Thứ Tư, 22 tháng 12, 2021

Cứu Quốc Quân

CỨU QUỐC QUÂN

Vùng Bắc Sơn - Võ Nhai, nơi có phong trào cách mạng từ lâu, cũng bị khủng bố. Một số đảng viên và quần chúng cách mạng bị bắt. Nhưng cơ sở Đảng và tổ chức cách mạng vẫn tồn tại và phát triển. Khi quân Nhật đánh Lạng Sơn, quân Pháp rút chạy qua đường Bình Gia, Bắc Sơn, về Thái Nguyên. Hệ thống chính quyền của địch ở những vùng quân Pháp chạy qua đều lung lay dữ: tri châu Thất Khê bỏ trốn; tri châu Na Sầm bị dân bắt ... Khí thế cách mạng của quần chúng sôi sục. Nhiều người phục kích lính địch để cướp súng. Một số tổng đoàn, xã đoàn, lính dõng, lính khố xanh, khố đỏ ngả theo cách mạng. Một số đảng viên cộng sản người Bắc Sơn - Võ Nhai bị giam trong nhà tù Lạng Sơn từ năm 1939 như các đồng chí Nông Thái Long, Vương Văn Nè (tức Thánh), Ruệ, Đường Văn Thức, Đường Văn Tư… vượt ngục, thoát về. Các đồng chí này cùng với các đồng chí ở địa phương họp vào sáng 27.9.1940 để nhận định tình hình, quyết định phát động khởi nghĩa vũ trang, thành lập Ban chỉ huy khởi nghĩa, chỉ định Ban phụ trách đánh đồn Mỏ Nhài.

Đúng 8 giờ tối, quân khởi nghĩa chia làm 3 mũi tiến công đồn Mỏ Nhài (tức châu lỵ Bắc Sơn). Cuộc khởi nghĩa bắt đầu. Sau hơn 10 phút kịch chiến, tri châu và lính đồn chạy trốn, quân khởi nghĩa chiếm được châu lỵ.

Ngày 28 và 29.9, quân khởi nghĩa liên tiếp phục kích ở đèo Canh Tiếm và đèo Sập Rì, diệt hơn chục tên Pháp, trong đó có một quan ba, tước được một số súng.

Thực dân Pháp cho quân chiếm lại đồn Bình Gia, đồn Mỏ Nhài. Quân khởi nghĩa phải rút vào rừng. Cuộc khủng bố trắng bắt đầu.

Được báo cáo về cuộc khởi nghĩa, Xứ ủy Bắc Kỳ cử đồng chí Trần Đăng Ninh lên Bắc Sơn trực tiếp lãnh đạo phong trào. Trung tuần tháng 10.1940, Ban chỉ huy Khu được thành lập do đồng chí Trần Đăng Ninh đứng đầu. Ban chỉ huy nêu cao khẩu hiệu đánh Pháp đuổi Nhật, tuyên bố giải tán ngụy quyền địa phương, thành lập đội du kích, diệt mật thám đầu sỏ, tuyên truyền, tổ chức quần chúng sẵn sàng đối phó với địch.

Thực dân Pháp tập trung khoảng 100 lính dõng chiếm đóng trường học Vũ Lăng. Ngày 25.10.1940, quân cách mạng chia làm hai mũi tiến đánh trường Vũ Lăng. Trước khí thế uy hiếp của quân cách mạng, lính địch bắn chỉ thiên vài phát, rồi tìm đường chạy trốn. Ba hôm sau, quần chúng cách mạng tổ chức một cuộc mít tinh ở sân trường Vũ Lăng, chuẩn bị chiếm lại đồn Mỏ Nhài.

Sau khi nắm lại được một số lớn dõng và tổng đoàn, thực dân Pháp dùng bọn mật thám địa phương để dắt đội quân của tên Boóc-di-ê, chủ đồn điền ở Dinh Cả, và lính tập từ Mỏ Nhài đi theo đường tắt vào, đánh úp ta. Quần chúng cách mạng tản vào rừng. Đội du kích bị phân tán mỗi người một ngả. Địch tiến vào Vũ Lăng, bắn giết quần chúng cách mạng, đốt phá làng bản. Chúng “sức” cho nhân dân phải “lập công chuộc tội”, cắt đầu cán bộ nộp cho chúng. Bọn tổng, xã đoàn vác loa đi các làng, các xóm, các lân, đòi “Cộng sản” phải ra đầu thú chính phủ Pháp.

Tháng 11.1940, Hội nghị lần thứ bảy của T.Ư họp quyết định duy trì lực lượng vũ trang Bắc Sơn, thành lập những đội du kích, dùng hình thức vũ trang công tác khi cần thì chiến đấu chống khủng bố, bảo vệ sinh mệnh, tài sản của nhân dân, phát triển cơ sở cách mạng, lấy vùng Bắc Sơn - Võ Nhai làm trung tâm. Đồng chí Hoàng Văn Thụ được giao trách nhiệm cùng các đồng chí ở địa phương thực hiện nghị quyết này.

Ban chỉ huy khu du kích Bắc Sơn có anh Vân (một bí danh của đồng chí Hoàng Văn Thụ), anh Giáo (một bí danh của đồng chí Lương Văn Tri, tức Huy) và tôi; anh Vân phụ trách chung. Cơ quan Ban chỉ huy lúc đầu đóng ở Đon Úy (gần Vũ Lăng), sau rút dần dần về Vũ Lễ, Khuổi Nọi.

Tháng 2.1941, các đồng chí Sơn (Trường Chinh), Vân (Hoàng Văn Thụ), Chính (Hoàng Quốc Việt), Trần Đăng Ninh lên cơ quan của Ban Chỉ huy khu du kích Bắc Sơn ở Khuổi Nọi để chuẩn bị thêm về mọi mặt. Chính thời gian ở Khuổi Nọi, anh Vân cho biết quyết định của Trung ương: đổi tên Đội Du kích Bắc Sơn thành Cứu quốc quân. Đội quân khởi nghĩa đã được lọc lại qua mấy tháng chiến đấu gian khổ, ác liệt nay còn lại vừa một trung đội.

Ngày 14.2.1941, Trung đội Cứu quốc quân I làm lễ chính thức thành lập ở khe Khuổi Nọi, bên một dòng suối nhỏ chảy giữa cánh rừng sâu của xã Vũ Lễ, giáp hai châu Võ Nhai và Bắc Sơn. Xế chiều, anh em đã tới đông đủ đứng trên nền nhà cũ của hai anh em Lô và Liêu. Từ Võ Nhai đến có Nông Thái Long, Nhì Phung và tôi, lúc đó lấy tên là Ba; từ Bắc Sơn có các anh Bình, Quốc Vinh, Đường Văn Thức, Đường Văn Tư, Hoàng, Tần, Ruệ, Vẩn Sang, Hác Chắp, Phó Sáng; ở xuôi lên có các anh Nguyễn Cao Đàm (tức Độ), Bình, Đắc, Bút, An (tức Hoàng Văn Thái), ông già Sính (tức Mạnh, quê ở Thái Bình), Lương Văn Tri (tức Giáo)... Toàn đội gồm 24 chiến sĩ là cán bộ, đảng viên miền xuôi và miền ngược đã lớn lên trong Bắc Sơn khởi nghĩa, đã từng hoạt động trong đấu tranh sống chết với quân thù

Trung ương chỉ định anh Tri ở lại phụ trách với nhiệm vụ tổ chức giữ con đường từ Bắc Sơn về Đình Cả và huấn luyện đơn vị Cứu quốc quân. Anh Tri - mà chúng tôi thường gọi là anh Giáo - đã từng cùng anh Vân ra hoạt động ở nước ngoài. Anh có học ở Học hiệu quân sự ở Trung Quốc. Chúng tôi đã được anh dìu dắt, chỉ bảo nhiều về chính trị, quân sự. Cũng vì thế chúng tôi gọi anh là anh Giáo. Anh là người Tày, mắt một mí, sống mũi cao, vóc người anh nhỏ nhắn, rõ ra dáng “văn nhân”. Tuy nhiên, tác phong của anh lại rất mạnh mẽ, nhanh nhẹn, rất quân sự.

...

Thượng tướng Chu Văn Tấn 

Trích hồi ký: “ Kỷ niệm Cứu quốc quân ”

* Thượng tướng Chu Văn Tấn, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đầu tiên (8.1945).  Đội Cứu quốc quân I do ông làm Chỉ huy phó, là một trong những tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam. Tháng 4.1945, Hội nghị Quân sự cách mạng Bắc kỳ quyết định thống nhất Cứu quốc quân với Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân thành Việt Nam Giải phóng quân do Võ Nguyên Giáp làm Tư lệnh, Chu Văn Tấn làm Chính trị viên.

 


https://m.thanhnien.vn/ky-niem-cuu-quoc-quan-bac-son-khoi-nghia-post1412024.html

https://m.thanhnien.vn/ky-niem-cuu-quoc-quan-doi-du-kich-bac-son-thanh-cuu-quoc-quan-post1412307.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét