NOW !
Người ta gọi ông là He .. ro
NÍ SỰ
Chó sói nhìn thấy một chú cừu non đang uống nước bên suối. Sói ta muốn chén thịt cừu non, thế là nó liền hoạnh họe cừu. Nó nói :
- Mày làm đục hết nước rồi, định không cho tao uống hả.
Chú cừu con cãi lại :
- Ông sói ơi! Cháu làm sao có thể làm đục nước của ông? Bởi vì cháu đứng ở cuối dòng nước, hơn nữa lại chỉ chúm miệng uống nước bằng đầu môi mà thôi.
- Được, thế tại sao mùa hè năm ngoái mày lại chửi bố tao? Sói gầm ghè
Cừu non vội đáp :
- Thưa ông sói, nhưng hè năm ngoái mẹ cháu còn chưa đẻ cháu ra cơ mà.
Sói ta nổi cáu :
- Không cần lý sự lằng nhằng với mày. Tao đang đói bụng đây, vì thế mà tao phải ăn thịt mày.
Lép Tônxtôi
CHÂN LÝ VẪN VẬY
Phân biệt tông phái chỉ là hình thức bên ngoài còn Chân Lý vẫn là Chân Lý không thuộc về ai. Ai Giác Ngộ cũng đều thấy Chân Lý như nhau dù ở tông phái nào.
Nhưng Đúng - Sai , Tốt - Xấu lại cần minh bạch rõ ràng. Dù ở trong '' Chánh Phái'' mà nhận thức và hành vi sai xấu thì vẫn Sai Xấu, ở trong " Tà Phái " mà nhận thức và hành vi đúng tốt vẫn Đúng Tốt.
Thầy Viên Minh
HÀNH LÝ TA MANG
Hành lý ta mang theo sẽ quyết định cho ta được sống trong bình diện nào.
Nếu bạn mang theo nhiều muộn phiền, sợ hãi và tham đắm, thì bạn đi tới đâu cũng chỉ gặp thế giới đau khổ như địa ngục mà thôi.
Nếu bạn mang theo lòng từ bi, hiểu biết và thanh thản, thì đi đâu bạn cũng sẽ gặp được thế giới của Chân như, vương quốc của Thượng đế.
Sư Ông Làng Mai
NGÀY NÀY, THÁNG 2 NĂM 1979
" Lửa đã cháy và máu đã đổ, trên khắp dải biên cương ... "
...
Ngày thứ bảy 17-2-1979, lúc 3 giờ 30 sáng, pháo binh quân đội Trung Hoa bắt đầu pháo kích ào ạt vào các vị trí quân sự tại quận Tiên Lĩnh, Hà Quảng thuộc tỉnh Cao Bằng, mở đầu cho một cuộc tấn công quy mô trên một chiến tuyến dài hơn một ngàn cây số dọc theo biên giới Việt - Hoa từ Lai Châu đến Móng Cái.
Trong lịch sử chiến tranh Việt - Hoa, Lạng Sơn luôn luôn được coi là một vị trí chiến lược chủ yếu và là hướng tấn công chính của quân Trung Hoa. Lý do là vì địa thế ở đó là vùng đồng bằng. Chiếm được Lạng Sơn là chiếm được cửa ngõ châu thổ sông Hồng, và chỉ còn một trăm năm mươi cây số dọc quốc lộ 1 là tới Hà nội. Sau Lạng Sơn, Lào Cai là một cửa ngõ quan trọng thứ hai thông thương giữa hai nước. Giữa vùng rừng núi bao la hiểm trở dọc biên giới tây bắc, chỉ có một trục lộ thuận tiện từ côn Minh qua Lào Cai theo thung lũng sông Hồng về Hà nội. Nhưng đó là một con đường độc đạo chập chùng qua rặng Hoàng Liên Sơn, rất dễ bị phục kích, vì thế nên trong lịch sử, khi quân Minh và quân Thanh tiến đánh Việt nam theo hai hướng, Lào Cai chỉ là hướng tấn công phụ. Riêng quân Nguyên không dùng Lào Cai, mà dùng thuỷ quân từ Nghệ An đánh lên.
Kể từ khi Pháp đặt chân đến Việt Nam, nhờ đường xá phát triển, Cao Bằng ngày càng trở nên một bàn đạp quan trọng tiến về trung châu. Từ Cao Bằng, có quốc lộ 3 qua Thái Nguyên về Hà nội. Vì thế, về phương diện quân sự, quốc lộ 4, từ Cao Bằng chạy song song với biên giới Việt - Hoa qua Lạng Sơn tới Móng Cái đặc biệt quan trọng. Chính tại quốc lộ số 4 này, trong chiến dịch biên giới năm 1950 đã đánh dấu một sự hợp tác thân thiết nhất giữa hai phong trào Việt Nam và Trung Hoa.
Những địa danh Cao Bằng, Lạng Sơn, Đông Khê, Thất Khê đã trở thành bãi chiến trường chính của cuộc chiến tranh biên giới năm 1979.
Ngoài những vị trí Lạng Sơn, Cao Bằng và Lào Cai, từ biên giới Hoa - Việt ở Lai Châu có quốc lộ 6 đi về Hà Nội, nhưng đó cũng là một con đường độc đạo chạy trên những vùng núi non hiểm trở cao hơn hai ngàn thước, không tiện cho việc di chuyển võ khí nặng cũng như tiếp liệu, nên hướng tấn công của Trung Hoa tại Lai Châu không đáng kể. Nhưng sườn phía tây của Bắc Việt có một cửa ngõ quan trọng. Đó là con đường từ tỉnh Phong Saly của Lào theo sông Nậm Na qua thung lũng nổi danh Điện Biên Phủ, tiến về Hoà Bình mà không phải qua những dãy núi gập ghềnh của tỉnh Lai Châu. Sau năm 1975, Trung Hoa đã giúp Lào xây dựng một con đường từ Vân Nam xuống Phong Saly. Năm 1979, Bộ trưởng Thông tin Sisana Sisane của Lào đã tố cáo Trung Hoa cố tình làm con đường lệch sang biên giới Việt Nam, và khi chiến cuộc Việt - Hoa bùng nổ, các sư đoàn 306, 968... của Việt Nam đang trú đóng bên Lào đã phải dồn lên phòng thủ biên giới phía bắc nước Lào.
Ngay sáng ngày 17-2-1979, quân đội Trung Hoa đã tấn công tổng cộng 39 mục tiêu dọc theo biên giới hai nước, trong đó có 26 mục tiêu bị tấn công từ cấp tiểu đoàn trở lên. Riêng Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai bị tấn công bằng cấp sư đoàn. Tổng cộng quân số Trung Hoa vượt biên giới trong ngày đầu chiến dịch khoảng tám chục ngàn. Con số này tăng dần cho tới ngày cuối của chiến dịch lên tới trên một trăm năm chục ngàn. Đó là không kể hàng mấy trăm ngàn binh sĩ khác giữ nhiệm vụ yểm trợ hay trù bị phía sau. Chỉ huy tổng quát mặt trận là Hứa Thế Hữu, Uỷ viên Trung ương đảng, kiêm tư lệnh quân khu Quảng Châu (gồm hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây. Hứa Thế Hữu đặt Bộ tư lệnh mặt trận ở Nam Ninh. Phụ tá cho Hứa Thế Hữu là Dương Đắc Chí, từng nổi danh khi phụ tá cho Bành Đức Hoài trong chiến tranh Triều Tiên. Để chuẩn bị, Dương Đắc Chí đang là tư lệnh quân khu Vũ Hán được cử xuống làm tư lệnh quân khu Tây Nam gồm Vân Nam và Quý Châu. Trong những ngày đầu, Hứa Thế Hữu trực tiếp chỉ huy tấn công mặt trận Cao Bằng, Lạng Sơn, còn Dương Đắc Chí phụ trách tấn công Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang. Hai quân đoàn 13, 14 được giao trách nhiệm tấn công Lai Châu, Lào Cai. Hai quân đoàn 41, 42 tấn công Cao Bằng, còn những quân đoàn 43, 54, 55 tấn công mạn Lạng Sơn và Quảng Ninh.
Bên phía Việt Nam, phòng thủ biên giới Việt - Hoa là trách nhiệm của những quân khu I, II, III. Tư lệnh quân khu I là Đàm Quang Trung, một người Tày, cận vệ cũ của Hồ Chủ Tịch được cử thay Chu Văn Tấn. Đàm Quang Trung không phải là một tướng có khả năng, được cất nhắc nhờ gốc người Thổ như Chu Văn Tấn, nhưng lại không có uy tín chính trị như Chu Văn Tấn. Quân khu này gồm cả Cao Bằng lẫn Lạng Sơn nên chịu áp lực nặng nhất của quân Trung Hoa. Trong những ngày đầu, trách nhiệm phòng vệ Lạng Sơn được giao cho Nguyễn Văn Thương, tư lệnh sư đoàn 3, Tư lệnh quân khu II là Vũ Lập, phụ trách phòng thủ Lai Châu, Lào Cai và Hà Giang. Tư lệnh quân khu III là Nguyễn Quyết, chịu trách nhiệm vùng châu thổ sông Hồng và có lẽ cả đặc khu Quảng Ninh, do Sùng Lãm chỉ huy. Bộ tổng tham mưu ở Hà Nội trực tiếp theo dõi, giám sát và điều hợp mặt trận. Ngoài những trợ giúp về võ khí và tiếp liệu, trong suốt cuộc chiến, Việt Nam đã được Liên Xô giúp đỡ về tình báo, nhờ không ảnh vệ tinh và một số tàu lấy tin điện tử của Liên xô chạy ngoài khơi vịnh Bắc Bộ.
Để thi hành hiệp ước hữu nghị, sau khi quân Trung Hoa tấn công Việt Nam một ngày, Liên Xô gửi sang Hà Nội một phải đoàn “tham khảo” cùng với thiết giáp hạm Senyavin đến túc trực ngoài khơi vịnh Bắc Việt.
Có lẽ vì chủ quan tin vào sự hậu thuẫn của đàn anh Liên Xô, tính toán sai quyết tâm và quy mô tấn công của quân đội Trung Hoa nên Việt Nam đã sử dụng hết ba trong bốn quân đoàn chính quy vào chiến cuộc tại Campuchia. Do đó, khi quân Trung Hoa tấn công, Việt Nam chỉ còn những sư đoàn 308, 312, 390... của quân đoàn 1 đóng quanh Hà Nội. Việt Nam đã cố gắng không dùng tới những sư đoàn này, thứ nhất để dùng làm lợi khí tuyên truyền ( không cần phải dùng tới quân chính quy ), thứ hai là Việt Nam lo ngại quân Trung Hoa sẽ dùng toàn lực tiêu diệt những đơn vị đó, nhằm phá tan “huyền thoại vô địch” của bộ đội Việt Nam. Trách nhiệm phòng thủ biên giới do đó được giao cho những sư đoàn chủ lực quân khu, như các sư đoàn 3, 327, 337, sư đoàn Tây Sơn...
Ở Lạng sơn, sư đoàn 567, B46, sư đoàn pháo binh M66 ở Cao Bằng, các sư đoàn 316, 345, đoàn B 68, M63... Ở quân khu II, cùng các trung đoàn chủ lực của Tỉnh, các huyện đội, và lực lượng công an biên phòng. Hơn một tuần sau, vì tình hình chiến sự nguy kịch, bộ tổng tham mưu phải gấp rút điều động dân quân từ vùng trung châu, các sư đoàn chủ lực của quân khu IV, cùng quân đoàn 2 từ Campuchia về để tăng cường phòng thủ. Thật ra sự phân biệt giữa những sư đoàn chính quy hay chủ lực của quân đội Việt Nam rất mù mờ, vì một sư đoàn có thể đổi từ chính quy sang chủ lực hay ngược lại bất cứ lúc nào. Chẳng hạn sư đoàn 303, sau 1975, đổi thành đoàn xây dựng kinh tế Phước Long, năm 1978 trở về làm chủ lực cho quân khu VII tấn công Campuchia. Năm sau, 1979, được thuyên chuyển ra Bắc rồi đổi thành chính quy, nằm trong đội hình quân đoàn 68 mới thành lập để bảo vệ biên giới Việt - Hoa. Hai năm sau, đang là chính quy, lại đổi thành chủ lực cho quân khu III, và tới 1987, lại trở về là một sư đoàn chính quy của quân đoàn 1 Quyết Thắng.
Trong khi những binh sĩ chính quy trên nguyên tắc trẻ hơn, cơ động hơn, dồi dào phương tiện hơn, được huấn luyện và trang bị chiến đấu hợp đồng với không quân, pháo binh, thiết giáp thuần thuộc hơn, thì những sư đoàn chủ lực các quân khu biên giới phía bắc đa số là những đơn vị từng chiến đấu lâu năm tại miền Nam trong chiến tranh chống Mỹ, cho nên bộ đội thiện chiến hơn, có nhiều kinh nghiệm phòng thủ, đào công sự và chiến đấu độc lập dưới hoả lực mạnh. Vì thế, họ đã may mắn thích hợp với điều kiện chiến trường. Nhiều tháng trước khi Chiến cuộc nổ ra, sĩ quan, cán bộ của những sư đoàn chủ lực này được phân tán xuống huấn luyện cho những lực lượng địa phương, hướng dẫn cách đào công sự, giao thông hào, lập bãi mìn, bãi chông. Họ cũng nghiên cứu sẵn những vị trí hiểm yếu, những địa điểm có thể bị tấn công, những đường chuyển quân để bố trí sẵn toạ độ pháo binh. Để thống nhất chỉ huy và tăng cường nhân lực các huyện đội, xã đội dân quân được bố trí vào những trung đoàn hay sư đoàn chủ lực. Các phái đoàn Trung ương của Chu Huy Mân, Tổng cục Trưởng Tổng Cục Chính trị, của Hoàng Minh Thảo, Giám đốc Học viện quân sự cấp cao, liên liếp tới kiểm tra, đôn đốc. Vì thế, khi quân Trung Hoa bắt đầu tấn công, bộ đội Việt Nam đã sẵn sàng.
Trong những ngày đầu của trận chiến, dựa vào quân số đông đảo, Hứa Thế Hữu cho áp dụng chiến thuật biển người để tấn công. Quân Trung Hoa được những người Hoa trước kia đã từng sống ở biên giới dẫn đường. Ở nhiều nơi, lính Trung Hoa đã nguỵ trang thành bộ đội Việt Nam để xâm nhập. Tại Lai Châu, phía cực tây biên giới, quân Trung Hoa đánh Gò Tô, Phong Thổ trên đường tiến về tỉnh lỵ. Tại hướng quan trọng Lào Cai, hai sư đoàn thuộc hai quân đoàn 13 và 14 tấn công ngay vào thị xã và các xã lân cận như Thanh Bình, Bản Cầu. Tại Hà Giang, họ tấn công Bản Kiệt, La Quỳnh. Hướng quan trọng thứ hai -Cao Bằng cũng bị hai sư đoàn của các quân đoàn 41, 42 tấn công. Tại Quảng Ninh hai trung đoàn quân Trung Hoa tấn công Than Thum, Cao Bá Lãnh. Riêng tại mục tiêu chủ yếu Lạng Sơn, quân Trung Hoa tấn công theo thế gọng kìm bằng hai hướng. Hướng thứ nhất là hai sư đoàn 163, 164 thuộc quân đoàn 55 vượt Hữu Nghị Quan tấn công Đồng Đăng, cửa ngõ phía bắc Lạng Sơn. Hướng thứ hai là hai sư đoàn 127, 128 quân đoàn 43 tiến đánh từ phía đông vào các tiền đồn ở Bản Xâm, Đồng Nội, Hải Yến.
Tại khắp nơi, quân Trung Hoa đều gặp phải sức kháng cự mãnh liệt. Bộ đội Việt Nam, nhờ vào vị trí cố thủ hiểm trở, công sự kiên cố, binh sĩ thiện chiến nhiều kinh nghiệm nên trong đợt tấn công đầu, vẫn giữ vững được các vị trí. Với sự yểm trợ hùng hậu và hữu hiệu của đủ loại pháo binh, từ những đại bác 72, 85, 105, 155, 130 ly đến tên lửa 122 ly, họ đã gây cho quân Trung Hoa tổn thất nặng nề về nhân mạng, nhất là ở các mặt trận Lạng Sơn, Cao Bằng. Chiến thuật biển người mà Hứa Thế Hữu áp dụng hiển nhiên đã trở nên lỗi thời trước tác dụng của những võ khí hiện đại. Phía Lai Châu, Lào Cai, quân Trung Hoa bị tổn thất ít hơn vì Dương Đắc Chí đã không tấn công chính diện, mà dựa vào địa thế rừng núi hiểm trở để chuyển quân. Khi tấn công, bộ binh được pháo binh và thiết giáp yểm trợ nên hữu hiệu hơn. Vì số tổn thất quá cao, mấy ngày sau, tuy Hứa Thế Hữu còn giữ chức Tư lệnh mặt trận, nhưng quyền chỉ huy các cuộc hành quân được giao cho Dương Đắc Chí. Phía Việt Nam cũng cho vài đơn vị cấp tiểu đoàn vượt biên giới sang tấn công các vị trí tiếp liệu của Trung Hoa ở Mã Lý Phố (Vân Nam) và Ninh Minh (Quảng Tây) nhưng các cuộc tấn công này chỉ có tác dụng gây rối.
Sau khi Dương Đắc Chí nắm quyền, tuy chiến thuật biển người bị bãi bỏ, hoả lực pháo binh và thiết giáp được sử dụng nhiều hơn, nhưng quân Trung Hoa vẫn dựa vào ưu thế quân số đông đảo để tấn công bất kể tổn thất. Sau mấy ngày bị pháo kích liên tục, các công sự phòng thủ của Việt Nam dù kiên cố đến đâu cũng dần dần bị phá sập, và quân Trung Hoa cuối cùng cũng chiếm được một số mục tiêu. Tại Lạng Sơn, sư đoàn 163 đã chiếm được Đồng Đăng vào ngày 22-2-1979. Trong những ngày 24, 25, 26-2-1979, trận chiến tương đối lắng dịu. Quân Trung Hoa sau khi chiếm được một số vị trí đã bị tổn thất nặng và thiếu tiếp liệu nên không thể tiếp tục tấn công. Họ chủ quan, cho rằng có thể chiến thắng chớp nhoáng nên đã không dự trữ đủ đạn dược pháo binh. Tuy vậy, phía Việt Nam cũng không thể phản công tái chiếm những vị trí đã mất vì không đủ nhân lực. Mặt trận bị trải quá rộng, lực lượng bị phân tán mỏng. Các sư đoàn chính quy của quân đoàn 1 vẫn đóng quanh Hà Nội, đề phòng trường hợp quân Trung Hoa đổi hướng, tiến sâu vào lãnh thổ Việt Nam. Trong khi chờ đợi sự tăng viện của những sư đoàn chủ lực từ các quân khu miền Trung và miền Nam ra tiếp viện, Hà Nội đã phải điều động những tiểu đoàn dân quân từ các quận huyện ngoại thành như Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Từ Liêm lên bổ xung quân số. Đồng thời, sau bốn năm hoà bình, dân chúng Thủ Đô lại được thông báo chuẩn bị sơ tán và đào những hầm hố chống phi cơ oanh tạc.
Mờ sáng ngày 27-2-1979, sau khi đã được bổ xung và tiếp liệu đầy đủ, quân Trung Hoa mở một đợt tấn công mới. Dưới sự đốc thúc của Dương Đắc Chí, tận dụng tối đa nhân lực và hoả lực của pháo binh, thiết giáp nên trong vòng một ngày, các thị xã ven biên Lai Châu, Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang lần lượt bị thất thủ. Để duy trì áp lực, không cho Bộ đội Việt Nam dốc toàn lực tiếp viện Lạng Sơn, quân Trung Hoa sau khi chiếm được Lào Cai, tiếp tục chuyển quân về phía nam dọc theo quốc lộ số 2 tiến đánh Cam Đường
Tại hướng tấn công chính Lạng Sơn, Trung Hoa tung vào trận đánh sáu sư đoàn gồm các sư đoàn 127, 129 của quân đoàn 43, sư đoàn 160, 161 của quân đoàn 54, sư đoàn 163, 164 của quân đoàn 55, với hàng trăm xe thiết giáp và đại bác yểm trợ. Phía Việt Nam, các đơn vị phòng thủ chính gồm các sư đoàn 3, 327, 338, 347 và sư đoàn 337 mới từ quân khu IV ra tăng cường, kết hợp lại thành quân đoàn 14 để thống nhất chỉ huy. Sư đoàn 308 của quân đoàn 1 cũng có thể đã được gửi lên tiếp ứng.
Kể từ ngày 27-2-1979, quân Trung Hoa liên tục hai mặt tấn công, và dù phía Việt Nam đã chống trả mãnh liệt, tuyến phòng thủ quanh Lạng Sơn thu hẹp dần. Các công sự phòng thủ bị phá sập, quân số bị hao hụt nhanh chóng không kịp bổ xung. Trước nguy cơ thất thủ Lạng Sơn, Bộ tổng tham mưu vội vã điều động quân đoàn 2 chính quy gồm hai sư đoàn 325 và 304 đang hành quân tại phía nam Campuchia di chuyển bằng xe lửa và máy bay vận tải Antonov của Nga khẩn cấp về lập tuyến phòng thủ sau quân đoàn 14 để bảo vệ châu thổ sông Hồng. Nhưng việc tiếp ứng Lạng Sơn không còn kịp nữa. Thị xã bị pháo kích suốt mấy ngày đêm, sau đó quân Trung Hoa đã xâm nhập được vào thị xã. Chiến sự ác liệt diễn ra trên đường phố cho tới tận đêm khuya ngày 4-3-1979, thì quân Trung Hoa mới hoàn toàn làm chủ được thị xã Lạng Sơn.
Ngày hôm sau, Trung Hoa bất ngờ tuyên bố đã đạt được mục đích dạy cho các lãnh tụ Việt Nam một bài học, đơn phương ngưng bắn và hứa sẽ rút quân. Tuy nhiên, vì còn bận dùng công binh phá sập hết những công sự, đồn bốt, cầu đường, nhà cửa, trường học, chợ búa, nhà máy, bệnh viện... Ở những thị xã đã chiếm được, kể cả hang Pắc Bó, “suối Lênin”, “núi Các Mác”, nên cuộc lui quân của Trung Hoa kéo dài đến tận ngày 16-3-1979 mới hoàn tất.
Với biết bao đau thương đổ nát, với hàng mấy chục ngàn binh sĩ thương vong, cả hai bên đều tuyên bố chiến thắng.
...
Hoàng Dung
Theo " Chiến tranh Đông Dương III "
Ảnh: Cao Bằng ngày ấy
VẬY .. ĐẤY
Phóng viên phỏng vấn một doanh nhân trẻ thành đạt và rất giầu có:
- Thưa ông, nghe nói khi bắt đầu khởi nghiệp ông hoàn toàn tay trắng rồi làm nên .. cả một cơ đồ ?
- Đúng là như vậy !
- Ông kinh doanh đa ngành, nhiều lĩnh vực và đều rất thành công ?
- Đúng vậy !
- Nhưng khi đang ở đỉnh cao của sự nghiệp, thì ông lại quyết định chấm dứt ..?
- Đúng vậy đấy !
- Ông có thể chia sẻ lý do được không ?
...
- Lúc đó bố tôi mất chức Bí Thư !
- st -
LỄ HỘI KHAI ẤN
Nước ta bị các thế lực phong kiến Trung Hoa đô hộ cả ngàn năm, khi giành được quyền độc lập tự chủ vẫn phải dùng chữ Hán. Do đó về lễ nghi, phong tục ảnh hưởng khá nhiều từ văn hóa Trung Hoa. Tuy ảnh hưởng, nhưng văn hóa phong tục của dân tộc Việt Nam hoàn toàn khác với người Hán, như Nguyễn Trãi từng viết trong “ Cáo bình Ngô”:
Duy ngã Đại Việt chi quốc
Thực vi văn hiến chi bang
Sơn xuyên chi phong vực ký thù
Nam Bắc chi phong tục diệc dị.
“ Như nhà nước Đại Việt ta
Thực là một nước văn minh
Núi sông bờ cõi đã riêng
Phong tục Bắc – Nam cũng khác “
Để xác định được khách quan, ta thử khảo sát việc lễ của Trung Hoa bắt đầu từ bộ “Lễ ký” tức là sách kinh điển về việc lễ của Trung Hoa chép từ thời cổ đại, có cả sự nghị bình từ các đời Hán - Đường - Tống - Nguyên - Minh - Thanh.
Đọc kỹ các việc lễ ở đây từ lễ thầy học đến lễ vua chúa về đủ mọi phương diện từ trung hiếu đến quan ( lễ đội mũ cho con trai đến tuổi trưởng thành ), hôn, tang, tế … tuyệt nhiên không có một thứ lễ nào gọi là “Lễ khai ấn”. Ngoài ra còn tham khảo thêm cả Kinh Thi và Kinh Xuân Thu của chính Khổng Tử san định và trứ tác.
Lại xét trong lịch sử nước nhà thì Đại Việt sử ký toàn thư là bộ sử lớn nhất do Lê Văn Hưu biên soạn, hoàn tất năm 1272. Sách chép từ Triệu Vũ đế đến Lý Chiêu Hoàng. Sau Phan Phu Tiên chép tiếp từ 1223 đến 1427 gọi là Đại Việt sử ký toàn thư tục biên. Hai bộ sử này tuy bị giặc Minh cướp và đốt hết, nhưng khi soạn Đại Việt sử ký toàn thư (bản đang lưu hành) Ngô Sỹ Liên có sưu tập và tham khảo cốt yếu ở hai bộ sử trên.
Sách này chép kỷ nhà Trần rất kỹ, nhưng về lễ nghi, phong tục không thấy đề cập đến cái gọi là “Lễ khai ấn”. Và trước đó từ kỷ nhà Triệu qua Đinh - Lê - Lý cũng không thấy bóng dáng “Lễ khai ấn”.
Nhà Nguyễn là triều đại chăm chút đến việc biên tu quốc sử vào bậc nhất, và họ cũng để lại cho hậu thế một khối lượng sách khổng lồ ghi chép về đủ thứ. Đặc biệt là quốc sử. Thế nhưng khảo trong bộ “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”, và cả bộ “Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ” đều không thể tìm ra cái gọi là “Lễ khai ấn” hoặc “Lễ hội khai ấn”.
Và điều này mới quan trọng, tức là cả bộ “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú biên soạn hết sức công phu. Tìm khắp trong phần “Lễ nghi chí”, có đủ các thứ lễ cực kỳ phong phú,... trừ “Lễ khai ấn”.
Lại khảo thêm “Việt Nam phong tục” của Phan Kế Bính; “Việt Nam văn hóa sử cương” của Đào Duy Anh; “Hội hè đình đám” của Toan Ánh … đều bặt vắng “Lễ khai ấn”.
Tới đây có thể tạm khẳng định trong các lễ nghi, lễ thức từ làng xã đến triều đình, từ cổ điển đến cận hiện đại của Việt Nam đều không có cái gọi là “Lễ khai ấn” hoặc “Lễ hội khai ấn”.
Vậy “Lễ khai ấn” hiện nay đang tồn tại mọc ra từ đâu?
I. Chiếc ấn gỗ thời Trần
Năm Mậu ngọ (1258), khi quân Mông Cổ sắp tràn vào bờ cõi nước ta, nội các triều đình phải sơ tán, quan chưởng ấn cất giấu ấn báu và chỉ đem theo ấn nội mật cho gọn nhẹ. Nửa đường lại rơi mất ấn này. Vua Trần Thái tông cho phép sai thợ khắc ấn gỗ tạm dùng thay thế. Đại Việt sử ký toàn thư chép lại rằng : “Khi ấy vua đem sáu quân đi chống giặc. Quan chưởng ấn vội vàng giấu ấn báu lên rường điện Đại Minh, chỉ đem ấn nội mật đi theo, nửa đường ấn ấy lại bị mất. Giấy tờ trong việc quân không có ấn, vua sai thợ khắc gỗ làm ấn. Đến khi trở về kinh sư, lại có người đem dâng ấn bị mất ấy, ấn báu giấu đi vẫn còn nguyên chỗ cũ”.
Ngoài mấy dòng trên, toàn thư không nói việc xử lý ấn ấy như thế nào. Ví dụ như cho lưu trữ, hoặc tiêu hủy, hoặc làm lễ tạ thần linh và tiên tổ đã phù trợ … Cũng từ đây Toàn thư tuyệt nhiên không nhắc gì đến chuyện ấn chương nữa.
Ngay “ An Nam chí lược “ của Lê Tắc cũng không đả động gì đến. Lê Tắc là người làm công việc thư lại trong phủ Trần Kiện. Ông ta là người đương thời, cũng vào hàng thông tuệ chắc có biết việc này, nhưng không thấy Lê Tắc đề cập gì tới chuyện lễ tiết về ấn chương trong “ An Nam chí lược “.
Đã nói ấn chương chỉ được dùng trong bộ máy hành chính ,nó không phải vật thiêng, không có ai tôn vinh và thờ phụng ấn, nên nó không thể hóa thần. Vì vậy không xếp được nó vào loại lễ lạt nào hết.
Về chất liệu làm ấn nhà vua, nếu làm bằng ngọc gọi là ngọc tỉ, nếu đúc bằng vàng gọi là kim bảo tỉ và dùng làm vật báu truyền ngôi. Tức là mỗi khi có lễ truyền ngôi thì vua cũ trao ấn báu và kiếm báu cho vua mới. Hai vật báu đó tượng trưng cho quyền uy tối thượng của nhà vua, đó là lễ duy nhất ta thấy ấn vua xuất hiện. Ngoài ra nó được giữ trong nội mật vụ và dùng đóng vào chiếu, chỉ của nhà vua trước khi ban hành.
Còn như “Lễ khai ấn” đền Trần năm 2000 là ấn gỗ hình vuông được khắc vào thời Nguyễn cuối thế kỷ 19, mặt ấn có bốn chữ “ Trần miếu tự điển” tức là điển lệ cho việc thờ tự tại đền miếu nhà Trần khu vực Tức Mạc. Hai mặt đông tây của viền ấn khắc hai con rồng. Hai mặt viền nam bắc khắc chìm bốn chữ “Tích phúc vô cương”. Ấn này không có giá trị, không liên quan đến ấn của các vua nhà Trần.
Tới đây có thể khẳng định, trong lịch sử dân tộc Việt Nam từ khi có nhà nước phong kiến đến kết thúc chế độ vương quyền (1945), không hề có “Lễ khai ấn” hoặc “Lễ hội khai ấn” đầu năm.
II. Vậy lễ hội khai ấn đền Trần phát sinh từ đâu
Lễ khai ấn đền Trần ở Tức Mạc mới xuất hiện từ năm 2000. Việc lễ chỉ có nhà đền và vài quan chức ngành văn hóa Nam Định chủ trì. Lễ ấy không tế rước, không huyên náo trống chiêng, nhưng diễn ra trang nghiêm, lặng lẽ.
Sau lễ, ban tổ chức có đóng dấu vào những tờ ấn đã in sẵn xếp trên bàn cho khách xem hoặc tự lấy, coi như quà của nhà đền. Tuyệt nhiên không có chuyện bán mua. Có người biết chữ Nho cầm đọc rồi đặt trả lại, có người không biết chữ Nho, nhưng tò mò lấy đi một vài tờ làm kỷ niệm.
Nhớ có lần tôi và kiến trúc sư Trần Thanh Vân về Nam Định và có ghé thăm ông Trần Văn Tuấn, bí thư tỉnh ủy, tôi có nói vài nơi xuống cấp quá ông cần chỉ đạo việc tu bổ, nhân đó tôi đề nghị ông bàn bạc trong lãnh đạo để Nam Định có đường phố mang tên Trần Thủ Độ. Ông bí thư tỉnh ủy nheo mắt lắc đầu:
- Khó lắm bác ạ, cả tôi và đồng chí Chủ tịch tỉnh đều họ Trần, đem tiền ngân sách ra tu bổ nơi thờ tự nhà Trần, tránh sao khỏi dị nghị, mà kinh phí Trung ương cấp chỉ nhỏ giọt, sửa chỗ nọ hỏng chỗ kia. Việc đặt tên Trần Thủ Độ cho một đường phố chúng tôi chưa nghĩ đến, nhưng cũng khó đấy.
Không hiểu tại sao lúc ấy tôi không ngăn được phản ứng, liền nói:
- Sao các anh lại ngộ nhận kỳ lạ vậy, các di tích này là của cả nước, đâu phải của riêng dòng họ nhà các anh. Trần Thủ Độ là Thái sư thống quốc của Đại Việt có công lớn với đất nước thì nhân dân cả nước tri ân, việc ấy liên quan gì đến mấy người họ Trần các anh. Tưởng cũng nên nhớ, nhà Trần - tức thời đại nhà Trần của Đại Việt thế kỷ 13, chứ không phải của riêng họ Trần ngày nay đâu. Vì vậy anh có thể kêu trước Quốc hội rằng, Nam Định phải quản lý di tích quốc gia quá lớn, xuống cấp lắm rồi, địa phương không đủ sức, xin cả nước chung tay.
Không biết ông Trần Văn Tuấn có giận tôi không, nhưng một vài năm sau gặp lại, ông bảo:
- Chúng tôi bây giờ chỉ lo tu bổ sao cho tốt, chứ không lo kinh phí nữa anh ạ.
Cùng với đà di tích được tu bổ khang trang, có phần hoành tráng nữa, khá bắt mắt với du khách, lại thêm việc tuyên truyền, cũng không loại trừ khả năng rỉ tai về sự linh nghiệm của tờ ấn. Thêm vào đó, quan chức đầu tỉnh đều có mặt trong lễ khai ấn, rồi lần lượt thỉnh mời được các vị cấp cao từ Nhà nước về dự lễ khai ấn. Thế là sự linh thiêng vụt hiện, khách về dự lễ đông không tài nào giữ được trật tự. Tỉnh phải điều động hàng rào sắt lưu động để ngăn lối và phân luồng. Có năm huy động tới cả ngàn cảnh sát cơ động về giữ trật tự trong ngày hội.
Nhưng trật tự vẫn không thể vãn hồi. Ta thấy khách hội trèo lên đầu lên cổ nhau, nhảy bổ vào mâm lễ để cướp lộc.
Có thể nói “Lễ hội khai ấn” đền Trần, phần lễ là dâng hương, phần hội là chen lấn, xô đẩy và cướp lễ làm lộc. Nhìn cảnh đó diễn đi diễn lại trên màn hình ti vi suốt mấy năm gần đây mà thấy buồn, thấy tủi cho nền văn hóa dân tộc đang đi chệch hướng một cách vững chắc trên nhiều bình diện.
Nhìn quang cảnh lễ hội có hàng rào sắt, có cảnh sát cơ động, nhiều người thốt lên: “Đây là lễ hội có vũ trang, chưa từng thấy trong lịch sử cổ kim”.
Ấn đền Trần nhờ tác động của con người, đã trở thành thứ hàng hóa đặc biệt, nó không chỉ tràn ngập trên địa bàn Nam Định mà nó có mặt ở nhiều tỉnh. Và lễ hội khai ấn cũng trở thành một nguồn thu ngân sách không nhỏ của tỉnh.
Thật ra không chỉ có đền Trần Tức Mạc bán ấn như một thứ hàng hóa, mà đền Bảo Lộc thuộc thôn Mỹ Lộc Xã Mỹ Phúc huyện Mỹ Lộc Nam Định, chỉ thờ riêng Trần Hưng Đạo và gia thần gia tướng, cũng có lễ khai ấn. Lại còn gọi là “Quốc ấn” nữa kia. Tại đây ấn được bán thoải mái không chỉ trong đền mà các hàng quán quanh đền đều có bán, ai muốn mua ấn bên đền Thiên Trường cũng có luôn. Đặc biệt khách nào muốn chuộng sự linh thiêng, tự mình đóng lấy ấn ở phía sau hậu cung, nhà đền sẽ cho người dẫn vào, nhưng phải chui cúi qua một khuôn của hẹp, nghĩa là phải lách nghiêng người và cúi thấp. Một bộ ấn đóng trong hậu cung gồm: Một lá ấn, một lá bùa hộ mệnh, một tờ trấn trạch, giá 100.000đ, mua nhiều được chiết khấu. Đọc nội dung bùa hộ mệnh thấy cả một sự nhảm nhí. Họ dám đem cả danh tướng Trần Hưng Đạo vào việc vụ lợi.
Nối gót Nam Định, đền Trần tại xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà tỉnh Thái Bình, mua được chiếc ấn đồng nát, cũng mở “Lễ khai ấn”. Dịch này còn truyền tới tận Quảng Ninh. Hội tao đàn Quảng Ninh đã khai ấn qua vài năm, bị nhiều người chê trách về phần chữ nghĩa.
Chưa hết, đền thờ Lý Thường Kiệt ở Hà Trung Thanh Hóa và đền thờ Quang Trung trên núi Phượng Hoàng thành phố Vinh cũng đã có lễ khai ấn. Nhiều nơi khác cũng đang tấp tểnh định vào cuộc.
Bỗng nhiên lại có tin đồn khảo cổ tìm thấy ấn gỗ, nghi là ấn gỗ thời Trần khắc tạm trên đường lánh giặc. Báo chí rùm beng, tin đưa giật gân hết cỡ. Ban tổ chức họp báo trong Hoàng thành Thăng Long công bố mập mờ. Nếu xuôi lọt thì lại khai ấn trong Hoàng thành. Tuy nhiên, việc này nghe khó nuốt, bởi các nhà báo, nhà khoa học dồn hỏi những điều cần và đủ cho một vật khai quật, ban tổ chức nói quanh nói quẩn. Tới nay thì sự việc dường như đã rơi vào quên lãng.
III. Kết luận
Ấn cổ nhất hiện còn ở nước ta và xác định được niên đại là ấn “Môn hạ sảnh” tạo tác năm Long Khánh thứ 5 (1377) đời vua Trần Duệ tông. Đây là ấn quan chứ không phải ấn nhà vua.
Môn hạ sảnh là một trong ba cơ quan cao nhất của triều đình lập ra để giúp việc nhà vua. Vì vậy các loại ấn tại các đền miếu nhà Trần mạo xưng là ấn vua, đều là ấn dổm.
Ấn chương là công cụ biểu trưng cho quyền uy của hành chính, pháp luật, nó không thuộc phạm trù tâm linh, tôn giáo.
Từ cổ xưa, tức là thời loài người biết tổ chức bộ máy nhà nước, ấn chương hành chính đều thuộc phần thế tục không nằm trong khu hệ tâm linh siêu thực. Vì vậy nó không bị điều chỉnh bởi “Lễ”.
...
Hà nội, ngày 02.5. 2017
Hoàng Quốc Hải
https://tuoitre.vn/le-khai-an-mot-sang-tao-doc-dao-425726.htm
THỜ CÚNG CHÂN CHÁNH
Thờ cúng chủ ở tâm, nên người xưa nói "Linh do mình không linh cũng do mình", còn phong tục tập quán trong việc thờ cúng mỗi nơi mỗi khác, do người bản xứ nghĩ ra và chế tác chứ chưa có Thần Thánh nào quy định việc này. Thật ra tất cả nghi lễ thờ cúng chỉ để tỏ lòng thành kính. Nếu trong con có lòng thành kính thì có bát nhang hay không, bát nhang cũ hay mới đều không quan trọng. Đèn điện sáng quá rồi còn thắp nhang, thắp nến làm gì cho khói dơ bàn thờ mà lại bị ngộp nữa. Hàng ngày thường thắp giới hương, định hương, tuệ hương mới quý. Tâm thường trong lành là giới huơng, thường định tĩnh là định hương, thường sáng suốt là tuệ hương. Chỉ có những loại hương này mới ngát thơm mà không bị khói làm ô nhiễm môi trường.
Việc thờ cúng chỉ là hình thức bên ngoài, người Phật tử tuy thờ cúng rất trang nghiêm, nhưng cái chính vẫn là sự tu tập thân khẩu ý theo Bát Chánh Đạo, thể hiện đời sống giác ngộ giải thoát, vô ngã vị tha, vì đức Phật dạy rằng không có sự cúng dường Tam Bảo nào cao thượng hơn tự mình sống theo lẽ chân chánh.
Thầy Viên Minh