Chủ Nhật, 5 tháng 2, 2023

Lễ hội khai ấn




LỄ HỘI KHAI ẤN

Nước ta bị các thế lực phong kiến Trung Hoa đô hộ cả ngàn năm, khi giành được quyền độc lập tự chủ vẫn phải dùng chữ Hán. Do đó về lễ nghi, phong tục ảnh hưởng khá nhiều từ văn hóa Trung Hoa. Tuy ảnh hưởng, nhưng văn hóa phong tục của dân tộc Việt Nam hoàn toàn khác với người Hán, như Nguyễn Trãi từng viết trong “ Cáo bình Ngô”:

Duy ngã Đại Việt chi quốc

Thực vi văn hiến chi bang

Sơn xuyên chi phong vực ký thù

Nam Bắc chi phong tục diệc dị.


“ Như nhà nước Đại Việt ta

Thực là một nước văn minh

Núi sông bờ cõi đã riêng

Phong tục Bắc – Nam cũng khác “


Để xác định được khách quan, ta thử khảo sát việc lễ của Trung Hoa bắt đầu từ bộ “Lễ ký” tức là sách kinh điển về việc lễ của Trung Hoa chép từ thời cổ đại, có cả sự nghị bình từ các đời Hán - Đường - Tống - Nguyên - Minh - Thanh.

Đọc kỹ các việc lễ ở đây từ lễ thầy học đến lễ vua chúa về đủ mọi phương diện từ trung hiếu đến quan ( lễ đội mũ cho con trai đến tuổi trưởng thành ), hôn, tang, tế … tuyệt nhiên không có một thứ lễ nào gọi là “Lễ khai ấn”. Ngoài ra còn tham khảo thêm cả Kinh Thi và Kinh Xuân Thu của chính Khổng Tử san định và trứ tác.

Lại xét trong lịch sử nước nhà thì Đại Việt sử ký toàn thư là bộ sử lớn nhất do Lê Văn Hưu biên soạn, hoàn tất năm 1272. Sách chép từ Triệu Vũ đế đến Lý Chiêu Hoàng. Sau Phan Phu Tiên chép tiếp từ 1223 đến 1427 gọi là Đại Việt sử ký toàn thư tục biên. Hai bộ sử này tuy bị giặc Minh cướp và đốt hết, nhưng khi soạn Đại Việt sử ký toàn thư (bản đang lưu hành) Ngô Sỹ Liên có sưu tập và tham khảo cốt yếu ở hai bộ sử trên.

Sách này chép kỷ nhà Trần rất kỹ, nhưng về lễ nghi, phong tục không thấy đề cập đến cái gọi là “Lễ khai ấn”. Và trước đó từ kỷ nhà Triệu qua Đinh - Lê - Lý cũng không thấy bóng dáng “Lễ khai ấn”.

Nhà Nguyễn là triều đại chăm chút đến việc biên tu quốc sử vào bậc nhất, và họ cũng để lại cho hậu thế một khối lượng sách khổng lồ ghi chép về đủ thứ. Đặc biệt là quốc sử. Thế nhưng khảo trong bộ “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”, và cả bộ “Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ” đều không thể tìm ra cái gọi là “Lễ khai ấn” hoặc “Lễ hội khai ấn”.

Và điều này mới quan trọng, tức là cả bộ “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú biên soạn hết sức công phu. Tìm khắp trong phần “Lễ nghi chí”, có đủ các thứ lễ cực kỳ phong phú,... trừ “Lễ khai ấn”.

Lại khảo thêm “Việt Nam phong tục” của Phan Kế Bính; “Việt Nam văn hóa sử cương” của Đào Duy Anh; “Hội hè đình đám” của Toan Ánh … đều bặt vắng “Lễ khai ấn”.

Tới đây có thể tạm khẳng định trong các lễ nghi, lễ thức từ làng xã đến triều đình, từ cổ điển đến cận hiện đại của Việt Nam đều không có cái gọi là “Lễ khai ấn” hoặc “Lễ hội khai ấn”.


Vậy “Lễ khai ấn” hiện nay đang tồn tại mọc ra từ đâu?


I. Chiếc ấn gỗ thời Trần

Năm Mậu ngọ (1258), khi quân Mông Cổ sắp tràn vào bờ cõi nước ta, nội các triều đình phải sơ tán, quan chưởng ấn cất giấu ấn báu và chỉ đem theo ấn nội mật cho gọn nhẹ. Nửa đường lại rơi mất ấn này. Vua Trần Thái tông cho phép sai thợ khắc ấn gỗ tạm dùng thay thế. Đại Việt sử ký toàn thư chép lại rằng : “Khi ấy vua đem sáu quân đi chống giặc. Quan chưởng ấn vội vàng giấu ấn báu lên rường điện Đại Minh, chỉ đem ấn nội mật đi theo, nửa đường ấn ấy lại bị mất. Giấy tờ trong việc quân không có ấn, vua sai thợ khắc gỗ làm ấn. Đến khi trở về kinh sư, lại có người đem dâng ấn bị mất ấy, ấn báu giấu đi vẫn còn nguyên chỗ cũ”.


Ngoài mấy dòng trên, toàn thư không nói việc xử lý ấn ấy như thế nào. Ví dụ như cho lưu trữ, hoặc tiêu hủy, hoặc làm lễ tạ thần linh và tiên tổ đã phù trợ … Cũng từ đây Toàn thư tuyệt nhiên không nhắc gì đến chuyện ấn chương nữa.

Ngay “ An Nam chí lược “ của Lê Tắc cũng không đả động gì đến. Lê Tắc là người làm công việc thư lại trong phủ Trần Kiện. Ông ta là người đương thời, cũng vào hàng thông tuệ chắc có biết việc này, nhưng không thấy Lê Tắc đề cập gì tới chuyện lễ tiết về ấn chương trong “ An Nam chí lược “.


Đã nói ấn chương chỉ được dùng trong bộ máy hành chính ,nó không phải vật thiêng, không có ai tôn vinh và thờ phụng ấn, nên nó không thể hóa thần. Vì vậy không xếp được nó vào loại lễ lạt nào hết.

Về chất liệu làm ấn nhà vua, nếu làm bằng ngọc gọi là ngọc tỉ, nếu đúc bằng vàng gọi là kim bảo tỉ và dùng làm vật báu truyền ngôi. Tức là mỗi khi có lễ truyền ngôi thì vua cũ trao ấn báu và kiếm báu cho vua mới. Hai vật báu đó tượng trưng cho quyền uy tối thượng của nhà vua, đó là lễ duy nhất ta thấy ấn vua xuất hiện. Ngoài ra nó được giữ trong nội mật vụ và dùng đóng vào chiếu, chỉ của nhà vua trước khi ban hành.


Còn như “Lễ khai ấn” đền Trần năm 2000 là ấn gỗ hình vuông được khắc vào thời Nguyễn cuối thế kỷ 19, mặt ấn có bốn chữ “ Trần miếu tự điển” tức là điển lệ cho việc thờ tự tại đền miếu nhà Trần khu vực Tức Mạc. Hai mặt đông tây của viền ấn khắc hai con rồng. Hai mặt viền nam bắc khắc chìm bốn chữ “Tích phúc vô cương”. Ấn này không có giá trị, không liên quan đến ấn của các vua nhà Trần.


Tới đây có thể khẳng định, trong lịch sử dân tộc Việt Nam từ khi có nhà nước phong kiến đến kết thúc chế độ vương quyền (1945), không hề có “Lễ khai ấn” hoặc “Lễ hội khai ấn” đầu năm.


II. Vậy lễ hội khai ấn đền Trần phát sinh từ đâu 

Lễ khai ấn đền Trần ở Tức Mạc mới xuất hiện từ năm 2000. Việc lễ chỉ có nhà đền và vài quan chức ngành văn hóa Nam Định chủ trì. Lễ ấy không tế rước, không huyên náo trống chiêng, nhưng diễn ra trang nghiêm, lặng lẽ.

Sau lễ, ban tổ chức có đóng dấu vào những tờ ấn đã in sẵn xếp trên bàn cho khách xem hoặc tự lấy, coi như quà của nhà đền. Tuyệt nhiên không có chuyện bán mua. Có người biết chữ Nho cầm đọc rồi đặt trả lại, có người không biết chữ Nho, nhưng tò mò lấy đi một vài tờ làm kỷ niệm.

Nhớ có lần tôi và kiến trúc sư Trần Thanh Vân về Nam Định và có ghé thăm ông Trần Văn Tuấn, bí thư tỉnh ủy, tôi có nói vài nơi xuống cấp quá ông cần chỉ đạo việc tu bổ, nhân đó tôi đề nghị ông bàn bạc trong lãnh đạo để Nam Định có đường phố mang tên Trần Thủ Độ. Ông bí thư tỉnh ủy nheo mắt lắc đầu: 

- Khó lắm bác ạ, cả tôi và đồng chí Chủ tịch tỉnh đều họ Trần, đem tiền ngân sách ra tu bổ nơi thờ tự nhà Trần, tránh sao khỏi dị nghị, mà kinh phí Trung ương cấp chỉ nhỏ giọt, sửa chỗ nọ hỏng chỗ kia. Việc đặt tên Trần Thủ Độ cho một đường phố chúng tôi chưa nghĩ đến, nhưng cũng khó đấy.

Không hiểu tại sao lúc ấy tôi không ngăn được phản ứng, liền nói: 

- Sao các anh lại ngộ nhận kỳ lạ vậy, các di tích này là của cả nước, đâu phải của riêng dòng họ nhà các anh. Trần Thủ Độ là Thái sư thống quốc của Đại Việt có công lớn với đất nước thì nhân dân cả nước tri ân, việc ấy liên quan gì đến mấy người họ Trần các anh. Tưởng cũng nên nhớ, nhà Trần - tức thời đại nhà Trần của Đại Việt thế kỷ 13, chứ không phải của riêng họ Trần ngày nay đâu. Vì vậy anh có thể kêu trước Quốc hội rằng, Nam Định phải quản lý di tích quốc gia quá lớn, xuống cấp lắm rồi, địa phương không đủ sức, xin cả nước chung tay.

Không biết ông Trần Văn Tuấn có giận tôi không, nhưng một vài năm sau gặp lại, ông bảo: 

- Chúng tôi bây giờ chỉ lo tu bổ sao cho tốt, chứ không lo kinh phí nữa anh ạ.

Cùng với đà di tích được tu bổ khang trang, có phần hoành tráng nữa, khá bắt mắt với du khách, lại thêm việc tuyên truyền, cũng không loại trừ khả năng rỉ tai về sự linh nghiệm của tờ ấn. Thêm vào đó, quan chức đầu tỉnh đều có mặt trong lễ khai ấn, rồi lần lượt thỉnh mời được các vị cấp cao từ Nhà nước về dự lễ khai ấn. Thế là sự linh thiêng vụt hiện, khách về dự lễ đông không tài nào giữ được trật tự. Tỉnh phải điều động hàng rào sắt lưu động để ngăn lối và phân luồng. Có năm huy động tới cả ngàn cảnh sát cơ động về giữ trật tự trong ngày hội.

Nhưng trật tự vẫn không thể vãn hồi. Ta thấy khách hội trèo lên đầu lên cổ nhau, nhảy bổ vào mâm lễ để cướp lộc.

Có thể nói “Lễ hội khai ấn” đền Trần, phần lễ là dâng hương, phần hội là chen lấn, xô đẩy và cướp lễ làm lộc. Nhìn cảnh đó diễn đi diễn lại trên màn hình ti vi suốt mấy năm gần đây mà thấy buồn, thấy tủi cho nền văn hóa dân tộc đang đi chệch hướng một cách vững chắc trên nhiều bình diện.

Nhìn quang cảnh lễ hội có hàng rào sắt, có cảnh sát cơ động, nhiều người thốt lên: “Đây là lễ hội có vũ trang, chưa từng thấy trong lịch sử cổ kim”.


Ấn đền Trần nhờ tác động của con người, đã trở thành thứ hàng hóa đặc biệt, nó không chỉ tràn ngập trên địa bàn Nam Định mà nó có mặt ở nhiều tỉnh. Và lễ hội khai ấn cũng trở thành một nguồn thu ngân sách không nhỏ của tỉnh.

Thật ra không chỉ có đền Trần Tức Mạc bán ấn như một thứ hàng hóa, mà đền Bảo Lộc thuộc thôn Mỹ Lộc Xã Mỹ Phúc huyện Mỹ Lộc Nam Định, chỉ thờ riêng Trần Hưng Đạo và gia thần gia tướng, cũng có lễ khai ấn. Lại còn gọi là “Quốc ấn” nữa kia. Tại đây ấn được bán thoải mái không chỉ trong đền mà các hàng quán quanh đền đều có bán, ai muốn mua ấn bên đền Thiên Trường cũng có luôn. Đặc biệt khách nào muốn chuộng sự linh thiêng, tự mình đóng lấy ấn ở phía sau hậu cung, nhà đền sẽ cho người dẫn vào, nhưng phải chui cúi qua một khuôn của hẹp, nghĩa là phải lách nghiêng người và cúi thấp. Một bộ ấn đóng trong hậu cung gồm: Một lá ấn, một lá bùa hộ mệnh, một tờ trấn trạch, giá 100.000đ, mua nhiều được chiết khấu. Đọc nội dung bùa hộ mệnh thấy cả một sự nhảm nhí. Họ dám đem cả danh tướng Trần Hưng Đạo vào việc vụ lợi.

Nối gót Nam Định, đền Trần tại xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà tỉnh Thái Bình, mua được chiếc ấn đồng nát, cũng mở “Lễ khai ấn”. Dịch này còn truyền tới tận Quảng Ninh. Hội tao đàn Quảng Ninh đã khai ấn qua vài năm, bị nhiều người chê trách về phần chữ nghĩa.

Chưa hết, đền thờ Lý Thường Kiệt ở Hà Trung Thanh Hóa và đền thờ Quang Trung trên núi Phượng Hoàng thành phố Vinh cũng đã có lễ khai ấn. Nhiều nơi khác cũng đang tấp tểnh định vào cuộc.


Bỗng nhiên lại có tin đồn khảo cổ tìm thấy ấn gỗ, nghi là ấn gỗ thời Trần khắc tạm trên đường lánh giặc. Báo chí rùm beng, tin đưa giật gân hết cỡ. Ban tổ chức họp báo trong Hoàng thành Thăng Long công bố mập mờ. Nếu xuôi lọt thì lại khai ấn trong Hoàng thành. Tuy nhiên, việc này nghe khó nuốt, bởi các nhà báo, nhà khoa học dồn hỏi những điều cần và đủ cho một vật khai quật, ban tổ chức nói quanh nói quẩn. Tới nay thì sự việc dường như đã rơi vào quên lãng.


III. Kết luận

Ấn cổ nhất hiện còn ở nước ta và xác định được niên đại là ấn “Môn hạ sảnh” tạo tác năm Long Khánh thứ 5 (1377) đời vua Trần Duệ tông. Đây là ấn quan chứ không phải ấn nhà vua.

Môn hạ sảnh là một trong ba cơ quan cao nhất của triều đình lập ra để giúp việc nhà vua. Vì vậy các loại ấn tại các đền miếu nhà Trần mạo xưng là ấn vua, đều là ấn dổm.


Ấn chương là công cụ biểu trưng cho quyền uy của hành chính, pháp luật, nó không thuộc phạm trù tâm linh, tôn giáo.

Từ cổ xưa, tức là thời loài người biết tổ chức bộ máy nhà nước, ấn chương hành chính đều thuộc phần thế tục không nằm trong khu hệ tâm linh siêu thực. Vì vậy nó không bị điều chỉnh bởi “Lễ”.

...


Hà nội, ngày 02.5. 2017

Hoàng Quốc Hải


https://tuoitre.vn/le-khai-an-mot-sang-tao-doc-dao-425726.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét