ trong nguyên tác. Thật ra thì trong chữ Hán 梅 (mai) là cây mơ. Cây mơ ở Trung Quốc có nhiều, là loại cây ăn quả có hoa đẹp màu trắng, có khi hơi ửng hồng hoặc đỏ. Riêng nước ta, mơ có nhiều ở các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là ở vùng rừng núi động Hương Tích.

Ở Hương Tích, Nguyễn Bính đã từng tả “Thấp thoáng rừng mơ - cô hái mơ” và Chu Mạnh Trinh cũng viết rằng : 

“Thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái;

Lửng lờ khe Yến cá nghe kinh…”.

Mơ mọc thành rừng. Rừng mai đây chính là rừng mơ chớ không phải là rừng mai vàng như nhiều người lầm tưởng.

Thật vậy, vì điều kiện thổ nhưỡng, hoàng mai tức là cây mai vàng nở hoa vào dịp tết âm lịch chỉ có từ Quảng Trị trở vào. Lãnh thổ nước ta vào thế kỉ XI lại chỉ mới đến chân đèo Ngang cho nên vào thời điểm ấy, xem như nước ta chưa thể có hoàng mai mà chỉ có hoa mơ… và hoa mơ trong thơ xưa vẫn gọi là hoa mai.

“ Hồng Đức quốc âm thi tập “ của Lê Thánh Tông có bài thơ Hoa mai :

“…Hoa bạc phau phau xâm khí tuyết,

Chồi xanh êu ếu lạt hơi may”  

Sắc hoa bạc phau phau ở câu thơ chính là sắc trắng của hoa mơ.

Vậy mai trong lời thơ của Mãn Giác chính là cây mơ. “Đình tiền tạc dạ nhất chi mai” dịch là “Ngoài sân đêm trước một cành mơ” mới đúng.


Một lí do nữa để lí giải là Kệ của Thiền Tông khác với thơ nghệ thuật. Thơ nghệ thuật có thể tưởng tượng nên hình ảnh mà đưa vào thơ miễn là hợp lí và giàu chất thẩm mĩ; thậm chí ở thơ cổ điển, tả sự việc theo cách ước lệ thì có khi không có lá ngô đồng rụng, chẳng thấy có tuyết rơi …mà nhà thơ vẫn có thể tưởng nên cảnh thu với “giếng vàng đã rụng một vài lá ngô”, tả mùa đông với tuyết phủ mơ màng. 

Kệ của Thiền Tông thì không phải như thế. Mọi việc, mọi vật trong kệ phải là thực tế nhãn tiền - vì vậy khi hoàng mai là loài hoa vốn không có ở nước ta vào thế kỉ XI thì chẳng thể nào sư Mãn Giác lại có thể đưa cành mai vàng rực rỡ ấy vào thơ được; chỉ có thể ở đây : một cành mơ, một thực tế cụ thể làm phương tiện cho trực giác.


Thiền Tông không dùng nghi thức tôn giáo và các lí luận rườm rà về giáo pháp với chủ trương không phân tích chi li triết lí Phật giáo như các tông phái khác mà đề cao việc tìm đến chân lí bằng trực giác. Trực giác là con đường ngắn nhất để đạt đạo đồng thời cũng là con đường khó nhất.

“Không cần nói mà đạt đạo ” là ý nghĩa của dòng Thiền Vô Ngôn Thông với tôn chỉ : Không thuyết lí dài dòng; không nói nhiều, không kiến chấp, không ngộ nhận... 

Bài kệ chỉ nêu sự việc làm phương tiện truyền đạt ý, chân lí thông qua trực giác. Sự việc trước mắt là cái tất định của tự nhiên cứ tuần hoàn mà thay đổi. 

Việc “ hoa tàn, hoa nở… chuyện đời trôi, tuổi già đến…”, tất cả đều là vô thường, không có gì đáng bận tâm mà ngược lại là phương tiện của đốn ngộ. Người theo Thiền chấp nhận quy luật của tự nhiên, vô ngôn mà phá chấp.

Hoa tàn rụng cả nhưng cái suy tàn lại khởi đầu cho một tương lai mới. Cành mơ mới nở là hình tượng vô ngôn của niềm lạc quan vô biên mà tĩnh tại.


“ Cành hoa mơ “ được đưa vào bài kệ cũng do một dụng ý khác nữa là gợi nhớ truyền thuyết "Niêm hoa vi tiếu" trên núi Linh Thứu. Khi Đức Phật im lặng đưa lên một cành hoa "Dĩ tâm truyền tâm" và ngài Ca Diếp đã đốn ngộ được chân lí nên tươi nét mặt và mỉm cười. 

...

Bản dịch khác:

“ Xuân đi trăm hoa rụng, 

Xuân đến trăm hoa cười.

Trước mắt việc đi mãi,

Trên đầu già đến rồi.

Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết,

Đêm qua sân trước một cành mai “


Hòa thượng Thích Quảng Độ dịch


“ Xuân đi, trăm hoa rãi

Xuân đến, trăm hoa khai.

Xem chuyện đời trước mắt

Tóc trên đầu đã phai.

Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết

Tối qua, vườn trước một cành mai “


Họa sĩ Võ Đình dịch

... 

Theo Nguyễn Cẩm Xuyên


* Ảnh : maneok_kim




* Chú thích:

(1) Niêm Hoa Vi Tiếu : Sách “Tông môn tạp lục” đời Tống (960-1127) có kể lại câu chuyện:

“ Phạn Vương đến Linh Sơn hiến Phật cành hoa “Ba la” và thỉnh Phật thuyết pháp. Thế Tôn đăng tòa đưa cành hoa lên cho mọi người xem; tất thảy đều không hiểu ngài muốn nói gì, đều lặng thinh, chỉ có Kim Sắc Đầu Đà Ca Diếp tươi nét mặt và mỉm cười. Thế Tôn liền nói: Ta đã có Chánh pháp nhãn tàng, Niết bàn diệu tâm, Thực tướng vô tướng, nay phó chúc cho Ma Ha Ca Diếp .. “

(2) Thiền tông ( 禪 宗 ) là một tông phái của Phật giáo,  xuất phát từ Trung Quốc khoảng thế kỉ thứ 6, 7 khi đạo Phật kết hợp với tư tưởng Lão giáo. Thiền tông chủ trương dùng kinh nghiệm chứng ngộ, không bàn luận nhiều về lí thuyết. Thiền Tông sang nước ta từ lâu nhưng Thiền phái Trúc Lâm đến đời nhà Trần mới lập bởi vua Trần Nhân Tông.

(3) Kệ: còn gọi là thi kệ có khi chỉ là những câu rất ngắn như tục ngữ nhưng thông thường là những bài thơ, gần như là những bài pháp ngắn, sâu sắc mang nội dung truyền đạt tư tưởng đạo Phật.

(4) Thiền sư Mãn Giác (1052-1096), tên thật là Lý Trường ( sách “ Thiền Uyển tập anh “ ghi là Nguyễn Trường là vì vào đời Trần, tất cả những người họ Lý đều chuyển ghi thành họ Nguyễn) người đất Lũng Chiền, làng An Cách, là con quan Trung thư Viên ngoại lang Lý Hoài Tố. Đời Lý Nhân Tông, vua thường cho con em các danh gia vào hầu hai bên, Lý Trường cũng được dự. Lớn lên tinh thông cả Nho và Phật học, lại thường chú  tâm vào Thiền học, được Nhân Tông và Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan quý trọng,  ban cho hiệu Hoài Tín…

Ngày 30 tháng 11 năm Hội Phong thứ 5 (1096), sư cáo bệnh. Sau khi đọc bài kệ dạy chúng, sư ngồi kiết già mà mất, thọ 45 tuổi đời, 19 tuổi hạ. Vua tặng hậu lễ, công khanh mỗi mỗi đến dâng hương, trà tỳ xong, thu xá lợi xây tháp ở chùa Sùng nghiêm, làng An cách. Vua sắc thụy là Mãn Giác.

(5)Theo Thơ văn Lý Trần; tập I; NXB Khoa Học Xã Hội, 1977 thì  tên bài thơ “Cáo tật thị chúng” là do Lê Quý Đôn đặt.

Sách giáo khoa Ngữ văn lớp 10, Ban KHXHNV, tập 1 - Bộ 2; NXB Giáo Dục, 2003, ghi tiểu dẫn ở bài Cáo tật thị chúng: “Bài Kệ của Mãn Giác thiền sư vốn không có nhan đề. Nhan đề “ Cáo tật thị chúng “ là do người đời sau đặt tên.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét