Thứ Ba, 19 tháng 6, 2018

Ngập Ngừng

Thơ viết đừng xong, Thuyền trôi chớ đỗ,
Cho nghìn sau ... lơ lửng ... với nghìn xưa ...



Ngập Ngừng

Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé!
Ðể lòng buồn tôi dạo khắp trong sân
Ngó trên tay, thuốc lá cháy lụi dần...
Tôi nói khẽ: Gớm, làm sao nhớ thế ?

Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé!
Em tôi ơi! tình có nghĩa gì đâu ?
Nếu là không lưu luyến buổi sơ đầu ?
Thuở ân ái mong manh như nắng lụa.
Hoa bướm ngập ngừng cỏ cây lần lữa,
Hẹn ngày mai mùa đến sẽ vui tươi,
Chỉ ngày mai mới đẹp, ngày mai thôi!

Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé!
Tôi sẽ trách - cố nhiên! - nhưng rất nhẹ
Nếu trót đi, em hãy gắng quay về
Tình mất vui lúc đã vẹn câu thề
Ðời chỉ đẹp khi hãy còn dang dở.
Thơ viết đừng xong, thuyền trôi chớ đỗ,
Cho nghìn sau... lơ lửng... với nghìn xưa...


Hồ Dzếnh


*Hồ Dzếnh (sinh năm 1916), tên thật là Hà Triệu Anh hay Hà Anh (ghi theo giọng Quảng Đông là Hồ Dzếnh) là một nhà thơ nổi tiếng của Việt Nam. Ông được biết nhiều nhất qua tập thơ Quê ngoại (thơ) với một giọng thơ nhẹ nhàng, siêu thoát phảng phất hương vị thơ cổ Trung Hoa. Ngoài ra Hồ Dzếnh còn là một nhà văn với nhiều tác phẩm, tiêu biểu là tập truyện ngắn Chân trời cũ (1942).

Hồ Dzếnh có viết hai câu thơ nổi tiếng với triết lý mới lạ về tình yêu được nhiều người biết đến nhưng dưới dạng dị bản

Tình mất vui khi đã vẹn câu thề
Đời chỉ đẹp những khi còn dang dở

Nhưng trong tập “Hồ Dzếnh – Tác phẩm chọn lọc” xuất bản ở Hà Nội năm 1988 thì hai câu thơ ấy lại được sửa thành:

Tình mất vui lúc đã vẹn câu thề
Đời chỉ đẹp khi hãy còn dang dở

Trong ca từ của các nhạc phẩm phổ thơ Hồ Dzếnh hai câu thơ này được hoán vị chữ “Đời” và chữ “Tình”. Cách sửa này đem lại hiệu quả rất hay! Hai câu thơ dị bản nếu tách riêng nó ra, không để nằm trong toàn bài thơ nữa thì lại trở thành một bài thơ hai câu hoàn chỉnh:
Tình chỉ đẹp những khi còn dang dở
Đời mất vui khi đã vẹn câu thề
Có khá nhiều người không biết về Hồ Dzếnh, không biết thơ Hồ Dzếnh, nhưng lại biết đến hai câu thơ dị bản nổi tiếng này. Thế cũng đã là quá đủ để tâm hồn thi nhân thảnh thơi phiêu du nơi cõi vô thường.
*Câu “ Thơ viết đừng xong ”, thì phần lớn các bản in đều là “ thư viết đừng xong ” không rõ như thế nào, nhưng cá nhân mình lại thích từ “ thơ ” vì thấy nó phiêu hơn
* Ảnh Nàng thơ xứ Huế - lê Trần ngọc Trân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét