Hoa đơm là .. Trái kết
VÈ THỞ BỤNG
Thót bụng thở ra
Phình bụng thở vào
Hai vai bất động
Chân tay thả lỏng
Mặt Phật ung dung
Tập trung theo dõi
Luồng ra luồng vào
Bình thường qua mũi
Khi gấp qua mồm
Êm, chậm, sâu, đều
Ðứng ngồi hay nằm
Ở đâu cũng được
Lúc nào cũng được
1. Phương pháp dưỡng sinh của BS Nguyễn Khắc Viện
" Con hãy nghe hơi thở của con, con sẽ nghe được nhịp của vũ trụ "
Cách thở mà ông hướng dẫn được gọi là thở bụng vì khi thở chỉ dùng bụng, đúng ra chỉ dùng cơ hoành: “ thót bụng để thở ra, phình bụng để thở vào “ - người mới tập có thể chỉ cần để tâm vào việc Phình - Xẹp ở vùng Bụng cho thuần thục đã. Cách thở như này có thể tập bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, bất kì ở tư thế nào - nằm, ngồi, đứng, đi. Tuy nhiên lúc mới tập thì nên ngồi thẳng người trên ghế dựa, lưng ép sát ghế, hoặc nằm ngửa trên giường cứng (để giữ lưng được thẳng). Nếu đang bệnh thì ở tư thế khiến người thoải mái nhất.
Đây là phương pháp thở Thuận Hai Thì Không Nín Hơi, tỷ lệ thở 1 - 1 (thời gian thở vào bằng thời gian thở ra) an toàn nhất không gây "tẩu hỏa nhập ma". lưỡi đặt trên vòm họng suốt hai kỳ thở bụng với tiêu chuẩn chậm, nhẹ, sâu, đều, tự nhiên.
Mới tập thở, bạn hãy tưởng tượng đang bưng tô cháo nóng thổi cho nguội. Thổi nhẹ và đều. Thót bụng lại để thổi. Khi đã thót bụng, thở hết hơi thì phình bụng lên để thở vào. Cũng nhẹ và đều. Bụng phình lên hết, ngưng một tí rồi lại thót bụng thở ra, lập lại chu kì. Tập bao lâu cũng được, vài phút cũng tốt.
Khi quen thì thở ra không qua miệng nữa mà ra vào đều qua mũi.
Chú ý người ta dùng từ thở ra, thở vào - chứ không phải thở ra, hít vào. Hàm ý thở ra thở vào phải như nhau - êm, nhẹ, sâu, đều. Thở lúc này chủ yếu ko phải để cung cấp thêm oxi mà để điều hòa nội tạng, ổn định thần kinh. Không nên cố thở thật sâu thật nhiều đưa oxi vào nhiều quá vì khi đó khí carbonic bị khử cũng nhiều làm độ pH của máu tăng quá cao, gây chóng mặt. Nhiều người mới tập thường mắc sai lầm này. Cần thở chậm rãi - êm nhẹ sâu đều.
Khi thở thì giữ hai vai bất động, tay chân thả lỏng, nét mặt thư thái - nói chung tất cả các cơ trong người đều ko căng cứng.
Vừa thở vừa tập trung theo dõi sự vào ra của hơi thở bằng cách hoặc đếm hơi thở, hoặc tưởng tượng đường đi của hơi thở: từ từ đi qua mũi, xuống cổ, vào phổi, xuống đan điền (vùng dưới cách rốn khoảng vài cm), lưu chuyển ở đấy một lát rùi lại từ từ theo đường cũ trở ra.
2. Thở bụng hay thở bằng cơ hoành theo Hatha Yoga
Hãy tưởng tượng, cơ hoành như là con sứa, hay cái ô có hình vòm ngăn cách giữa khoang ngực và khoang bụng. Dưới góc độ giải phẫu mà nói, bạn không thở thẳng vào bụng, mà chỉ thở đẩy không khí vào phổi thôi. Khi thở đúng cách, cùng với sự kết hợp của cơ hoành, tự khắc bụng sẽ thay đổi hình dạng (phình ra, thu lại) do việc thay đổi thể tích. Khi hít vào phổi, khoang ngực sẽ nở ra đẩy cơ hoành hạ xuống khoang bụng làm bụng sẽ tự phồng lên.
+ Quá trình thở vào
Khi thở vào, không khí được đẩy vào phổi làm tăng dung tích lồng ngực và cơ hoành cũng được tham gia bằng cách chuyển từ hình dạng cái ô có độ cong rất sâu thành cái ô có độ cong nông hơn. Khi độ cong được làm phẳng dần, gây áp lực đến các cơ quan nội tạng bên dưới.
Nếu như cơ bụng đang ở vị trí thả lỏng, không ghì chặt, gồng lên hay co lại thì khi cơ hoành đẩy xuống tạo áp lực làm khoang bụng tự phình lên một cách tự nhiên. Phình cả lưng, 2 bên lườn, đáy chậu và bụng, phía bụng ko xương nên biên độ phình lớn hơn, quan sát bên ngoài dễ thấy hơn.
- Quá trình thở ra
Khi thở ra, cơ hoành lại co lại đúng hình vòm sâu, giảm áp lực khiến bụng tự xẹp xuống và đẩy không khí ra ngoài.
=> nếu trong quá trình thở, bạn tự dùng cơ bụng để đẩy nó lên - xuống, thì tức là bạn chưa thở chính xác. Bởi toàn bộ sự di chuyển của bụng rất tự nhiên, nhờ áp lực của cơ hoành
* Cách thở cơ hoành đúng là phải thở cả 3 chiều
Phổi bạn phải được giãn nở ra tất cả các hướng, tức là toàn bộ khoang ngực cũng phải được nở ra theo cả 3 chiều (ngang hai bên, trên - dưới và trước - sau ) khi hít vào.
Bởi vì khoang ngực liên kết trực tiếp với khoang bụng qua cơ hoành, nên khi khoang ngực nở ra như vậy, khoang bụng sẽ thay đổi hình dạng dưới áp lực của cơ hoành và cũng giãn nở ra theo cả 3 chiều ( trên - dưới, trước bụng - sau lưng và hai bên eo )
Hãy thử ngồi thoải mái, 1 tay đặt lên bụng, tay còn lại đặt lên ngực. Vai thả lỏng. Hít thở thật tự nhiên, bạn sẽ cảm thấy cả vùng bụng, xương sườn, ngực đều phồng lên.
* Lưu ý khi thở bằng cơ hoành
- Vai thả lỏng, hít thở tự nhiên
Đừng căng thẳng. Gồng cứng vai, bạn sẽ không cảm nhận được hơi thở. Hãy thả vai lỏng xuống và thư giãn.
- Ngồi thẳng
Các cơ được gắn trực tiếp vào cột sống. Do đó, nếu bạn ngồi không thẳng, cột sống cong vẹo, hoặc còng lưng xuống, cơ hoành sẽ gặp khó khăn khi thay đổi hình dạng. Hãy ngồi thẳng, ngồi đúng tư thế để hơi thở đạt chất lượng.
- Thở bằng cơ hoành, không dùng cơ bụng
Đôi khi, việc tập trung quá vào bụng sẽ khiến chúng ta gồng cơ bụng. Dùng chúng đẩy lên và hóp xuống. Đó không phải mục đích của hít thở yoga bằng cơ hoành.
Việc quan trọng là hãy thả lỏng bụng. Để hơi thở thật tự nhiên. Bạn sẽ thấy cơ hoành tự đẩy xuống, bụng sẽ phình lên mà không cần siết hay đẩy cơ bụng.
- Đừng ăn quá no
Do việc thở cơ hoành sẽ làm thay đổi hình dạng khoang bụng. Nên nếu vừa ăn no xong, bạn sẽ thấy khó thở.
- Hãy chú ý đến hơi thở ra thay vì hơi hít vào
Thông thường, chúng ta thường để ý đến hơi thở vào. Nhưng ông thầy của Yoga trị liệu Desikachar đã nói rằng “90% của thực hành Yoga là thải ra chất cặn bã”. Do đó, khi thực hành, hãy chú ý đến hơi thở ra. Thở ra thật hết sẽ dọn chỗ cho khoang bụng và khoang ngực. Tự khắc, hơi hít vào sẽ sâu và chậm hơn.
Thông thường thuật ngữ “thở bụng” hay “thở cơ hoành” được sử dụng có ý nói hơi thở di chuyển ở vùng bụng, cũng như “thở vùng ngực” hay “thở ngực” có nghĩa là hơi thở di chuyển ở vùng khung sườn. Bụng phình ra, có nghĩa bạn đang thở bụng. Thành bụng yên, hoặc đi vào trong ở hơi hít vào, các xương sườn nâng lên, hoặc ra bên ngoài, thì đó là thở ngực. Tuy nhiên sử dụng thuật ngữ “ thở cơ hoành” khi hướng dẫn “ thở bụng “ là chưa hẳn chính xác, bởi vì tất cả các hình thức hơi thở đều liên quan đến cơ hoành. Khi thở bụng, cơ hoành được kích hoạt và cấu trúc vòm của nó hạ xuống bụng, đẩy bụng về phía trước. Tuy nhiên, trong thở ngực, cơ hoành vẫn hoạt động, ngay cả khi vòm của nó không hạ xuống sâu quá. Vì vậy, ngoại trừ trong các trường hợp tê liệt cơ hoành, tất cả các hơi thở đều liên quan đến cơ hoành. Khác biệt là “ thở ngực “ ít dùng đến cơ hoành còn “ thở bụng “ lại dùng cơ hoành là chủ yếu và kiểu thở này giúp lấy oxy được nhiều hơn và đưa sâu hơn vào phổi, đồng thời khi thở ra cũng ép được nhiều khí cặn độc hại ra ngoài hơn.
3. Bài tập thở dưỡng sinh "để đời"
Có nhiều cách thở khác nhau, 2 thì, 3 thì, 4 thì ... một số người thở ngực, những người khác thở bụng. Ngay trong cộng đồng yoga, chúng ta sẽ thấy có những giáo viên khuyên nên thở bụng và những người khác ủng hộ việc thở ngực. Trong Sivananda và nhiều truyền thống yoga khác, học trò được khuyên thở ba phần – bắt đầu với phần bụng di chuyển về phía trước, sau đó xương sườn dưới di chuyển sang hai bên và kết thúc với phần ngực trên nâng lên. Khi thở ra thực hiện ngược lại.
Trong cách thở được chỉ dạy bởi T.K.V. Desikachar (và một phong cách yoga phái sinh được gọi là Viniyoga), trật tự được đảo ngược: Đầu tiên ngực trên được nâng lên, sau đó xương sườn dưới được nâng lên một bên, và cuối cùng là bụng phình ra.
Theo Gs Nguyễn Lân Dũng, bài tập thở kiểu 3 thì ( thở ra dài hơn vào ) có thể kết hợp hiệu quả khi đi bộ, thích hợp cho những người cao tuổi. Đi nhanh hay chậm, ngắn hay dài là tùy thuộc vào sức khỏe mỗi người. Trong khi đi, kết hợp với thở bụng êm dịu và sâu theo công thức: 4 bước hít vào, nhớ phình bụng ra, 2 bước ngừng thở, tiếp theo 8 bước thở ra, thót bụng lại. Việc tập thở sẽ phát huy tác dụng tốt hơn khi đi bộ ở nơi có không khí trong lành, tinh thần thư thái.
Cách thở 4 thì bằng nhau:
Thì 1: Hít vào từ từ và nhẹ nhàng bằng mũi, hít sâu, êm dịu kéo dài đến mức có thể chịu được, đồng thời phình bụng ra.
Thì 2: Nín thở giữ hơi, thời gian bằng khi hít vào.
Thì 3: Thở ra từ từ, êm nhẹ và kéo dài, đồng thời bụng thót vào hết cỡ, thời gian bằng thì 1.
Thì 4: Nín thở, thời gian bằng thì 1. Lúc mới tập, người tập có thể đếm 1, 2, 3, 4, 5 ở mỗi thì. Sau tăng thời gian lên bằng cách đếm đến 7, 8, 9, 10...
...
Tuy nhiên chỉ có một phương pháp thở an toàn nhất không gây "tẩu hỏa nhập ma", đó là thở Thuận Hai Thì Không Nín Hơi, tỷ lệ thở 1 - 1 (thời gian thở vào bằng thời gian thở ra). lưỡi đặt trên vòm họng suốt hai kỳ thở bụng với tiêu chuẩn chậm, nhẹ, sâu, đều, tự nhiên. Đây chính là cách thở đã được Bs Nguyễn Khắc Viện tóm tắt trong bài vè rất dễ nhớ của Ông.
Theo Bs Lê Văn Vĩnh thì phương pháp thở hai thì này hiện nay được áp dụng trong trường phái khí công y khoa. Vừa có lợi trong phòng bệnh, chữa bệnh vừa tránh được tác dụng phụ nguy hiểm.
4. Người sáng tạo ra phương pháp tập thở dưỡng sinh đơn giản
Thật ra phương pháp thở trên đây không mới. Từ hàng ngàn năm trước, người ta đã biết rằng bình thường theo tự nhiên thì các cơ quan nội tạng như tim, dạ dày... hoạt động tự động, ngoài ý thức của con người. Tuy nhiên con người vẫn có thể can thiệp vào cái "tự nhiên" ấy, thực hiện cái gọi là điều hòa thân tâm bằng hơi thở. Vì thế Yoga, Khí công hay Thiền mà mục tiêu nhắm tới là những năng lực thần diệu .. đều khởi đầu từ phép luyện thở. Cái mới chăng của Bs Viện là đã đem nhãn quan của một bác sĩ Tây y với những hiểu biết sâu sắc về sinh lý học hiện đại để từ các phương pháp thở cổ xưa, lược bỏ đi phần thần bí mơ hồ, rút ra những gì là cơ bản phục vụ cho việc rèn luyện thân thể, không phải để có những năng lực siêu nhiên, mà để có cuộc sống bình thường nhưng khỏe, vui.
Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện (1913 - 1997) vốn nỗi tiếng là một kỳ nhân:
Tức không cáu,
Nóng không quạt,
Ngứa không gãi
Ông xuất thân trong một gia đình khoa bảng ở xã Sơn Hòa, huyệt Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Thân sinh ra ông là cụ Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm, làm Thượng thư Bộ Lễ triều đình nhà Nguyễn. Năm 1933, Ông tốt nghiệp tú tài triết học, tú tài toán học và tú tài tây, vào học trường Đại học Y khoa Hà Nội rồi sang Pháp học tiếp. Đến năm 1939 thì tốt nghiệp và được làm bác sĩ nội trú tại bệnh viện Trouseau - một bệnh viện lớn nhất Pari. Tại đây, ông tiếp tục học và đỗ thêm bằng bác sĩ về ký sinh trùng và các bệnh nhiệt đới. Năm 1942, ông bị lao phổi nặng, phải nằm điều trị ở bệnh viện Saint Hilaire du Touvet, Grenoble. Thời gian đó sự phát triển về y khoa còn hạn chế, bệnh lao phổi chưa có thuốc chữa khỏi. Trong vòng 6 năm điều trị bệnh (từ 1943 - 1948), ông phải trải qua nhiều ca phẫu thuật điều trị lao phổi gồm có 7 lần mổ, cắt bỏ 8 xương sườn, cắt bỏ toàn bộ lá phổi bên phải và 1/3 lá phổi bên trái. Lúc này, dung tích thở trong phổi của ông chỉ còn 1 lít, đây là dung tích thở của một người rất yếu. Theo chẩn đoán của các bác sĩ người Pháp, bác sĩ Viện chỉ còn sống được khoảng 2 năm nữa.Tuy nhiên, Ông không chấp nhận nằm chờ chết mà đã giành thời gian để nghiên cứu nhiều tài liệu và tìm ra phương pháp thở tự chữa bệnh được cho mình. Kết quả, ông đã sống thêm được 50 năm nữa, hưởng thọ 85 tuổi. Trong suốt thời gian này, bác sĩ Viện không những duy trì được sức khỏe tốt cho mình mà còn tích cực hoạt động, nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực, từ chính trị xã hội đến văn hóa giáo dục, viết hàng chục cuốn sách, hàng trăm bài báo có giá trị. Thế nhưng khi được hỏi bài nào là có giá trị lâu dài nhất, ông không chọn trong số hàng ngàn trang viết được mọi người đánh giá cao kia, mà là một bài vè luyện thở mười ba câu từ ngữ đơn giản thô sơ. Đấy chính là khẩu quyết của phép luyện thở đã giúp ông không những chữa được bệnh mà còn sống khỏe trong hơn 50 năm tiếp theo của cuộc. Lời lẽ mộc mạc rõ ràng, ai cũng có thể hiểu và làm theo dễ dàng.
5. Vì sao phương pháp này lại tốt cho sức khỏe?
Phương pháp thở của Bs Nguyễn Khắc Viện không phải hoàn toàn mới. Nó chỉ là một sự tổng hợp của khí công, thiền, yoga, tai chi, dưỡng sinh Đông phương từ ngàn xưa được nhìn bằng sinh lý học hô hấp hiện đại của một bác sĩ Tây Y. Việc tập thở sở dĩ có tác dụng tốt đối với sức khỏe là do cách thở trên giúp đưa được tối đa lượng oxy hữu ích vào cơ thể và tống được tối đa lượng khí Co2 ra, giảm bớt khối không khí độc trong đáy phổi. Làm được điều này tức là người tập đã tăng đáng kể việc chuyển hóa máu đen thành máu đỏ, tăng cường lượng oxy cho cơ thể. Việc tập thở chủ yếu vận dụng cơ hoành để tác động đến các cơ quan khác như các bộ phận trong ngực và bụng gồm tim phổi, gan, dạ dày, ruột .. và các nội tạng khác. Không chỉ tác động đến cơ quan nội tạng, quá trình thở còn tác động đến cả xương sườn, lồng ngực, cột sống, xương ức và các bộ phận cơ mềm ở ngực và ở bụng.
Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc là người đã được Bs Nguyễn Khắc Viện chỉ cho phương pháp thở này. Ông kể lại:
“ tôi cũng chỉ nghe để mà nghe chớ chẳng thực hành. Cho đến ngày tôi bị vố tai biến nặng, phải nằm viện dài ngày, lúc đó tôi mới thử đem ra áp dụng. Quả thật, có lắm điều kỳ diệu! Nó làm cho tôi thảnh thơi hơn, ít nhọc mệt hơn và sức khỏe phục hồi tốt hơn. Trong thời gian dưỡng bệnh, các bạn đồng nghiệp thương tình, cho rất nhiều thuốc, nhưng tôi chỉ chọn một vài món thực sự cần thiết, còn thì chỉ... dùng phương pháp thở này để tự chữa bệnh cho mình. Và cho đến hôm nay, khi đã hoàn toàn bình phục, thở có phương pháp đã thành một quán tính tự nhiên từ lúc nào tôi cũng không thể nhớ rõ. Xin ghi lại đây, như một sự biết ơn, về chuyện “thở” với nguyện ước rằng, sẽ có nhiều người “biết thở” đúng phương pháp, để nhờ đó có thể tự chữa bệnh và tăng cường sức khỏe cho mình "
Nguồn Tổng Hợp