TU ... ĐÚNG
Chủ yếu là biết tu đúng, chứ không phải được xuất gia hay không. Nếu hiểu đúng, tu đúng thì xem như đã xuất gia rồi.
Có thể THÂN chưa xuất gia, nhưng ngay bây giờ TÂM xuất gia cũng vẫn được. Quan trọng là biết sống chánh niệm tỉnh giác với chính mình là xuất gia.
Chính vì sống "tùy duyên thuận pháp", nên có người xuất gia người tại gia. Tùy duyên là tùy điều kiện, hoàn cảnh hay duyên nghiệp của mỗi người. Thuận pháp là sống đúng tốt theo nguyên lý tự nhiên (bát chánh đạo), và luật lệ hay quy ước chung của cộng đồng xã hội. Vì vậy, dù duyên là xuất gia hay tại gia thì cũng phải sống thuận pháp...
Tại gia hay xuất gia, nếu sống đúng đều tốt, mỗi bên có một lợi thế riêng. Tùy theo thiên hướng của mỗi người mà chọn cho mình cách sống phù hợp với lợi thế ấy là được...
Dù tại gia hay xuất gia, chính yếu vẫn là Tinh Tấn - Chánh Niệm - Tỉnh Giác. Tức thường trở về trọn vẹn tỉnh thức ngay nơi thực tại thân thọ tâm pháp. Nói dễ hiểu hơn, chuẩn bị tốt nhất cho việc tu học là thường sáng suốt biết mình. Như thế mới là tu một cách toàn diện, không cục bộ.
Vấn đề là biết tu học thế nào cho đúng và hiệu quả, chứ không phải xuất gia hay tại gia. Ý nghĩ phải xuất gia mới Tiến Tu có thể là một vọng tưởng không thực tế. Nên đối diện với hiện thực để học bài học của mình cho thông suốt. Khi đã thông suốt thì xuất gia hay tại gia không còn là vấn đề nữa...
Người xuất gia chân chính là người không còn ham muốn Tài Tình Danh Lợi ở đời. Họ thấy mình không còn nhu cầu hay vướng mắc gì trong đời sống thế gian, nhất là đối với tài tình danh lợi. Họ chỉ muốn sống một đời sống tuỳ duyên thuận pháp vô ngã vị tha.
Người tu tại gia đúng nghĩa khi họ thấy mình còn có bổn phận, trách nhiệm với gia đình, xã hội. Còn phải trả nợ đời, nhưng họ quyết giữ đời sống lương thiện, không hại mình hại người và thường sáng suốt tự tri, tự giác...
Nếu người xuất gia chưa thông được việc đời, đúng là sẽ thua người tại gia có điều kiện học bài học "xúc chạm việc đời".
Vấn đề không phải là xuất gia hay không xuất gia, mà là có sống đúng đạo lý giác ngộ giải thoát hay không. Nếu xuất gia mà vẫn bị tài tình danh lợi chi phối, thậm chí còn đắm chìm trong đó nữa, thì còn tệ hơn người tại gia biết sống tùy duyên thuận pháp vô ngã vị tha.
Tốt nhất vẫn là nên sống tùy duyên thuận pháp. Nghĩa là: nếu duyên tại gia thì sống đời sống tại gia cho đúng tốt, nếu duyên xuất gia thì sống đời sống xuất gia sao cho ý nghĩa.
Đôi lúc, mình nghĩ mình chọn đường này đường kia. Nhưng không ngờ, đó là do nhân duyên đưa đẩy. Nếu thực sự duyên là xuất gia thì dù có lập gia đình rồi cũng xuất gia. Ngược lại, nếu duyên phải học bài học của người tại gia thì dù có xuất gia rồi trước sau cũng ra đời lấy vợ.
Vậy, chuyện đó để pháp vận hành theo nhân duyên của nó. Còn trước mắt, mình nên sống trọn vẹn trong sáng với thực tại ngay đây và bây giờ để hiểu rõ mình và cuộc sống hơn. Dù đời có đi theo hướng nào cũng đều phù hợp với nguyên lý giác ngộ giải thoát.
Để kiếp sau có thể xuất gia tu hành giác ngộ, từ bây giờ nên tập buông bỏ những sự dính mắc trong đời sống thế tục...
- Tập giảm bớt mối quan hệ không cần thiết
- Tập sống không dính mắc vào bất cứ điều gì
- Tập sống có kỷ cương và đúng giờ giấc
- Tập hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao phó
- Tập sống kham khổ và giản dị đối với những nhu cầu đời sống.
- Tập siêng năng học hành, khiêm tốn, vị tha và tôn trọng của chung...
Trong thời Đức Phật tại thế, rất nhiều người tại gia vẫn giác ngộ giải thoát, rất nhiều cư sĩ tại gia chứng ngộ bậc Thánh. Vậy, cứ sống tuỳ duyên thuận pháp vô ngã vị tha mới tuyệt vời.
Xuất gia xuất giá cũng đều tu
Không tùy thuận pháp khác chi mù
Chớ đợi xuất gia rồi hạ thủ
Đừng chờ nhập thế mới công phu
Hiện tại chẳng am tường thật giả
Tương lai sao thấy rõ cương nhu
Đâu đâu cũng chỉ Thân, Tâm, Cảnh
Giác liền ngay đó độ Xuân, Thu.
Thầy Viên Minh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét