Thứ Ba, 25 tháng 1, 2022

Sư Ông Làng Mai

SƯ ÔNG LÀNG MAI

"Một ngày kia...

khi tim Thầy ngừng đập và mọi người nói là

Thầy đã chết. 

Đừng tin điều đó.

Thầy chỉ chết ở hình sắc này thôi.

Những điều Thầy nói và làm sẽ còn mãi ở biển đời.

Và Thầy không bao giờ chết. 

Sau đó nữa nếu Thầy ngừng thở và mọi người nói là Thầy đã chết.

Đừng tin điều đó.

Hãy mỉm cười và nắm lấy tay Thầy và nói với Thầy lời tạm biệt.

Bởi vì con sẽ gặp lại Thầy trong 1 hình hài khác. 

Gần gũi hơn,

tươi mát hơn, 

hạnh phúc hơn,

đẹp hơn và sâu sắc hơn."

 

Thầy Thích Nhất Hạnh  

 

Hoà Thượng Thiền Sư Thích Nhất Hạnh là một tăng sĩ Phật giáo có ảnh hưởng rất lớn trên thế giới. Không chỉ là một bậc Thầy Tâm Linh, một Thiền Sư, một nhà hoạt động vì Hoà Bình và Tự Do. Thầy còn là một nhà văn hóa, một học giả, một sử gia và nhà văn, nhà thơ với hơn 120 tác phẩm giá trị đã được xuất bản và tái bản nhiều lần,

Sinh ra ở Thừa Thiên-Huế, miền Trung Việt Nam, vào ngày 11 tháng 10 năm 1926 (Bính Dần) và xuất gia tại chùa Từ Hiếu, Huế vào năm 16 tuổi. Thầy được thọ giáo với Thiền sư Chân Thật Thanh Quý theo trường phái Đại thừa - dòng Lâm Tế Liễu Quán và chính thức trở thành một nhà Sư, đồng sáng lập chùa Ấn Quang vào năm 1949.

Trong những năm tháng chiến tranh, Thầy Thích Nhất Hạnh là người đã đưa ra khái niệm "Phật giáo dấn thân" và kiên trì theo đuổi thành lập phong trào “ Phật giáo Nhập thế “. Thầy chia sẻ: “Khi bom dội lên đầu chúng sinh, bạn không thể ngồi trong thiền viện. Thiền tức là nhận thức về những gì đang xảy ra, không chỉ ở bên trong mà còn xung quanh cơ thể và cảm xúc của bạn. Phật giáo phải gắn liền với cuộc sống thường nhật, với nỗi đau của bạn và những người xung quanh. Bạn phải học cách giúp đỡ một đứa trẻ bị thương trong lúc đang duy trì hơi thở chánh niệm. Bạn cũng phải giữ cho bản thân khỏi lạc lối trong hành động. Hành động phải luôn đi cùng thiền”.

Năm 1956, Thầy đảm nhận vai trò chủ bút Nguyệt san Phật giáo Việt Nam, cơ quan ngôn luận của Tổng hội Phật Giáo Việt Nam.

Năm 1961, Thầy sang Hoa Kỳ để giảng dạy về tôn giáo tại Đại học Princeton và Đại học Cornell. Thầy cũng đồng thời theo học, nghiên cứu Phật giáo và lấy bằng thạc sĩ tại Đại học Columbia rồi giảng dạy tại đây. Mặc dầu vậy, mục đích chính cho các chuyến đi ra nước ngoài trong thời gian này vẫn là để vận động cho Hòa Bình ở Việt Nam.

Năm 1964, Thầy được mời trở về Việt Nam tham gia lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, thành lập Viện Cao đẳng Phật học Sài Gòn tại chùa Pháp Hội (tiền thân của Viện đại học Vạn Hạnh) và nhà xuất bản Lá Bối.

Năm 1965, Thầy thành lập trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội ở Sài Gòn, một tổ chức từ thiện với mục đích tái thiết xây dựng lại các xóm làng, trường học, bệnh xá .. và giúp các gia đình bị trở thành vô gia cư trong Chiến tranh. 

Năm 1966, Thầy thành lập Dòng tu Tiếp Hiện ( Tiếp chính là tiếp xúc, tiếp nhận; Hiện chính là thực hiện ) và thiết lập các trung tâm thực hành, thiền viện khắp trên thế giới. Cũng trong năm 1966, Thầy được nhận “Ấn khả” từ Sư phụ Chân Thật, chính thức trở thành một vị Thiền sư và nhà lãnh đạo tinh thần của chùa Từ Hiếu.

Trong chuyến đi sang Mỹ và du thuyết tại nhiều nước châu Âu để kêu gọi hòa bình cho Việt Nam vào năm 1966, Thầy chính thức gặp gỡ Mục sư Martin Luther King và vận động ông công khai chống chiến tranh tại Việt Nam. Đây chính là tiền đề để nhà hoạt động Mỹ nổi tiếng này sau đó đã phản đối mạnh mẽ cuộc chiến tranh Việt Nam và đề cử giải Nobel hòa bình cho thầy Nhất Hạnh vào năm 1967. Tuy nhiên, không có ai được trao giải.

Nỗ lực kêu gọi hòa bình của Thầy Thích Nhất Hạnh đã không làm hài lòng nhà cầm quyền Việt Nam thời bấy giờ, vì vậy Thầy không được phép về lại quê hương trong suốt 39 năm sau đó.

Trong suốt thời gian sống lưu vong, Thầy vẫn tích cực nghiên cứu, học tập và xây dựng cộng đồng Phật giáo, thành lập Phương Vân Am gần Thủ đô Paris, rồi xây dựng Tu viện Làng Mai tại vùng Dordogne, tây nam nước Pháp.

Hoà Thượng Thiền Sư Thích Nhất Hạnh là nhà sư Việt Nam tiên phong đưa Phật giáo sang các nước phương Tây. Thầy đã thành lập 6 tu viện cùng hàng chục trung tâm tu tập trên khắp nước Mỹ và châu Âu, xây dựng một cộng đồng với hơn 600 nhà sư và nữ tu, hàng chục ngàn sinh viên theo học và thực hành các giáo lý về “ chánh niệm “. Những lời dạy và các phương pháp thực hành của Thầy thu hút được nhiều người với các quan điểm về tôn giáo, tâm linh và chính trị khác nhau. Thầy đã phối hợp kiến thức của nhiều trường phái thiền cùng với các phương pháp từ truyền thống Phật giáo Thượng tọa bộ, những nhận thức sâu sắc từ truyền thống Phật Giáo Đại thừa, và phát kiến của ngành tâm lý học đương đại phương Tây để tạo thành cách tiếp cận hiện đại đối với thiền. Thầy đưa ra cách thực hành "chánh niệm" (sự lưu tâm đúng đắn - Pali: Sati; Sanskrit:smṛti स्मृति; tiếng Anh: mindfulness), thường được điều chỉnh cho phù hợp với tri giác phương Tây. Thầy đã trở thành một người có ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển của Phật giáo phương Tây.

Sau hơn 40 năm rời xa quê hương, năm 2005, Thầy Thích Nhất Hạnh lần đầu tiên được trở về Việt Nam cùng với 100 tăng ni và 90 thành viên khác của Tu viện Làng Mai. Thầy ngụ ở chùa Từ Hiếu và thực hiện các buổi thuyết giảng tại nhiều nơi trên cả nước. Thầy cũng thành lập tu viện Bát Nhã, Bảo Lộc ( nhưng phải dừng hoạt động vào năm 2009 ) và kể từ đây, các tác phẩm của Thầy cũng được xuất bản bằng tiếng Việt.

Năm 2014, Thầy Thích Nhất Hạnh gặp một biến cố về sức khỏe sau một cơn đột quỵ. Mặc dù không thể nói được và bị tê liệt một phần, nhưng Thầy vẫn tiếp tục cống hiến cho sự hiện diện thanh bình của mình ở Làng Mai. Sau nhiều thời gian trống chọi với bệnh tật và sức khỏe suy yếu, Thầy đã về lại Tổ đình Từ Hiếu - nơi bắt đầu con đường xuất gia tu học, vào tháng 10 năm 2018 và bày tỏ mong muốn ở lại nơi đây trong những ngày còn lại của cuộc đời mình. 

Gần như trong suốt cuộc đời tu hành của mình, Hoà Thượng Thiền Sư Thích Nhất Hạnh đã không ngừng truyền bá tư tưởng từ bi, yêu chuộng hòa bình của Phật giáo. Ngoài kêu gọi, phản đối chiến tranh tại Việt Nam, Thầy còn tổ chức rất nhiều hoạt động, các khóa tu thiền, các buổi diễn thuyết nhằm mục đích kêu gọi hòa bình, giải quyết các mâu thuẫn chính trị bằng các phương pháp ôn hoà, bất bạo động.

Với vai trò là một nhà lãnh đạo tinh thần, nhà hoạt động hòa bình được tôn kính trên thế giới với những đóng góp tích cực cho nhân loại, Thầy Thích Nhất Hạnh đã được trao tặng giải thưởng Hòa bình Luxembourg.

Không chỉ là một bậc thầy tâm linh, Thầy còn là một nghệ sĩ. Từ năm 2010, những tác phẩm thư pháp nổi tiếng của Thầy  – với các câu thiền ngữ ngắn chuyên chở thông điệp về sự thực tập chánh niệm – đã được triển lãm tại Hồng Kông, Đài Loan, Canada, Đức, Pháp và Hoa Kỳ.

Tính đến nay, đã có hàng trăm ngàn người tiếp nhận và hành trì theo Năm giới quý báu mà Thầy đã làm mới lại dựa trên Năm giới truyền thống. Năm giới tân tu này là đóng góp của đạo Bụt cho một nền đạo đức toàn cầu.

“ ...

Hãy mỉm cười và nắm lấy tay Thầy và nói với Thầy lời tạm biệt.

Bởi vì con sẽ gặp lại Thầy trong 1 hình hài khác. 

Gần gũi hơn,

tươi mát hơn, 

hạnh phúc hơn,

đẹp hơn và sâu sắc hơn ”

 

Thầy Thích Nhất Hạnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét