Thứ Năm, 31 tháng 8, 2017

Bishnoi - bộ tộc hơn 500 năm qua không ăn thịt


Hơn 500 năm qua, bộ tộc người Bishnoi, Ấn Độ đã không săn bắt và giết thịt các loài động vật, kể cả vật nuôi hay hoang dã. Bao đời nay, họ vẫn duy trì cuộc sống giản dị, thân thiện với muôn loài… 

Trong những điều luật của bộ tộc người Bishnoi, Ấn Độ, có một điều luật nghiêm cấm việc săn bắt và giết thịt các loài động vật, kể cả vật nuôi hay hoang dã.
Từ hàng trăm năm nay, người Bishnoi ở Ấn Độ vẫn trung thành với những giáo luật nghiêm khắc của bộ tộc. Họ không chặt hạ những cây đang sống và không ăn thịt động vật. Họ luôn sẵn sàng cứu giúp những con vật bị thương. Thậm chí, phụ nữ Bishnoi còn nuôi những con thú non bằng chính bầu sữa của mình.
Bishnoi là tộc người sinh sống tại vùng sa mạc Thar, bang Rajasthan, miền Tây Ấn Độ. Trong tiếng bản địa, “bish” có nghĩa là 20, “noi” có nghĩa là 9. Bởi vậy, Bishnoi có nghĩa là 29. Cái tên Bishnoi tượng trưng cho 29 điều luật mà các thành viên trong bộ tộc này phải tuân thủ, trong đó có 20 điều luật theo Hindu giáo và 9 điều luật theo Hồi giáo. Theo những bô lão trong bộ tộc, vị đạo sư Jhambheshwar đã đặt ra những luật lệ này vào khoảng 540 năm về trước.
Theo truyền thuyết, khi đang ngồi thiền dưới gốc cây ở ngôi làng Jhamba, vị đạo sư này đã giác ngộ. Ông cũng là người đã tìm ra nguồn nước giúp những người dân ở ngôi làng Jhamba thoát khỏi cảnh hạn hán sau hơn 20 năm.
Tận mắt chứng kiến cuộc sống khó khăn của người dân trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt ở sa mạc, cộng với nguy cơ từ những cuộc chiến tranh do phân biệt tôn giáo và chủng tộc, vị đạo sư Jhambheshwar đã nung nấu việc xây dựng một xã hội hòa bình.
Trong đó, con người không chỉ chung sống hòa thuận với nhau mà còn với muôn loài. Đạo sư đã thành lập một cộng đồng người, sống theo những quy tắc mà ông đặt ra để không làm tổn hại đến nhau và những loài muông thú, cây cỏ. Xã hội đó chính là tiền thân của bộ tộc người Bishnoi hiện nay và rất nhiều những điều luật do đạo sư đặt ra vẫn được bộ tộc này tuân thủ.
Cuộc sống của người dân ở đây hết sức giản dị. Phụ nữ Bishnoi thường mặc bộ đồ sáng màu, đeo khuyên mũi và các loại trang sức. Còn đàn ông thường mặc quần áo màu trắng, màu sắc tượng trưng cho sự đơn giản và khiêm tốn. Người Bishnoi sống bằng nông nghiệp. Khi một cặp vợ chồng mới lấy nhau, họ phải tự tạo dựng cuộc sống của mình với hai bàn tay trắng trên mảnh đất cằn cỗi. Họ sẽ đào giếng để lấy nước trồng lương thực và các loại rau củ khác.
Với tộc người Bishnoi, phụ nữ sẽ có nhiệm vụ quản lý ngân sách của gia đình, còn công việc kiếm sống nuôi gia đình là trách nhiệm của đàn ông.
Người Bishnoi thường sống trong xóm nhỏ được gọi là Dhannis. Mặc dù gọi là xóm nhưng đó chỉ là vài túp lều tròn với mái tranh, “tường” bao quanh được làm từ bùn đất.
Một điều đặc biệt là người Bishnoi chỉ ăn những gì do họ tự trồng được và không bao giờ ăn thịt. Trong những điều luật của bộ tộc này, có một điều luật nghiêm cấm việc săn bắt và giết thịt các loài động vật, kể cả vật nuôi hay hoang dã.
Ngay từ khi còn nhỏ, những đứa trẻ đã dạy cách không được làm đau hay sát hại động vật. Người Bishnoi còn sẵn sàng chia sẻ nguồn lương thực ít ỏi của mình với những loài động vật trên vùng đất sa mạc cằn cỗi. Những bát nước và các loại ngũ cốc hay rau củ được đặt rải rác khắp các con đường trong làng và ven bìa rừng, để những con thú có thể tự do đến ăn.
Người Bishnoi cũng luôn ra tay cứu giúp những con vật bị thương. Họ đem chúng về và giao cho những thầy tu chữa trị trước khi thả chúng về với tự nhiên. Những người phụ nữ Bishnoi cũng sẵn sàng nuôi dưỡng những con thú non bị bỏ rơi như hươu, nai hay linh dương. Họ cho những con thú này bú chung dòng sữa với con của mình. Bởi vậy, trong những ngôi làng của tộc người này, hình ảnh những con thú mải mê bú sữa của những người phụ nữ đã không còn xa lạ. Khi những con thú lớn lên, chúng lại trở thành những người bạn thân thiết của những đứa trẻ.
Ngoài trồng trọt, người Bishnoi còn chăn nuôi thêm một số loại gia súc như bò và dê để lấy sữa. Khi những con vật này già yếu, họ vẫn tiếp tục nuôi dưỡng chúng mà không hề giết thịt, cho đến khi chúng chết một cách tự nhiên.
Ngoài việc đối xử tốt và không giết hại các loài động vật, người Bishnoi cũng có những quy định về cách đối xử với các loài thực vật. Họ không bao giờ chặt hay nhổ cây đang sống, cho dù để lấy gỗ làm vật liệu xây dựng hay củi đốt. Người Bishnoi chỉ chặt những cây đã chết hoặc cành cây khô để làm củi, phục vụ cho việc bếp núc.
Nếu không kiếm đủ củi, họ sẽ thu lượm phân trâu bò, phơi khô để làm chất đốt, chứ tuyệt đối không chặt cây rừng.Năm 1847, khi quân đội của Đức vua đến khu rừng của những người Bishnoi để chặt cây, lấy gỗ xây cung điện, những người Bishnoi đã kiên quyết bảo vệ cánh rừng của mình. Họ không chống đối bằng bạo lực, mà chỉ kêu gọi quân lính hoàng gia hãy dừng việc chặt rừng. Cuối cùng, 363 người Bishnoi đã bị giết chết khi nỗ lực cứu cánh rừng.
Đã hơn 500 năm nay, người Bishnoi vẫn duy trì cuộc sống thuần nông giản dị, thân thiện với muôn loài. Người Bishnoi cho biết, họ hài lòng với cuộc sống bao đời nay của dân tộc mình. Trong khi ở nhiều nơi, những cánh rừng bị đốn hạ, một số loài động vật bị săn bắn đến tuyệt chủng, thì người Bishnoi đang chứng minh cho thế giới thấy con người hoàn toàn có thể chung sống hòa thuận với thiên nhiên.
theo Tinh Hoa

Đưa em về dưới mưa


Đưa Em về dưới mưa
...
Nói năng chi cũng thừa
...
...

Thứ Ba, 29 tháng 8, 2017

Tránh đừng động vào cây mùa lá rụng


“Tránh đừng động vào cây mùa lá rụng
Nhắc suốt đường cũng chỉ bấy nhiêu thôi”


Tránh đừng động vào cây mùa lá rụng


Có bao giờ bạn mất ngủ một đêm nào đó 
vì có ai đó vừa vô tình làm tổn thương trái tim bạn 
hoặc vì bạn nhận ra rằng mình vừa vô tình làm tổn thương một ai đó …

Một ngày nào đó ngồi nhìn lại, bỗng dưng bạn nhận ra rằng đã không ít lần mình là thủ phạm, hoặc là nạn nhân của những lần “vô tình” như thế. Và phần lớn mọi phiền muộn, đau buồn trong cuộc sống này không đến từ một kẻ xấu xa ác độc nào đó, mà là do chúng ta vô tình gây ra cho nhau.

Một anh bạn của tôi kể rằng, anh từng đánh mất một cộng sự tốt nhất mà anh từng có chỉ vì một câu nói duy nhất trong một cơn nóng giận. Người cộng sự của anh vốn chỉ là một công nhân trong xưởng và học chưa hết cấp ba. Chính anh đã phát hiện ra người đó và đào tạo, cất nhắc lên thành trợ lý của anh. Rồi một lần, người cộng sự ấy phạm phải một lỗi khá nặng, và trong cơn nóng giận, anh đã quát lên: “Thật phí công anh mang em từ dưới xưởng lên đây!”

Anh bảo với tôi, trước đó đã có nhiều lần anh còn nóng giận hơn thế, to tiếng hơn thế; rồi sau đó khi bình tĩnh lại, anh cũng đã xin lỗi và giải thích lại để người cộng sự ấy hiểu, nhưng không hiểu vì sao anh ta vẫn nhất quyết ra đi, cho dù vị trí và thu nhập mà anh ta đang có ở chỗ anh không phải là dễ tìm ở những nơi khác. Có lẽ, điều anh không hiểu được là tất cả những thứ ấy sẽ có nghĩa lý gì nếu như trong mắt anh, người ấy vẫn là một công nhân dưới xưởng …

Có bao nhiêu lần, chúng ta đã vô tình làm tổn thương người mình yêu quý chỉ vì một phút nóng giận như thế?
vì những ghen tuông, ích kỷ
vì cái tôi, vì sự kiêu hãnh
vì hứa hẹn thật nhiều yêu thương với họ, nhưng rồi lại hành xử như một kẻ vô tâm
vì vô tâm mà chạm đến những vết thương thầm kín trong lòng họ
“Tránh đừng động vào cây mùa lá rụng
Nhắc suốt đường cũng chỉ bấy nhiêu thôi”

Hình như mẹ tôi, hay ai đó (hay tự tôi đã đọc được ở đâu đó, tôi không nhớ rõ nữa) đã nói với tôi về hai câu thơ này trong bài “Mùa lá rụng” của Olga Berggholz. Ở Matxcơva, thời của Olga vào những năm 1930, vào mùa thu sẽ thấy những tấm biển treo trên các đại lộ : “Tránh đừng động vào cây, mùa lá rụng”. Chao ôi, sao mà tinh tế... Cây mùa lá rụng vốn đã mỏng manh, yếu đuối, chạm vào chi để lá rơi thêm nhiều. Người Nga cũng thường hay nói : “Đừng rắc muối lên những vết thương lòng”, bởi tâm hồn mỗi người cũng mong manh như lá mùa thu vậy, nếu có thể tránh cho nhau những lay động không cần thiết thì tốt biết bao nhiêu?

Chỉ bấy nhiêu thôi, nhưng nhắc hoài mà vẫn hay quên, mà lại thường quên những khi cần phải nhớ …

May mà lòng người vẫn còn đó những tha thứ, bao dung.

T'blog
*Nguồn ảnh : Véronique Faure

Thứ Năm, 24 tháng 8, 2017

Yên tĩnh



Mặt trời trưa đã quá đỉnh đầu
Vách đá chắn ngang điều muốn nói
Em ru gì cho đá núi
Đá núi trụi trần vết tạc của thời gian

Em ru gì cho dòng sông
Dòng sông chẳng khi nào ngừng lặng
Sóng cuộn lên nỗi khát khao vô bờ
Sóng rất biết nơi mình đi và đến

Em ru gì cho anh
Mặt trời linh thiêng mặt trời giông tố
Đã mệt mỏi rồi đã bao nỗi âu lo
Trên gương mặt anh hằn lên nỗi khổ
Khiến câu hát cất lên bỗng tắt nửa chừng

Em yêu anh như yêu cuộc đời cực nhọc
Có tuổi thơ em buồn bã dịu dàng
Sáng lung linh vầng ánh sáng thiên thần
Niềm hạnh phúc muôn đời có thật

Xin đừng trách em nhiều
Cũng xin đừng day dứt
Cây lá có rơi nhiều xin đừng hỏi mùa thu
Lặng nghe anh
Yên tĩnh – lời ru.


Giáng Vân

Thứ Năm, 17 tháng 8, 2017

Không oán trách



Hoa sen ấm ức hỏi Thượng Đế:
-    “Con đem hương thơm thấm tận tim gan của con, bộ mặt đẹp đẽ của con cho người thưởng thức, thân rễ dành để cho người làm thức ăn, nhuỵ hoa có thể dùng làm thuốc. Con đem cuộc đời của con ra cống hiến mà không giữ lại một chút gì cả, Ngài còn muốn con như thế nào nữa chứ?”   
Thượng Đế trả lời :
-    “Ta muốn con ... không oán trách”.

- ! ! !

Hạnh Lâm Tử
Nhân Tài biên dịch
Trích " truyện ngụ ngôn cho thời hiện nay - đồng thoại dành cho người lớn "