Thứ Năm, 30 tháng 5, 2019
Cơ hội của gái xấu
Thứ Ba, 21 tháng 5, 2019
Bậc chân tu
Chủ Nhật, 19 tháng 5, 2019
Tỉnh dậy
Thế gian này có quá nhiều chuyện phiền não, vì vậy, rất nhiều người đi gặp Phật Tổ cùng hỏi về một vấn đề :
“Con nên làm thế nào,mới không còn những điều phiền muộn?”
Phật Tổ cho đáp án đều như nhau :
“Chỉ cần Buông Tay, con sẽ thôi không phiền não nữa.”
Có chàng trai bà la môn, cho rằng mình thông minh tỏ ý không phục, bèn đi gặp Phật Tổ và hỏi :
“Trên thế gian này có hàng ngàn, hàng vạn người, thì sẽ có hàng ngàn, hàng vạn điều phiền não. Nhưng, Người cho họ giải pháp đều hoàn toàn như nhau, vậy đó chẳng khác gì buồn cười lắm hay sao ?”
Phật Tổ không nổi giận, chỉ hỏi ngược lại chàng thanh niên :
“Buổi tối con ngủ có thường hay nằm mơ không ?”
“ Có chứ ... thưa Ngài !” Chàng trai trả lời.
“Vậy, mỗi buổi tối nằm mơ, giấc mơ đều như nhau không ?” Phật Tổ lại hỏi.
“Đương nhiên là khác nhau rồi mà !” Chàng trai tiếp tục
“Con ngủ hàng ngàn hàng vạn lần, thì sẽ mơ hàng ngàn hàng vạn lần giấc mơ.” Phật Tổ mỉm cười nói :
“Nhưng cách kết thúc giấc mơ, đều như nhau cả, đó là: TỈNH DẬY !”
- st -
Thứ Năm, 9 tháng 5, 2019
Trận đánh ở vòng cung Kursk
Với Chiến tranh thế giới lần thứ Hai, nhân loại đã phải trả một giá vô cùng to lớn cho chiến thắng trong cuộc chiến chống chủ nghĩa quốc xã. 72 quốc gia đã bị cuốn vào cuộc chiến này, và nó đã cướp đi sinh mạng của hơn 55 triệu người, trong đó 27 triệu là công dân Xô Viết và gây ra sự tàn phá, thiệt hại khổng lồ về vật chất. Chính Hồng quân Liên Xô đã giáng những đòn quyết định vào quân đội Phát Xít, đã đại phá đạo quân hùng mạnh của Đức quốc xã và không chỉ đánh đuổi quân thù ra khỏi Tổ Quốc của mình, mà còn góp phần đem lại tự do cho châu Âu, tạo điều kiện để giải phóng tiếp các dân tộc châu Á.
Các trận đánh quyết định trước khi kết
thúc cuộc chiến cũng đã diễn ra trên mặt trận Xô-Đức: trận đánh ngoại ô Moskva
(tháng 12 năm 1941 – tháng 1 năm 1942), trận Stalingrad (tháng 7 năm 1942 –
tháng 2 năm 1943) và cuối cùng là trận chiến quyết định trên vòng cung Kursk
(tháng 7 – tháng 8 năm 1943). Hàng trăm ngàn binh sỹ Xô viết đã hy sinh trên
các chiến trường. Ngay cả những đối tác phương Tây cũng không thể không công
nhận sự thực hiển nhiên này.
“ Chính quân đội Nga đã thọc vào tận gan
ruột cỗ máy chiến tranh của Đức”
- winston Churchill -
VÒNG CUNG KURSK - TRẬN ĐÁNH XE TĂNG LỚN NHẤT THẾ CHIẾN II
Trong Thế chiến II, ngoài trận chiến xe tăng tại Sa mạc Bắc Phi - El Alamein II giữa hai danh tướng Đức là Erwin Rommel và Anh là Bernard Law Montgomery năm 1942 thì đến mùa Hè năm 1943, đã diễn ra trận đấu tăng lớn bậc nhất lịch sử quân sự mang tên trận chiến Prokhorovka tại vòng cung Kursk với sự tham gia của trên 1.200 xe tăng, pháo tự hành của cả hai bên. Trận Prokhorovka là một phần trong cuộc đối đầu giữa Hồng quân và quân đội Đức quốc xã kéo dài 50 ngày đêm, từ ngày 5/7 đến 23/8/1943 tại vùng đồng bằng giữa các thành phố Kursk, Oryol, Belgorod và Kharkov . Trận đánh nổi tiếng này bắt đầu từ ngày 10/7 tại Pokrovka và lên đến đến đỉnh điểm là ngày 12/7 tại cánh đồng Prokhorovka, phía Nam của “Vòng cung Kursk”. Chỉ trong vòng 72 giờ, hai bên đã tung vào trận đánh những binh đoàn xe tăng hùng mạnh nhất với tổng số lên đến trên 1.200 xe tăng và pháo chống tăng tự hành tại khu vực được gọi là "rãnh tử thần".
I - Bối cảnh lịch sử
Được khích lệ bởi chiến thắng tại Stalingrad, Tổng tư lệnh Tối cao I. V. Stalin đã hạ lệnh cho Hồng quân tiến thẳng tới Rostov nhằm cắt đứt và hợp vây toàn bộ Cụm Tập đoàn quân Nam của Phát xít Đức. Hồng quân nhanh chóng chọc thủng phòng tuyến quân Đức nhưng trận tuyến của họ đã bị kéo căng quá mức. Thống chế Đức Erich von Manstein nhanh chóng nhận ra điểm yếu này, và ông ta ngay lập tức mở Chiến dịch Donets đánh thẳng vào cạnh sườn đang bị kéo căng của Hồng quân. Với kịch bản tương tự như ở Chiến dịch Barvenkovo-Lozovaya một năm về trước, cánh Nam của Hồng quân đã bị đánh sập, các mũi tấn công của Hồng quân đã bị bao vây và hủy diệt. Sau đó Quân Đức đã lấy lại được Kharkov vào ngày 14 tháng 3 năm 1943 và đẩy Hồng quân về phía Bắc sông Đông. Kết quả của chiến dịch Donets là một "chỗ lồi" có chiều dài 150 dặm tính từ Bắc xuống Nam. Nhân đà thắng lợi, Quân Đức ào vào đánh chiếm Belgorod nhưng rồi phải dừng cuộc tấn công do không đủ quân lực và Hồng quân vẫn giữ được Kursk. Sức kháng cự của Hồng quân sau vùng Kharkov càng lúc càng mạnh hơn và quân Đức khó có thể tiến xa hơn được nữa. Mặt trận trở nên ổn định vì cả hai phe đều mệt lả, không đủ sức để tấn công đối phương và "chỗ lồi" tại Kursk trên mặt trận Xô-Đức được hình thành..
Mùa hè năm 1943, Hitler đã quyết định phát động chiến dịch với mật danh là "Chiến dịch Thành Trì" (tiếng Đức: Untrenchmen Zitadelle ) để tấn công tổng lực vào Hồng quân tại khu vực vòng cung Kursk với mục đích nhằm hủy diệt lực lượng dự bị chiến dịch và chiến lược của Hồng quân, lấy lại thế cân bằng trên mặt trận đồng thời đoạt lại luôn quyền chủ động chiến lược mà Quân Đức đã để mất sau thất bại Stalingrad. Ông ta cho rằng một chiến thắng ở đây sẽ khẳng định sức mạnh của Đức, nâng cao uy tín với các đồng minh đang muốn rút khỏi cuộc chiến. Nếu quân Đức chọc thủng được các phòng tuyến của Nga ở Kursk và giành được chiến thắng mang tính quyết định trước Hồng quân, nhiều khả năng họ có thể xoay chuyển được cục diện chiến trường.
Vùng đồng bằng Kursk là một dải đất nhô cao nằm cách thủ đô Moscow khoảng 500 km về phía nam do Hồng quân kiểm soát, phần nhô ra rộng 193 km, dài 144,8 km vào sâu bên trong vùng đất do quân Đức kiểm soát. Cụm tập đoàn quân trung tâm Đức Quốc xã đã tạo được một vùng lõm ăn sâu vào tuyến phòng thủ của Hồng quân ở phía Bắc Kursk đến 70km. Cách thành phố Kursk khoảng 100 km về phía Nam, Cụm tập đoàn quân Nam chiếm đóng Kharkov - Belgorod và cũng tạo nên một vùng lõm thứ hai. Giữa hai vùng lõm này là Kursk, một trận tuyến hình cánh cung nhô về phía quân Đức có tổng chiều dài trên 500 km. Trong vòng cung đó Hồng quân có hai phương diện quân, hai bên cánh cung cũng có hai phương diện quân và sau cánh cung đó có một phương diện quân dự bị.
Ý đồ tấn công của quân đội Đức tại Kursk rất đơn giản. Từ hai hướng Bắc và Nam vòng cung Kursk, tập trung trên các khu vực Oryol và Belgorod các binh đoàn xe tăng mạnh, giáng đòn đột kích đồng thời từ hai phía theo trục bắc - nam, vào hợp điểm tại thành phố Kursk cắt rời mỏm đất này khỏi phần lãnh thổ còn lại của Nga. Bao vây và tiêu diệt khoảng 8 đến 10 tập đoàn quân Nga đang phòng thủ tại đó. Bước thứ hai, tiếp tục tấn công về phía đông, đẩy quân Nga trở lại tả ngạn sông Đông, khôi phục lại thế trận ở thượng lưu sông Đông như cuối mùa hè năm 1942. Toàn bộ chiều sâu nhiệm vụ của chiến dịch chỉ có 50 km ở hướng Bắc và 85 km ở hướng Nam. Ở thời điểm những năm 1940 - 1942, các binh đoàn xe tăng Đức có thể vượt qua khoảng cách này chỉ trong vòng từ 1 đến 2 ngày.
Ngày 17/2/1943, Hitler bay đến đây để bàn kế hoạch tác chiến với thống chế Erick von Manstein trên tiền tuyến trong ba ngày.
Khu vực sân bay nơi máy bay chở Hitler hạ cánh nằm sát với chiến tuyến của Hồng quân đến mức nằm trong tầm bắn của một số xe tăng T-34. Erich von Manstein chính là người đã phản đối kế hoạch tấn công và chủ trương chiến thuật phòng ngự, phản công bằng xe tăng. Theo ông ta, nên tập trung lực lượng để bảo vệ khu vực Donbass - Kharkov - Nikopol vì nếu mất khu vực này sẽ mất cả Kiev và đồng nghĩa với thất bại. Thống chế Manstein muốn tấn công càng sớm càng tốt, lý tưởng nhất là ngay đầu tháng ba, tuy nhiên Hitler ra lệnh hoãn thực hiện chiến dịch cho tới khi tuyết trên mặt đất hoàn toàn tan hết. Hitler cũng muốn hoãn chiến dịch cho đến khi xe tăng Tiger và Panther được sản xuất đầy đủ, Ông ta đặc biệt kỳ vọng vào hai loại tăng kiểu mới này vì đây là các loại xe hạng nặng có hỏa lực mạnh và vỏ giáp dày hơn hẳn đối thủ hạng trung T-34 của Hồng quân.
Nhằm nhanh chóng lập lại thế trận trên chiến trường, sau một thời gian tích cực chuẩn bị, quân đội Đức quyết định tập trung tối đa lực lượng xe tăng, xe thiết giáp để chuẩn bị tấn công trên một trận tuyến chỉ có 500 km ở phía trước và hai bên vòng cung Kursk. Hitler đã huy động một lực lượng chưa từng có trong chiến dịch này nhằm tạo bước đột phá chiến lược trên mặt trận phía Đông. Để phục vụ cho trận đánh chiến lược quyết định này, quân đội Đức Quốc Xã đã huy động 22 sư đoàn bộ binh với tổng quân số 912.460 binh lính, 17 sư đoàn xe tăng, 2 sư đoàn bộ binh cơ giới với tổng số 2.078 xe tăng và 850 pháo tự hành (tổng cộng 2.928 xe) trong đó có 90 chiếc Elefant , 259 chiếc Panther và 211 chiếc Tiger I - loại xe tăng chiến đấu chủ lực lừng danh của Đức, 9.966 khẩu pháo các loại, 2.110 máy bay chiến đấu.
Lực lượng này chiếm đến 17% số sư đoàn bộ binh, 70% số sư đoàn xe tăng, 30% số sư đoàn cơ giới và 60% số máy bay của Đức trên mặt trận phía Đông Trận chiến này cũng được coi là phép thử của quân đội Đức khi họ tung vào trận địa những loại phương tiện mới nhất của mình bao gồm xe tăng Panther, xe tăng Tiger cải tiến, pháo tự hành hạng nặng Elefant và 2 loại chiến đấu cơ là tiêm kích Focke-Wolfe 190A và Henschel 129.
Theo chỉ thị của Hitler, 5 tập đoàn quân tham gia chiến dịch có nhiệm vụ chọc thủng trận tuyến Hồng quân ở hai cánh Nam và Bắc của Vòng cung Kursk nhằm thực hiện hai đòn vu hồi bao vây Hồng quân tại "chỗ lồi" Kursk. tập đoàn quân Trung tâm do Thống chế Günther Von Kluge chỉ huy phối hợp cùng Tập đoàn quân số 9 do tướng Walter Model chỉ huy tạo thành gọng kìm ở phía Bắc. Tập đoàn quân phía Nam do Thống chế Erich Von Manstein chỉ huy phối hợp cùng Quân đoàn Panzer 4 tấn công vào khu vực phía Nam. Ban đầu chiến dịch dự định sẽ bắt đầu vào ngày 3/5/1943, nhưng sau đó Hitler đã cho hoãn chiến dịch đến ngày 12/6, rồi lại tiếp tục trì hoãn đến ngày 5/7 để chờ đợi các vũ khí mới như xe tăng Panzer và nâng cấp xe tăng Tiger. Hitler ra lệnh cho các tướng lĩnh phải giành chiến thắng bằng mọi giá, đồng thời tuyên bố trận chiến ở Kursk là "lời cảnh báo cho toàn thế giới".
Về phía Nga, từ các thông tin tình báo và trinh sát thu thập được, Bộ tổng tham mưu đã biết trước kế hoạch của Đức quốc xã nên đã kịp huy động một lực lượng rất lớn tập chung vào Khu vực vòng cung Kursk. Tình báo Nga đóng vai trò cực kỳ lớn trong chiến dịch này. Cụ thể, tình báo Anh đã giải mật được kế hoạch của Đức quốc xã nhưng quyết không chia sẻ thông tin này, may mắn là tình báo Nga tham gia vào cuộc giải mật này của Anh đã bắn tin về Moscow kịp thời. Kế hoạch của Nga là tổ chức phòng ngự tích cực tại "chỗ lồi" Kursk. Nguyên soái Zhukov đã thuyết phục I. V. Stalin rằng Hồng quân không nên tấn công mà cần phải tổ chức xây dựng tuyến phòng ngự vững chắc làm tiêu hao lực lượng tiến công của Đức. Khi các đợt tấn công của quân Đức suy yếu và buộc phải dừng lại thì lúc đó, với lực lượng dự bị dồi dào trong tay, Hồng quân sẽ ngay lập tức mở cuộc phản công quy mô lớn với các đơn vị cánh trái của Phương diện quân Bryansk và cánh phải của Phương diện quân tây nam cùng toàn bộ Phương diện quân Thảo nguyên nhằm giành thắng lợi quyết định. Lúc này, Hồng quân không còn phải tổ chức phòng ngự chiến lược trên toàn mặt trận như hồi ở Moskva năm 1941, vì vậy họ đã có thể xây dựng một hệ thống phòng thủ dày đặc nhiều tầng nhiều lớp bao gồm 6 vành đai phòng thủ với chiều sâu 130-150 km trong đó có 3 khu vực phòng ngự chính với chiều sâu 40 km. Lực lượng công binh đã cài 503.663 quả mìn chống tăng, 439.348 quả mìn sát thương trên 3 khu vực phòng ngự chính. 4.800 km giao thông hào đã được đào chằng chịt trong khu vực. Các bãi mìn tại khu vực Kursk có mật độ 1.700 quả mìn sát thương và 1.500 mìn chống tăng trên km 2, gấp 4 lần mật độ được sử dụng để bảo vệ Moscow. Mật độ pháo chống tăng trên các tuyến cũng cao hơn bất kỳ chiến dịch phòng thủ nào trước đó. Ở Ponyri trên hướng Oryol - Kursk, một quân đoàn pháo binh lấy từ lực lượng dự bị của Đại bản doanh đã được triển khai gồm hơn 700 khẩu, đạt mật độ 92 khẩu pháo chống tăng trên 1 km chính diện. Ở hướng Belgorod - Kursk mật độ này cũng đạt 30 khẩu pháo chống tăng trên 1 km chính diện.
Lực lượng huy động cho chiến dịch phòng ngự tại vòng cung Kursk là bộ đội thuộc các Phương diện quân Trung tâm và Voronezh dưới quyền chỉ huy của thượng tướng Konstantin Rokossovsky và đại tướng Nikolai Vatutin giữ vai trò chính trong giai đoạn phòng ngự. Các đơn vị cánh trái của Phương diện quân Bryansk và cánh phải của Phương diện quân tây nam cùng toàn bộ Phương diện quân Thảo nguyên do đại tướng Ivan Konev chỉ huy tham gia vào giai đoạn phản công. Với những lực lượng dự bị mới được xây dựng lên đến 10 tập đoàn quân. Bộ Tổng tư lệnh tối cao đã xây dựng cả một Phương diện quân dự bị mới là Phương diện quân Thảo Nguyên được bố trí trên tuyến phòng thủ chiến lược quốc gia dài trên 300 km, cách vòng cung Kursk từ 150 đến 300 km về phía đông.
Lực lượng Hồng quân tham gia phòng ngự tại Kursk lên đến 1,3 triệu người, 3.600 xe tăng các loại, 2.729 máy bay chiến đấu các loại, hơn 20.000 khẩu pháo chủ yếu là pháo chống tăng với khoảng hơn 6.000 khẩu 76,2 mm và 920 bệ phóng hỏa tiễn Katyusha. Lực lượng này chiếm 26% tổng quân số Hồng quân, 26% lực lượng pháo binh, 35% máy bay và 46% lực lượng tăng thiết giáp. Ngoài xe tăng hạng trung T-34 được sử dụng phổ biến, mỗi quân đoàn tăng đều có từ 1 đến 2 tiểu đoàn được trang bị xe tăng hạng nặng IS-1 có tính năng không thua kém xe tăng “Tiger I” của Đức.
Ước lượng có khoảng 6.000 xe tăng, 4.000 máy bay, 2 triệu binh lính của cả hai bên đã được huy động trong trận Vòng cung Kursk. Sự huy động này đã biến chiến dịch "Vòng cung Kursk" trở thành một trong những khu vực được bố phòng dày đặc nhất trong lịch sử chiến tranh.
Việc hoãn kế hoạch tấn công muộn hơn 2 tháng của Đức đã tạo thêm thời gian cho Nga xây dựng tuyến phòng ngự kỹ lưỡng nhất. Trong thời gian chờ đợi đó, một số tư lệnh phương diện quân như K. K. Rokossovsky, Popov đề nghị nên tranh thủ thời gian quân Đức còn đang chuẩn bị để ra đòn tấn công chặn trước đối phương. Mặc dù không đồng ý với các đề xuất đó nhưng Bộ Tổng tư lệnh tối cao Hồng quân lại khuyến khích các Phương diện quân tiến hành các đòn "phản chuẩn bị" bằng không quân và pháo binh nhằm phá hoại các phương tiện, vũ khí của quân đội Đức Quốc xã và làm suy yếu các cánh quân xung kích Đức đã tập trung tại hai khu vực phía nam Oryol và phía bắc Kharkov.
Không quân Xô viết đã tổ chức một loạt đòn không kích quy mô lớn trong một tuần liền từ ngày 6 đến ngày 13 tháng 5 vào hệ thống giao thông và các sân bay thuộc các tập đoàn không quân 4 và 6 của Đức. Đòn đột kích bất ngờ đầu tiên lúc chiều muộn và kéo dài đến đêm ngày 6 tháng 5 đã làm cho không quân Đức hoàn toàn bất ngờ và bị thiệt hại nặng. Chỉ trong ba ngày đầu không kích, hơn 400 máy bay Đức các loại bị thiêu cháy trên các sân bay, 16 chiếc bị bắn rơi trong không chiến, 85 xe tăng và hơn 120 khẩu pháo bị phá hủy. Hồng quân mất 18 chiến đấu cơ.
Từ ngày 11 đến ngày 13 tháng 5, các trận không kích của Hồng quân được tiến hành vào ban đêm đã phá hủy thêm 200 máy bay Đức. Hồng quân mất hơn 22 chiếc đều do cao xạ Đức bắn rơi.
II - Diễn biến chiến dịch
1. Giai đoạn Quân Đức tấn công
Sau nhiều lần trì hoãn tiến công để chuẩn bị binh lực, chiến dịch tấn công vào vòng cung Kursk của quân Đức chính thức mở màn vào ngày 5 tháng 7 năm 1943. Trước đó, qua công tác trinh sát và thông tin từ 2 tù binh Đức vừa bị bắt, Hồng quân đã nắm được giờ tấn công của Đức là vào 3 giờ sáng ngày 5 tháng 7. Các chỉ huy Nga trên chiến trường là nguyên soái Zhukov và nguyên soái Vasilevsky quyết định tấn công phủ đầu quân Đức bằng hỏa lực pháo binh và hỏa tiễn Katyusha mà không chờ lệnh của Bộ Tổng tư lệnh tối cao vì thời gian không còn nhiều. 2 giờ 30 phút ngày 5 tháng 7, hơn 2.000 dàn Katyusha BM-13 cùng gần 10.000 nòng pháo kết hợp với các máy bay ném bom dội một trận bão lửa lên tất cả các tuyến chuẩn bị tấn công của hai cánh quân xung kích Đức Quốc xã. Bị pháo kích dữ dội suốt nhiều giờ, quân Đức mất gần hai tiếng đồng hồ mới có thể tái tổ chức đội hình chiến đấu. Lúc 4 giờ 40 phút, sau khi Hồng quân ngừng pháo kích, các máy bay trinh sát Đức mới xuất hiện trên bầu trời, bắt đầu chỉ điểm cho máy bay cường kích và pháo binh bắn phá dọn đường tấn công nhưng hỏa lực không đạt được mật độ dày đặc.
Đến 6 giờ sáng, quân Đức thuộc cụm tập đoàn quân Trung tâm ở cánh Bắc dưới quyền của Thống chế Günther von Kluge với 590 xe tăng và 424 pháo tự hành bắt đầu xuất phát tấn công. Mũi xung kích gồm có 8 sư đoàn xe tăng, 1 sư đoàn cơ giới và 11 sư đoàn bộ binh thuộc Tập đoàn quân xe tăng 2 và Tập đoàn quân 9 tấn công trên một địa đoạn trận tuyến hẹp chỉ dài 40 km từ Tureyka, phía nam Varonyets đến Trosna, phía tây bắc Maloarkhangensk. Yểm hộ phía sau là 3 quân đoàn bộ binh được giao nhiệm vụ bảo vệ sườn và kiềm chế chính diện từ Sevsk qua Rynsk đến Sumy. Hướng đột kích chủ yếu của cánh quân xung kích Đức nhằm vào điểm nối giữa sườn phải của Tập đoàn quân 13 Hồng quân với sườn trái của Tập đoàn quân 48 trên khu vực Pokrovskoye -Maloarkhangensk và điểm nối giữa sườn trái của Tập đoàn quân 13 với Tập đoàn quân 70 tại khu vực Soborovka - Olkhovatka. Với ý đồ bao vây và tiêu diệt Tập đoàn quân 13 Hồng quân tại Ponyri. Kết quả khả quan duy nhất trong ngày 5 tháng 7 mà quân đội Đức đạt được tại cánh Bắc là cuộc đột kích thành công đẫm máu của các sư đoàn xe tăng 9, 20 và các sư đoàn bộ binh 6 và 78 thuộc Quân đoàn xe tăng 47 của tướng Joachim Lemelsen kết hợp với các quân đoàn bộ binh khi đẩy lùi Quân đoàn bộ binh 29 Hồng quân, đánh chiếm các làng Podolyan và Soborovka, cách tuyến xuất phát tấn công 8 km và uy hiếp Olkhovatka.
Sáng ngày 7 tháng 7, tướng Rokossovsky sử dụng Quân đoàn xe tăng 19 (Tập đoàn quân xe tăng 2) và lữ đoàn xe tăng 2 (Tập đoàn quân 13) tổ chức phản đột kích vào sườn trái của Quân đoàn xe tăng 47 Đức với ý đồ khôi phục tuyến phòng thủ liên tục của Tập đoàn quân 13 trên hướng Olkhovatka. Cánh phải của Tập đoàn quân 48 cũng tham gia phản đột kích.Trong cuộc phản kích này, Quân đoàn xe tăng 19 Hồng quân đã áp dụng một chiến thuật mới. Lợi dụng địa hình các khe hẹp giữa thượng nguồn hai con sông Oka Svapa, bộ binh đã bất ngờ tấn công vượt qua hàng rào xe tăng Đức, đánh thẳng vào các sư đoàn bộ binh đi tháp tùng, hất bộ binh Đức ra xa xe tăng và vấn đề còn lại được giải quyết giữa 2 sư đoàn xe tăng Đức và 3 lữ đoàn xe tăng Hồng quân. Mặc dù cuộc phản kích không đạt được kết quả, Quân đoàn xe tăng 19 mất hẳn một lữ đoàn xe tăng nhưng đã làm chậm thêm tốc độ tấn công của Quân đoàn xe tăng 47( Đức ), hơn 30 xe tăng Đức bị phá hủy trước cửa ngõ Olkhovatka. Quân Đức chỉ tiến thêm được 2 km, cách tuyến xuất phát 10 km. Cùng ngày,Thống chế Günther von Kluge tung nốt Quân đoàn xe tăng 56 thuộc Tập đoàn quân 9 là lực lượng dự bị chiến dịch cuối cùng vào trận. Các sư đoàn xe tăng 5 và 25 của quân đoàn này đã đẩy lùi Quân đoàn xe tăng 19, Quân đoàn bộ binh 17, các sư đoàn bộ binh cận vệ 6 và 70 của Hồng quân lùi sâu thêm 2 km về tuyến phòng thủ thứ ba, sát ngoại vi phía bắc Olkhovatka. Quân đoàn xe tăng 41 của Đức cũng mở cuộc tấn công tiếp theo vào Ponyri nhưng vẫn phải dừng lại ở cửa ngõ phía bắc thành phố trước lớp phòng thủ thứ ba của tuyến phòng thủ thứ nhất. Tại đây, quân Đức đã vấp phải một hàng rào pháo chống tăng dày đặc với trung bình 35 khẩu trên một km chính diện, nơi dày đặc nhất đến 92 khẩu/km. Các sư đoàn xe tăng Đức phải chiến đấu như pháo binh với Sư đoàn pháo binh 5 và Lữ đoàn pháo chống tăng 13 của Hồng quân.
Ngày 8 tháng 7, trong một nỗ lực cuối cùng, tướng Walter Model chỉ huy tập đoàn quân 9 đã ra lệnh tập trung cả hai quân đoàn xe tăng 56 và 47 với tổng cộng số xe tăng còn lại hơn 300 chiếc đồng loạt công kích khu phòng thủ Olkhovatka, phá vỡ tuyến phòng thủ ở điểm nối giữa Sư đoàn bộ binh 15 và Sư đoàn bộ binh 70 của Hồng quân. Ở cánh phải, quân đoàn xe tăng 41 của Đức cũng đột nhập được vào Ponyri. Buổi trưa cùng ngày, tướng K. K. Rokossovsky huy động toàn bộ Tập đoàn quân xe tăng 2 tham chiến. Quân đoàn xe tăng 19 tiến ra hướng Tureyka - Gnilets, Quân đoàn xe tăng 16 tiến ra tuyến Olkhovatka, Quân đoàn xe tăng 3 tiến ra Ponyri. Quân đoàn xe tăng 9 cũng được rút khỏi đội hình Tập đoàn quân 65 để tăng cường cho mũi phản đột kích ở Olkhovatka. Chiều tối ngày 8 tháng 7, các quân đoàn xe tăng 47 và 56 của quân Đức bị chặn đứng tại tuyến Samodurovka - Skova (snava). Sáng ngày 9 tháng 7, Quân đoàn xe tăng 3 phối hợp với các sư đoàn bộ binh 18 và 307 mở hai mũi tấn công gọng kìm, đánh bật quân đoàn xe tăng 41 của Đức ra khỏi Ponyri. Ở cánh trái, Quân đoàn xe tăng 19 cùng với các sư đoàn bộ binh 15, 132 và 280 của Hồng quân lấy lại các thị trấn Tureyka và Gnilets.
Sau một tuần tấn công, cánh Bắc chỉ tiến được không quá 12 km. Vấp phải sức chống trả quyết liệt của Phương diện quân Trung tâm do thượng tướng K. K. Rokossovsky và Phương diện quân Voronezh do đại tướng N. F. Vatutin chỉ huy, quân đội Đức Quốc xã đã bị chặn lại trong suốt một tuần ở gần thành phố Oryol. Ngay sau đó, ngày 12 tháng 7 Hồng quân đã mở Chiến dịch Kutuzov đẩy lui mũi phía Bắc của quân Đức.
Cánh Nam của quân Đức với Tập đoàn quân xe tăng 4 và Cụm tác chiến Kemf triển khai tấn công muộn hơn cánh quân phía bắc khoảng một giờ do phải chịu nhiều thiệt hại từ các đợt pháo kích lúc sáng sớm của Hồng quân. Chỉ huy cụm tập đoàn quân Nam là Thống chế Erich von Manstein, đã huy động 25 sư đoàn, trong đó có 10 sư đoàn tăng, 1 sư đoàn cơ giới với 1.269 xe tăng và 245 pháo tự hành, 14 sư đoàn bộ binh tấn công trên chính diện hơn 80 km từ Dmitryevka qua Belgorod đến Shebekino phía bắc Vovchansk. Kế hoạch tấn công gồm ba mũi đột kích theo hình bàn tay xòe, có binh lực tương đương nhau và đều do các sư đoàn xe tăng mở đường:
Cánh trái sử dụng Quân đoàn xe tăng 48 có 2 sư đoàn xe tăng, 1 sư đoàn cơ giới và Quân đoàn bộ binh 52 gồm 4 sư đoàn bộ binh tấn công thẳng lên phía bắc qua Oboyan đến Kursk.
Cánh giữa mạnh hơn cả gồm Quân đoàn xe tăng SS số 2 và Quân đoàn xe tăng 3, tổng cộng có 6 sư đoàn xe tăng và 2 sư đoàn bộ binh, tấn công từ Belgorod hướng đến Stary Oskol.
Cánh phải sử dụng Quân đoàn bộ binh 42 (gồm một sư đoàn xe tăng, ba sư đoàn bộ binh) cùng với Quân đoàn "Raus" tấn công từ Vovchansk hướng đến Novy Oskol.
Erich von Manstein giữ lại Quân đoàn bộ binh 57 (gồm một sư đoàn xe tăng, hai sư đoàn bộ binh) làm lực lượng dự bị chiến dịch, trước mắt có nhiệm vụ phòng thủ chỗ lồi Lyman đề phòng Tập đoàn quân 57 Hồng quân - thuộc phương diện quân tây nam đột kích vào Kharkov.
6 giờ 30 sáng ngày 5 tháng 7, pháo binh và không quân Đức đã dội hỏa lực lên tuyến phòng thủ của Phương diện quân Voronezh để dọn đường. Một số trận không chiến đã diễn ra ngay trên tiền duyên.
7 giờ sáng, Tập đoàn quân thiết giáp số 4 của Thượng tướng Hermann Hoth do Quân đoàn tăng SS số 2 làm tiên phong đã phát động cuộc tấn công quy mô vào tuyến phòng ngự dài từ 10-15 dặm của Hồng quân với 500 xe tăng ở mũi tấn công chính; các xe tăng hạng nặng đi tuyến đầu, được hỗ trợ bằng xe tăng hạng trung và bộ binh phía sau. Ở cánh giữa, Quân đoàn xe tăng 48 cùng Quân đoàn xe tăng SS số 2 đã chiếm được một bàn đạp rộng 8 km, đánh chiếm thị trấn Bykovka và khoan sâu lỗ đột phá lên đến 10 km về hướng Yakovlevo.Tướng Vatutin ra lệnh cho Tập đoàn quân 40 của tướng Moskalenko điều sư đoàn bộ binh 161 và lữ đoàn xe tăng 86 phản kích vào sườn trái của sư đoàn xe tăng 3 (Đức) tại khu vực Dmitryevka nhưng cuộc phản kích bị các lực lượng xe tăng trội hơn của Đức đẩy lùi. Các sư đoàn bộ binh cận vệ 52, 67 và 71 của Quân đoàn bộ binh cận vệ 22 thuộc Tập đoàn quân cận vệ 6 Hồng quân chống cự kịch liệt trên các lớp phòng thủ thứ nhất và thứ hai. Đến cuối ngày, họ buộc phải rút lui. Trên cánh phải, mũi tấn công của Quân đoàn xe tăng 3 và Quân đoàn Raus vào địa đoạn Solomino - Maslova Pristan cũng tạo được một chỗ lõm dài 15 km, sâu 10 km vào tuyến phòng ngự của Quân đoàn bộ binh cận vệ 25 thuộc Tập đoàn quân cận vệ 7. Quân đoàn xe tăng 3 bắt đầu chuyển hướng về phía bắc, tấn công dọc theo sông Razumnaya và đến cuối ngày đã tiến đến tuyến Yastrebovo - Belgorod. Sư đoàn bộ binh cận vệ 78 bị bao vây và tổn thất nặng nề. Trong trong 24 giờ giao tranh đầu tiên, quân Đức cố gắng phá vỡ phòng tuyến Hồng quân 4 lần, và giành được 10 km đất nhưng cái giá phải trả không hề rẻ khi có tới 25.000 quân thương vong, 200 xe tăng và pháo tự hành cùng 200 máy bay bị phá hủy.
Ngày 6 tháng 7, Tướng Herman Hoth tập hợp 5 sư đoàn xe tăng, 1 sư đoàn cơ giới và 6 sư đoàn bộ binh Đức với hơn 650 xe tăng đồng loạt tấn công vào các lớp phòng thủ thứ hai và thứ ba của Tập đoàn quân cận vệ 6, mở rộng khu vực đột phá rộng tới 45 km trên chính diện phía nam của vòng cung Kursk với chiều sâu lên đến 20 km so với trước ngày 5 tháng 7. Tướng Vatutin phải điều Tập đoàn quân xe tăng 2 của tướng M. E. Katukov ra hỗ trợ cho Tập đoàn quân cận vệ 6 lúc này đã kiệt sức giữ lớp phòng thủ thứ ba. Quân đoàn xe tăng 6 được điều ra hướng Alekseevka, dựa vào tuyến sông Pena để phòng thủ. Quân đoàn cơ giới 3 chốt giữ hai bên con đường nhựa chiến lược từ Yakovlevo đi Oboyan. Quân đoàn xe tăng cận vệ 5 giữ Pokrovka và con đường tỉnh lộ đi Prokhorovka. Sư đoàn bộ binh cận vệ 51 của Hồng quân giữ Ozerovo. 12 sư đoàn Đức đã bị giam chân trên tuyến phòng thủ này suốt 4 ngày. Riêng trong ngày 6 tháng 7, Tập đoàn quân xe tăng 4 của Đức và Cụm tác chiến Kemf đã mất gần 200 xe tăng và hơn 100 máy bay.
Sau 4 ngày tấn công, quân Đức đã tiến sâu được 35km vào trong phòng tuyến của Nga khi tìm ra được điểm yếu của phòng tuyến này. Với trang bị tốt, các xe tăng liên lạc hiệu quả, kèm theo đó là các loại tăng mới có giáp cực dày đóng vai trò mũi nhọn, quân đội Đức đã nghiền nát quân Nga, Sư đoàn bộ binh 183 và Quân đoàn thiết giáp số 2 của Nga thậm chí còn gần bị xóa sổ khi phải đối mặt với sức tấn công mạnh mẽ của xe tăng Đức.
Ngày 7 tháng 7, Quân đoàn xe tăng 3 của tướng Hermann Breith và Quân đoàn Raus của tướng Erhard Raus thuộc Cụm tác chiến Kemf đã gây bất ngờ lớn cho Hồng quân khi không tấn công mở cánh sang phía tây như kế hoạch mà đột kích thẳng lên phía bắc dọc theo hành lang giữa hai con sông Bắc Donets và Razumnaya, không tấn công thẳng vào các lớp phòng thủ của Hồng quân qua ngả Oboyan như phán đoán ban đầu của Bộ Tổng tham mưu mà tấn công lên hướng Đông Bắc, vòng ra phía sau toàn bộ tuyến phòng thủ thứ nhất và thứ hai của Hồng quân, tiến rất nhanh song song với các tuyến này.
Đến ngày 10 tháng 7, Quân đoàn xe tăng 3 đã vượt được hơn 60 km đánh chiếm các thị trấn Melikhovo, Gostishchevo, Kazachye và một loạt các điểm dân cư, uy hiếp cụm phòng thủ Belenikhino của Tập đoàn quân 69 từ phía đông nam. Tình hình mặt trận phía nam Kursk diễn biến đột ngột bất lợi cho Hồng quân khi bốn sư đoàn xe tăng và một sư đoàn cơ giới Đức đang tiến đến Prokhorovka trong khi hai sư đoàn bộ binh 167 và 176 Đức mở mũi tấn công sang phía đông, hướng vào khu phòng thủ Belenikhino. Chặn đánh hai binh đoàn xe tăng hùng mạnh gồm hơn 500 chiếc của Đức Quốc xã tại đây chỉ còn trơ trọi Quân đoàn xe tăng cận vệ 5 thuộc Tập đoàn quân xe tăng 1 và sư đoàn bộ binh cận vệ 51 thuộc Tập đoàn quân cận vệ 6 với vỏn vẹn 135 xe tăng các loại. Quân đoàn xe tăng cận vệ 2, các sư đoàn bộ binh 31, 39 và sư đoàn đổ bộ đường không 37 phải chiến đấu trên cả hai hướng khi quân đoàn xe tăng 3 của Đức và quân đoàn Raus đã vượt sông Bắc Donets đánh vào phía sau Belenikhino.Tướng Koniev phải chuyển cho tướng Vatutin Quân đoàn xe tăng 2 lấy từ Tập đoàn quân 46 để phản đột kích vào sườn quân đoàn xe tăng 3 của tướng Hermann Breith nhưng không kịp. Chính tại thị trấn Pokrovka nhỏ bé trên bờ sông Vorskla này, vào ngày 10 tháng 7 đã bắt đầu diễn ra trận đấu tăng nổi tiếng kéo dài suốt 3 ngày trên cánh Nam của vòng cung Kursk.
8 giờ sáng ngày 10 tháng 7, hai quân đoàn xe tăng 48 và SS số 2 thuộc Tập đoàn quân xe tăng 4 của Đức bắt đầu tấn công từ hai hướng tây nam và Nam vào thị trấn Pokrovka. Các sư đoàn bộ binh 255 và 332 của Quân đoàn bộ binh 52 được tăng cường Sư đoàn xe tăng 11 vượt sông Tsena đột phá vào Novenkoye, buộc Quân đoàn xe tăng 6 của Hồng quân phải rút lui về giữ Novenkoye. Các sư đoàn bộ binh 57 và 112 của Đức đã đẩy lùi Quân đoàn cơ giới 3 ( Hồng quân ) sâu thêm 10 km về Kurasovka. Đến cuối ngày, sau khi bị mất 12 xe tăng, Quân đoàn tăng cận vệ 5 bị đẩy ra khỏi vị trí phòng thủ thuận lợi trong thị trấn Pokrovka và bắt đầu lùi dần theo đường nhựa Pokrovka về phía tây bắc, vừa lùi vừa tổ chức phản kích. Các tập đoàn không quân 2 và 5 được lệnh tập trung máy bay cường kích yểm hộ cho Quân đoàn xe tăng cận vệ 5 và Sư đoàn bộ binh cận vệ 51 trên mặt đất đang rút lui. Hơn 450 phi vụ của các máy bay IL-2 đã được huy động dành riêng cho một đoạn đường chỉ dài 25 km từ Pokrovka đến Prokhorovka. Trong suốt hai ngày sau đó, Quân đoàn xe tăng cận vệ 5 phải chống giữ một mất một còn với 2 quân đoàn xe tăng Đức. Trong ngày cuối cùng, dù có máy bay IL-2 yểm hộ nhưng quân đoàn đã phải tác chiến bằng cách một đổi một với xe tăng Đức và về được đến Prokhorovka với hơn 50 xe tăng còn hoạt động được. Trinh sát đường không của Hồng quân đếm được gần 200 xác xe tăng của cả 2 bên rải dọc 25 km đường nhựa Pokrovka - Prokhrovka.
Sau một tuần tấn công, cánh Nam của Cụm tập đoàn quân Nam tiến được 36 km trên hướng Belenikhino - Gotishchevo. Ở hướng Đông Bắc, các lực lượng thiết giáp Đức cùng các đơn vị SS đã chọc thủng trận tuyến của Hồng quân, vượt được hơn 60 km từ tuyến Belgorod - Yastrebovo đến phía Rzhavets, và tiến gần tới làng Prokhorovka.
Ngày 11 tháng 7, mũi tiến công của quân đoàn xe tăng SS số 2 do tướng Paul Hausser chỉ huy đã tiến được tới nhà ga Prokhorovka và đe dọa bao vây Tập đoàn quân xe tăng số 1 của Hồng quân. Nhà ga này lại nằm ngay khu vực trung tâm phòng tuyến của Phương diện quân Voronezh. Bộ tư lệnh Phương diện quân Voronezh ra lệnh rút bỏ khu phòng thủ Belenikhino, tập trung Quân đoàn xe tăng cận vệ 2 và Quân đoàn cơ giới cận vệ 35 về Prokhorovka. Lúc này, Hồng quân quyết định phải tung một phần lực lượng dự bị sớm hơn so với dự kiến để chặn mũi tiến công của Đức. Mặc dù có sự phản đối của tướng I. S. Konev, chỉ huy Phương diện quân Thảo nguyên nhưng Nguyên soái Zhukov đã quyết định tung Tập đoàn quân xe tăng cận vệ số 5 của tướng Rotmistrov và Tập đoàn quân cận vệ số 5 của tướng Zhadov thuộc Phương diện quân Thảo nguyên vào mặt trận để bịt lỗ hổng. Sư đoàn súng trường cận vệ số 42 cũng ngay lập tức được huy động.
Chiều 11 tháng 7, Quân đoàn xe tăng 3 của tướng Hermann Breith đánh chiếm Belenikhino, tiến lên phía bắc hội quân với Quân đoàn xe tăng 48 (thiếu Sư đoàn xe tăng 11) và Quân đoàn xe tăng SS số 2 ở gần làng Prokhorovka. Mặc dù bị tổn thất gần 100 xe tăng trong cuộc truy đuổi Quân đoàn xe tăng cận vệ 5 Hồng quân nhưng hai quân đoàn xe tăng 48 và quân đoàn xe tăng SS số 2 vẫn còn khá sung sức với tổng cộng hơn 494 xe tăng và pháo tự hành còn hoạt động tốt.
Đêm 11 tháng 7, các lực lượng của Hồng quân đã tập kết tại Prokhorovka sẵn sàng để đón đánh quân Đức. Tập đoàn quân xe tăng cận vệ 5 còn nguyên vẹn với khoảng 500 xe, trong đó có 118 xe tăng hạng nặng các loại KV-85/IS-1 của Quân đoàn xe tăng 10. 126 xe tăng của Quân đoàn xe tăng 2 (Tập đoàn quân cận vệ 5), 115 xe tăng của Quân đoàn xe tăng cận vệ 2 và 81 xe tăng của Quân đoàn cơ giới cận vệ 35. Trong số gần 50 xe tăng còn lại của Quân đoàn xe tăng cận vệ 5 vẫn còn hơn 10 chiếc sử dụng được.Tham gia trận Prokhorovka còn có Quân đoàn bộ binh cận vệ 32 thuộc Tập đoàn quân cận vệ 5 của trung tướng Zhadov.
Sáng hôm sau, ngày 12 tháng 7 năm 1943, trên cánh đồng làng Prokhorovka đã diễn ra trận đấu xe tăng với quy mô lớn nhất trong lịch sử quân sự.
2. 72 giờ đẫm lửa tại "Rãnh tử thần"
Trận đấu xe tăng lớn nhất trong lịch sử chiến tranh thế giới đã được mở màn từ ngày 10 tháng 7 năm 1943 và kéo dài suốt 3 ngày trên cánh đồng Prokhorovka ở phía Nam của “Vòng cung Kursk”. Trận đánh lên đến đỉnh điểm vào ngày 12 tháng 7 với cuộc đối đầu giữa gần 600 xe tăng Đức và hơn 800 xe tăng Nga. Chỉ trong vòng 3 ngày, hai bên đã tung vào trận chiến những sư đoàn xe tăng mạnh nhất với tổng số lên đến 1.464 xe tăng và pháo chống tăng tự hành. Trận đánh tại cánh đồng Prokhorovka đã trở thành cuộc chạm trán xe tăng lớn nhất lịch sử nhân loại.
Lực lượng Đức trong trận Prokhorovka chủ yếu bao gồm 6 sư đoàn xe tăng và 1 sư đoàn cơ giới, trong đó có 3 sư đoàn xe tăng SS vốn đã chịu nhiều thiệt hại nặng từ những ngày đầu của trận Kursk. Các tài liệu Nga cho rằng quân Đức tung 500 –700 xe tăng, riêng Tiger I có 145 chiếc vào trận này. Về phía Hồng quân có 877 chiếc gồm cả xe tăng và pháo tự hành. Ngoài ra, Tập đoàn xe tăng cận vệ số 1 cũng tham gia tấn công một phần binh lực của quân đoàn thiết giáp số 48 của Đức; nhưng họ không được tính vào quân số tham chiến tại Prokhorovka. Một tài liệu khác đưa ra con số 616 xe thiết giáp Đức và 870 xe thiết giáp Nga tham gia trận Prokhorovka.
Chiến sự buổi sáng
7 giờ 15 sáng ngày 12 tháng 7, sau màn khai hỏa của pháo binh và không quân Đức, Quân đoàn xe tăng SS số 2 bắt đầu xuất phát tấn công. Ngay lúc đó, Hồng quân cũng mở đợt tấn công vào các mũi tiến quân của Đức. Với sự yểm hộ của 81 máy bay Yak-3, Yak-7, 177 Chiếc IL-2 của không quân Nga đã oanh tạc chính xác vào các đoàn xe tăng Đức đang tiến ra cánh đồng. Vài chục xe tăng Đức bốc cháy hoặc bị hư hại, nhưng cả đoàn xe vẫn giữ vững đội hình tấn công. Phi cơ của hai phía cũng lao vào quần nhau trong một trận không chiến dữ dội. Diễn biến các trận không chiến là một yếu tố quan trọng quyết định kết quả các đợt giao tranh của những đơn vị tăng thiết giáp bên dưới mặt đất. Do nhận được sự yểm hộ không đầy đủ của không quân, quân đoàn tăng 48 nhanh chóng trở thành mục tiêu dễ ngắm của không quân Xô Viết và buộc phải chuyển sang trạng thái phòng ngự. Để tăng thêm sức ép, quân đoàn xe tăng số 10 và Tập đoàn quân xe tăng số 1 của Hồng quân đã được tung vào mặt trận nhằm vào quân đoàn tăng 48 của Đức. Tuy nhiên, không quân Đức cũng tổ chức một số đợt tấn công vào các đơn vị Hồng quân tại khu vực này. Sự kém hoạt động của không quân Đức đã khiến cho đợt tấn công của quân xe tăng 48 bị thất bại, và Quân đoàn tăng SS số 2 đã phải lao vào quần nhau với Tập đoàn quân xe tăng cận vệ số 4 mà không có cuộc tấn công hỗ trợ nào. Cả hai lực lượng này liên tiếp tung ra nhiều đợt công kích dữ dội vào nhau.
7 giờ 30 phút, Quân đoàn xe tăng 18 của tướng B. S. Bakharov tiến ra chặn đánh Sư đoàn xe tăng SS số 1 của Đức trên cánh trái. Ở cánh phải, Quân đoàn xe tăng 29 của tướng I. F. Kirichenko vòng qua sườn đồi đánh bọc sườn Sư đoàn xe tăng SS số 3. Với pháo 88mm và kính ngắm tốt, xe tăng Tiger I có thể tiêu diệt T-34 từ cự ly gần 2.000m, trong khi pháo 76mm trên T-34 không thể bắn thủng được giáp trước của Tiger ngay cả ở cự ly gần. Kết quả là hỏa lực pháo 88 mm của hơn 100 xe tăng Tiger I đã bẻ gãy cuộc tấn công của Quân đoàn xe tăng 18 trong khu vực nông trường Tháng Mười, buộc Quân đoàn này phải tổ chức phòng ngự vòng tròn. Đòn đánh thọc sườn của quân đoàn Kirichenko có hiệu quả hơn, toàn bộ Sư đoàn xe tăng SS số 3 phải lật cánh sang hướng Vasilyevka để đối phó, làm bộc lộ một khoảng sườn hở dài hơn 1 km giữa sư đoàn xe tăng SS số 3 và sư đoàn xe tăng SS số 2 đang tấn công ở giữa.
8 giờ 50 phút, tướng P. A. Rodmistrov tung Quân đoàn xe tăng 2 vào điểm nối giữa Sư đoàn xe tăng 3 và Sư đoàn xe tăng SS số 2. Sau đó không lâu, Quân đoàn xe tăng cận vệ 2 Tatsinskaya cũng được tung vào trận.
Để khắc phục điểm yếu của xe tăng T-34 là pháo 76 mm gắn trên xe có tầm bắn hạn chế hơn so với xe tăng Đức, Hồng quân đã sử dụng chiến thuật táo bạo khi cho xe tăng hạng trung T-34 cắt vào giữa đội hình xe tăng Đức. Những chiếc T-34 phát huy tối đa tốc độ và tính cơ động nhanh nhẹn quần thảo giữa đội hình những chiếc Tiger và Panzer nặng nề và diệt các xe tăng này bằng các đòn đánh từ phía sau và hai bên sườn. Chiến thuật áp sát của các xe tăng T-34 đã hạn chế đáng kể hỏa lực pháo 88 mm nòng dài từ các xe tăng Tiger I. Hơn 100 chiếc Tiger I đang ồ ạt tấn công phải quay lại hỗ trợ cho những chiếc T-IV yếu hơn đang lần lượt bốc cháy trước hỏa lực pháo 76 mm của xe tăng T-34. Bị xe tăng đối phương thọc sâu bất ngờ, các xe tăng Tiger và Panther của Đức đánh mất lợi thế hỏa lực tầm xa của mình, trở nên bị động trước các tăng T-34 và thậm chí là tăng T-70 hạng nhẹ hơn của Nga trong khoảng cách gần. Khói bụi cuồn cuộn trên khắp chiến trường, mặt đất rung chuyển sau những tiếng nổ lớn. Các xe tăng tấn công nhau, quần thảo ác liệt, chiến đấu cho đến trúng đạn bốc cháy hoặc đứt bánh xích không di chuyển được. Có những xe tăng bị loại khỏi vòng chiến vì đứt xích, nhưng vẫn tiếp tục khai hỏa pháo và súng máy vào đối phương. Chiến thuật này khiến đội hình tấn công của Đức bị cắt đứt buộc phải rút lui. Cả hai bên đều chịu thiệt hại nặng song đợt tấn công của Đức đã bị chặn đứng.
Để cứu trợ cho Quân đoàn tăng SS số 2, tướng Hermann Breith, tư lệnh Quân đoàn xe tăng 3 của Đức phải hủy bỏ cuộc đột kích vào Belenikhino, điều Sư đoàn xe tăng 6 được trang bị toàn bộ xe tăng Panther cải tiến tấn công sang Mikhailovka nhằm phá vỡ chiến thuật áp sát của xe tăng Nga. Sư đoàn xe tăng 7 của Đức có 132 xe tăng, trong đó có 28 chiếc Tiger I tấn công vào Storozhevoye. Trên cánh trái, Sư đoàn cơ giới Großdeutschland của Đức đã vượt qua thị trấn Vasilyevka. Đại tướng Vatutin phải điều động ngay ba lữ đoàn pháo tự hành chống tăng và lữ đoàn xe tăng 26 triển khai ở Mikhailovka và Storozhevoye. Động thái này của Hồng quân đã kịp thời chặn được cuộc đột kích của hai sư đoàn xe tăng Đức.
Đợt tấn công tiếp theo của Hồng quân bắt đầu vào 9 giờ 15 phút sáng. Tướng Rotmistrov tung 430 xe tăng và pháo tự hành vào chính diện mặt trận, theo sau là 70 xe tăng khác. Đợt tấn công vỗ mặt này nhanh chóng trở thành một thảm họa đối với Hồng quân vì một lượng lớn máy bay của không quân Đức đã nhanh chóng có mặt tại chiến trường và cơn cuồng phong hỏa lực của các máy bay này ngay lập tức chụp lên đầu các xe tăng Xô Viết. Hỏa lực của pháo binh và xe tăng Đức càng khiến tình hình thêm tồi tệ và rõ ràng, đòn tấn công vỗ mặt này thất bại nhanh chóng. Chiến trường bị bao phủ bởi một làn khói dày dặc bốc lên từ các xe tăng Nga bị bắn hỏng, gây khó khăn cho cả hai bên trong việc quan sát. Một trong những nguyên nhân dẫn đến những thiệt hại nặng nề của Hồng quân chính là hệ thống liên lạc giữa các lực lượng trên không và lực lượng mặt đất tỏ ra không hiệu quả. Không quân Xô Viết không phản ứng đủ nhanh để ngăn chặn các hành động bất ngờ của đối phương. Hơn nữa, các tập đoàn không quân số 2 và số 17 bị hút vào hướng tấn công của Quân đoàn xe tăng 48 do tướng Dietrich von Choltitz chỉ huy
mà sao nhãng việc yểm hộ cho các lực lượng mặt đất tại nơi Quân đoàn xe tăng SS số 2 tấn công, điều này khiến các lực lượng không quân của phát xít Đức rảnh tay tiêu diệt xe tăng Nga.Tổng cộng Tập đoàn quân xe tăng cận vệ số 5, (các quân đoàn xe tăng 18, 29) và Quân đoàn xe tăng 2 của Hồng quân đã để mất 341 xe tăng trong đợt tấn công đầy thảm họa vào buổi sáng.
Cuộc chiến giằng co vẫn diễn ra ác liệt trên toàn bộ khu vực tam giác Prokhorovka - Vasilyevka - Storozhevoye kéo dài đến quá trưa với những thiệt hại nặng nề cho cả hai phía nhưng không đi đến kết quả ngã ngũ. Riêng thị trấn Vaslievka đã qua ba lần giành giật giữa hai bên. Làng Bogorodetskoe cũng hai lần chuyển từ tay Hồng quân sang tay quân Đức và ngược lại chỉ trong hơn 4 giờ. Trên khúc cong của sông Psyol đã có hàng trăm xe tăng bị cháy của cả hai bên phải lao xuống nước để dập lửa. Khi các xe tăng đều cạn kiện nhiên liệu và đạn dược, thì làng Prokhorovka đã trở thành một đấu trường đẫm máu cho các pháo thủ và lái xe tăng chiến đấu với nhau bằng súng ngắn, lưỡi lê, dao găm và cả bằng nắm đấm.
Chiến sự buổi chiều
13 giờ chiều, tướng Hermann Hoth ra lệnh cho tướng Dietrich von Choltitz, tư lệnh Quân đoàn xe tăng 48 tung Sư đoàn xe tăng 3 có 57 xe tăng Tiger I và 44 xe tăng Pz-IV là lực lượng dự bị chiến dịch cuối cùng vào trận hòng xoay chuyển tình thế. Tuy nhiên, tướng von Choltitz đã hành động quá chậm chạp, mãi đến 14 giờ mới đưa được chủ lực của sư đoàn ra tuyến xuất phát. Trước đó nửa giờ, Quân đoàn xe tăng 10, lực lượng dự bị của Tập đoàn quân xe tăng cận vệ 5 Hồng quân với hơn 120 xe tăng hạng nặng các loại KV-85/IS-1 đã tập kết tại bờ bắc sông Psyon và đến 14 giờ, Quân đoàn này vượt sông đánh tạt sườn và chặn đứng Sư đoàn xe tăng 3 của Đức tại tây nam Vasilyevka.
Từ nhà ga Aleksandrovka, phía Đông Bắc Prokhorovka 2 km, Tướng Vatutin cũng huy động Quân đoàn cơ giới cận vệ 5 và tập trung các xe tăng còn hoạt động được phản công vào các sư đoàn xe tăng Đức đã kiệt sức. Lần này, đội hình xe tăng của Hồng quân không chỉ có xe tăng hạng trung và hạng nhẹ, mà đã có thêm sự hỗ trợ từ các xe tăng hạng nặng KV-85 có vỏ giáp và hỏa lực mạnh hơn hẳn. Các xe tăng Tiger I không thể chịu đựng được hỏa lực bắn thẳng bằng đạn sabot UBR-265P (УБР-365П) từ pháo nòng dài 85 mm trên xe tăng KV-85 của Nga từ cự ly gần 1.000 m. Ở cự ly tương đương, pháo 88 mm của Tiger I bất lực trước vỏ giáp trước dày tới 160 mm của các loại xe tăng này. Quân Đức phải tháo lui, để lại trên chiến trường hơn 50 chiếc Tiger và PZ-IV. Phía Nga tổn thất 17 chiếc KV-85 và hơn 30 chiếc T-34 do hỏa lực của máy bay cường kích Ju-87, xe tăng và pháo chống tăng Đức.
Cuộc tấn công của lực lượng thiết giáp Nga, trong đó có nhiều xe tăng mới với đầy đủ đạn dược đã áp đảo hoàn toàn các sư đoàn mệt mỏi vì chiến đấu trong thời gian dài khiến quân Đức mất dần lợi thế tấn công. Kết quả là sau cuộc phản công của quân đoàn xe tăng 10, sư đoàn tăng SS số 1 và Sư đoàn xe tăng 3 của Đức bị chặn đứng ở phía bắc Prokhorovka, cách Kursk không xa. Các sư đoàn tăng này bị tổn thất nặng nề và không thể phát động một cuộc tấn công thực sự nào nữa. Sư đoàn tăng SS số hai cũng bị tổn thất nặng nề do bị quân đoàn tăng số hai của Nga phản công ở phía nam Prokhorovka.
Bất chấp tổn thất nặng nề, các lực lượng thiết giáp Nga vẫn giữ vững được trận tuyến còn quân Đức đã thất bại trong việc khai thác lỗ thủng mà họ đạt được trong ngày 11 tháng 7. Lúc này Hồng quân đã thay đổi chiến thuật, các trận đấu tăng chủ yếu diễn ra trong những không gian chật hẹp nhằm hạn chế thương vong như trong buổi sáng ngày. Trận đấu tăng cuối cùng kéo dài suốt buổi chiều cho đến sẩm tối, khi binh sĩ cả hai bên đều đã kiệt sức, các xe tăng còn sống sót đều cạn dầu và hầu như hết nhẵn đạn dược.Tướng Vatutin phải hủy bỏ cuộc phản công dự định vào sáng hôm sau vì không còn một quân đoàn xe tăng nào có đủ cơ số đạn. Trừ quân đoàn xe tăng 10, không một lữ đoàn xe tăng nào còn lại đến 1/3 số xe tăng trong biên chế.
Tối ngày 12 tháng 7, Hitler triệu tập von Kluge và von Manstein yêu cầu ngưng chiến dịch để rút quân về đối phó với đợt tấn công của quân đồng minh vào miền Nam nước Pháp.
Sáng sớm ngày 13 tháng 7, các sư đoàn xe tăng Đức bị trọng thương và kiệt sức đã rút hết khỏi chiến trường. 8 giờ 30 phút, Nguyên soái Zhukov đi thị sát cánh đồng Prokhorovka. Trong suốt chuyến thị sát, ông không nói một câu nào. Tướng Rotmistrov đi tháp tùng Zhukov sau này cho biết ông chưa bao giờ thấy nguyên soái lặng người đi như thế. Còn nguyên soái A. M. Vasilevsky thì nói rằng kết quả trận đánh để lại cho ông một ấn tượng suốt đời.
Ngày 16/7 quân Đức rút về vạch xuất phát, trong khi Hồng quân đã phát động đợt phản công quy mô lớn nhằm chiếm ưu thế trên mặt trận phía Đông. Lần đầu tiên, một đợt tấn quy mô lớn chưa từng có của Đức phải dừng lại trước khi đạt được sự đột phá.
Ước tính trong trận đấu tăng lớn nhất lịch sử trên cánh đồng Prokhorovka, Hồng quân mất khoảng 400 chiếc xe tăng, còn phía Đức mất 320 xe tăng. Với các kết quả tổng hợp đầy đủ nhất mà Viện Dupuy (Hoa Kỳ) phối hợp với hãng Rantek (Nga), thì Tập đoàn quân xe tăng 4 của Đức mất 310 xe tăng, tương đương 52,2% số xe tăng và pháo tự hành lúc khởi trận; Tập đoàn quân xe tăng cận vệ 5 của Nga cùng hai đơn vị phối hợp là Quân đoàn xe tăng 2 và Quân đoàn xe tăng cận vệ 2 mất 388 chiếc nhưng chỉ chiếm 44% tổng số xe tăng và pháo tự hành trước khi bắt đầu trận đánh. Tuy vậy, số lượng xe tăng của Hồng quân vẫn còn rất dồi dào do nhận được nguồn bổ sung ngay sau trận đánh, do đó nếu quân Đức cứ tác chiến theo kiểu 4 đổi 5 như trong trận Prokhorovka thì rốt cuộc Cụm tập đoàn quân Nam sẽ hết nhẵn xe tăng. Việc này hiển nhiên đến nỗi thiếu tướng Friedrich Wilhelm von Mellenthin, tham mưu trưởng các lực lượng xe tăng của Cụm tập đoàn quân Nam đã cho rằng, trận Prokhorovka là một trận thua không đáng có của Đức.Bản thân phía Đức không đưa ra con số thiệt hại tổng quát nhưng thừa nhận cuộc tấn công đã hoàn toàn thất bại.
Trong khi thương vong của cả hai phe còn nhiều tranh cãi thì kết quả của trận đánh lại quá rõ ràng. Cả Hồng quân và phát xít Đức đều không đạt được mục tiêu chiến thuật của mình: Tập đoàn quân xe tăng cận vệ số 5 của Hồng quân đã không thể tiêu diệt được mũi tấn công của phát xít Đức là Quân đoàn thiết giáp SS số 2 hay đánh chiếm những vị trí chiến thuật trong nhiệm vụ của họ; còn lực lượng SS của Đức cũng không tài nào chọc thủng nổi phòng tuyến của Hồng quân dù chịu nhiều thiệt hại nặng. Cả hai bên đều chịu những tổn thất nặng nề. Có ý kiến cho rằng lẽ ra tổn thất của Hồng quân đã không cao như thế nếu như họ bố trí các xe tăng ở tư thế phòng ngự nhằm tiêu hao sinh lực tấn công của Đức thay vì lao thẳng vào đội hình quân Đức một cách liều lĩnh và thiếu chuẩn bị. Tướng I. S. Konev đã chỉ trích nặng nề về sai lầm này và cho rằng Đại bản doanh đã không tôn trọng quyền quyết định sử dụng các lực lượng xe tăng thuộc Phương diện quân Thảo Nguyên.
Bất chấp kết quả về mặt chiến thuật như thế nào, trận Prokhorovka là một chiến thắng thực sự ở cấp độ chiến dịch cũng như về cả phương diện tinh thần; phát xít Đức cứ ngỡ là họ đã chọc thủng trận tuyến Hồng quân và chỉ còn gặp những ổ kháng cự nhỏ với vài khẩu đội pháo chống tăng - nhưng đối thủ của họ lại là một đội quân hàng trăm chiếc xe tăng và còn hàng trăm chiếc khác đang chờ họ phía sau. Rõ ràng trong trận Prokhorovka quân Đức đã không thể đánh bại được Hồng quân và điều này đã ảnh hưởng tai hại đến các kế hoạch và chiến lược của phát xít Đức sau đó.
Mặt khác, cuộc
tấn công dữ dội và bất ngờ của các đơn vị dự bị mạnh của Hồng quân cũng như
việc Tập đoàn quân số 9 của Đức phải dừng bước tại cánh bắc vòng cung Kursk
trước Chiến dịch Kutuzov đã khiến Adolf Hitler quyết định đình chỉ toàn bộ
Chiến dịch. Một đợt tấn công đồng thời của Hồng quân nhằm vào Tập đoàn quân số
6 trên sông Mius phía Nam Kharkov đã khiến phát xít Đức phải rút bớt quân về
đây. Cuộc tấn công của liên quân Anh-Mỹ vào Sicilia trong đêm 9-10 tháng 7 năm
1943 cũng làm quân Đức phải rút nhiều đơn vị mạnh của mình sang chiến trường
Địa Trung Hải và điều này cũng làm tiêu tan luôn mọi hy vọng đạt được thắng lợi
ở vòng cung lửa Kursk.
3. Giai đoạn phản công của Hồng quân
Kế hoạch phản công tại khu vực vòng cung Kursk đã được Bộ Tổng tham mưu Hồng quân hoạch định từ trước khi diễn ra cuộc tấn công của quân đội Đức Quốc xã và bây giờ, họ chỉ cần điều chỉnh lại các chi tiết cho phù hợp với tình hình mới.
Ở cánh Bắc, ngay sau khi Phương diện quân Trung tâm bẻ gãy cuộc tấn công của Cụm tập đoàn quân Trung tâm (Đức) trong ngày 10 tháng 7 thì ngày 11 tháng 7, Phương diện quân Bryansk và cánh trái của Phương diện quân Tây mở Chiến dịch Kutuzov tấn công phía bắc Oryol. Ngày 13 tháng 7, Phương diện quân Trung tâm cũng mở chiến dịch Orlovsky ở phía nam Oryol nhằm xóa chỗ lõm Oryol - Mtsensk. Ở cánh Nam, Phương diện quân Voronezh và Phương diện quân Thảo nguyên còn tiếp tục phản kích đến ngày 23 tháng 7 mới đẩy được các sư đoàn của thống chế Erich von Manstein về tuyến xuất phát và chuyển sang phản công toàn diện bằng chiến dịch Thống soái Rumyantsev, giải phóng Kharkov và tiến thêm hơn 200 km về phía tây, kết thúc chiến dịch phòng ngự - phản công tại vòng cung Kursk.
Trên hướng Oryol - Bryansk
Trên hướng Oryol - Bryansk, Phương diện quân Trung tâm, Phương diện quân Bryansk do thượng tướng M. M. Popov chỉ huy và cánh trái của Phương diện quân Tây do thượng tướng Vasily Danilovich Sokolovsky chỉ huy giáng đòn tấn công hợp điểm vào trung tâm phòng ngự Oryol của Đức Quốc xã và sau một tháng đã đẩy lùi quân Đức đến tuyến Lyudinovo, Zhizdra, Frolovka và Dmitrovsk - Orlovsky, nắn thẳng tuyến mặt trận, xóa bỏ chỗ lõm Oryol được quân Đức gọi là "cái chèn sắt Oryol - Mtsensk".
Cuộc tấn công sớm của các lực lương Hồng quân trong chiến dịch Kutuzov đã đẩy Tập đoàn quân xe tăng 2 và Tập đoàn quân 9 (Đức) ở khu vực Mtsensk - Oryol vào thế bị đánh từ hai phía bắc và Nam. Đòn tấn công của Tập đoàn quân cận vệ 11 dọc theo hành lang hẹp giữa hai con sông Vytebet và Resseti, về phía đông bắc đã đặt cụm quân Đức đang phòng thủ ở khu vực Bolkhov - Oryol - Mtsensk - Zmiyevka vào thế bị nửa hợp vây. Tiếp đó, Tập đoàn quân 50 tấn công khu vực Duminichi và chiếm được một bàn đạp rộng 5 km sâu 2 km phía nam sông Zhizdra. Mặc dù các sư đoàn xe tăng Đức bị tổn thất nặng trong các đợt tấn công trước đó nhưng những đơn vị còn lại vẫn kiên trì bám lấy khu phòng thủ Mtsensk như một "cái chèn sắt" chia cắt chính diện Phương diện quân Bryansk, ngăn cản phương diện quân này tiến công vào Oryol. Cuộc tấn công của Tập đoàn quân cận vệ 11 thuộc Phương diện quân Tây cũng bị chặn lại trên tuyến sông Olesnya.
Để tăng cường sức mạnh tấn công cho Phương diện quân Bryansk, Bộ Tổng tham mưu điều Tập đoàn quân xe tăng cận vệ 3 do trung tướng P. S. Rybalko chỉ huy được trang bị 475 xe tăng T-34 và T-70 từ lực lượng dự bị phối thuộc tổ chức hai cánh quân xe tăng phối hợp với bộ binh tấn công Oryol. Cánh trái của Phương diện quân Bryansk tấn công song song với con đường sắt Livny - Oryol, từ phía đông nam đánh vào thành phố. Bị nửa hợp vây, Quân đoàn bộ binh 35 của Đức phải rút khỏi Mtsensk ngày 21 tháng 7 về giữ Oryol. Con đường sắt Mtsensk - Oryol đã bị Quân đoàn xe tăng cận vệ 7 của Hồng quân cắt đứt tại Kamenevo. Tập đoàn quân xe tăng 3 phối hợp với Tập đoàn quân xe tăng 2 công kích tuyến phòng thủ Kromy - Almazovo của quân Đức dọc theo tuyến sông Oka. Vì thiếu xe tăng đột kích nên mặc dù đã tiếp cận ngoại vi Oryol từ ngày 1 tháng 8 nhưng phải đến ngày 5 tháng 8, Tập đoàn quân 3 của tướng Gorbatov mới đánh chiếm được thành phồ Oryol.
Phương diện quan Bryansk và 2 tập đoàn quân 13 và 70 tiếp tục tấn công cho đến ngày 23 tháng 8 thì phải dừng lại trước phòng tuyến Hagen với những tổn thất không nhỏ.Trong nửa đầu tháng 8, Quân đội Đức Quốc xã đã tăng cường cho Cụm tập đoàn quân Trung tâm 6 sư đoàn rút từ Cụm tập đoàn quân Bắc. Ngày 16 tháng 8, thống chế Günther von Kluge bị cách chức. Tướng Walter Model được chỉ định làm tư lệnh Cụm tập đoàn quân Trung tâm. Ông này đã mạnh dạn rút bỏ những vị trí đang bị uy hiếp và gom quân lại để thiết lập tuyến phòng thủ vững chắc từ Lyudinovo qua Frolovka phía đông Bryansk 20 km và kéo dài về phía nam đến Komarichi (phòng tuyến Hagen). Bảo vệ được tuyến đường sắt chiến lược từ Konotop qua Navlya, Bryansk, Dyatkovo đến Lyudinovo chạy song song với mặt trận, tướng Walter Model có thể cơ động lực lượng xe tăng trên toàn tuyến và chặn đứng các cuộc công kích của quân Hồng quân trên hướng này.
Trên hướng Belgorod - Kharkov
Tại cánh Nam, Phương diện quân Thảo nguyên do Thượng tướng I. S. Konev, một lực lượng dự bị lớn được giao nhiệm vụ phòng thủ ở thê đội 2 đã được điều ra tuyến đầu, cùng với Phương diện quân Voronezh và cánh trái của Phương diện quân tây nam do Đại tướng R. Ya. Malinovsky chỉ huy mở chiến dịch phản công đồng loạt vào Tập đoàn quân xe tăng 4 và Cụm tác chiến Kemf của Đức, phát triển đến tuyến Sumy, Lebedino, Gadyach, Zenkov, Akhtyrka, Konstantinovka, phía bắc Lyubotin và Chuguyev. Giai đoạn phản công của Hồng quân kết thúc bằng việc đánh chiếm lại thành phố Kharkov lần thứ hai và cũng là lần cuối cùng vào ngày 23 tháng 8.
Trong khi các Phương diện quân Bryansk và Trung tâm đã phản công từ ngày 12 tháng 7 thì mãi đến ngày 23 tháng 7, khi các sư đoàn cuối cùng của Cụm tập đoàn quân Nam (Đức) đã rút sâu về xung quanh Kharkov, Phương diện quân tây nam và Phương diện quân Thảo nguyên mới bắt đầu phản công. Ngoài ra, do Phương diện quân Voronezh đã tổn thất khá nhiều sinh lực và phương tiện trong giai đoạn phòng thủ của chiến dịch nên Bộ Tổng tư lệnh phải huy động cả Phương diện quân tây nam cùng tham gia giai đoạn phản công trên hướng Belgorod - Kharkov. Chiến dịch được lấy mật danh "Nguyên soái Rumyantsev".
Ngày 3 tháng 8, cuộc phản công trên hướng Belgorod được mở màn bằng hỏa lực pháo kích và không kích. Tập đoàn quân xe tăng 1 tấn công vòng ra phía sau khu phòng thủ Borisovka và Tomarovka của Quân đoàn xe tăng 3 (Đức). Mũi đột kích của Tập đoàn quân xe tăng cận vệ 5 ( Hồng quân ) khoét sâu vào điểm tiếp giáp giữa Quân đoàn xe tăng 3 và Quân đoàn bộ binh 11 của Đức, tạo một hành lang rộng 15 km, sâu 55 km chia cắt hai quân đoàn này.
Trên chính diện Belgorod, các tập đoàn quân cận vệ 7 và 69 đột kích vào Belgorod từ hướng Bắc và hướng Đông rồi giải phóng Belgorod trong ngày 5 tháng 8. Belgorod được coi như tiền đồn phòng thủ Kharkov từ phía bắc. Do đó, việc để mất Belgorod làm cho Kharkov hoàn toàn trống trải ở hướng Bắc và là một đòn nặng giáng vào phòng tuyến sông Bắc Donets của thống chế Erich von Manstein. Ngày 8 tháng 8, Tập đoàn quân 57 thuộc Phương diện quân Voronezh đã vượt sông Bắc Donets ở phía bắc Martove mở một mũi công kích Kharkov từ hướng Đông.
Ở phía đông bắc Kharkov, Tập đoàn quân cận vệ 7 và Tập đoàn quân 69 của Hồng quân chọc thủng phòng tuyến của Quân đoàn 42 (Đức), đánh chiếm các thị trấn Liptsy và Ternovaya, cách Kharkov 10 km vào ngày 16 tháng 8. Trong khi đó, Tập đoàn quân 57 cũng áp sát ngoại vi Kharkov từ phía tây. Cùng ngày, sau khi hợp vây cùng với Tập đoàn quân cận vệ 4 và tiêu diệt phần lớn Quân đoàn 52 của Đức ở khu vực phía đông Trostyanets , Tập đoàn quân 47 tiếp tục tấn công đánh chiếm Akhtyrka và thọc sâu đến Kotelva. Tướng Hermann Hoth phải tập trung sư đoàn cơ giới "Großdeutschland", các sư đoàn xe tăng 11 và 17 mở cuộc phản đột kích vào sau lưng Tập đoàn quân 47 từ khu vực giữa Trostyanets và Akhtyrka , chiếm lại Akhtyrka. Ngày 18 tháng 8, Tập đoàn quân cận vệ 6 buộc phải phát động sớm cuộc tấn công dọc theo sông Merla, đánh chiếm Krasnokutsk Ngày 20 tháng 8,Tập đoàn quân 47 vấp phải đòn phản kích của Sư đoàn xe tăng 19 (Đức) và Sư đoàn xe tăng 13 tại Kotelva, phải rút lui về dải phòng ngự của Tập đoàn quân cận vệ 4 với những thiệt hại nặng nề.Trên hướng Kharkov, ngày 17 tháng 8, Tập đoàn quân xe tăng 1 Hồng quân mở một mũi đột kích từ Bogodukhov xuống thành phố Valky với ý định đánh chiếm Merefa và cô lập Kharkov từ phía nam. Tuy nhiên, thống chế Erich von Manstein đã không để cho Hồng quân thực hiện ý đồ đó. Sư đoàn cơ giới SS "Wiking", sư đoàn xe tăng SS "Das Reich" và sư đoàn xe tăng 14 từ lực lượng dự bị kéo lên tăng viện cho Tập đoàn quân xe tăng 4 đã chặn đứng mũi tiến công của Tập đoàn quân xe tăng 1 Hồng quân tại khu vực Lyubotin - Valky. Buộc lực lượng này phải lùi về Olshany với những thiệt hại không nhỏ cả về người và xe tăng.Trong các cuộc tấn công từ ngày 23 tháng 7, mặc dù binh lực hầu như chưa bị sứt mẻ nhưng Tập đoàn quân cận vệ 4 Hồng quân luôn luôn tụt lại sau, làm cho hai tập đoàn quân 47 và xe tăng 1 ở bên phải và bên trái họ thường bị hở sườn. Do chỉ huy kém, tướng Grigory Ivanovich Kulik bị cách chức. Trung tướng A. I. Zygin được chỉ định thay thế.
Sáng 18 tháng 8, 5 tập đoàn Hồng quân đã bao vây Kharkov từ ba phía. phía tây và tây bắc có Tập đoàn quân xe tăng cận vệ 5 và Tập đoàn quân 53, phía bắc có Tập đoàn quân 69, phía đông và Đông Nam có Tập đoàn quân cận vệ 7 và Tập đoàn quân 57. 6 giờ sáng, Tập đoàn quân 53 được phối thuộc Quân đoàn cơ giới cận vệ 1 mở đầu cuộc tấn công từ phía tây bắc vào Kharkov. Chiều 18 tháng 8, các sư đoàn bộ binh 252, 299 và sư đoàn bộ binh cận vệ 14 đã đánh chiếm hai điểm cao 197,3 và 208,6 ở làng Peresechnaya. Từ hai điểm cao này, pháo binh đã có thể đặt toàn bộ nội đô thành phố trong tầm hỏa lực bắn thẳng. Để tăng tốc độ tấn công, tướng I. S. Konyev điều Tập đoàn quân xe tăng cận vệ 5 vòng xuống phía tây nam chặn đường rút của quân Đức. Tập đoàn quân 57 cũng đánh chiếm Chuguev, Rogan và Bezlyudovka, áp sát Kharkov từ hướng Đông Nam. Ngày 20 tháng 8, hai tập đoàn quân cận vệ 7 và 69 cũng mở cuộc tổng công kích vào Kharkov từ phía bắc và đông bắc, đánh chiếm Tsyrkuny và chỉ còn cách Kharkov 15 km.
Đêm 22 tháng 8, năm tập đoàn Hồng quân đồng loạt mở cuộc tổng công kích Kharkov từ 3 hướng và giải phóng thành phố này ngay hôm sau. Chiến dịch mang tên Thống soái Rumyantsev kết thúc vào ngày 23 tháng 8 năm 1943. Tuy nhiên, khoảng 1/3 quân số còn lại của Quân đoàn bộ binh 42 ( Đức ) và Quân đoàn Raus đã thoát khỏi Kharkov qua ngả Merefa. Việc lấy lại thành phố Kharkov được xem là dấu chấm hết của trận đánh trên vòng cung Kursk. Đợt phản công cuối cùng ở Kursk diễn ra trong thời gian từ ngày 12/7 tới đến ngày 23/8 mới kết thúc.
III - Ý nghĩa lịch sử
Trận Vòng cung Kursk là một chiến thắng mang tính chiến lược có ý nghĩa quyết định đến cục diện chiến trường. Thắng lợi của Hồng quân đã đẩy quân đội Đức Quốc Xã từ thế chủ động lâm vào thế bị động. Tuy nhiên, Nga đã phải trả một cái giá rất đắt cho chiến thắng này. Theo số liệu của nhà sử học Grigoriy Krivosheyev, trong trận Kursk, 429.890 binh sĩ đã tử trận, tổng số binh sĩ tử trận và thương vong lên đến 685.456 người. Tổn thất về trang thiết bị vũ khí rất lớn, 1.614 xe tăng bị phá hủy trong tổng số 3.600 chiếc tham chiến. 2.349 khẩu pháo các loại bị phá hủy, 1.116 máy bay bị bắn rơi.
Các số liệu về tổn thất của quân Đức không rõ ràng. Theo nhà sử học Karl-Heinz Frieser, khoảng 198.000 binh sĩ Đức tử trận hoặc bị thương, 760 xe tăng bị phá hủy, 524 máy bay bị bắn rơi.
Do phải rút lui, quân Đức “mất trắng” 1.200 xe tăng, trong khi Hồng quân kịp thời sửa chữa được 600 xe tăng bị hư hỏng nhẹ trên chiến trường. Đây là thảm bại lớn nhất của lực lượng tăng, thiết giáp Đức quốc xã.
Nếu như việc xác định kết quả thế cục chiến trường hầu như không có gì phải bàn cãi thì việc xác định kết quả thương vong và tổn thất của các bên lại khác nhau rất xa.
Công trình nghiên cứu các dữ liệu về trận Kursk do Viện Dupuy (Hoa Kỳ) và Hãng Rantek (Nga) phối hợp tiến hành với việc tra cứu trên 25.000 trang tài liệu gốc đã cho kết quả tương đối chính xác hơn cả về tổn thất của phía Đức. Tính riêng tổn thất về xe tăng, phía Đức tổn thất chỉ bằng 40% so với Nga, nhưng vẫn thua thiệt hơn , bởi có khoảng 180 chiếc xe tăng hạng nặng Panther (Con Báo), 45 chiếc Tiger I (Con Cọp) và 40 chiếc pháo tự hành Elefant (con Voi) bị phá hủy hoàn toàn; khoảng 70 chiếc Panther, 150 chiếc Tiger và 40 chiếc Elefant khác bị hư hại nặng.
Về phía Hồng quân, họ chịu tổn thất 254.469 người chết, cùng với 608.834 người bị thương hoặc bị ốm (74% bị thương trong chiến đấu, 26% bị ốm). Nếu trừ đi số người bị ốm, thì tổn thất của trong chiến dịch là khoảng 710.000 người. Khoảng 1.700 máy bay của Phát xít Đức bị hạ trong cuộc chiến này, con số thiệt hại của Nga là tương đương. Tuy nhiên do có quân số vượt trội, Hồng quân vẫn thắng, Đức buộc phải rút lui. Thế trận ở Mặt trận phía Đông bắt đầu chuyển dịch, Nga dù thiệt hại nặng nề hơn nhưng vẫn chiếm thế thượng phong vì Đức gần như không còn gì.
Đến nay, các nhà sử học vẫn không khỏi sửng sốt trước quy mô của trận chiến ở Kursk, nơi gần ba triệu quân nhân, 8.000 xe tăng và gần 5.000 chiến đấu cơ tham chiến, phá vỡ mọi kỷ lục về số lượng chiến đấu cơ lẫn xe tăng tham gia một trận chiến trong lịch sử nhân loại.
Về chính trị, kết quả thắng lợi của trận Kursk được coi như một "món quà" mà I. V. Stalin cùng đoàn đại biểu Xô viết mang đến Hội nghị tam cường đồng minh họp tại Teheran từ ngày 28 tháng 11 đến ngày 1 tháng 12 năm 1943. Trong một mức độ nhất định, ảnh hưởng của trận Kursk tại hội nghị này đã làm tăng thêm trọng lượng cho những đề xuất từ phía Nga khi cho rằng cuộc đổ bộ của các đồng minh Anh và Hoa Kỳ lên Sicilia và mũi Apennin khó có thể coi là một động thái mở mặt trận thứ hai ở Tây Âu do quy mô nhỏ của chiến dịch. Với bán đảo Ý nhỏ hẹp, quân đội các nước đồng minh sẽ rất khó triển khai một lực lượng lớn và đủ mạnh để có thể đánh thẳng vào trung tâm nước Đức.Trong khi thủ tướng Anh Winston Churchill kiên trì quan điểm lấy nước Ý và bán đảo Balkan làm bàn đạp tấn công Đức Quốc xã thì tổng thống Hoa Kỳ Franklin D. Roosevelt lại đồng quan điểm với phía Nga về việc mặt trận thứ hai chống nước Đức Quốc xã phải được mở ở Pháp.
Thất bại tại vòng cung Kursk đã đặt dấu chấm hết cho mọi cơ hội giúp phát xít Đức giành lại thế chủ động chiến lược tại Mặt trận Xô-Đức. Đây được coi là đợt tiến công cuối cùng của quân Đức trên Mặt trận phía Đông. Sau thất bại tại đây, quân Đức càng lúc càng lún sâu vào thế phòng ngự bị động cho đến hết chiến tranh.
Thủ tướng Anh Winston Churchill từng nói:
"Trận Stalingrad là kết thúc của sự khởi đầu nhưng trận Kursk là khởi đầu của sự kết thúc"
9.5.2019
Van Ngan Tổng hợp