Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2017

Chữ Quốc ngữ trong hệ thống ngôn ngữ Quốc tế

CHỮ QUỐC NGỮ TRONG HỆ THỐNG NGÔN NGỮ QUỐC TẾ

Chữ viết tiếng Việt dùng bộ chữ cái La-tinh (Latin) nằm trong nhóm phổ biến nhất thế giới xét về địa bàn, số người và số quốc gia sử dụng.

Kể từ khi ra đời vào đầu thế kỷ XVII, chữ quốc ngữ, sử dụng bộ chữ cái La-tinh có thêm các dấu phụ, do các giáo sĩ Dòng Tên người Bồ Đào Nha và Pháp tạo ra đã định hình như ngày nay.
Nó được viết hầu như giống với cách viết trong Tự điển Việt - La tinh (1838), do giám mục Jean-Louis Taberd biên soạn lại, dựa theo bản thảo năm 1773 của Pigneau de Behaine (Bá Đa Lộc). 
Dĩ nhiên, do mục đích ban đầu để cho người phương Tây ghi lại lời nói tiếng Việt và dễ học tiếng Việt, nó có những bất hợp lý tồn tại cho đến ngày nay, dù đã được chỉnh sửa nhiều phen. 
Lại có những bất hợp lý mang tính lịch đại, do ngành ngôn ngữ học chưa phát triển với các khái niệm hiện đại như âm vị, hình vị và tiếng Việt chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng.

1, Những đề xuất chính thay đổi chữ quốc ngữ trong lịch sử
Từ cuối thế kỷ XIX rồi đầu thế kỷ XX, sau khi có những quyết định của chính quyền thuộc địa sử dụng chữ quốc ngữ trong các văn bản Nhà nước ở Nam Kỳ rồi toàn bộ Việt Nam, báo chí dùng chữ quốc ngữ khiến nó trở nên phổ biến, thì đã có nhiều ý kiến muốn cải tiến như thay đ bằng d, c bằng k, bổ sung các chữ cái f, j, w và z và lấy f thay ph, j thay gi, z thay d, nhưng đều không được chấp nhận. 
Một hướng khác là tìm cách thay các dấu phụ bằng những chữ cái, kiểu như viết ănthành ant, ăp thành aph, hay ap viết là ab, ăp viết ap, ac viết ag, ăc viết ak, dùng bộ chữ b, k, l, d, q (hoặc bộ chữ f, z, w, q, j) viết sau đuôi âm tiết thay cho các dấu huyền, hỏi, ngã, sắc, nặng nhằm tạo ra thứ chữ không có dấu thanh điệu nhưng đều không được hưởng ứng. 
Hai hội nghị do chính quyền Pháp tổ chức các năm 1902 và 1906 họp tại Hà Nội bàn về cải tiến chữ quốc ngữ, được hậu thuẫn bằng nghị định ngày 16/5/1906 của Toàn quyền Pháp về áp dụng cải tiến trong các sách giáo khoa, nhưng vẫn không thi hành được. 
Lại còn lối cải tiến viết liền những từ đa âm tiết để bỏ dấu gạch nối nhưng nó mau chóng bộc lộ bất cập khi có thể đọc theo nhiều cách, ví dụ chếtác có thể đọc là chế tác hoặc chết ác.
Đến giữa thế kỷ XX, đề xuất cải cách tương đối triệt để của Nguyễn Bạt Tụy tuân theo âm vị (sử dụng cả các chữ cái f, j, w, z) cũng bị bỏ qua vì quá khác biệt. 
Sau năm 1975, ít ai bàn đến chuyện thay đổi mang tính triệt để nữa mà chỉ xoay quanh những cải tiến chính tả nho nhỏ như bổ sung các chữ cái f, j, w, z để thay ph, gi hay d, hoặc chuyện phiên âm tên riêng.

Có vẻ như những thành công hiếm hoi là bỏ dần gạch nối trong mỗi từ. Sách báo miền Bắc cho đến thập niên 1950, miền Nam đến 1975 vẫn thường viết hòa-bình, giáo-dục. Miền Bắc đi trước trong việc bỏ dấu nối, chỉ còn áp dụng cho địa danh (ví dụ Sài-gòn), sau đó thì bỏ nốt, giờ thì cả nước chỉ còn dùng cho một số từ phiên âm.

Hiện nay, những chữ cái f, j, w, z đã được sử dụng không chính thức trên sách báo và cả trong Từ điển Bách khoa Việt Nam, chủ yếu dùng cho tên riêng và một vài danh từ, thuật ngữ gốc nước ngoài. Phương án dùng k thay c chỉ được thực hiện ở một vài từ địa danh như Bắc Kạn, Đắk Lắk, Đắk Nông.

2,Chữ quốc ngữ trong hệ thống ngôn ngữ quốc tế
Chỉ có hệ thống chữ ghi âm mới có bộ (hay bảng) chữ cái, còn hệ thống chữ ghi ý mà điển hình là chữ Hán (thường gọi là chữ tượng hình) có rất nhiều ký tự và phải học cách đọc thông qua một hệ thống ký âm bổ trợ. 
Chữ ghi âm lại có loại ghi âm triệt để đến cấp độ đơn vị âm nhỏ nhất là ghi âm vị và loại ghi âm đến cấp độ âm tiết. Loại chữ ghi âm tiết sẽ có số lượng ký tự nhiều hơn, chẳng hạn hai thứ chữ hiragana và katakana của Nhật Bản đều có số ký tự lên đến 46, dù cho âm tiết tiếng Nhật thuộc loại nghèo nàn, không đa dạng.

Chữ viết tiếng Việt dùng bộ chữ cái La-tinh (Latin), là bộ chữ nằm trong tốp phổ biến nhất thế giới xét về địa bàn, số người và số quốc gia sử dụng. Ở Đông Nam Á, ngoài Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Philippines, Timor Leste dùng bộ chữ cái La-tinh, không kể Singapore sử dụng tiếng Anh. 
Bộ chữ Hy Lạp quen thuộc với chúng ta qua những ký hiệu toán học là tiền thân của bộ chữ cái Cyrillic mà nhiều dân tộc Slav, trong đó có Nga, Belarus, Bulgaria, Ukraine sử dụng.

Người Triều Tiên hay Hàn Quốc rất tự hào sử dụng bộ chữ cái riêng do họ sáng tạo từ thế kỷ XV mà mỗi âm tiết viết ra được gói gọn trong một khối vuông, khiến cho nhiều người Việt tưởng là chữ tượng hình.

Chữ viết tiếng Việt hiện nay theo sát nguyên tắc ghi gì đọc nấy hơn tiếng Anh hay tiếng Pháp. Về mặt này tiếng Anh có thể coi như thảm họa, ngay tiếng Pháp cũng có những chữ câm không đọc khi ở một số vị trí (ví dụ e, t ở cuối từ, h ở đầu từ khi đọc khi không, phải tra từ điển). 
Phát âm vài nguyên âm tiếng Nga phụ thuộc vào vị trí trước, sau hay dưới trọng âm. Chữ viết tiếng Nhật thì khá rối rắm do người viết và đọc phải sống chung với ba hệ chữ viết cùng lúc trong văn bản: kanji (Hán tự), hiragana và katakana. Trong đó, kanji không chỉ có một cách đọc, mà có thể đọc theo âm Hán hoặc theo âm Nhật có nghĩa tương ứng. 
Những bất hợp lý dùng ký tự kép để ghi một âm vị phụ âm đều tồn tại trong tiếng Anh và Pháp như trong tiếng Việt (như ch, ng, ph). Những chữ cái và kvà ph vẫn chung sống hòa bình trong tiếng Anh và Pháp mà không mấy ai đòi tước mạng sống của dạng nào nữa chỉ vì lý do tối giản.

3, Cải tiến chữ viết trong các ngôn ngữ lớn trên thế giới 
Sau những ồn ào đòi cải cách tiếng Anh và tiếng Pháp cuối thế kỷ trước nhân khi hệ thống phiên âm quốc tế IPA mới ra đời, chữ viết tiếng Anh và tiếng Pháp về cơ bản vẫn thế. 
Có lẽ, cải cách chữ viết lớn nhất là việc loại bỏ 4 chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Nga sau Cách mạng Tháng Mười. Giờ đây, trong các ngôn ngữ lớn trên thế giới, chỉ còn những thay đổi ở mức độ thấp hơn và thường được gọi là cải cách chính tả và quy định thay đổi cách viết một số từ, dùng dấu gạch nối hay bỏ đi, viết liền hay viết rời.

Không có chuyện thay đổi toàn bộ hệ thống chữ viết, trừ trường hợp chuyển hẳn từ bộ chữ cái hệ này sang bộ chữ cái hệ khác như một số nước cộng hòa cũ của Liên Xô sau khi tách ra thành nước độc lập.

Cuộc cải cách chính tả được Indonesia và Malaysia cùng tiến hành năm 1972 nhằm cho ngôn ngữ hai nước này xích lại gần nhau hơn. Bởi vì trước đây, hai thứ tiếng này có thể hiểu lẫn nhau khá nhiều nhưng quy tắc chính tả có khác biệt do bị ảnh hưởng của Anh tại Malaysia và của Hà Lan tại Indonesia.

Năm 1996, Đức, Áo và Thụy Sĩ thống nhất tiến hành cải cách chính tả mà thay đổi lớn nhất chỉ là hạn chế dùng chữ ß trong một số trường hợp, điều chỉnh cách viết một số từ bằng cách thêm bớt ký tự, thay chữ này bằng chữ kia, tách một số từ phức... Thế mà sự chống đối cũng mạnh mẽ và phải kéo dài thành vài giai đoạn.
Tại Pháp, Viện Hàn lâm đã quyết định sửa đổi chính tả từ năm 1990 nhưng mãi đến năm ngoái mới thông báo sẽ đưa vào sách giáo khoa trong năm nay. Tất cả chỉ có chừng 2.400 từ bị thay đổi theo các kiểu thêm bớt dấu gạch nối, viết liền hay không viết liền, thay đổi cách viết số nhiều ở vài từ phức, bỏ dấu mũ (^) ở một số từ... 
Thay đổi táo bạo nhất có lẽ là đổi oignon (củ /cây hành) thành ognon. Thế nhưng, họ cũng không dám bỏ từ cũ mà cho tồn tại song song và không trừ điểm học sinh nếu viết theo kiểu cũ. Dân chúng ban đầu cũng không mấy ai để ý, cho đến khi trên kênh truyền hình TF1 xuất hiện dạng từ mới ognon. Thế là bão táp phản đối nổi lên.

Những sự việc trên cho thấy ngay cả những thay đổi ở mức độ từ ngữ, dấu chính tả cũng không được hoan nghênh, chưa nói đến những thay đổi động trời. 
Người dân các nước đó giờ đây bình tĩnh nhìn nhận một thực tế là không cần thiết phải làm cuộc đại giải phẫu triệt để thay thế chữ nọ bằng chữ kia theo hướng tối giản vì lợi bất cập hại.
Một khi kho dữ liệu văn bản đã quá lớn, thay đổi cấp tiến sẽ kéo theo chi phí tốn kém về thời gian và tiền bạc mà những tiện ích mới không thể bù đắp. Ngoài kho dữ liệu quá lớn, cải cách còn động chạm đến giấy tờ giao dịch, con dấu, thậm chí tiền tệ. Chưa kể ngoài thói quen ăn sâu ở người sử dụng, nó gây ra đứt gãy văn hóa, gây trở ngại cho việc tiếp cận văn bản cũ của các thế hệ sau.

Nguyễn Việt Long
* Đoạn đầu Truyện Kiều viết theo đề xuất của Nguyễn Bạt Tụy. 
* Nguyễn Việt Long đã hoạt động trong ngành xuất bản hơn 30 năm. Ông đã tham gia biên soạn một số từ điển chuyên ngành và dịch một số tác phẩm của S.Maugham, “ hàm cá mập” của P.Benchley và nhiều sách kiến thức khác

Thứ Tư, 20 tháng 12, 2017

Đường vẫn xa ... còn xa

Vẫn biết Hành thật khó
Từng bước một mình đi
Trên đường xa vạn lý
Còn đứng lại làm gì ?

Thứ Tư, 13 tháng 12, 2017

Đàn ông Sao Hoả , Đàn bà Sao Kim

" Người đàn ông và người đàn bà ...
Hai người đó không bao giờ giống nhau cả "
- John Gray -



ĐÀN ÔNG SAO HOẢ – ĐÀN BÀ SAO KIM
Không ít cô dâu, chú rể nét mặt ngời ngời hạnh phúc dắt nhau lên xe hoa với bao ước vọng tốt đẹp, để rồi sau một thời gian ngắn, họ lại chia tay với lý do rất đơn giản: “Không hợp nhau”. Vì sao lại như vậy?

Nhà tâm lý học người Mỹ John Gray, tác giả của cuốn sách “Đàn ông sao Hỏa, đàn bà sao Kim” cũng cho rằng: Sai lầm lớn nhất của nhiều người là chúng ta tưởng rằng để có sự hòa hợp, hai vợ chồng phải giống nhau. Chúng ta quên mất một điều cơ bản là, vợ chồng không phải hai người bạn cùng giới mà là hai người khác giới – người đàn ông và người đàn bà. Hai người đó không bao giờ giống nhau cả.
Chừng nào chúng ta nắm được đặc điểm tâm lý khác nhau của mỗi giới mới có thể hy vọng tìm thấy sự hòa hợp lứa đôi. Bởi vì hai người luôn suy nghĩ và hành động khác nhau, họ có những thói quen và sở thích khác nhau. Mong muốn người này giống người kia để hòa hợp nhau là ảo tưởng. Tốt hơn hết hãy xem họ khác nhau như thế nào để sống chung với sự khác nhau đó. Nghĩa là biết chấp nhận để hòa hợp với nhau.
Hôn nhân vốn là chuyện hệ trọng không dễ dàng của cả đời mỗi người. Yêu nhau đã khó, lấy được nhau cũng không dễ, sống được với nhau cả đời lại càng là một chặng đường gian nan. Yêu thì dễ, lấy nhau rồi như hai mảnh ghép phải thật khít với nhau. Rồi sẽ có cãi vã, có mâu thuẫn, điều chẳng thể tránh nổi. Những cuộc cãi vã luôn có thể khiến những cặp đôi buông tay nhau bất cứ lúc nào. Dù vậy hãy nên nhớ rằng, đã là vợ chồng thì phải nằm lòng những điều sau đây, để dẫu cãi nhau cũng chỉ để thấu hiểu và giữ nhau chặt hơn mà thôi.
Thứ nhất, hiểu được 3 mong muốn chủ yếu của chồng. Đó là: Được tôn trọng; Nhẹ nhàng, ôn hòa; Được ủng hộ, công nhận và thấu hiểu.
Thứ hai, hiểu được 3 nhu cầu thiết yếu của vợ. Đó là: Cảm giác an toàn; Lãng mạn; Được cưng chiều và dỗ dành. 
Thứ ba, hiểu được 3 vấn đề lớn không thể tách rời giữa vợ và chồng: Vấn đề kinh tế; Tình cảm; Giao tiếp.
Thứ tư, làm được 3 nhiều - 3 ít giữa vợ chồng: Quan tâm nhiều hơn về những thay đổi của đối phương; Khám phá nhiều hơn những ưu điểm của nhau; Nói nhiều hơn những lời tích cực; -  Ít than phiền; Ít đổ lỗi; Ít hiểu lầm.
Thứ năm, 4 điều cần hòa hợp khi chung sống giữa vợ chồng: Nhìn nhiều hơn về những ưu điểm của nhau; Đánh giá cao thế mạnh của nhau; Tha thứ nhiều hơn về những khuyết điểm của nhau; Bao dung tất cả những điểm yếu của nhau.
Thứ sáu, sau hôn nhân vẫn thường nói những lời âu yếm dịu dàng này với nhau: “Anh xin lỗi, anh sai rồi!”;  “Em tin anh!”; “Anh tự hào vì niềm kiêu hãnh của em!”; Và một lời không thể nào thiếu, đó chính là “Anh yêu em!”.
Thứ bảy, 4 điểm tương đồng vợ chồng cần cố gắng hòa hợp khi chung sống: Mục tiêu chung trong cuộc sống; Môi trường sinh hoạt chung trong cuộc sống; Chủ đề chung trong cuộc sống; Bạn bè chung trong cuộc sống.
Muốn gia đình được hạnh phúc, các cặp vợ chồng hãy luôn ghi nhớ rằng mọi chuyện trong gia đình không phân sai hay đúng, chỉ có hòa hợp và không hòa hợp với nhau.

* Nhà là nơi mang lại tình yêu thương và ấm áp, không phải là nơi giảng đạo lý. 

* Nhà là nơi tổ ấm và có linh hồn, hơi ấm và linh hồn của một căn nhà là do người phụ nữ nắm giữ.

* Sức mạnh vĩ đại nhất trên thế giới này là tình yêu thương, 

* Đôi khi, trong hôn nhân, không phải là ai đúng ai sai, mà chỉ là có giữ lấy nhau hay không mà thôi.

Thật ra, có khi những cuộc cãi vã sẽ chẳng rõ ràng rằng ai đúng ai sai, nhưng mong bạn có thể hiểu rằng, đúng sai đến một lúc sẽ không có ý nghĩa gì nếu bạn còn muốn giữ lấy bạn đời của mình. Hôm nay em nhận sai, ngày mai anh xin lỗi thì cũng đã là huề. Quan trọng vẫn là làm thế nào để ta có thể bao dung và giữ lấy nhau một đời.
Trong hôn nhân, không nhất thiết phải có người đúng kẻ sai, chỉ có người nắm, kẻ buông mà thôi. Vì vậy, đừng đặt quá nặng kết quả của những cuộc cãi vã. Hơn hết, hãy yêu thương, thấu hiểu và bao dung nhau nhiều hơn để giữ gìn hạnh phúc của cả hai vợ chồng, bạn nhé!

Bình Nhi
*Tranh Nhím vẽ 11.2017

Thứ Ba, 5 tháng 12, 2017

Hai điều không thể ...

 " Cái gì đang xẩy ra, đó là sự thật
Trong giây phút này, nếu tâm bạn bị xao lãng 
Đó cũng là sự thật, hãy chấp nhận nó "
- TS Munindra -


Đời người luôn có: 2 việc không thể đợi, 2 thứ không thể sợ, 2 điều không thể lựa chọn

Nhân gian vô thường, thế sự khó lường, vật đổi sao dời, con người cũng chỉ đang mò mẫm trong cõi nhân sinh. Đời người ngắn chẳng tày gang, vậy thì, có những chuyện nào không thể đợi, không thể sợ, không thể lựa chọn trong kiếp người?

Sinh mệnh như ngọn đèn trước gió, chẳng ai dám tự tin nói rằng ngày mai mình vẫn còn trên thế gian này hay không. Chỉ mới gặp hôm qua mà hôm nay choàng tỉnh, người ấy đã về cõi thiên cổ rồi. Chỉ trong chớp mắt mà âm dương cách biệt nghìn trùng. Thân xác tuy còn đây mà linh hồn đã về nơi xa lắm, vĩnh viễn chẳng có ngày gặp lại.
Vậy thì, có những chuyện nào không thể đợi, không thể sợ, không thể lựa chọn trong kiếp người?

Hai việc không thể đợi:
1. Hiếu kính cha mẹ
Trên đời này chuyện gì cũng có thể đợi, duy chỉ có việc hiếu kính cha mẹ là chẳng thể thong dong. Bởi lẽ: “Mẹ già như chuối chín cây, biết ngày nào rụng, biết ngày nào rơi!”; “Cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng, con muốn nuôi mà cha mẹ chẳng đợi”.
Còn nhớ khi xưa, chúng ta lẫm chẫm tập đi, ê a học nói, tới khi cắp sách đến trường, cha mẹ vẫn ngày ngày chăm bẵm, chẳng phút nào quên nghĩ về chúng ta. Còn nhớ ngày ấy, khi mẹ lệ trào khóe mắt, cha yên lặng nhìn xa xăm, cố kìm nén nỗi lòng tiễn đưa con gái về nhà chồng, rồi lại phấp phỏng lo lắng con gái của mẹ có hạnh phúc hay không? Còn nhớ ngày đó, cha mẹ cười rạng rỡ thi nhau đón lấy đứa con còn đỏ hỏn mà cưng nựng, mà vuốt ve. Còn nhớ bóng dáng cha mẹ tóc điểm bạc, lặng lẽ ngóng trông đàn con quây quần bên mâm cơm ngày Tết.
Có bước nào trên chặng đường con đi mà không chan chứa tình yêu vô bờ và tâm huyết mẹ cha? Chúng ta lớn lên từng ngày thì cha mẹ lại già đi từng ngày. Cứ mải miết với cuộc sống, bất chợt chúng ta phải nhói lòng khi nhận ra: Mỗi mùa xuân qua mái tóc cha mẹ lại thêm nhiều sợi bạc, khóe mắt lại thêm nhiều nếp nhăn, ánh mắt mờ đi và đôi chân chậm lại.
Ân tình dưỡng dục của cha mẹ như núi cao, như biển rộng sông dài. Có lẽ nào chúng ta lại để mặc cho công việc bận rộn và cuộc sống bộn bề kéo chúng ta rời xa cha mẹ? Có thể nào cha mẹ mãi ở đó trông ngóng từng cuộc điện thoại của chúng ta, khắc khoải chờ mong bóng con về? Vậy nên mới nói, việc hiếu kính, đền đáp ân tình sâu nặng của cha mẹ là việc chẳng thể nào xếp sau.
2. Giữ gìn sức khỏe
Con người cả đời mải miết chạy theo Danh, Lợi, Tình, Tiền mà quên mất vốn quý nhất của mình là Sức Khỏe. Tuổi trẻ thường dùng sức khoẻ đổi lấy tiền bạc, tới khi già lại dùng tiền bạc đổi lấy sức khoẻ. Bởi lẽ sức khỏe là cái gốc của chúng ta, không có sức khỏe thì dẫu tiền bạc như núi, danh vọng vang dội, tình yêu chan chứa, chúng ta cũng chẳng thể hưởng thụ và trải nghiệm niềm hạnh phúc ấy.
Có người nói rằng đợi đến khi có công việc tốt rồi sẽ chăm lo sức khỏe của bản thân. Đến khi có được công việc rồi, họ lại có những kế hoạch san sát phía sau như kết hôn, sinh con, nuôi con khôn lớn…
Nhưng bạn biết chăng, gánh nặng trên vai càng lớn thì càng phải coi trọng sức khỏe của bản thân hơn. Đừng hoang phí sinh mệnh của mình khi chúng ta vẫn còn trẻ trung, sung sức. Chỉ cần sức khỏe yếu đi thì trăm thứ bệnh tật sẽ lăm le ùa tới. Đến khi ấy, chúng ta thật khó có được những tháng ngày bình yên để tận hưởng hương sắc cuộc đời.
Vậy nên, nhân khi còn trẻ hãy chăm lo sức khỏe của bản thân nhiều hơn. Hãy ăn uống ngủ nghỉ điều độ, tạo cho mình những thói quen lành mạnh. Bắt đầu từ hôm nay hãy dậy sớm, cùng chạy bộ đón ánh bình minh, hay đánh cầu lông hít thở khí trời trong lành. Đặc biệt là hãy mở rộng tấm lòng bao dung, giữ cho mình một tâm thái tốt, mang đến hạnh phúc cho mọi người. Khi tâm hồn khoáng đạt, thư thái, thì sức khỏe cũng sẽ mỉm cười với bạn.

Hai thứ không thể sợ:
1. Cái chết
Đã sinh ra làm kiếp con người, thì dẫu là người quyền quý cao sang hay bần cùng túng thiếu, có ai mà không một lần “yên giấc nghìn thu”?
Vũ trụ rộng lớn mênh mang luôn mang theo quy luật “Thành, trụ, hoại, diệt” mà luân chuyển vạn vật trong cõi thế gian. Con người cũng chỉ ở trong vòng quay vĩ đại ấy mà thôi. Sinh lão bệnh tử đã là quy luật tự nhiên, chẳng thể thay đổi, thì chúng ta lo sợ nào có ích chi?
Chi bằng chúng ta hãy vui vẻ chấp nhận và thay đổi góc nhìn của mình về cuộc đời. Nếu ai cũng một lần phải rời xa cõi thế gian thì thay vì tiếc nuối, hãy trân quý từng phút giây chúng ta được sống. Đừng hoài phí tháng năm vào những trò chơi vô bổ, vào những thú vui tầm thường.
Hãy biến mỗi ngày thành một ngày có ý nghĩa và tràn ngập niềm vui; hãy lưu lại cho thế hệ sau những điều tốt đẹp. Nếu muốn sống mãi trên cuộc đời, thì hãy sống mãi trong lòng người; muốn sống mãi trong lòng người, thì cần phó xuất nhiều hơn, nghĩ tới người khác nhiều hơn. Chỉ có như vậy thì vào giây phút cuối cùng khi từ biệt cõi trần chúng ta mới không thảng thốt, cũng không tiếc nuối.
Nếu “chết” chỉ là cái cớ để trở về với đất mẹ yêu thương, trở về ngôi nhà chân chính của mình, thì chắc hẳn trong lòng chẳng có sợ hãi, mà chỉ còn lại yêu thương và hạnh phúc vô bờ.
2. Nỗi cô đơn
Chúng ta sinh ra đã sợ nỗi cô đơn. Khi còn thơ bé, chúng ta sợ phải ở nhà một mình, lúc nào cũng chỉ muốn sà vào lòng mẹ yêu thương. Lúc ấy chỉ cần thức giấc nhìn quanh không thấy bóng người, chúng ta lại òa khóc, mong một vòng tay đưa ra hay nghe thấy giọng nói của mẹ cha.
Khi cắp sách đến trường chúng ta lại vui cùng bè bạn, sợ cảm giác cô đơn, thui thủi một mình. Lớn lên, nỗi cô đơn đã thúc giục chúng ta tìm một nửa yêu thương của mình, cùng nhau vun vén một mái ấm hạnh phúc. Khi những đứa con tung cánh bay xa, chúng ta lại sợ phải một mình đối diện với nỗi cô đơn của tuổi già, chỉ mong có người bầu bạn, con cháu sum vầy.
Chúng ta trốn tránh sự cô đơn bằng cách tìm cho mình những mối quan hệ thân mật, nhóm nọ nhóm kia.
Nhưng có khi nào đang vui vầy cùng bè bạn, đứng giữa biển người mênh mang, chúng ta lại thấy lòng cô đơn đến lạ lùng? Như ánh mắt ai đó đang khắc khoải, như trái tim ai đó đang chờ mong chúng ta trở về? Chúng ta không nghe thấy hơi thở của họ, không nghe thấy nụ cười của họ, không nhìn thấy đôi mắt họ, nhưng chúng ta mơ hồ cảm nhận được họ bằng trái tim mình.
Trải nghiệm khác nhau trong cuộc sống của mỗi người tạo nên những suy nghĩ khác nhau và cảnh giới khác nhau. Mỗi người đều là tác phẩm độc nhất vô nhị của tạo hóa. Nên chăng sự khác biệt của mỗi người cũng là điều quá đỗi bình thường? Nếu mọi người không hiểu chúng ta, không tán đồng với ý kiến của chúng ta, thì cứ cười xòa cho xong chuyện. Những gì cần làm thì cứ bình tâm mà làm cho đến nơi đến chốn.
Điều thật kỳ lạ là những người tu luyện trên núi cao, rừng già, xung quanh chẳng một bóng người mà họ lại không hề thấy cô đơn. Phải chăng họ đã tìm được sợi dây liên hệ vô hình giữa mình và vũ trụ bao la này, nên mới sống an nhiên, tự tại đến vậy? Phải chăng khi con người tìm được chính Đạo, tìm được ý nghĩa chân chính của đời mình thì sẽ không còn cảm giác cô đơn ấy nữa? Chỉ còn lại trong họ tình yêu cuộc sống và trân quý những phút giây họ đặt chân trên thế gian này.

Hai điều không thể lựa chọn:
1. Xuất thân
Con người sinh ra ở đâu, sinh vào thời khắc nào cũng không thể tự mình lựa chọn. Có người sinh ra trong nhung lụa, được người người tung hô tán tụng. Nhưng cũng có người lại sinh ra trong cảnh bần hàn, khốn khó. Dường như hoàn cảnh thuận lợi sẽ giúp con người bay cao, bay xa hơn và có cuộc sống hạnh phúc hơn.
Nhưng cũng có câu rằng: “Thời thế tạo anh hùng”. Trong cảnh loạn lạc, khi vật đổi sao dời, cảnh đời rối ren lại thường xuất hiện những bậc vĩ nhân tế thế cứu đời. Hay như càng những ngày đông rét buốt thì những đóa hoa mai lại càng tươi tắn hơn.
Kỳ thực không ai chọn được xuất thân cho mình. Nhưng xuất thân tốt hay xấu cũng không quan trọng bằng tự tu dưỡng tâm tính và khí phách của bản thân. Hoàn cảnh càng gian khó lại càng là môi trường tốt để tôi luyện nên những bậc vĩ nhân và anh hùng lưu danh sử sách.
2. Vận may
Sống trên đời ai cũng mong muốn sẽ gặp nhiều may mắn, nhưng lại chẳng có ai lựa chọn được vận may cho mình. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể lựa chọn cách mình ứng phó như thế nào.
Khi gặp vận rủi, xin hãy nhẫn nại hơn một chút. Mỗi khi cánh cửa lớn khép lại, Thượng Đế sẽ ban cho bạn một cánh cửa sổ được mở ra. Ông Trời không tuyệt đường của ai bao giờ, sự việc cũng thường biến chuyển vào thời khắc cuối cùng. Vậy nên khi gặp vận rủi xin đừng quá thất vọng, gặp vận may cũng đừng quá đắc ý. Câu chuyện “Tái ông thất mã” vẫn còn nguyên vẹn giá trị đến tận ngày nay. Phúc họa khôn lường, thật giả, đúng sai thì cặp mắt phàm trần khó có thể nhìn thấu suốt. Chi bằng trầm tĩnh và cẩn trọng thì hơn.
Xưa có câu rằng: “Ở hiền gặp lành”; “Thiện ác hữu báo”. Muốn gặt may mắn ắt phải gieo duyên lành, bởi lẽ “người yêu nên phúc, người ghét nên họa”. Dẫu là họa hay là phúc, chỉ cần trong tâm mỗi người trước sau luôn giữ vững một ý niệm này: Ý nghĩa của đời người là ở sự phó xuất, là ở việc cho đi, chứ không phải nhận lại, cũng không phải là giành giật, bon chen.
Dẫu không có sức mạnh xoay chuyển cả ngọn núi, nhưng chúng ta vẫn có thể di chuyển tới góc độ phù hợp với bản thân mình. Cuộc sống có nhiều điều không thể lựa chọn, nhưng chúng ta lại có thể thay đổi tâm thái của mình, biến buồn thành vui, biến nguy thành an, biến điều nhạt nhẽo thành sự thú vị.

Minh Nguyệt

Chủ Nhật, 3 tháng 12, 2017

Tuệ tri

Ở Ấn Độ xa xưa, có một vị thầy thuộc đẳng cấp Bà La Môn rất nghèo nhưng lại có rất nhiều đệ tử. Một ngày, vị thầy dạy các đệ tử rằng : khi những người Bà la Môn trở nên nghèo khó thì có quyền ăn cắp và yêu cầu các đệ tử đi ra ngoài ăn trộm. Ông nói :
“ là những người được Trời Brahma - đấng sáng tạo của thế giới – yêu quý, thì đối với một người Bà la môn, việc ăn cắp không xấu xa ”
Trong số những đệ tử sắp lên đường đi ăn cắp thì có một đệ tử đứng im lặng cúi đầu xuống và rồi không chịu đi. Vị thầy Bà la môn hỏi anh ta tại sao không đi. Người học trò nói:
 “Điều thầy dạy chúng con bây giờ trái nghịch với Pháp, vì vậy con không nghĩ rằng con có thể làm được điều đó ". 
Lời nói này làm vui lòng người Bà la môn, ông nói:
 “Ta đã trắc nghiệm các con. Mặc dù các con đều là đệ tử của ta và trung thành với ta, nhưng sự khác biệt giữa các con là sự phán đoán. Ta là thầy của các con, nhưng các con phải xem xét lời chỉ dạy của ta, và bất kỳ lúc nào lời chỉ dạy chống trái với Pháp thì các con chớ nên theo”

-st-