Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2019

Fake news ?

" Cả đời làm việc thiện, thiện còn chưa đủ
Một ngày làm điều ác, ác đã có thừa "
- Mã Phục Ba -


THIẾT BẢN ĐỒ & GIẤC MỘNG TRUNG HOA
Những gì đang diễn ra tại Trung Quốc khiến người ta không khỏi liên tưởng đến dự ngôn về vận mệnh của bộ máy chính quyền, từng được tiết lộ qua cuốn sách bí mật lưu truyền trong dân gian: “Thiết Bản Đồ”. 
5 năm trước, khi lãnh đạo ĐCSTQ – ông Tập Cận Bình – giương cao tinh thần “Giấc mộng Trung Hoa”, người ta tưởng như Trung Quốc sắp vươn mình trỗi dậy. Cùng với chiến dịch “đả hổ, diệt ruồi, săn sói, quét muỗi” từng được thực hiện quyết liệt trong vài năm trước đó, nào ai có thể thoát khỏi cái gọi là “lưới trời” của Đảng?
Giờ đây, giấc mộng Trung Hoa dường như đang đổ vỡ. Trong khi Trung Quốc tiếp tục sa lầy trong ván cờ thương chiến Mỹ – Trung, thì vị lãnh đạo tối cao của đảng cũng rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan, hứng chịu đủ mọi búa rìu dư luận khi đã đẩy Trung Quốc lao vào cuộc đối đầu đầy tai hại với siêu cường số 1 Thế Giới. Không những vậy, các vẫn đề bất ổn ở khu vực Tân Cương và đặc biệt là các sự kiện gần đây ở Đặc khu Hồng Kông càng khiến cho tình hình thêm nan giải.
Trong bối cảnh ĐCSTQ phải đối mặt với nguy cơ tứ bề, còn ngài chủ tịch thì bế tắc giữa tình thế ‘nội công ngoại kích’, cư dân mạng Trung Quốc đều băn khoăn tự hỏi: Phải chăng viễn cảnh sắp tới cũng chính là những gì được nói đến trong dự ngôn
“Thiết Bản Đồ”? 

DỰ NGÔN "THIẾT BẢN ĐỒ" 
“Thiết Bản Đồ” là cuốn sách được bí mật lưu truyền trong dân gian. Người ta không biết ai là tác giả, cũng không rõ cuốn sách đã có từ bao giờ, chỉ biết rằng đó từng được coi là cuốn thiên thư trong gia đình của một vị tú tài họ Lý đời nhà Thanh. Đây là một cuốn sách đã ố vàng, bên trong là những lời miêu tả cùng với hình vẽ, mỗi bức vẽ đều có chứa thiên cơ. 
Vì sao gọi là “Thiết Bản Đồ” (hình vẽ chắc chắn như tấm thép)? Chính là bởi mỗi dự ngôn trong bức vẽ đều là thế cục đã định sẵn, vốn dĩ đã được an bài, giống như những chiếc đinh đóng trên ván sắt vậy, không cách nào có thể thay đổi được. 
Bởi “Thiết Bản Đồ” tiết lộ kết cục vận mệnh của các triều đại, hơn nữa lại vô cùng chuẩn xác, nên các vương triều trong lịch sử coi đó là sách cấm. Tuy vậy nó vẫn được lưu truyền bí mật trong dân gian. 
Lần cuối cùng cuốn sách được trông thấy là vào năm 1951, nhưng ngay sau đó đã bị chính quyền địa khu tịch thu mất. Từ đó trở đi, câu chuyện về cuốn sách chỉ còn là truyền thuyết. 
Năm 2014, tác giả Trương Thuỵ Kỳ thuộc hội nhà văn Quảng Châu kể rằng, ông ngoại của Trương Thuỵ Kỳ vốn là một cư sĩ trong Đạo giáo, thuộc trường phái Chính Nhất Đạo. Ông đã nhiều lần nhắc đến một cuốn sách kỳ lạ tên là “Thiết Bản Đồ”, trong đó có những câu bí ẩn nói về thời hiện đại, như: “Bồng đầu nữ tử giá bồng đầu, thiết đầu lư tử mãn nhai du” (cô gái tóc xõa gả cho người tóc xõa, con lừa bằng sắt chạy khắp đường — được phỏng đoán là dự ngôn về lối sống phóng túng của người hiện đại và sự xuất hiện của xe gắn máy). Nhưng lời tiên tri về vận mệnh của ĐCSTQ thì mãi tới cuối năm 2017 mới được hé lộ qua một bài viết của tác giả Minxin (Dân Hân) đăng trên mạng Chánh Kiến. 
Vậy thì, dự ngôn “Thiết Bản Đồ” nói gì về thời cuộc của Trung Quốc ngày nay?

CON CHIM LÔNG TRẮNG
Đồ hình cuối cùng trong cuốn sách được cho là lời tiên đoán về vận mệnh của ĐCSTQ. Nội dung bức vẽ rất đơn giản: 
Trên bầu trời giữa hai khe núi, bốn con chim màu đen lần lượt bay từ ngọn núi này sang phía ngọn núi kia. Nhưng giữa sườn 
của ngọn núi bên phải, một con chim màu trắng bị va vào vách đá, máu đỏ loang lổ. Bên dưới bức hình là dòng chữ: “Bạch vũ mao điểu nhi chàng tử tại sơn giá biên”, nghĩa là: Con chim lông trắng bị đụng chết ở bên ngọn núi này. 
Trong bức tranh xuất hiện 5 con chim, nhưng tâm điểm lại tập trung vào con chim cuối cùng, tức ‘con chim lông trắng’. Điều trùng hợp là nếu chiết tự thì sẽ thấy chữ “Vũ” (羽 – bộ lông) kết hợp với chữ “Bạch” (白 – màu trắng) sẽ tạo thành chữ “Tập” (習), cũng chính là tên họ của ông Tập Cận Bình viết theo chữ phồn thể. 
Con chim lông trắng ở vị trí thứ 5. Nếu nhìn lại các thế hệ lãnh đạo của ĐCSTQ, sẽ thấy ông Tập cũng chính là vị lãnh đạo nối nghiệp đời thứ 5: Mao Trạch Đông – Đặng Tiểu Bình – Giang Trạch Dân – Hồ Cẩm Đào – Tập Cận Bình. 
Những năm 80 của thế kỷ trước là thời trị vì của ông Đặng Tiểu Bình. Khi ấy tại Tứ Xuyên có một vị cao nhân tiên đoán rằng, sau thời ông Đặng thì số mệnh của ĐCSTQ sẽ gói gọn trong bốn chữ: “Giang – Hồ – Tập – Vô”. Sau này khi Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào lần lượt lên nắm quyền, người ta đã không khỏi kinh ngạc. Và khi ông Tập bước lên vũ đài chính trị, thì không còn ai dám nghi ngờ lời dự ngôn ấy nữa. 
Vậy còn “Vô” thì sao? Chữ “Vô” này có thể hiểu là không có ai, hoặc cũng có thể hiểu là người lãnh đạo kế tiếp có họ đồng âm với chữ “Vô”. 
Nhưng điều bất ngờ là kể từ Đại hội Đảng lần thứ 19 (năm 2017), ĐCSTQ đã không xác định người kế nhiệm. Đến ngày 11/3/2018, Quốc hội Trung Quốc chính thức gỡ bỏ các giới hạn về nhiệm kỳ của vị trí lãnh đạo tối cao, cho phép ông Tập Cận Bình giữ chức chủ tịch suốt cuộc đời. Điều ấy nói lên rằng, rất có thể ông Tập sẽ là vị lãnh đạo cuối cùng, cũng tức là nói, tiếp sau ông Tập sẽ không còn ai nối nghiệp nữa. 
Trở lại với bức đồ hình, sẽ thấy 5 con chim đã tiết lộ vận mệnh của đảng: Bốn con chim đầu tung cánh cũng giống như thời hoàng kim của ĐCSTQ, có thể tung hoành trên vũ đài chính trị, lạm thế, lộng quyền. Nhưng đến con chim thứ 5 lại là một cảnh tượng thật bi ai: bị đâm đầu vào vách núi, chẳng những không thể cất cánh, mà còn ngã xuống thật đáng thương. 
Có thể cái chết trong bức hình không hẳn là “chết” theo nghĩa bề mặt, nhưng chắc hẳn đó sẽ là viễn cảnh ảm đạm vô cùng. 

MÁU LOANG TRÊN VÁCH ĐÁ
Có ý kiến cho rằng, bức đồ hình đã tiết lộ hai điều: Một là, ĐCSTQ sẽ gặp đại nạn vào thời ‘con chim lông trắng’. Và hai là, hết thảy món nợ máu trong lịch sử sẽ liên lụy tới người đứng đầu. 
Trong lịch sử, ĐCSTQ đã gây ra nhiều cuộc thanh trừng đẫm máu với rất nhiều sinh mệnh bị hàm oan phải thiệt mạng hoặc chịu cảnh lưu đầy. Dưới thời Mao Trạch Đông, nhân dân điêu đứng vì “Cải cách ruộng đất” và “ đại Cách mạng văn hoá” với sự khủng khiếp của lực lượng Hồng vệ binh.
Dưới thời Đặng Tiểu Bình, xe tăng và quân đội Trung Quốc đã thẳng tay đàn áp đẫm máu cuộc biểu tình của trí thức và thanh niên trong “ sự kiện Thiên An Môn” gây chấn động dư luận Thế Giới .
Dưới thời Giang Trạch Dân, những học viên Pháp Luân Công bị bức hại tàn khốc vì các cuộc đàn áp tín ngưỡng. Đặc biệt rúng động hơn cả là những thông tin về việc cướp lấy nội tạng trong các nhà tù và bệnh viện khắp Trung Quốc. 
Dưới thời Hồ Cẩm Đào, hoạt động bức hại vẫn diễn ra trong âm thầm và bí mật. Cả bốn vị tiền nhiệm đều đã lui về hậu trường, nhưng món nợ máu của gần 100 năm lịch sử vẫn cần phải tìm người kết toán.. Người ấy sẽ là ai, nếu không phải là vị lãnh đạo cuối cùng? 
Nhìn lại bức đồ hình sẽ thấy một sự tương đồng: 4 con chim đầu màu đen, mang sắc màu của hắc ám, tội lỗi. Còn con chim thứ 5 màu trắng lại có phần trong sạch, không phải là người gây ra tội lỗi nhưng lại phải gánh chịu hậu quả sau cùng. Viên Bân, nhà bình luận thời sự của Hồng Kông đã không ngần ngại chỉ ra rằng: Chính quyền Trung Quốc đến lúc khí số sắp hết, vận mệnh sắp tàn. Ở cương vị là nhà lãnh đạo, ông Tập nên sáng suốt đưa ra lựa chọn tương lai cho chính mình, không nên trói chặt mình làm kẻ thế thân cho đảng. 
Nếu quay trở lại quá khứ của 10 năm trước đây, chẳng có ai dám bàn luận rằng ĐCSTQ sẽ có ngày lung lay dao động. Nhưng ngày hôm nay người ta đã tự tin bàn luận rằng ĐCSTQ khó có thể tiếp tục duy trì. Một chính quyền bức hại chính con dân của mình, một chính quyền hung hăng gây hấn với anh em và bạn bè quốc tế, và một chính quyền không từ thủ đoạn giữa sân chơi toàn cầu… Một chính quyền như thế sao có thể mãi mãi vững bền? 

Từ xưa đến nay, thuận theo ý trời thì hưng thịnh, nghịch lại ý trời ắt tai ương. Trung Quốc của ngày hôm nay nguy cơ tứ bề, toàn bộ xã hội như ngồi trên đống lửa, lòng dân luôn mong ngóng cục diện rối ren sớm đến hồi kết thúc, để mảnh đất Thần Châu được trở về với vùng Trời sáng trong. 

Nguồn: Đại Kỷ Nguyên 

Thứ Năm, 29 tháng 8, 2019

Bài hát ấy vẫn còn là dang dở

Anh vẫn chưa nói được cùng em
Bài hát ấy vẫn còn là dang dở
...


BÀI HÁT ẤY VẪN CÒN LÀ DANG DỞ

Nắng đã tắt dần trên lá im

Chiều đã sẫm màu xanh trong mắt tối

Đường đã hết trước biển cao vời vợi

Tay đã buông khi vừa dứt cung đàn

Gió đã dừng nơi cuối chót không gian

Mưa đã tạnh ở trong lòng đất thẳm

Người đã sống hết tận cùng năm tháng

Sau vô biên sẽ chỉ có vô biên

Anh vẫn chưa nói được cùng em

Bài hát ấy vẫn còn là dang dở

Chưa hiểu được mùi thơm của lá

Chưa nghe xong tiếng hót của chim rừng

Yêu thương hoài vẫn chưa đủ yêu thương

Ôi nếu phải tan thành bụi cát

Thành hư vô, không khí trời, không ánh sáng

Chỉ rỗng không câm lặng vô hình

Sẽ ở đâu bàt hát ấy của anh

Gương mặt của hôm nay ơi, em của những ngày đang sống?

Không thể ôm cả bầu trời lồng lộng

Nhưng có thể cầm một chùm quả trên tay

Có thể trồng thêm một bóng mát cho ngày

Không tới được một vì sao xa lắc

Nhưng có thể đến trong mùa cấy gặt

Làm thuyền trên sông, làm lúa trên đồng

Làm ngọn lửa hồng, làm tấm gương trong

Và nhận hết niềm vui trên cõi sống

Mũi kim nhỏ mà chiều mau tắt nắng

Có sao đâu: áo đẹp đã xong rồi

Phút cuối cùng tay vẫn ở trong tay

Ta đã có những ngày vui sướng nhất

Đã uống cả men nồng và rượu chát

Đã đi qua cùng tận của con đường

Sau vô biên dẫu chỉ có vô biên

Buồm đã tới và lúa đồng đã gặt.

Lưu Quang Vũ

Thứ Ba, 27 tháng 8, 2019

Phương cách thao túng đám đông

" Quyền lực làm con người tha hoá. 
Quyền lực tuyệt đối sẽ dẫn đến tha hoá tuyệt đối "
- Lord Acton -


PHƯƠNG CÁCH THAO TÚNG ĐÁM ĐÔNG

Đây là những phương cách để thao túng đám đông nhằm ngu dân, phân tán sự chú ý của công chúng khỏi các vấn đề chính trị xã hội quan trọng đã được tổng kết bời giáo sư Chomsky - người được công nhận là “trí tuệ vĩ đại nhất” trong cuộc thăm dò năm 2005 do tạp chí Prospect Anh quốc và Chính sách đối ngoại Mỹ phối hợp tổ chức. 

PHÂN TÁN CHÚ Ý
Là yếu tố thiết yếu của việc kiểm soát xã hội, chiến lược này bao gồm chuyển hướng sự chú ý của công chúng đối với các vấn đề quan trọng hay những thay đổi mà giới cai trị muốn quyết định nhưng không lợi cho số đông, thông qua việc đưa ra truyền thông đại chúng một loạt thông tin tràn ngập, liên tục nhưng vớ vẩn. Chiến lược phân tâm rất quan trọng bởi ngăn cản công chúng tiếp cận những kiến thức cần thiết trong các lĩnh vực khoa học, kinh tế, tâm lý học, sinh học thần kinh, điều khiển học. Liên tục làm công chúng bận rộn, bận rộn, bận rộn, không có thời gian để suy nghĩ, và trở lại chuồng với các động vật khác.

TẦM THƯỜNG HÓA NHU CẦU
Khuyến khích công chúng cảm thấy thú vị đối với những thứ tầm thường, vô văn hóa… không cần phải động não suy nghĩ mà chỉ kích thích bản năng.

NHI ĐỒNG HÓA
Hầu hết các quảng bá nhằm vào công chúng xử dụng diễn ngôn, lý luận, nhân vật, phong cách “nhi đồng hóa” [infantilizing] như thể người xem là một đứa trẻ hoặc bị tâm thần khuyết tật. Càng muốn đánh lừa bao nhiêu thì càng cần dùng phong cách “nhi đồng hóa”, điều này dựa trên một quy luật của ám thị, nếu người ta nói với một người lớn như nói với một đứa trẻ 12 tuổi, thì người này với một xác xuất lớn sẽ trả lời hoặc phản ứng giống kiểu lập luận của một đứa trẻ 12 tuổi. Chỉ xem truyền hình một lúc là bạn sẽ có rất nhiều minh chứng cho các nghiên cứu này, đặc biệt trong quảng cáo bán hàng tiêu dùng, thực phẩm.

GIĂNG BẪY
Phương pháp này còn được gọi là “vấn đề-phản ứng-giải pháp”. Đầu tiên, giới cai trị tạo ra một vấn đề, một tình huống để gây nên phản ứng trong công chúng, khiến công chúng tự yêu cầu các biện pháp mà kẻ thao túng muốn công chúng chấp nhận.
Ví dụ 1: chính quyền sẽ bỏ mặc cho bạo lực đô thị phát triển hoặc tổ chức các cuộc tấn công đẫm máu, để cho công chúng phải yêu cầu ra luật về an ninh với giá phải trả là quyền tự do bị hạn chế mà chính quyền muốn thiết lập.
Ví dụ 2: tạo ra một cuộc khủng hoảng kinh tế mà sự suy giảm các quyền xã hội và loại bỏ các dịch vụ công được chấp nhận như một “điều ác cần thiết” để ứng phó.

NGU DÂN
Làm sao để công chúng không có khả năng hiểu biết về kỹ thuật và các phương pháp được sử dụng để kiểm soát và nô lệ họ. Chất lượng giáo dục cho các tầng lớp thấp kém phải là kém nhất, do đó hố sâu cách biệt giữa tầng lớp thấp với tầng lớp thượng lưu luôn tồn tại và mãi khó hiểu đối với tầng lớp thấp.

ĐÁNH TRÁO
Thay thế sự phản kháng bằng cảm giác tội lỗi. Làm cho từng cá nhân tin rằng duy nhất mình chịu trách nhiệm về sự bất hạnh của mình do mình thiếu thông minh, thiếu khả năng, hay chưa nỗ lực. Bởi vậy, thay vì nổi loạn chống lại hệ thống suy đồi thì cá nhân lại tự đánh giá thấp bản thân và cảm thấy tội lỗi, điều này gây nên tình trạng suy sụp, tạo ra trầm cảm, ức chế hành động. Và hiệu quả là cá nhân không phản kháng.

CẢM TÍNH HÓA
Tác động tới tình cảm của số đông hơn là tác động vào lý trí là một kỹ thuật cổ điển khiến người ta bỏ qua các phân tích lý tính hay các lý luận phê bình. Dùng ngôn ngữ tác động vào cảm xúc, mở cánh cửa vô thức để đưa các ý tưởng, ham muốn, sợ hãi, xung động, hoặc hành vi mà giới cai trị muốn.

KÉO GIÃN THỜI ĐIỂM
Một cách khác để những quyết định không thuận lòng dân được chấp nhận là trình bày nó như là một “đau đớn nhưng cần thiết” nhằm đạt được sự chấp nhận của công chúng trong hiện tại để áp dụng nó trong tương lai. Công chúng vẫn thường có xu hướng mong đợi một cách ngây thơ rằng “tất cả mọi thứ sẽ tốt hơn vào ngày mai”, một sự hy sinh trong hiện tại là cần thiết. Cuối cùng, nó cho phép công chúng có thời gian làm quen với ý tưởng về sự thay đổi và chấp nhận nó miễn cưỡng khi thời điểm đến. Ví dụ: một đạo luật thuế hay thu phí sẽ không áp dụng bây giờ mà áp dụng sau 6 tháng hay 1 năm.

SUY GIẢM TỪ TỪ
Nhiều thay đổi từ nhà cầm quyền có thể gây ra một cuộc cách mạng nếu như được áp dụng đột ngột. Để công chúng chấp nhận, đơn giản là chỉ việc áp dụng nó dần dần trong khoảng thời gian 10 năm. Ví dụ: các điều kiện kinh tế xã hội mới hoàn toàn theo chủ nghĩa tân tự do đã được áp đặt ở Hoa Kỳ trong những năm 1980-1990, thất nghiệp tràn lan, bấp bênh, phi địa phương hóa, tiền lương không thể đảm bảo một thu nhập xứng đáng…

A Chomsky 
Liên Phương
*Avram Noam Chomsky:  sinh năm 1928 người Do Thái gốc Ukraine lớn lên ở khu East Oak Lane, Philadelphia, bang Pennsylvania, USA. Ông là nhà ngôn ngữ học, triết học, nhà hoạt động chính trị nổi tiếng đã nhận bằng danh dự từ 30 trường đại học trên thế giới, là thành viên của Viện Hàn lâm Mỹ thuật và Khoa học Mỹ, Viện Hàn lâm Khoa học và Triết học Mỹ, Hiệp hội Tâm lý Mỹ. Ông đã nhận được giải thưởng Kyoto, Huân chương Helmholtz, Dorothy Eldridge, Huân chương Franklin Benjamin… và nhiều giải thưởng khác. 

Thứ Bảy, 24 tháng 8, 2019

Người được chọn

“ Tôi là người được chọn 
Nên tôi phải gánh vác chuyện này "
- Donald Trump -



NGƯỜI ĐƯỢC CHỌN
Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định chiến tranh thương mại Mỹ – Trung lẽ ra phải nổ ra từ lâu và ông chính là “người được chọn” để chống Trung Quốc.
“Đây không phải là cuộc chiến thương mại do tôi phát động. Lẽ ra nó phải nổ ra từ rất lâu rồi. Một ai đó phải hành động. Và tôi là người được chọn (The Chosen One)”, Tổng thống Trump khẳng định với báo giới tại Nhà Trắng.
CNBC mô tả ông Trump vừa nói vừa ngước lên trời. “The Chosen One” là cụm từ thường được sử dụng để chỉ một nhân vật đặc biệt, được Chúa lựa chọn để thực hiện một nhiệm vụ phi thường.
“Ai đó phải làm điều đó. Do đó tôi quyết định đối đầu thương mại với Trung Quốc. Và các bạn biết điều gì đã xảy ra? Chúng ta đang chiến thắng”, ông Trump nhấn mạnh.
Nguồn tin CNCB cho biết chính quyền Tổng thống Trump sẽ tiếp tục đánh thuế lên hàng trăm tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Nhà Trắng đã áp thuế 25% lên 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và sẽ đánh thuế 10% lên tất cả hàng Trung Quốc còn lại từ giữa tháng 12 tới.
Trung Quốc trả đũa Mỹ bằng cách đánh thuế trên 110 tỷ USD hàng hóa Mỹ và tuyên bố ngừng mua nông sản nước này.
Tổng thống Trump cũng chia sẻ rằng cuộc đời ông sẽ “dễ thở hơn nhiều” nếu như không có cuộc thương chiến với Trung Quốc, tuy nhiên ông vẫn khẳng định những hành động của mình là đúng đắn, và bày tỏ sự tin tưởng rằng 2 nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới vẫn có thể đạt được thỏa thuận.
“Đời tôi sẽ dễ thở hơn nhiều nếu như tôi nói: ‘Hãy để mặc Trung Quốc tiếp tục lấy tiền từ túi Mỹ’. Phải không? Sẽ dễ dàng hơn nhiều, nhưng tôi không thể làm như vậy”.
“Tôi là người được chọn nên tôi phải gánh vác chuyện này. Tôi đang chiến đấu với Trung Quốc về thương mại. Và chúng tôi đang thắng… Họ đã mất những 2,5 triệu việc làm chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn. Họ muốn có thỏa thuận. Nhưng đó phải là thỏa thuận có lợi cho Mỹ”, ông Trump nói.
Nguồn tin CNCB cho biết chính quyền Tổng thống Trump sẽ tiếp tục đánh thuế lên hàng trăm tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Nhà Trắng đã áp thuế 25% lên 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và sẽ đánh thuế 10% lên tất cả hàng Trung Quốc còn lại từ giữa tháng 12 tới.
Tuy nhiên ông Trump cũng thừa nhận rằng thương chiến với Trung Quốc có thể làm tổn hại nền kinh tế Mỹ nhưng khẳng định sẽ không có suy thoái kinh tế.

Nguồn: banmaihong.wordpress.com

Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2019

Hồng Kông thủa ấy

  Người biểu tình Hong Kong nới " chúng tôi ghét Trung Quốc "

 

TTO - Cuộc biểu tình hòa bình đòi độc lập được diễn ra chỉ 12 ngày sau kết quả một cuộc thăm dò dư luận cho thấy 1/6 người Hong Kong ủng hộ tách đặc khu này khỏi Trung Quốc.

Hong Kong lần đầu tiên tổ chức tuần hành đòi độc lập, tách khỏi Trung Quốc - Ảnh: AFP
Hong Kong lần đầu tiên tổ chức tuần hành đòi độc lập, tách khỏi Trung Quốc - Ảnh: AFP
Theo TIME, hôm qua 5-8 hàng ngàn người đã tham gia cuộc biểu tình hòa bình đòi độc lập đầu tiên trong lịch sử Hong Kong. Hầu hết mọi người ngồi trên cỏ, nhiều người giơ cao biểu ngữ "Hong Kong độc lập" trong lúc nghe các nhà hoạt động chính trị phát biểu. Cuộc biểu tình do Đảng quốc gia Hong Kong khởi xướng sau vụ việc sáu nhà hoạt động ủng hộ Hong Kong độc lập bị cấm ứng cử trong cuộc bầu cử cơ quan lập pháp của thành phố vào tháng 9 tới. Trong số các diễn giả tham gia cuộc biểu tình, nhà hoạt động Edward Leung, một trong những người bị cấm ra ứng cử, tuyên bố: "Chủ quyền của Hong Kong không thuộc về ông Tập Cận Bình, không thuộc về nhà cầm quyền, không thuộc về chính quyền Hong Kong. Nó thuộc về người Hong Kong". Một người mẹ 30 tuổi mang theo hai con tham gia biểu tình nói: "Nếu Hong Kong không được độc lập, thế hệ sau của chúng tôi sẽ bị cản trở rất nhiều".Trong khi đó Kyle Mak, một nhà tư vấn tài chính 29 tuổi, cho rằng nhiều người Hong Kong cảm thấy "như bị Trung Quốc nô dịch". Sinh viên Mikel Fung 20 tuổi nói: "Họ không tôn trọng chúng tôi. Độc lập là cách duy nhất chúng tôi có thể trở lại với cuộc sống mình mong muốn trước năm 1997. Chúng tôi ghét Trung Quốc".Anh Andy Chan, 25 tuổi, lãnh đạo Đảng quốc gia Hong Kong ủng hộ độc lập và cũng là một ứng cử viên bị cấm tranh cử, cho rằng cuộc biểu tình là cơ hội để người dân nói về tương lai.
 D. Kim Thoa
https://tuoitre.vn/nguoi-bieu-tinh-hong-kong-noi-chung-toi-ghet-trung-quoc-1150303.htm

Thứ Ba, 20 tháng 8, 2019

Mưa và em

Như hạt Mưa mãi bay ...
Cùng Mưa và Em ...
Cùng Mưa và Em bay mãi bay đi rất xa



MƯA VÀ EM
Ta đang bay về đâu giữa đêm Hạ
Bay trong mưa về nơi rất xa
Ta bên nhau và tay nắm tay nhau
Ðể gió hôn lên mắt nhau

Trong cơn mưa hồn ta bỗng xao động
Vì em bỗng rực rỡ sáng trong
Mong cho mưa và em mãi bên ta
Ðể tháng năm qua
mãi yêu thương nhau thiết tha

Như hạt mưa mãi bay, bay cùng với gió mây
Cho đời xanh mãi. Những lời thân ái
Yêu đời ta hãy hát lên người ơi

Như hạt mưa mãi bay, bay cùng với gió mây
Yêu đời tha thiết. Yêu người da diết
Cùng Mưa và Em bay mãi bay đi rất xa

Trong không gian hồn ta bỗng xao động
Tình em bỗng rực rỡ sáng trong
Mong cho mưa và em mãi bên ta
Ðể tháng năm qua
mãi yêu thương nhau thiết tha ...

Như hạt mưa mãi bay ... Cùng Mưa và Em ...
Cùng Mưa và Em bay mãi.
Như hạt mưa mãi bay ...
Cùng Mưa và Em ...
Cùng Mưa và Em bay mãi bay đi rất xa

Ca sĩ Bằng Kiều
Nhạc sĩ: Bùi Đức Thịnh, Trần Ngọc Trác
* Ảnh : Tong Tran Son

Thứ Hai, 19 tháng 8, 2019

Cách mạng tháng Tám và những sự thật lịch sử

" Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu,
Gặp thời thế, thế thời phải thế "
- Ngô Thì Nhậm -



CÁCH MẠNG THÁNG TÁM & NHŨNG SỰ THẬT LỊCH SỬ
Hơn 70 năm sau Cách mạng tháng Tám, bản chất của một trong những biến cố chính trị quan trọng nhất trong lịch sử đương đại Việt Nam vẫn tiếp tục còn trong vòng tranh cãi giữa sử gia, học giả cũng như những nhà quan sát. Một trong số đó là quan điểm về cái gọi là "khoảng trống quyền lực" xuất hiện và tồn tại ở Việt Nam sau cuộc đảo chính Nhật - Pháp (9-3-1945) cho tới trước khi Việt Minh giành được chính quyền vào nửa sau tháng 8 năm 1945. Sử gia nổi tiếng người Na Uy S.Tonnesson đưa ra khái niệm “khoảng trống quyền lực”, xuất hiện từ lúc Nhật thế chân Pháp tại Đông Dương nhưng lại bại trận phải đầu hàng Đồng minh. Ông nhận định trong cuốn sách được đánh giá rất cao ở phương Tây " The Vietnamese Revolution of 1945 – Roosevelt, Ho Chi Minh and de Gaulle in a World at War ":
“Bằng việc tạo ra khoảng trống quyền lực, các cường quốc đã làm đảo lộn toàn bộ tình hình và do đó đã mời Việt Minh giành chính quyền”.
Gần tương đồng với quan điểm này của S.Tonesson, ký giả Pháp Phillip Devillers - tác giả cuốn " Histoire du Việt Nam de 1940-1952  " cho rằng “cuộc cách mạng không phải là sự bùng nổ… Chỉ có một sự hội tụ kỳ lạ các điều kiện mới khiến cho cách mạng thực hiện được”. 
Các điều kiện ấy là Nhật đảo chính Pháp, nạn đói năm Ất Dậu, tình trạng (gần như) vô chính phủ ở Việt Nam. Theo Devillers, nếu không có “sự hội tụ kỳ lạ” những việc này, Việt Minh “khó có cơ may… để thắng được cấu trúc mạnh mẽ của Pháp…”.
Sử gia người Mỹ William Duiker lại trình bày các nguyên nhân dẫn đến Cách mạng Tháng Tám một cách hết sức thực tế trong tác phẩm " Ho Chi Minh: A Life ":
 “Rõ ràng là nạn đói ở miền Bắc và Trung Việt Nam, kéo dài dai dẳng từ mùa đông trước, đã tạo ra một tình thế thuận lợi cho các lực lượng cách mạng…
Đói kém tràn lan đã tạo ra cơ hội ngàn vàng cho Việt Minh. Họ tiếp tục khuyến khích nông dân đang bị đói, ở những khu vực mà họ đã giải phóng, phá các kho thóc công để chia cho dân nghèo... "

Không thể phủ nhận những thành công của Việt Minh trong việc chuẩn bị, vận động và lan tỏa danh tiếng của mình kể từ thời điểm Nhật đảo chính Pháp tại Đông Dương, từ đó dẫn đến vai trò đầu tàu của họ trong Cách mạng tháng Tám. Tuy nhiên, để có một cái nhìn tổng quát và trọn vẹn hơn về lịch sử thời kỳ này, cần tiếp cận những sự thật lịch sử từ các góc nhìn khác biệt, góp nhặt từ những nguồn khả tín khác nhau mà báo chí và tài liệu cách mạng Việt Nam thường hạn chế nhắc đến trong các tư liệu của họ.
Trước tiên chúng ta hãy thử nhìn lại lịch sử giai đoạn trước và trong những ngày tháng 8 của năm 1945:

1.Hoạt động của Việt Minh trước tháng 3 năm 1945 
Dù tự nhận là lực lượng duy nhất có năng lực lãnh đạo từ năm 1930 cho đến khi Cách mạng tháng Tám thành công, thật ra thành tích đấu tranh của Việt Minh và Đông Dương Cộng sản Đảng rất kém trong giai đoạn từ những năm 1941 đến tận tháng 3 năm 1945. Hiện tượng này có thể được lý giải bởi nhiều yếu tố từ khách quan cho đến chủ quan.
Về mặt khách quan, hầu hết hệ thống chính trị cơ sở của Đông Dương Cộng sản Đảng của Việt Minh gần như đã bị tận diệt từ hai cuộc đàn áp trước đó: lần thứ nhất là giai đoạn 1925 – 1931, sau khi phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh thất bại; và tiếp đó là giai đoạn 1934 – 1936, sau khi chính phủ có xu hướng xã hội chủ nghĩa Mặt trận Bình Dân (Popular Front) ở Pháp sụp đổ và các hoạt động đàn áp chính trị ở thuộc địa được cho phép tiếp tục thực hiện.
Về mặt chủ quan, thành viên chính thức của Việt Minh tại thời điểm chiến tranh kết thúc chỉ khoảng trên dưới 5.000 người trên toàn Việt Nam, và hoạt động mạnh mẽ – có tổ chức nhất chỉ trong phạm vi vùng rừng núi phía Bắc, gần biên giới Trung Quốc. Điều này khiến cho ảnh hưởng thực tế của Việt Minh lên đời sống chính trị của đa số người dân Việt Nam gần như là kiến và voi nếu so với tương quan của nhiều chính đảng và tổ chức tôn giáo – chính trị có tiếng nói khác như Cao Đài, Hòa Hảo hay Quốc Dân Đảng.

2.Hoạt động của Việt Minh sau 3 năm 1945 
Tuy nhiên, cũng cần thừa nhận là kể từ khi Nhật đảo chính Pháp và nhu cầu hỗ trợ hậu cần của quân Nhật được tăng cường khiến nạn đói ở miền Bắc trở nên khốc liệt hơn, Việt Minh với các hoạt động kêu gọi đánh phá kho thóc, phản kháng vũ trang và xây dựng chính quyền tự quản địa phương dần trở thành một cái tên quen thuộc đối với nông thôn miền Bắc Việt Nam. Những khu vực mà nạn đói giết chết nhiều nông dân nhất như Nam Định, Thái Bình cũng là nơi mà sự ủng hộ dành cho Việt Minh lên cao nhất.
Việt Minh cũng nhận được điều kiện chính trị thuận lợi gián tiếp bởi sự thụ động của nhiều đảng phái chính trị ở miền Bắc trong giai đoạn này.
Sau khi quân Nhật triệt hạ quân Pháp tại Việt Nam và muốn Việt Nam trở thành đồng minh sau chiến tranh, Nhật đã tuyên bố trả độc lập cho Việt Nam, và Việt Nam đã thành lập chính phủ quân chủ lập hiến do ông Trần Trọng Kim làm thủ tướng. Thể chế quân chủ lập hiến này tương tự thể chế của Nhật hiện tại. Ngày 11-3, vua Bảo Đại ra “Tuyên cáo Việt Nam độc lập”, hủy bỏ Hòa ước Patenôtre 1884 ký với Pháp, khôi phục chủ quyền đất nước. Như vậy vào thời điểm này, chế độ phong kiến quân chủ đã bị xóa bỏ trên đất nước Việt Nam, và sự đô hộ của Pháp cũng không còn.
Ngày 17-8, chính phủ Trần Trọng Kim tổ chức mít tinh chào mừng độc lập, ngày 19/8, hưởng ứng lời kêu gọi mừng độc lập, nhân dân hàng chục vạn người nô nức kéo về Hà Nội đứng đầy quảng trường. Lực lượng Việt Minh đã cho người trà trộn, phát cờ đỏ sao vàng cho người dân, đồng thời dùng vũ lực cướp diễn đàn, hạ hoàng kỳ và treo cờ đỏ sao vàng lên, kêu gọi nhân dân ủng hộ Việt Minh. 
Trước tình thế này, Nhật đề nghị giúp đỡ chính quyền vua Bảo Đại vãn hồi trật tự và ổn định tình hình, nhưng vua Bảo Đại đã từ chối, ông đã nói một câu nói nổi tiếng: "Ta không muốn một quân đội nước ngoài làm đổ máu thần dân ta". 
Vì vậy, phải nói rằng vua Bảo Đại và chính phủ của ông đã trói tay quân Nhật khi từ chối sự giúp đỡ của họ để bảo vệ Vương quyền, tránh gây đổ máu cho người Việt và do vậy, đã nhường lợi thế lại cho Việt Minh khi tạo ra một "khoảng trống quyền lực" - không còn một lực lượng chính trị hay quân sự nào đủ mạnh lúc đó để có thể ngăn trở Việt Minh giành chính quyền. Quả là "gặp thời một tốt cũng thành công". Sau khi giành được chính quyền, để củng cố tính chính danh của mình, Việt Minh đã mời vua Bảo Đại tham gia làm cố vấn tối cao.

3.Vai trò của tình báo Mỹ (OSS) trong sự “thành danh” của Việt Minh
Khi nhắc đến Việt Minh, một hội nhóm chính trị hoạt động để che giấu danh nghĩa của Đông Dương Cộng sản Đảng trước sự thù địch của nhiều chí sĩ và người dân tại Việt Nam, có lẽ ai cũng sẽ nghĩ đến thế lực hậu thuẫn đằng sau của tổ chức này là Liên Xô hùng mạnh. Tuy nhiên, thực tế là sự hỗ trợ của Liên Xô trước Cách mạng tháng Tám dành cho Việt Minh cực kỳ hạn chế. Trong thập niên 1930 – 1940, hầu hết những học trò ưu tú và cánh tay đắc lực nhất được Moscow đào tạo bài bản như Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Hà Huy Tập, Võ Văn Tần, Phan Đăng Lưu… đều đã bị chính quyền thực dân Pháp xử tử. Dây nối cảm tình chính trị giữa Stalin với nhóm Marxist còn thoi thóp hoạt động tại Việt Nam không được như trước.
Không chỉ vậy, vào năm 1943, vì yêu cầu hợp lực với các quốc gia tư bản trong chiến tranh Thế giới thứ Hai, Stalin quyết định giải tán và ngừng tài trợ vô thời hạn cho các tổ chức thuộc Quốc tế Cộng sản (Comintern – mà Đông Dương Cộng sản Đảng là một tổ chức thành viên) như một động thái thiện chí ngoại giao, triệt tiêu những phản đối trong nội bộ cộng sản thế giới về việc hợp tác với hai quốc gia tư bản mà họ dốc sức phản diện hóa trước đây. Một cái giá quá rẻ đối với Stalin để nhận được sự hỗ trợ tài chính và quân sự thiết yếu từ phía Đồng minh.
Điều này khiến cho việc hợp tác với lực lượng có thiên hướng cộng sản tại Việt Nam không là vấn đề với chính quyền của Tổng thống Franklin D. Roosevelt. Ở chiều ngược lại, Việt Minh lại là số ít những tổ chức chính trị “thực chiến” tại Việt Nam tỏ ra rất thiện chí và muốn thân Mỹ. Việt Minh không chỉ giúp đỡ quân đội Đồng minh bằng cách báo tin và gây rối với quân Nhật, họ còn giúp giải cứu và hỗ trợ một số phi công Hoa Kỳ có máy bay bị bắn rơi khi giao chiến với quân Nhật trong khu vực Đông Dương.
Ngày 2-11-1944, Trung úy phi công William Shaw thuộc Phi đội 51, Không đoàn "Phi hổ" (Flying Tiger), căn cứ đặt tại vùng Hoa Nam, Trung Quốc, lái máy bay B-25 bị quân Nhật bắn trúng, phải nhảy dù xuống Bản Ngần, xã Đề Thám, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng và được Việt Minh cứu thoát khỏi sự lùng sục gắt gao của quân Nhật. W.Shaw được đưa về Pác Bó gặp Hồ Chí Minh . Sau đó, đích thân Hồ Chí Minh đã trèo đèo lội suối, vượt hàng trăm cây số, đưa W.Shaw về Côn Minh, trao lại cho Trung tướng Claire Chenault, Tư lệnh Không đoàn 14 Mỹ, đồng thời là người đại diện cao nhất của quân Đồng minh tại khu vực. Trong dịp này, Hồ Chí Minh đề nghị Trung tướng C. Chenault công nhận Mặt trận Việt Minh là một lực lượng của phe Đồng minh. Tướng C.Chenault hứa sẽ đưa các nhóm chuyên gia sang giúp huấn luyện quân sự, cung cấp vũ khí, điện đài và các trang thiết bị khác cho Việt Minh.
Vào tháng Bảy năm 1945, một nhóm đặc vụ của Văn phòng Chiến lược vụ Hoa Kỳ (American Office of Strategic Services – OSS), tiền thân của Cục Tình báo Trung ương CIA mang biệt danh "Con Nai" (The Deer Team) nhảy dù xuống Tân Trào để
tổ chức huấn luyện, đào tạo và trang bị cho lực lượng quân đội non trẻ vài chục người của Việt Minh. Biệt đội Con Nai có 7 người, gồm Thiếu tá Allison K.Thomas, trưởng nhóm; phiên dịch Henry Albert Prunier; Trung úy Rene Defoumeaux; bác sỹ quân y Paul Hoaglant; Thượng sỹ Lawrence Vogt; Trung sỹ kiêm nhiếp ảnh gia Aaron Squires và Thượng sỹ điện đài William Zielski. Người Mỹ đã thả dù, dùng trực thăng tiếp tế vũ khí, lương thực cho Biệt đội Con Nai và Việt Minh, trong đó có nguyên văn bản "Tuyên ngôn độc lập" của nước Mỹ theo yêu cầu của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Thông tin còn ghi nhận rằng Chủ Tịch Hồ Chí Minh thời điểm đó đang ở giữa thời khắc sống chết do bệnh kiết lỵ và sốt rét hành hạ; và ông đã được cứu chữa nhờ viên bác sỹ của Biệt đội Con Nai.
Khi Chiến tranh Thế giới thứ Hai kết thúc, Chủ Tịch Hồ Chí Minh và lực lượng chính trị dưới trướng ông có thể được xem là một đồng minh thân thiết của Hoa Kỳ tại Đông Dương.
Ngày 19 tháng 8 năm 1945, khi các đơn vị quân đội và lực lượng chính trị của Việt Minh tiến về Hà Nội, hộ tống họ không phải là các đại diện của Liên Xô, mà là các sĩ quan và đặc vụ OSS. 
Ngày 16 tháng 8 Đại đội Việt - Mỹ do Đàm Quang Trung (sau này là Thượng tướng) làm Đại đội trưởng, A.Thomas làm Tham mưu trưởng đã được thành lập, làm lễ xuất phát tiến về giành chính quyền ở Hà Nội. Dọc đường, Đại đội Việt - Mỹ đã tham gia bao vây quân Nhật, giải phóng tỉnh lỵ Thái Nguyên. 
Điều này khiến cho Việt Minh trở thành lực lượng chính trị Việt Nam duy nhất được một thành viên Đồng minh trung lập (Hoa Kỳ, mà không phải là Pháp hay Trung Hoa Dân Quốc) hậu thuẫn; nhờ vậy, họ càng trở thành một lực lượng chính trị có sức hút và dễ dàng được chấp nhận.
Sau đó, đặc vụ Archimedes Patti (1913–1998) được Hồ Chủ Tịch mời tư vấn và hỗ trợ soạn thảo Tuyên ngôn Độc lập. Ông này vô cùng bất ngờ trước việc ông Hồ không hề có ý định nhắc đến xung đột xã hội hay đấu tranh giai cấp – những dấu hiệu cơ bản của một bản tuyên ngôn cộng sản khi đọc cho nghe nội dung bản dự thảo. A.Patti đã giật mình khi nghe câu mở đầu: "Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng, tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc". Ngay tối đó, A. Patty đã điện về Mỹ: "Ngày 2-9-1945, Việt Nam sẽ tổ chức lễ Tuyên ngôn độc lập. Câu mở đầu của Bản Tuyên ngôn độc lập do Hồ Chí Minh đọc là câu mở đầu bản Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ".
Trong thời điểm chuyển giao trật tự chính trị thế giới mà Hoa Kỳ tiếp quản vị trí thống lĩnh phương Tây của Vương Quốc Anh, sự ủng hộ của OSS càng khiến cho các tiếng nói phản đối Việt Minh trở nên rất ít giá trị và tính chính danh của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa càng được tăng cường.
Theo lệnh của Chính phủ Mỹ, Biệt đội Con Nai đã phải rời khỏi Việt Nam ngay trong tháng 9-1945. Lãnh tụ Hồ Chí Minh đã nhờ họ chuyển một bức thư cho Tổng thống Hoa Kỳ, đề nghị công nhận nền độc lập của Việt Nam và thiết lập mối bang giao tốt đẹp. Rất tiếc là bức thư Hồ Chí Minh gửi đã không được Tổng thống Hoa Kỳ trả lời.
....
Lịch sử đã diễn ra như vậy. Và Việt Minh là lực lượng đã được lịch sử lựa chọn để giành lấy chính quyền vào những ngày tháng Tám này. Đó là sự thật lịch sử không thể phủ nhận.

19.8.2019
VN tổng hợp

Thứ Bảy, 17 tháng 8, 2019

Lãng Tử hồi đầu

Về Quê hai tiếng nên Thơ
Hồi đầu Lãng Tử bây giờ ... còng queo

Chủ Nhật, 11 tháng 8, 2019

Cái gì vậy

CÁI GÌ VẬY
Một người cha già trí nhớ đã không còn minh mẫn ngồi hóng gió cùng con trai trước hiên nhà. Nghe thấy tiếng động trong lùm cây, ông hỏi con trai:
– Cái gì vậy con?
Người con trai trả lời:
– Một con quạ ạ.
Vài phút trôi qua, người cha lại hỏi con trai:
– Cái gì vậy nhỉ?
Người con trả lời:
– Cha, con đã nói với cha rồi. Đó là một con quạ.
Một lúc nữa lại trôi đi, người cha già tiếp tục: 
– Cái gì thế con nhỉ?
Đến lúc này, người con trai không còn giữ được bình tĩnh, anh sẵng giọng:
– Đó là một con quạ, một con quạ! Tại sao cha cứ hỏi đi hỏi lại con cùng một câu hỏi thế? Con đã nói rồi mà, đó chỉ là một con quạ!”
Thoáng chút ngần ngừ, người cha đi vào phòng mình, mang ra một cuốn nhật kí đã cũ nát. Cuốn sổ ông giữ gìn kể từ khi người con trai ra đời. Mở một trang, người cha đưa cho cậu con trai đọc. Khi người con trai đón lấy, anh ta thấy những dòng chữ được viết trong nhật kí như sau: 
Hôm nay, đứa con trai bé bỏng 3 tuổi ngồi cùng tôi trên ghế sô-pha. Khi một con quạ đậu trên cửa sổ, con trai đã hỏi tôi 23 lần rằng đó là cái gì, và tôi cũng đã trả lời 23 lần rằng đó là một con quạ. Tôi nựng con mỗi lần nó hỏi tôi cùng một câu hỏi, lặp đi lặp lại 23 lần. Tôi không hề cảm thấy khó chịu, mà trái lại, càng yêu thương đứa con ngây thơ bé bỏng này hơn…
Người con trai nghẹn ngào không nói được lời nào
- st -

Thứ Năm, 8 tháng 8, 2019

Mưu đồ chiến lược của Trung Quốc ở Biển Đông

" Ta thà phụ người chứ không để người phụ ta "
- Tào Tháo -



MƯU ĐỒ CHIẾN LƯỢC CỦA TRUNG QUỐC Ở BIỂN ĐÔNG

I - Vai trò của Biển Đông đối với Trung Quốc
- Thứ nhất, lợi ích của Biển Đông là về vấn đề kinh tế, đầu bảng là tài nguyên dầu khí, sau đó là băng cháy. Khu vực Đông Nam Á có lượng băng cháy cực lớn. Đây là nguồn năng lượng của tương lai, có thể sử dụng trong nhiều thế kỷ, theo tính toán sơ bộ là khoảng 800 năm tới.
Việt Nam là một trong những quốc gia sở hữu lượng băng cháy tương đối lớn. Chúng ta có khoảng 2.400 tỷ mét khối băng cháy, là quốc gia có thứ hạng ở Châu Á về loại tài nguyên này. Đây là nguồn năng lượng tuyệt vời. Do đó, Trung Quốc nhìn vào nguồn băng cháy như một loại tài nguyên thay thế cho dầu khí đang dần trở nên cạn kiệt.
- Thứ hai, Biển Đông được xác định là một trong 4 khu vực đánh cá chủ yếu của ngư dân Trung Quốc.
- Thứ ba, Biển Đông cũng được xác định là con đường sinh mệnh của nền kinh tế Trung Quốc. Trong số 27 tuyến vận tải của Trung Quốc, 17 trong số đó nằm ở Biển Đông. Biển Đông giúp kết nối Trung Quốc với 125 nước và vận chuyển 3/4 lượng dầu nhập khẩu vào nước này.
- Thứ Tư, về an ninh quốc phòng, đây là một bức trường thành tự nhiên trên biển. Biển Đông như một vành đai quân sự, phòng thủ, là rào cản an ninh để ngăn chặn những rủi ro và uy hiếp từ bên ngoài.
Về mặt địa chiến lược, Trung Quốc xác định Biển Đông như sân sau, nơi tập dượt của hải quân Trung Quốc để tiến ra thế giới bên ngoài.
Biển Hoa Đông ở phía đông Trung Quốc quá nông, lại có một đối thủ khó nhằn là Nhật Bản án ngữ phía ngoài. Còn đối với Biển Đông, vùng biển này rộng 3,4 triệu km2, độ sâu trung bình là 1.400 mét và có rất nhiều rãnh sâu. Đây là địa điểm tuyệt vời cho sự hoạt động của các loại tàu ngầm.
Muốn thành bá chủ toàn cầu, Trung Quốc phải trở thành cường quốc trên biển. Điều này chỉ có thể thực hiện được ở Biển Đông, vùng biển mà xung quanh đó toàn các quốc gia nhỏ bé. Về mặt địa chiến lược, đây là cửa ngõ duy nhất, là bàn đạp để Trung Quốc đi ra thế giới bên ngoài. Do vậy, trong cái nhìn đại chiến lược của người Trung Quốc, Biển Đông có lợi ích sống còn.

II - Trung Quốc sắp đặt Biển Đông trong chiến lược an ninh - phát triển như thế nào?
Từ các văn kiện Đại hội Đảng, chương trình nghị sự của chính phủ và thông tin chính thức từ phía Trung Quốc, nước này xác định Biển Đông là một phần quan trọng, cũng là điểm khởi đầu cho con đường tơ lụa trên biển. Con đường này là trọng tâm của sáng kiến Vành đai - Con đường. Sáng kiến này là một phần của giấc mơ chấn hưng Trung Quốc.
Biển Đông là một phần của chiến lược biến Trung Quốc thành một cường quốc biển. Một quốc gia muốn tiến vào vị trí trung tâm quyền lực chính trị của thế giới thì không thể không trở thành một cường quốc biển.
Chính giới Trung Quốc đã lồng ghép vấn đề Biển Đông vào mục tiêu trăm năm, coi đó là việc triển khai thực hiện giấc mộng Trung Hoa. Nước này thậm chí còn đưa vấn đề chủ quyền và lợi ích trên biển thành một trong những lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, tương tự như vấn đề Đài Loan, Tân Cương và Tây Tạng. Tần suất Trung Quốc đưa ra lời khẳng định các đảo ở Biển Đông thuộc về mình từ ngàn đời đang không ngừng tăng lên.
Nguyên thủ các quốc gia trên thế giới thường ít nói về vấn đề chủ quyền. Thay vào đó, họ thường để cho những cơ quan có thẩm quyền lên tiếng. Tuy nhiên, liên tiếp trong năm 2016, Chủ tịch Trung Quốc đã 3 lần phát biểu câu chuyện này ở nước ngoài, điều trước đây chưa từng có đã thể hiện sự quan tâm đến mức tối đa của Trung Quốc đối với vấn đề Biển Đông.
Bên cạnh đó, cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc liên tục khẳng định rằng nước này không có gene xâm lược, không xâm phạm vào lợi ích của các nước khác, thế nhưng Trung Quốc sẽ không bao giờ từ bỏ quyền lợi của mình.

Năm 2021, Trung Quốc sẽ diễn ra sự kiện kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng. Cùng với các sự kiện lớn này, Trung Quốc sẽ tiến hành nhiều hành động lớn, tình hình Biển Đông vì thế cũng sẽ liên quan đến câu chuyện này.
Trung Quốc không đem lợi ích cốt lõi ra trao đổi, không có chuyện nhân nhượng, thỏa thuận và từ bỏ tham vọng Biển Đông. Đây là một thông điệp rất rõ ràng.
Chủ tịch Trung Quốc từng có một câu nói mà chúng ta cần phải lưu ý: “Quân đội Trung Quốc triệu tập là có, đến là có thể đánh và đánh là có thể thắng, để bảo vệ chủ quyền và các quyền liên quan ở Biển Đông”.
Vậy vài chục năm nữa Biển Đông sẽ như thế nào? Biển Đông đại khái sẽ thế này, lúc nóng, lúc lạnh, lúc căng thẳng lúc hòa hoãn. Tất nhiên, chúng ta cần có những nhìn nhận đúng đắn, có những động thái kiên quyết đối với vấn đề này.

III - Truyền thông Trung Quốc
Báo chí Trung Quốc nói, những nước như Việt Nam, Phillipines, Brunei, Malaysia... là những kẻ đang cướp đảo, cướp biển, cuớp tài nguyên của Trung Quốc, do đó chúng ta phải thu hồi. Điều này được thực hiện bằng chiến lược ngoại giao đi trước, hải quân đi sau, văn công vũ vệ (tiến công bằng văn, bảo vệ bằng vũ lực).
Có những tờ báo liệt kê 6 cuộc chiến tranh mà Trung Quốc phải đánh, một trong số đó là cuộc chiến trên Biển Đông để thu hồi những đảo bị các nước chiếm đóng trái phép. Truyền thông Trung Quốc là một dấu hiệu giúp Việt Nam có thể dự báo trước.

IV - Trung Quốc đang làm gì từ năm 1949 đến nay
1. Đưa ra các yêu sách chủ quyền và yêu sách trên biển.
2. Thực hiện những biện pháp hành chính. Thể hiện Biển Đông và Hoàng Sa, Trường Sa trên bản đồ, đặt tên cho các đảo, quy thuộc sát nhập Hoàng Sa, Trường Sa và vùng biển vào lãnh thổ Trung Quốc và các đơn vị hành chính thuộc Trung Quốc.
3. Áp đặt nội luật của Trung Quốc vào khu vực Biển Đông, coi Biển Đông thành khu vực của mình.
4. Các hoạt động kiểm soát, khống chế và làm chủ Biển Đông trên thực địa. Bao gồm việc từng bước thay đổi nguyên trạng của Biển Đông, tạo ra một cục diện quân sự thuận lợi cho Trung Quốc, dần dần khống chế, kiểm soát Biển Đông, tiến tới mục tiêu lâu dài là độc chiếm toàn diện Biển Đông.
5. Sử dụng vũ lực. Từ năm 1956 đến nay, tất cả các bước tiến của Trung Quốc trên Biển Đông đều là nhờ vũ lực. Trung Quốc liệu có tiếp tục sử dụng vũ lực nữa hay không? Nếu không trả lời được câu hỏi này thì cực kỳ nguy hiểm.

Qua bức tranh về thực trạng tình hình Biển Đông, có thể thấy mục tiêu lâu dài của Trung Quốc là độc chiếm Biển Đông, tức là chiếm toàn bộ các đảo trong vùng biển này (bao gồm 4 quần đảo Tây Sa, Nam Sa, Đông Sa, Trung Sa theo cách gọi của Trung Quốc). 
Trung Quốc cũng muốn chiếm chủ quyền với khoảng 80% diện tích Biển Đông và toàn bộ tài nguyên trong khu vực biển này. Bên cạnh đó là quyền kiểm soát với vùng trời, vùng biển và đáy biển. Điều này mang đến thách thức nghiêm trọng đối với chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông. 
Trong 6 thập kỷ qua, có thể thấy rõ các biện pháp và kế sách mà Trung Quốc đã áp dụng để triển khai mục tiêu này. Nước này đã dùng đến mọi biện pháp, từ kinh tế, chính trị, ngoại giao cho đến tâm lý và cả thông tin tuyên truyền. 
Do vậy, có thể thấy thông tin tuyên truyền là một trong những mặt trận rất quan trọng. Có những thời điểm, mặt trận tuyên truyền còn quan trọng hơn cả mặt trận quân sự, ngoại giao hay pháp lý. 

V - Các kế sách của Trung Quốc trên Biển Đông 
Người Trung Quốc ngày nay học tập nhiều từ binh pháp Tôn Tử, nhưng cũng có rất nhiều cải tiến đối với loại binh pháp này. Người Trung Quốc biến các loại mưu kế trở thành một bộ môn khoa học và đưa vào các nội hàm mới cho những mưu kế này. 
Các ví dụ có thể kể đến là kế sách “tằm ăn dâu”, “biến không thành có”, “gác tranh chấp cùng khai thác”, “cây gậy và củ cà rốt”,... 
Trong đó, một trong những kế sách thâm độc nhất của Trung Quốc là chiến thuật “vùng xám”, tức dân sự hoá các hoạt động quân sự và bán quân sự, không sử dụng hải quân cũng như các hoạt động có cường độ quá mạnh hay vượt qua một giới hạn đỏ nào đó. Mục đích của điều này là không để tạo ra những phản ứng quá quyết liệt từ các nước khác. Hiện nay chúng ta đang phải đối mặt với một kiểu xâm lược như “ tằm ăn lá dâu” -  " tiến dần dần " vậy

VI - Nhìn vào quá khứ, dự đoán tương lai 
Trong bức tranh về thực trạng ở Biển Đông, chúng ta có thể dựa vào những gì đã xảy ra trong quá khứ để nhìn nhận và dự đoán tương lai. 
Về trung hạn, Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục đưa dàn khoan vào thềm lục địa Việt Nam. Khả năng thứ 2 là Trung Quốc sẽ tạo ra một vùng nhận diện phòng không trên Biển Đông. Trung Quốc cũng có thể sẽ tiến hành chiếm giữ một số bãi đá ngầm mà chưa có quốc gia nào chiếm đóng. 
Dù rất hãn hữu, thế nhưng không loại trừ khả năng Trung Quốc sẽ đánh chiếm Trường Sa. Tuy nhiên điều này chỉ có thể xảy ra nếu họ có một thời cơ thích hợp. Người Trung Quốc thường chỉ hành động khi có thiên thời, địa lợi, nhân hòa và tính toán được rất kỹ cái giá phải trả. Đây chính là điểm để Việt Nam hoạch định các kế sách đối phó. 
Nếu Việt Nam có thể làm cho Trung Quốc không có được thiên thời, địa lợi, nhân hòa hoặc trong trường hợp có chiến tranh, nước này sẽ phải trả một cái giá rất đắt thì họ sẽ không dám đánh chiếm Trường Sa nữa. 
Trong 2 năm tới trước Đại hội, việc quân sự hoá Biển Đông sẽ được Trung Quốc thực hiện ráo riết hơn. Trung Quốc có thể đưa những lực lượng quân sự đông hơn ra chiếm đóng tại Trường Sa. Nước này cũng có thể vẽ ra lãnh hải của những hòn đảo mà hiện tại họ đang chiếm đóng, cũng như vùng nội thuỷ của các đảo này. Đây là những cảnh báo mà chúng ta cần phải lưu ý. 
Trung Quốc sẽ sớm thông qua Luật An toàn giao thông hàng hải sửa đổi. Từ dự thảo của bộ luật này, có thể thấy Trung Quốc có khả năng dựa vào đây để lập các vùng an toàn hàng hải trên biển. Điều gì sẽ xảy ra nếu vùng an toàn bao chùm lên các nhà giàn DK1 của Việt Nam. Bên cạnh đó,  tàu thuyền sẽ phải xin phép khi tiến vào vùng biển Trường Sa. Điều này cũng có nghĩa là các đảo của Việt Nam sẽ bị phong toả. 
Năm 2016, 2017, trên các phương tiện thông tin đại chúng của Trung Quốc đưa ra một dự báo cho thấy, Trung Quốc có thể đưa những nhà máy điện hạt nhân nổi ra Biển Đông. 
Nếu như các nhà máy điện hạt nhân nổi được triển khai tại Biển Đông, nó sẽ mang lại rất nhiều thách thức về chủ quyền, môi trường, kinh tế, tài nguyên và  đối với mạng sống của hàng trăm triệu người… 

VII - không gian sinh tồn của Dân tộc đang bị thách thức
Đầu tiên, cần phải nhận diện được thách thức của mình. Người Việt Nam có một điểm yếu, đó là có thể nhận diện được tất cả mọi thứ, trừ bản thân mình. Nếu chúng ta không sợ chiến tranh và chuẩn bị kỹ cho chiến tranh thì chúng ta sẽ có hòa bình. Còn nếu chúng ta sợ hãi thì lập tức chiến tranh sẽ đến, chúng ta mất hòa bình và mất cả chủ quyền lãnh thổ. Đây là vấn đề căn bản của mọi binh pháp trên thế giới. 
Đánh giá về tình hình hiện nay, có thể thấy vấn đề Biển Đông đang ngày càng phức tạp và diễn biến khó lường. Chủ quyền biển đảo Việt Nam đang bị thách thức nghiêm trọng và thách thức này sẽ còn nghiêm trọng hơn nữa trong tương lai. 
Các thách thức mà Việt Nam sẽ phải đối mặt là về chủ quyền, kinh tế biển, an ninh quốc phòng, môi trường phát triển và thách thức đối với không gian sinh tồn của dân tộc. Cuối thế kỷ 21, Việt Nam sẽ có quy mô dân số khoảng 140 triệu người. Lúc này chúng ta cần phải tiến ra biển, biển là niềm hy vọng và là không gian sinh tồn của những thế hệ sau này.
Con cháu chúng ta sống ở đâu nếu không tiến ra biển. Lúc đấy là chúng ta cần có thành phố biển, có làng mạc biển, có nông nghiệp biển, có công nghiệp biển, có cảng biển, có sân bay trên biển. Biển là niềm hi vọng, là không gian sinh tồn của những thế hệ sau này

Và tôi muốn nhấn mạnh điểm này: không gian sinh tồn của dân tộc mình đang bị thách thức...

( Trích )
Nguyễn Trường Giang
Tư Giang lược ghi 
*Nguyễn Trường Giang : Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Brunei, nguyên Viện trưởng Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao