Thứ Ba, 11 tháng 7, 2017

Chu Tử Gia Huấn


“ Không bước từng bước chân, Không thể đi ngàn dặm”
- Tuân Tử -



CHU TỬ TRỊ GIA CÁCH NGÔN

1. Bình minh liền dậy, quét dọn sân nhà, phải trong ngoài sạch gọn. Hoàng hôn thì nghỉ, khóa hết cửa cổng, cần tự mình kiểm điểm. 
2. Bát cơm bát cháo, nên nghĩ có được không dễ. Sợi tơ mảnh vải, luôn nhớ vật lực gian nan. Nên chưa mưa thì thu lụa, đừng đến khát mới đào giếng. Cuộc sống cần phải tiết kiệm, làm khách chớ có lưu luyến.
3. Đồ dùng bền mà sạch, gốm sành hơn vàng bạc. Ăn uống kiệm lại tinh, rau vườn hơn yến tiệc. Đừng xây nhà đẹp, đừng kiếm ruộng hay. Tì đẹp thiếp xinh, chẳng phải phúc nơi khuê phòng.
4. Con cháu dù ngốc, kinh sách không thể không đọc. Ăn ở cần phải thuần phác, dạy con phải có cách hay.
5. Đừng tham của cải trời cho, đừng uống rượu chè quá lượng. Kinh doanh làm ăn chung, đừng chiếm phần hơn. Thấy người thân quen nghèo khổ, thì nên trợ giúp. Bạc bẽo mà làm giàu, tất chẳng được lâu. Luân thường chẳng giữ, liền thấy tiêu vong trước mắt. 
6. Anh em chú cháu, nên chia người nghèo phần hơn. Già trẻ nội ngoại, cần giữ tôn ti, phép tắc. Trọng tiền tài, nhẹ mẹ cha, thì không xứng làm con.
7. Gả con chọn rể tốt, chớ đòi lễ hậu. Cưới dâu kiếm thục hiền, đừng tính hồi môn. Thấy phú quý mà sinh xiểm nịnh, là người vô sỉ nhất. Gặp bần cùng mà tỏ kiêu ngạo, ấy chuyện đê tiện thay. 
8. Xử thế tránh đa ngôn, nói nhiều lỡ miệng. Chớ cậy thế mà chèn ép kẻ thế cô, đừng tham miệng mà tàn sát loài muông thú. Cố chấp bảo thủ, hối hận ắt nhiều. Biếng nhác ủy mị, đạo nhà khó giữ. 
9. Gặp việc liền cãi tranh, làm sao biết là mình cũng có chỗ sai? Gia ân đừng nhớ, chịu ân chớ quên.
10. Làm việc gì cũng để có chỗ lùi, đắc ý mấy cũng nên biết điểm dừng. Người khác có chuyện vui, chớ sinh lòng đố kỵ. Người khác có họa hoạn, đừng có ý mừng vui. Làm việc thiện mà muốn người biết, chẳng phải thực là thiện. Làm chuyện ác còn sợ người khác hay, cũng chính ắt là đại ác.
11. Trong nhà hòa thuận, tuy bữa đói bữa no, vẫn thừa niềm vui. Thuế khóa hoàn thành, tuy trong túi chẳng dư, tự mình an lạc.
12. Đọc sách noi chí thánh hiền, làm quan tận tâm giúp nước. An phận thủ mệnh, thuận mệnh theo trời. Làm được như thế, chính là đã đến gần kề với Đạo vậy. 

Mười hai câu cách ngôn trên, có thể đối với nhiều người đã trở nên quá quen thuộc. Tuy nhiên, nói dễ nhưng chưa hẳn làm đã dễ. Để làm một người tốt, để sống một cuộc đời an vui, quả thực cần phải chú tâm từ những việc tưởng chừng nhỏ nhặt như vậy! 


Chu Dụng Thuần 
Hải Sơn biên dịch
* " Chu Tử trị gia cách ngôn” còn có các tên gọi khác là “Chu Tử Gia Huấn” do Chu Dụng Thuần (1617 – 1688) thời Minh mạt Thanh sơ, tự Trí Nhất, hào Bách Lư, người Giang Tô biên soạn. Ông viết thành từng câu dưới dạng đối theo thể Phú, lập thành một thiên về gia huấn cách ngôn.
“Chu Tử trị gia cách ngôn” lấy “Tu thân”, “Tề gia” làm tôn chỉ, tập hợp tinh hoa các phương pháp đối nhân xử thế của Nho gia, tư tưởng cắm rễ sâu bền, hàm nghĩa rộng lớn sâu sắc. 
Đại ý xuyên suốt của những câu cách ngôn, châm ngôn này là khuyên mọi người: “Cần kiệm trì gia, an phận thủ kỷ“, chính là cần kiệm giữ gìn gia phong, an phận thủ thân và chú trọng luân thường đạo lý.
Bởi thế mà tư tưởng đạo đức truyền thống phương Đông mấy nghìn năm được biểu đạt dưới hình thức các câu danh ngôn đầy tính giáo dục, có thể truyền miệng giáo huấn, cũng có thể viết thành hoành phi, câu đối treo trên cổng. Với con người hiện đại, nó cũng được coi là cẩm nang quản trị gia đình, giáo dục con cái vô cùng quý giá. 
Thời bấy giờ, các quan lại, thân sĩ, con em gia đình có học thức rất thích bàn luận về tập sách cách ngôn này. Từ khi ra đời đến nay, nó cũng được lưu truyền rộng rãi, được các sĩ phu gọi là “Trị gia chi kinh” (Kinh sách quản trị gia đình), là một trong những bộ sách giáo dục trẻ em truyền thống của các nước phương Đông. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét